Bác Hồ, người khai sinh, đặt nền móng xây dựng, phát triển Quốc hội Việt Nam (Kỳ 1)

Trong hành trình đi tìm đường cứu nước, đấu tranh giành chính quyền lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ở cương vị Chủ tịch nước, Chủ tịch Đảng Lao động Việt Nam, Bác Hồ đã giành nhiều tâm sức, tận dụng mọi thời cơ để thiết lập Quốc hội Việt Nam bắt đầu với nền cộng hòa, dân chủ; xây dựng, hoàn thiện và phát triển cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước vì Nhân dân, do Nhân dân. Trong những hoàn cảnh đất nước gặp muôn vàn khó khăn, thách thức, lúc thế nước “ngàn cân treo sợi tóc”, lúc chiến tranh chống ngoại xâm ác liệt, lúc thiết chế xây dựng chế độ mới, với tầm nhìn của một lãnh tụ, Bác Hồ đã có những chỉ đạo sáng suốt, độc đáo, hợp quy luật với mọi hoàn cảnh, giương cao ngọn cờ yêu nước thương nòi, đại đoàn kết toàn dân tộc, nhân lên sức mạnh to lớn đưa đất nước vượt qua gềnh thác, giành nhiều thắng lợi vĩ đại nhất trong lịch sử dân tộc. Di sản tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Quốc hội là tài sản tinh thần vô giá để chúng ta học tập, vận dụng vào công cuộc thực hiện khát vọng phát triển đất nước lên tầm cao mới hiện nay. Nhằm góp phần tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh đối với Cách mạng Việt Nam, Tạp chí Phương Đông thực hiện chuyên đề “Bác Hồ, người khai sinh, đặt nền móng xây dựng, phát triển Quốc hội Việt Nam”, xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Bài I: BÁC HỒ VỚI QUỐC HỘI VIỆT NAM BUỔI ĐẦU THÀNH LẬP NƯỚC

Ngày 06/01/1946, lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc Việt Nam đã tổ chức cuộc Tổng tuyển cử trong cả nước, bầu Quốc hội khóa I nước Việt Nam dân chủ cộng hòa là một sự kiện trọng đại. Dõi theo cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác Hồ và nghiên cứu những tư liệu lịch sử, chúng ta càng thấy công lao to lớn với những quyết sách sáng suốt mang tầm vĩ nhân của lãnh tụ Hồ Chí Minh đối với Quốc hội Việt Nam buổi đầu thành lập trong muôn vàn khó khăn thách thức.

Chúng ta đều biết, sau ba mươi năm đi tìm đường cứu nước, năm 1941, Bác Hồ trở về Cao Bằng để trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam đấu tranh giành độc lập. Tháng 5, tháng 6 năm 1945, Bác liên lạc được với lực lượng Đồng minh trong chiến tranh thế giới thứ 2, Người thấy rõ chiến thắng của quân Đồng Minh và Liên Xô đang đánh bại chủ nghĩa phát xít. Ở trong nước cao trào kháng Nhật đang cuồn  cuộn dâng lên từ Bắc chí Nam. Người càng dự cảm rõ hơn thời cơ của cách mạng Việt Nam, thời cơ cuộc Tổng khởi nghĩa đang đến rất gần. Với những tiên đoán thiên tài, Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh quyết định phải gấp rút họp Đại hội đại biểu Quốc dân với quyết tâm sắt đá “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn, cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”[1]. Và rồi, vượt qua muôn ngàn gian khổ, bất chấp hi sinh, các đại biểu của toàn thể quốc dân ở Bắc – Trung – Nam, ở Thái Lan và Lào đã dũng cảm, mưu trí vượt qua sự vây ráp, truy đuổi của kẻ thù để kịp về Tân Trào, Tuyên Quang dự khai mạc Đại hội vào chiều ngày 16/8/1945.

Hơn 60 đại biểu đại diện cho cả 3 miền Bắc – Trung – Nam, đại diện cho các ngành, các giới, các dân tộc, các đảng phái chính trị, các đoàn thể cứu quốc và một số Việt kiều ở Thái Lan và Lào đã nhất trí tán thành chủ trương phát động Tổng khởi nghĩa của Đảng Cộng sản Đông Dương và Tổng bộ Việt Minh giành chính quyền về tay Nhân dân, Đại hội đã quyết định thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam và bầu Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Đặc biệt quan trọng là Quốc dân đại hội Tân Trào đã thực thi biểu quyết thể thức như một kỳ họp Quốc hội chính thức là thống nhất chọn Quốc kỳ và Quốc ca. Quốc kỳ là lá cờ đỏ có ngôi sao vàng 5 cánh ở giữa, Quốc ca là bài “Tiến quân ca” của nhạc sỹ Văn Cao. Đó là tiền đề cực kỳ quan trọng cho một cơ cấu Nhà nước chính thức sau này.

Trong những ngày cả nước sôi động tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa, dự cảm về một chính phủ của đất nước sẽ ra đời trong vài ngày sắp tới, ngày 25/8/1945, theo đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Uỷ ban Dân tộc giải phóng do Quốc dân Đại hội Tân Trào cử ra được cải tổ thành Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam mới. Chính phủ Lâm thời ấy đã ra mắt trong ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập 2/9/1945 và thực thi điều hành đất nước ngay tức khắc.

Và chỉ một ngày sau khi tuyên bố thành lập nước, ngày 03/9/1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ Lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo các thành viên Chính phủ nhất trí tổ chức ngay Tổng tuyển cử trong cả nước “Tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu, nghèo, tôn giáo, dòng giống…”.

Một điều hết sức lý thú là chỉ mấy ngày sau đó, công việc chuẩn bị bầu cử được triển khai rất gấp gáp, khẩn trương. Ngày 08/9/1945, Chủ tịch Chính phủ lâm thời Hồ Chí Minh đã ban hành Sắc lệnh số 14-SL quy định mở cuộc Tổng tuyển cử để bầu Quốc hội trên cơ sở lấy Nghị quyết của Quốc dân Đại hội làm căn cứ: “Chiểu theo Nghị quyết của Quốc dân Đại hội ngày 16, 17 tháng 8 năm 1945 tại khu giải phóng, ấn định rằng nước Việt Nam sẽ theo chính thể dân chủ cộng hoà và Chính phủ nhân dân toàn quốc sẽ do một Quốc dân đại hội bầu theo lối phổ thông đầu phiếu cử lên[2]. Như vậy, Bác đã thuyết phục lấy Nghị quyết của Quốc dân Đại hội Tân Trào làm cơ sở pháp lý vừa để cải tổ thành lập Chính phủ lâm thời, vừa để xác định chính thể Cộng hòa của chế độ mới là một việc làm quang minh, chính đại, có sức hấp dẫn, thu phục, đoàn kết các thành viên Chính phủ và sự đồng thuận hiếm hoi của các đảng phái khác cùng phụng sự dân tộc.

 Sắc lệnh số 76-SL ngày 18/12/1945 của Chủ tịch Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà về việc ấn định lại ngày Tổng tuyển cử và hạn nộp đơn ứng cử

Lúc đầu dự định cuộc Tổng tuyển cử được dự kiến là ngày 23/12/1945, nhưng do tình thế phức tạp trong nước, nhất là thủ đoạn phá hoại của các bọn Việt Cách, Việt Quốc, Bác Hồ đã khôn khéo thực hiện chủ trương hoà giải, đoàn kết và dành thời gian cho các ứng cử viên có điều kiện nộp đơn, đi vận động tranh cử. Thậm chí trong ngày 24/12/1945, Bác đã cùng Việt Minh, Việt Cách và Việt Quốc ký bản biện pháp đoàn kết gồm 14 điều chính và 4 điều phụ, thừa nhận 70 ghế cho Việt Quốc, Việt Cách trong Quốc hội không qua bầu cử. Tiếp theo, ngày 01/01/1946, Chính phủ lâm thời tự cải tổ thành Chính phủ Liên Hiệp lâm thời, mở rộng thành phần chính phủ để thu hút thêm một số thành viên của Việt Cách và Việt Quốc. Thành phần Chính phủ liên hiệp lâm thời do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, Nguyễn Hải Thần (Việt Cách) làm Phó Chủ tịch nước và 15 Bộ trưởng của nhiều đảng phái tham gia. Kết quả của sự thỏa thuận, đoàn kết ấy đã tạo nhất trí cho ra đời chương trình đối nội đầu tiên của Chính phủ Liên hiệp lâm thời là “Làm cho cuộc toàn dân tuyển cử được thành công mỹ mãn và chuẩn bị sẵn sàng việc khai Quốc hội” [3]. Đây là thành công lớn có tính chất bước ngoặt chính là nhờ tài trí của Bác Hồ trong hoàn cảnh hồi bấy giờ. Song song với cuộc dàn xếp bất đắc dĩ như trên, ngày 18/12/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh hoãn cuộc Tổng tuyển cử từ ngày 23/12 đến ngày Chủ nhật, 06/01/1946.

Cũng lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc ta, Chính phủ lâm thời do Bác Hồ đứng đầu đã nhanh chóng tổ chức soạn thảo Hiến pháp bằng việc ban hành Sắc lệnh số 34-SL ngày 20/9/1945, thành lập Uỷ ban dự thảo Hiến pháp gồm có: Hồ Chí Minh, Vĩnh Thụy, Đặng Thai Mai, Vũ Trọng Khánh, Lê Văn Hiến, Nguyễn Lương Bằng, Đặng Xuân Khu. Bản dự án Hiến pháp sau đó đã được Hội đồng Chính phủ thảo luận, bổ sung và sửa đổi và ngày 31/10/1945 quyết định sẽ công bố trên báo và in gửi đi các làng, xã để thu thập ý kiến của dân. Bản dự án Hiến pháp Việt Nam cũng được chính thức công bố trên báo Cứu Quốc ngày 10/11/1945 nhằm “Muốn cho tất cả nhân dân Việt Nam dự vào việc lập Hiến pháp của nước nhà…” như  thông cáo của Chính phủ nêu rõ.

Ngày 05/01/1946, hàng nghìn người dân Hà Nội đón mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa I. Ảnh: Tư liệu

Có thể nói, xây dựng dự thảo Hiến pháp và bầu cử Quốc hội là hai sự kiện trọng đại về mặt pháp lý cho hình thành một chính thể chính danh được nhân dân và Chính phủ các nước thừa nhận đã được Bác Hồ ráo riết chủ trì, chỉ đạo trực tiếp hết sức khẩn trương. Những việc làm như trên đã làm nức lòng người dân Việt Nam vì cũng lần đầu tiên họ được tôn trọng, được dân chủ tham gia bàn việc nước. Đặc biệt thêm một việc làm hiếm có của một Chủ tịch nước, đó là một ngày trước khi diễn ra cuộc tổng tuyển cử, Bác Hồ đã có “Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu” như một lời hiệu triệu: “… Ngày mai, tất cả các bạn cử tri, đều phải nhớ đi bầu cử. Ngày mai, mỗi người đều nên vui vẻ hưởng quyền lợi của một người dân độc lập, tự do…[4].

Với uy tín tuyệt đối của lãnh tụ Hồ Chí Minh và cách thức tổ chức quyết liệt, khẩn trương, đoàn kết, được sự hưởng ứng nhiệt huyết của toàn dân, cuộc Tổng Tuyển cử Quốc hội đầu tiên ngày 06/01/1946 đã thành công tốt đẹp. Ở các tỉnh phía Bắc, mặc dầu phải đối phó với âm mưu phá hoại hết sức tinh vi và trắng trợn của kẻ thù, nhưng Tổng tuyển cử diễn ra an toàn. Đặc biệt ở các tỉnh phía Nam, nhất là Nam Bộ, cuộc bầu cử đã diễn ra dưới bom đạn rất ác liệt của kẻ thù nhưng người dân đã dũng cảm vừa đấu tranh vừa tích cực bầu cử. Lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, khí thế cách mạng, khát vọng độc lập tự do của toàn dân, của công dân 18 tuổi trở lên đã quyết định thành công của cuộc bỏ phiếu lịch sử. Ở tất cả 71 tỉnh thành trong cả nước, 89% tổng cử tri đã đi bỏ phiếu, phổ biến là 80%, nhiều nơi đạt 95%. Cả nước đã bầu được 333 đại biểu, trong đó, có 57% số đại biểu thuộc các đảng phái khác nhau, 43% không đảng phái, 87% số đại biểu là công nhân, nông dân, chiến sĩ cách mạng, 10 đại biểu phụ nữ và 34 đại biểu các dân tộc thiểu số[5]. Quốc hội đầu tiên của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được ra đời từ đó.

Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói trong kỳ họp thứ nhất của Quốc hội đầu tiên, là “Kết quả của sự hy sinh, tranh đấu của tổ tiên ta, nó là kết quả của sự đoàn kết anh dũng phấn đấu của toàn thể đồng bào Việt Nam ta, sự đoàn kết của toàn thể đồng bào không kể già, trẻ, lớn, bé, gồm tất cả các tôn giáo, tất cả các dân tộc trên bờ cõi Việt Nam đoàn kết chặt chẽ thành một khối, hy sinh không sợ nguy hiểm tranh lấy nền độc lập cho Tổ quốc”.

Chỉ sau 4 tháng tuyên bố khai sinh nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, từ Chính phủ lâm thời đến Chính phủ liên hiệp lâm thời, Chính phủ Liên hiệp kháng chiến trong hoàn cảnh thù trong giặc ngoài, chiến tranh, chiến sự có thể xẩy ra bất cứ lúc nào, Chủ tịch Hồ Chí Minh với tài trí vô song đã chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam, giương cao ngọn cờ đại đoàn kết dân tộc, lúc kiên quyết, quyết liệt, lúc mềm dẻo, nhân nhượng để tìm phương án nhanh nhất lập nên Quốc hội toàn dân, hợp hiến, từ đó lập nên chính phủ hợp pháp lãnh đạo, điều hành đất nước, bảo vệ thành quả cách mạng vừa mới giành được. Vai trò, tài  trí và công lao to lớn ấy của Bác Hồ được thể hiện sâu xa, vừa có ý nghĩa pháp lý, xác định quyền tự do, dân chủ của Nhân dân, vừa có ý nghĩa đặt nền móng lâu dài cho một Quốc hội Việt Nam mạnh mẽ và hiện đại, có thể khái quát thành mấy đặc điểm sau đây:

Thứ nhất, trong bất cứ tình thế nào, Bác Hồ luôn luôn giữ vững và phát huy cao nhất khối đại đoàn kết toàn dân tộc, lấy đại cục là thiết lập một Quốc hội thống nhất, toàn dân, tiêu biểu cho ý chí dân tộc làm nền tảng. Đặc biệt trong lúc vận nước khó khăn những ngày đầu vừa giành được độc lập, hơn lúc nào hết Người luôn làm việc hết sức mình để đảm bảo sự đoàn kết. Ví như trong thư gửi đồng bào Công giáo ngày 14/10/1945, Người viết: “Không đoàn kết thì suy và mất. Có đoàn kết thì thịnh và còn. Chúng ta phải lấy đoàn kết mà xoay vần vận mệnh, giữ gìn dân tộc và bảo vệ nước nhà”.

Để tránh sự chống phá của kẻ thù nhằm đảm bảo sự đoàn kết cho ngày bầu cử Quốc hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng buộc phải làm cái công việc bất đắc dĩ tuyên bố giải tán Đảng Cộng sản Đông Dương (thực chất là rút vào hoạt động bí mật). Thậm chí cả khi chưa bầu cử Quốc hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký thỏa thuận với Việt Cách và Việt Quốc dành cho 2 đảng này 70 ghế vào Quốc hội khi đang chuẩn bị Tổng tuyển cử. Một đòi hỏi vô lý, bất chấp pháp lý và bất chấp đạo lý như thế của bọn phản động nhưng vì đại cục là cần phải tổ chức Tổng tuyển cử để bầu nên cơ quan Quốc hội một cách nhanh nhất, Bác đã dằn lòng để thỏa hiệp với 2 đảng đang bám chân quân đội Tưởng Giới Thạch. Chúng ta hiểu điều dằn lòng ấy của Bác khi Người trả lời các nhà báo ngày 26/12/1945 về vấn đề đoàn kết. Nhà báo hỏi tại sao có 70 ghế đặc cách trong Quốc hội?, Bác trả lời “ Vì anh em Quốc dân đảng không ra ứng cử”. Khi được hỏi “Sao lại trái nguyên tắc dân chủ vậy?”, thì Người trả lời Muốn đi tới dân chủ nhiều khi phải làm trái lại. Thí dụ, muốn đi tới hoà bình có khi phải chiến tranh”. Thậm chí, ngày khai mạc kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I vừa được bầu, Người đã đặt vấn đề đoàn kết lên mức cao nhất, quan trọng số một khi sẵn lòng xưng hô từ “đồng chí” với 70 “ông nghị đặc cách” của đảng Việt Cách và Việt Quốc: “Muốn có sự đoàn kết toàn dân, Chính phủ xin đề xuất với Đại hội mở rộng số đại biểu thêm 70 người nữa. 70 người ấy là mời các đồng chí ở hải ngoại về: Việt Nam Quốc dân Đảng và Việt Nam Cách mạng đồng minh Hội và như thế là Quốc hội của ta tỏ cho thế giới, cho toàn dân biết là chúng ta đoàn kết nhất trí, mà đoàn kết nhất trí thì việc gì cũng thành công”. Trước đề xuất của Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn thể các đại biểu giơ tay và hô to “tán thành”. Khi 70 đại biểu đặc cách vào, toàn thể Quốc hội đã hoan hô “Đoàn kết”[6]. Hẳn là nhờ uy tín và tài thuyết phục của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quốc hội cũng đã vì Người mà biểu quyết thực thi đoàn kết vì đại cục như Người nói khi khai mạc Quốc hội khóa I: “Trong cuộc toàn quốc đại biểu Đại hội này, các đảng phải đều có đại biểu mà đại biểu không đảng phái cũng nhiều, đồng thời phụ nữ và dân tộc thiểu số cũng đều có đại biểu. Vì thế, cho nên các đại biểu trong Quốc hội này đều không phải đại diện cho một đảng phái nào mà là đại biểu cho toàn thể quốc dân Việt Nam. Đó là một sự đoàn kết tỏ ra rằng, lực lượng của toàn dân Việt Nam là kết lại thành một khối”[7].

Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I – Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946, tại Nhà hát lớn Hà Nội. Ảnh: hochiminh.vn

Thứ hai, Bác Hồ luôn đề cao tính toàn dân, tính đại diện trong Quốc hội từ đó làm cơ sở pháp lý cho việc quyết định những vấn để lớn của Quốc hội và quốc gia. Từ Quốc dân Đại hội Tân Trào 8/1945 đến Quốc hội khóa I tháng 3/1946 cũng đều với tính thần như thế. Khi chuẩn bị Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, Người chủ động, kiên quyết tổ chức Đại hội quốc dân Tân Trào vì cho rằng chỉ sức mạnh của toàn dân mới quyết định đối với vận mệnh dân tộc nên đã triệu tập được đại diện quốc dân trong nước và cả ở nước Lào và Thái Lan vượt đường xa, núi hiểm để về họp Đại hội. Từ tính pháp lý cao nhất của Đại hội quốc dân, Người chỉ đạo bầu ra Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam, đặt cơ sở tính cách mạng đầu tiên cho một chế độ mới cộng hòa, dân chủ; thông qua việc lấy lá cờ đỏ sao vàng 5 cánh làm Quốc kỳ, bài hát Tiến quân ca làm Quốc ca của nước Việt Nam mới. Sau này, bọn Việt Quốc phá hoại đòi thay đổi quốc kỳ nhưng đã thất bại vì Bác Hồ viện dẫn tính pháp lý có ý nghĩa cao nhất của Đại hội quốc dân đã biểu quyết việc này. Quốc dân Đại hội Tân Trào có ý nghĩa như một Quốc hội lâm thời như Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khằng định: “Một tiền Quốc hội bởi vì cách mạng chưa thành công, Quốc dân đại hội tạo căn cứ pháp lý cho sự ra đời chế độ cộng hòa dân chủ của nước ta, cho một Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa khi cách mạng đã thành công”[8]. Khi cơ cấu Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I, Người đặc biệt quan tâm tính đại diện toàn dân của Quốc hội mới, đó là tính đại diện toàn quốc, tính thống nhất Bắc – Trung – Nam (dù lúc này Nam bộ bị chia cắt vì thực dân Pháp tái chiếm), đại diện các đảng phái, tôn giáo, dân tộc, trong nước, nước ngoài và đại diện phụ nữ. Thậm chí, ngay vừa sau thành lập nước, Người ra sắc lệnh về việc nhập quốc tịch đối với nước ngoài để họ có thể đủ điều kiện công dân đi bầu cử Quốc hội. Nhờ tinh thần đại diện toàn dân ấy mà Quốc hội khóa I trở thành cơ quan lập pháp chính thức quyền lực cao nhất nhưng vẫn có sự tiếp nối thành quả pháp lý không thể chối cãi từ Đại hội Quốc dân Tân Trào.

Thứ ba, trong hoàn cảnh bầu cử Quốc hội đầu tiên đa đảng, Đảng Cộng sản Đông dương lại tuyên bố giải tán, rút vào hoạt động bí mật nhưng cần phải khẳng định rằng tinh thần Đảng lãnh đạo Quốc hội vẫn luôn được Bác Hồ chỉ đạo xuyên suốt trong mọi hoạt động của Quốc hội. Và sự lãnh đạo ấy đã góp phần quyết định sự thành công và hoạt động hiệu quả của Quốc hội trong những tình thế, hoàn cảnh phức tạp, sự chống phá quyết liệt của kẻ thù xâm lược và thế lực phản động.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chú trọng phát huy cao nhất khối đại đoàn kết toàn dân tộc, lấy đại cục là thiết lập một Quốc hội thống nhất, toàn dân, tiêu biểu cho ý chí dân tộc làm nền tảng. Bức ảnh “Bác bắt nhịp bài ca Kết đoàn” do nhà báo Lâm Hồng Long chụp

Bác Hồ là chiến sỹ Cộng sản quốc tế, người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong quá trình tìm đường cứu nước và hoạt động cách mạng, Người đã quyết định chọn chủ nghĩa Mác – Lê Nin làm nền tảng tư tường của Đảng ta. Trong vài hoàn cảnh cụ thể của tình thế chính trị buổi ngày đầu thành lập nước, có lúc Người tự tuyên bố mình không đảng phái cũng chỉ cốt đảm bảo tinh thần mở rộng đoàn kết, tránh sự chống phá quyết liệt của kẻ thù. Lý tưởng, tinh thần cộng sản ở Người là nguồn mạch tự nhiên thể hiện thống nhất, gắn kết trong mọi hoạt động lý luận và thực tiễn. Bác Hồ là hiện thân của lý tưởng cộng sản và văn hóa Việt Nam. Vì thế, Người chỉ đạo hoạt động của Chính phủ và Quốc hội khóa I bao giờ cũng với tâm thế của một lãnh tụ cộng sản tiêu biểu.

Sự lãnh đạo của Đảng theo tinh thần của Bác thể hiện ngay ở Quốc dân Đại hội Tân Trào. Tại đại hội quốc dân này, đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư của Đảng thay mặt Đảng Cộng sản Đông Dương trình bày thảo luận vấn đế quan trọng nhất là Tổng khởi nghĩa và bầu Ủy ban Dân tộc giải phóng để lãnh đạo tổng khởi nghĩa. Đại hội cũng bầu ra lãnh đạo chủ chốt của Ủy ban dân tộc giải phóng với hạt nhân là những cán bộ lãnh đạo ưu tú của Đảng Cộng sản Đông Dương: Hồ Chí Minh, Nguyễn Lương Bằng, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Chu Văn Tấn, Nguyễn Chí Thanh… về sau chuyển thành Chính phủ lâm thời lãnh đạo Chính quyền mới sau ngày 02/9/1945. Sự lãnh đạo của Đảng đã thể hiện sự vận dụng sách lược cách mạng mềm dẻo, khôn khéo để cùng Quốc dân đại hội Tân Trào lựa chọn chế độ dân chủ, cộng hòa sau khi giành chính quyền, lựa chọn Quốc kỳ và Quốc ca cho nước Việt Nam mới. Sự lãnh đạo của Đảng còn thể hiện ở việc chỉ định Ban soạn thảo Hiến pháp để trinh Quốc hội khóa I với những tên tuổi những nhà cách mạng tiêu biểu như Hồ Chí Minh, Nguyễn Lương Bằng, Đặng Xuân Khu (Trường Chinh), Đặng Thai Mai, Lê Văn Hiến… Chính những vị này với bản chất cộng sản đã dự thảo nên một bản hiến pháp định hướng cho mọi hoạt động của Quốc hội và Chính phủ sau này. Và cũng với tinh thần, tư cách cộng sản ấy, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã điều hành kỳ họp Quốc hội đầu tiên của khóa I đầy phức tạp, khó khăn trở nên độc đáo, đoàn kết vì đại cục đất nước lúc bầy giờ.  Và ngay cả giới thiệu thành phần Hội đồng Chính phủ mới để Quốc hội khóa I bầu chính thức, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã cử 3 cán bộ của Đảng và những người gần gũi, cảm tình với Đảng giữ những vị trí chủ chốt, quan trọng như Bộ trưởng Nội vụ, Tài chính, Tư pháp, Giáo dục…

Thứ tư, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt ra tiền lệ, mở ra lịch sử chất vấn và trả lời chất vấn cho Quốc hội Việt Nam. Tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa I, từ ngày 28/10 đến ngày 09/11/1946, Chủ tich Hồ Chí Minh mở đầu phiên chất vấn bằng việc công bố số lượng các chất vấn được gửi đến và Người đã thay mặt Chính phủ trả lời các câu hỏi này cũng  như các câu hỏi trực tiếp tại chỗ. Chính Người đã nhận xét: Quốc hội được bầu ra được hơn 8 tháng… vậy mà đã đặt ra những câu hỏi thật già dặn, thắc mắc khó trả lời, đề cập tới tất cả những vấn đề có quan hệ đến vận mạng của nước nhà… Và Người đã trả lời không sót các câu hỏi nào một cách thẳng thắn, minh bạch, trung thực, có sức thuyết phục được các đại biểu hoan nghênh nhiệt liệt. Ví như khi trả lời chất vấn về Quốc kỳ, vấn để mà trước đây Việt Cách đã có lần đòi thay đổi, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên tiếng một cách đanh thép: “Lá cờ đỏ sao vàng đã nhuộm bao nhiêu máu chiến sỹ Việt Nam ở Nam bộ và Nam Trung bộ, đã đi từ Á sang Âu, từ Âu sang Á, tới đâu cũng được chào kính cẩn. Bây giờ, trừ khi cả 25 triệu đồng bào, còn ngoài ra không ai có quyền gì mà đòi thay đổi”. Khi trả lời vấn đề ký Tạm ước 14/9 với Pháp, Người giải thích những băn khoăn của các đại biểu và dân chúng “ Với bản Tạm ước ấy mỗi bên nhượng một ít, ta bảo đảm những quyền lợi về kinh tế và văn hóa ở đây thì Pháp cũng phải thi hành tự do dân chủ ở Nam bộ, thả các nhà ái quốc bị bắt bớ. Còn nói Pháp không thành thật thi hành Tạm ước thì ta vơ đũa cả nắm. Pháp cũng có người tốt, người xấu. Tôi có thể nói quyết rằng nhân dân Pháp bây giờ đại đa số tán thành ta độc lập và thống nhất”…

Có thể khẳng định rằng, là người ra đi tìm đường cứu nước, từng đi khắp các châu lục, Bác Hồ đã hiểu thấu nền chính trị và văn hóa, mô hình thể chế và cách thức phát triển của nhiều quốc gia. Vì thế khi về nước lãnh đạo toàn dân giành độc lập tự do, thiết lập chính quyền và Quốc hội đầu tiên cho đất nước, dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn mô hình cộng hòa, dân chủ cho Quốc hội lập hiến của Việt Nam và khai mở cách thức hoạt động như thế nào cho hiệu quả. Quốc hội khóa I trong hoàn cành đặc biệt, vì thế trở thành một Quốc hội thống nhất cả nước, tập hợp ý chí toàn dân, hoạt động khách quan, hiệu quả, quyết định đúng đắn nhiều vấn đề hệ trọng của đất nước buổi mới thành lập. Đó là một Quốc hội hiện đại mang đậm dấu ấn nền dân chủ do lãnh tụ Hồ Chí Minh – Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới gây dựng, Người đã để lại một di sản quý giá, đặt nền móng vững chắc cho phát triển các khóa Quốc hội Việt Nam sau này.■

Nguyễn Hồng Thái – Lê Anh Tuấn

 

Chú thích:

[1],2 Bác Hồ với Quốc hội Việt Nam, nxb Trẻ, tp HCM 2021, tr.9

[2] Bác Hồ với Quốc hội Việt Nam, NXB Trẻ, TpHCM 2021, tr 13

[3] Lịch sử Quốc hội Việt Nam (1946-1954), tập 1 Công thông tin điện tử Quốc hội nước CHXHCNVN.

[4] Báo Cứu quốc số 134 ra ngày 05-1-1946

[5] Lịch sử Quốc hội Việt Nam (1946-1954), tập 1 Công thông tin điện tử Quốc hội nước CHXHCNVN

[6] Dẫn theo Bác Hồ với Quốc hội Việt Nam, sách đã dẫn trang 47

[7] Diễn văn khai macj và báo cáo của Hồ Chủ tịch tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I, ngày 02-3-1946 , Văn kiện Quốc hội toàn tập , tập 1, NXB CYQGST , tr42

[8] Bác Hồ với Quốc hội Việt Nam , sdd trang 11

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN