Đánh giá nền kinh tế toàn cầu vẫn đang tăng trưởng ổn định, song Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng cảnh báo đà phục hồi này có thể bị đe dọa bởi xung đột thương mại giữa các trung tâm kinh tế hàng đầu thế giới.
Trong báo cáo cập nhật về dự báo tăng trưởng triển vọng kinh tế toàn cầu công bố ngày 16-7, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã lên tiếng cảnh báo, các cuộc xung đột thương mại đang leo thang và kéo dài có nguy cơ đe dọa tới sự phục hồi kinh tế và làm giảm triển vọng tăng trưởng kinh tế về trung hạn. Theo IMF, việc các cường quốc kinh tế như Mỹ, Trung Quốc và một số nước khác không ngừng đe dọa áp thuế lên hàng hóa của nhau sẽ không những gây tác động trực tiếp tới nhu cầu mà còn làm gia tăng bất ổn và gây phương hại tới hoạt động đầu tư trên toàn cầu.
Lời cảnh báo của định chế tài chính hàng đầu thế giới được đưa ra trong bối cảnh giữa Mỹ và các trung tâm kinh tế hàng đầu của thế giới như Trung Quốc – cường quốc kinh tế số 2 thế giới sau Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đang xảy ra xung đột thương mại gay gắt. Thay vì ngồi vào đàm phán để tìm kiếm tiếng nói chung, các bên liên quan liên tục dùng thuế quan như là một thứ vũ khí để trừng phạt lẫn nhau.
Mỹ và các quốc gia thuộc EU lao vào một cuộc chiến thương mại sau khi Mỹ áp thuế 2,5% đối với ô tô chở khách nhập khẩu từ liên minh vốn là đồng minh thân thiết này và mức thuế 25% đối với xe bán tải nhập khẩu. EU cũng chẳng phải vừa khi lập tức áp thuế 10% đối với ô tô nhập khẩu từ Mỹ để trả đũa.
Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và châu Âu chưa có dấu hiệu dừng lại khi Tổng thống Mỹ Donald Trump sau đó tiếp tục đe dọa áp thuế 20% đối với toàn bộ ô tô nhập khẩu từ EU nếu khối thị trường chung này không sớm gỡ bỏ các thuế quan và rào cản thương mại của liên minh đối với hàng hóa như thuốc lá, rượu bourbon, quần bò hay xe máy phân khối lớn của Mỹ.
Gay gắt và được cho là nghiêm trọng cũng như tác động lớn hơn nhiều là xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Trung Quốc và Mỹ đã khai hỏa “cuộc chiến thương mại lớn nhất trong lịch sử kinh tế” từ ngày 6-7 vừa qua khi quyết định của chính quyền Tổng thống Donald Trump áp mức thuế mới 25% đối với hàng hóa nhập khẩu trị giá 34 tỷ USD từ Trung Quốc, chủ yếu là máy móc, thiết bị điện tử và công nghệ cao, chính thức có hiệu lực. Ngay sau đó, Trung Quốc cũng tuyên bố các biện pháp trả đũa nhằm vào Mỹ lập tức có hiệu lực.
Xung đột thương mại giữa hai cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới còn có nguy cơ leo thang nguy hiểm hơn nữa khi Tổng thống Donald Trump đã cảnh báo rằng Washington sẵn sàng áp thêm mức thuế 10% đối với hàng hóa của Trung Quốc trị giá 200-300 tỷ USD nếu Bắc Kinh từ chối nhượng bộ các yêu cầu của Mỹ. Nếu cảnh báo của ông chủ Nhà trắng được hiện thực hóa, tổng số hàng hóa của Trung Quốc bị Mỹ áp thuế có thể lên tới hơn 550 tỷ USD, cao hơn cả mức 506 tỷ USD giá trị hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ năm 2017.
Dù trong báo cáo ngày 16-7, IMF chưa thay đổi dự báo tăng trưởng toàn cầu ở mức 3,9% cho cả năm 2018 và 2019 so với dự báo đưa ra hồi tháng 4 vừa qua, song lo ngại xung đột thương mại sẽ tác động tiêu cực tới kinh tế toàn cầu trong trung hạn. Nhà kinh tế trưởng của IMF Maury Obstfeld nhận định rằng, nếu các đe dọa về chính sách thương mại hiện hành trở thành hiện thực thì sẽ dẫn tới lòng tin kinh doanh giảm sút, sản lượng toàn cầu năm 2020 có thể giảm khoảng 0,5% so với dự báo hiện nay.
ANTĐ