Đảng Cộng Sản Việt Nam qua cách nhìn của học giả Hoa Kỳ

Trong cuốn sách The Rise of Nationalism in Vietnam, 1900-1941 (Sự nổi lên của chủ nghĩa dân tộc tại Việt Nam, 1900-1941), xuất bản tại Mỹ ngay sau khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc (1976), Giáo sư Sử học nổi tiếng William J. Duiker đã tổng thuật lại quá trình phát triển của phong trào cộng sản tại Việt Nam, phác họa chặng đường chông gai để chủ nghĩa Mác-Lênin kết hợp với chủ nghĩa dân tộc, trở thành kim chỉ nam đưa nước ta thoát khỏi ách thống trị của các thế lực thực dân, đế quốc. Cuốn sách này đã khẳng định tính chính danh và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

Nhân dịp kỷ niệm 89 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 – 3/2/2019), Tạp chí Phương Đông trân trọng giới thiệu với bạn đọc một trích đoạn trong cuốn sách này.

***

William J. Duiker

Với sự thành lập của Việt Nam Độc lập Đồng minh Hội (Việt Minh) tại Hội nghị Trung ương lần thứ tám của Đảng năm 1941, phong trào cộng sản đánh dấu mười sáu năm hoạt động. Trong mười sáu năm đó, Đảng Cộng sản đã gặp những biến cố lớn, mà đối với các đảng phải ít kinh nghiệm và quyết tâm hơn đã có thể là những đòn xóa sổ. Mặc dù chính quyền Pháp đã nhiều lần muốn loại trừ Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức này đã không chỉ trở thành một trong những lực lượng chính trị quan trọng tại Đông Dương, mà hơn nữa, còn là tổ chức năng động và hiệu quả nhất trong phong trào giải phóng dân tộc ở Việt Nam.

Những con người này là ai, và điều gì đã thúc đẩy họ tìm tới chủ nghĩa cộng sản? Cho tới thời điểm này chúng ta vẫn còn khá ít thông tin liên quan đến thân thế của giới lãnh đạo Đảng Cộng sản, nhưng những thông tin mà chúng ta đang nắm được chỉ ra rằng giới lãnh đạo của phong trào trong những năm giữa hai cuộc chiến tranh thế giới chủ yếu đến từ giới trí thức. Cần phải khẳng định rằng phong trào bao gồm cả công nhân và nông dân – nhất là trong những tổ chức quần chúng của đảng – nhưng khá ít người từ hai giới này trở thành những nhà cách mạng chuyên nghiệp, và rất ít người lên tới chức vụ cao cấp trong bộ máy lãnh đạo đảng.

Nhìn vào thân thế của thế hệ sáng lập phong trào cộng sản, chúng ta có thể khẳng định rằng họ là những con người hiện đại – những người Việt Nam đã tiếp xúc với văn hóa và tư tưởng chính trị phương Tây. Đa số các thành phần lãnh đạo đảng đã từng được giáo dục trong hệ thống trường Pháp-Việt thuộc địa, nhiều người trong số đó đã tốt nghiệp từ hệ thống này và đã xây dựng sự nghiệp trong các lĩnh vực như sư phạm và báo chí. Như vậy, họ cũng đã trở thành một phần của tầng lớp trung lưu, cùng tầng lớp xã hội với những thanh niên thành thị là nòng cốt của các đảng phái dân tộc khác đã xuất hiện ở Việt Nam sau Thế chiến thứ nhất. Câu hỏi tại sao một bộ phận thanh niên có học trở thành các nhà cách mạng, còn một bộ phận khác lại an phận với những cải cách mang tính ôn hòa, không hề dễ trả lời. Dù vậy, từ những bằng chứng hiện có, chúng ta có thể đưa ra quan sát rằng những người theo chủ nghĩa ôn hòa thường đến từ nhóm giàu có hơn trong tầng lớp tư sản. So với những thành viên của các đảng phái cấp tiến, thường những người ôn hòa theo học những trường thuộc địa có tiếng hơn và sau đó sang Pháp để học lên cao hơn, và họ thường có xu hướng làm những công việc có thu nhập lớn hơn, như trong ngành luật, ngành thương mại, và ngành y tế. Tuy vậy, sẽ là sai lầm nếu chúng ta kết luận rằng những thành viên của thế hệ sáng lập ra phong trào cộng sản đã không có bất kỳ cơ hội nào để thăng tiến trong xã hội thuộc địa. Rất nhiều lãnh đạo của phong trào cộng sản, nhờ giáo dục và thân thế của họ, hoàn toàn có thể có kha khá thành công trong những sự nghiệp mở ra trước họ – như trong ngành sư phạm, công chức, hay báo chí. Dù vậy, John T. McAlister cũng có lí khi khẳng định trong cuốn Những nguồn gốc của Cuộc cách mạng Việt Nam (Vietnam: The Origins of Revolution) rằng rất nhiều thanh niên Việt Nam tham gia cách mạng bởi họ cảm thấy xã hội thuộc địa từ chối cho họ những quyền lợi và địa vị họ đáng được hưởng. Nhiều trong số những nghề nghiệp mà những thanh niên này có thể hướng tới là những nghề với lương khá thấp và không hề cho họ cơ hội tích góp của cải hay quyền lực chính trị.

Tuy vậy, vẫn là chưa đủ nếu chỉ khẳng định rằng nhiều thanh niên đi theo cách mạng chỉ vì hiện thực cuộc sống không giống như họ mơ ước, bởi cũng có rất nhiều người dường như đã được giác ngộ cách mạng trước cả khi họ bước vào thị trường việc làm thuộc địa. Chúng ta có thể đưa ra một quan sát thú vị: theo những tiểu sử đã công khai, phần lớn các lãnh đạo cao cấp của phong trào cộng sản đời đầu có xuất thân từ giới nhân sĩ. Và những thông tin có được về gia đình của họ thường cho ta biết rằng gia đình (hoặc một vài thành viên trong gia đình) họ, nếu không hoạt động trong các tổ chức yêu nước chống Pháp – như Cần Vương, phong trào Đông Du của Phan Bội Châu, hay trường Đông Kinh Nghĩa Thục – thì cũng có cảm tình với các tổ chức này. Nếu những thông tin này về xuất thân của phần lớn các lãnh đạo đời đầu của phong trào cộng sản là chính xác thì chúng ta có thể kết luận rằng nhiều lãnh đạo đời đầu của Đảng đã thừa hưởng sự căm ghét chế độ cai trị của Pháp và xu hướng hoạt động chính trị từ gia đình họ từ trước khi họ bước ra ngoài xã hội. Từ điểm này, chúng ta có thể nhìn nhận các nhà lãnh đạo phong trào cộng sản trong những thập kỉ 20 và 30 như là những người kế tục sự nghiệp của thế hệ nhân sĩ yêu nước như Phan Bội Châu. Những người cộng sản cách những nhân sĩ trước kia một thế hệ, và một điều tất yếu là họ hiện đại hơn trong quan điểm và cách giải quyết vấn đề, nhưng về bản chất, họ đang tiếp nối truyền thống đấu tranh hình thành từ đời ông cha họ.

Ảnh 1. Bác Hồ đang phát biểu tại Đại hội Đảng Xã hội Pháp lần thứ XVIII họp ở Thành phố Tours tháng 12 năm 1920
Ảnh 2. Bác Hồ với đại biểu dự Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ V (1924)

… Đến những năm cuối thập kỷ 1930, Đảng Cộng sản Đông Dương đã bắt đầu hoàn thiện chiến sách mà sau này sẽ đưa họ tới chiến thắng toàn diện sau khi Thế chiến lần thứ hai kết thúc. Trong quá trình này, rất nhiều điểm yếu trước kia đã được khắc phục. Một phần trong số những chủ trương cơ bản của Đảng đã được đề ra từ giai đoạn này, dựa trên học thuyết của Lê-nin về khối liên minh yêu nước, quy tụ tất cả các lực lượng cấp tiến chống đế quốc tại các khu vực thuộc địa hoặc bán thuộc địa để đấu tranh chống lại sự kìm kẹp của đế quốc; và dựa trên sự vận dụng chủ nghĩa Mác-Lê-nin trong thực tiễn hoàn cảnh châu Á của Mao Trạch Đông, bao gồm chủ trương sử dụng giai cấp nông dân làm lực lượng chính cho cuộc cách mạng, sử dụng chiến tranh du kích để vận dụng triệt để sức mạnh của giai cấp nông dân trong việc bao vây các thành phố vốn thuộc về giai cấp tư sản và chính quyền thuộc địa. Đường lối của Đảng đã bắt đầu trở nên cực kỳ rõ ràng trong những năm trước thềm Chiến tranh Thế giới thứ hai, điển hình với khởi nghĩa Bắc Sơn và sự thành lập của mặt trận Việt Minh. Sự tập trung vào nông thôn và sự thành lập các căn cứ du kích tại vùng biên giới đánh dấu bước chuyển hướng hoạt động của phong trào khỏi các đô thị và đường lối cách mạng chính thống theo phong cách Stalin vốn tập trung vào các cuộc nổi dậy ở đô thị.
Nhưng có lẽ ý nghĩa quan trọng nhất của sự kiện thành lập Việt Minh là việc củng cố quyết tâm của Đảng trong việc sử dụng chủ nghĩa dân tộc trong cuộc đấu tranh đánh đuổi thực dân Pháp. Như ta thấy trong tóm tắt lý lịch của rất nhiều nhân vật cộng sản, chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam đã được sinh ra trong lòng của phong trào yêu nước. Các lãnh đạo cộng sản thường bắt đầu sự nghiệp cách mạng của họ qua việc gia nhập những tổ chức có tính chất dân tộc rõ ràng, như Việt Nam Quốc Dân Đảng, Đảng Thanh niên, Tâm Tâm Xã, hay Cách Mạng Đảng, rồi sau đó chuyển hướng sang chủ nghĩa Mác-Lê-nin bởi đây dường như là đường lối có triển vọng nhất để dành độc lập.

Dĩ nhiên, không dễ để chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa dân tộc ăn nhập với nhau. Nhiều đảng viên cộng sản nhiệt thành, theo từng thời kỳ phát triển của chủ nghĩa cộng sản thuần túy, đã không muốn đáp lại lời kêu gọi từ chủ nghĩa yêu nước. Bên cạnh đó, những khẩu hiệu về độc lập và tự chủ dân tộc vốn nhận được sự ủng hộ của giới tư sản thành thị, thì lại không có nhiều ý nghĩa với vùng nông thôn, nơi mà chủ nghĩa dân tộc mới chỉ nhen nhóm xuất hiện. Mặt khác, bài học lịch sử từ giai đoạn 1930-1931 cũng cho Đảng Cộng sản thấy rằng những đường lối tranh thủ sự ủng hộ của vùng nông thôn nghèo lại dễ khiến giới trung lưu ở các thành thị xa lánh họ. Thách thức lớn với những người cộng sản là làm sao khiến thông điệp của họ thích ứng được với từng tầng lớp xã hội cụ thể – như trong các thành phố, phải tuyên truyền về các vấn đề quốc gia, trong khi ở vùng nông thôn, phải tuyên truyền về các vấn đề kinh tế – mà không làm mất đi hiệu quả nói chung của toàn mặt trận. Với sự thành lập của Việt Minh, Đảng Cộng sản đã tiến một bước lớn tới gần mục tiêu xây dựng một phong trào quần chúng rộng khắp cả nước. Đây là đỉnh cao trong quá trình tự tôi luyện của đảng. Đến thời điểm này, Đảng Cộng sản đã sẵn sàng để bắt đầu thực sự đấu tranh giành quyền lực chính trị ở Việt Nam.

Có thể nhận định rằng tại Việt Nam, từ giai đoạn đầu của chiến tranh thế giới lần hai, ý thức về chủ nghĩa dân tộc đã khá phát triển. Cội rễ của chủ nghĩa dân tộc hiện đại thực chất đã bắt nguồn từ ý thức dân tộc xuất hiện từ rất lâu trước thế kỷ 20, và được trau dồi qua nhiều thế kỷ đấu tranh chống ngoại xâm. Do đó ta có thể khẳng định rằng, không giống với những cộng đồng khác ở châu Á, chủ nghĩa thực dân phương Tây đã không “tạo ra” ý thức quốc gia hay dân tộc ở Việt Nam mà chỉ hướng truyền thống lâu đời này tới những cách biểu hiện hiện đại hơn.

Ảnh 3. Xô viết nghệ tĩnh Xô Viết – Nghệ Tĩnh, phong trào cách mạng do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo năm 1930 – 1931

… Những thành viên đầu tiên của phong trào cộng sản Việt Nam, bao gồm cả Chủ tịch Hồ Chí Minh, coi chủ nghĩa cộng sản như một trong số các giải pháp cho vấn đề “dân tộc” ở Việt Nam. Và cũng giống như các phong trào yêu nước bắt nguồn từ giới thành thị khác, phong trào cộng sản cũng gặp phải những vấn đề kể trên. Cho tới năm 1930 khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập chính thức, Mát-xcơ-va, thông qua Quốc tế Cộng sản, vẫn khuyến khích khuynh hướng đô thị hóa của phong trào. Trong những năm đầu này, phong trào cộng sản đã có nhiều thành công trong việc thu hút sự ủng hộ của giới lao động và tiểu tư sản thành thị. Nếu như trong một mức độ nào đó, phong trào đã chịu nhiều bất lợi bởi nguồn gốc nước ngoài của mình, thì họ đã cân bằng lại những bất lợi này nhờ quyết tâm và tài năng. Tới cuối những năm 1930, Đảng Cộng sản đã trở thành lực lượng mạnh mẽ nhất của phong trào yêu nước Việt Nam. Sự thành công của những người cộng sản trong giới trí thức Việt Nam là một trường hợp cá biệt ở Đông Nam Á và cần được cân nhắc kỹ hơn ở đây. Mối liên hệ thuộc địa với Pháp rất có thể đã là một sự thuận lợi cho Đảng Cộng sản Đông Dương. Nhiều tri thức Việt Nam đã học tập tại Pháp (và đồng thời đón nhận tư tưởng Mác-xít) ở Paris, và rất có thể xu hướng Mác-xít của giới trí thức Pháp cũng đã có ảnh hưởng lớn tới những người Việt được đào tạo qua hệ thống giáo dục Pháp.

Một sự thuận lợi khác cho chủ nghĩa Mác ở Việt Nam nằm chính ở sự hấp dẫn của học thuyết này đối với những người trí thức đang trải qua giai đoạn khủng hoảng bản ngã. Như đã đề cập từ trước, các nhà hoạt động yêu nước ở Việt Nam không thể xây dựng phong trào dựa trên những hình tượng tôn giáo địa phương, bởi đạo Khổng, hệ tư tưởng gắn liền với một triều đình phản cách mạng, không bao giờ được tiếp nhận làm biểu tượng cho tính thuần Việt trong phong trào dân tộc. Sự suy tàn của đạo Khổng trong các đô thị tạo ra một khoảng trống về tinh thần và tư tưởng trong các nhà trí thức yêu nước. Rất nhiều trong số họ đã tìm thấy ở chủ nghĩa Mác một hệ tư tưởng hiện đại đủ hấp dẫn để thay thế cho truyền thống Hán-Việt nay đã mất hết uy tín. Chủ nghĩa Mác hoàn toàn có thể được xem như là hóa thân thời hiện đại của đạo Khổng bởi hệ tư tưởng này hội tụ đủ các yếu tố: là một triết lý sâu sắc và phức tạp, đưa ra một giáo lý mang tính phổ thông và một sự giải thích toàn diện về lịch sử vừa lạc quan, khoa học, đầy tính đạo đức, lại vừa kiên quyết chống chủ nghĩa thực dân.

Mặc dù vậy, nếu không có được cơ sở rộng lớn hơn các khu vực thành thị, phong trào cộng sản vẫn sẽ bấp bênh không khác gì những phong trào dân tộc khác ở Việt Nam. Vì vậy những người cộng sản đã trở thành những người đầu tiên cố gắng gây dựng phong trào yêu nước thành một phong trào toàn dân. Phong trào Xô-viết Nghệ Tĩnh đã chỉ ra tiềm năng của giới nông dân, dù chỉ trong một quãng thời gian ngắn ngủi. Nhưng sau sự triệt tiêu của bộ phận Đảng ở miền Trung Việt Nam và sự trưởng thành rồi nắm quyền của lớp lãnh đạo theo chủ nghĩa Stalin, vốn đã được học tập ở Mát-xcơ-va, hướng nông dân hóa phong trào yêu nước đã không có cơ hội được phát triển. Tuy nhiên, tới những năm cuối của thập niên 30, ngọn gió đưa đẩy con thuyền cách mạng đã bắt đầu đổi chiều. Thành công của Mặt trận Bình dân (Popular Front) đã thể hiện rằng Đảng Cộng sản có thể hợp tác với mọi tầng lớp xã hội. Quốc tế Cộng sản bắt đầu bớt quan tâm hơn tới phong trào ở Đông Dương và dần dần để cho Đảng Cộng sản Đông Dương tự quyết định đường lối của mình. Năm 1938, hai người cộng sản trẻ là Võ Nguyên Giáp và Trường Chinh đã xuất bản một bài viết nghiên cứu vấn đề nông dân, dù trong đó không đề cập cụ thể vai trò của người nông dân trong cách mạng Việt Nam, những người nông dân đã được miêu tả là một “lực lượng không thể bị khuất phục” và Đảng được nhắn nhủ nên quan tâm nhiều hơn đến những vấn đề của nông dân. Tiếp đó, trong giai đoạn 1939–1940, khi Đảng Cộng sản bị buộc phải rời khỏi các đô thị, một chiến lược cách mạng mới đã được hình thành ở Bắc Sơn. Năm 1941, lãnh đạo Đảng đã họp bàn và tại Hội nghị Trung ương lần thứ tám tại Pác Bó đã hoàn chỉnh chiến lược mới này.

Khi chiến tranh Thái Bình Dương bùng nổ, những người cộng sản đã bắt đầu quá trình xây dựng một phong trào quần chúng giải phóng dân tộc dựa trên sự liên minh giữa khối nông dân và khối trí thức thành thị. Nếu thành công, sự hợp nhất giữa hai khối này sẽ phát huy được cả khả năng lãnh đạo của khối trí thức thành thị lẫn sức mạnh vũ bão của khối nông dân vốn bất mãn với thời cuộc. Nếu như Việt Minh có thể biến mình thành một phong trào yêu nước, nếu họ có thể trở thành lực lượng đấu tranh chống Pháp thành công nhất ở Việt Nam, và duy trì sự nhạy cảm với tâm lý bất mãn của mọi tầng lớp xã hội, Việt Minh hoàn toàn có thể khẳng định vị thế của mình trong lòng mọi người dân Việt Nam, rằng họ xứng đáng tiếp quản đất nước từ tay Pháp và họ là những người tiếp theo được trao Thiên Mệnh.

Thắng lợi sẽ không đến một cách nhanh chóng hay dễ dàng, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn thường nhắc nhở các đồng chí của ông như vậy. Để chiến thắng, cần phải có kỉ luật, tổ chức, sự kiên trì bền bỉ, và sẵn lòng hi sinh vì nhiệm vụ. Vào thời điểm ấy, chưa có gì đảm bảo rằng sau khi chiến tranh kết thúc những người cộng sản vẫn có thể tiếp tục phát triển trên đà chiến thắng của mình, bởi một thời đại mới sẽ đòi hỏi những giải pháp mới và những chính sách mới. Liệu những người nông dân có tiếp tục ủng hộ những người cộng sản hay không? Liệu Đảng Cộng sản có thể thuyết phục những người nông dân rằng đảng chính là Thiên tử trong thời đại mới hay không? Liệu trong một cuộc chiến còn kéo dài và gay gắt với các đảng cạnh tranh khác cũng như với người Pháp, họ có thể dung hòa những yêu cầu nhiều khi đối lập giữa thành thị và nông thôn, giữa tự chủ dân tộc và cải cách xã hội hay không?

Tại thời điểm năm 1941 vẫn chưa có câu trả lời chính xác cho những câu hỏi trên. Dù vậy tiềm năng phát triển của Đảng đã dần hiện rõ. Đảng Cộng sản là một đảng nhỏ, nhưng các thành viên của Đảng đều tận tâm và đều đã được thử lửa qua nhiều biến cố lớn: sự thật là tất cả bọn họ đều sục sôi tinh thần cách mạng. Hơn thế nữa, họ đã may mắn có được một vị lãnh tụ với tài năng xuất chúng. Chỉ trong hơn hai thập kỉ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện khả năng lãnh đạo tuyệt vời, đưa con thuyền cách mạng của Đảng vượt qua những biến cố từ chủ nghĩa chia bè chia phái, chủ nghĩa phân biệt vùng miền, tới chủ nghĩa phiêu lưu mạo hiểm. Vào năm 1941, thiên thời, địa lợi, và nhân hòa đã giao nhau. Những người cộng sản đã đến sát bờ của thắng lợi huy hoàng. Trong số những đảng phái quốc gia khác, chỉ có họ, những người cộng sản, đã chứng tỏ sự thông tường hoàn cảnh và quyết tâm sắt đá – điều kiện tiên quyết để thành công.

Thu Uyên lược dịch

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN