Tài liệu CIA: Những diễn biến quan trọng trong chính sách của Pháp tại Đông Dương (1952)

Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông trân trọng giới thiệu với độc giả bản dịch một số tài liệu CIA về Việt Nam trong các giai đoạn kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Mặc dù chỉ phản ánh quan điểm và cách đánh giá của phía Mỹ (CIA), song những tài liệu này sẽ giúp người đọc hiểu rõ hơn về lịch sử Việt Nam thế kỷ 20, đặc biệt trên khía cạnh quan hệ giữa các nước lớn và sự can thiệp của họ vào chiến tranh Việt Nam.

Báo cáo dưới đây của Văn phòng Đánh giá Quốc Gia (Office of National Estimates), Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (Central Intelligence Agency – CIA), đề ngày 10 tháng 1 năm 1952, và đã được giải mật vào tháng 1 năm 2005.

***

CƠ QUAN TÌNH BÁO TRUNG ƯƠNG
VĂN PHÒNG ĐÁNH GIÁ QUỐC GIA
Ngày 10 tháng Một năm 1952

Báo cáo gửi Giám đốc Tình báo Trung ương
Chủ đề: Những diễn biến quan trọng trong chính sách của Pháp tại Đông Dương

Do cuộc khủng hoảng nội các và khủng hoảng ngân sách hiện tại, Pháp sẽ sớm phải đánh giá lại kỹ càng về chính sách của mình tại Đông Dương và điều này có thể ảnh hưởng lớn tới Hoa Kỳ. Do tác động của lạm phát kéo dài và khả năng tài chính có hạn, ý kiến của các cấp chính quyền và công luận Pháp đang nhanh chóng nghiêng về nhận định rằng nước Pháp không thể đồng thời hỗ trợ hai nỗ lực quân sự lớn, một ở Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và một tại vùng Viễn Đông.

Chính sách quân sự trước chiến tranh của Pháp đã phản ánh mối bận tâm với hai yêu cầu: (a) không để bị lấn át về mặt quân sự bởi một nước Đức đang hồi sinh; và (b) giữ vững vị thế của Pháp tại nước ngoài. Theo tính toán của Pháp, dù dự kiến được Hoa Kỳ hỗ trợ về mọi mặt, chi phí để nước này đáp ứng cả hai yêu cầu có thể tăng lên tới 4 tỉ đô-la trong năm 1952 – xấp xỉ 1 tỉ đô-la tại Đông Dương và 3 tỉ đô-la cho NATO. Tuy nhiên, Pháp tính toán rằng ngân sách quân sự khả thi tối đa của họ vẫn sẽ thiếu hơn 500 triệu đô-la so với chi phí trên.

Do mối quan tâm lớn Pháp dành cho Tây Âu, dường như mọi sự cắt giảm chi phí sẽ được thực thi ở vùng Viễn Đông. Một vài dấu hiệu kể đến như (a) bình luận gần đây của Tướng de Lattre về sự bất cân xứng giữa phí tổn chiến tranh tại Đông Dương và tiền vốn đổ vào khu vực này; (b) yêu cầu gần đây của Thủ tướng Pleven kêu gọi những cuộc đối thoại cấp cao về Đông Dương sớm diễn ra trong bối cảnh các vấn đề của vùng Viễn Đông; và (c) những dấu hiệu cho thấy nhiều chính trị gia Pháp đang thay đổi quan điểm và tin rằng việc Pháp rút khỏi Đông Dương là tất yếu và không nên trì hoãn quá lâu. Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Paris đánh giá “hiệu ứng tuyết lăn đã bắt đầu” và rằng trong tình trạng thiếu vắng một hình thức quốc tế hóa vấn đề Đông Dương hoặc thiếu một nguồn viện trợ bổ sung đáng kể từ Mỹ, mong muốn của công chúng về việc rút lui khỏi Đông Dương sẽ tăng dần và thậm chí còn được đẩy nhanh.

Trong tình huống như vậy, chính phủ Pháp hiển nhiên đã kết luận rằng, cơ hội duy nhất để giải quyết vấn đề mà không phải cắt giảm chi phí nằm ở việc thuyết phục Hoa Kỳ rằng nước Pháp không còn đủ khả năng chịu gánh nặng lớn từ cuộc chiến tranh Đông Dương. Nước Pháp luôn luôn giữ vững quan điểm rằng cuộc đấu tranh ở Đông Dương không đơn thuần là lợi ích quốc gia mà còn là một phần thiết yếu trong toàn thể nỗ lực ngăn chặn của phương Tây. Do đó, những chính sách hiện tại của Pháp dường như đang hướng đến: (a) giành được nguồn viện trợ bổ sung đáng kể từ Hoa Kỳ để giảm nhẹ gánh nặng tài chính của Pháp; (b) đạt được một hình thức quốc tế hóa chiến tranh Đông Dương, đồng nghĩa với một cam kết giữa Hoa Kỳ và Anh Quốc để bảo vệ Đông Dương – điều được coi như lời cảnh báo tới cộng sản Trung Quốc, cùng với việc thực hiện các biện pháp phòng thủ chung như được khuyến nghị tại Hội nghị Singapore; và (c) nếu có thể, đạt được sự đình chiến tại Đông Dương theo mô hình Triều Tiên. Có khả năng cao là Pháp dự định thúc đẩy quyết định sớm về những vấn đề này, bất chấp những hậu quả nặng nề lên chính sách thuộc địa của Pháp. Chính phủ Pháp có thể sẽ tính toán rằng nước này sớm hay muộn cũng phải hành động theo hướng này và không thể trì hoãn tới khi cuộc xâm lược của Trung Quốc đã cận kề hoặc khi phía Đức tái vũ trang.

SHERMAN KENT
Trợ lý giám đốc
Văn phòng Đánh giá Quốc gia

Mỹ Linh dịch (Nguồn: Office of National Estimates, Critical Developments in French Policy toward Indochina, Memorandum for the Director of Central Intelligence, 1952)

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN