Gary R. Hess [1]
Anh Phương dịch
Nguồn: Hess, Gary R. “United States Policy and the Origins of the French – Viet Minh War, 1945–46.” Peace & Change 3, no. 2‐3 (1975): 21-33. (Bài đăng trên tạp chí Peace & Change, năm 1975)
LTS: Bài viết dưới đây phân tích về chính sách của Hoa Kỳ đối với Đông Dương và Việt Nam giai đoạn 1945-1946. Đây là giai đoạn lịch sử cực kỳ quan trọng và hào hùng của dân tộc Việt Nam, gắn với cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám và Bản Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại Quảng trường Ba Đình lịch sử ngày 2 tháng 9 năm 1945 khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, và lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến ngày 19 tháng 12 năm 1946. Mặc dù có những hạn chế nhất định về chỗ đứng, góc nhìn của tác giả, nhưng bài viết cũng đã cung cấp được nhiều tư liệu có giá trị giúp cho việc tham khảo để hiểu thêm về mối quan hệ giữa Việt Nam, Mỹ và Pháp trong những tháng năm lịch sử cực kỳ sôi động ngày ấy. Đặc biệt, tài liệu đã nêu rõ tầm nhìn và quyết tâm mãnh liệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi Người nhiều lần kêu gọi Hoa Kỳ công nhận nền độc lập của Việt Nam để đuổi các thế lực ngoại bang ra khỏi bờ cõi nước ta. Trong chiều dài lịch sử, từng là một nước thuộc địa (của Anh Quốc), Hoa Kỳ, theo nhận định của tác giả, có “bản năng” chống thực dân. Và có lẽ vì điều đó, Bác Hồ khi ấy cũng tin tưởng rằng Hoa Kỳ sẽ công nhận nền độc lập của Việt Nam. Tuy nhiên, vì mối lo ngại đối với chủ nghĩa cộng sản, Hoa Kỳ đã bỏ qua khát vọng độc lập dân tộc của người Việt Nam và không đáp ứng các đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bản thân người Mỹ sau này cũng đã thừa nhận đó là một sai lầm.
Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc bài phân tích này của GS. Gary R. Hess.
***
Xem Kỳ 1 tại đây
Khi tin tức về những cuộc đụng độ này đến Washington, Vincent đã đề nghị với Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Dean Acheson để Hoa Kỳ và Anh cùng khởi xướng việc thành lập một ủy ban điều tra tình hình ở Đông Dương. Cho đến khi Ủy ban này hoàn thành việc điều tra, sẽ không có lực lượng nào của Pháp được gửi đến Đông Dương. Báo cáo của Ủy ban sẽ là cơ sở để thảo luận giữa các nước Đồng minh liên quan (Anh, Trung Quốc, Pháp, và Hoa Kỳ) và “các thành phần An Nam.”
Các viên chức của Văn phòng các Vấn đề Châu Âu (European Affairs Office) phản đối sáng kiến này. Mối quan tâm của họ là tăng cường sức mạnh của Pháp và nuôi dưỡng tình hữu nghị Pháp – Hoa Kỳ, vì vậy họ tin rằng cần phải chấp nhận vị trí của Pháp tại Đông Dương. Acheson đứng về phía các viên chức của Văn phòng các Vấn đề Châu Âu, nhưng ông đã điều chỉnh quan điểm của Hoa Kỳ bằng cách đặt ra điều kiện rằng việc Hoa Kỳ có tiếp tục ủng hộ yêu sách của Pháp đối với Đông Dương hay không phụ thuộc vào khả năng làm việc với các dân tộc Đông Dương của Pháp (28).
Sự phản đối của Washington đối với bất kỳ sáng kiến nào đều là điều không tốt cho Việt Minh, bởi hoàn cảnh đã buộc Việt Minh phải trông chờ ngày càng nhiều vào sự hỗ trợ của Hoa Kỳ. Các chính sách của người Anh, được thể hiện trong các hoạt động của SEAC, tạo điều kiện thuận lợi để Pháp sớm quay trở lại nắm chính quyền ở miền nam. Với mong muốn nắm giữ vai trò tối thiểu ở Đông Dương, chỉ huy SEAC – Ngài Louis Mountbatten – đã khuyến khích các cuộc đàm phán giữa Pháp và Việt Minh, nhưng mục tiêu quan trọng hơn cả của ông ta là đảm bảo nắm giữ được các khu vực trọng yếu cho đến khi có một lực lượng tiếp viện tương xứng của Pháp đến. Trong lúc đó, người Pháp đã thúc ép để Trung Quốc cho phép lực lượng của họ tiến vào phía bắc. Pháp và Trung Quốc đã bắt đầu đàm phán để xác định các điều khoản rút quân cuối cùng của lực lượng Trung Quốc. Như vậy là vào đầu tháng 10, chính phủ Hà Nội đã phải đối mặt với viễn cảnh của một sự trở lại quy mô lớn của Pháp và sự rút quân của lực lượng Anh và Trung Quốc.
Tại thời điểm đó, dường như niềm hy vọng nhận được sự hỗ trợ của Hà Nội dồn vào những người Mỹ có mặt tại đây. Ngày 17 tháng 10, Hội Hữu nghị Việt-Mỹ được thành lập tại Hà Nội, với một số quan chức của Mỹ và của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tham gia các buổi lễ. Tướng Gallagher phát biểu tại chương trình và ủng hộ kế hoạch xây dựng một chương trình trao đổi giáo dục Mỹ-Việt của Hội.
Việc người Mỹ có cảm tình với Việt Minh là kết quả của một số yếu tố liên quan. Về cơ bản, sự hợp tác chống lại Nhật Bản của người Mỹ và Việt Minh đã tạo nên cảm thức về lợi ích và mục tiêu chung. Việt Minh cũng đồng tình với thái độ ác cảm lâu đời của Mỹ đối với chủ nghĩa đế quốc Châu Âu. Việc cho phép người Pháp đàn áp một phong trào dân tộc chủ nghĩa, đặc biệt là khi phong trào này do một đồng minh lãnh đạo, dường như mâu thuẫn với mục tiêu chiến đấu của người Mỹ. Ngoài mối quan hệ thân thiện, còn có sự khéo léo của ông Hồ Chí Minh khi ông đánh vào bản năng chống thực dân của người Mỹ, đồng thời che bớt nền tảng Cộng sản của chính mình (31). Tuy nhiên, sẽ không công bằng khi cho rằng ông Hồ Chí Minh và Việt Minh chỉ đơn thuần là diễn kịch. Ông Hồ đã nhiều lần nhắc đến việc trông đợi vào sự hỗ trợ của Hoa Kỳ và rất có thể điều này xuất phát từ ý thức và cảm nhận về sự tương đồng lịch sử giữa hai đất nước dựa trên di sản chống thực dân của Hoa Kỳ (32). Hơn nữa, không có lý do gì để tin rằng người Mỹ bị ông Hồ Chí Minh lừa; hầu hết đều nắm rõ gốc rễ Cộng sản của ông, nhưng họ chủ yếu coi ông là một người Việt Nam yêu nước. Cuối cùng, cảm tình của người Mỹ đối với Việt Minh còn dựa trên sự tôn trọng đối với sức mạnh, tổ chức và sự quyết tâm của họ (33).
Ông Hồ Chí Minh đã trông chờ rằng những người Mỹ ở Việt Nam sẽ gây ảnh hưởng đến chính sách của Hoa Kỳ, nhưng vào giữa tháng 10 rõ ràng là cần phải đưa ra lời yêu cầu trực tiếp. Do đó, ông Hồ Chí Minh đã gửi một số thông điệp tới Tổng thống và Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ, trong đó ông khẳng định rằng nền độc lập của Việt Nam hình thành dựa trên những cam kết trong chiến tranh của quân Đồng minh về quyền tự quyết và việc người Pháp đã bán quyền lợi của họ cho người Nhật (34).
Trong một bài phát biểu vào ngày 20 tháng 10, Vincent đưa ra tuyên bố công khai đầu tiên về các mục tiêu của Hoa Kỳ ở Đông Nam Á. Nó tương đồng chặt chẽ với quan điểm của Acheson và thể hiện uy thế của Văn phòng các Vấn đề châu Âu so với Văn phòng các Vấn đề Viễn Đông. Sau khi tái khẳng định rằng Hoa Kỳ không đặt câu hỏi về chủ quyền của Pháp ở Đông Dương, Vincent bày tỏ hy vọng của Mỹ rằng Pháp và Việt Nam có thể đạt được một thỏa thuận hòa bình. Hoa Kỳ sẽ sẵn sàng, nếu được yêu cầu, hỗ trợ trong các cuộc đàm phán. Tuy nhiên, nhìn chung, bài phát biểu của Vincent không đem lại nhiều hy vọng về sự tham gia của Hoa Kỳ (35).
Trong khi đó, sự rút lui của Hoa Kỳ khỏi vấn đề Đông Dương cũng được biểu trưng bằng sự ra đi của hầu hết các nhân viên quân sự và tình báo Mỹ ở Việt Nam. Khi Gallagher thông báo rằng nhóm của ông sắp quay về Trung Quốc, các quan chức Việt Nam, theo một nhà quan sát người Mỹ khác, đã vỡ mộng và thất vọng. Đến đầu tháng 11, uy tín của Mỹ tại Hà Nội đã giảm mạnh (36).
Tuy nhiên, trong tháng 11 và 12 năm 1945, ông Hồ Chí Minh tiếp tục gửi khuyến nghị của mình đến Washington. Vào ngày 8 tháng 11, Gallagher đã mang đến Đại sứ quán Mỹ tại Trùng Khánh một lá thư của ông Hồ Chí Minh gửi đến Truman, trong đó lên án các hành động quân sự của Pháp tại Sài Gòn và khẳng định quyết tâm chống Pháp của Việt Minh. Trong những thông điệp sau này, ông Hồ Chí Minh kêu gọi Mỹ công nhận sự độc lập của Việt Nam, và kêu gọi Liên Hợp Quốc hỗ trợ người dân Việt Nam đang lâm vào nạn đói vì không có đủ nguồn cung cấp gạo (37).
Các nhà lãnh đạo Việt Nam dường như vẫn hy vọng vào sự ủng hộ của Mỹ. Trong một bài phát biểu tại Hà Nội, ông Hồ Chí Minh cho rằng sự phản bội của Pháp đối với các mục tiêu chiến đấu của quân Đồng Minh sẽ khiến đa số quần chúng nhân dân tại “các quốc gia vĩ đại” – Trung Quốc, Nga, Anh và Hoa Kỳ – ủng hộ lý tưởng của người Việt Nam (38). Chắc chắn ông Hồ Chí Minh không có cơ sở gì để chờ đợi sự giúp đỡ từ chính phủ Trung Quốc và Anh, cả hai quốc gia này đều đã sẵn sàng chuyển giao quyền lực cho người Pháp. Người Nga nói chung thờ ơ với các vấn đề Đông Nam Á; thực tế là mãi tới đầu tháng 11, báo chí Liên Xô mới đưa tin chi tiết về tình hình Đông Dương (39). Rõ ràng, ông Hồ Chí Minh đã hy vọng công luận Mỹ sẽ đứng về phía Việt Nam, nhưng ngay cả những người dân Mỹ cũng biết rất ít về các diễn biến ở Đông Nam Á. Đến cuối năm 1945, báo chí Mỹ mới chú ý phần nào đến cuộc chiến ở Đông Dương. Trong một số bài xã luận, tờ Thời báo New York kêu gọi giải quyết các vấn đề thuộc địa, nhưng cả tờ báo này lẫn các tạp chí khác đều không ủng hộ nền độc lập của Việt Nam (40).
Trong khi vẫn hy vọng vào sự hỗ trợ của Mỹ, ông Hồ Chí Minh cũng tìm cách củng cố nền tảng chính trị của Việt Minh ở phía bắc. Trong một động thái chiến thuật, Đảng Cộng sản Đông Dương bị giải thể nhưng vẫn tiếp tục ngầm hoạt động. Việt Minh đã bắt đầu đàm phán với các nhà lãnh đạo của Đồng Minh Hội và Việt Nam Quốc Dân Đảng, dẫn đến một thỏa thuận mà cả hai đảng này đều được đảm bảo có đại diện tại Quốc hội và các chức vụ trong Nội các. Các cuộc bầu cử, hầu hết trong số đó được tiến hành vào ngày 6 tháng 1 năm 1946, diễn ra tại các vùng của Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ. Việt Minh giành được 97% số phiếu bầu, nhưng họ đã dành cho hai phe Việt Nam Quốc Dân Đảng và Đồng Minh Hội những vị trí đã hứa trong Quốc hội. Những cuộc bầu cử đã giúp Việt Minh có được lợi thế đa số phiếu và siết chặt hơn vòng cô lập đối với các phe đối địch (41). Một thời gian ngắn sau cuộc bầu cử, ông Hồ Chí Minh đã gửi một lá thư dài tới Truman kêu gọi can thiệp trên cơ sở “lời đề nghị” của Vincent trong bài phát biểu ngày 20 tháng 10 và sự ủng hộ của Truman đối với quyền tự quyết trong bài phát biểu nhân Ngày Hải quân của ông (42).
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ nhận được các báo cáo từ những người Mỹ ở Hà Nội. Trong các cuộc phỏng vấn với Moffat và các viên chức khác vào ngày 5 tháng 12, Nordlinger và Patti đều nói về sự hiệu quả của Chính quyền Việt Minh và khả năng tiến hành chiến tranh du kích trường kỳ chống lại người Pháp của họ (43). Một tuần sau đó, Jane Foster, một đặc vụ OSS tại Sài Gòn vào tháng 10, đã báo cáo về sự ủng hộ rộng rãi của người dân miền Nam đối với Việt Minh và tiềm năng của họ trong việc chiến đấu chống Pháp thông qua các vụ tẩy chay và chiến tranh du kích (44). Arthur Hale của Phòng Thông tin Hoa Kỳ, người đã ở Hà Nội vào tháng 10, cũng nhấn mạnh trong một báo cáo dài về sự ủng hộ to lớn đối với Việt Minh, tâm lý bài Pháp sâu sắc, và sự vỡ mộng đối với nước Mỹ (45).
Charles S. Millett, một nhân viên ngoại giao mà Bộ Ngoại giao cử đến làm người quan sát tại Hà Nội vào tháng 10, lại cung cấp một quan điểm khác. Millett nhấn mạnh vào sự chia rẽ bên trong phong trào dân tộc và ảnh hưởng của sự hiện diện của người Mỹ đối với Việt Minh. Millett ngầm phê phán các nhân viên Mỹ về quan hệ của Mỹ đối với Việt Minh (46).
Đáng chú ý nhất là báo cáo của Tướng Gallagher, người đã ủng hộ quan điểm của Nordlinger, Patti, Foster và Hale về sức mạnh chính trị của Việt Minh, nhưng lại nghi ngờ tiềm năng quân sự của họ. Vào ngày 30 tháng 1 năm 1946, Gallagher nêu rõ ấn tượng của ông về các diễn biến tại Việt Nam với một số viên chức bao gồm Moffat và Charles S. Reed, một quan chức ngoại giao sắp trở thành Lãnh sự Hoa Kỳ tại Sài Gòn. Mặc dù thừa nhận rằng Việt Minh nhận được sự ủng hộ rộng rãi, được tổ chức tốt và được trang bị đầy đủ với các vũ khí hạng nhẹ, Gallagher lại bác bỏ tiềm năng của Việt Minh trong việc tổ chức một chính phủ hiệu quả hoặc chiến đấu chống lại người Pháp. Mặc dù người Việt Nam có thể có năng lực tiến hành chiến tranh du kích, nhưng rồi đằng nào họ cũng sẽ bị tiêu diệt. Tuy nhiên, Gallagher cũng nhấn mạnh quyết tâm đấu tranh chống Pháp của Việt Minh và báo cáo rằng ông Hồ Chí Minh sẽ chỉ chấp nhận thỏa hiệp với người Pháp nếu thỏa hiệp đó được đảm bảo và được giám sát bởi các quốc gia lớn khác. Trả lời một câu hỏi liên quan đến tính chất Cộng sản của Việt Minh, Gallagher đã khẳng định rằng dù rõ ràng chịu ảnh hưởng và sử dụng chiến thuật của Cộng sản, Việt Minh đã thể hiện rằng họ quan tâm chủ yếu đến việc giành độc lập và “… không nên bị gán cho cái mác ‘Cộng sản giáo điều chính cống’.” (47)
Mặc dù ấn tượng của người Mỹ khác nhau ở một vài khía cạnh, nhưng báo cáo của họ luôn nhấn mạnh mức độ nghiêm trọng của mối quan hệ Pháp-Việt và gợi ý rằng Hoa Kỳ có tiềm năng gây ảnh hưởng giúp hóa giải tình hình đang ngày một xấu đi. Để có thêm thông tin và có lẽ là để tạo một vài tác động, Bộ Ngoại giao đã gửi Kenneth Landon, Trợ lý Trưởng bộ phận Các vấn đề Đông Nam Á, tới Hà Nội với một nhiệm vụ đặc biệt. Chính phủ Việt Nam, lúc này đang phải đương đầu với một thỏa thuận sắp được hình thành giữa Pháp và Trung Quốc, đã tranh thủ chuyến thăm của một nhà ngoại giao cao cấp của Hoa Kỳ để một lần nữa đặt cược vào sự ủng hộ của Mỹ. Vào ngày 15 tháng 2, sau khi đến nơi, Landon đã gặp ông Hồ Chí Minh, người đã nhấn mạnh vào sự ủng hộ to lớn mà người dân dành cho Việt Minh, vào những mục tiêu hòa bình và quyết tâm chống Pháp. Ngày hôm sau, ông Hồ Chí Minh gửi thông điệp cho Landon để chuyển đến Truman và cũng đề nghị Landon ở lại thêm một tuần nữa để tiếp tục thảo luận. Vào ngày 20 tháng 2, Hội Hữu nghị Việt-Mỹ đã mời Landon đến một cuộc triển lãm, nơi chủ tịch của Hiệp hội, ông Trịnh Văn Bình, khẳng định tính chất dân tộc chủ nghĩa và phi cộng sản của các lãnh đạo Việt Minh. Tối hôm sau, Landon ăn tối với ông Hồ Chí Minh và ông Bảo Đại (48).
Landon được khích lệ sau khi gặp Sainteny vào tối ngày 22 tháng Hai. Sainteny thông báo rằng ông đã đề xuất với ông Hồ Chí Minh về một chính quyền tự trị thuộc Pháp. Và hơn nữa, ông Hồ Chí Minh tỏ ra hài lòng với lời đề nghị, và như vậy, theo cách nhìn nhận của Sainteny, có nghĩa là người Pháp sẽ kiểm soát chính sách đối ngoại của Việt Nam và quân đội Việt Nam sẽ được hợp nhất với quân đội Pháp (49).
Những lá thư của ông Hồ Chí Minh gửi cho Truman, được Landon chuyển đến Washington, lại là một nỗ lực khác để có được sự ủng hộ của Hoa Kỳ. Ông Hồ Chí Minh một lần nữa yêu cầu Hoa Kỳ công nhận nền độc lập của Việt Nam và hành động từng bước, thông qua Liên Hợp Quốc, để duy trì hòa bình, ngoài ra ông cũng dành một phần để bày tỏ sự giận dữ của mình:
“Nó [cuộc xâm lược của Pháp] chứng tỏ sự đồng lõa, hoặc ít nhất là thái độ bao che của các nền dân chủ lớn. Liên Hợp Quốc nên giữ lời hứa. Họ nên can thiệp để ngăn chặn cuộc chiến bất công này, để chứng minh rằng họ thực sự nghiêm túc thực hiện trong thời bình các nguyên tắc mà vì chúng họ đã chiến đấu trong chiến tranh (50).”
Như các báo cáo của Landon và của Đại sứ quán tại Trùng Khánh đã dự đoán, Pháp và Trung Quốc đã sớm ký kết thỏa thuận. Người Pháp chấp nhận từ bỏ tất cả đặc quyền ngoại giao và các đặc quyền khác tại Trung Quốc, và trao cho Trung Quốc các quyền lợi kinh tế tại Việt Nam. Đổi lại, quân đội chiếm đóng Trung Quốc sẽ được thay thế dần bằng người Pháp trong các tháng tiếp theo (51).
Trong tuần đầu tiên của tháng Ba, ông Hồ Chí Minh và Sainteny đã vạch ra những chi tiết của một thỏa thuận dàn xếp. Việt Nam được công nhận là một “nhà nước tự do” trong Liên bang Đông Dương, có quân đội riêng và tự kiểm soát các vấn đề nội bộ và tài chính của mình. Các cuộc đàm phán tiếp theo sẽ giải quyết quyền kiểm soát các vấn đề đối ngoại của Việt Nam và lợi ích kinh tế của Pháp; các cuộc trưng cầu dân ý ở Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ sẽ được tổ chức để thành lập chính quyền các khu vực đó và xác định xem liệu các khu vực có được hợp nhất hay không. Người Việt Nam đã đồng ý với việc Pháp chiếm đóng những khu vực được người Trung Quốc bỏ lại, nhưng với điều kiện lực lượng quân đội chiếm đóng của Pháp không quá 25.000 người.
Việt Minh đã dựa trên thỏa thuận này để yêu cầu Mỹ, Anh, và các quốc gia khác công nhận họ như là một “quốc gia tự do”. Vẫn kiên định với chính sách phớt lờ các kháng nghị của Chính phủ Hà Nội, Hoa Kỳ không trả lời, nhưng ngấm ngầm ủng hộ sự từ chối không chính thức của Anh, được đưa ra với lí do tình trạng độc lập của Việt Nam vẫn đang trong quá trình đàm phán (52).
Trong bối cảnh bị quốc tế cô lập, người Việt Nam có vị thế thương lượng yếu tại hội nghị Đà Lạt – vòng đàm phán sơ bộ cho hội nghị tại Fontainebleau. Ở Đà Lạt, người Pháp, khi xác định lãnh thổ của Liên bang Đông Dương (Indochina Federation), đã xiết chặt vòng cô lập đối với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bằng cách đưa ra điều kiện: Nam Kỳ sẽ được hợp nhất với các khu vực ở miền Trung Việt Nam; cuộc trưng cầu dân ý về thống nhất đất nước sẽ bị trì hoãn cho đến khi hòa bình được khôi phục ở Nam Kỳ; một hội đồng Đông Dương sẽ được cân chỉnh để giữ sao cho các đại diện của các khu vực do Việt Minh kiểm soát thuộc thiểu số; Cao ủy sẽ là Chủ tịch Liên bang Đông Dương và chịu trách nhiệm cho tất cả các nhiệm vụ, chức năng của Liên bang (53).
Vào cuối tháng Tư, Charles Reed, Lãnh sự tại Sài Gòn, đã đến thăm Hà Nội, nơi Mỹ mới tái lập một văn phòng ngoại giao. Reed nhận thấy ông Hồ Chí Minh không hài lòng với Hội nghị Đà Lạt và hoài nghi về việc liệu người Pháp có tuân theo thỏa thuận ngày 6 tháng Ba hay không. Trong một yêu cầu trợ giúp gửi tới Hoa Kỳ, ông Hồ Chí Minh đã nói về “sự cấp thiết” của việc có được sự đầu tư tài chính và sự hỗ trợ của các kỹ thuật viên Mỹ. Trước đó, người Việt Nam đã bày tỏ sự sẵn lòng nhận hỗ trợ như vậy từ Pháp, nhưng ngày càng cảnh giác với bất kỳ ảnh hưởng nào của Pháp, và giờ đây ông Hồ Chí Minh tìm kiếm nguồn vốn nước ngoài và hỗ trợ kỹ thuật tối cần thiết đó từ Hoa Kỳ.
Tiếp theo các hành động của Pháp tại Sài Gòn, Paris đã có biểu hiện làm xấu thêm mối quan hệ với Việt Minh. Vào ngày 1 tháng Sáu, ngay khi ông Hồ Chí Minh lên đường tới Hội nghị Fontainebleau, Đô đốc Thierry d’Argenlieu, Cao ủy Đông Dương, đã thúc đẩy việc thành lập Chính phủ lâm thời của Nam Kỳ. Mặc dù d’Argenlieu cương quyết khẳng định rằng chính phủ lâm thời được hình thành để đối phó với sự khủng bố của Việt Minh ở miền Nam, nhưng hầu hết các nhà quan sát đều nhận thấy rằng chính phủ mới là cái bóng của chính quyền Pháp (55). Vào ngày mùng 1 tháng 8, d’Argenlieu đột ngột triệu tập một hội nghị khác ở Đà Lạt, các đại diện của Lào, Campuchia, Nam Kỳ và “miền Nam Trung Kỳ” đều được mời. Đoàn đại biểu Việt Nam tại Hội nghị Fontainebleau đã bỏ ngang cuộc đàm phán và buộc tội người Pháp dùng thủ đoạn để thiết lập một Liên bang Đông Dương theo các điều kiện riêng của họ.
Khi các báo cáo từ Caffery và Reed nhấn mạnh mức độ bế tắc nghiêm trọng của tình hình (58), Moffat, trong một bản ghi nhớ với Vincent, đã chỉ trích gay gắt chính sách của Pháp và thúc giục Mỹ tham gia hòa giải. Khi xem xét các diễn biến mới nhất, Moffat cho rằng việc thành lập Cộng hòa Nam Kỳ đã làm gia tăng sự thù địch của Việt Nam. Hành động tuyên truyền và đàn áp của Pháp đã khiến cho việc tiến hành một cuộc bầu cử để thành lập chính quyền đại diện ở Nam Kỳ trở thành bất khả thi, và Hội nghị Đà Lạt thứ hai chỉ có mục đích cô lập và hạ thấp Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Moffat tin rằng Hoa Kỳ nên can thiệp để thay đổi chính sách của Pháp (57).
Khi Hội nghị Fontainebleau kết thúc không thành công, ông Hồ Chí Minh lại tìm kiếm sự hỗ trợ của Mỹ. Trong một cuộc thảo luận với Đại sứ Caffery vào ngày 11 tháng 9, ông Hồ Chí Minh đã vạch ra sự khác biệt giữa Pháp và Việt Nam đối với vùng đất Nam Kỳ và gợi ý rằng sự giúp đỡ của người Mỹ sẽ được hoan nghênh (58). Vào cuộc gặp ngày hôm sau với George M. Abbot, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Hoa Kỳ, ông Hồ Chí Minh lại tiếp tục nói cụ thể về nhu cầu hỗ trợ kinh tế .
Hội nghị Fontainebleau kết thúc mà không đưa ra được quyết định rõ ràng nào. Trong khi chuẩn bị rời Paris, ông Hồ Chí Minh cảnh báo Sainteny và Bộ trưởng các Thuộc địa Marius Moutet rằng người Việt Nam sẽ chiến đấu nếu cần thiết, nhưng đồng thời ông vẫn cố gắng tìm kiếm một vài thỏa thuận mà có thể dựa vào đó ngăn các nhà lãnh đạo ở Hà Nội sử dụng biện pháp vũ trang để giải quyết với người Pháp. Vào ngày 14 tháng 9, một bản Tạm ước Pháp-Việt vô thưởng vô phạt ủng hộ thỏa thuận ngày 6 tháng 3 được kí kết, nhưng các vấn đề cơ bản của Nam Kỳ và mối quan hệ Việt Nam với Liên bang Đông Dương và Khối Liên hiệp Pháp vẫn chưa được giải quyết (60).
Khi trở về Hà Nội vào ngày 21 tháng 10, ông Hồ Chí Minh phát hiện rằng Tướng Giáp không chỉ không đồng ý với chính sách hòa giải của mình mà còn có những hành động dứt khoát chống lại các đơn vị quân đội của các đảng ủng hộ Trung Quốc và đã tăng cường lực lượng quân đội Việt Minh lên khoảng 100.000 binh sĩ. Ngay lập tức, dường như ông Hồ Chí Minh đã hành động mạnh mẽ hơn. Trong một cuộc họp với O’Sullivan vào ngày 25 tháng 10, ông khẳng định quyết tâm thống nhất Việt Nam của Việt Minh. Vài ngày sau, ông triệu tập Quốc hội thông qua một hiến pháp trong đó nói về một Việt Nam “toàn vẹn và không thể phân chia” (61).
Trong suốt ba tuần đầu tiên của tháng 11, tình trạng căng thẳng đều đặn dâng lên. Phe Việt Minh đã bị loại ra khỏi những nỗ lực chấm dứt các cuộc bạo động lẻ tẻ ở miền Nam, mặc dù Tạm ước Pháp-Việt đã quy định rằng hai bên sẽ phối hợp thực thi việc đình chiến. Tổng thống của Chính phủ Nam Kỳ, Nguyễn Văn Thịnh, nản lòng vì chính phủ của ông không nhận được sự ủng hộ rộng rãi, đã tự tử. Tại Hà Nội, một sự xáo trộn trong Nội các đã làm gia tăng ưu thế của Việt Minh. Cuối cùng, vào ngày 20 tháng 11, Hải quân Pháp, lúc đó hầu như đã phong tỏa Hải Phòng, đã bắt giữ một chiếc thuyền buồm Trung Quốc chở đầy hàng lậu cho Việt Minh. Tại Hải Phòng, sau hai ngày giao tranh giữa các đơn vị Pháp và Việt Minh, các chỉ huy tại địa phương đã đồng ý ngừng bắn. Nhưng ở Paris, Chính phủ Pháp, hành động theo lời khuyên của d’Argenlieu, quyết định dùng vũ lực để làm việc với Việt Minh. Và sau khi Việt Minh phớt lờ tối hậu thư đòi rút quân, một tàu tuần dương Pháp bắn phá Hải Phòng, giết chết ít nhất 6.000 người Việt Nam (62).
Sau sự kiện Hải Phòng, Hoa Kỳ đã tìm cách khuyến khích hòa giải ở Paris, Sài Gòn và Hà Nội. Bộ Ngoại giao đã chỉ thị Đại sứ Jefferson Caffery bày tỏ mối lo ngại của Mỹ về hậu quả của một chính sách thuộc địa không linh hoạt. Ngoài ra, Bộ Ngoại giao đã phái Moffat tới Đông Dương với một nhiệm vụ đặc biệt.
Trong các cuộc họp với Philippe Baudet, Giám đốc Bộ phận châu Á thuộc Văn phòng đối ngoại, và d’Argenlieu, Caffery đã được đảm bảo rằng người Pháp không có kế hoạch tái xâm lược Việt Nam. Nhưng đồng thời, người Pháp, trong cuộc trò chuyện với các quan chức Mỹ ở Paris và Washington, lại nhiều lần nhấn mạnh rằng chính người Việt Nam dồn ép họ trong vụ Hải Phòng và Việt Minh đã hợp tác chặt chẽ với Matxcơva (63).
Trong khi đó, Moffat đến Sài Gòn vào ngày 3 tháng 12 và hội ý với các quan chức Pháp, trước khi rời đến Hà Nội ba ngày sau đó. Tuy nhiên, các chỉ thị của Quyền Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Acheson gửi cho Moffat về các cuộc họp với ông Hồ Chí Minh, lại đến Sài Gòn sau khi Moffat đã rời đi. Khi ông đến Hà Nội, Moffat được Phó lãnh sự James L. O’Sullivan đón tiếp – O’Sullivan đã chỉ trích Pháp trong những báo cáo gần đây của ông. Mặc dù Moffat cố gắng hết sức để tỏ ra trung lập, nhưng việc thiếu đi sự chỉ dẫn đã khiến các cuộc gặp gỡ của ông với các nhà lãnh đạo Việt Nam không đem lại kết quả. Tướng Giáp và ông Hồ Chí Minh nhắc lại các quan điểm mà Hoa Kỳ đã quen thuộc, trong khi Moffat lại bị giới hạn để chỉ được thể hiện rằng Mỹ ủng hộ một giải pháp hòa bình. Ông Hồ, người có sức khỏe kém vào thời điểm đó, đảm bảo với Moffat rằng Việt Minh muốn giành được độc lập, không phải là tạo ra một nhà nước Cộng sản, và họ quyết tâm không đầu hàng, cũng như vẫn hy vọng vào một tình hữu nghị với Hoa Kỳ.
Nếu nhận được các chỉ thị của Acheson thì liệu Moffat có thực hiện hòa giải một cách hiệu quả không? Các chỉ thị nhấn mạnh sự ủng hộ của Mỹ đối với một giải pháp hòa bình và cho Moffat một khoảng tự do tương đối để đối phó với ông Hồ Chí Minh. Moffat được ủy quyền để bày tỏ niềm tin của Mỹ rằng các thỏa thuận ngày 6 tháng 3 và ngày 14 tháng 9 đã cung cấp cơ sở cho việc hòa giải và thông báo cho ông Hồ Chí Minh rằng Caffery đang truyền đạt thông điệp tương tự ở Paris. Hơn nữa, Moffat đã được thông báo về việc Baudet đã đảm bảo sẽ không có những cuộc chinh phạt quân sự và sẵn lòng tuân thủ các thỏa thuận trước đó, điều này có thể có ích trong các cuộc trò chuyện với ông Hồ Chí Minh. Về vấn đề chính là Nam Kỳ, Moffat cần xác định liệu ông Hồ Chí Minh có chấp nhận thỏa hiệp hay không. Tuy nhiên, những chỉ thị đó cũng nhấn mạnh vào khuynh hướng không ủng hộ Việt Minh của Bộ Ngoại giao. Acheson khuyên Moffat đừng quên “lý lịch rõ rành rành của ông Hồ Chí Minh là một đại diện của cộng sản quốc tế” và xác định rằng “kết quả ít được mong đợi nhất là sự ra đời của một Nhà nước Cộng sản, ủng hộ Mátxcơva Đông Dương.” (65)
Mặc dù trong các chỉ dẫn cho Moffat có dành chỗ cho khả năng Mỹ làm cầu nối giữa người Pháp và người Việt, nhưng bất kỳ hoạt động “môi giới trung thực” nào của Mỹ đều có ít cơ hội thành công. Người Pháp từ chối cân nhắc sự can thiệp từ bên ngoài. Một quan chức Đại sứ quán Pháp ngay lập tức bác bỏ ý kiến của Kenneth Landon về việc hòa giải thông qua Hoa Kỳ hoặc Liên Hợp Quốc. Hơn nữa, các nhà lãnh đạo Việt Nam từ lâu đã chắc chắn rằng Pháp muốn tìm cách giải quyết trong hòa bình, nhưng tin rằng các hành động của Pháp đi ngược lại lời hứa của họ. Trong khi Baudet truyền đạt sự sẵn lòng thỏa hiệp với Caffery, thì Moutet và d’Argenlieu lại đang thực hiện những hành động cương quyết, ảnh hưởng mạnh mẽ đến chính sách Đông Dương. Vào ngày 15 tháng 12, người Pháp đã đưa bảy trăm quân hạ cánh xuống Đà Nẵng bất chấp sự phản đối của Việt Nam rằng điều đó cấu thành một hành vi vi phạm bản Tạm ước Pháp Việt (66).
Tuy nhiên, Hà Nội vẫn tìm kiếm sự ủng hộ của Hoa Kỳ. Trong một cuộc phỏng vấn vào ngày 16 tháng 12 với phóng viên người Mỹ Robert Trumbull và Foster Hailey, ông Hồ Chí Minh bày tỏ hy vọng rằng nước Việt Nam độc lập có thể đạt được mối quan hệ đặc biệt với Pháp giống như đất nước Philippines mới độc lập đã có với Mỹ. Cùng ngày, ông Hoàng Minh Giám, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, thông báo với O’Sullivan rằng Chính phủ Việt Nam đang xem xét đề nghị Pháp cùng thiết lập lại nguyên trạng như trước khi xảy ra sự cố Hải Phòng, đổi lại bên phía Việt Nam sẽ giảm bớt mức độ sẵn sàng chiến đấu trong quân đội của họ.(67)
Nhưng tại Washington, báo cáo của Moffat đã củng cố ác cảm của Bộ Ngoại giao đối với Chính phủ Hà Nội. Ông lập luận rằng phải duy trì ảnh hưởng của Pháp thì mới có thể bảo vệ Đông Dương và tất cả Đông Nam Á khỏi ảnh hưởng của Liên Xô và sau đó là chủ nghĩa đế quốc của Trung Quốc. Sự chậm trễ trong việc tìm ra một giải pháp chỉ có thể làm suy yếu ảnh hưởng của Pháp. Ngoại trưởng James Byrnes ủng hộ kết luận của Moffat. Trong một thông điệp cho các phái viên của Mỹ vào ngày 17 tháng 12, Byrnes khẳng định Hoa Kỳ muốn giải quyết tình hình càng sớm càng tốt, và có lẽ sẽ thực hiện việc hòa giải dựa trên các quyền lợi đến từ bên ngoài nhưng lại quan trọng đối với việc giữ vững sự ổn định (68). Tuy nhiên, rõ ràng là Bộ Ngoại giao liên kết sự ổn định với sự thống trị của Pháp tại Đông Dương.
Tuy nhiên, triển vọng về một giải pháp hòa giải đã nhanh chóng bị dập tắt. Vào ngày 19 tháng 12, Việt Minh đã đáp lại một tối hậu thư Pháp về việc giải giáp lực lượng dân quân của mình tại Hà Nội bằng cách tấn công các khu vực do Pháp chiếm đóng trong thành phố. Ngày hôm sau người Pháp phản công; trong khi đó, các cuộc chiến đấu đã lan rộng khắp Bắc Kỳ và Trung Kỳ. Vào ngày 21 tháng 12, ông Hồ Chí Minh đã tuyệt vọng kêu gọi các đồng minh chiến tranh:
Nhân dân của các cường quốc Đồng Minh! … những kẻ phản động Pháp [đã] dẫm đạp lên các Hòa ước Atlantic và San Francisco. Họ đang tiến hành một cuộc chiến hung bạo ở Việt Nam. Họ sẽ phải chịu trách nhiệm. Người Việt Nam đề nghị các bạn can thiệp (69).
Tại Bộ Ngoại giao, Văn phòng các Vấn đề Viễn Đông đã gây áp lực để ngăn Pháp tiến hành một chiến dịch quân sự. Theo cách tiếp cận vấn đề do Vincent đề xuất, Acheson, trong cuộc họp ngày 23 tháng 12 với Đại sứ Henri Bonnet, đã đặt câu hỏi về sự hợp lý trong các hoạt động quân sự của Pháp ở miền Bắc và đề nghị để Mỹ giúp đỡ xử lý các vấn đề (70).
Sau một cuộc họp với d’Argenlieu, ông Reed, Lãnh sự tại Sài Gòn, cũng gợi ý rằng “có lẽ hòa giải [bởi một] bên thứ ba [là] giải pháp duy nhất.” (71) Reed đã bị mất tinh thần bởi quyết tâm rõ ràng của Cao ủy muốn sử dụng quân sự để giải quyết tình hình. Việc Moutet đến Sài Gòn không thay đổi chính sách của Pháp, như một số quan chức Mỹ đã hy vọng; thay vào đó, ông ta bảo vệ các hành động quân sự chống lại Việt Minh (72). Vào ngày 8 tháng 1 năm 1947, người Pháp đã từ chối lời đề nghị hỗ trợ của Acheson và đổ lỗi cho Hoa Kỳ phải chịu một phần trách nhiệm trong những khó khăn của Pháp vì đã không hỗ trợ quân sự vào cuối năm 1945 (73).
Khi cuộc chiến tiếp tục với thương vong nặng nề ở cả hai phía, Mỹ vẫn có thiện cảm với chính sách của Pháp ở Đông Dương. Vào tháng 3 năm 1947, Bộ trưởng Ngoại giao mới George C. Marshall đã phân tích tình thế tiến thoái lưỡng nan của Mỹ:
Chúng tôi hoàn toàn công nhận chủ quyền của Pháp và chúng tôi không muốn khiến mọi việc xảy ra như thể chúng tôi đang nỗ lực để phá hoại chủ quyền đó.
Đồng thời, chúng tôi không thể nhắm mắt trước thực tế là có hai mặt trong vấn đề này và các báo cáo của chúng tôi cho thấy sự thiếu hiểu biết của Pháp về đối phương cũng như sự tiếp tục tồn tại của một viễn cảnh và phương pháp cai trị kiểu thực dân lỗi thời và nguy hiểm.
Mặt khác, chúng tôi không bỏ qua sự thật rằng ông Hồ Chí Minh có mối liên hệ trực tiếp tới cộng sản và rõ ràng là chúng tôi không muốn nhìn thấy các chính quyền thuộc địa được trang bị những tư tưởng lý luận và tổ chức chính trị do Kremlin điều khiển và kiểm soát.
Thành thật mà nói chúng tôi không có giải pháp nào để đề xuất cho vấn đề này (74).
Bản tổng kết các phản ứng của Mỹ đối với các diễn biến ở Đông Dương trong năm 1945 – 46 này ủng hộ những lập luận của trường phái “cơ hội đánh mất”. Khi từ chối công nhận các tuyên bố chính trị của Việt Minh, Hoa Kỳ đã để lọt cơ hội thiết lập một mối quan hệ hiệu quả với lực lượng chính của chủ nghĩa dân tộc tại Việt Nam. Ngoài ra, định hướng chính sách của Mỹ ở Đông Dương trong giai đoạn 1945-46 dường như phù hợp với đánh giá của Kolko về tính chất bài cánh tả trong ngoại giao thời hậu chiến, nhưng dường như người Mỹ ở Việt Nam không quan tâm đến chủ nghĩa cộng sản của ông Hồ Chí Minh như Kolko đã trình bày. Mức độ chi phối của hệ thống tư bản đối với các chính sách thời hậu chiến hay mức độ quan tâm của các nhà hoạch định chính sách đối với các lợi ích kinh tế là điểm cốt lõi cho bất kỳ đánh giá toàn diện nào về phân tích của Kolko, nhưng những yếu tố đó nằm ngoài mục tiêu của bài nghiên cứu này. “Trường phái của Pháp” có lẽ đã phóng đại hành động của Mỹ như là một phương tiện để chuyển hướng sự chú ý khỏi sự thiếu hiệu quả của chính sách thực dân Pháp và sức mạnh của chủ nghĩa dân tộc Việt Nam. Những mưu tính của Franklin Roosevelt, Tướng Gallagher, hay Thiếu tá Patti không dẫn đến việc Pháp mất Đông Dương. Quan điểm chính thức của Bắc Việt, tất nhiên, tương đương với việc viết lại lịch sử.
Để kết luận rằng chính sách của Hoa Kỳ là một “cơ hội đánh mất” thì cần phải trả lời câu hỏi: tại sao Hoa Kỳ không giải quyết vấn đề Đông Dương hiệu quả hơn? Như đã trình bày trong suốt phần phân tích trên, chính sách về Việt Nam nổi lên trong khuôn khổ của một bức tranh ngoại giao toàn cầu. Do tính chất cộng sản của Việt Minh, sự khác biệt giữa Pháp và Việt Nam đã không được nhìn nhận trong bối cảnh của một chủ nghĩa dân tộc năng động chống lại một chủ nghĩa thực dân đang hấp hối. Các nhà lãnh đạo ở Washington cho rằng chủ nghĩa cộng sản là một phong trào cứng nhắc và hoài nghi về khả năng kết hợp Chủ nghĩa Cộng sản với chủ nghĩa dân tộc, nên đã coi ông Hồ Chí Minh chỉ là một đại diện của Matxcơva.
Nỗi lo về chủ nghĩa cộng sản của Việt Minh hòa lẫn vào mối bận tâm của Hoa Kỳ về sự bành trướng của chủ nghĩa Cộng sản ở châu Âu. Còn nước Pháp, dường như chỉ cần được hỗ trợ để ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản từ bên trong và giúp ổn định châu Âu chống lại sự bành trướng của Liên Xô vốn được cho là một mối đe dọa. Trong việc phát triển chính sách hậu chiến ở châu Âu, các nhà lãnh đạo Mỹ nhìn chung chỉ nhìn thấy được các lựa chọn hạn chế (75), và với việc Việt Nam trở thành một yếu tố bổ sung cho vấn đề đang nổi cộm là chính sách ngoại giao Chiến tranh Lạnh của Hoa Kỳ, Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao cũng chỉ có thể xem xét các giải pháp thay thế hạn chế. Chính sách ủng hộ yêu sách của Pháp trong khi cổ vũ cho việc giải phóng thuộc địa khỏi chủ nghĩa thực dân do đó đã có một logic nhất định, nó có vẻ như là tiến trình duy nhất khả thi ở Việt Nam. Sự thiếu hiệu quả của phương pháp đó chỉ trở nên rõ ràng khi việc duy trì giải pháp thay thế chính quyền Việt Minh do Pháp bảo trợ (“giải pháp Bảo Đại”) trở nên phụ thuộc vào nguồn lực của Hoa Kỳ. Vào năm 1945 và 1946, chính sách của Hoa Kỳ ở chừng mực nào đó đã từng bị O’Sullivan, Moffat và Vincent đặt dấu hỏi, nhưng Chiến tranh Lạnh nổi lên đã đẩy Mỹ vào con đường định mệnh là hỗ trợ người Pháp.
Danh mục tài liệu tham khảo
28. Memorandum. Vincent to Acheson. Sept. 28. 1945.851G.00/9-2845; Memorandum, Bonbright to Acheson. Sept. 29. 1945. 851G.00 9 2945; Memorandum. Division of European Affairs (Bonbright to Matthews), Oct. 2. 1945. 851G.00/10-245; Acheson to Charge in China (Robertson), Oct. 5. 1945, FRUS 1945. VI, 313.
29. Buttinger, Vietnam, I, pp. 313-31; Chen, Vietnam and China, pp. 132-47; Vice-Admiral the Earl Mountbatten of Burma, Post-Surrender Tasks: Section E of the Report to the Combined Chiefs of Staff by the Supreme Commander. Southeast Asia, 1943-1945 (London: H. M. Stationery Office, 1969), pp. 285-289.
30. U.S. and Vietnam. 1944-47. pp. 4-5; Fall. Politique Etrangere (1955), p. 314.
31. Buttinger, Vietnam, I, pp. 343-44; Cooper, Lost Crusade, pp. 39-41; Shaplen, Lost Revolution, p. 42; U.S. and Vietnam. 1944-47. pp. 5-6; Robert Trumball, The Scrutable East; A Correspondent’s Report on Southeast Asia (New York. David McKay, 1964), pp. 195-96.
32. Jean Lacouture. Ho Chi Minh: A Political Biography, trans. Peter Wiles, ed. Jean Clark Seitz (New York: Random House. 1968), pp. 267-71.
33. Memorandums of Conversations with Patti, Nordlinger and Don Garden (R. L. Sharp), Dec. 5, 1945, 851G.00/12-545; Memorandum of Conversation with Jane Foster and R. Allan (J. Cady), Dec. 12. 1945, 851G.00/12-1245.
34. Consul at Kunming (Sprouse) to Sec. State. Oct. 24, 1945, 851G.00/10-2445; U.S. and Vietnam, 1944-47. p. 9; Ho Chi Minh to Truman. Oct. 17, 1945, U.S.-Vietnam Relations, 1945-1967,1, C, 73-74.
35. Cameron (ed.). Viet-Nam Crisis. I, 64-65.
36. Report of Arthur Hale, U.S. and Vietnam. 1944-47, pp. 31-32.
37. Embassy at Chungking (Robertson) to Sec. State, Nov. 8, 1945, 851G.00/11-2645; U.S. andVietnam. 1944-47, pp. 10-12; Embassy at Chungking (Robertson) to Sec. State, Nov. 23, 1945,U.S.-Vietnam Relations, 1945-1967. I, C, 87-88.
38. Ho Chi Minh, On Revolution, pp. 158-59.
39. New York Times, Nov. 5, 1945; Charles B. McLane, Soviet Strategies in Southeast Asia; An Exploration of Eastern Policy under Lenin and Stalin (Princeton: Princeton UniversityPress, 1966), pp. 266-67.
40. Newsweek. Nov. 26. 1945, p. 54: New York Times, Sept. 27, Oct. 4, and Nov. 17, 1945.
41. Chen, Vietnam and China, pp. 123-30; Shaplen, Lost Revolution, pp. 45-46.
42. Embassy at Chungking (Smith) to Sec. State, Feb. 13.1946, U.S.-Vietnam Relations, 1945-1967, I, C, 93-94.
43. Memorandums of Conversations with Nordlinger and Patti (Sharp), Dec. 5, 1945, 851G.00/12-545.
44. Memorandum of Conversation with Foster (Cady), Dec. 12, 1945, 851G.00/12-1245.
45. U.S. and Vietnam, 1944-47, pp. 23-26.
46. Consul at Shanghai (Butrick) to Sec. State, Dec. 1, 1945, 851G.OO/12-145.
47. Memorandum of Conversation with Gallagher (Sharp). Jan. 30. 1946. FRUS 1946, Vol. VIII: The Far East (Washington: Government Printing Office, 1971), pp. 16-19.
48. Landon to Sec. State, Feb. 24, 1946, ibid., pp. 28-29; Kenneth Landon. “Southeast Asia and U.S. Foreign Policy,” United Asia (Bombay), 17 (July-August, 1965). pp. 272-74.
49. Landon to Sec. State, không ghi ngày tháng (nhận được ngày Feb. 27. 1946), FRUS 1946. VIII. 26-27.
50. Ho Chi Minh to Truman, Feb. 16. 1946, U.S.-Vietnam Relations, 1945-1967. I, C. 95-97.
51. Chen. Vietnam and China, pp. 141-43; Landon to Sec. State, Feb. 16. 1946. FRUS 1946. VIII, 25-26; Embassy at Chungking (Smyth) to Sec. State, March 1, 1946, ibid., pp. 30-31.
52. Ellen J. Hammer, The Struggle for Indochina. 1940-1955 (Stanford: Stanford University Press. 1966). pp. 153-59; Clarke W. Garrett, “In Search of Grandeur: France and Vietnam, 1940-1946,” Review of Polities. 29 (July, 1967), 318-19; Ho Chi Minh to Prime Minister, United Kingdom. March 18, 1946, Cameron (ed.), Viet-Nam Crisis. I, 79-80; Secretary of State to Certain Diplomatic Officers, April 18, 1946, FRUS 1946, VIII, 36.
53. Hammer, Struggle for Indochina, pp. 159-65; Shaplen, Lost Revolution, pp. 11-13.
54. Reed to Sec. State, April 27,1946, FRUS 1946, VIII, 37-38; Reed to Sec. State, April 30,1946, ibid., p. 39, note 40.
55. Shaplen, Lost Revolution, pp. 13-14; Hammer, Struggle for Indochina, pp. 168-69.
56. Caffery to Sec. State, July 7, 1946. FRUS 1946, VIII, 48-49; O’Sullivan to Sec. State, July 26, 1946. ibid., p. 44, note 49; Caffery to Sec. State, Aug. 2.1946, ibid., pp. 49-50; Reed to Sec. State, Aug. 6, 1946, ibid., pp. 50-51; Reed to Sec. State, Aug. 8, 1946, ibid., p.51.
57. Memorandum, Moffat to Vincent, Aug. 9, 1946, ibid., pp. 52-54.
58. Caffery to Sec. State, Sept. 11, 1946, ibid., p. 58.
59. Caffery to Sec. State, Sept. 12, 1946, U.S.-Vietnam Relations, 1945-1967, I, C, 102-104.
60. Shaplen, Lost Revolution, pp. 46-48; Hammer, Struggle for Indochina, pp. 172-74.
61. Ibid., pp. 175-81; Chen, Vietnam and China, pp. 150-58.
62. Hammer, Struggle for Indochina, pp. 181-83; Edgar O’Ballance, The Indochina War, 1945-1954: A Study in Guerrilla Warfare (London: Faber and Faber, 1964), pp. 73-75; Garrett, Review of Politics, 29, p. 320; O’Sullivan to Sec. State, Nov. 4. 1946, FRUS 1946. VIII, 63.
63. Caffery to Sec. State, Nov. 29, 1946, ibid., p. 63; Caffery to Sec. State, Dec. 4. 1946, ibid., pp. 65-66; Caffery to Sec. State, Dec. 4. 1946, ibid., p. 66; Memorandum of Conversation by Landon, Dec. 5, 1946, ibid., p. 67.; McLane, Soviet Strategies in Southeast Asia, pp. 270-72; Hammer, Struggle for Indochina, p. 201.
64. O’Sullivan to Sec. State, Nov. 30. 1946. FRUS 1946, VIII, 64; O’Sullivan to Sec. State. Dec. 3, 1946, ibid., pp. 64-65; Reed to Sec. State, Dec. 6,1946, ibid., pp. 69-70; Letters of Moffat to his wife and State Dept., Dec., 1946, U.S. and Vietnam, 1944-47. pp. 36-44.
65. Acheson to Moffat, Dec. 5, 1946, FRUS 1946, VIII, 67-68.
66. Memorandum of Conversation by Landon, Dec. 16,1946, ibid., p. 71; New York Times, Dec. 15, 1946; Hammer, Struggle for Indochina, pp. 186.87.
67. Trumbull, Scrutable East, pp. 197-98; O’Sullivan to Sec. State, Dec. 16,1946. FRUS 1946, VIII, 71-72.
68. Sec. State to Certain Diplomatic Missions, Dec. 17, 1946, ibid., pp. 72-73.
69. Message to Vietnamese People, French People, and Peoples of Allied Nations, Dec. 21,1946, Ho Chi Minh, On Revolution, pp. 173-74.
70. Vincent to Acheson, Dec. 23,1946, FRUS 1946, VIII, 75-77; Sec. State to Caffery, Dec. 24,1946, ibid., pp. 77-78.
71. Reed to Sec. State, Dec. 22, 1946, ibid., pp. 78-79.
72. Reed to Sec. State, Dec. 28, 1946, ibid., p. 81; Reed to Sec. State, Dec. 30, 1946, ibid., p. 82.
73. The Pentagon Papers; The Defense Department History of U.S. Decision-making on Vietnam (Boston: Beacon Press, 1971), I, 80.
74. Sec. State to Embassy to France, Feb. 3,1947, FRUS 1947, Vol. VI: The Far East (Washington: Government Printing Office, 1972), 67-6
75. John Lewis Gaddis, America and the Origins of the Cold War, 1941-1947 (New York; Colubia University Press, 1972), pp. 353-61 et passim.