Lính Nhật đào ngũ và cách mạng Việt Nam

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc ta, người Nhật thường chỉ được nhắc đến trong các sự kiện dẫn tới cuộc nổ súng lật đổ Pháp vào tháng 3/1945 hay việc thành lập chính quyền bù nhìn do Bảo Đại đứng đầu. Tuy nhiên, không ít người Nhật đã có những đóng góp ý nghĩa về mặt quân sự và kinh tế cho cuộc cách mạng của Việt Nam, đặc biệt là trong những năm đầu chống Pháp. Tạp chí Phương Đông trích dịch nghiên cứu mang tên “Những đồng minh châu Á muộn màng: Những đóng góp về kỹ thuật và quân sự của lính Nhật đào ngũ (1945-1950)” của sử gia Christopher E. Goscha để cung cấp thêm thông tin cho độc giả về sự hiện diện và những đóng góp của nhóm người Nhật đã tham gia chống Pháp cùng quân dân Việt Nam, hay còn được gọi là những người “Việt Nam mới”.

Người Nhật thường ít được nhắc tới trong cuộc “Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất” (1945 – 1954), nếu có cũng chỉ tập trung vào các sự kiện dẫn tới cuộc nổ súng lật đổ Pháp vào tháng 3/1945 và việc thành lập chính quyền bù nhìn do Bảo Đại đứng đầu. Tuy nhiên, sự hiện diện và những đóng góp của người Nhật trong cuộc kháng chiến chống Pháp là một sự thật lịch sử cần được nghiên cứu đầy đủ hơn.

Ngày 09/3/1945, Nhật đảo chính lật đổ Pháp trên toàn Đông Dương, chấm dứt thời kỳ Pháp thuộc. Tuy nhiên, sự hiện diện của người Nhật ở Việt Nam không hề biến mất hoàn toàn sau khi Tokyo đầu hàng quân Đồng Minh vào tháng 8/1945. Hàng nghìn lính Nhật đã đào ngũ trên khắp các lãnh thổ Nhật từng chiếm đóng trong Chiến tranh Thế giới thứ II – ở Miến Điện, Indonesia, Thái Lan và các nước Đông Dương. Ước tính riêng ở Đông Dương có tới 5.000 người Nhật đào ngũ; vài trăm người trong số họ đã gia nhập hàng ngũ Việt Minh và có những đóng góp quan trọng trong công tác đào tạo sĩ quan hay các đơn vị chiến đấu tinh nhuệ, cũng như trong lĩnh vực tiền tệ, dược phẩm và khai thác mỏ, đặc biệt là trong những năm đầu nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới được thành lập.

Số lượng lính Nhật đào ngũ ở phía Bắc và phía Nam vĩ tuyến 16

Theo các nguồn thông tin của Nhật và Mỹ, vào giai đoạn tháng 9-10/1945 có khoảng 48 nghìn binh lính và 2 nghìn thường dân Nhật ở phía bắc vĩ tuyến 16 của Việt Nam. Khoảng 30 nghìn người đã được hồi hương qua cảng Hải Phòng vào tháng 4/1946, 1.500 thường dân cũng được sơ tán không lâu sau đó; và 3.000 người Nhật khác thì trốn sang đảo Hải Nam ở Biển Đông. Lính Nhật đóng ở miền Bắc dễ dàng đào ngũ hơn ở miền Nam vì ở đây người Trung Quốc kiểm soát kém chặt chẽ hơn và bản thân họ cũng muốn tuyển mộ lính Nhật cho đội quân của chính mình. Theo một báo cáo của Pháp dựa trên các tài liệu lấy được của Việt Minh và các tuyên bố về lính Nhật đào ngũ quay trở về thì đến tháng 12/1946 chỉ còn chưa đầy 4.000 lính Nhật đào ngũ ở phía bắc vĩ tuyến 16 của Việt Nam. Có vẻ hợp lý khi ước tính có tối đa 1.000 đến 2.000 người Nhật phục vụ cho quân đội và nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong giai đoạn 1945 – 1950. Tuy nhiên, con số này sụt giảm nhanh chóng trong vòng 5 năm đó do họ quay trở về đơn vị cũ, biến mất, hoặc chết do chiến đấu, bệnh tật hay hiếm hơn là tự tử.

Nhật đảo chính Pháp, chiếm Hà Nội tháng 3/1945

Còn ở phía nam vĩ tuyến 16 của Đông Dương, 20 nghìn (trên tổng số khoảng 68 nghìn) người Nhật đã được hồi hương từ thị trấn Cap St. Jacques (Vũng Tàu) vào tháng 4/1946, và phần lớn số còn lại cũng được đưa về nước trong những tháng sau đó. Hầu hết các trường hợp lính Nhật đào ngũ ở miền Nam xảy ra ngay từ khi Nhật đầu hàng phe Đồng Minh. Một nghiên cứu của Pháp vào cuối năm 1946 ước tính có gần 600 đến 1.000 lính Nhật đào ngũ ở rải rác các tỉnh Tây Ninh, Thủ Dầu Một, Mỹ Tho, Sài Gòn – Chợ Lớn, Biên Hòa và Rạch Giá. Cũng giống như ở miền Bắc, không phải tất cả lính Nhật đào ngũ đều quay sang hợp tác với Việt Minh, và có những người bị buộc phải đi theo Việt Minh. Từ năm 1948 chỉ còn khoảng 300 người Nhật hoạt động cho Việt Minh ở miền Nam.

Tại sao lính Nhật đào ngũ

Không phải tất cả lính Nhật đào ngũ đều tham gia Việt Minh vì quan điểm “ủng hộ người châu Á” hay “chống phương Tây”. Đây cũng là một phần lý do, nhưng thường thì họ bỏ trốn đơn giản vì lo sợ bị quân Đồng Minh bắt giữ, bị kết án là tội phạm chiến tranh và bị xử tử. Điều này đặc biệt đúng ở miền Nam, nơi quân đội Anh nhanh chóng tiếp quản rồi tới binh lính của tướng Pháp Leclerc quay trở lại tái chiếm đóng. Khi đọc biên bản thẩm vấn nhiều lính đào ngũ quay trở về, chúng ta sẽ có cảm tưởng rằng sau thất bại bất ngờ của nước Nhật vào tháng 8/1945, hàng trăm binh lính và sĩ quan Nhật đột nhiên thấy mình đang ở giữa một cuộc nổi dậy của những người yêu nước và cuộc chiến tranh chống thực dân; mà họ chẳng thực sự hiểu cả hai. Suy sụp trước sự tan rã của chính mình, rất nhiều người tìm tới Việt Minh – một phần vì lý tưởng hay tình thân châu Á, và phần nhiều hơn là vì thế giới của họ đã sụp đổ. Đột nhiên họ cảm thấy mình bị lạc lối, mất phương hướng, trở thành những ronin – là những samurai không còn chủ tướng – ở Đông Dương nói riêng và châu Á nói chung.

Xét cho cùng thì nguyên nhân cho đa số các cuộc đào ngũ này đều rất nhân văn. Nhiều binh lính và thường dân Nhật thích ở lại Đông Dương hơn vì các khả năng kinh tế tốt hơn đáng kể so với ở nước Nhật đã bị chiến tranh tàn phá cả về mặt kinh tế và quân sự. Một số người đã bán vũ khí và thay tên đổi họ để mở các cửa hàng nhỏ, kinh doanh vận tải hay xuất nhập khẩu. Một số thậm chí còn quay trở lại nghề nông như trước khi tham gia chiến tranh. Rất nhiều người trong số các binh lính đào ngũ này đã kết hôn với phụ nữ Việt Nam. Trong số các sĩ quan của Kempeitai (cảnh sát mật) và cơ quan tình báo quân sự Nhật, nhiều người nói tiếng Việt và tiếng Hoa thành thạo, và có những hiểu biết sâu rộng về văn hóa, kinh tế của Việt Nam. Họ đã tận dụng những lợi thế này để kiếm sống.

Do ban đầu thời hạn hồi hương của người Nhật ở Đông Nam Á được hoạch định sẽ diễn ra trong vòng 5 năm, nhiều người Nhật quyết định thử vận may ở Đông Dương thay vì chờ tàu quay về Nhật trong trại tị nạn. Những người khác thực sự bần cùng thì bị hấp dẫn bởi lời mời và những điều kiện đối xử tử tế hơn trong quân đội của Việt Minh. Cũng có cả những lựa chọn mang tính tập thể, một tình huống tâm lý như trường hợp binh lính đi theo sĩ quan do tình cảm và sự trung thành.

Tuy nhiên, không phải tất cả lính Nhật đào ngũ đều đi theo Việt Minh. Ở miền Nam, do quân đội và tình báo Nhật đã nhiều năm cộng tác với các nhóm tôn giáo, đặc biệt là Cao Đài và Hòa Hảo, nên một số lính đào ngũ đã tham gia các nhóm này, như đại úy Kanetoshi thuộc Sư đoàn 55. Một số khác thì gia nhập Lực lượng Bình Xuyên, một băng nhóm du côn do Bảy Viễn cầm đầu. Ở miền Bắc, cũng như ở Trung Quốc, vài chục người Nhật quyết định gia nhập Việt Nam Quốc dân Đảng và đảng Đại Việt.

Số lượng lính đào ngũ để đi theo Việt Minh đặc biệt tăng cao vào đầu năm 1946, sau khi Nhật hoàng Hirohito thông báo trên đài phát thanh rằng ông không thừa nhận huyền thoại Thiên hoàng là thần thánh. Tuyên bố này càng khoét sâu thêm nỗi buồn chán trong tâm trí các sĩ quan vốn được truyền thụ sự sùng bái với Nhật hoàng. Một số sĩ quan Nhật rời khỏi hàng ngũ để tiếp tục cuộc chiến đấu chống lại “người da trắng” và ủng hộ “người châu Á”. Họ thực sự tin rằng mình đang thực hiện một sứ mệnh vì châu Á khi giúp đỡ người Việt Nam.

Một số người lại cảm thấy quá hổ thẹn trước thất bại và không muốn quay trở về tổ quốc hay gặp lại gia đình nữa, như trường hợp đại úy Kanetoshi. Sau này Kanetoshi nói với những người thẩm vấn mình rằng ông ta đào ngũ vì “bị dằn vặt bởi thất bại của Nhật Bản”, một điều mà ông ta “không thể nào nghĩ tới”. Không chỉ “hổ thẹn”, ông ta còn không thể chấp nhận được ý định quay trở về Nhật trong khi rất nhiều đồng đội của mình đã ngã xuống thì không bao giờ trở về được nữa. Đối với Kanetoshi, hỗ trợ phong trào giành độc lập của Việt Nam là một cách để tiếp tục cuộc chiến tranh, tiếp tục cách sống duy nhất mà ông ta biết. Còn đại tá Ishii Takuo, khi một phái viên được cử tới để triệu hồi lính Nhật đào ngũ trong các khu rừng Nam bộ hỏi rằng tại sao ông không muốn quay về tổ quốc, ông đã trả lời ngắn gọn rằng “Người ta không thể lấy lại hạt giống đã được gieo xuống đất”.

Một sĩ quan Việt Minh gốc Nhật (đeo kính) chiến đấu tại “Việt Nam học xá”, mùa đông năm 1946

Những đóng góp của người Nhật cho Việt Minh giai đoạn 1945 – 1950

Về quân sự, sau khi giành được độc lập năm 1945, một ưu tiên hàng đầu đặt ra cho nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ là công tác đào tạo sĩ quan và cán bộ quân đội. Một số sĩ quan Nhật đào ngũ đã đóng vai trò quan trọng tại các trường quân sự, điển hình là Trường Lục quân Trung học Quảng Ngãi từ năm 1946 – 1949. Trường sĩ quan này có ít nhất 6 giáo viên quân sự là sĩ quan Nhật. Họ được gọi bằng tên Việt Nam: Đông Hưng, Tâm, Ngọc, Thống, Quang và Tong. Một tài liệu khác có nhắc tới Nguyễn Văn Thống (Ishii Takuo), Phan Lai (Igari Kazumasa), Nguyễn Thinh Tâm (Saitoh), Minh Ngọc (Nakahara Mitsunobu), Long (Konishi?), và Hai (Nabeyasi). Tất cả đều là giảng viên quân sự. Trong số 46 sĩ quan Nhật trong hàng ngũ Việt Minh ở Nam Trung Bộ năm 1948, gần 80% là giảng viên quân sự.

Theo lời kể của Nakahara Mitsunobu (Minh Ngọc) đã được công bố ở Việt Nam, chính tướng Nguyễn Sơn đã thuyết phục ông và một sĩ quan khác tên là “Ikawa” cống hiến cho sự nghiệp của người Việt Nam bằng cách giảng dạy quân sự ở trường Lục quân Quảng Ngãi. Nhân vật “Ikawa” này gần như chắc chắn là thiếu tá Nhật Shoichi Igawa, người sau này đã trở thành một cố vấn thân cận của tướng Nguyễn Sơn. Đầu năm 1946, hai sĩ quan này tới Tuy Hòa để giúp Việt Minh chiến đấu với Quân đoàn Viễn chinh Pháp. Nakahara cũng làm cố vấn cho tướng Sơn trước khi ra Bắc làm cố vấn đặc biệt cho Bộ Tổng Tham mưu của quân đội Việt Nam để chuẩn bị cho cuộc chiến tranh tổng lực chống Pháp. Ông cũng tham gia trận chiến ở Nam Định khi chiến tranh nổ ra trên khắp Việt Nam vào tháng 12/1946, và có gặp lại tướng Nguyễn Sơn vào năm 1948 ở Liên khu IV khi vẫn đang huấn luyện cho các cán bộ quân sự Việt Nam.

Vậy các sĩ quan này đã dạy những gì cho bộ đội Việt Nam? Một trong những cuốn sổ tay tìm thấy trên người một giảng viên Nhật ở Trường lục quân Quảng Ngãi, Trung sĩ Oshikiri, là bài học chuyên sâu về “Tokkohan” (“Các lực lượng tấn công đặc biệt”). Oshikiri dạy các học viên Việt Nam trẻ tuổi cách phá hoại địch, cách tổ chức các cuộc tấn công cướp phá, lên kế hoạch phục kích hiệu quả, tóm lại là cách chiến đấu với một kẻ thù vượt trội về mặt quân sự. Họ tổ chức và chỉ đạo các cuộc tập luyện ở cấp đại đội và tiểu đoàn, đồng thời huấn luyện về tấn công và chiến đấu vào ban đêm. Họ giảng dạy về chỉ huy, chiến thuật, điều hướng, liên lạc và chuyển quân trong chiến đấu… Họ cũng giúp phát triển hệ thống liên lạc qua radio và thu thập thông tin tình báo quân sự.

Không chỉ giảng dạy, một số sĩ quan cấp cao của Nhật còn có mặt trong hàng ngũ chỉ huy của Việt Minh, như thiếu tá Ishii Takuo, một trong những sĩ quan trẻ nhất trong quân đội Nhật lúc đó. Ishii rời bỏ đơn vị của mình ở Campuchia vào tháng 12/1945 và đi theo Việt Minh ở miền Nam Việt Nam, sau đó được phong hàm đại tá trong quân đội Việt Nam. Tháng 6/1946, Ishii đã triệu tập các chỉ huy trung đoàn từ Huế cho tới Phan Thiết tham gia một khóa đào tạo quân sự chuyên sâu. Tháng 7, ông tạm thời phụ trách Trường Lục quân Quảng Ngãi. Theo các nguồn tin tình báo của Pháp và Nhật, trong tháng đó Ishii đã đi Pleiku để giúp chỉ huy các chiến dịch chiến đấu. Tháng 8, tướng Nguyễn Sơn cử ông đi Tuy Hòa để thành lập một trường quân sự khác. Năm 1947, Ishii đã đào tạo quân sự cấp cao cho 130 cán bộ Việt Minh và vào tháng 6/1948, ông giảng dạy cho cán bộ của các khu 7, 8, 9.

Ở miền Bắc cũng có những trường hợp tương tự; Mawayoshi Hiro đi theo Việt Minh và dẫn đầu đoàn quân Việt Nam chiến đấu với lính dù Pháp ở Bắc Cạn năm 1947. Toshio Komaya (Nguyễn Quang Thục) là cố vấn của Trung đoàn 59 từ năm 1947 đến 1949, rồi được chuyển sang Ban Tham mưu của liên khu Việt Bắc mới thành lập. Các cán bộ Việt Nam từng làm việc với Toshio đặc biệt cảm ơn ông vì đã đào tạo nhiều sĩ quan và cán bộ cho Việt Nam, giúp phát triển hoạt động tình báo ở Việt Bắc và hoạch định các trận đánh lớn ở phía bắc. Hay Koshiro Iwai, tên Việt Nam là Sáu Nhật, được phong làm Phó Chỉ huy tiểu đoàn vào năm 1949, là cố vấn và tình báo trong Trung đoàn 174 chống Pháp, thậm chí còn được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam vào năm 1952 vì những đóng góp và sự trung thành của mình.

Sự “chuyển giao kỹ thuật và khoa học quân sự” này của người Nhật cho người Việt Nam trở nên dễ dàng hơn nhiều do một số sĩ quan Nhật rất giỏi tiếng Việt. 4 trong số 7 sĩ quan ở Trường Lục quân Quảng Ngãi năm 1946 từng làm việc cho Kempeitai ở Huế và Phan Thiết. Gần một nửa trong số 46 người Nhật đào ngũ do người Pháp xác định được ở Nam Trung bộ năm 1948 có thể nói tiếng Việt tốt. 9 người lấy vợ Việt Nam.

Về kỹ thuật và kinh tế, mặc dù không có nhiều nguồn thông tin, nhưng sự hiện diện của các kỹ sư và cố vấn chính sách tiền tệ người Nhật trong hàng ngũ Việt Minh ở miền Bắc vào đầu thập niên 1950 được khẳng định qua cuốn nhật ký đã được xuất bản của ông Lê Văn Hiến, Bộ trưởng Tài chính của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Họ tư vấn cho ông về việc lên kế hoạch, tổ chức và quản lý nền kinh tế cùng các nguồn lực ở miền Bắc. Ông Hiến có nhắc tới 5 người Nhật đào ngũ bằng tên tiếng Việt: Thuan, Thanh, Lam, Hien và Duong. Một số kỹ sư trong số này từng làm việc tại các khu mỏ ở miền Bắc trong giai đoạn Nhật chiếm đóng. Sự am hiểu và quen thuộc của họ đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên ở miền Bắc khiến họ trở nên rất “quý giá” đối với Việt Minh. “Thuan” là một ví dụ điển hình. Trong cuốn “Nhật ký của một Bộ trưởng”, ông Lê Văn Hiến viết rằng kỹ sư “Thuan” là cố vấn kinh tế của ông trong quá trình “nghiên cứu kế hoạch và xây dựng” nền kinh tế miền Bắc và một nhà máy sản xuất vũ khí đúc chì; và được ông coi như một trong những cố vấn giỏi nhất. Hay một chuyên gia mỏ khác tên là Lam Dong Luong: “Trong giai đoạn Nhật chiếm đóng, Lương từng khai thác nhiều khu vực. Anh ta biết rất nhiều về các mỏ uranium. Theo Lương, sau khi cử một phái đoàn đến khảo sát, người Nhật đã bắt đầu khai thác [các mỏ uranium ở miền Bắc] và anh ta nghĩ rằng họ sẽ sản xuất bom nguyên tử nhờ có nguồn tài nguyên quan trọng này của Việt Nam”.

Một số chuyên gia tài chính người Nhật cũng làm cố vấn cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về chính sách ngân hàng và tiền tệ, một trong những vấn đề cấp bách nhất của Việt Minh xuyên suốt cuộc kháng chiến chống Pháp. Bộ trưởng Lê Văn Hiến viết rằng, một người Nhật tên Việt Nam là Hoàng Đình Tùng là một trong những cố vấn tiền tệ quan trọng nhất của ông. Ông này từng là Giám đốc của Chi nhánh Ngân hàng Yokohama tại Hà Nội; sau khi Nhật bại trận đã đi theo Việt Minh và có ảnh hưởng lớn tới chính sách ngân hàng giai đoạn đầu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Một lĩnh vực nữa mà những người Nhật đào ngũ cũng có đóng góp quan trọng là lĩnh vực y tế. Bác sĩ Phương (Tamiya Takazawa) được Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa giao phó thành lập một phòng bào chế thuốc và trở thành Giám đốc cơ sở này vào tháng 12/1949. Các tài liệu của Pháp còn nhắc tới 11 y tá và 2 bác sĩ trong số 81 người Nhật đào ngũ làm việc cho Việt Minh ở miền Bắc Việt Nam khoảng năm 1951.

Những người “Việt Nam mới” cùng gia đình hồi hương về Nhật năm 1960 – Ảnh tư liệu

Kết luận

Nghiên cứu này chưa thể xác định chính xác số lượng người Nhật đào ngũ còn ở lại trong hàng ngũ của Việt Minh vào khoảng năm 1950, nhưng có lẽ không thể quá vài trăm người Nhật còn ở lại miền Bắc và ít hơn thế ở miền Nam, và trong số đó chỉ có vài chục người thực sự có đóng góp cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào đầu thập niên 50, như Toshio Komaya và Koshiro Iwai. Sau Hiệp định Geneva năm 1954, 71 người Nhật đã rời Việt Minh để quay về Nhật, một số khác cũng dần hồi hương trong các năm sau đó. Một số thì ở lại Việt Nam cho tới tận thập niên 70 của thế kỉ trước, như trường hợp ông Shinsuke Yamamoto đã trở thành một nông dân ở Rạch Giá… Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng người Nhật đã có những đóng góp quan trọng tại các trường đào tạo sĩ quan, về khoa học quân sự cơ bản, đội hình chiến đấu và hoạt động chỉ huy, cũng như trong công tác cố vấn kinh tế và khai thác mỏ. Những đóng góp này đặc biệt có ý nghĩa trong hai, ba năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, khi nhu cầu quân sự của cách mạng Việt Nam là rất lớn, nhưng tiềm lực quân sự còn non yếu.■

Minh Thư lược dịch

(Theo Tạp chí Phương Đông)

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN