Một báo cáo của CIA (Báo cáo NIE 63-54 đề ngày 30.4.1954) đã đánh giá những hậu quả có thể xảy ra tại Đông Dương trong vòng hai đến ba tháng sau thất bại của Pháp tại Điện Biên Phủ. Báo cáo này phản ánh cách nhìn của Mỹ coi Việt Minh như một hiểm họa cho cả chính quyền Pháp lẫn người dân Đông Dương. Quan điểm này, cùng với tiên liệu về sự tan rã của Liên hiệp Pháp tại Đông Dương, là tiền đề để Mỹ tiến hành can thiệp vào Đông Dương, thay thế vị trí của Pháp. Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông trân trọng giới thiệu báo cáo này.
***
VẤN ĐỀ ĐÁNH GIÁ
Đánh giá những hậu quả có thể xảy ra tại Đông Dương trong vòng hai đến ba tháng tới sau thất bại của Pháp tại Điện Biên Phủ trong tương lai gần.
PHẠM VI ĐÁNH GIÁ
Những hậu quả từ sự sụp đổ của Điện Biên Phủ đối với tình hình chính trị tại Pháp và tác động của những quyết sách lớn tại Pháp hoặc Geneva về tình hình Đông Dương nằm ngoài phạm vi của bản đánh giá này.
THẢO LUẬN
Chúng tôi cho rằng sự sụp đổ của Điện Biên Phủ, nếu xảy ra như đã dự đoán trong phần “vấn đề đánh giá”, sẽ bắt đầu từ: (a) sự đầu hàng của người Pháp; hoặc (b) người Pháp bị đối phương áp đảo bằng các cuộc tấn công hoặc bao vây.
Nếu người Pháp chưa giao tranh dữ dội mà đã đầu hàng, thì hậu quả xấu về mặt quân sự và chính trị về cơ bản cũng giống với những hậu quả xảy ra khi pháo đài Điện Biên Phủ bị công phá sau một cuộc giao tranh dữ dội, dù có thể ở mức độ lớn hơn. Tổn thất của Việt Minh trong trường hợp này sẽ ít hơn so với trường hợp xảy ra chiến sự lớn.
Trong bất cứ tình huống nào, Việt Minh sẽ phải chịu tổn thất nặng nề khi giao chiến kéo dài tại Điện Biên Phủ. Con số thương vong ước tính của Việt Minh trong giao tranh ở đây hiện đã xấp xỉ 13.000; gần 50% trong số đó bị tiêu diệt hoặc vĩnh viễn mất sức chiến đấu. Mặc dù một số đơn vị có kinh nghiệm đã tới tiếp viện, nhưng hầu hết các đợt thay quân riêng lẻ chỉ bao gồm những nhân sự mới được huấn luyện một phần. Do tác động của chiến dịch Điện Biên Phủ, hiệu quả của lực lượng tấn công của Việt Minh sẽ bị suy giảm đáng kể trong hai hoặc ba tháng tới.
Thương vong của lực lượng Liên hiệp Pháp tại Điện Biên Phủ tới nay đã lên tới xấp xỉ 5.500 người. Thất bại của lực lượng này hiện nay ở Điện Biên Phủ sẽ thêm vào con số đó 11.000 người nữa, đưa tổng số thương vong của lực lượng Liên hiệp Pháp lên khoảng 17.000 người. Ít nhất 2/3 trong số đó là các đơn vị chuyên nghiệp và giàu kinh nghiệm từ Algeria, các lực lượng thuộc địa và lính lê dương. Hơn nữa, 6 trong số 13 tiểu đoàn lính dù thuộc các lực lượng Liên hiệp Pháp tại Đông Dương đã có mặt tại Điện Biên Phủ. Nếu để mất những lực lượng tinh nhuệ này, lực lượng tiến công của Liên hiệp Pháp sẽ suy giảm mất khoảng 1/4, và qua đó làm suy giảm đáng kể năng lực tiến hành các hoạt động tác chiến tại Đông Dương của Liên hiệp Pháp.
Sự sụp đổ của Điện Biên Phủ sẽ giáng một đòn chí mạng vào nhuệ khí của các lực lượng Liên hiệp Pháp. Ý chí giành chiến thắng của họ sẽ bị giảm sút, phần lớn do nhiều người tin rằng chiến thắng quân sự là không còn có thể xảy ra được nữa. Sự suy giảm nhuệ khí có thể chưa đủ để làm giảm hiệu quả của lính nhà nghề thuộc lực lượng viễn chinh Pháp. Tuy nhiên, một yếu tố quan trọng đối với tình hình quân sự sau đó sẽ là mức độ tin cậy của các đơn vị bản địa, đặc biệt là các đơn vị người Việt. Chắc chắn việc đào ngũ sẽ gia tăng ở các lực lượng người Việt, và cũng không loại trừ khả năng các bộ phận bản địa của lực lượng Liên hiệp Pháp có thể sẽ tan rã. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng sự tan rã như vậy sẽ khó xảy ra trong hai hoặc ba tháng sau đó, và ít nhất là trong giai đoạn này, phần lớn lực lượng bản địa có thể vẫn sẽ trung thành. Do đó, chúng tôi cho rằng tác động lên nhuệ khí của các lực lượng Liên hiệp Pháp sẽ là rất nghiêm trọng, nhưng chưa đến mức khiến lực lượng này không thực hiện được nhiệm vụ như một lực lượng quân sự hiệu quả trong hai hoặc ba tháng tới.
Thất bại tại Điện Biên Phủ sẽ không tự nó làm thay đổi đáng kể tương quan sức mạnh quân sự giữa lực lượng Liên hiệp Pháp và Việt Minh ở Đông Dương trong hai hoặc ba tháng tới, trừ khi có sự đào ngũ quy mô lớn trong lực lượng Liên hiệp Pháp. Chiến thắng của Việt Minh tại Điện Biên Phủ sẽ phải đánh đổi bằng tổn thất nặng nề và hiệu quả tác chiến của lực lượng Việt Minh sẽ bị suy giảm. Để phát huy hết sức mạnh, Việt Minh có lẽ sẽ chuyển các lực lượng này từ Điện Biên Phủ đến các khu vực cung cấp hậu cần và huấn luyện chủ yếu tiếp giáp với đồng bằng sông Hồng. Trước mùa mưa, việc tái bố trí lực lượng này sẽ cần ít nhất ba đến bốn tuần. Khi đã bước vào mùa mưa, thường bắt đầu từ giữa tháng Năm, sẽ phải mất từ hai đến ba tháng để hoàn thành việc di chuyển lực lượng như vậy. Do đó, chúng tôi ước tính rằng phần lớn quân đội Việt Minh tại Điện Biên Phủ sẽ không đủ để tiến hành tác chiến quy mô lớn ở một nơi nào khác ở Đông Dương trong hai hoặc ba tháng tới, mặc dù một số tiểu đoàn bộ binh được trang bị thô sơ có thể được triển khai nhanh chóng hơn cho các chiến dịch ở khu vực đồng bằng.
Mặc dù năng lực tổng thể của Việt Minh sẽ suy giảm do những tổn thất của lực lượng tiến công chính, lực lượng Việt Minh ở những nơi khác ở Đông Dương vẫn có khả năng duy trì và trong một số trường hợp còn gia tăng áp lực quân sự lên lực lượng Liên hiệp Pháp trong mùa mưa. Ở đồng bằng sông Hồng, Việt Minh có thể đẩy mạnh nỗ lực cắt đứt đường dây liên lạc trên bộ giữa Hà Nội và Hải Phòng, phục kích các biệt đội của Pháp, tấn công làng mạc, căn cứ không quân và các cơ sở khác, và bao vây các cứ điểm bị cô lập của Pháp ở đồng bằng. Tuy nhiên, quy mô hoạt động của Việt Minh ở đồng bằng sẽ bị hạn chế bởi mưa lớn sẽ gây ra nhiều bất lợi đối với khả năng cơ động. Việt Minh có thể sử dụng lực lượng tập trung ở khu vực Pleiku ở phía Nam Trung Bộ để tiến hành các cuộc tấn công quy mô tương đối lớn chống lại các lực lượng Pháp trong chiến dịch “Atlante”. Họ cũng có thể sử dụng các đơn vị của lực lượng này để tổ chức đột kích ở khu vực sông Mê Kông hoặc để củng cố các tiểu đoàn Việt Minh hiện đóng tại Campuchia. Các hoạt động chiến đấu ở Nam Trung Bộ, lưu vực sông Mê Kông và Campuchia sẽ bị hạn chế do khó khăn trong việc tiếp tế đạn dược và các thiết bị quân sự khác cho các đơn vị này. Việt Minh có thể cùng lúc tổ chức các cuộc biểu tình và thực hiện các hoạt động phá hoại và khủng bố tại các thành phố lớn của Đông Dương. Năng lực của Việt Minh trong vấn đề này là rất đáng kể.
Nếu không có nhiều lính Việt đào ngũ, các lực lượng của Liên hiệp Pháp sẽ có khả năng duy trì các cứ điểm lớn hiện tại của họ ở đồng bằng và các nơi khác, duy trì sự kiểm soát của mình đối với các thành phố lớn, ngăn chặn việc bị cắt đứt vĩnh viễn đường dây liên lạc trên bộ giữa Hà Nội và Hải Phòng, đẩy lùi các cuộc tấn công của Việt Minh ở Nam Trung Bộ và khu vực sông Mê Kông, và duy trì sự hiện diện ở khu vực giải phóng trong chiến dịch “Atlante”. Nếu Việt Minh tiến hành một chiến dịch quân sự lớn chống lại Campuchia, việc bảo vệ Campuchia đòi hỏi phải điều động lực lượng quân đội từ các khu vực khác. Các lực lượng Liên hiệp Pháp sẽ vẫn duy trì được khả năng thực hiện các chiến dịch tiến công hạn chế trước mùa mưa ở khu vực đồng bằng sông Hồng hoặc khu vực duyên hải miền Trung.
Hậu quả về mặt chính trị ở Đông Dương do sự sụp đổ của Điện Biên Phủ sẽ nguy hại hơn nhiều so với hậu quả quân sự thuần túy, mặc dù cả hai có liên quan đến nhau. Thất bại tại Điện Biên Phủ sẽ đẩy nhanh quá trình suy giảm vị thế tổng thể của Liên hiệp Pháp tại Đông Dương, đặc biệt là ở Việt Nam. Hậu quả chính về mặt chính trị sẽ là: (a) một đòn giáng mạnh vào uy tín của người Pháp đối với người dân Đông Dương, khiến họ thêm tin rằng người Pháp không thể bảo vệ họ khỏi Việt Minh; (b) sự suy giảm nghiêm trọng về ý chí tiếp tục cuộc chiến của Pháp và Đông Dương, và đặc biệt là làm tụt giảm thêm sự ủng hộ đối với các chương trình quân sự của người Việt tại Việt Nam; (c) làm trầm trọng thêm quan hệ Pháp – Đông Dương, một phần do mối nghi ngờ gia tăng của người dân Đông Dương rằng người Pháp sẽ bán đứng họ cho Việt Minh; (d) sự gia tăng mạnh quan điểm trung dung trong các nhóm chính trị trước đây vốn sẵn sàng ủng hộ Chính phủ Việt Nam[1]; và (e) mức độ hỗ trợ bí mật cho Việt Minh sẽ tăng mạnh, đặc biệt là ở người Việt. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng sự sụp đổ tổng thể của chính quyền Pháp và chính quyền bản địa trong hai hoặc ba tháng tới sẽ không xảy ra do còn có sự hiện diện của các lực lượng Liên hiệp Pháp có tổ chức và một hy vọng rằng Hoa Kỳ có thể sẽ can thiệp vào Đông Dương.
Tác động về mặt chính trị ở Lào có thể sẽ tương đương với ở Việt Nam. Tuy nhiên, người Lào có thể có xu hướng ủng hộ người Pháp và tiếp tục nỗ lực chiến đấu hơn là người Việt.
Tác động về mặt chính trị tại Campuchia sẽ đặc biệt khó đoán định. An ninh nội bộ của Campuchia và một mức độ ổn định tối thiểu có thể được duy trì, nhưng Campuchia sẽ dễ bị tổn thương hơn trước áp lực từ Việt Minh trong tương lai.
Việt Minh sẽ tận dụng tối đa ảnh hưởng về chính trị từ chiến thắng tại Điện Biên Phủ. Họ sẽ chú trọng vào việc khiến cho chính phủ Liên hiệp Đông Dương trở nên tuyệt vọng hơn nữa, và sẽ tìm cách thuyết phục người dân Đông Dương rằng chiến thắng tại Điện Biên Phủ báo hiệu sự giải thoát cho họ khỏi xiềng xích thuộc địa. Họ sẽ gia tăng nỗ lực hiện nay nhằm tăng cường vị thế của cái gọi là “Các chính phủ nhân dân” Lào và Campuchia.
Chúng tôi tin rằng dù thất bại ở Điện Biên Phủ không ngay lập tức dẫn đến sự sụp đổ của Liên hiệp Pháp tại Đông Dương, nó sẽ thúc đẩy sự mục ruỗng hiển nhiên của bộ máy chính trị và quân sự của Liên hiệp Pháp. Nếu xu hướng này không bị ngăn chặn, nó sẽ dẫn tới sự sụp đổ của Liên hiệp Pháp trong nửa cuối của năm 1954. Cần phải nhấn mạnh rằng đánh giá này không xem xét tác động của những quyết định lớn tại Pháp hoặc Geneva hay ở nơi nào khác có khả năng đem lại ảnh hưởng quyết định tới tình hình tại Đông Dương.
Dương Bùi dịch (nguồn: National Intelligence Estimate, Consequences within Indochina of the Fall of Dien Bien Phu, NIE 63-54, 30/4/1954)
[1] Tức là chính phủ Bảo Đại – chú giải của Ban biên tập.