Tài liệu CIA: Sự sụp đổ của chế độ thực dân và hệ quả đối với an ninh Hoa Kỳ

Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông trân trọng giới thiệu với độc giả bản dịch một số tài liệu CIA về Việt Nam trong các giai đoạn kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Mặc dù chỉ phản ánh quan điểm và cách đánh giá của phía Mỹ (CIA), song những tài liệu này sẽ giúp người đọc hiểu rõ hơn về lịch sử Việt Nam thế kỷ 20, đặc biệt trên khía cạnh quan hệ giữa các nước lớn và sự can thiệp của họ vào chiến tranh Việt Nam.

Bản đánh giá dưới đây, đề ngày 3 tháng 9 năm 1948, do Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ (CIA) soạn thảo. Tài liệu này đã được giải mật vào năm 2005.

Các nước giành được độc lập sau Chiến tranh Thế giới thứ II (Nguồn: http://wwnorton.com)

Tóm tắt

Sự phát triển của chủ nghĩa dân tộc ở những khu vực thuộc địa đã làm sụp đổ phần lớn hệ thống thực dân châu Âu và tạo ra hàng loạt các nhà nước dân tộc chủ nghĩa mới tại vùng Cận và Viễn Đông. Điều này sẽ có tác động lớn đến an ninh Hoa Kỳ, đặc biệt về nguy cơ xung đột quốc tế với Liên Xô.[2] Việc những khu vực thuộc địa thoát khỏi quỹ đạo của các cường quốc thực dân không chỉ làm suy yếu các nước châu Âu có khả năng làm đồng minh với Hoa Kỳ, mà còn lấy đi của Hoa Kỳ quyền tiếp cận chắc chắn đối với những căn cứ trọng yếu và nguồn nguyên liệu thô của khu vực này nếu chiến tranh nổ ra. Nếu những quốc gia mới được giải phóng và hiện đang nổi lên theo phe Liên Xô, an ninh quân sự và kinh tế Hoa Kỳ sẽ bị đe dọa nghiêm trọng.

Chiến tranh thế giới thứ hai đã thúc đẩy mạnh mẽ phong trào giành độc lập của các nước thuộc địa. Anh Quốc rút khỏi Ấn Độ-Pakistan và Miến Điện, trong khi Hà Lan và Pháp, với tổn thất nặng nề sau chiến tranh, dường như không thể đàn áp những người yêu nước tại Indonesia và Đông Dương bằng vũ lực, hoặc không thể ngăn cản họ giành được một nền độc lập thực thụ mặc cho những giải pháp thỏa hiệp tạm thời. Chủ nghĩa dân tộc đang lớn mạnh tại thuộc địa Bắc Phi đe dọa quyền bá chủ của Pháp. Mặc dù vấn đề thuộc địa tại phần lớn các quốc gia lệ thuộc còn lại chưa đến mức nghiêm trọng, nhưng chủ nghĩa dân tộc bản địa ở nhiều khu vực trong số này cũng sẽ gia tăng sức ép đòi quyền tự trị hoặc độc lập.

Sự phát triển rõ rệt thời hậu chiến của phong trào độc lập thuộc địa là kết quả của các yếu tố sau: (1) những hoạt động yêu nước bí mật tại Viễn Đông có thể được thực hiện dễ dàng hơn do Nhật Bản bị các cường quốc thực dân đánh bại trong Thế Chiến II, nhờ đó chủ nghĩa dân tộc địa phương tại những khu vực bị chiếm đóng được khuyến khích; (2) sự yếu kém về quân sự và kinh tế của các cường quốc thực dân thời hậu chiến khiến các nước này khó kháng cự những đòi hỏi dân tộc chủ nghĩa, dẫn đến việc nhượng bộ hoặc thậm chí trao trả độc lập cho các nước lệ thuộc; (3) những thành phần theo trường phái tự do-xã hội chủ nghĩa tại các cường quốc thực dân có xu hướng gia tăng ủng hộ việc tự động rút khỏi các nước thuộc địa khó cai quản; (4) phong trào độc lập thuộc địa nhận được sự ủng hộ rộng rãi của nhiều nước mới được giải phóng và các nước ủng hộ khác, đặc biệt là Liên Xô; và (5) Liên Hiệp Quốc được thành lập, trở thành một diễn đàn để thảo luận về vấn đề thuộc địa và cơ chế tiêu trừ nó.

Vì những nhân tố nêu trên, sự tan rã của các đế quốc thực dân còn lại dường như là điều không thể tránh khỏi. Sự nhượng bộ muộn màng của các cường quốc thực dân, ít nhất trên quy mô hạn chế hiện đang được dự liệu, không đáp ứng được nhu cầu độc lập cơ bản và có thể sẽ chỉ đem lại hiệu quả nhất thời, ngoại trừ tại những khu vực lạc hậu hơn. Nói chung, các cường quốc thực dân có vẻ không sẵn lòng công nhận hoàn toàn sức mạnh của chủ nghĩa dân tộc tại những thuộc địa còn lại và chủ động hướng những nước này tiến tới nền độc lập hoặc tự quản thực thụ.

Do sự sụp đổ mau chóng của hệ thống thuộc địa, một cục diện quyền lực mới đang hình thành tại thế giới thuộc địa cũ. Các cường quốc phương Tây không còn có thể dựa vào những miền đất rộng lớn ở Châu Á và Châu Phi như một nguồn cung dồi dào các nguyên liệu thô, thị trường và căn cứ quân sự. Đối lập với sự sáp nhập mạnh mẽ của các nước vệ tinh vào hệ thống Xô viết, thế giới ngoài Liên Xô đang ngày càng bị chia cắt. Quá trình này gần như đã hoàn tất, với rất nhiều trong số những khu vực thuộc địa và nửa thuộc địa quan trọng nhất, như Ấn Độ, Miến Điện, các quốc gia Ả Rập, và Philippines đã giành được độc lập, Indonesia và Đông Dương cũng đang trên lộ trình. Các nhà nước mới này sẽ được tự do lựa chọn những đồng minh chính trị trong tương lai, mà phần lớn sẽ tùy thuộc vào thái độ của Liên Xô và khối các cường quốc phương Tây đối với vấn đề thuộc địa và những đòi hỏi kinh tế của các nước này.

Phong trào độc lập thuộc địa do vậy không còn đơn thuần là vấn đề nội bộ giữa các cường quốc thực dân châu Âu và các nước lệ thuộc. Nó đã được đưa vào chính trường thế giới rộng lớn hơn và đã trở thành một yếu tố thuộc những vấn đề lớn hơn trong quan hệ giữa các nước phương Đông và phương Tây, giữa các nước công nghiệp hóa và các nước “kém phát triển”, giữa các cường quốc phương Tây và Liên Xô. Các quốc gia mới giành được độc lập và những quốc gia có lịch sử lâu đời hơn thuộc vùng Cận và Viễn Đông đặc biệt cảm thông với khát vọng của những khu vực vẫn còn lệ thuộc, bởi họ có những mối dây liên hệ về chủng tộc và tôn giáo. Các quốc gia này cũng bị ràng buộc hơn nữa ở những cấp độ khác nhau bởi hai vấn đề có xu hướng đặt họ vào thế đối nghịch với các cường quốc thực dân và Hoa Kỳ: đó là chủ nghĩa dân tộc kinh tế đang lớn mạnh tại những khu vực “kém phát triển” và sự đối kháng chủng tộc giữa những người da trắng và người bản địa. Các quốc gia Cận và Viễn Đông, tất cả đều mang tinh thần dân tộc mạnh mẽ, có xu hướng đoàn kết chống lại các cường quốc Tây Âu trong vấn đề thuộc địa và chống lại sự thống trị kinh tế của Hoa Kỳ. Do vậy, đã nảy sinh xu hướng hình thành một “khối thuộc địa” trong Liên Hiệp Quốc và những cơ quan trực thuộc. Các thành viên của khối đã đem những tranh cãi về thuộc địa tới Liên Hiệp Quốc và có khả năng sẽ đi tiên phong trong nỗ lực thúc đẩy việc giải phóng các khu vực thuộc địa khác. Do đó, vấn đề thuộc địa và chủ nghĩa dân tộc kinh tế sẽ tiếp tục trở thành nguồn cơn của mối bất hòa giữa một bên là các nước thực dân và Mỹ, và bên kia là các quốc gia Cận và Viễn Đông. Hiểm họa nghiêm trọng nhất đối với Hoa Kỳ là mối bất hòa bắt nguồn từ những vấn đề này có thể khiến khối thuộc địa theo phe Liên Xô.

Liên Xô đang tận dụng hiệu quả vấn đề thuộc địa và chủ nghĩa dân tộc kinh tế tại những khu vực kém phát triển như một công cụ để chia rẽ thế giới ngoài Xô viết, làm suy yếu các cường quốc phương Tây, và giành lấy thiện chí của những khu vực thuộc địa và thuộc địa cũ. Kể từ Thế Chiến I, Liên Xô đã cố gắng thâm nhập vào các đảng phái dân tộc chủ nghĩa tại những khu vực lệ thuộc, và mới đây đã nhấn mạnh tại Liên Hiệp Quốc tầm quan trọng của vấn đề thuộc địa và thứ gọi là chủ nghĩa đế quốc kinh tế của các cường quốc phương Tây. Sự nghèo đói và thiệt thòi của người dân ở những khu vực này, sự thù ghét âm ỉ của họ đối với các thế lực xâm chiếm trong quá khứ hay hiện tại, cùng sự tồn tại của các thành phần cánh tả trong nước khiến các nước này trở nên đặc biệt nhạy cảm trước sự xâm nhập của Liên Xô.

Do vậy, thiện chí của các quốc gia mới được giải phóng và các quốc gia độc lập mới nổi trở thành nhân tố thiết yếu cho vị trí chiến lược trong tương lai của Hoa Kỳ tại vùng Cận và Viễn Đông. Ngoài ra, việc khôi phục những đóng góp kinh tế của các nước thuộc địa là rất quan trọng đối với sự ổn định kinh tế tại các nước Tây Âu, điều mà Hoa Kỳ đang nỗ lực tạo ra. Tuy nhiên, những chính sách thuộc địa thiển cận về lâu dài sẽ khiến các cường quốc thực dân đánh mất những lợi thế kinh tế và chiến lược tại những nước thuộc địa mà họ khao khát giữ lại. Do vậy, trừ khi các cường quốc thực dân châu Âu có thể bị thuyết phục để nhận ra sự cần thiết phải thỏa mãn khát vọng của các khu vực lệ thuộc, và có thể tìm được một phương thức để duy trì thiện chí của các quốc gia này khi họ giành được độc lập hoặc mới nổi lên, các cường quốc này cùng với Hoa Kỳ sẽ bị đặt vào thế bất lợi nghiêm trọng trong cục diện quyền lực mới tại vùng Cận và Viễn Đông. Hơn nữa, trừ khi bản thân Hoa Kỳ có một thái độ tích cực và cảm thông hơn đối với khát vọng dân tộc của những khu vực này và đáp ứng ít nhất một phần nhu cầu được hỗ trợ kinh tế của họ, Hoa Kỳ sẽ phải đối diện với nguy cơ bị các nước này chống đối mạnh mẽ.

***

Sự sụp đổ của chế độ thực dân và hệ quả đối với an ninh Hoa Kỳ [1]

1/ Sự phát triển của phong trào độc lập thuộc địa

Một xu hướng chính trong cục diện quyền lực thế giới thế kỷ hai mươi là sự phát triển của phong trào giành độc lập mạnh mẽ ở các thuộc địa, vốn đang trong quá trình phá vỡ hệ thống thực dân và tạo ra một loạt các nhà nước dân tộc chủ nghĩa mới. Nguyên do chính của sự sụp đổ của các đế quốc thực dân châu Âu là sự lớn mạnh của chủ nghĩa dân tộc bản địa ở những khu vực này, cùng lúc với sự suy yếu về sức mạnh và uy tín của các cường quốc thực dân. Sự phát triển ấn tượng của chủ nghĩa dân tộc địa phương chủ yếu là kết quả của: (a) mức độ phát triển chính trị, kinh tế và xã hội tại các nước lệ thuộc tăng lên, khiến họ gia tăng mối nhạy cảm với sự đối xử bất bình đẳng; (b) những chính sách thiển cận của các cường quốc thực dân, trong đó các cường quốc này phân biệt đối xử đối với người dân nước lệ thuộc và khai thác các nguồn tài nguyên thuộc địa mà không đem lại lợi ích cho dân chúng, làm dấy lên sự oán giận mạnh mẽ; (c) sự thù địch chủng tộc bắt rễ sâu của người dân bản địa đối với những người cai trị da trắng dưới hình thức phản đối “tính ưu việt da trắng”, phần lớn do những chính sách đã nhắc đến ở trên; (d) các khu vực thuộc địa được tiếp xúc với các ý tưởng của phương Tây về chủ nghĩa dân tộc và quyền tự quyết, từ đó nhận thức ngày càng sâu sắc về tình trạng lệ thuộc của mình; và (e) sự trỗi dậy thần kì của Nhật Bản sau khi bại trận trước các nước châu Âu trong Chiến tranh Nga-Nhật và đặc biệt là Thế Chiến II đã chọc thủng bức màn huyền thoại về sự ưu việt da trắng. Các cường quốc thực dân, mặc dù đã giúp các nước lệ thuộc tiếp cận với tiến bộ công nghệ và lý tưởng dân chủ của phương Tây, nhưng đã không coi trọng mong muốn của họ trong việc giành đạt được một sự tự biểu hiện dân tộc tính giống như hình mẫu của các nước phương Tây.

Mặc dù chủ nghĩa dân tộc ở những nước thuộc địa và nửa thuộc địa đã đạt được tầm vóc quan trọng ngay từ đầu thế kỷ hai mươi, song nó được thúc đẩy mạnh mẽ hơn cả qua hai cuộc Thế chiến. Hai cuộc chiến này, đặc biệt là Thế Chiến II, đã làm suy yếu nghiêm trọng các cường quốc thực dân, từ đó làm  giảm khả năng kiểm soát thuộc địa bằng vũ lực. Đồng thời, sự lệ thuộc của những cường quốc này vào các nguồn tài nguyên và nhân lực tại thuộc địa đã buộc họ phải nhượng bộ, qua đó giúp thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần dân tộc. Trong Thế Chiến I, Anh Quốc cũng đã thổi bùng những khát vọng dân tộc chủ nghĩa của Ả Rập nhằm đẩy nhanh sự sụp đổ của Đế quốc Ottoman. Việc Tổng thống Wilson nhấn mạnh sự tự quyết của các dân tộc và việc thành lập Hội Quốc Liên đã thúc đẩy mạnh mẽ khát vọng độc lập của các nước thuộc địa.

Giai đoạn giữa hai cuộc chiến chứng kiến sự phát triển hơn nữa của chủ nghĩa dân tộc tại những khu vực lệ thuộc, đặc biệt là ở Cận Đông và Ấn Độ. Cuộc khủng hoảng toàn cầu vào những năm 1930 đã buộc các cường quốc thực dân phải hạn chế việc phát triển thuộc địa và phá vỡ cơ cấu giá nguyên liệu thô trên thế giới; dư âm của nó đã khiến người dân các nước thuộc địa ngày càng oán giận, gây sức ép đòi tự trị và yêu cầu được chia phần lớn hơn từ lợi nhuận khai thác kinh tế. Phẫn uất với sự bất công về chính trị, kinh tế và xã hội mà họ phải gánh chịu, những người theo chủ nghĩa dân tộc bản xứ có xu hướng coi sự kém cỏi của các cường quốc là nguyên nhân gây ra sự đình trệ của các nền kinh tế thuộc địa. Các quốc gia như Iraq và Ai Cập, từng nằm dưới sự giám hộ của Anh Quốc, có xu hướng đi theo một lộ trình độc lập hơn cho những vấn đề của nước họ. Hoa Kỳ đã chuẩn bị để trao trả độc lập cho Philippines, trong khi Anh Quốc buộc phải nhượng bộ trước sức ép ngày càng lớn của chủ nghĩa dân tộc Ấn Độ. Chính sách cứng rắn của Nhật Bản với luận điệu tuyên truyền nhấn mạnh học thuyết phân biệt chủng tộc “Châu Á thuộc về người Châu Á” đã khích động mạnh mẽ sự thù địch chủng tộc của phương Đông đối với phương Tây.

Thế Chiến II đã thực hiện một cú đánh nữa lên các đế quốc thực dân vốn đang suy yếu. Khi các cường quốc thực dân tỏ ra bất lực trong việc bảo vệ các thuộc địa Đông Nam Á trước của sự tấn công của Nhật Bản, thì Nhật Bản, lợi dụng cảm xúc của người dân bản địa, đã biến mình thành lực lượng giải phóng các dân tộc châu Á khỏi ách áp bức của người da trắng. Mặc dù Nhật Bản thực chất giữ quyền kiểm soát chặt chẽ tại Đông Nam Á, họ đã trao “nền độc lập” ảo cho Miến Điện, Philippines, Đông Dương và Indonesia, khơi dậy hơn nữa những khát vọng dân tộc chủ nghĩa ở các nước này. Đến cuối cuộc chiến, hầu hết các nước lệ thuộc đồng minh ở Viễn Đông đều hoàn toàn không sẵn sàng trở lại vị thế trước đây của họ, và các nước đồng minh tổn thất nặng nề đã không thể tái thiết lập cục diện cũ (status quo ante). Chính quyền của Đảng Lao động Anh Quốc, do không còn sẵn sàng hoặc không đủ khả năng ngăn chặn đòi hỏi mãnh liệt của những người theo chủ nghĩa dân tộc tại Ấn Độ, đã trao trả độc lập cho Ấn Độ, Pakistan, Miến Điện và quyền tự trị cho Tích Lan (nay là Sri Lanka, chú của người dịch). Nước Pháp suy yếu đã buộc phải trao trả độc lập cho các lãnh thổ ủy trị tại vùng Levant, bao gồm Syria và Lebanon. Hoa Kỳ đã thực hiện lời hứa trao trả tự do cho Philippines. Hàn Quốc được tự do khỏi sự kiểm soát của Nhật Bản. Pháp và Hà Lan, không sẵn sàng trả lại những thuộc địa giàu có ở Đông Nam Á cho những người yêu nước bản địa, đã bị cuốn vào một cuộc tranh giành cam go với các chính thể bản địa được thành lập tại những khu vực này.

2/ Tình hình hiện tại của phong trào độc lập thuộc địa

Do chủ nghĩa dân tộc bản địa được khích động trong những thời kỳ hỗn loạn của chiến tranh và hậu chiến, thế giới thực dân còn lại đang sôi sục với những hoạt động chủ nghĩa dân tộc. Phong trào này đang ở trong những giai đoạn phát triển khác nhau, phụ thuộc phần lớn vào trình độ phát triển chính trị, kinh tế và xã hội tại từng khu vực bản địa, nhưng hầu hết đều hướng đến mục tiêu cuối cùng là độc lập. Tại những vùng lạc hậu hơn tại châu Á và châu Phi, nơi mà sự tăng trưởng kinh tế và chính trị đang ở trong giai đoạn tương đối sơ khai, chủ nghĩa dân tộc vẫn chưa được định hình. Trong khi đó, tại những khu vực tương đối phát triển như Indonesia, Đông Dương, và Bắc Phi thuộc Pháp, phong trào đã đạt đến giai đoạn trưởng thành.

Hai vấn đề thuộc địa hệ trọng nhất đang xảy ra tại Indonesia và Đông Dương, nơi Hà Lan và Pháp, vốn đang kiệt quệ sau chiến tranh, không thể đàn áp những người bản địa theo chủ nghĩa dân tộc bằng vũ lực, và không đủ sức ngăn cản họ giành lại độc lập, mặc cho những thỏa hiệp tạm thời có thể được đưa ra. Hà Lan và Cộng hòa Indonesia đang nỗ lực đàm phán một thỏa thuận nhằm sáp nhập nước Cộng hòa này vào một Hợp chủng quốc Indonesia do Hà Lan cai quản, đồng thời trao cho nước này quyền tự trị ở mức độ lớn trong mọi lĩnh vực trừ quan hệ đối ngoại và quốc phòng. Tại Đông Dương, Pháp không thể đàn áp lực lượng Việt Minh theo chủ nghĩa dân tộc cũng như không thể đạt được một thỏa thuận được cả hai bên chấp thuận. Nền kinh tế Pháp vốn không ổn định nay gặp tình trạng căng thẳng kéo dài vì những khoản chi tiêu cho việc bình định, do đó, có khả năng là Pháp cuối cùng sẽ phải nhượng bộ hoàn toàn trước những người yêu nước. Điều này sẽ tạo nên một bước tiến nữa trên con đường đến độc lập.

Trong khi chủ nghĩa dân tộc tại Bắc Phi thuộc Pháp chưa đạt đến giai đoạn đấu tranh, sự phát triển của những phong trào chiến đấu giành độc lập tại Algeria, Morocco và Tunisia là mối nguy lớn dần đối với quyền bá chủ của Pháp. Tại Tunisia và Morocco, cả hai nước đều nằm dưới chế độ bảo hộ của Pháp, những người theo chủ nghĩa dân tộc đã tập trung vào việc khôi phục chủ quyền quốc gia dưới triều đại đương thời. Một cơ quan đã được thành lập tại Cairo, nơi những nhà lãnh đạo lưu vong của Bắc Phi như Abd-el-Krim hoạch định đường lối dân tộc chủ nghĩa. Chủ nghĩa dân tộc tại Bắc Phi thuộc Pháp được thúc đẩy bởi mối ràng buộc Hồi giáo với Liên đoàn Ả-Rập theo chủ nghĩa Sô-vanh. Liên đoàn này, mặc dù cho đến nay chưa thể hiện nhiều sự ủng hộ công khai đối với chủ nghĩa dân tộc Bắc Phi, nhưng được trông đợi sẽ xúc tiến hoạt động của họ ngay sau khi vấn đề cấp bách hơn của Palestine được giải quyết. Chủ nghĩa dân tộc đang nổi lên tại Libya, đặc biệt là trong những bộ tộc Senussi ở vùng Cyrenaica, đang làm phức tạp hóa tình hình ở thuộc địa cũ này của Italy.

Mặc dù chủ nghĩa dân tộc ở những khu vực lệ thuộc khác chưa đạt đến mức hệ trọng, nhưng tại một số vùng đã xuất hiện những phong trào được định hình rõ ràng, cảnh báo những vấn đề tương tự. Tại hầu hết các khu vực này, người dân đang đòi hỏi một mức độ tự trị lớn hơn, hơn là đòi hỏi độc lập ngay lập tức. Tại Mã Lai, cho đến nay, tính đa dạng của dân số và sự sáng suốt tương đối của chính quyền thực dân Anh đã trì hoãn sự phát triển nhanh chóng của chủ nghĩa dân tộc, nhưng thắng lợi của những khu vực lân cận trong việc giành lấy quyền tự quyết đã thúc đẩy phần nào xu thế này. Việc Pháp đàn áp cuộc nổi dậy tại Madagascar năm 1947 đã trì hoãn phong trào dân tộc chủ nghĩa Malagasy được vài năm, nhưng căng thẳng sẽ lại tái diễn. Tại những vùng thuộc địa Trung Phi còn khá lạc hậu, trình độ phát triển thấp đã hạn chế sự mở rộng của chủ nghĩa dân tộc, và tình hình này sẽ còn tiếp diễn lâu dài. Phong trào Zik tại Nigeria và Đảng Hiệp ước Bờ biển Vàng Thống nhất (United Gold Coast Convention) của Ghana, tuy không quá lớn mạnh, nhưng lại là ví dụ cho những phong trào dân tộc chủ nghĩa đang trỗi dậy tại khu vực.

3/ Vấn đề thuộc địa trong chính trị thế giới 

Phong trào độc lập thuộc địa không còn đơn thuần là vấn đề nội bộ giữa các cường quốc thực dân châu Âu và các nước lệ thuộc. Nó đã được đưa vào chính trường thế giới rộng lớn hơn và đã trở thành một yếu tố thuộc những vấn đề lớn hơn trong quan hệ giữa các nước phương Đông và phương Tây, giữa các nước công nghiệp hóa và các nước “kém phát triển”, giữa các cường quốc phương Tây và Liên Xô.

a. Sự hỗ trợ từ bên ngoài đối với các phong trào giành độc lập

Các quốc gia mới giành được độc lập và những quốc gia có lịch sử lâu đời hơn thuộc vùng Cận và Viễn Đông đặc biệt cảm thông với khát vọng của những khu vực vẫn còn lệ thuộc, bởi họ có những mối dây liên hệ về chủng tộc và tôn giáo. Đều mang tinh thần dân tộc mạnh mẽ, các nước này phẫn nộ với sự thống trị chính trị và kinh tế của các cường quốc châu Âu tại những khu vực lân cận. Các quốc gia như Ấn Độ và Ai Cập đã mang vấn đề thuộc địa ra trước Liên Hiệp Quốc và ngày càng được trông đợi sẽ là lá cờ đầu trong nỗ lực thúc đẩy công cuộc giải phóng các khu vực thuộc địa còn lại bằng cách này và cách khác. Hơn nữa, nhiều quốc gia trong số này đang lợi dụng vấn đề thuộc địa để trục lợi cho nước mình, nhằm hất cẳng các cường quốc phương Tây tại một số khu vực nhất định. Ấn Độ và Trung Quốc đều có tham vọng thống trị Đông Nam Á, Trung Quốc cũng có tham vọng thay thế ngôi vị cường quốc Viễn Đông của Nhật Bản. Một vài quốc gia phương Đông thèm muốn phần chia từ những đế quốc thực dân suy tàn: Ai Cập – Sudan và Cyrenaica; Ethiopia – các nước lân cận trước đây là thuộc địa của Ý; và Trung Quốc – Hồng Kông.

Do đó, vấn đề thuộc địa sẽ là mối bất hòa chính giữa các cường quốc Tây Âu và những quốc gia đang nổi lên tại vùng Cận và Viễn Đông. Nếu Hoa Kỳ hỗ trợ các cường quốc châu Âu về vấn đề này, Hoa Kỳ sẽ phải hứng chịu thái độ thù ghét từ các quốc gia dân tộc chủ nghĩa mới này.

b. Chủ nghĩa dân tộc kinh tế và vấn đề thuộc địa

Các quốc gia ủng hộ phong trào độc lập thuộc địa bị ràng buộc với nhau bởi một vấn đề chính yếu khác, liên quan mật thiết tới cuộc đấu tranh giành độc lập chính trị, và có chiều hướng làm gia tăng thái độ thù nghịch đối với các cường quốc Tây Âu và Hoa Kỳ. Đó là sự phát triển của chủ nghĩa dân tộc kinh tế tại những nước “kém phát triển”, điều này hiện diện rõ hơn kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Những nước này, phần lớn từng là thuộc địa, nhận ra rằng dù họ đã đạt được sự độc lập chính trị, nhưng nền kinh tế kém phát triển, chủ yếu chỉ sản xuất nguyên liệu thô và nông sản, vẫn bị trói buộc với nền kinh tế của các quốc gia công nghiệp hóa phương Tây đang cung cấp thị trường cho hàng hóa của họ. Về cơ bản, các nước này vẫn là những khu vực nửa thuộc địa, do sự phụ thuộc kinh tế của họ vào những nền kinh tế lớn có xu hướng làm vô hiệu hóa sự độc lập chính trị của họ. Do đó, những người yêu nước bản địa không hoàn toàn thỏa mãn với việc giành được độc lập chính trị, họ yêu cầu cả sự độc lập kinh tế.

Mục tiêu của chủ nghĩa dân tộc kinh tế là đạt được sự tự chủ kinh tế lớn hơn thông qua việc phát triển một nền kinh tế đa dạng, thường bằng con đường công nghiệp hóa. Chủ nghĩa này đã khiến các quốc gia kém phát triển ủng hộ thuế quan, đặt ra hạn ngạch nhập khẩu và những hàng rào thương mại khác nhằm bảo vệ nền công nghiệp còn non yếu. Thái độ này không chỉ là đặc trưng của các quốc gia mới được giải phóng mà còn của các quốc gia giành độc lập đã lâu, như những nước châu Mỹ La tinh vẫn sở hữu nền kinh tế bán thuộc địa. Điều này đã được thể hiện rõ ràng nhất tại Hội nghị Thương mại Havana mới đây, nơi các quốc gia kém phát triển kịch liệt phản đối thương mại tự do đa phương và cáo buộc Hoa Kỳ cùng các quốc gia công nghiệp khác đang cản trở sự phát triển kinh tế của họ nhằm khiến họ bị lệ thuộc vĩnh viễn.

Do những bộ phận lớn nhất của hệ thống thuộc địa đã được giải phóng hoặc đang trong giai đoạn cuối của công cuộc giải phóng, khía cạnh kinh tế của vấn đề thuộc địa trở nên ngày càng quan trọng. Chủ nghĩa dân tộc kinh tế tại những quốc gia kém phát triển mâu thuẫn sâu sắc với mục tiêu thương mại của Hoa Kỳ và những nước này có xu hướng oán ghét sự thống trị kinh tế của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, họ lại cần sự hỗ trợ cấp bách từ bên ngoài để phát triển kinh tế, mà Hoa Kỳ hiện là quốc gia duy nhất đủ khả năng cung cấp sự hỗ trợ đó. Mong muốn vay nợ và đầu tư tư nhân từ Hoa Kỳ sẽ có chút tác dụng làm dịu bớt thái độ đối kháng của những nước này đối với chính sách của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, các quốc gia kém phát triển đang thể hiện khuynh hướng ngày càng rõ rệt đòi hỏi viện trợ từ Hoa Kỳ như một quyền đương nhiên, mà không tính đến sự nhượng bộ nào từ phía mình,  và cảm nhận rằng Hoa Kỳ sẽ buộc phải đầu tư tại nước ngoài do nhu cầu nội bộ cho nguồn vốn hiện tại là không đủ.

c. Vấn đề thuộc địa tại Liên Hiệp Quốc

Vấn đề thuộc địa đang được bàn đến nhiều hơn tại Liên Hiệp Quốc, nơi những người bản địa đấu tranh cho độc lập và những người ủng hộ họ đã tìm ra một diễn đàn lý tưởng để tranh luận về vấn đề thuộc địa. Có một khuynh hướng rõ rệt về việc thành lập tại Liên Hiệp Quốc một “khối” thuộc địa bao gồm những nước lệ thuộc trước đây như Ấn Độ và các quốc gia Ả Rập, cùng những nước khác như Trung Quốc và Iran với mối đồng cảm chủng tộc và tôn giáo mạnh mẽ với những dân tộc thuộc địa (cũng là đặc trưng của nhóm đầu tiên), và nhóm thứ ba gồm nhiều nước cộng hòa châu Mỹ La Tinh và Australia, với niềm cảm thông dựa trên nền tảng tự do, nhân đạo và kinh tế. Khối thuộc địa đã kiên định tìm cách mở rộng hệ thống ủy trị của Liên Hiệp Quốc. Trung Quốc, Ấn Độ, Liên Xô, Philippines và các quốc gia Ả Rập cho rằng Điều 73 trong Hiến chương Liên Hiệp Quốc, trong đó quy định các thành viên phải thúc đẩy sự phát triển tiến bộ của vấn đề tự trị tại các nước lệ thuộc, ngụ ý rằng Liên Hiệp Quốc nên có quyền hạn giám sát lớn đối với các nước lệ thuộc này. Những tình huống thuộc địa nguy cấp như vấn đề Indonesia và việc Ai Cập đòi hỏi Anh Quốc rút quân đã được trình bày trước Hội Đồng Bảo An như một mối đe dọa tiềm tàng đối với hòa bình thế giới. Các nước kém phát triển đã kiên quyết nhấn mạnh vấn đề kinh tế của nước họ trước những cơ quan kinh tế của Liên Hiệp Quốc. Do đó, thông qua Liên Hiệp Quốc, vấn đề thuộc địa đã được đặt trực tiếp lên vũ đài thế giới và những vấn đề thuộc địa địa phương đã trở thành nội dung của mối quan tâm quốc tế. “Khối” thuộc địa và Liên Xô được dự đoán sẽ đưa ngày càng nhiều những vấn đề như vậy ra trước Liên Hiệp Quốc và nỗ lực dùng chúng như một cơ chế loại trừ các đế quốc thực dân.

d. Liên Xô lợi dụng vấn đề thuộc địa

Liên Xô đang khai thác một cách hiệu quả vấn đề thuộc địa và vấn đề đồng minh của chủ nghĩa dân tộc kinh tế và sự đối kháng chủng tộc trong nỗ lực chia cắt thế giới ngoài Xô viết, làm suy yếu các nước đồng minh châu Âu của Hoa Kỳ, và giành được thiện chí của “khối” thuộc địa. Nhằm theo đuổi những mục tiêu trên, Liên Xô đang: (1) chủ động hỗ trợ các phong trào dân tộc chủ nghĩa trên khắp thế giới thuộc địa thông qua những kẻ kích động, tuyên truyền, và các đảng phái Cộng sản địa phương; và (2) kiên trì đưa vấn đề thuộc địa và Đồng minh ra trước Liên Hiệp Quốc và các hoạt động liên quan.

Chế độ Xô Viết đã luôn nhìn nhận “các khu vực suy yếu” như một mảnh đất màu mỡ để xâm nhập, và kể từ năm 1918 Quốc tế Cộng sản đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc khơi dậy sự bất bình tại các khu vực này. Với tư cách là một cường quốc phi thực dân, Liên Xô đang ở vị thế thích hợp để ủng hộ hoàn toàn cho sự nghiệp giải phóng thuộc địa, qua đó giành được thiện chí của các khu vực thuộc địa và cựu thuộc địa. Việc Liên Xô lên án nạn phân biệt chủng tộc đã làm hài lòng những người bản xứ đấu tranh giành độc lập và có khuynh hướng loại trừ Liên Xô khỏi mối ác cảm chủng tộc của phương Đông đối với phương Tây. Những người Cộng sản đã cố gắng thâm nhập vào các nhóm dân tộc chủ nghĩa tại các thuộc địa và cựu thuộc địa, và trở thành một trong những lực lượng khích động cuộc đấu tranh giành độc lập quyết liệt nhất, như ở Miến Điện, Indonesia và Đông Dương. Liên Xô nhận thấy Liên hiệp Công đoàn Thế giới là một vũ khí hiệu quả để thâm nhập vào phong trào lao động đang lớn mạnh tại châu Á và châu Phi, cũng như để khích động hai khu vực này chống lại các cường quốc thực dân.

Tại Hội nghị San Francisco nơi Hiến chương Liên Hiệp Quốc được định ra, Liên Xô đã đấu tranh để đạt được một điều khoản yêu cầu dứt khoát nền độc lập cuối cùng cho toàn bộ các nước thuộc địa. Kể từ đó, Liên Xô đã thường xuyên đưa vấn đề thuộc địa vào các cuộc thảo luận của Liên Hiệp Quốc và tích cực ủng hộ “khối” thuộc địa trong tất cả các vấn đề về thuộc địa và đồng minh. Việc Liên Xô nhất mực ủng hộ “khối” thuộc địa trong những vấn đề thuộc địa đơn thuần có thể sẽ lôi kéo thêm nhiều người từ “khối” này đứng về phía Liên Xô trong những vấn đề chính khác giữa Liên Xô và các nước phương Tây tại Liên Hiệp Quốc. Do vậy, Liên Xô nhận thức rõ vấn đề thuộc địa có tiềm năng làm suy yếu các đối thủ của mình, và coi nó là một thành tố quan trọng trong cuộc tranh giành quyền lực giữa các cường quốc phương Tây và Liên Xô.

4/ Tính tất yếu của sự tan rã thuộc địa

Trong bối cảnh hiện tại, sự tan rã của các đế quốc thực dân còn lại có vẻ như không thể tránh khỏi. Chủ nghĩa dân tộc bản địa tại những nước lệ thuộc sẽ tiếp tục phát triển khi người dân phấn đấu noi gương những nước đã giành được độc lập. Indonesia và Đông Dương hiển nhiên đã ở trong giai đoạn cuối cùng trước khi giành được độc lập hoàn toàn, và các cuộc khủng hoảng sẽ nổ ra tại những khu vực thuộc địa khác do những người yêu nước bản địa ngày càng lên tiếng đòi quyền tự trị. Liên Xô và “khối” thuộc địa sẽ viện trợ cho những nhóm này và sử dụng Liên Hiệp Quốc như một công cụ để hỗ trợ họ. Các cường quốc thực dân đang bị suy yếu do chiến tranh và khủng hoảng kinh tế sẽ cảm thấy khó khăn khi liên tục phải đối đầu với những áp lực của chủ nghĩa dân tộc.

Các cường quốc thực dân, không sớm nhận thức được nguy cơ đối với đế quốc của họ, đã thể hiện sự sẵn sàng giải tán các nước lệ thuộc rắc rối nhất và nhượng bộ các nước khác. Các đảng xã hội chủ nghĩa Tây Âu, hiện đang có ảnh hưởng lớn trong rất nhiều chính phủ, có vẻ như sẵn sàng hơn những người tiền nhiệm bảo thủ trong việc thực hiện cải tổ thuộc địa mặc dù cho đến nay những chính sách thuộc địa của các nước này không có nhiều thay đổi. Một vài cường quốc thực dân đã thi hành những chính sách thuộc địa cấp tiến hơn, đưa ra nhượng bộ với các nước lệ thuộc nhằm ngăn chặn yêu cầu độc lập. Đặc biệt là Anh Quốc, sau khi nhận ra nền độc lập trao cho Ấn Độ và Miến Điện là điều chắc chắn phải xảy ra, đang thận trọng thúc đẩy quyền tự trị lớn hơn tại những nước thuộc địa còn lại và đã hoạch định một khoản tiền lớn để phát triển kinh tế của các nước này (mặc dù nền kinh tế yếu kém hiện tại của Anh Quốc đã khiến những kế hoạch này khó có thể phát triển một cách trọn vẹn). Hà Lan đã nhượng bộ đáng kể trước Indonesia, mặc dù vẫn quyết tâm tìm mọi cách để giữ quyền kiểm soát khu vực giàu có này. Ngay cả nước Pháp, trong khi thực hiện những cải cách tối thiểu tại các khu vực quan trọng, vẫn cố gắng kéo các nước lệ thuộc lại gần hơn với mẫu quốc trong Liên hiệp Pháp.

Tuy nhiên, những nhượng bộ này, ít nhất ở quy mô hạn chế đang được dự tính, có vẻ sẽ không đạt được điều gì lớn hơn việc tạm thời xoa dịu chủ nghĩa dân tộc địa phương và cùng lắm là trì hoãn những yêu cầu độc lập. Sự khác biệt về chủng tộc, ngôn ngữ, tôn giáo càng bị khắc sâu thêm bởi sự đối lập mạnh mẽ giữa phương Đông và phương Tây, khiến kế hoạch sáp nhập các thuộc địa vào Liên hiệp Pháp và Liên hiệp Hà Lan của hai nước này khó  có khả năng thành công tại những khu vực như Đông Dương, Indonesia và Bắc Phi thuộc Pháp, nơi chủ nghĩa dân tộc bản địa đã rất phát triển. Hơn nữa, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế và xã hội thuộc địa cùng với việc trao quyền tự trị lớn hơn có thể sẽ thúc đẩy tinh thần yêu nước của người dân bản địa thay vì làm suy yếu nó. Khi các thuộc địa phát triển cao hơn, họ sẽ nhận thức rõ hơn về tình trạng lệ thuộc của mình và trở nên kiên định hơn trong mưu cầu độc lập. Các nước này cũng sẽ có khả năng xây dựng những nền kinh tế vững chãi và vận hành như một quốc gia độc lập. Trong hoàn cảnh này, mọi sự nhượng bộ hạn chế có khả năng chỉ có hiệu quả dài hạn tại những khu vực tương đối nhỏ hay lạc hậu, những nơi có thể sẽ tiếp tục phụ thuộc vào một nước bảo hộ trong bất kỳ trường hợp nào.

5/ Sự nổi lên của một cục diện quyền lực mới trong thế giới thuộc địa cũ

Do hệ thống thuộc địa đang dần tan rã và các quốc gia dân tộc chủ nghĩa mới đang trỗi dậy, một cục diện quyền lực mới đang được hình thành tại thế giới thuộc địa cũ. Các cường quốc thực dân phương Tây sẽ không còn kiểm soát những khu vực lớn của châu Á và Bắc Phi vốn là nguồn cung cấp nhân lực và nguyên liệu thô, đồng thời là những căn cứ quân sự vững chắc. Các chính sách kinh tế và chính trị từng được các cường quốc thực dân áp đặt lên các nước thuộc địa sẽ nhường chỗ cho một mớ hỗn độn các chính sách quốc gia đầy mâu thuẫn. Quá trình này hầu như đã hoàn thành, với nhiều nước trong số những khu vực thuộc địa và nửa thuộc địa quan trọng nhất, như Ấn Độ, Miến Điện, các nước Ả Rập, và Philippines nay đã độc lập, còn Indonesia và Đông Dương thì đang trên lộ trình. Các quốc gia mới nổi này sẽ được tự do định đoạt các chính sách kinh tế và lựa chọn tham gia các liên minh trong tương lai.

Tuy nhiên, những quốc gia mới này sẽ gặp khó khăn trong một khoảng thời gian dài sau khi giành được độc lập. Mặc dù chủ động thúc đẩy chính sách phát triển kinh tế và chính trị của riêng mình, họ vẫn sẽ tiếp tục là khu vực bán phụ thuộc, buộc phải dựa vào sự bảo hộ và hỗ trợ của các cường quốc trong một khoảng thời gian. Trình độ phát triển kinh tế, chính trị, xã hội tương đối lạc hậu, tình trạng thiếu hụt các nguồn tài nguyên, người dân lại kém học thức và kỹ năng đã khiến những nước này lệ thuộc vào hỗ trợ phát triển từ nước ngoài. Về mặt quân sự, các nước này sẽ không thể chống lại bất kỳ cường quốc nào. Về mặt kinh tế, các nước này vẫn sẽ là các quốc gia kém phát triển, bị ràng buộc với những nền kinh tế mẫu quốc lớn hơn. Vì vậy, hệ quả của sự tan rã của chế độ thực dân và sự rút lui của các cường quốc thực dân là một khoảng trống quyền lực tại vùng Cận và Viễn Đông.

Nếu các quốc gia Tây Âu và Hoa Kỳ không giành được cảm tình của những khu vực mới được giải phóng nhưng vẫn còn lệ thuộc, thì có nguy cơ các nước này sẽ quay sang ủng hộ Liên Xô. Một vài nhân tố như: sự bất đồng về vấn đề thuộc địa, chủ nghĩa dân tộc kinh tế, và mối thù địch chủng tộc giữa phương Đông và phương Tây, có thể hướng những khu vực này cách xa khỏi Hoa Kỳ và các cường quốc phương Tây. Các quốc gia mới được giải phóng sẽ nuôi dưỡng một thái độ thù địch đối với các cường quốc thực dân trước đây, và bởi các nước này nằm trong khối Tây được Hoa Kỳ ủng hộ, sự thù địch sẽ phần nào lan tới Hoa Kỳ. Việc Hoa Kỳ ủng hộ các nước thực dân thuộc Liên Hiệp Quốc cũng có xu hướng khiến các dân tộc lệ thuộc và những người ủng hộ họ nghi ngờ động cơ của Hoa Kỳ. Trong lĩnh vực kinh tế, các quốc gia mới và kém phát triển có khuynh hướng oán ghét sự thống lĩnh kinh tế của Hoa Kỳ và lo sợ rằng Hoa Kỳ và các nước công nghiệp hóa khác có ý định giữ họ lệ thuộc về mặt kinh tế. Liên Xô đang theo đuổi một chính sách đồng hóa chủng tộc và có thể thể hiện bản thân như một dân tộc chủ yếu là người Châu Á, nhờ đó tránh được phần lớn mối oán giận của người da màu đối với những người da trắng. Trong khi đó, cách Hoa Kỳ đối xử với người da đen đã làm xấu mặt Hoa Kỳ, nhất là khi vấn đề này bị các thông điệp tuyên truyền của Liên Xô cường điệu hóa. Những điều luật hạn chế về chủng tộc tại những khu vực như Nam Phi và Australia cũng làm dấy lên sự oán giận thực dân. Hơn nữa, sự nghèo đói và lạc hậu của thế giới thuộc địa và thuộc địa cũ, kết hợp với những chính sách hạn chế của các cường quốc thực dân, đã làm tăng thêm sức hút của những tư tưởng chính trị cấp tiến và có xu hướng đặt quyền lãnh đạo các nhóm dân tộc chủ nghĩa bản địa vào tay những người cực đoan. Khuynh hướng này có thể dễ dàng nhận thấy qua sự tồn tại của các phe nhóm ủng hộ Cộng sản đang hoạt động tại những khu vực như Trung Quốc, Đông Dương, Miến Điện và Indonesia. Do đó, sự lạc hậu về cơ bản của những khu vực này, nỗi oán ghét đối với những thế lực thống trị trong quá khứ hoặc hiện tại, và sự tồn tại của những thành phần cánh tả mạnh mẽ trong nước, khiến họ đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi sự xâm nhập của Liên Xô. Tuy nhiên, nếu đến lượt Liên Xô lại trở thành mối đe dọa đối với nền độc lập của họ, các nước này cũng sẽ chủ động chống đối sự thống trị của Liên Xô.

6/ Hậu quả đối với an ninh Hoa Kỳ

Sự tan rã của hệ thống thực dân và sự hình thành hàng loạt quốc gia dân tộc chủ nghĩa mới có thể ảnh hưởng bất lợi đến cán cân quyền lực hiện tại giữa Hoa Kỳ và Tây Âu với Liên Xô, đặc biệt nếu những quốc gia mới này trở nên thân thiết với Liên Xô và thù ghét Hoa Kỳ cùng các nước đồng minh.

a. Việc để mất các nước lệ thuộc đã làm suy yếu các cường quốc thực dân, vốn là đồng minh triển vọng chính trong tương lai của Hoa Kỳ. Các quốc gia này phụ thuộc vào các thuộc địa như những nguồn nguyên liệu thô, nhân lực quân sự và lợi nhuận, và như những căn cứ quân sự chiến lược. Ví dụ, Pháp tận thu từ các đế chế Bắc và Tây Phi trong hầu hết các khía cạnh nêu trên; và việc những khu vực này, đặc biệt là Bắc Phi, tìm cách tách ra sẽ làm suy yếu nghiêm trọng vị thế chiến lược của Pháp. Việc Anh Quốc rút khỏi Ấn Độ và Miến Điện đã ảnh hưởng đáng kể đến khả năng chiến lược của nước này tại vùng Trung và Viễn Đông. Kinh tế Hà Lan sẽ suy yếu do để mất nước thuộc địa Indonesia trù phú.

b. Việc những khu vực lệ thuộc tách rời khỏi quỹ đạo của các nước thực dân đã tước đi của Hoa Kỳ khả năng tiếp cận các căn cứ quân sự và nguyên liệu thô tại nhiều khu vực trong số đó. Đây là một mất mát ngày càng nghiêm trọng khi xét đến những nhu cầu chiến lược toàn cầu của Hoa Kỳ và sự lệ thuộc tăng dần vào những nguồn tài nguyên khoáng sản nước ngoài. Ví dụ, những căn cứ tại Bắc Phi thuộc Pháp và Trung Đông có tầm quan trọng chiến lược trong trường hợp chiến tranh. Danh sách ngày càng mở rộng các nguyên liệu chiến lược và thiết yếu của Hoa Kỳ – phần nhiều trong số đó như thiếc và cao su được khai thác chủ yếu ở những khu vực thuộc địa và thuộc địa cũ – minh họa cho sự lệ thuộc của Hoa Kỳ vào những khu vực này. Cho đến nay, Hoa Kỳ vẫn có thể dựa vào những cơ sở và nguyên liệu sẵn có tại khu vực thuộc địa của các cường quốc đồng minh; nhưng các quốc gia mới nổi lên tại những khu vực này, để bảo vệ chủ quyền của mình, có thể sẽ không muốn trao cho Hoa Kỳ sự hỗ trợ như vậy.

c. Khả năng Liên Xô thống lĩnh một vài nước thuộc địa cũ hoặc khuynh hướng theo phe Liên Xô của các nước này sẽ tạo thành mối đe dọa lớn với an ninh Hoa Kỳ. Khả năng đó dễ xảy ra nhất tại khu vực ngoại vi châu Á bao quanh Liên Xô, nơi hiểm họa Liên Xô xâm nhập vô cùng nghiêm trọng. Quyền kiểm soát của Liên Xô tại những khu vực như Iran, Miến Điện, Đông Dương, Indonesia hay Triều Tiên, dù bằng cách chiếm đóng, đồng minh hay trung lập, sẽ giúp hoàn thành quyền thống trị của Liên Xô tại lục địa châu Á, khiến Liên Xô trở nên bất khả xâm phạm trước mọi cuộc tấn công từ bên ngoài, đảm bảo sự tiếp cận của nước này đối với các nguồn nguyên liệu thiết yếu như dầu, thiếc và cao su, và đặt nước này ngang những đường hàng hải chiến lược.

d. Sự phản kháng thuộc địa nhằm vào Hoa Kỳ sẽ cản trở Hoa Kỳ trong quan hệ với những khu vực thuộc địa nếu các mẫu quốc rơi vào quỹ đạo của Liên Xô trong trường hợp chiến tranh. Mặc dù chính phủ lưu vong có thể sẽ được thành lập, họ sẽ không đủ khả năng kiểm soát các nước lệ thuộc. Các nước này có thể nhân cơ hội đó để thúc đẩy những mục tiêu dân tộc chủ nghĩa bằng các cuộc nổi dậy. Trong trường hợp Hoa Kỳ buộc phải chiếm đóng những lãnh thổ này vì lí do chiến lược, nhiệm vụ của Hoa Kỳ sẽ trở nên khó khăn hơn nếu các nước này bày tỏ thái độ thù địch.

e. Vấn đề thuộc địa cũng có khuynh hướng tạo ra những cuộc khủng hoảng tái diễn, khiến thế giới bất ổn định. Ngày càng nhiều quốc gia phải dựa vào Liên Hiệp Quốc để giải quyết nỗi bất mãn gia tăng của các nước thuộc địa và chống chọi với áp lực từ khối các nước ủng hộ những dân tộc thuộc địa. Tình trạng này có khuynh hướng khiến cho mối bất bình của các nước thuộc địa bị khuếch đại quá mức. Liên Xô sẽ nhanh chóng tận dụng cơ hội này để khích động mọi sự bất ổn trong các khu vực thuộc địa.

Hậu quả là, thiện chí của các quốc gia mới được giải phóng và các quốc gia mới nổi đã trở thành một nhân tố thiết yếu quyết định vị thế tương lai của Hoa Kỳ tại vùng Cận và Viễn Đông. Sự sụp đổ của hệ thống thuộc địa và việc các nước thực dân dần rút lui khỏi khu vực này đã khiến Hoa Kỳ phải đối mặt với vấn đề lấp khoảng trống để lại do sự rút lui đó. Quan điểm của Hoa Kỳ về vấn đề thuộc địa và chủ nghĩa dân tộc kinh tế sẽ có ảnh hưởng lớn lên thái độ của những khu vực thuộc địa và thuộc địa cũ. Tuy nhiên Hoa Kỳ hiện đang ở một vị thế bất lợi so với Liên Xô trong những vấn đề nêu trên. Một mặt, trong suốt tiến trình lịch sử, Hoa Kỳ đã luôn đồng cảm với khát vọng tự trị của những dân tộc lệ thuộc và đã cam kết theo đuổi sứ mệnh này trong Hiến chương Đại Tây Dương và tại Liên Hiệp Quốc. Kết quả là, những khu vực phụ thuộc và nửa phụ thuộc kỳ vọng và đòi hỏi Hoa Kỳ hỗ trợ họ trong cuộc đấu tranh giành độc lập. Trong trường hợp Hoa Kỳ chấp nhận hoặc ủng hộ chính sách thuộc địa của các quốc gia Tây Âu, vị thế của Hoa Kỳ tại những khu vực thuộc địa sẽ bị đe dọa. Một chính sách như vậy có thể khiến Hoa Kỳ bị cáo buộc về tính bất nhất và tư tưởng đế quốc, và mất đi sự ủng hộ của khối thuộc địa tại Liên Hiệp Quốc. Đặc biệt, điều này sẽ cho phép Liên Xô thể hiện mình là nước đấu tranh hàng đầu cho vấn đề thuộc địa và do đó giành được thiện cảm của các nước thuộc địa và thuộc địa cũ.

Mặt khác, các cường quốc thực dân phương Tây là những đồng minh triển vọng chính của Hoa Kỳ trong cuộc đấu tranh quyền lực với Liên Xô, và Hoa Kỳ sẽ gặp khó khăn nếu đối đầu với những nước này trong vấn đề thuộc địa. Các quốc gia này muốn giữ lại nhiều hết mức có thể quyền kiểm soát các nước thuộc địa, phần vì lí do kinh tế và chiến lược, phần vì uy thế quốc gia. Nếu để mất lợi ích từ đế chế thực dân, sự phục hồi kinh tế của các quốc gia phương Tây sẽ bị cản trở và tính ổn định của những chính phủ thân thiết với Hoa Kỳ có khả năng bị đe dọa.

Tuy nhiên, nếu các nước thực dân không điều chỉnh về cơ bản các chính sách thuộc địa hiện tại, thì về lâu dài các nước này sẽ mất những lợi thế lớn về chiến lược và kinh tế tại các nước lệ thuộc và từng lệ thuộc. Những chính sách hạn chế như vậy không những không ngăn chặn được sự phát triển của chủ nghĩa dân tộc địa phương mà trong thực tế có thể làm trầm trọng thêm vấn đề đến mức khiến dân chúng bản địa xa lánh và giảm thiểu khả năng giữ lại bất cứ lợi ích nào. Hơn thế nữa, những nỗ lực bằng vũ lực nhằm giữ lại những khu vực thuộc địa quan trọng mặc cho áp lực chủ nghĩa dân tộc tăng dần có thể sẽ làm suy yếu thay vì củng cố các cường quốc thực dân. Ví dụ, nỗ lực của Pháp và Hà Lan nhằm đàn áp chủ nghĩa dân tộc địa phương bằng vũ lực tại Indonesia và Đông Dương đã làm tiêu hao nguồn quỹ lẽ ra có thể dùng cho việc tái thiết, và gây thù oán đến mức sự phát triển kinh tế sinh lợi là không thể đạt được trong một khoảng thời gian dài.

Nếu muốn giữ lại vị thế thuận lợi của mình tại khu vực, các cường quốc thực dân phải nhận thức đầy đủ sức mạnh không thể cưỡng lại được của chủ nghĩa dân tộc tại các nước lệ thuộc, và phải đi tiên phong trong việc hướng các nước thuộc địa này tiến tới tự trị hoặc độc lập. Một chính sách cải cách thuộc địa toàn diện, với mục tiêu thúc đẩy sự phát triển chính trị, kinh tế và xã hội của thuộc địa, sẽ hữu dụng trong việc vô hiệu hóa những khía cạnh bạo lực của chủ nghĩa dân tộc bản địa và thay thế những biến cố bạo lực hiện tại bằng sự tiến hóa có trật tự hướng đến mục tiêu độc lập. Chỉ mối quan hệ hợp tác mới như vậy mới có thể giúp các cường quốc thực dân về lâu dài có triển vọng giữ lại được mối quan hệ thân thiết với những khu vực này cùng lợi thế tối đa về chính trị và kinh tế. Nếu các nước thực dân không nhận ra tính cần thiết của việc thỏa mãn những khát vọng của các nước lệ thuộc, đồng thời tìm ra cách thức để giữ lại thiện chí của họ với tư cách các quốc gia độc lập mới nổi, thì cả các nước thực dân và Hoa Kỳ sẽ bị đặt vào thế bất lợi nghiêm trọng trong cục diện quyền lực mới tại vùng Cận và Viễn Đông.

Trên khía cạnh kinh tế, kể từ khi Hoa Kỳ giữ vai trò thống lĩnh trong thương mại toàn cầu và hiện là quốc gia lớn nhất đủ khả năng cấp vốn cho các quốc gia “kém phát triển”, thái độ của Hoa Kỳ đối với nỗ lực của những nước này để đạt được sự độc lập lớn hơn về mặt kinh tế sẽ có ảnh hưởng lớn đối với thiện chí của họ. Nếu Hoa Kỳ không cảm thông hơn với chủ nghĩa dân tộc kinh tế của những nước kém phát triển hay ít nhất đáp ứng phần nào nhu cầu được cấp vốn của họ, thì những cáo buộc, vốn đã được đưa ra, về chủ nghĩa đế quốc kinh tế của Hoa Kỳ sẽ càng bị khích động thêm, và quan hệ của Hoa Kỳ với những khu vực này sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Như vậy, Hoa Kỳ đang phải đối mặt với một tình thế lưỡng nan nghiêm trọng. Một mặt, việc Hoa Kỳ khuyến khích sự tự trị và phát triển kinh tế của các nước thuộc địa sẽ dẫn đến các cáo buộc về chủ nghĩa đế quốc Hoa Kỳ, khiến Hoa Kỳ bị các nước thực dân xa lánh. Mặt khác, Hoa Kỳ không thể để những chính sách của mình về vấn đề thuộc địa bị ảnh hưởng bởi các nước thực dân, nếu sự hỗ trợ như vậy từ các nước đồng minh có khuynh hướng khiến những dân tộc thuộc địa và những quốc gia khác ngoài châu Âu xa lánh [Hoa Kỳ], gây nguy cơ bất ổn trong tương lai, và về lâu dài sẽ làm suy yếu sự cân bằng quyền lực của cả Hoa Kỳ và các quốc gia Tây Âu trong mối quan hệ với Liên Xô.

[1] Ghi chú: Thông tin trong báo cáo này là tính đến ngày 9 tháng Tám năm 1948.

Các cơ quan tình báo thuộc Bộ Ngoại Giao, Bộ Lục quân và Hải quân đã đồng ý với báo cáo này; Bộ phận Tình báo Không quân, Văn phòng Điều hành Tình Báo Không quân, Bộ Không quân, không đưa ra bất cứ bình luận nào.

[2] Trong văn bản này, thuật ngữ “thuộc địa” được dùng với nghĩa rộng nhằm chỉ ra mối quan hệ giữa các mẫu quốc và các khu vực phụ thuộc và nửa phụ thuộc, dù là các nước thuộc địa, ủy trị, nước được bảo hộ, hay những mối quan hệ dựa trên hiệp ước. Tương tự, cụm “vấn đề thuộc địa” bao gồm tất cả khác biệt giữa các cường quốc thực dân và các khu vực phụ thuộc nảy sinh từ sự phát triển của chủ nghĩa dân tộc địa phương.

Mỹ Linh dịch (Nguồn: Central Intelligence Agency, The Break-up of the Colonial Empires and its Implications for US Security, ORE 25-48, 1948)

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN