Hội nghị Geneve năm 1954

I. Bối cảnh thế giới trước Hội nghị Geneve 1954

Bối cảnh thế giới trước Hội nghị Geneve đã có sự phân lập rõ rệt giữa hai trục Tư bản và Cộng sản. Giáo sư Joseph Nye cho rằng ba giai đoạn đầu tiên của Chiến tranh lạnh bao gồm: 1945-1947 – khởi đầu; 1947- 1949 – tuyên bố Chiến tranh lạnh; và 1950-1962 – đỉnh điểm của Chiến tranh lạnh.[1] Dựa trên những phân chia của Joseph Nye, có thể thấy giai đoạn trước Hội nghị Geneve đã thuộc về thời kỳ gay gắt của cuộc chiến ý thức hệ, thường được gọi là Chiến tranh Lạnh. Ở Châu Á, các biểu hiện gay gắt này là chiến tranh Triều Tiên và chiến tranh Đông Dương.

Năm 1950, quân đội của Bắc Triều Tiên vượt biên giới, tấn công vào lãnh thổ của Nam Triều Tiên. Quân đội Bắc Triều Tiên ban đầu đã chiếm toàn bộ lãnh thổ, tới tận điểm cuối bán đảo. Tuy nhiên, vào tháng 9/1950, cuộc đổ bộ trực tiếp của quân Mỹ đã giúp đẩy lùi quân Bắc Triều Tiên. Hơn thế, lực lượng liên quân do Mỹ dẫn đầu đã truy kích quân đội Bắc Triều Tiên lên khu vực phía trên vĩ tuyến 38, tới sát sông Áp Lục, con sông chia cắt Triều Tiên và Trung Quốc. Quân đội Trung Quốc đã can thiệp, đẩy lùi quân Mỹ trở lại vĩ tuyến 38. Tại đây, chiến sự diễn ra giằng co, ác liệt và đẫm máu, ròng rã trong 3 năm cho đến khi một hiệp định ngừng bắn tạm thời được ký kết vào năm 1953.

Chiến tranh Triều Tiên là cuộc chiến tranh “nóng” đầu tiên trong Chiến tranh Lạnh. Hơn 55.000 người Mỹ đã thiệt mạng trong cuộc xung đột. Tuy đã có hiệp định ngừng bắn nhưng chưa bao giờ có một hiệp ước hoà bình trên bán đảo Triều Tiên. Triều Tiên vẫn là vùng “nóng” ở Châu Á và giải quyết tận gốc vấn đề Triều Tiên vẫn là một ưu tiên quan trọng trong chương trình nghị sự của các nước lớn vào những năm 50 của thế kỷ 20.

Một cuộc chiến khác cũng dai dẳng và khốc liệt không hề kém là chiến tranh ở Đông Dương, mà Việt Nam là tâm điểm. Như đã phân tích ở phần trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào tháng 9 năm 1945 với hi vọng ngăn chặn người Pháp tái chiếm thuộc địa cũ của họ nhưng chiến tranh nổra khi người Pháp cố gắng thiết lập lại chế độ thực dân ở Đông Dương với sự viện trợ của Hoa Kỳ nhằm ngăn chặn Chủ nghĩa Cộng sản. Cuộc chiến tranh du kích giữa Việt Minh được sự ủng hộ của Trung Quốc, Liên Xô, Pháp dưới sự bảo trợ của Mỹ đã bùng phát ngày một dữ dội. Đầu năm 1954, quân đội Việt Minh, dưới sự chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đã hành quân tới Điện Biên và đến tháng 3 bắt đầu bao vây cứ điểm này bằng hàng vạn binh lính và pháo hạng nặng.

Cả hai cuộc chiến Triều Tiên và Đông Dương đều ở trong tình trạng dở dang và đẫm máu buộc các nhà lãnh đạo thế giới thuộc cả hai phe phải có những động thái giải quyết nhằm lập lại trật tự và phân chia lợi ích chiến lược.

Đề xuất về một hội nghị quốc tế

Ngày 25 tháng 1 năm 1954, Ngoại trưởng bốn nước Anh, Pháp, Mỹ, Liên Xô gặp nhau tại Berlin nhằm bàn bạc việc thống nhất nước Đức. Đây là lần đầu tiên kể từ sau Thế chiến II, Ngoại trưởng 4 nước thuộc phe Đồng minh trong chiến tranh ngồi lại với nhau. Phe phương Tây gồm Anh, Pháp, Mỹ, đã bất đồng nghiêm trọng với phương Đông (Liên Xô) về việc vấn đề chính là nước Đức. Tuy vậy, khi bàn tới Châu Á, các bên lại đạt được một số nhất trí.

Ngoại trưởng Liên Xô Molotov đã phân tích cục diện Châu Á tại Hội nghị này và cho rằng tình hình Triều Tiên vẫn không ổn định, nếu không giải quyết rốt ráo sẽ bùng phát xung đột. Đặc biệt, Molotov nhấn mạnh Đông Dương đang “leo thang trở thành một cuộc chiến quy mô lớn, mỗi giờ mỗi phút đều có đổ máu”[2]. Vì thế, Molotov là người đầu tiên đề nghị tổ chức một Hội nghị quốc tế lớn gồm 5 bên là Liên Xô, Mỹ, Anh, Pháp và cả Trung Quốc nhằm tìm kiếm giải pháp cho hai vấn đề cấp bách là Triều Tiên và Đông Dương.

Khi Liên Xô đề xuất Trung Quốc được tham gia Hội nghị, Mỹ khước từ. Tài liệu Trung Quốc ghi nhận khi Molotov đề nghị Ngoại trưởng Mỹ Dulles gặp Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai, Dulles đã đứng bật dậy lạnh lùng nói: “Chu Ân Lai là ai? Ông ta tham gia phe của chúng ta thì sẽ khiến những điều không thể giữa phương Đông và phương Tây trở thành có thể hay sao?”[3]. Cho tới cuối cùng, Mỹ vẫn tuyên bố mập mờ rằng không thông qua Hội nghị có cả 5 nước bao gồm Trung Quốc nhưng lại nói có thể đàm phán từng vấn đề cụ thể với Trung Quốc, như vấn đề Triều Tiên và Đông Dương, nhưng không đồng nghĩa với việc công nhận chính quyền Cộng sản ở Trung Quốc.

Ngoại trưởng Mỹ Dulles cũng hoài nghi sự cần thiết phải đưa Đông Dương lên bàn đàm phán và cho rằng chưa đến lúc giải quyết việc này. Tuy vậy, Ngoại trưởng Pháp Georges Bidaul gặp riêng ngoại trưởng Liên Xô Molotov, ngoại trưởng Anh Eden và ngoại trưởng Mỹ Dulles để thuyết phục các nước này đưa vấn đề Đông Dương ra thảo luận tại Hội nghị Ngũ cường sắp tới. Pháp quá lấn cấn trước sức ép từ chiến trường và sự phản đối trong nước tới mức Ngoại trưởng Pháp Bidault phải thốt ra rằng: “nước Pháp không chút do dự tuyên bố rằng từ nay trở đi, mỗi giờ mỗi phút chính phủ Pháp đều sẵn sàng nắm bắt các thời cơ để cùng liên bang (tức ba nước Đông Dương) tiến hành thương lượng để đem lại hoà bình…”[4]

Cho tới cuối Hội nghị Berlin, bất chấp sự nhùng nhằng của Mỹ (lý do sẽ được phân tích kỹ hơn ở phần sau), ngày 18 tháng 2 năm 1954, Ngoại trưởng 4 nước nhất trí ra tuyên bố chung sẽ tổ chức Hội nghị Quốc tế tại thành phố Geneve, Thuỵ Sỹ, vào ngày 26 tháng 4 năm 1954, để thảo luận vấn đề Triều Tiên và thảo luận việc khôi phục lại hoà bình ở Đông Dương. Trong thông cáo chung này, vẫn có đoạn viết:

“… trước mắt sẽ mời Liên Xô, Mỹ, Pháp, Anh, Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa và đại biểu các nước khác có liên quan tham gia. Các bên đạt được nhận thức chung rằng mặc dù được mời tham gia hoặc tổ chức các Hội nghị nói trên, đều không được cho rằng bất cứ tình huống nào chưa được công nhận về mặt Ngoại giao có nghĩa là đã được công nhận về mặt Ngoại giao.”[5]

Ngoại trưởng Dulles đã đích thân soạn văn bản này và đưa vào đoạn không “công nhận Ngoại giao”, hàm ý vẫn không chấp nhận Trung Quốc, bất chấp sự phản đối của Ngoại trưởng Nga Molotov. Cho dù Mỹ không hài lòng với việc tổ chức Hội nghị Geneve, các quốc gia khác đã có những bước chuẩn bị cẩn trọng để tham gia hội nghị này, trong đó đặc biệt phải kể tới Trung Quốc, quốc gia vừa mới thành lập năm 1949 và đang có tham vọng ảnh hưởng trên trường quốc tế.   

 

II. Phe Tư bản trước Hội nghị Geneve 1954

Đối với vấn đề Đông Dương, Mỹ, trước sau như một, không hề muốn thế giới tập trung vào đi tìm một giải pháp hoà bình. Mỹ tìm mọi cách hướng sự chú ý về chiến trường để có một chiến thắng quân sự. Mỹ không muốn một kịch bản ngừng chiến theo kiểu Triều Tiên lập lại ở Đông Dương. Ngược lại, Trung Quốc lại rất muốn một kịch bản chia cắt tương tự Triều Tiên.

Mỹ duy trì một quan điểm hết sức cứng rắn, không chấp nhận bất kỳ động thái giải quyết nào khác ngoài chiến tranh. Sở dĩ như vậy bởi Mỹ đã liệu định trước rằng nếu có một cuộc hoà đàm chắc chắn sẽ phải dẫn tới hai trường hợp: (1) chính phủ liên hiệp với Cộng sản hoặc (2) phải chia cắt Việt Nam. Hoa Kỳ đã phân tích 2 trường hợp này như sau:

Thứ nhất, hình thành một chính phủ liên hiệp đồng nghĩa với phải tổ chức một cuộc bầu cử. Mỹ cho rằng ngay cả khi cuộc bầu cử ấy diễn ra một cách hoàn toàn dân chủ thì một chiến thắng của Cộng sản gần như là chắc chắn do Việt Minh kiểm soát lãnh thổ, được sự ủng hộ rộng rãi của dân chúng và có những sách lược rất linh hoạt. Bộ Quốc Phòng Mỹ cho rằng: “Người Cộng sản, với năng lực tuyên truyền siêu việt, có thể sẵn sàng chuyển hướng vấn đề bầu cử trở thành sự lựa chọn giữa độc lập dân tộc và bị thực dân Pháp đô hộ”[6].

Thứ hai, Mỹ cho rằng chia cắt đất nước Việt Nam đồng nghĩa với nhượng lại vùng Bắc Kỳ chiến lược cho Cộng sản, dẫn tới chính sách ngăn chặn phần nào thất bại. Ngoại trưởng Mỹ Dulles tuyên bố không thể chia cắt lãnh thổ bởi chiến tranh là không hạn chế ở bất kỳ khu vực nào. Mặc dù chưa bao giờ tỏ ý phản đối công khai việc chia cắt, nhưng trước Hội nghị Geneve, Ngoại trưởng Dulles tuyên bố Mỹ sẽ chỉ đồng ý phân chia lãnh thổ khi Cộng sản chịu đầu hàng và phân chia chỉ đơn giản là tập hợp toàn bộ quân Cộng sản vào một khu vực nhỏ để không thể gây hại tới các vùng khác.

Mỹ vận động quân sự, Anh khước từ, Pháp do dự

Với tính tính toán như vậy, ngay cả khi biết chắc rằng vấn đề Đông Dương sẽ được đem ra bàn thảo tại Geneve vào tháng 4, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã thông qua quan điểm rõ ràng của Mỹ vào ngày 23 tháng 3 năm 1954: Mỹ sẽ không tham gia vào bất kỳ thoả hiệp nào “không thể đảm bảo một cách đầy đủ và hợp lý tính toàn vẹn về chính trị và lãnh thổ của Đông Dương trong tương lai…”[7]

Ngoại trưởng Mỹ Dulles thậm chí còn nói với Đại sứ Pháp tại Mỹ Henri Bonnet vào ngày 3 tháng 4 rằng chia cắt Đông Dương là “phi thực tế” và chính phủ liên hiệp với Cộng sản là “sự bắt đầu của thảm hoạ”. Ngày 4 tháng 4, Tổng thống Mỹ Eisenhower viết thư cho Thủ tướng Anh Churchill: “Không có giải pháp đàm phán cho vấn đề ở Đông Dương, về bản chất, không thể coi giải pháp này là một cách giữ thể diện khi Pháp đầu hàng hay khi Việt Minh rút lui.”[8]

Vì thế, trong khi phe Cộng sản ráo riết chuẩn bị cho Hội nghị Geneve thì Mỹ chỉ lo vận động Anh và Pháp áp dụng biện pháp quân sự thay vì đàm phán hoà bình.

Về mặt ngoại giao, Mỹ tiếp tục vận động Pháp không được ngừng bắn sớm với Việt Minh. Ngay cả khi miễn cưỡng phải đồng ý với 3 cường quốc còn lại ở Berlin rằng sẽ đưa Đông Dương vào thành một trong những chủ đề của Hội nghị Geneve, Mỹ vẫn thúc Pháp không được chấp nhận thoả thuận ngừng bắn trước khi Hội nghị bắt đầu. Ngoại trưởng Pháp Bidault đã phải đồng ý với Ngoại trưởng Mỹ Dulles điểm này.

Mặt khác, Mỹ tiếp tục kêu gọi Anh ủng hộ giải pháp liên minh quân sự để can thiệp trực tiếp vào Điện Biên Phủ. Ngày 11 tháng 4, Ngoại trưởng Mỹ Dulles bay tới London để hội đàm với Ngoại trưởng Anh Eden nhằm bàn về giải pháp đối với Đông Dương. Dulles cho rằng thế bại của Pháp là tất yếu và can thiệp quân sự ngay lập tức cũng không dễ vãn hồi tình hình nhưng kêu gọi Anh đồng ý tham gia liên minh với Mỹ dù chỉ mang tính tượng trưng nếu phải can thiệp quân sự. Dulles cũng đề xuất Anh tham gia khối liên minh phòng thủ chung Đông Nam Á SEATO trong tương lai.

Về SEATO, Anh tuyên bố có hứng thú nhưng không nghĩ nhiều quốc gia ở Đông Nam Á và Châu Á sẽ hứng thứ, ví dụ Ấn Độ, Pakistan và Myanmar không nhất thiết phải gia nhập SEATO.

Về liên minh, Anh, một lần nữa, khước từ liên minh quân sự với Mỹ với lý do e ngại rằng động binh sẽ khiến chiến tranh mở rộng ra toàn cõi Đông Dương với sự can dự trực tiếp của Trung Quốc. Eden cũng cho rằng Quốc hội Mỹ sẽ không dễ đồng tình với việc động binh khi vừa đình chiến được ở Triều Tiên. Anh đã khéo léo từ chối liên minh với Mỹ. Nếu Anh đồng ý, Mỹ gần như chắc chắn sẽ can thiệp ít nhất bằng không quân vào Điện Biên Phủ, dẫn tới chiến tranh lan rộng ngay lập tức tại Việt Nam từ tháng 4 năm 1954.

Ngày 13 tháng 4, Dulles từ Anh bay qua Pháp thuyết phục Pháp về một liên minh quân sự nhưng lúc này, Pháp cũng không quá mặn mà với giải pháp này nữa. Trước đó, như đề cập ở phần trước, Pháp từng không ít lần cầu cứu Mỹ can thiệp bằng không quân nhằm giải cứu Điện Biên Phủ. Nhưng càng tới khi nhìn thấy thế bại chắc chắn, Pháp càng ngả về phương án đàm phán ở Geneve cũng như không tin rằng Anh sẽ tham gia liên minh.

3 ngày trước khi Hội nghị Geneve khai mạc, ngày 23 tháng 4, Ngoại trưởng Dulles tiếp tục bay sang Pháp và gặp Ngoại trưởng Australia Richard Casey trước. Ông thuyết phục Úc tham gia liên minh quân sự với Mỹ và Anh nhưng Casay đã khéo léo chối từ bằng cách nói rằng “nhìn chung ông ủng hộ nước Mỹ nhưng đối với các chính sách Châu Á Thái Bình Dương thì còn có cách nghĩ riêng của mình.”[9]

Ngày 24, Ngoại trưởng Anh Eden cũng bay tới Paris để hội đàm với Dulles và Ngoại trưởng Pháp Bidault trước thềm Geneve. Mỹ vẫn chỉ yêu cầu cả Anh lẫn Pháp cùng đồng ý tham gia liên minh quân sự để Tổng thống Eisenhower có thể nhận được lá phiếu gật đầu của Quốc hội. Mỹ liên tục khẳng định rằng tình thế ở Điện Biên Phủ đã nguy ngập tới mức không thể ngồi im được nữa.

Tuy vậy, một lần nữa, Anh đã thoái thác. Eden đã vặn ngược lại vấn đề với Mỹ rằng: “tức là nếu chúng ta đánh Đông Dương, có thể sẽ phải đối mặt với một cuộc chiến tranh có quy mô lớn,”[10] hàm ý Trung Quốc sẽ động binh nếu Mỹ và Anh liên hợp xuất kích.

Giờ chót, chỉ hai ngày trước Geneve khai mạc, Thủ tướng Pháp Daniel yêu cầu Mỹ “can thiệp trực tiếp” trong cuộc hội đàm với Dulles. Thủ tướng Pháp cho rằng: “chỉ cần có viện trợ không quân Mỹ với quy mô lớn là có thể giải cứu Điện Biên Phủ.”[11] Mỹ và Pháp về cơ bản nhất trí nhưng Ngoại trưởng Anh Eden không thể quyết định có gia nhập liên minh quân sự hay không nên đã bay về Anh gấp vào tối ngày 24 tháng 4, để hội đàm với Thủ tướng Anh Churchill. Chirchill đã “từ chối nghĩa vụ quân sự ở Đông Dương” và yêu cầu “nghĩ mọi biện pháp để Hội nghị Geneve sắp diễn ra đạt được thành quả.”[12]

Churchill đã phê chuẩn lập trường 8 điểm của mình về Đông Dương, bất đồng ý kiến với Mỹ. Cụ thể 8 điểm như sau:

“1.- ‘’Tuyên bố London’’ mà hai nước Anh, Mỹ vừa công bố không có nghĩa là nước Anh sẽ lập tức tham gia vào mọi cuộc thương lượng để xem xét khả năng liên minh can thiệp vào chiến tranh Đông Dương.

2.- Trước khi Hội Nghị Genève diễn ra, lực lượng vũ trang Anh không gánh vác hành động tại Đông Dương.

3.- Chúng tôi sẽ ủng hộ hết sức về mặt Ngoại Giao đối với Đoàn Đại Biểu Pháp tại Hội Nghị Genève, tranh thủ đạt được một phương án giải quyết thể diện.

4.- Chúng tôi có thể cam kết nếu Hội Nghị Genève đạt được một phương án giải quyết, chúng tôi sẽ tham gia các nỗ lực chung để thực hiện hiệp nghị này, và sẽ tham gia liên minh phòng vệ tại Đông Nam Á cùng với Anh, Mỹ như đã trình bày trong ‘’Tuyên bố London’’.

5.- Chúng tôi hy vọng hiệp nghị đạt được tại Genève có thể được nhiều nước liên hợp thực hiện, và sẽ ảnh hưởng đến phần lớn khu vực Đông Dương.

6.- Nếu tại Hội Nghị Genève không đạt được bất kỳ hiệp nghị nào, chúng tôi sẽ cùng thương lượng với các nước liên minh về các giải pháp liên hợp hành động nên sử dụng.

7.- Hiện tại, chúng tôi không thể đưa ra cam kết, nếu Hội Nghị Genève không đạt được hiệp nghị chấm dứt tình trạng đối địch tại Đông Dương, nước Anh sẽ áp dụng biện pháp gì.

8.- Hiện nay chúng tôi phải thương lượng với chính phủ Mỹ, một khi một phần hay toàn bộ Đông Dương bị mất, cần phải sử dụng các biện pháp bảo vệ các nước Đông Nam Á, trong đó bao gồm Thái Lan và cả Malaysia.”[13]

Cuộc vận động của Mỹ đối với Anh trước thềm Geneve diễn ra tới những giờ phút cuối cùng. 11h sáng ngày 25 tháng 4, nội cách Anh họp thông qua nguyên tắc 8 điểm của Churchill. Tới 2h20 phút chiều, cả Ngoại trưởng Dulles và Bidault vẫn gửi tới cho Eden một bức thư khẩn thiết yêu cầu liên minh nếu không Điện Biên Phủ sẽ mất trong một vài ngày tới. Mỹ muốn tấn công không quân Điện Biên Phủ vào ngày 28 tháng 4. Sự ngoan cố của Mỹ khiến nội các Anh họp thêm một lần nữa vào 4h chiều và vẫn nhất trí từ chối phục tùng Mỹ. Tối 25 tháng 4, ngay cả khi Ngoại trưởng Eden đã lên máy bay đi Geneve, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Redford vẫn mang lời nhắc của Eisenhower gửi tới Churchill nhưng vô ích. Churchill từ chối. Thái độ cứng rắn này của Anh đã giúp Điện Biên Phủ tránh được một thảm hoạ nếu Mỹ can thiệp bằng không quân. Nước Mỹ đã thất bại trong mọi nỗ lực vận động quân sự trước thềm Hội nghị Geneve diễn ra vào ngày 26 tháng 4 năm 1954.

Quan điểm của phương Tây trước giờ khai mạc

Cho tới sát giờ khai mạc Hội nghị, các quốc gia phương Tây vẫn không sẵn sàng cho đàm phán hoà bình. Ngoại trưởng Mỹ Dulles đến Geneve vào ngày 15 tháng 4 trong tâm trạng không vui vẻ gì, hơn thế, muốn phá hoại hội nghị. Điểm cao là việc Mỹ “đe doạ” rút khỏi hội nghị nếu kết quả bất lợi cho phương Tây. Ngày 25 tháng 4 năm 1954, Ngoại trưởng Dulles tuyên bố trách nhiệm tìm ra giải pháp cho Đông Dương là của Pháp, phe Quốc gia phi Cộng sản ở Việt Nam và Việt Minh. Ông này tuyên bố Mỹ không có trách nhiệm lớn trong Hội nghị này và khẳng định: “chúng tôi có thể sẽ muốn rút khỏi hội nghị.”[14]

Những tuyên bố này thể hiện rõ toan tính của Mỹ đối với Đông Dương, Mỹ không muốn dính líu tới Hội nghị và không muốn cam kết gì để dễ bề tiếp tục chính sách ngăn chặn cộng sản bằng cách thế chân Pháp ở Đông Dương. Điều đó thể hiện ở kết quả cuối cùng khi Mỹ không ký vào hiệp định, để đảm bảo không có một ràng buộc nào ảnh hưởng tới sự linh hoạt trong chính sách của Mỹ với Đông Dương trong tương lai. Vấn đề này sẽ được tiếp tục phân tích ở phần tiếp theo.

Ngoại trưởng Anh Eden cũng đến Geneve vào ngày 25 tháng 4 với tâm trạng hoài nghi. Eden cho rằng tiếp tục chiến tranh ở Đông Dương là bất khả và phải tìm kiếm giải pháp hoà bình thông qua Hội nghị. Ngay khi tới Geneve, Eden đã thông báo với Ngoại trưởng Pháp Bidault rằng Anh không thể ủng hộ giải pháp quân sự của Mỹ bởi với tính chất nhỏ hẹp của chiến trường Điện Biên Phủ cùng thời tiết khắc nghiệt, can thiệp không quân không có tác dụng gì.

Về phía Pháp, tuy cùng Mỹ vận động giải cứu Điện Biên Phủ bằng quân sự vào những ngày sát Hội nghị, Pháp đã chuẩn bị tinh thần từ trước cho những thất bại của cuộc vận động. Về cơ bản, Pháp cũng muốn tìm kiếm giải pháp hoà bình thông qua Hội nghị để cứu thế kẹt của Pháp ở Đông Dương. Chính vì thế, nước Pháp đã có những do dự và lưỡng cực trong chính sách ở giai đoạn trước thềm Hội nghị. Tới Geneve, Ngoại trưởng Pháp chỉ đưa ra tuyên bố ngắn gọn yêu cầu Việt Minh cho phép vận chuyển những thương binh đang bị vây khốn ở Điện Biên Phủ.

Tới những giờ phút cuối cùng trước khi Hội nghị diễn ra, cả Mỹ, Pháp và Anh đều đã hiểu ra rằng Điện Biên Phủ giờ đã không còn nhiều hy vọng thêm nữa. Tình trạng của quân Pháp ở đó được mô tả là “địa ngục” và “nát bét”[15]. Ngoại trướng Pháp Bidault than vãn, phái đoàn Pháp tới Geneva chỉ có những quân bài không đáng giá là “hai quân nhép và ba quân rô”[16]. Hội nghị hoà bình diễn ra như một giải pháp tất yếu bất chấp việc Mỹ có muốn giải pháp ấy hay không.

 

III. Bức tranh khái quát về Hội nghị Geneve 

Cuối cùng, Hội nghị quốc tế Geneve chính thức khai mạc vào 3h chiều ngày 26 tháng 4 năm 1954 trong bối cảnh chiến tranh vẫn tiếp diễn tại Điện Biên Phủ. Thành phần ngồi vào bàn Hội nghị bao hàm những quan chức cấp cao nhất trong Chính phủ và Bộ Ngoại giao của các cường quốc.

Đoàn Liên Xô do Viacheslav Molotov, Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, làm trưởng đoàn. Đoàn Trung Quốc do Chu Ân Lai, Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, làm trưởng đoàn. Đoàn Mỹ do Ngoại trưởng Dulles làm trưởng đoàn nhưng chỉ dự phần Triều Tiên, còn phần Đông Dương giao lại cho Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bedell Smith tham dự. Đoàn Anh do Ngoại trưởng Anthony Eden lãnh đạo. Đoàn Pháp, giai đoạn đầu là Ngoại trưởng Georges Bidault; giai đoạn sau là Pierre Mendès France – Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng lãnh đạo. Đoàn quốc gia Việt Nam do Ngoại trưởng Nguyễn Quốc Định, sau đó Ngoại trưởng Trần Văn Đỗ sang thay. Đoàn Hoàng gia Lào do Phủi Sananikone làm Ngoại trưởng lãnh đạo. Đoàn Hoàng gia Campuchia do Ngoại trưởng Nhiêk Tiêu Long rồi Ngoại trưởng Tep Phan lãnh đạo. Đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Văn Đồng làm trưởng đoàn.

Trong suốt 10 ngày đầu tiên, Hội nghị chỉ bàn về vấn đề Triều Tiên nhưng không đạt được kết quả. Ngày 7 tháng 5 năm 1954, cứ điểm Điện Biên Phủ của Pháp thất thủ. Ngày 8 tháng 5, toàn bộ Hội nghị tập trung bàn các giải pháp cho vấn đề Đông Dương.

Trong suốt 22 phiên họp của Hội nghị, hai phe phương Đông và phương Tây đã đấu tranh với nhau trên từng phiên họp. Tuy vậy, những quyết định chính yếu hầu như được “mặc cả” qua các cuộc “đi đêm” riêng giữa các cường quốc.

Lập trường chung của phe Xã hội Chủ nghĩa (phương Đông) trong Hội nghị là tìm cách lập lại hoà bình ở Đông Dương và ngăn chặn Mỹ có những can dự sâu hơn vào khu vực này. Biện pháp đưa ra là đình chiến và rút quân đội hai bên về các vùng tập kết riêng biệt. Tuy vậy, lập trường của Trung Quốc và Việt Nam Dân chủ Cộng hoà không phải lúc nào cũng thống nhất với nhau về ranh giới phân chia tập kết, trong khi Trung Quốc muốn chia đôi hai nước Việt Nam thì Việt Nam Dân chủ Cộng hoà muốn đình chiến tại chỗ hoặc chia cắt ở ranh giới đẩy sâu về phía Nam Việt Nam. Lập trường chung của phe Tư bản Chủ nghĩa (phương Tây) mâu thuẫn hơn. Trong khi Mỹ không muốn có giải pháp hoà bình thì Anh lại đồng ý với Trung Quốc rằng lập lại hoà bình là tối cần thiết, trong khi Pháp vẫn tiếp tục do dự khi nửa muốn hoà bình nửa tiếp tục muốn tiếp tục chiếm đóng để duy trì ảnh hưởng ở Đông Dương.

Toàn bộ Hội nghị Geneve là cuộc đấu tranh ngoại giao thông qua đàm phán riêng giữa hai phe và trong nội bộ hai phe nhằm đạt được mục đích của mỗi bên. Các nước Đông Dương dù là chủ thể chính đã không thể trở thành người quyết định số phận của mình mà chỉ là những con cờ của một trò chơi quyền lực quốc tế. Các kết quả của hội nghị phản ánh lợi ích của các nước lớn. Nổi bật là 3 nước có vai trò đặc biệt quan trọng đã tác động chính vào kết quả Hội nghị.

(1) Trung Quốc: Chu Ân Lai đã trở thành người dẫn dắt cuộc chơi, đưa ra các giải pháp cụ thể và trở thành cầu nối giữa hai phe. Một mặt, Chu Ân Lai đưa thông điệp từ phe này chuyển cho phe kia, mặt khác, Thủ tướng Trung Quốc thuyết phục từng phe ủng hộ các giải pháp có lợi cho Trung Quốc.

Về cơ bản, Trung Quốc là cường quốc có lợi ích liên quan và lớn hơn cả trong khu vực. Chính Trung Quốc đã thúc ép các bên tiến tới nhiều nhượng bộ đáng kể có lợi cho lợi ích quốc gia của Trung Quốc. Chu Ân Lai muốn ngăn chận bất cứ một hình thức hoạt động quân sự nào của Mỹ trong khu vực và đẩy đường biên giới chiến tranh về càng xa biên giới Trung Quốc càng tốt. Vì vậy, Chu Ân Lai ủng hộ chia cắt Việt Nam, và trung lập hoá Lào và Campuchia.

(2) Anh Quốc: Nước Anh với tư cách là Chủ tịch luân phiên của Hội nghị đã đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc ngăn chặn Mỹ không tiến hành chiến dịch quân sự. Ngoại trưởng Eden đã thống nhất với Trung Quốc nhiều quyết định quan trọng và đóng vai trò cầu nối thuyết phục Mỹ, Pháp chấp nhận những quyết định đó.

Về cơ bản, nước Anh không có nhiều lợi ích liên quan ở Đông Dương, nhưng vị thế chính trị của Anh đảm bảo nước này có một tiếng nói quan trọng trên trường quốc tế. Anh có lợi ích khi nối lại quan hệ với Trung Quốc nên đã tích cực đóng vai trò trung gian cho nỗ lực lập lại trật tự ở Đông Dương.

(3) Việt Nam Dân chủ Cộng hoà: là chủ thể chính của Hội nghị, chiến thắng Điện Biên Phủ đã khiến cho vị thế của chính phủ Việt Minh được nâng cao rõ rệt. Các cường quốc đều phải thông qua Trung Quốc chuyển thông điệp tới Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Chu Ân Lai cũng liên tục phải trao đổi và lắng nghe ý kiến của phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong suốt quá trình diễn ra Hội nghị.

Về cơ bản, Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã chịu nhiều áp lực và không ít thiệt thòi khi phải chấp nhấn chia cắt ở vĩ tuyến 17, mốc khá xa so với kỳ vọng ban đầu. Tuy nhiên, với niềm tin vào thắng lợi của cuộc tổng tuyển cử, Việt Minh đã chấp nhận. Niềm tin về hoà bình và thống nhất trong tương lai gần đã thúc đẩy Việt Minh tiến tới những nhượng bộ quan trọng tạo ra kết quả cuối cùng của Hội nghị.

Tổng kết lại toàn bộ diễn trình của Hội nghị Geneve, đặc biệt là thoả thuận chia cắt Việt Nam ở vĩ tuyến 17, có thể thấy rằng vấn đề Đông Dương đã được QUỐC TẾ HOÁ. Các cường quốc đã đi đêm trong từng cuộc gặp không chính thức, trong khi đó các cuộc họp chính thức chỉ là những hoạt động mang tính chất biểu diễn quan điểm đã được thống nhất trong các cuộc gặp riêng trước đó./.

(Trích “Phán xét“, Nguyễn Văn Hưởng)

 

Chú thích:

[1] Nye, J. S. (1999). Thấu hiểu xung đột quốc tế. Longman.

[2], [3], [4][5]Tiền Giang. (2005). Vai trò của Chu Ân Lai tại Geneve năm 1954. Bản dịch bằng tiếng Việt của Dương Danh Dy. NXB Trung Cộng Đảng sử xuất bản xá.

[6], [7][8] Hồ sơ Lầu Năm Góc: Lịch sử của Bộ Quốc phòng Mỹ về Quá trình hoạch định chính sách tại Việt Nam – Quyển 2. Bản dịch bằng tiếng Việt trong thư viện độc lập của Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng.

[9] Tiền Giang. (2005). Vai trò của Chu Ân Lai tại Geneve năm 1954. Bản dịch bằng tiếng Việt của Dương Danh Dy. NXB Trung Cộng Đảng sử xuất bản xá.

[10], [11], [12][13], [14][15] Hồ sơ Lầu Năm Góc: Lịch sử của Bộ Quốc phòng Mỹ về Quá trình hoạch định chính sách tại Việt Nam – Quyển 2. Bản dịch bằng tiếng Việt trong thư viện độc lập của Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng.

[16] Herring, G. (2013). Cuộc chiến dài ngày giữa Mỹ và Việt Nam, 1950-1975. McGraw-Hill Higher Education.

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN