Cho đến nay, đất nước ta đã trải qua gần 80 năm thành lập nước. Trong lịch sử đấu tranh giành độc lập, chống thực dân, đế quốc, kẻ thù ngoại xâm vởi tiềm lực kinh tế lớn, vũ khí hiện đại, bản chất hung hãn, tàn ác, biết bao đồng bào, đồng chí, những người con ưu tú của dân tộc ngã xuống, anh dũng hi sinh, dâng hiến giọt máu của mình cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Phát huy truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, ngay từ khi vừa mới thành lập nước 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã liên tục có nhiều chính sách và việc làm thực tế giúp đỡ gia đình liệt sỹ, thương binh trong cuộc sống hàng ngày, phát huy mạnh mẽ truyền thống tri ân, đền ơn đáp nghĩa của dân tộc.
Những việc làm đền ơn đáp nghĩa xuyên suốt thời gian qua như một liều thuốc tình người, xoa dịu bớt nỗi đau trong từng mái nhà thương binh, liệt sỹ, nhen lên và thấp sáng ngọn lửa đạo lý, khơi dậy lòng biết ơn, khơi dậy lòng tự hào và trách nhiệm của cộng đồng đối với sự hy sinh, mất mát to lớn đó.
Dường như mỗi lần nhắc đến những con số thống kê các thương binh, liệt sỹ là mỗi lần trong tâm khảm những người dân yêu nước trào dâng tình cảm xúc động và biết ơn. Ai cũng hiểu, nếu không có sự hi sinh cao cả ấy, chắc chắn sẽ không có ngày hòa bình hôm nay; vận mệnh đất nước, dân tộc chắc hẳn còn sẽ gặp nhiều ghềnh thác, hi sinh nhiều hơn nữa. Ai cũng biết, chiến thắng đến sớm một ngày, sẽ tiết kiệm được bao nhiêu xương máu của con nòi, cháu giống. Vì thế sự cống hiến hi sinh của thương binh, liệt sỹ nói riêng, của đồng bào, đồng chí nói chung phải được Tổ quốc và Nhân dân ghi công mãi mãi, trường tồn bất luận biến thiên của thời gian.
Trong chúng ta, nếu ai một lần biết những con số về thương binh, liệt sỹ dưới đây hẳn trái tim mình sẽ trào dâng cảm xúc kính trọng và biết ơn sâu sắc. Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, cả nước hiện có 1.146.250 liệt sĩ, trong đó 191.605 người anh dũng hy sinh trong kháng chiến chống Pháp, 849.018 người anh dũng hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, và 105.627 người anh dũng hi sinh trong chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc; cả nước có gần 800.000 thương binh và người được hưởng chính sách thương binh. Đó là những con số biết nói về sự mất mát, hi sinh không gì bù đắp nổi, luôn nhắc nhở các thế hệ người Việt Nam thao thức về đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.
Gần 100 triệu người con nước Việt cả ở trong nước và nước ngoài hôm nay cùng chung có một Tổ quốc, một dân tộc, một đất nước đang phát triển bình đẳng trong cộng đồng thế giới. Xương máu, mồ hôi, nước mắt, trí tuệ và tình yêu nước của tổ tiên, tiền nhân, của người có công từ bao đời nay, của nhân dân và của hàng triệu thương binh, liệt sỹ đã gìn giữ giang sơn gấm vóc này cho thế hệ chúng ta. Đi trên những con đường, những mảnh đất thân yêu của Tổ quốc hôm nay, lòng chúng ta sẽ nghĩ gì khi thấy biết bao nghĩa trang liệt sỹ với bạt ngàn ngôi mộ trắng? Còn bao nhiêu hài cốt của liệt sỹ chúng ta đang nằm ở đâu trên chiến trường xưa cả trong nước và nước ngoài? Ngôi mộ nào, hài cốt nào của liệt sỹ chưa tìm được danh tính? Thật day dứt và khắc khoải khi chúng ta nghĩ đến trong những mái nhà của bao người thân vẫn ngày đêm mong ngóng hồn cốt liệt sỹ? Trong bao mái nhà của các thương binh nỗi đau thương tật giày vò chưa từng được một giấc ngủ yên? Những ai có lương tri sẽ thấy rằng, không phải chỉ đến kỷ niệm ngày Thương binh – Liệt sỹ mới thực hiện việc làm tình nghĩa mà đó phải là tình cảm thường trực, là việc làm thường xuyên hàng ngày như cơm ăn nước uống. Mỗi việc làm tốt cho thương binh, liệt sỹ lúc này sẽ góp phần xây dựng đạo đức, nhân cách con người mới Việt Nam có văn hóa, tạo sức mạnh đoàn kết của cả cộng động để góp phần xây dựng, phát triển đất nước. Để làm được những việc làm như thế, hướng về kỷ niệm 74 năm ngày Thương binh – Liệt sỹ, chúng ta cần có những suy nghĩ tha thiết để làm sao đạo lý biết ơn, tri ân đối với công lao của các liệt sỹ thương binh được thực chất và lan rộng, lâu dài…
Thứ nhất, chúng ta cần nghiên cứu để thấm nhuần sâu sắc, học tập, làm theo tình cảm trân trọng, yêu thương của Bác Hố, những chỉ đạo nhân văn của Người đối với công việc đến ơn, đáp nghĩa công lao của thương binh, liệt sỹ. Ngay từ những ngày đầu vừa thành lập nước 02/9/1945, những chỉ đạo của Bác thể hiện sự quyết liệt, khẩn trương vừa cụ thể vừa dễ làm, vừa nhân lên sức mạnh đoàn kết, tình cảm, nghĩa vụ của toàn dân. Bác thấu hiểu sự hi sinh của thương binh, liệt sỹ và thấu hiểu hơn ai hết nỗi vất vả, khó khăn, đau đớn của gia đình họ trong cuộc sống hàng ngày. Vì thế, tấm lòng của Bác đầy yêu thương, đau đáu, chia sẻ nỗi đau, sự mất mát với thương binh, thân nhân liệt sỹ như cha con, anh em ruột thịt một nhà. Điều đó được thể hiện ngay sau khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong tình cảnh thù trong, giặc ngoài, vận nước như “ngàn cân treo sợi tóc” nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành sự quan tâm đặc biệt đến thương binh, liệt sỹ.
Tháng 11/1945, biết tin những chiến sỹ Quốc gia Tự vệ cuộc Cần Thơ chiến đấu dũng cảm hi sinh trong trận đánh chiếm đồn Cái Răng của quân đội Pháp, ngay tức khắc trong phiên họp Hội đồng Chính phủ ngày 20/11/1945, Người đề nghị Chính phủ ra Sắc lệnh truy tặng năm Liệt sĩ đã hy sinh cho Tổ quốc. Sang đầu năm sau – năm 1946, Bác nhận lời làm Hội trưởng danh dự của Hội giúp binh sĩ bị nạn; ngày 7/11 năm đó, với tư cách Chủ tịch nước, Bác đã ra “Thông báo về việc nhận con các liệt sĩ làm con nuôi”: “Tôi gửi lời chào thân ái cho gia đình các liệt sĩ đó và tôi nhận con các liệt sĩ làm con nuôi của tôi”. Đây là một nghĩa cử hiếm hoi của một vị Chủ tịch nước trong thế giới hiện đại. Và nữa, khi biết tin người con trai của bác sỹ Vũ Đình Tụng hi sinh bảo vệ Thủ đô trong ngày Toàn quốc kháng chiến, Bác đã gửi thư chia buồn với gia đình người bác sỹ theo đạo Công giáo này với tình cảm đau xót như đứt từng khúc ruột: “Thưa ngài! Tôi được báo cáo rằng con giai của ngài đã oanh liệt hy sinh cho Tổ quốc. Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là đại gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu tôi. Mất một thanh niên, thì hình như tôi đứt một đoạn ruột...”. Bác sỹ Vũ Đình Tụng đã vô cùng cảm kích, xúc động tình cảm của Bác để quyêt định rời Hà Nội lên Việt Bắc tham gia kháng chiến và nhận lời làm Bộ trưởng Bộ Thương binh – Cựu binh Chính phủ kháng chiến.
Ngay sau bức thư huyết lệ này, ngày 16/2/1947, trong hoàn cảnh cuộc kháng chiến đang vô cùng khó khăn, gian khổ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 20/SL “Quy định chế độ hưu bổng thương tật và tiền tuất tử sĩ”. Đây là văn bản pháp quy đầu tiên khẳng định vị trí quan trọng của công tác thương binh, liệt sĩ đối với công cuộc kháng chiến cứu nước của dân tộc. Bốn tháng sau, tháng 6/1947 tại Phủ Chủ tịch đầu tiên trên ATK ở Định Hóa, Thái Nguyên, Bác đã đề nghị Chính phủ chọn một ngày trong năm làm “Ngày Thương binh”. Hơn một tháng sau đó, trong thư gửi lễ ra mắt “Ngày Thương binh toàn quốc” này, Bác nêu rõ công lao chiến đấu hi sinh của người thương binh bằng những lời giản dị, mộc mạc khiến ai cũng cảm thấy trân trọng xen lẫn niềm xúc động, tự hào: “Đang khi Tổ quốc lâm nguy, giang san, sự nghiệp, mồ mả, đền chùa, nhà thờ của tổ tiên ta bị uy hiếp, cha mẹ, anh em, vợ con thân thích, họ hàng ta bị đe dọa. Của cải, ruộng nương, nhà cửa, ao vườn, làng mạc ta bị nguy ngập. Ai là người xung phong trước hết để chống cự quân thù, để giữ gìn đất nước cho chúng ta. Đó là những chiến sĩ mà nay một số thành ra thương binh”. Người xác định rõ cho Chính phủ và toàn dân tình cảm và trách nhiệm: “Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào, mà các đồng chí bị ốm yếu, què quặt. Vì vậy, Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy”. Người gửi tặng Ban Thường trực 1 chiếc áo lụa, 1 tháng lương, tiền 1 bữa ăn của Người và của nhân viên làm việc trong Phủ Chủ tịch, tổng cộng 1.127 đồng để giúp cho thương binh. Nghĩa cử tặng quà riêng của Bác và của riêng các nhân viên Phủ Chủ tịch thể hiện lòng yêu thương sâu đằm, khiến ai cũng xúc động noi theo.
Như vậy, có thể nói trong những ngày tháng đầu tiên giành chính quyền Cách mạng và bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đầy gian khổ, hi sinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luôn đau đáu, quyết liệt, kịp thời triển khai nhiều việc làm hiệu quả, nhân văn đối với công tác chăm sóc, giúp đỡ thương bịnh, liệt sỹ. Người dạy rằng, đền ơn, đáp nghĩa cần phải được thể hiện bằng những việc làm cụ thể, bằng sự giúp đỡ về vật chất và tinh thần do Nhà nước và nhân dân cùng thực hiện. Người còn căn dặn: Khi giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sĩ thì “nên coi đó là nghĩa vụ của nhân dân. Không nên coi đó là việc làm phúc”. Người còn nêu tư tưởng chỉ đạo, công tác thương binh, liệt sĩ là việc làm “lâu dài chứ không phải chỉ trong một thời gian”. Vì thế, chúng ta càng xúc động biết bao khi tháng 5/1968, mặc dù đang ốm mệt, Người vẫn đọc lại bản thảo Di chúc với nỗi lo đau đáu về Thương binh, Liệt sĩ để bổ sung: “Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong...), Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”.
Có thể nói từ lúc lãnh đạo toàn dân giành độc lập tự do cho đất nước, với tấm lòng của một lãnh tụ, Chủ tịch Hồ Chí Minh bất luận trong hoàn cảnh nào cũng luôn đau đáu với công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ, đền ơn đáp nghĩa. Nghĩa cử của Bác không chỉ là sự tiếc thương mà còn thể hiện sự tự hào, gợi lên tinh thần bất khuất, làm hồi sinh sức sống mãnh liệt của cả dân tộc, của những người đã hy sinh sự sống của mình cho độc lập của Tổ quốc. Người đã gắn sự tổn thất lớn lao của những Thương binh, Liệt sĩ vào ý thức trách nhiệm và nghĩa vụ của những người được sống trong hòa bình. Người nêu một tấm gương sáng và dạy tất cả chúng ta phải làm sao sống xứng đáng với công lao và sự hi sinh của thương binh, liệt sỹ cho sự tồn vong của đất nước. Người đã mở đầu những quyết định nhân văn và để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta tư tưởng lớn về công tác chăm sóc, đền ơn, đáp nghĩa đối với thương binh và liệt sỹ của Việt Nam.
Thứ hai, rất nên cứ đến dịp 27/7, từ các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước đến người dân bình thường hãy tự giác dành một phần ngày lương (công chức), ngày thu nhập (người dân) ủng hộ quỹ Thương binh liệt sỹ. Sau đó đăng báo công khai để moi người biết, noi gương. Chúng ta còn nhớ, sinh thời Bác Hồ ủng hộ thương binh, liệt sỹ, người dân, thậm chí tặng quà các cụ phụ lão, tặng quà các cháu thiếu niên nhi đồng đều bằng tiền lương của mình. Nghĩa cử của Bác rất rõ ràng, minh bạch. Không bao giờ Bác sử dụng công quỹ Nhà nước. Không phải Bác sợ Nhà nước không nuôi nổi mình, làm như thế là Bác muốn nêu một tấm gương không tham ô, không sử dụng công quỹ vào việc riêng, điều mà ngày nay chúng ta, nhất là các quan chức phải nghiêm túc thực hiện. Cần thấu hiểu rằng, trong cuộc sống thực tế hiện nay, biết bao thương binh, gia đình liệt sỹ, người có công, người bị chất độc da cam… gặp muôn vàn khó khăn hàng ngày. Nhiều gia đình “thua kém”, “tụt hậu” về kinh tế, mức sống so với các gia đình bình thường khác cũng là điều dễ hiểu. Họ vừa chiu đựng, vừa vươn lên để vượt qua, không một chút kêu than, đòi hỏi. Giúp đỡ những gia đình ấy lúc này là trách nhiệm, là đạo lý, là thể hiện tình cảm trân trọng, yêu thương để họ thêm điều kiện, nghị lực vượt qua…
Thứ ba, ngoài các liệt sỹ, thương binh từng chiến đấu ở trong nước, hiện chúng ta có nhiều người đã chiến đấu hi sinh vì sự nghiệp giúp bạn Lào và Campuchia trong cuộc chiến đấu chung chống thực dân, đế quốc. Chúng ta cũng có nhiều người mang quốc tịch châu Âu, châu Phi, châu Á, Đông Nam Á… sang Việt Nam cùng chung chiến hào chiến đấu chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ trước năm 1975 trong đó có người hi sinh, có người được phong tặng Anh hùng lực lượng vũ trang. Rất nên mỗi dịp ngày 27/7 hàng năm, Đảng và Nhà nước cử người có uy tín lập đoàn cấp Nhà nước đi dâng hương Liệt sỹ Việt Nam hi sinh tại Lào và Campuchia. Nên chỉ đạo Đại sứ Việt Nam ở nước ngoài gửi thư thăm hỏi hoặc trực tiếp đến thăm, tặng quà cám ơn thân nhân các gia đình có người từng tham gia chiến đấu giúp nước ta, hi sinh trong các cuộc kháng chiến vệ quốc và xây dựng đất nước. Làm được như thế, chúng ta vừa tri ân thân nhân liệt sỹ, vừa nhận được sự tôn trọng của nước sở tại, thắt chặt tình đoàn kết giữa nước ta với các nước bầu bạn.
Thứ tư, không bao giờ được ngưng nghỉ công việc tìm kiếm hài cốt liệt sỹ, để quy tập về đất mẹ. Không bao giờ được ngưng nghỉ công việc tìm kiếm để trả lại tên cho các ngôi mộ liệt sỹ, kể cả phương pháp ADN. Chúng ta từng thể hiện chính sách nhân đạo giúp đỡ Chính phủ Hoa Kỳ tìm kiếm hài cốt lính Mỹ chết trận trong chiến tranh, được Chính phủ Mỹ ghi nhận. Không lẽ gì, chúng ta ngơi nghỉ công việc tìm kiếm hài cốt liệt sỹ của ta. Hãy nhớ có hàng vạn gia đình liệt sỹ, biết bao người vợ liệt sỹ, người mẹ liệt sỹ đang hằng đêm vẫn thao thức, thắp hương trên bàn thờ thầm mong tìm được hài cốt chồng, con, anh em mình. Bao nghĩa trang liệt sỹ có nhiều ngôi mộ chưa tìm được tên… Tất cả chúng ta – những người thế hệ sau phải có trách nhiệm và nghĩa vụ, phải thấm lời dạy của Bác Hồ: “nên coi đó là nghĩa vụ của nhân dân. Không nên coi đó là việc làm phúc”, “việc lâu dài chứ không phải chỉ trong một thời gian”… để tiếp tục thực hiện đạo lý ngàn đời của dân tộc ta.
Thứ năm: Tích cực tuyên truyền, giáo dục trong cả nước, đặc biệt là nhà trường giáo dục tình cảm biết ơn đối với công lao của thương binh, liệt sỹ. Người lãnh đạo các cấp, cán bộ công chức phải thấm nỗi đau, sự mất mát to lớn hiển hiện trong các ngôi nhà của thương binh, liệt sỹ, người có công… Để khi tay một ai đó nhúng chàm tham nhũng, tiêu cực thì hãy dừng lại… Hãy nhớ đến nỗi đau của người dân, nhớ đến bạt ngàn ngôi mộ liệt sỹ đã hi sinh cho ta cuộc sống này. Nhớ đến trên 127.000 Bà Mẹ Việt Nam anh hùng có chồng, con hi sinh trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Nhớ đến hơn 300.000 người hoạt động kháng chiến và con đẻ bị nhiễm chất độc da cam. Nhớ đến gần 111.000 người hoạt động cách mạng, người tham gia kháng chiến bị địch bắt giam, tù đày, tra tấn dã man trong các nhà tù nổi tiếng như nhà tù Hỏa Lò, Sơn La, Lao Bảo, Côn Đảo, Phú Quốc… mà vẫn giữ nguyên khí tiết. Những ai rắp tâm hành vi tham nhũng, tàn phá đất nước, hãy dừng lại để nghĩ rằng hành động ấy sẽ giẫm đạp lên đạo lý, phản bội anh linh của anh hùng liệt sỹ. Những kẻ như thế sớm hay muộn cũng sẽ bị pháp luật trừng trị, vong linh các anh hùng, liệt sỹ của nước nhà không bao giờ tha thứ… Những quan điểm như thế cần được giảng dạy, lan tỏa trong sinh hoạt Đảng, công chức nhà nước, trong giáo dục nhà trường, trong thế hệ trẻ nhằm thắp sáng mãi ngọn lửa truyền thống thiêng liêng đến ơn đáp nghĩa của của dân tộc ta.■
Nguyễn Hồng