Các nước lớn được lợi gì ở Hội nghị Geneve 1954?

Hội nghị Geneve kết thúc năm 1954 với một giải pháp tạm thời chia cắt Việt Nam ở vĩ tuyến 17, giống như giải pháp đã được các nước lớn áp dụng tại Triều Tiên hay Đức sau chiến tranh thế giới lần thứ hai. Đây là một thoả thuận được áp đặt bởi các nước lớn thuộc cả hai phe Tư bản chủ nghĩa và Xã hội chủ nghĩa trong Hội nghị.

Cả hai khối nước đều có mục tiêu là tái lập lại sự ổn định trong khu vực Đông Nam Á. Việc phân chia hai miền Nam Bắc tại Việt Nam tuy là ngòi nổ trong tương lai nhưng lại tạo ra ổn định trước mắt. Mục tiêu này đã đạt được, ít nhất một cách tạm thời, nhờ Hiệp định Geneve. Anh và Liên Xô, hai đồng Chủ tịch luân phiên của Hội nghị, coi việc lập lại ổn định ở Đông Dương là mục tiêu cao để tránh một cuộc đối đầu toàn diện có thể bùng phát giữa Đông và Tây. Trung Quốc cũng không muốn chiến tranh lan rộng ngay ở cửa ngõ của họ. Mỹ là quốc gia hiếu chiến nhất nhưng cũng không muốn đối đầu ngay lập tức khi chưa xây dựng đủ lực lượng ở Việt Nam. Pháp đang chán chường với chiến tranh nên hoà bình nhanh chóng là mục tiêu cao của chính quyền nước này. Lập lại hoà bình tạm thời là mục đích chung đã đạt được đối với tất cả các cường quốc tham gia Hội nghị.

Ngoài các mục tiêu chung nói trên, các cường quốc tham gia sân chơi chung này đều đã đạt được những mục tiêu và lợi ích riêng của họ sau kết quả tại Geneve.

Liên Xô về cơ bản cũng hài lòng với triển vọng có được một sự ổn định trong ngắn hạn tại Đông Dương sau kết quả tại Geneve. Chính phủ Liên Xô chắc chắn không muốn ảnh hưởng gia tăng của Mỹ trong khu vực này, nhưng cũng không muốn Trung Quốc áp chế toàn bộ khu vực. Tài liệu Mỹ viết chính xác: “Vì những lý do này, lợi ích lớn mà Liên Xô quan tâm là Pháp phải rút ra khỏi Đông Dương, nhưng tính toán sao để ngăn cản bất cứ sự lớn mạnh nào của Mỹ hoặc Trung Quốc nhảy vào thay thế cho Pháp. Do đó, việc tạo ra một nhà nước trung lập tại Việt Nam (hoặc thậm chí tạo ra hai nữa nước đối lập với nhau) là một đáp ứng ngay tức khắc những yêu cầu của Liên Xô… và đó là giải pháp trong ngắn hạn của Liên Xô.” Như vậy, việc Liên Xô cũng ngả về giải pháp phân chia Việt Nam và trung lập hoá hai quốc gia còn lại ở Đông Dương là có lý do nằm trong lợi ích của Liên Xô, nhằm kiềm chế cả hai quốc gia còn lại là Mỹ và Trung Quốc.

Liên Xô còn có một thắng lợi khác về ngoại giao sau Hiệp định. Một trong những mục tiêu của Liên Xô là cải thiện quan hệ với Pháp để ngăn cản Pháp không gia nhập Cộng đồng phòng thủ Châu Âu (EDC). Thực tế đã xảy ra là Quốc hội Pháp không phê chuẩn việc gia nhập này một tháng sau khi Hội nghị Geneve kết thúc. Phản ứng tại Liên Xô được mô tả là “tưng bừng”, ca ngợi việc Pháp từ chối EDC là “một sự kiện quan trọng trong lịch sử chính trị của châu Âu.” Sự kiện này cho dù không được chứng minh quan hệ nhân quả với những động thái của Liên Xô tại Geneve nhưng “được Liên Xô nhìn, ít nhất là một phần, đã bị ảnh hưởng bởi chiến lược Cộng sản đưa Pháp ra khỏi cạm bẫy ở Genève.”

Lãnh đạo các phái đoàn của các bên tham dự Hội nghị Geneve: Ngoại trưởng Anh Anthony Eden, Ngoại trưởng Nga Molotov, Tủ tướng nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Chu Ân Lai, Tổng thống Pháp Georges Bidault, Trưởng đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Phạm Văn Đồng, Ngoại trưởng Mỹ Foster Dulles

Hoa Kỳ là nước không hài lòng hơn cả với việc phân chia Việt Nam, nhưng chấp nhận việc phân vùng “như là tất cả những gì có thể vớt vát từ một tình hình quân sự xấu”. Thượng nghị sỹ Đảng Cộng hoà William Knowland coi đây là một “thắng lợi vĩ đại nhất mà chủ nghĩa cộng sản từng giành được trong hai mươi năm qua”. Nhiều chính khách Mỹ cũng lo ngại về việc mất đi miền Bắc Việt Nam mà mất đi “hòn đá tảng trên đỉnh mái vòm Đông Nam Á”.

Tuy nhiên, Mỹ cũng cần thời gian thêm để tập trung vào việc tổ chức lại lực lượng ở miền Nam Việt Nam nhằm chống lại cái mà Mỹ gọi là “sự xâm lăng nhiều hơn nữa của Cộng sản”. Tài liệu Mỹ thừa nhận: “Các quy định của Hiệp định, tuy nhiên, cũng đã mang đến một số hài lòng cho Mỹ… Hội nghị đã gần như đáp ứng các mục tiêu tối thiểu của Mỹ.” Hoa Kỳ xác định rằng dù sao chia cắt cũng sẽ tạo ra một “phần Việt Nam được giữ lại” và nhiệm vụ chính trong thời gian hậu Geneve của Mỹ là tìm cách tạo dựng lực lượng ở phần còn lại này để chống Cộng.

Anh là nước rất hài lòng với kết quả Hiệp định bởi nguy cơ mở rộng chiến tranh ở Đông Dương đã tạm thời dịu xuống. Anh lo ngại nhất là sự bùng phát của một cuộc chiến hai phe hai tại Đông Dương. Anh đã tìm mọi cách tránh liên minh quân sự với Mỹ tại Điện Biên Phủ để tránh làm cuộc chiến lan rộng, bởi một sự lan rộng như vậy chắc chắn sẽ khiến Anh tốn kém tiền bạc và sinh mạng binh lính để hỗ trợ hai “đồng minh” Pháp, Mỹ. Tài liệu Mỹ phân tích đúng: Anh không muốn một “tác động tiêu cực nào ảnh hưởng đến lợi ích của Anh trong khu vực này của thế giới.” Cuối cùng, Anh đã đạt mục tiêu và về sau chấp nhận gia nhập vào SEATO để bảo vệ những thắng lợi của Anh tại Genève.

Pháp là nước hài lòng hơn cả với kết quả Hiệp định. Với sự “mất ổn định chính trị trong nước và tư thế yếu kém về quân sự trong khu vực Đông Dương”, kết quả đạt được là tốt hơn là dự tính của Pháp. Trước hết, Pháp được giải thoát khỏi một cuộc chiến đầy mất mát mà không quá mất danh dự thêm nữa. Thứ nữa, Pháp vẫn phần nào giữ được một chỗ đứng đáng kể ở Đông Dương. Tài liệu Bộ Quốc phòng Mỹ viết: “Các kết quả tại Genève cũng phép Pháp nắm giữ một cái gì đó hiện thực nhất ở Đông Dương. Các lực lượng Việt Minh, và các lực lượng ngoại vi của họ tại Campuchia và Lào đều bị gạt sang một bên, giữ được ảnh hưởng tối quan trọng của Pháp ở Vientiane và Phnom Penh. Hơn nữa, ở miền Nam Việt Nam người Pháp còn duy trì rõ ràng, trên danh nghĩa, quân đội của họ và các lợi ích văn hóa và kinh tế. Ở miền miền Nam Việt Nam, họ có được cơ hội tiềm năng để cứu vãn những đầu tư của họ.” Với tính chất như vậy, kết quả tại Geneve là không thể tốt hơn đối với vị thế quân sự của kẻ bại trận như Pháp.

Trung Quốc cũng là quốc gia đạt được nhiều lợi ích chiến lược với kết quả tại Hội nghị Geneve. Những lợi ích chiến lược đó là:

(1) Loại bỏ nguy cơ chiến tranh với Hoa Kỳ ngay sát đường biên giới Trung Quốc, đẩy đường biên giới xung đột ra xa lãnh thổ Trung Quốc, tạo ra một vùng đệm an toàn ở khu vực phía Bắc, đảm bảo an ninh biên giới phía Nam của Trung Quốc.

(2) Chia tách Lào và Campuchia khỏi tầm ảnh hưởng của Việt Nam, không để một Liên bang Đông Dương mạnh ngay sát Trung Quốc.

(3) Chia tách cả Việt Nam thành hai quốc gia nhỏ yếu bên cạnh một Trung Quốc mạnh. Sẵn sàng chấp nhận Việt Nam có hai chính quyền ở hai miền Nam Bắc để đảm bảo mục tiêu Đông Dương có bốn quốc gia độc lập, trong đó Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là vùng lá chắn cho Trung Quốc. Các tài liệu từ cả Mỹ và Trung Quốc đều chứng minh Trung Quốc đã luôn coi việc phân vùng không đơn giản mang tính hành chính tạm thời mà là một giải pháp chính trị lâu dài để Việt Nam phải có hai chính phủ và hai chế độ độc lập.

(4) Nhân nhượng về vấn đề Đông Dương để tranh thủ thoả hiệp với phương Tây nhằm đạt được một số lợi ích kinh tế và ngoại giao, cụ thể là tăng vị thế quốc tế của Trung Quốc, cải thiện mối quan hệ với phương Tây, tìm lại ghế Uỷ viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Thành quả cụ thể nhất là Anh và Trung Quốc đã thỏa thuận vào ngày 17 tháng 6 về trao đổi đại biện lâm thời. Lần đầu tiên sau 4 năm trời lạnh nhạt, Bắc Kinh có thể có đại diện ngoại giao tại London. Đây là thắng lợi lớn trong hoạt động ngoại giao của Trung Quốc và đã nằm trong tính toán của nước này trước khi tham dự Hội nghị Geneve.

Như vậy, có thể kết luận, các nước lớn đã quan tâm tới lợi ích của họ hơn là quyền lợi của ba nước Đông Dương, và có thể nói rằng sự phân chia Việt Nam tại Geneve là sự phân chia ảnh hưởng và lợi ích trong tương quan quyền lực giữa hai khối nước cũng như tương quan quyền lực giữa các nước này với nhau. Các nước lớn đều đã ít nhiều đạt được mục tiêu của họ, với cái giá phải trả là một Việt Nam bị chia cắt, tạo tiền đề cho cuộc chiến kéo dài thêm hơn hai mươi năm nữa trên đất nước chúng ta.

Hoàng Nam

Theo Tạp chí Phương Đông

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN