Chuyện một người lính từ cõi chết trở về

Nhân ngày Thương binh – Liệt sĩ 27/7, Tạp chí Phương Đông trân trọng giới thiệu câu chuyện đặc biệt của một thương binh, Thiếu tướng Lưu Xuân Cải, Chủ tịch Hội cựu chiến binh Hải Phòng, nguyên Phó Tham mưu trưởng Quân khu 3. Hành trình vượt qua ranh giới mong manh giữa sinh và tử của ông trong cuộc chiến thành cổ Quảng Trị mùa hè năm 1972 rồi trở thành một vị tướng trong quân đội để lại những bài học xúc động về ý chí và lòng yêu nước. Tạp chí giữ nguyên lời kể của ông để đảm bảo tính khách quan và chân thật của câu chuyện.

*

Năm 1971 khi mới 17 tuổi, tôi đã cùng hơn 600 người con của Hải Phòng nhập ngũ và được huấn luyện ở Yên Tử, Quảng Ninh. Đầu năm 1972, được biên chế vào đơn vị tăng cường cho chiến dịch giải phóng Quảng Trị, phục vụ cho Hội nghị Paris về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam.

Thiếu tướng Lưu Xuân Cải, Chủ tịch Hội cựu chiến binh Hải Phòng, nguyên Phó Tham mưu trưởng Quân khu 3. Ảnh: TCPĐ

Cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng trị năm ấy diễn ra vô cùng khốc liệt dưới mưa bom, bão đạn của kẻ thù, rất nhiều đồng đội của tôi đã anh dũng hy sinh, thậm chí đồng đội mình hy sinh nhưng người còn lại chưa kịp biết họ tên, quê quán để khắc bia khi chôn cất (bia thường làm bằng mảnh tôn), bởi quân số của đơn vị được bổ sung liên tục theo từng giờ, từng buổi, sau từng trận chiến đấu… Chứng kiến sự hy sinh mất mát đó đã tạo cho chúng tôi, những người còn lại, một ý chí thép, một tinh thần thép, một động lực tinh thần vô cùng to lớn đó là quyết tâm chiến đấu để trả thù cho đồng đội, kiên cường bám chốt, giữ chốt… Khi ấy, những “người lính Thành cổ chúng tôi” không còn cảm giác sợ bom đạn, sợ cái chết. Nhưng đến bây giờ nghĩ lại tôi vẫn thấy ám ảnh, vì sự khốc liệt của cuộc chiến.

Tôi nhớ mãi buổi chiều định mệnh đó, tôi và đồng đội đang củng cố trận địa, giữ chốt trên hướng chủ yếu của Đại đội sau bao ngày giành giật giữa ta và địch, thì một trận mưa hỏa lực của địch bằng bom tấn, bom bi, đạn pháo chùm, pháo khoan, cối 60, cối 81… của địch trùm lên trận địa trong thời gian kéo dài gần 30 phút để chuẩn bị cho lính thủy quân lục chiến của chúng lên chiếm lại trận địa. Rất nhiều đồng đội đã hy sinh và bị thương, trong đó tôi bị hai vết thương do mảnh đạn pháo và đạn cối của địch, máu chảy nhiều, nhưng vẫn nhờ đồng đội băng bó và sẵn sàng chiến đấu khi địch tấn công lên chốt.

Khi hỏa lực của địch chuyển làn, lính thủy quân lục chiến của địch tiến dần vào trận địa, trong không khí đặc quánh của khói súng và mùi khét bom đạn, tôi và đồng đội nhiều lần đánh bật địch ra khỏi tiền duyên phòng ngự, giữ vững trận địa. Sau nhiều lần tấn công bất thành, địch tăng cường lực lượng, vũ khí trang bị dưới sự yểm trợ của xe tăng M48, gần tối hôm đó chúng tiếp tục tấn công vào trận địa. Dưới làn đạn dày đặc của các loại hỏa lực địch bắn lên, tiểu đội tôi có 2 người hy sinh, 3 người bị thương nặng; tôi và những người còn lại phải đảm nhiệm thêm nhiệm vụ của những người đã hy sinh và bị thương, nên liên tục di chuyển vị trí, sử dụng các loại vũ khí như súng tiểu liên AK, trung liên RPD, B40, lựu đạn… để đánh địch. Khi tôi đang tập trung tiêu diệt tốp địch bằng súng RPD trên hướng chính, bỗng nghe tiếng “cạch – đùng” của súng M79, may thay viên đạn M79 bắn trượt vai tôi, mũ bị hất văng khỏi đầu, đất đá sau chiến hào bung lên phủ kín người, đồng đội bới đất đá kéo tôi lên và trên người tôi lại dính thêm ba mảnh đạn M79. Mặc dù được đồng đội băng bó vết thương và tiếp tục chiến đấu, nhưng do bị thương lần hai, máu ra nhiều, tôi bị kiệt sức dần và thiếp đi.

Một trận chiến bên trong thành cổ Quảng Trị, năm 1972. Ảnh: Đoàn Công Tính

Sau này tôi được đồng đội kể lại: Khi tôi bị thương lần hai, máu ra nhiều, kiệt sức và thiếp đi, tiểu đội đã được tăng cường quân số, tiếp tục giữ vững chốt. Đêm hôm đó, tôi được lực lượng cứu thương đưa về vị trí tập trung thương binh và cả những người đã hi sinh, cách đó khoảng hai cây số. Trong quá trình di chuyển có nhiều đồng chí tái thương hy sinh và thương binh, liệt sỹ hy sinh đến lần 2 do trúng đạn pháo của địch bắn đuổi.

Trên đường vận chuyển, do đạn pháo bắn đuổi, tôi bị quăng quật bên này bên kia, mới đầu tôi còn biết, sau cứ lịm dần đi, khi tới nơi tập kết, bộ phận kiểm tra thấy mạch gần như không còn, không nhận thức được gì nữa, thực tế là tôi cũng đã chết lâm sàng, bộ phận phân tuyến xác định tôi đã tử vong và đưa ra khu vực nghĩa trang của đơn vị để chôn cất.

Đội chôn cất liệt sỹ đã hoàn thành hai đợt gần 20 liệt sỹ, đến đợt thứ ba còn 11 liệt sỹ, do hy sinh nhiều nên còn thiếu bốn túi liệt sỹ, trong đó có tôi vẫn còn đặt tạm trên võng. Chôn cất đến người thứ bảy thì đã gần 3 giờ sáng, trời Quảng Trị bắt đầu mưa tầm tã, khiến cho bộ phận chôn cất phải dừng việc để tránh mưa, mọi người vào hút thuốc lào cho ấm người. Nằm ở trong võng bị đọng nước, nước mưa ngấm vào người, nước mưa cũng táp vào mặt vào mũi, làm tôi hơi tỉnh lại, chính cơn mưa đó đã cứu tôi.

Mưa ngớt dần, một người đến để gói buộc võng cho tôi trước khi hạ huyệt, khi anh ấy đưa hai tay tôi gọn theo dọc thân người để buộc võng, đã phát hiện thấy tay tôi cử động mới giật mình hô hoán lên cho mọi người biết. Lúc đó đội trưởng đội chôn cất tới rút một ít bông ra, để lên mũi tôi, thấy bông phập phồng, biết là còn sống, thế là cho dừng chôn cất để đưa tôi về bệnh xá cấp cứu trong đêm.

Có mấy cái may đã xảy ra trong đó phải kể đến như: Thứ nhất là khi ấy bộ đội ta hy sinh nhiều nên thiếu túi liệt sỹ trước khi chôn cất, mà tôi và một số đồng chí được đặt tạm trong võng; thứ hai là cơn mưa bất chợt đêm đó, có thể gọi đó là cơn mưa thần, vì mưa quá to nên đội chôn cất buộc phải dừng việc để tránh mưa, khi chuẩn bị chôn cất đến số thứ tự của tôi, cũng chính cơn mưa đó đã làm tôi dần hồi tỉnh lại; thứ ba là khi được đưa về bệnh xá, thì không còn lượng máu dự trữ cùng nhóm máu với tôi, nhưng nhờ có 3 y, bác sỹ mới từ miền Bắc vào bổ sung quân số cho bệnh xá hồi đêm lại cùng nhóm máu tôi, đã thay nhau truyền máu cho tôi.

Nhờ được truyền máu, tôi ở bệnh xá dã chiến tạm thời gần 10 ngày thì ổn định sức khoẻ, được chuyển ra tuyến sau. Tuổi còn trẻ, nên sức lực hồi phục rất nhanh. Sau 2 tháng 15 ngày điều trị, tôi đã quay lại đơn vị để tiếp tục chiến đấu. Hơn 3 tháng sau, tôi được ra Hà Nội để báo cáo thành tích trong chiến đấu. Đoàn đi khoảng hơn 20 người, chúng tôi được tặng thưởng và vui nhất là được về quê nhà Hải Phòng.

Đó là năm 1973, đêm ấy tôi về nhà khi trời đã về khuya, nhìn qua khe cửa, dưới ánh đèn dầu le lói trên bàn thờ, tôi thấy có nải chuối xanh, nén hương bài đang cháy dở với tấm ảnh truyền thần của chính mình. Tôi thầm nghĩ, sao có mấy tháng mà giấy báo tử đã về nhanh thế, đã gần 4 tháng trước khi tôi về. Hồi đó chiến tranh nên Lễ truy điệu tổ chức đơn giản, xã mang giấy đến rồi đại diện Ủy ban, đại diện Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội nông dân đến làm lễ thôi.

Nhà ở quê, cửa không có khóa, tôi đẩy cánh cửa kêu cọt kẹt, khi bước vào, Mẹ tôi hỏi “Ai đấy”, tôi nói “Con”, bà run run hỏi lại “Ai đấy” lần nữa, tôi bảo “Con Cải đây Mẹ”! Mẹ tôi ngồi dậy, không kịp xỏ guốc mộc, loạng choạng với lấy cây đèn dầu trên bàn thờ đưa về phía cửa và tôi tiến lại gần Mẹ hơn, đưa tay vặn to bấc đèn dầu để sáng hơn – lúc đó Mẹ chỉ thốt lên được một câu “Con” và ngất đi trong vòng tay của tôi.

Khi tỉnh dậy Mẹ nói: Khi thấy con bằng xương bằng thịt rồi, vẫn không tin là sự thật, vẫn nghĩ là hình bóng của con hiện về trong giấc mơ hằng đêm của Mẹ. Nhìn Mẹ cười với hai dòng nước mắt chảy, nhưng khuôn mặt của Mẹ như đỡ nhăn hơn, rạng rỡ hơn, hạnh phúc hơn vì giữa cái đau buồn vô hạn, cái mơ màng của chiêm bao hằng đêm, là niềm sung sướng vô hạn của người mẹ khi nhìn thấy đứa con từ cõi chết trở về. Khi đó ôm Mẹ và cười, nhưng hai hàng nước mắt của tôi đã vô tình rơi xuống trán Mẹ – Mẹ nhẹ nhàng đưa tay lên lau nước mắt cho tôi và thủ thỉ nói “Thôi, nín đi con”. Bất giác, nhớ lại khi còn nhỏ hay dỗi hờn, mẹ cũng thường dỗ dành, an ủi như vậy, tôi ngả vào lòng Mẹ và thấy hạnh phúc!

Thiếu tướng Lưu Xuân Cải đang giải thích về trận đánh bảo vệ thành cổ Quảng Trị trên bản đồ cho cán bộ, phóng viên Tạp chí Phương Đông, tháng 5/2024. Ảnh: TCPĐ

Tôi chỉ về thăm quê được 12 ngày là lại tiếp tục trở về đơn vị. Cuối năm 1973, tôi đi học sỹ quan Lục quân ở Sơn Tây. Năm 1974, trở lại miền Nam chiến đấu ở Quảng Nam, Đà Nẵng với những chiến dịch vô cùng ác liệt cho tới khi chúng ta giải phóng được hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Khi ấy, tôi đã là Đại đội phó.

Tôi kể lại câu chuyện của mình chỉ để thế hệ trẻ hiểu hơn về chiến tranh, về những đau thương mất mát của các thế hệ cha anh, của đồng đội chúng tôi. Từ những hiểu biết này, chúng ta thêm trân quý hoà bình, yêu cuộc sống và nỗ lực gìn giữ quê hương đất nước, mảnh đất mà nhiều thế hệ thương binh liệt sĩ phải hy sinh xương máu vì sự toàn vẹn lãnh thổ và độc lập của Tổ quốc.

Duy Lê (ghi nguyên văn theo lời kể của Thiếu tướng Lưu Xuân Cải)

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN