Bảo Đại là một giải pháp được Mỹ hậu thuẫn ngay từ đầu bởi cựu hoàng là nhân vật mà Mỹ cho rằng có thể là ngọn cờ tập hợp lực lượng theo xu hướng dân tộc nhưng phi Cộng sản ở Việt Nam. Ngay trước khi Pháp đàm phán thỏa thuận với Bảo Đại, tháng 12 năm 1947, cựu Đại sứ Mỹ tại Pháp William C. Bullit đã viết các bài báo trên tạp chí Life kêu gọi chấm dứt cuộc chiến đau khổ ở Đông Dương bằng cách chủ nghĩa dân tộc ở Việt Nam được xây dựng quanh Bảo Đại phải giành chiến thắng áp đảo trước Hồ Chí Minh và Chủ nghĩa Cộng sản. Pháp coi quan điểm như vậy là quan điểm chính thức của Mỹ ủng hộ Pháp và giải pháp Bảo Đại. Công điện ngày 30 tháng 8 năm 1948 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ gửi Paris cũng tái khẳng định quan điểm phát triển các nhóm dân tộc dân chủ phi Cộng sản ở Việt Nam:
“Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ làm tất cả để củng cố các nhóm chủ nghĩa dân tộc thực sự tại Đông Dương và giảm thiểu sự góp mặt của các nhóm ủng hộ Việt Minh. Việc này sẽ không có hiệu quả trừ khi các nhóm chủ nghĩa dân tộc có thể đưa ra bằng chứng cụ thể về việc Pháp đang chuẩn bị tiến hành xây dựng một Nhà nước Việt Nam tự do liên minh với Liên hiệp Pháp, và nhà nước này có các thuộc tính của một nhà nước tự do…” (1)
Vào tháng 9 năm 1948, Đại sứ Mỹ tiếp tục thúc giục Bộ Hải ngoại Pháp về một giải pháp phi Cộng sản.
“…Mỹ cũng mong muốn hỗ trợ Chính phủ Pháp về tài chính… Với điều kiện có tiến bộ thực sự của giải pháp không Cộng sản dựa trên sự hợp tác của những người theo chủ nghĩa dân tộc thực thụ của đất nước đó…” (2)
Về phía Pháp, trong bối cảnh tình thế của Pháp ở Đông Dương vào năm 1947 – 1948 lâm vào bế tắc toàn diện, với sự hậu thuẫn của Mỹ, Pháp bắt đầu cân nhắc và tiếp xúc với Bảo Đại.
Năm 1947, Bảo Ðại sống ở Hồng Kông và vẫn gặp gỡ rất nhiều nhân vật thuộc những nhóm và bè phái không Cộng sản ở Việt Nam trong đó có cả Ngô Đình Diệm. Cùng năm đó, Pháp đã tiếp cận và đề xuất với Bảo Đại thành lập một Chính phủ thay thế cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Và Chính phủ đó sẽ được công nhận độc lập và thống nhất trong Liên hiệp Pháp. Vào cuối năm 1947, Bảo Đại xuôi theo ý của Pháp, trở thành “trung gian” giữa chủ nghĩa thực dân của Pháp và “chủ nghĩa quốc gia” của Việt Nam. Bảo Đại trở lại Việt Nam trong một thời gian ngắn vào tháng 12 năm 1947 để vận động thành lập một chính phủ Việt Nam mới trong Liên hiệp Pháp do chính Bảo Đại đứng đầu.
Tháng 3 năm 1948, Bảo Ðại thông báo cho một số lãnh đạo phe nhóm người Việt phi Cộng sản khác rằng ông sẽ thành lập chính phủ mới với các điều kiện do Pháp đưa ra. Sau đó, cựu hoàng tiếp tục đàm phán với Pháp về việc trao độc lập cho Việt Nam như một “nhà nước Liên hiệp” trong Liên hiệp Pháp. Sau một số vòng đàm phán nữa, ngày 8 tháng 3 năm 1949, Pháp và Bảo Đại đàm phán thành công Thỏa thuận Élysée, theo đó tái khẳng định Việt Nam là quốc gia liên kết độc lập trong Liên hiệp Pháp. Ngày 14 tháng 6 năm 1949, Cao ủy Pháp ở Đông Dương và Bảo Đại trao đổi thư tín ở Sài Gòn để công nhận Thỏa thuận Élysée, chính thức thừa nhận độc lập của Quốc gia Việt Nam.
Nội bộ Pháp cũng có những mâu thuẫn liên quan tới cách giải quyết vấn đề Việt Nam bằng giải pháp Bảo Đại. Cánh tả ủng hộ ngừng bắn ngay lập tức để đàm phán với Việt Minh. Cánh hữu hướng tới giải pháp Bảo Đại để loại Hồ Chí Minh. Luận điểm của phe hữu đã thắng thế và trở thành quan điểm chính thức của chính quyền Pháp.
Pháp dùng con bài “Bảo Đại” để đổ lỗi cho Cộng sản ở Việt Nam là nhân tố cản trở hòa bình cho Việt Nam khi “cố tình” chiến đấu trong khi Pháp đang nỗ lực thiết lập chính quyền độc lập cho Việt Nam. Bộ trưởng Quốc phòng Pháp René Pleven tuyên bố:
“Sẽ rất cần thiết cho nhân dân Pháp biết rằng, hiện tại chỉ có một kẻ thù duy nhất cho hòa bình tại Việt Nam là Đảng Cộng sản. Vì các thành viên Đảng Cộng sản biết rằng, hòa bình ở Đông Dương sẽ được thiết lập bằng chính sách độc lập mà chúng ta đang xây dựng.” (3)
Trên thực tế, chưa hề có một nền độc lập cho Việt Nam. Hiệp ước Élysée năm 1949 thiết lập một nền tự trị hành chính có giới hạn cho Việt Nam, nhưng cho Pháp toàn quyền về chính sách ngoại giao, kinh tế và quân sự. Ngay sau Hiệp ước Élysée, Bảo Ðại trở lại Việt Nam và tuyên bố trở thành quốc trưởng của một Quốc gia Việt Nam mới, độc lập trên danh nghĩa.
Ngay sau Thỏa thuận Élysée giữa Pháp và Bảo Đại, Mỹ thông báo cho lãnh sự ở Sài Gòn vào ngày 10 tháng 5 năm 1949 rằng “thí nghiệm Bảo Đại” là lựa chọn duy nhất nên Mỹ sẽ khích lệ thí nghiệm ấy thành công.
“Ở thời điểm và tình huống thích hợp, Bộ Ngoại giao sẽ công nhận chính phủ Bảo Đại và biểu thị khả năng chấp nhận đề nghị được giúp đỡ tài chính và khí tài từ chính phủ đó. Tuy thế, chương trình hỗ trợ kiểu này cần Quốc hội đồng ý. Vì Mỹ khó có thể hỗ trợ một chính phủ có đặc điểm và khả năng là bù nhìn.” (4)
Trên thực tế, cho dù tháng 2 năm 1950, Quốc hội Pháp thông qua độc lập chính trị và thống nhất lãnh thổ cho chính quyền Bảo Đại với 396 phiếu thuận và 193 phiếu chống. Tuy nhiên, sự công nhận này hoàn toàn mang tính hình thức bởi không có sự chuyển đổi quyền lực nào trên thực tế đã xảy ra.
Pháp vẫn tiếp tục kiểm soát tài chính, thương mại, ngoại giao và quân sự của Việt Nam. Chính quyền Bảo Đại là “bù nhìn” bởi không có cơ sở ủng hộ mạnh của quần chúng, chủ yếu bao gồm các điền chủ miền Nam giàu có, không đại diện cho nhân dân. Chính Bảo Đại đã thừa nhận một cách thảm hại rằng, giải pháp Bảo Đại “chỉ là một giải pháp của người Pháp” (5).
Tháng 2 năm 1950, chính quyền Truman chính thức công nhận chính phủ của Bảo Đại, đồng thời bắt đầu kế hoạch viện trợ kinh tế và kỹ thuật để hỗ trợ cho chính quyền này.
Mỹ ủng hộ Bảo Đại bởi không muốn Việt Nam có một chính phủ do Cộng sản lãnh đạo. Mỹ hậu thuẫn cho Pháp lập Bảo Đại để thành lập một chính quyền dân tộc dân chủ thân phương Tây, từng bước thay thế Chính phủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo.
Một lý do quan trọng khác là Mỹ quan ngại Cộng sản Trung Quốc, sau khi giành chính quyền từ tay Tưởng Giới Thạch năm 1949, sẽ phát huy ảnh hưởng của họ ở Đông Dương nên tìm mọi cách thúc Pháp thành lập một lực lượng chính trị do người Việt cầm đầu, nhưng đủ năng lực tổ chức và có được sự ủng hộ của dân chúng để thay thế Cộng sản. Hồ sơ Lầu Năm Góc thừa nhận: “Giải pháp Bảo Đại chỉ là cách bảo vệ Việt Nam khỏi sự dòm ngó của Cộng sản Trung Quốc”. (6)
Chú thích
(trích Phán xét – Nguyễn Văn Hưởng)