Quân phiệt Nhật Bản trong kế hoạch bành trướng, làm chủ Châu Á đã chọn Đông Dương làm căn cứ chiến lược. Dưới nhãn quan của người Nhật, Đông Dương là vị trí đặc biệt quan trọng trong nỗ lực tiến hành chiến tranh ở Châu Á. Vì vậy, ngay từ đầu chính giới Nhật tìm mọi cách nắm giữ cho được vị trí này. Ngoài ra, Đông Dương còn là nơi cung cấp tiềm lực cho chiến tranh của Nhật ở Châu Á – Thái Bình Dương. Nhìn dưới góc độ địa – chính trị, sự kiện Nhật đảo chính Pháp trên toàn cõi Đông Dương vào đêm 9/3/1945 và dựng lên một chính phủ thân Nhật nhằm độc chiếm xứ này hoàn toàn nằm trong tính toán của chính giới Nhật.
I. TÌNH TRẠNG VIỆT NAM, THÁNG 3-4/ 1945
Ngày 9/3/1945 được ghi trong lịch sử là thời điểm quân đội Nhật Bản lật đổ toàn bộ chính quyền thuộc địa ở Đông Dương do người Pháp xây dựng hơn 80 năm. Việc Nhật thanh trừng người Pháp và ban cho Bảo Đại “độc lập có điều kiện” xảy ra trong một giai đoạn cực kỳ khó khăn, khiến sự ủng hộ của quốc dân bị giảm sút.
Thứ nhất, thật rõ ràng là Nhật đang thua trận. Trong khi đó, chính phủ Charles de Gaulle tại Paris dồn mọi nỗ lực tái chiếm Đông Dương.
Thứ nữa, sau tuyên ngôn độc lập ngày 11/3 của Bảo Đại, phe thân Pháp mở một loạt chiến dịch tuyên truyền gây nghi ngờ và chia rẽ giữa các tổ chức chính trị và giai tầng xã hội Việt. Chiến dịch tuyên truyền này gia tăng cường độ trong mùa hè 1945, khi Hoàng tử Vĩnh San được đưa từ Réunion qua Paris trong “kế hoạch bí mật” về Đông Dương của de Gaulle.
Trong khi đó, Việt Nam tiến gần hơn tình trạng vô chính phủ, nổi bật với ba hiện tượng là cơn sốt độc lập, nạn đói 1944-1945, và sự thắng thế của Mặt trận Việt Minh.
II. LỰA CHỌN QUÂN BÀI
A. Phương án Cường Để – Ngô Đình Diệm
Các nhóm thân Nhật tại Việt Nam chẳng coi trọng gì Bảo Đại. Thực ra, quyết định duy trì Bảo Đại của Nhật khiến mọi người đều ngạc nhiên, kể cả chính Bảo Đại. Nước Nhật đã từng cho Hoàng Thân Cường Để (1882-1951), bác họ của Bảo Đại và thuộc dòng trưởng của vua Gia Long, tị nạn nhiều thập niên. Năm 1939, Nhật khuyến khích Cường Để thành lập Việt Nam Phục Quốc Đồng Minh Hội, thường gọi tắt là Phục Quốc. Tổng Hành Dinh Lộ Quân Miền Nam của Nhật tại Quảng Châu cũng từng tổ chức Việt Kiều tị nạn ở Trung Hoa thành một lực lượng võ trang, với khoảng 2.000 Việt Nam Kiến Quốc Quân, được trang bị từ 300 tới 400 vũ khí và giao cho Trần Phước An (bí danh Shibata) cùng Trần Trung Lập, hai cộng sự viên thân cận của Cường Để, chỉ huy. Tháng 9/1940, Kiến Quốc Quân đã theo Sư đoàn 5 Ngự Lâm Quân Nhật tấn công chiếm Lạng Sơn, một tỉnh sát ranh giới Hoa-Việt. Tháng 10/1940, sau khi Decoux chấp thuận cho quân Nhật đồn trú phía bắc Bắc Kỳ, Sư đoàn 5 Ngự Lâm Quân triệt thoái khỏi Lạng Sơn. Trần Trung Lập định duy trì vùng đã giải phóng được, nhưng bị quân Pháp đánh bại. Lập bị bắt và xử tử vào tháng 12/1940.
Tuy nhiên, việc Nhật bỏ rơi Kiến Quốc Quân hay hợp tác với chính quyền Pháp trong thế chiến thứ II không đủ ngăn cản một số người Việt tham gia tổ chức Phục Quốc của Cường Để. Không đủ khả năng rời nước, bị Cảnh sát Pháp truy lùng, và do áp lực kinh tế, số người Việt trên xin hợp tác với Nhật để đổi lấy sự an toàn và miếng ăn. Sau 1943, người Nhật bắt đầu đánh bóng Cường Để trở lại và tăng cường sức mạnh của Phục Quốc tại nội địa.
Tháng 2/1943, Vũ Đình Dy được Hiến Binh (Kempeitai) Nhật đưa qua Tokyo để tổ chức Ủy ban Kiến Quốc, một loại chính phủ phôi thai dưới trướng Cường Để. Đồng thời, tại nội địa Việt Nam, người Nhật khuyến khích các đoàn thể tham gia tổ chức của Cường Để. Trong số này có các nhóm Đại Việt ở miền Bắc, nhóm Đại Việt Phục Hưng (Ki-tô giáo) do Ngô Đình Diệm và các anh em cầm đầu ở miền Trung, cùng các giáo phái và những nhóm tự nhận là Đệ tứ Cộng sản (Trốt-kít) miền Nam.
Tháng 7/1943, một nhân vật Nhật Bản có uy tín là Tướng Matsui Iwane tuyên bố tại Sài Gòn rằng ông ta là bạn Cường Để và, “Tốt nhất là người Pháp nên rời Đông Dương một cách êm ả; bằng không, họ sẽ thấy người Nhật hành động”. Ảnh hưởng cá nhân Matsui tại Nhật ra sao đi nữa, vào tháng 1/1945 người Nhật đã quy tụ khá nhiều người Việt đủ để điều hành một nước Việt Nam độc lập dưới quyền Cường Để, với Diệm làm Thủ Tướng.
Cuối năm 1944, khi chuẩn bị kế hoạch Meigo (2) để lật đổ chế độ thân Vichy Decoux, Hiến binh Nhật dự trù Diệm sẽ trở thành Thủ tướng. Tuy nhiên, tình hình đổi thay mau chóng. Tướng Tsuchihashi Yuitsu, Tư lệnh Quân đoàn 38 lực lượng trách nhiệm phòng thủ Ðông Dương chống lại cuộc đổ quân Ðồng Minh dồn mọi nỗ lực cho mục tiêu quân sự hơn chính trị, không muốn đưa Cường Để lên ngôi, có lẽ hy vọng lợi dụng tối đa hệ thống hành chính hiện hữu. Khi bị Tokyo áp lực nhận Cường Để hồi hương, Tsuchihashi nóng giận tuyên bố với các thuộc hạ: “Cứ đưa hắn về đây. Ta sẽ lập tức tống cổ hắn ra Côn Đảo”.
Quyết định này cùng với những yếu tố khác, như kế hoạch hậu chiến của các đại cường, sự phân hóa giữa các đảng phái và phe nhóm, và bầu không khí hỗn loạn tạo nên một cuộc khủng hoảng chính phủ ở Huế. Trong tháng 3/1945, như đã lược nhắc, Bảo Đại hai lần gửi điện mời Diệm lập chính phủ, nhưng không thấy hồi âm. Mãi sau này Yokoyama mới cho Bảo Đại biết rằng người Nhật không muốn chọn Diệm.
B. Phương án Bảo Đại – Trần Trọng Kim
Yếu tố tận dụng sức mạnh người bản xứ đang có mặt trong nước của quan tướng Nhật cho trận đánh cuối cùng mới là yếu tố chủ động. Lá bài Cường Để, cũng như Ngô Đình Diệm đã bị loại bỏ trước khi phát động chiến dịch Meigo. Thay vào đó, Nhật chọn phương án Bảo Đại cùng Trần Trọng Kim (1883-1952), một học giả nổi danh và cũng là nhà giáo, lúc ấy đã được Nhật đưa sang Singapore, dưới sự che chở của Nhật.
Trần Trọng Kim, sinh năm 1883 tại làng Kiều Linh, xã Đan Phố, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Ông xuất thân trong một gia đình Nho giáo, từ nhỏ ông học chữ Hán. Vào năm 1897, ông theo học tại Trường Pháp-Việt Nam Định và học chữ Pháp. Năm 1900, ông thi đỗ vào Trường Thông ngôn và tốt nghiệp năm 1903. Năm 1904, ông làm Thông sự ở Ninh Bình. Năm 1905, ông qua Pháp học trường Thương mại ở Lyon.
Năm 1911 về nước, ông lần lượt dạy Trường trung học Bảo hộ (Trường Bưởi), Trường Hậu bổ và Trường nam Sư phạm. Ông là nhà sư phạm mẫu mực, có uy tín trong xã hội, giữ nhiều chức vụ trong ngành giáo dục thời Pháp thuộc như: Thanh tra Tiểu học (1921), Trưởng ban Soạn thảo Sách Giáo khoa Tiểu học (1924), dạy Trường Sư phạm thực hành 1931, Giám đốc các trường nam tiểu học tại Hà Nội (1939). Ông là tác giả của nhiều cuốn sách về lịch sử, văn hóa như Việt Nam sử lược, Việt Nam văn phạm, Nho giáo…
Lấy cớ là để bảo vệ ông thoát khỏi sự rình rập bắt bớ của mật thám Pháp, tháng 01-1944, Nhật đã dàn cảnh để lừa Trần Trọng Kim đưa đi tránh mặt ở Singapore để chuẩn bị cho một mưu đồ tương lai, đã được kể rõ trong tập hồi ký “Một cơn gió bụi”(3).
Tại Singapore, Trần Trọng Kim và Dương Bá Trạc gặp Đặng Văn Ký và Trần Văn Ân – hai lãnh tụ của Phục Quốc đã được tình báo Nhật đưa sang từ trước. Cả bốn người nhập vào cùng một nhóm, sinh sống và hoạt động ở đó cho tới đầu năm 1945 dưới sự che chở và chu cấp của người Nhật.
Trong hồi ký, Trần Trọng Kim viết: “Từ khi chúng tôi vào ở khách sạn Nhật Bản ở Hà Nội cho đến khi sang tới Chiêu Nam đảo (Singapore), trong óc chúng tôi tính toán dự định bao nhiêu công việc phải làm, nào báo chí, nào ủy ban này, ủy ban nọ. Hễ lúc nào trong óc nảy ra một ý tưởng gì, thì tưởng như thấy sự thực đã hiện ra trước mắt rồi”. Rõ ràng là ngay từ đầu Trần Trọng Kim đã hiểu ý đồ của người Nhật nên tự mình lên kế hoạch cho những toan tính chính trị trong trường hợp người Nhật sử dụng mình.
Trong quá trình tiếp xúc với các đại diện Nhật Bản ở Singapore và những nơi khác, Trần Trọng Kim đã được người Nhật tìm cách thuyết phục, vận động để gieo cho ông mầm mống hy vọng về tương lai độc lập, canh tân xứ sở dưới sự bảo trợ của họ. Do vậy có thể khẳng định rằng ngay từ khi mới dấn thân vào con đường hoạt động chính trị, Trần Trọng Kim đã trở thành con bài bí mật mà tình báo quân đội Nhật chuẩn bị cho phương án dùng người bản xứ cai trị Việt Nam sau khi lật đổ Pháp. Dù sao, mưu đồ của Nhật cũng đã quá rõ, không mấy cần phải có thêm tài liệu để chứng minh.
Giáp ngày Nhật đảo chính Pháp. Nhật bí mật đưa Trần Trọng Kim về Thái Lan. Ngày 30/3/1945, Nhật cho người bố trí đưa Trần Trọng Kim từ Bangkok về Sài Gòn, lấy cớ Tư lệnh bộ ở Sài Gòn mời về để “hỏi việc gì về lịch sử”. Đến nơi viên trung tướng tham mưu trưởng thuộc Bộ tư lệnh Nhật mới cho hay Phạm Quỳnh và các thượng thư cũ đã từ chức, vua Bảo Đại mời ông cùng với các ông Hoàng Trọng Phu, Vũ Ngọc Oánh, Trịnh Bá Bích, Hoàng Xuân Hãn, Cao Xuân Cẩm về Huế hỏi ý kiến.
Ngày 02/4/1945, Nhật bố trí cho Trần Trọng Kim đáp xe lửa ra Huế. 19 giờ rưỡi ngày 5/4 xe lửa đến Huế. Ngày 07/4/1945, Trần Trọng Kim vào yết kiến Bảo Đại. Và rồi theo kịch bản của Nhật, nội các của Đế quốc Việt Nam ra đời vào ngày 17/4/1945. Nó bao gồm phần lớn là những nhà trí thức, chuyên môn mà trước đó không nằm trong các đảng phái nào. Thành phần nội các bao gồm:
– Trần Trọng Kim, giáo sư, Thủ tướng
– Trần Ðình Nam, y sĩ, Bộ trưởng Nội vụ
– Trần Văn Chương, luật sư, Bộ trưởng Ngoại giao
– Trịnh Ðình Thảo, luật sư, Bộ trưởng Tư pháp
– Hoàng Xuân Hãn, toán học thạc sĩ, Bộ trưởng Giáo dục và Mỹ nghệ
– Vũ Văn Hiền, luật sư, Bộ trưởng Tài chính
– Phan Anh, luật sư, Bộ trưởng Thanh niên
– Lưu Văn Lang, kỹ sư, Bộ trưởng Công chính
– Vũ Ngọc Anh, y khoa bác sĩ, Bộ trưởng Y tế
– Hồ Bá Khanh, y khoa bác sĩ, Bộ trưởng Kinh tế
– Nguyễn Hữu Thí, cựu y sĩ, Bộ trưởng Tiếp tế
Việc đưa Trần Trọng Kim đứng ra lập nội các cho Bảo Đại trước sau đều do người Nhật đạo diễn một cách khéo léo. Được cái, cả họ và vua Bảo Đại đều không can thiệp sâu theo kiểu cơ cấu sẵn các thành phần nhân sự cấp Bộ trưởng, như lối quy hoạch, cơ cấu nhân sự chặt chẽ bây giờ. Nhờ vậy, Trần Trọng Kim đã có được sự chủ động trong việc tìm chọn nhân tài thích hợp theo quan niệm của mình.
Với sự sắp xếp các thành phần nội các cũng như không can thiệp sâu vào cơ cấu, người Nhật muốn tranh thủ uy tín của các thành viên để lôi kéo sự ủng hộ của các tầng lớp, đảng phái trong xã hội cũng như chứng tỏ cho người Việt Nam thấy rằng Việt Nam đã có một nội các độc lập.
Trần Trọng Kim là quân bài thứ hai được lựa chọn sau khi quân bài thứ nhất bị loại bỏ. Lý lịch và tri thức của ông làm cho ông được cả Bảo Đại và giới quân sự Nhật Bản chấp nhận. Ông là một người yêu nước chân chính, nhưng không có quá trình hoạt động cho bất kỳ chính đảng nào. Với tư cách là một tri thức thân Nhật, ông từng được quân đội Nhật che chở. Tóm lại ông có đủ cả phẩm chất tiêu biểu của một bù nhìn và của môt “phần tử dân tộc chủ nghĩa”.
Lý do chính khiến cho Tsuchihashi và giới quân sự Nhật Bản từ chối kịch bản Cường Để – Ngô Đình Diệm là vì họ không muốn, và không thể chấp nhận bất kỳ sự đảo lộn trật tự nào sau cuộc đảo chính. Những đảo lộn như vậy sẽ gây ra những bất lợi cho chiến lược phòng thủ của quân Nhật. Thứ hai là người Nhật cho rằng không có lực lượng nào, cá nhân nào trong lực lượng thân Nhật ở Việt Nam lúc đó đủ năng lực đứng ra đảm nhận vai trò lãnh đạo một chính phủ thân Nhật và hợp tác hữu hiệu với quân Nhật mà ngược lại chọn phương án giữ nguyên Bảo Đại người mà trước đó vẫn trung thành nước Pháp.
Ngày 17-8-1945, tại quảng trường Nhà hát Lớn (Hà Nội), cuộc mít tinh do Chính phủ Trần Trọng Kim tổ chức đã bị phá vỡ, nhanh chóng biến thành cuộc biểu tình, tuần hành của quần chúng cách mạng, do Việt Minh lãnh đạo
Lật đổ chính quyền cũ thì người Nhật cũng không thể tự cai trị vùng đất họ chiếm được. Một chính quyền địa phương phải được dựng lên vì nhu cầu của tình thế. Thời thế đặt vào tay ông Trần Trọng Kim để thành lập một chính quyền èo uột, sẽ bị thay thế bởi quyền lực mới, điều đó không làm mất vị trị lịch sử bình thường của giai đoạn chuyển tiếp ở khúc quanh lịch sử Việt Nam năm 1945. Người làm chính trị phải đi theo những điều kiện thực tế cho nên tướng lĩnh Nhật ở Đông Dương không thể đem một Kỳ Ngoại Hầu Cường Để, dù được vọng tưởng, từ xa về làm quốc trưởng trong khi đó ông Bảo Đại đại diện trực tiếp quyền lực chính thống, đang ở Huế với cả một hệ thống quan lại vẫn được nuôi dưỡng ý niệm trung quân, ái quốc, được cả người Pháp đề cao giữ gìn thời thuộc địa. Và có lẽ vì thế không thể có thủ tướng là một cựu thượng thư thiên về Cường Để cho dù nhà vua còn lưu luyến: Ngô Đình Diệm. Một ông Thủ tướng nhà giáo, học giả trong tình hình sôi sục chính trị đương thời, có lẽ là sự lựa chọn hợp lý nhất đối với giới quân sự Nhật Bản.■
Hùng Cường (tổng hợp)
(Theo Tạp chí Phương Đông)
Chú thích:
1. OSS: Cơ quan Tình báo chiến lược Mỹ, tiền thân của CIA ngày nay.
2. Meigo (Chiến dịch Ánh trăng) tên gọi chiến dịch hất cẳng Pháp ra khỏi Đông Dương của Nhật.
3.Hồi ký Trần Trọng Kim “Một cơn gió bụi”. Nxb Vĩnh Sơn – Sài Gòn năm 1969.