Hồ Chủ tịch: Người khai mở dân trí cho dân tộc Việt Nam

Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại quảng trường Ba Đình, Hà Nội, thì ngày 3/9/1945, nghĩa là chỉ một ngày sau, trong buổi họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ mới, Người nêu chủ trương mở chiến dịch “Diệt giặc dốt”, chống nạn mù chữ, coi đó là nhiệm vụ cấp bách thứ hai trong 6 nhiệm vụ cấp bách của chính quyền.

Vì sao trong tình thế nước sôi lửa bòng ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại phát động “Diệt giặc dốt” song song với hai loại giặc cấp thiết khác là diệt giặc đói và giặc ngoại xâm?

1. Lịch sử ghi lại, ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ vừa ra đời 2/9/1945, đã phải đối diện với một hoàn cảnh lịch sử vô cùng đặc biệt: Đất nước trong bối cảnh thù trong giặc ngoài hết sức hiểm nghèo; người dân Việt Nam đứng trước một nạn đói khủng khiếp làm hàng triệu người chết; dân trí nước ta sau 80 năm dưới ách thống trị của thực dân Pháp khiến 95% dân số mù chữ… Trước tình thế đất nước “ngàn cân treo sợi tóc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định đưa ra chương trình hoạt động của Chính phủ là diệt giặc đói, giặc ngoại xâm và giăc dốt. Đây không chỉ là một chương trình bình thường của một Chính phủ mà nó là một giải pháp cấp bách để bảo vệ chính quyền và cứu dân tộc khỏi vũng bùn thực dân đế quốc.

Vì thế, quyết định diệt giặc dốt cùng với chống ngoại xâm và diệt giặc đói của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một chủ trương sáng suốt, mang tầm chiến lược, hoàn toàn sát thực với tình hình đất nước lúc vừa giành được độc lập, đã được cả Chính phủ lâm thời nước Việt Nam mới hoàn toàn ủng hộ, được người dân cả nước làm theo.

Chính vì vậy, quyết định ấy đã nhanh chóng được triển khai quyết liệt và cũng rất nhanh chóng biến thành một phong trào thi đua yêu nước lan rộng trong toàn quốc. Quyết liệt và nhanh chóng đến mức, chỉ 5 ngày sau đó, ngày 8/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 17-SL thành lập Nha Bình dân học vụ lo việc học cho nhân dân, Sắc lệnh số 19-SL quy định hạn trong 6 tháng, làng nào, thị trấn nào cũng phải có lớp học, ít nhất là 30 người theo học. Đặc biệt Sắc lệnh số 20/SL của Bác ban bố việc học chữ Quốc ngữ là “bắt buộc và không mất tiền”, hạn một năm tất cả mọi người Việt Nam từ 8 tuổi trở lên phải biết đọc, biết viết chữ Quốc ngữ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự khai mạc lớp huấn luyện cán bộ bình dân học vụ (khóa Hồ Chí Minh) tại Hà Nội ngày 8/10/1945. Ảnh: Sách Bác Hồ với giáo dục.

Như vậy có thể nói, với tinh thần chỉ đạo khẩn trương, riết róng vừa khoa học vừa thực tiễn, dường như các thiết chế pháp lý, bộ máy quản lý chuyên biệt việc học chữ quốc ngữ “diệt giặc dốt” đã hoàn thành một cách kịp thời trong thời gian ngắn nhất. Không chỉ là quyết tâm ở chủ trương mà ngay cả biện pháp cũng hết sức khoa học và thực tế đã thể hiện sáng rõ nhất tầm nhìn xa trông rộng và tấm lòng của lãnh tụ Hồ Chí Minh đối với đồng bào của mình.

Vậy là nhờ chủ trương riết róng ấy, phong trào học chữ Quốc ngữ “diệt giặc dốt” đã nở rộ, lan rộng khắp nơi, tạo nên không khí thi đua sôi nổi, thể hiện tình cảm yêu nước, lòng yêu kính của người dân làm theo lời dạy của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Khắp nơi để học chữ, người dân mang theo đèn dầu hoặc đốt đuốc đi học ban đêm, học viên là những em bé, cụ già râu tóc bạc phơ hay người phụ nữ vừa đánh vần vừa ngại ngùng cho con bú. Người dân đứng ngay tại bến đò, bến sông để học chữ, trẻ em đi chăn trâu, bò cũng dùng roi, que viết chữ dưới đất, bảng chữ cái được đặt dưới gốc cây gần ruộng làng để mọi người ra đồng có thể đọc vần, trước cổng chợ cũng treo mấy con chữ làm đề thi sát hạch, ai không đọc được thì phải quay về hoặc chui rạp mình qua cây tre, thậm chí thanh niên còn phải lội vòng qua ruộng mà vào chợ…

Chỉ trong ba năm, từ tháng 9/1945 đến tháng 9/1948 đã có gần 8 triệu người thoát nạn mù chữ. Chiến dịch xóa nạn mù chữ cơ bản hoàn thành. Đi đôi với diệt “giặc dốt”, việc bổ túc văn hóa để củng cố đọc thông, viết thạo cho những người đã thoát nạn mù chữ được tổ chức và đẩy mạnh, trình độ văn hóa của cán bộ và nhân dân lao động cũng được nâng lên. Có thể nói, phong trào Bình dân học vụ với những lớp học đặc biệt có một không hai của dân tộc trong hoàn cảnh vừa cứu quốc vừa kiến quốc đã tạo nên kỳ tích của nền giáo dục non trẻ nước ta lúc bấy giờ.

2. Những thành quả “có một không hai” của phong trào “Diệt giặc dốt” do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động năm 1945, gợi lên cho chúng ta những suy ngẫm về những chỉ đạo thiên tài và tấm lòng thương dân sâu sắc của lãnh tụ Hồ Chí Minh.

Một là, trong quyết định đưa chủ trương “diệt giặc dốt” trong thời điểm nước nhà vừa giành được độc lập, trước hết thể hiện tấm lòng yêu thương sâu sắc của Bác đối với đồng bào mình. Điều này thể hiện ngay những ngày sinh ra và lớn lên, Thầy giáo Nguyễn Tất Thành phải sống trong vòng nô lệ thực dân Pháp, đã thôi thúc Bác khát khao đi tìm đường cứu nước. Nước mất, dân tình đói khổ, rách rưới, lầm than. Nguyễn Tất Thành bước lên tàu Đô đốc Latouche Tréville bôn ba khắp 5 châu, bốn bể là để tìm đường cứu nước, học cách khôi phục địa vị cho dân tộc Việt Nam. Rồi từ những ngày vất vả cơ hàn cho đến khi trở thành lãnh tụ, Người vẫn luôn hướng về dân tộc với sự cống hiến không mệt mỏi vì dân, yêu thương dân hết mực. Ước vọng của Người được thể hiện giản dị nhất khi trả lời phỏng vấn một nhà báo nước ngoài năm 1946: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.

“Ai cũng được học hành” được thể hiện trong quyết tâm của Bác nhằm xóa nạn mù chữ cho dân mình năm 1945 và trong suốt cuộc đời cách mạng của Người. Tâm nguyện thương dân ấy còn được thể hiện một cách quyết liệt và dũng cảm ngay từ khi Bác mới chỉ là một thanh niên yêu nước hoạt động ở chính nước Pháp – kẻ cai trị dân ta. Đó là ngày 18/6/1919, sau khi chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc, các nước tham chiến đã họp Hội nghị hòa bình tại Versailles (Pháp) để phân chia lại thị trường thế giới theo hướng có lợi cho các nước đế quốc thắng trận, chủ yếu là Mỹ, Anh, Pháp; đồng thời xác định mức bồi thường chiến phí đối với các nước thua trận. Lúc này Người mới 29 tuổi, nhưng thay mặt những người yêu nước Việt Nam tại Pháp, Nguyễn Tất Thành ký tên là Nguyễn Ái Quốc gửi đến Văn phòng Hội nghị và các đoàn đại biểu tham dự bản “Yêu sách của nhân dân An Nam” gồm 8 điểm, yêu cầu Chính phủ Pháp trao trả một số quyền tự do, dân chủ cơ bản, tối thiểu cho nhân dân Việt Nam và xứ Đông Dương. Người còn viết lại bản Yêu sách bằng hai thứ tiếng, một bản bằng chữ Quốc ngữ theo thể văn vần với nhan đề: “Việt Nam yêu cầu ca”, một bản chữ Hán với nhan đề “An Nam nhân dân thỉnh nguyện thư” dành cho những người không biết tiếng Pháp và chữ quốc ngữ, bí mật gửi về cho đồng bào mình ở Việt Nam. Điều còn đáng nhớ là trong 8 yêu sách này, Nguyễn Ái Quốc kiến nghị điều thứ 6 đòi “Tự do học tập và mở các trường kỹ thuật và chuyên nghiệp cho người bản xứ ở khắp các tỉnh”. Đó chính là tâm nguyện của Bác ngay từ thời hoạt động ở Pháp thể hiện một ý chí lớn vì dân tộc, vì đồng bào lầm than mù chữ ở quê nhà…

Ngay từ khi mới trở về nước vào năm 1941, sống cùng với người dân thuộc các dân tộc thiểu số miền núi nghèo khổ, biết dân không biết chữ, năm 1942 khi Người hoạt động ở Cao Bằng, đã bỏ công tự sáng tác bài diễn ca Lịch sử nước ta theo thể thơ lục bát, gồm 210 câu. Bộ Tuyên truyền của Việt Minh xuất bản và phát xuống cơ sở vào tháng 2/1942. Tác phẩm viết bằng thể thơ lục bát, dễ đọc, dễ nhớ, nội dung xuyên suốt lịch sử dân tộc từ “Hồng Bàng là tổ tiên” cho đến năm 1942 – năm bài thơ ra đời. Trong thời kỳ tiền khởi nghĩa, bài diễn ca có tác dụng rất lớn trong việc tuyên truyền, giáo dục nhân dân, góp phần cổ vũ nhân dân đoàn kết, hăng hái tham gia cách mạng và tăng lòng tin vững chắc vào thắng lợi của cách mạng… Cũng với tầm lòng như thế, khi dạy cách viết báo cho cán bộ để tuyên truyền, Bác dặn phải viết sao cho phù hợp với trình độ dân trí của bà con, phải để dân hiểu được mà ủng hộ cách mạng. Thương dân và hiểu dân, muốn đem hiểu biết cho dân nên Bác Hồ đã chọn cách làm ấy, vừa mục đích để giúp dân, vừa là tuyền truyền, tập hợp lực lượng cho cách mạng.

Và ngày 2/9/1945 khi đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tại quảng trường Ba Đình khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trước quốc dân đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lên án chế độ thực dân Pháp “Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học”, “Chúng ràng buộc dư luận, thi hành chính sách ngu dân”. Vì vậy, một ngày sau, ngày 3/9/1945 việc làm đầu tiên của Chính phủ mới,  Bác quyết định mở chiến dịch “Diệt giặc dốt” cho nhân dân là thể hiện đúng tâm nguyện đau đáu của Người.

Để thuyết phục, khích lệ mọi người dân hưởng ứng, ủng hộ phong trào “Diệt giặc dốt”, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói rõ với lời lẽ dễ hiểu, phù hợp với trình độ dân trí lúc bấy giờ: “Dốt thì dại, dại thì hèn; vì không chịu dại, không chịu hèn cho nên thanh toán nạn mù chữ là một trong những việc cấp bách và quan trọng của nhân dân các nước dân chủ mới”. Chúng ta thêm một lần nữa hiểu tấm lòng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã yêu thương dân lớn lao và sâu sắc như thế nào!

Hai là, quyết định “diệt giặc dốt” năm 1945 còn thể hiện tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sức mạnh của nhân dân và vai trò của tri thức, của văn hóa đối với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và tương lai đất nước. Bác nói một cách riết róng, truyền cảm, có sức lay động, thuyết phục lớn ngay buổi họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ ngày 3/9/1945: “Nạn dốt là một trong những phương pháp thâm độc mà bọn thực dân dùng để cai trị chúng ta. Hơn 90% đồng bào bị mù chữ. Thế mà chỉ cần học ba tháng là đọc được, viết được tiếng nước ta. Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Vì vậy, tôi đề nghị mở một chiến dịch chống nạn mù chữ”. Khái quát của Bác “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, nên cần phải học là một chân lý. Điều đó không chỉ thuyết phục hoàn toàn các thành viên Chính phủ mà còn có sức lay động đến tâm can của mỗi người dân yêu nước.

Chúng ta hiểu trong suy nghĩ sâu xa của mình, Bác biết rõ chỉ có học chữ, biết đọc, biết viết thì người dân mới nhìn ra lẽ phải, mới hiểu biết để ủng hộ cách mạng, ủng hộ Chính phủ. Tầm nhìn chiến lược ấy thể hiện trong “Lời kêu gọi chống nạn thất học” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đầu tháng 10/1945:  “Nay chúng ta đã giành được quyền độc lập. Một trong những công việc phải thực hiện cấp tốc trong lúc này là nâng cao dân trí… Mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà, và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ. Những người đã biết chữ hãy dạy cho những người chưa biết chữ, hãy góp sức vào Bình dân học vụ. Những người chưa biết chữ hãy gắng sức mà học cho biết…”. Ngay từ thời đó, nhiều người dân Việt Nam đã truyền nhau câu thơ “Cụ Hồ lo việc học hành/ Chỉ mong non nước rạng danh muôn đời” chứng tỏ nhân dân đã thấu hiểu và làm theo lời dạy và tư tưởng của Người.

Câu nói nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” tại Hội nghị Văn hóa Toàn quốc lần thứ nhất (11/1946) càng chứng minh tầm nhìn chiến lược của Người trong chủ trương “diệt giặc dốt”, xóa nạn mù chữ đang được thực hiện khẩn trương từ hơn một năm trước đó.

Cũng với chủ trương chiến lược xóa nạn mù chữ và nâng cao dân trí, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những chỉ đạo nhất quán giữa “diệt giặc dốt” và phát triển giáo dục phổ thông hướng tới đối tượng là thế hệ trẻ. Trong bức thư gửi học sinh nhân ngày khai giảng năm học đầu tiên năm 1945 của chế độ mới, Người đã riết róng với lời lẽ tha thiết, thúc dục: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”[1].

Có thể nói, chủ trương “diệt giặc dốt” ngày 3/9/1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nằm trong một hệ thống tư tưởng chiến lược về nâng cao dân trí cho người dân và trí tuệ của dân tộc. Tư tưởng ấy xuyên suốt từ xóa nạn mù chữ đến nâng cao dân trí để bảo vệ Tổ quốc và kiến thiết nước nhà về sau.

Với tầm nhìn chiến lược và các giải pháp khoa học, ráo riết trong chủ trương “diệt giặc dốt” đã mang lại kết quả to lớn, đáng mừng là điều có thể dự báo trước. Trong 3 năm đã có 8 triệu người dân đã được xóa mù chữ phải chăng là một kỳ tích. Trong hàng triệu người dân cầm lá phiếu đi bỏ phiếu bầu Quốc hội khóa đầu tiên ngày 6/1/1946 của nước Việt Nam mới hẳn có nhiều công dân vừa được dạy biết đọc, biết viết, vừa thoát khỏi nạn mù chữ! Trong 9 năm kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp giành thắng lợi, hẳn có hàng vạn anh bộ đội cụ Hồ biết sử dụng vũ khí diệt giặc ngoại xâm, biết lái xe, biết sử dụng đại pháo hiện đại là nhờ phong trào “Diệt giặc dốt” và “Bình dân học vụ” mà thành công. Và điều đặc biệt hơn nữa là tất cả những thành quả to  lớn của phong trào “Diệt giặc dốt” và “bình dân học vụ” đã góp phần tích cực nâng cao trình độ dân trí của nước nhà, tạo thành phong trào thi đua yêu nước, đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau giữa những người dân cũng như ý thức trách nhiệm công dân đóng góp chung vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Kết quả đó còn tạo nền tảng, làm cơ sở để Chính phủ tiến hành Cải cách giáo dục lần đầu tiên năm 1950, tạo bước đột phá quan trọng đưa giáo dục Việt Nam chuyển biến sâu sắc và toàn diện sang giai đoạn mới theo ba nguyên tắc: Dân tộc – Khoa học – Đại chúng và phương châm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, phụng sự kháng chiến, đặt nền móng cho giáo dục Việt Nam phát triển mạnh mẽ về sau.

Ba là, Phong trào “Diệt giặc dốt” được tiến hành trong hoàn cảnh ngặt nghèo nhưng đáp ứng đúng lúc tâm nguyện, nhu cầu của người dân, được người dân cả nước hưởng ứng, thực hiện nhiệt thành. Chẳng những chủ trương hợp lòng dân mà còn các biện pháp, giải pháp thực hiện phù hợp với hoàn cảnh lịch sử, không nóng vội, không đốt cháy giai đoạn nhằm tạo nền tảng cho bước đi lâu dài.

Bước đầu tiên sau khi quyết định chủ trương “Diệt giặc dốt” là thành lập ngay Nha Bình dân học vụ để chuyên lo việc dạy chữ, xóa mù chữ cho người dân chưa biết chữ. Việc thành lập rất khẩn trương, chỉ sau 5 ngày (8/9/1945)  chứng tỏ sự sự vào cuộc quyết liệt, sốt sắng, nói là làm của Chính phủ mới. Hành động đó đã nhanh chóng đem lại niềm tin cho người dân vào chủ trương diệt giặc dốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Và vì thế người dân đồng tình ủng hộ kịp thời Chính phủ cũng là điều dễ hiểu.

Và bước đi thứ hai là quy định hạn trong 6 tháng, làng nào, thị trấn nào cũng phải có lớp học, ít nhất là 30 người theo học. Sau đó Chính phủ ban bố Sắc lệnh việc học chữ Quốc ngữ là “bắt buộc và không mất tiền”, đưa thời hạn cụ thê là sau một năm tất cả mọi người Việt Nam từ 8 tuổi trở lên phải biết đọc, biết viết chữ Quốc ngữ. Đó quả là bước đi khoa học, phù hợp với trình độ người dân và hoàn cảnh cụ thể nước nhà vừa giành được độc lập, còn phải đồng thời chống giặc ngoại xâm và chống giặc đói. Đây cũng là bước đi hợp lý, không duy ý chí, không đốt cháy giai đoạn. Chính vì hợp với lòng dân nên phong trào “diệt giặc dốt” nhanh chóng trở thành phong trào thi đua yêu nước sâu rộng trong cả nước. Điều đó nói lên sự vĩ đại của Hồ Chủ tịch- người có quyết sách sáng suốt, Người còn là mẫu người tổ chức thực hiện thực tiễn hiệu quả nhất.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm lớp học buổi tối của công nhân Nhà máy Ô tô 1-5 Hà Nội, năm 1963. Ảnh tư liệu

Bước đi hợp lý, phù hợp thực tiễn này còn thể hiện trong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo kết hợp giữa xóa nạn mù chữ với nâng cao dân trí để phong trào “diệt giặc dốt” phát triển được liên tục. Nghĩa là kết hợp giữa dạy chữ và bổ túc kiến thức mới. Điều này được thể hiện trong thư gừi các chiến sỹ Bình dân học vụ năm 1948, Bác yêu cẩu “Vùng nào còn sót nạn mù chữ, thì các bạn cố gắng thi đua diệt cho hết giặc dốt trong một thời gian mau chóng. Vùng nào đã hết nạn mù chữ, thì các bạn thi đua để tiến lên một bước nữa, bằng cách dạy cho đồng bào: Thường thức vệ sinh, để dân bớt đau ốm; Thường thức khoa học, để bớt mê tín nhảm; Bốn phép tính, để làm ăn có ngăn nắp; Lịch sử và địa dư nước ta (vắn tắt bằng thơ hoặc ca), để nâng cao lòng yêu nước; Đạo đức của công dân, để thành người công dân đúng đắn; Các bạn hãy làm cho được chừng ấy đã, sau chúng ta sẽ tiến lên cao hơn…”. Người xác định mục tiêu cho từng giai đoạn với những yêu cầu kết quả cụ thể “Các bạn hãy làm cho được chừng ấy đã, sau chúng ta sẽ tiến lên cao hơn”, vì thế mà phong trào thi đua “diệt giặc dốt” đi từ thấp đến cao, từ diện hẹp ra diện rộng, ngày càng đạt kết quả thực chất và toàn diện.

Trên nền kết quả ấy, gần một năm sau ngày phát động “diệt giặc dốt”, xóa nạn mù chữ, ngày 10/8/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Sắc lệnh số 146/SL quy định nền giáo dục mới gồm ba bậc học: Bậc học cơ bản gồm 4 năm và bắt đầu từ 1950 sẽ là bậc học cưỡng bách; bậc học trung học và chuyên nghiệp; bậc học đại học. Như vậy có thể hiểu tiếp theo Sắc lệnh 20/1945 quy đinh “sau một năm tất cả mọi người Việt Nam từ 8 tuổi trở lên phải biết đọc, biết viết chữ Quốc ngữ” thì đến Sắc lệnh 146/1946, Bác quyết định đổi mới toàn diện giáo dục Việt Nam theo ba bậc học, trong đó quy định bậc học cơ bản 4 năm là cưỡng bách. Cần khẳng định việc đổi mới đó là xuât phát trên nền cơ bản kết quả xóa nạn mù chữ mà Người phát động sau khi nước nhà giành độc lập.

Điều quan trọng nữa góp phần tạo nên thành công phong trào “Diệt giặc dốt”, đó là phong cách chỉ đạo, cách làm khoa học, dễ thực hiện của Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra. Cán bộ và đông đảo người dân cảm thầy vừa gần gũi vừa kính trọng Bác, vừa làm theo lời dạy của vị lãnh tụ dân tộc mình khi được nghe Người hướng dẫn, dạy bảo cách học chữ để diệt giặc dốt như thế nào? Người nói giản dị mà ai cũng có thể hiểu được, ai cũng có thể học được, làm được: “Những người đã biết chữ hãy dạy cho những người chưa biết chữ… Những người chưa biết chữ hãy gắng sức mà học cho biết đi. Vợ chưa biết thì chồng bảo, em chưa biết thì anh bảo, cha mẹ không biết thì con bảo, người ăn người làm không biết thì chủ nhà bảo, người giàu có thì mở lớp học ở tư gia dạy cho những người không biết chữ, hàng xóm láng giềng…”. Người còn đến thăm nhiều lớp dạy chữ buổi tối động viên người dân đồng thời để uốn nắn cụ thể từng nơi khi phát hiện thiếu chủ động hoặc sai biện pháp. Cùng với chủ trương đúng và biện pháp hợp lý, tấm lòng yêu thương dân, lo cho dân sâu nặng như thế của Bác có tác động lớn đưa phong trào diệt giặc dốt phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu, giúp dân hiểu được chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ về kháng chiến kiến quốc, nâng cao dân trí, góp phần tích cực hỗ trợ cho phong trào chống giặc ngoại xâm và chống giặc đói.

Từ câu chuyện “Diệt giặc dốt” năm 1945, chúng ta càng hiểu sâu sắc hơn tình cảm, công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh – vị lãnh tụ thiên tài đối với đất nước và dân tộc ta. Bắt đầu từ phong trào “diệt giặc dốt”, xóa nạn mù chữ khi đất nước vừa giành độc lập tháng 8/1945, Bác đã lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân ta nâng tầm tri thức, trí tuệ cho cả dân tộc góp phần to lớn vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, cả trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và công cuộc xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Trong xu thế cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ tư phát triển vũ báo ngày nay, hơn lúc nào hết chúng ta cần nghiên cứu để vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh nhằm bồi dưỡng nhân tài, phát huy và hội tụ trí tuệ con người Việt Nam, đoàn kết một lòng đưa nước nhà phát triển nhanh và vững manh như Người hằng mong muốn.■

Nguyễn Hồng

Chú thích:

[1] Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”, ngày 15/9/1945. Nguồn: Baotanghochiminh.vn

 

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN