Quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời Đại Tướng Võ Nguyên Giáp

Pháp xây dựng “tập đoàn cứ điểm” Điện Biên Phủ nhằm chống lại quân Việt Minh sau những thất bại liên tiếp trên chiến trường. Pháp cho rằng cách đồng phì nhiêu lớn nhất Tây Bắc này, nơi cách biên giới Việt Lào chỉ 13Km là nơi có khả năng chặn đứng con đường những đại đoàn chủ lực của Việt Minh tiến về kinh đô Lào. Pháp còn nhận định việc đặt một căn cứ lớn rất xa xôi với địa hình hiểm trở như vậy sẽ khiến Việt Minh không thể tác chiến linh hoạt và các các phương tiện tiếp tế của bộ đội không đủ để chi viện.

Tuy nhiên, Pháp không tính hết rằng việc xây dựng cứ điểm ở Tây Bắc lại chính là thời cơ cho Việt Minh. Với đặc điểm là một lòng chảo nằm biệt lập trên vùng núi cao Tây Bắc, nếu bao vây và cắt được đường tiếp tế hàng không, Điện Biên Phủ sẽ bị cô lập. Thường vụ Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch xác định, muốn thắng lợi trong cuộc kháng chiến thì phải tiêu diệt được tập đoàn cứ điểm lớn nhất này, tạo cán cân có lợi trên bàn đàm phán Geneve. Sau khi nhận định rõ tình hình, Thường vụ Trung ương Đảng và Bác Hồ đã hạ quyết tâm phải đánh chiếm bằng được Điện Biên Phủ để kết thúc chiến tranh. Trước khi lên đường ra mặt trận, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng, chắc thắng thì đánh, không chắc thắng thì không đánh” và “tướng quân tại ngoại! Trao cho chú toàn quyền. Có vấn đề gì khó khăn, bàn thống nhất trong Đảng ủy, thống nhất với cố vấn thì cứ quyết định, rồi báo cáo sau”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí lãnh đạo trong Tường vụ Trung ương Đảng bàn kế hoạch tấn công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ

Ban đầu quân đội Việt Minh xây dựng kế hoạch “đánh nhanh”, lợi dụng lúc địch đứng chân chưa vững và tập đoàn cứ điểm chưa hoàn thiện, ập vào tấn công cả bốn mặt và có mũi thọc sâu đánh thẳng vào trung tâm, sở chỉ huy của tướng De Castries. Phương án, kế hoạch “đánh nhanh thắng nhanh” đã được chuẩn bị sẵn sàng. Ban đầu, tất cả đều rất hào hứng với kế hoạch này. Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp thuật lại trong Hồi ký: “Ai nấy đều tỏ ra hân hoan với chủ trương đánh nhanh thắng nhanh. Mọi người cho rằng nếu không đánh sớm, địch tăng cường công sự, tập đoàn cứ điểm sẽ trở nên quá mạnh, và cũng lo chiến dịch kéo dài, sẽ khó giải quyết vấn đề tiếp tế trên tuyến đường từ hậu phương ra mặt trận quá xa, địch còn đánh phá quyết liệt hơn.” Lúc này, trưởng đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc là Vi Quốc Thanh cũng khuyên nên đánh gấp: “Nếu không đánh sớm, nay mai địch tăng thêm quân và củng cố công sự thì cuối cùng sẽ không còn điều kiện công kích quân địch.”

Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp là người ngay từ đầu đã quan ngại về chủ trương “đánh nhanh, thắng nhanh”, giải quyết địch trong hai ba ngày đêm. Chính vì thế, ông yêu cầu thị sát để nắm rõ tình hình thực địa và liên tục nghe tham mưu báo cáo quân số và việc củng cố quân sự của địch.

Về địch, từ những tin tức cập nhật, cho thấy địch không còn trong trạng thái lâm thời phòng ngự mà đã trở thành tập đoàn cứ điểm phòng ngự kiên cố, hỏa lực mạnh, lực lượng cũng tăng lên, ở Mường Thanh địch có thêm nhiều xe tăng, hơn 40 khẩu pháo 105mm và 155mm. Lực lượng của Pháp lúc đó đã có 12 tiểu đoàn đồn trú ở Điện Biên Phủ.

Về ta, lực lượng bộ đội ta xây dựng trong những năm kháng chiến, bước vào năm thứ 8 mới có sáu đại đoàn, trừ Đại đoàn 320 ở đồng bằng và Đại đoàn 325 ở Trung bộ, còn lại bốn đại đoàn bộ binh 304, 308, 312, 316 tập trung hết ở Điện Biên Phủ và một Đại đoàn công pháo (công binh và pháo binh) mới thành lập, lúc này ta được chi viện 24 khẩu pháo 105 và 24 khẩu cao xạ. Toàn bộ chủ lực xây dựng trong 8 năm kháng chiến đều dồn hết vào trận đánh này. Tuy vậy, bộ đội ta chỉ quen đánh ban đêm ở địa hình dễ ẩn náu, thời gian tác chiến ngắn, mới tiêu diệt được địch ở quy mô nhỏ. Trận này ta có pháo binh, pháo phòng không hỗ trợ nhưng dự kiến tác chiến hiệp đồng quy mô lớn. Đây là lần đầu chiến đấu ở quy mô như vậy, chưa qua tập dượt. Đại tướng đặc biệt lo lắng về những điểm này.

Hơn chục ngày đêm suy nghĩ thao thức và theo dõi tình hình, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp không ngừng trăn trở, xét đoán khả năng “đánh nhanh, thắng nhanh” có “rất ít yếu tố thắng lợi”. Cho dù ngày nổ súng đã được quyết định là 17h ngày 25 tháng 1 năm 1954, Tổng tư lệnh càng ngày càng nhận rằng không thể đánh nhanh thắng nhanh được nữa. Ông nhớ lại lời dặng của Bác trước lúc lên đường và quyết sách của Trung Ương: “Chỉ được thắng không được bại, vì bại là hết vốn.”

Khi họp với cố vấn quân sự Trung Quốc và các tướng tham gia chiến dịch ngay trước thời điểm tổng tiến công, ông Võ Nguyên Giáp đã trình bày suy nghĩ của mình và vấp phải không ít phản đổi. Mọi người đều nghiêng về phương án cũ bởi mọi điều kiện đã được chuẩn bị sẵn sàng, nếu rút lui tinh thần của bộ đội sẽ đi xuống. Tuy vậy, Tổng tư lệnh vẫn quyết định “phải cho các đơn vị rút khỏi trận địa để nghiên cứu một cách đánh khác.” Trước thời khắc hệ trọng, Tổng tư lệnh nói: “Tình hình khẩn trương. Cần sớm ra quyết định. Vô luận tình hình nào, chúng ta vẫn phải nắm vững nguyên tắc cao nhất là: đánh chắc thắng.”

Với quyết định của Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, pháo đã được kéo ra khỏi trận địa, bố trí thế trận tấn công, tăng gấp bội về dân công hỏa tuyến và hậu cần, đảm bảo cho trận chiến dài ngày. Quân đội Việt Minh đã tổng tấn công vào Điện Biên Phủ chậm hơn một tháng rưỡi so với dự kiến. Vào13 giờ ngày 13 tháng 3 năm 1954, quân ta mới nổ súng tiến công cứ điểm Điện Biên Phủ. Và phải sau 55 ngày đêm trải qua 3 đợt tiến công, 17 giờ ngày 7 tháng 5 năm 1954, lá cờ Quyết chiến Quyết thắng mới tung bay trên nóc hầm của tướng De Castries. Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của Pháp bị tiêu diệt hoàn toàn. Hơn 16.200 quân địch bị tiêu loại khỏi vòng chiến đấu và bắt sống.

Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp nghe các chỉ huy quân sự trình bày kế hoạch tấn công Điện Biên Phủ

Về sau, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có viết lại việc này trong cuốn Hồi ký “Điện Biên Phủ – Điểm hẹn lịch sử”: “Trong ngày hôm đó, tôi đã thực hiện được một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của mình”. Đó chính là quyết định thay đổi cách đánh ngay ở thời điểm then chốt nhất khi giờ nổ súng đã cận kề.

Đó là một trong những quyết định dũng cảm và sáng suốt nhất trong lịch sử quân sự Việt Nam. Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp gần như đã đi ngược lại quan điểm của cố vấn nước bạn và Đảng ủy lúc đó. Ông có tầm nhìn sâu rộng, dám quyết định và chịu trách nhiệm trước lịch sử của dân tộc.

Sau này, nhân dịp 10 kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ, một số tư lệnh đại đoàn và các cán bộ tham gia chiến dịch mới dám bày tỏ với với Đại tướng Võ Nguyên Giáp ý nghĩ của mình. Đại tướng Lê Trọng Tấn Tổng Tham mưu trưởng, nguyên Đại đoàn trưởng đại đoàn 312 tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, nói rằng “Nếu không có quyết định chuyển phương châm ngày đó thì phần lớn chúng tôi không có mặt trong kháng chiến chống Mỹ”. Trung tướng Vương Thừa Vũ, Nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng, nguyên Đại đoàn trưởng Đại đoàn 308, nói: “Tôi nghĩ, nếu lần đó cứ đánh nhanh, giải quyết nhanh thì cuộc kháng chiến có thể phải kéo dài thêm 10 năm”. Trung tướng Phạm Hồng Cư, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị phát biểu: “Nói một cách dễ hiểu, nếu vẫn theo phương án ban đầu, thế hệ tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ như chúng tôi chắc không còn ai sống đến ngày hôm nay. Với hỏa lực mạnh và thế trận chủ động phòng ngự của địch, nếu cố đánh nhanh, giải quyết nhanh thì chúng ta sẽ gánh lấy kết cục bi thảm. Điện Biên Phủ sẽ trở thành cái “cối xay thịt” thực sự với quân ta. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp chưa biết lúc nào mới kết thúc”…

Sau này khi tổng kết về Điện Biên Phủ, các nhà nghiên cứu đã đưa ra nhiều yếu tố dẫn đến thắng lợi lịch sử này như sự đoàn kết toàn dân, đoàn kết quốc tế, nhưng tất cả đều đồng ý với nhau ở một điểm: yếu tố quyết định chính là cách đánh, là phương án “đánh chắc, thắng chắc” mà quân đội ta đã kịp thời áp dụng. Nói một cách chính xác thì điểm mấu chốt nằm ở quyết định thay đổi khó khăn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Quyết định ấy đã tạo ra chiến thắng cuối cùng kết thúc chín năm kháng Pháp, mở ra một trang sử mới cho Việt Nam và ghi một dấu son chói lọi vào lịch sử quân sự thế giới. Cho dù không bao giờ nhận về mình bất kỳ công trạng nào, quyết định ấy đã góp phần đưa Đại tướng Võ Nguyên Giáp trở thành một trong mười danh tướng vĩ đại nhất trong lịch sử quân sự thế giới theo bình chọn của quốc tế.

Nguyễn An

Theo Tạp chí Phương Đông

 

 

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN