Đầu tư để Việt Nam trở thành trung tâm giáo dục quốc tế

Giáo dục là quốc sách. Sự phát triển của Việt Nam trong những năm tới không thể bền vững nếu không đào tạo được những thế hệ mới có đủ tri thức và trình độ vươn tới tầm khu vực và thế giới. Để làm được điều này cần chú trọng đầu tư, nhưng đầu tư bao nhiêu và đầu tư như thế nào là vấn đề. Đầu tư cho giáo dục không dễ và đất nước phải đối mặt với không ít thách thức.

Việt Nam thật sự quan tâm tới giáo dục và đã xác định ngân sách nhà nước cần dành tối thiểu 20% tổng chi cho giáo dục, đào tạo. Theo Báo cáo phân tích ngành Giáo dục Việt Năm năm 2011-2020, mức đầu tư cho giáo dục có xu hướng tăng đều trong giai đoạn 2011-2020, trung bình đạt khoảng 17-18% ngân sách, có năm gần 19%. So với Mỹ (13%), Indonesia (17,5%), Singapore (19,9%) và nhiều quốc gia khác, mức chi ngân sách nhà nước cho giáo dục của Việt Nam không hề thấp. Tính theo tỷ lệ GDP, mức chi tiêu cho giáo dục của Việt Nam tương đương 4,9% GDP, cao hơn hầu hết các nước khác trong ASEAN gồm Campuchia 1,9%, Singapore 2,9%, Lào 3,3%.

Dù vậy, trong 10 năm qua, chưa khi nào đầu tư giáo giục đạt mức tối thiểu là 20% ngân sách như mục tiêu đã đề ra. Không đạt mục tiêu về mặt con số chỉ là một khía cạnh nhỏ, vấn đề thực sự là số tiền đầu tư được sử dụng như thế nào để có hiệu quả thực chất. Đây là vấn đề lớn. Hiện nay, ngân sách địa phương phân bổ cho hoạt động giáo dục chủ yếu là chi lương cho giáo viên. Đây chỉ là duy trì hoạt động thường xuyên của bộ máy. Chính vì thế, dù chi nhiều, nhiều trường công lập không đủ nguồn tài chính cần thiết để bù đắp chi phí đào tạo và không có tiền tái đầu tư để nâng cao chất lượng.

Việc thiếu trường học đã tạo nên tình trạng quá tải tại các trường công lập và gây áp lực cho các kỳ thi chuyển cấp, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Hình minh họa: báo Tổ quốc

Hà Nội mới công bố còn thiếu 49 trường học tại 8 quận. Việc thiếu trường học nghiêm trọng này đã tạo nên tình trạng quá tải tại các trường công lập và gây áp lực cho công tác tuyển sinh đầu cấp năm học 2023 – 2024. Tình hình ở thành phố Hồ Chí Minh cũng nghiêm trọng không kém. Mới đây nhất, chính quyền thành phố đã phải kêu gọi tư nhân xây 86 trường học. Thành phố ước tính cần thêm 8.000 phòng học mới tới năm 2025 để đáp ứng đủ quy mô và tốc độ tăng dân số hiện nay. Các tỉnh thành địa phương khác đều ít nhiều đối mặt với tình trạng tương tự. Giáo dục và đào tạo cũng chưa thu hút được nhiều nguồn lực ngoài nhà nước đầu tư.

Những người tâm huyết với giáo dục đã trăn trở đúng, chúng ta nói giáo dục là quốc sách hàng đầu nhưng các chính sách thúc đẩy quan điểm này phải được làm mạnh hơn nữa, theo một số phương hướng chủ đạo:

Thứ nhất, phải bằng mọi cách xã hội hoá để kêu gọi tư nhân cũng hợp tác đầu tư vào lĩnh vực này thì mới có đủ sức mạnh bứt phá trong giáo dục. Việt Nam cần nhiều những doanh nghiệp tư nhân như Vingroup trong lĩnh vực giáo dục để mở rộng số lượng các trường tư thục. Lấy Hải Phòng làm ví dụ. Thành phố hiện chỉ có 8 trường liên cấp và một trường liên cấp quốc tế, trong đó có 419 trường công lập. Số lượng các đơn vị giáo dục ngoài công lập còn khiêm tốn so với số lượng học sinh tăng nhanh và tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ của Hải Phòng. Các nghị quyết về phát triển giáo dục của thành phố cho tới năm 2025 và 2030 đều ghi rõ phải tăng số lượng các trường tư thục thì mới đáp ứng được.

Thực tế, các thành phố lớn đều chịu chung sức ép thiếu trường này nên trong năm 2023, một số địa phương đã có những thay đổi chính sách theo hướng rất tích cực và cởi mở. Sở Giáo dục thành phố Hồ Chí Minh thậm chí đã mời doanh nghiệp giáo dục tư nhân hoạt động trong lĩnh vực giáo dục đến để đối thoại thẳng thắn và kêu gọi đầu tư theo mô hình đối tác công tư. Sự chủ động của nhà nước để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư cho giáo dục như vậy phải được nhân rộng.

Thứ hai, nút thắt đất đai để mở trường mới phải được tháo gỡ ngay. Với các nhà đầu tư giáo dục chuyên nghiệp, vấn đề chính nằm ở quỹ đất, các tập đoàn giáo dục gặp không ít khó khăn liên quan tới đất. Đầu tiên là thông tin về quỹ đất dành cho giáo dục không được công khai, nên phải vất vả tìm kiếm. Thứ hai, chi phí nhận chuyển nhượng đất giáo dục quá cao, có nơi đội lên tới 8-10 triệu/m2. Trường sở đòi hỏi đất rộng trong khi mức giá ấy khiến nhà đầu tư ngay lập tức nản lòng. Cuối cùng là vấn đề đấu giá đất giáo dục. Trong quá trình đấu giá, một số cá nhân tổ chức đẩy giá đất lên cao, gây khó khăn cho các tổ chức giáo dục thực sự cần đất mở trường. Những nhà đầu tư thắng đấu giá sau đó không mở trường mà chờ giá lên để bán lại dự án cho người cần. Tất cả những việc này đều làm phức tạp và làm chậm trễ quá trình phát triển giáo dục.

Nhà nước hơn bao giờ hết cần tăng cường việc kiểm soát quản lý việc sử dụng đất giáo dục. Đối với các dự án giáo dục chậm tiến độ, chủ đầu tư không đủ năng lực và cam kết thực hiện, cần cưỡng chế thu hồi, tổ chức đấu giá cho các nhà đầu tư mới. Các chuyên gia đã khuyến nghị nhà nước cân nhắc khung giá riêng cho đất giáo dục chỉ bằng 1/15 đến 1/20 đất thổ cư. Quan trọng không kém là phải tìm mọi cách giảm bớt các thủ tục hành chính cho việc tiếp cận đất giáo dục cũng như xây dựng, đầu tư và vận hành trường học. Mới đây, chính quyền thành phố Hồ Chí Minh dự kiến đưa ra những chính sách rất hấp dẫn như nhà nước cấp đất và thậm chí trả lãi vay trong 7 năm để đơn vị tư nhân xây trường. Những sáng kiến đột phá như vậy có thể được phát huy ở nhiều địa phương khác. Rất đáng mừng là những xu thế như vậy đang ngày một phổ biến.

Thứ ba, ngân sách nhà nước phải dành nguồn lực cho cải tạo, mở rộng và nâng cấp trường công. Trường công quá tải là hiện tượng đã không ít lần được đề cập. Các trường không chỉ thiếu lớp học mà các mảng không gian phụ trợ khác như sân chơi, thư viện, phòng thí nghiệm, nhà ăn… đều bị bó hẹp. Tỷ lệ quy hoạch trường học ở các quận, huyện ngoại thành TP HCM là khoảng 10-15 m2/học sinh. Tỷ lệ này ở các quận nội thành còn thấp hơn. Đây là số liệu thấp so với khu vực và thế giới, khiến mục tiêu kiến tạo những không gian giáo dục khang trang, hiện đại cho trẻ em gặp rất nhiều thách thức.

Thứ tư, các nhà đầu tư bất động sản và đầu tư giáo dục cùng ý thức bắt tay với nhau để hợp sức với nhà nước đầu tư cho giáo dục. Giá trị bất động sản trong khu đô thị thường tăng khi có trường học lớn, uy tín ở gần. Ví dụ tại Trung Quốc giá nhà quanh các trường học nổi tiếng ở Thượng Hải tăng trung bình 20% một năm. Lợi ích lớn như vậy nên không ít nhà đầu tư bất động sản cũng đầu tư luôn vào việc mở trường. Tuy nhiên, không phải tất cả các chủ đầu tư đều thành công. Có những trường đầu tư bảy tám trăm tỉ đồng nhưng chỉ tuyển được trên 10% kế hoạch dự kiến. Nhiều trường đầu tư năm sáu trăm tỉ thậm chí không tuyển được quá 100 học sinh, chủ đầu tư cứ càng làm càng lỗ do không chuyên về giáo dục, không có thương hiệu trường đủ mạnh để cha mẹ học sinh gửi con em vào. Trường ở gần nhà nhưng cha mẹ vẫn thích xin học cho con ở những trường điểm xa xôi. Một số nhà đầu tư bất động sản đã phải bán lại trường cho những đơn vị vận hành giáo dục chuyên nghiệp vì không thể duy trì hoạt động. Vì vậy, sự hợp tác giữa các nhà đầu tư bất động sản và các đơn vị vận hành giáo dục chuyên nghiệp đem lại nhiều lợi ích. Nhà đầu tư bất động sản có thể tận dụng mảnh đất một cách hiệu quả, có thu nhập ổn định từ đất mà không cần lo lắng về việc vận hành trường lớp. Trong khi đó, các đơn vị giáo dục chỉ tập trung vào xây dựng chương trình chất lượng cao thay vì loay hoay với đất đai và cơ sở hạ tầng. Quan trọng hơn hết là đạt được mục tiêu đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về giáo dục đào tạo của đất nước.

Giáo dục Việt Nam cần đi tiên phong trong những lĩnh vực đào tạo mới trong kỷ nguyên công nghệ cao và tăng cường hợp tác với những trường đại học, trung tâm nghiên cứu uy tín của nước ngoài. Hình minh họa: Đại học VinUni

Thứ năm, nhà nước và tư nhân cùng hợp tác hỗ trợ để Việt Nam đi tiên phong trong những lĩnh vực đào tạo mới, đi tắt đón đầu trong kỷ nguyên công nghệ cao. Ví dụ điển hình là Đại học FPT đang đào tạo khoảng 2.000 học sinh, sinh viên tại Bình Định nhưng đang định hướng đào tạo chuyên sâu về AI. Dự án Trung tâm Trí tuệ nhân tạo – Đô thị phụ trợ quy mô 93,24 ha với tổng vốn đầu tư 4.362 tỷ đồng, tại thành phố Quy Nhơn do FPT làm chủ đầu tư là con đường đúng đắn. Dự án được triển khai với mục tiêu thúc đẩy sáng tạo, đầu tư, nghiên cứu phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo và hình thành khu đô thị phụ trợ với tính chất chính là đô thị trí tuệ nhân tạo góp phần thu hút và giữ chân nhân tài công nghệ, góp phần đưa Bình Định nói riêng và Việt Nam thành trung tâm AI của khu vực. Những mô hình mới như vậy nên được lan toả và cần được chính quyền đồng tâm thúc đẩy.

Thứ sáu, lĩnh vực giáo dục chỉ có thể phát triển trong sự hợp tác với những trường đại học, trung tâm nghiên cứu hàng đầu của nước ngoài. Việt Nam đã đi sau và không thể chậm trễ hơn nữa. Một cách làm đáng hoan nghênh là trường hợp Đại học VinUni ngay từ đầu đã thiết lập đối tác chiến lược với 2 đại học hàng đầu của Mỹ là Cornell và Pennsylvania, cùng xây dựng chương trình và tạo bệ phóng để các sinh viên Việt Nam được học theo chuẩn cao nhất của thế giới. Năm học 2022-2023, VinUni cũng gửi 50 sinh viên đến các trường top đầu thế giới tại Bắc Mỹ, châu Âu, Singapore, Úc, Hàn Quốc và Isarel để theo học một học kỳ. Trường cũng có ban giảng huấn là các giáo sư hầu hết là những nhà khoa học nước ngoài có tên tuổi trực tiếp giảng dậy cơ hữu tại Việt Nam. Có thể nói, chắt lọc tinh hoa toàn cầu và bắt tay với những đối tác quốc tế hàng đầu là cách tiếp cận giúp các trường ở Việt Nam tăng tốc, để đất nước sớm có những đại học đổi mới sáng tạo hàng đầu thế giới.

Nhu cầu cầu học tập hiện nay ở Việt Nam rất lớn và để đạt mục tiêu trở thành nước phát triển trong kỷ nguyên mới, Việt Nam không thể không đầu tư mạnh, toàn diện, quyết liệt cho giáo dục. Đây không phải là con đường trải thảm mà là một hành trình gian khó, đòi hỏi rất nhiều chính sách và sáng kiến đột phát. Tất cả các bên, từ nhà nước tới nhà đầu tư giáo dục và nhà phát triển bất động sản phải cùng hợp tác mới có thể đạt được giấc mơ này. Một ngày, Việt Nam trở thành một trung tâm giáo dục quốc tế là khát vọng có thể đạt được bằng trí tuệ của tầng lớp tinh hoa đất nước.■

 Bình Minh

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN