Hội thảo do Chương trình nghiên cứu Mỹ thuộc Trung tâm nghiên cứu Canada, Mỹ và Mỹ Latinh của Đại học Jawaharlal Nehru và Viện nghiên cứu Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương Kalinga phối hợp tổ chức.
Tham dự hội thảo có đông đảo giáo sư, học giả, các nhà nghiên cứu ở Ấn Độ và nước ngoài. Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Tôn Sinh Thành đã tham dự và có bài phát biểu.
Phát biểu tại hội thảo, Đại sứ Tôn sinh Thành cho rằng khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đã và đang là chủ đề được nhiều người quan tâm trong bối cảnh có những thay đổi nhanh chóng và phức tạp trên thế giới và khu vực, sự thay đổi trong cán cân quyền lực và những thách thức ngày càng nghiêm trọng đối với hòa bình, ổn định và phát triển, đặc biệt là với an ninh hàng hải ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và tình hình hiện nay ở Biển Đông là một trong những mối đe dọa cho hòa bình, ổn định, tự do hàng hải, hàng không và thương mại ở khu vực này.
Theo ông, hiện nay, thế giới đang chứng kiến không chỉ hoạt động bồi đắp và xây đảo nhân tạo ở Biển Đông mà còn cả hoạt động quân sự hóa thông qua việc lắp đặt các thiết bị và vũ khí có khả năng kiểm soát Biển Đông. Những hoạt động này đang đe dọa không chỉ chủ quyền của các nước Đông Nam Á mà còn cả tới tự do hàng hải, hàng không và thương mại của những nước ở ngoài khu vực này. Theo Đại sứ, nếu những thách thức chung ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương không được các nước trong và ngoài khu vực chung tay giải quyết thì khu vực này sẽ bị chia rẽ và giấc mơ về một khu vực đại dương rộng mở và tự do sẽ không bao giờ trở thành hiện thực.
Đại sứ Tôn Sinh Thành nhấn mạnh đối với Việt Nam, khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nói chung và khu vực Biển Đông nói riêng là vô cùng quan trọng. Tại khu vực Biển Đông, Việt Nam có chủ quyền không chỉ với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà còn với 3.000 hòn đảo lớn nhỏ khác. Với đường bờ biển dài 3.260 km trải dài từ Bắc tới Nam, Việt Nam có hơn 1 triệu km2 vùng đặc quyền kinh tế theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển, Biển Đông có tầm quan trọng sống còn với nền kinh tế Việt Nam khi khu vực này trở thành cửa ngõ chính để Việt Nam đi ra thế giới và nếu khu vực này bị độc chiếm thì không chỉ an ninh của Việt Nam bị đe dọa mà nền kinh tế của Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Ngoài ra, Đại sứ Tôn Sinh Thành khẳng định khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương rộng lớn hơn cũng có tầm quan trọng sống còn với Việt Nam vì hầu hết các đối tác chiến lược và kinh tế lớn nhất của Việt Nam đều nằm ở khu vực này nên những thách thức đối với hòa bình, an ninh và phát triển của khu vực này cũng là những thách thức đối với Việt Nam.
Đại sứ nhắc lại bài phát biểu của Chủ tịch nước Trần Đại Quang trước các chính khách, giáo sư, nhà nghiên cứu, học giả và các sinh viên Ấn Độ ở Bảo tàng tưởng niệm Nehru hồi tháng 3 vừa qua, trong đó nêu rõ tất cả các nước cần chia sẻ tầm nhìn chung về một khu vực mở, dựa trên luật pháp quốc tế, cùng chia sẻ lợi ích trong việc duy trì hòa bình, ổn định và sự thịnh vượng bao trùm, trong đó không một quốc gia, không một dân tộc nào, không một nhóm dân cư nào bị bỏ lại phía sau; tất cả các nước cùng nỗ lực bảo vệ sự tự do, thông suốt của các tuyến đường hàng hải, hàng không, thương mại để Ấn Độ Dương – châu Á – Thái Bình Dương không bị chia cắt thành các khu vực ảnh hưởng, bị thao túng bởi chính trị cường quyền, bị ngăn cản bởi chủ nghĩa bảo hộ hay bị chia rẽ bởi chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi.
Các nước cần nỗ lực hình thành các cơ chế hữu hiệu để duy trì hòa bình, ổn định và thượng tôn pháp luật, bảo đảm an ninh chung, ngăn ngừa xung đột và chiến tranh, ứng phó hiệu quả với những thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống.
Đại sứ Tôn Sinh Thành cho biết quan điểm của Việt Nam về khu vực Ấn Độ Dương – châu Á – Thái Bình Dương có sự hội tụ trên nhiều phương diện với tầm nhìn của Ấn Độ về khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, tầm nhìn đã được Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi công bố trong bài phát biểu quan trọng tại Đối thoại Shangri-La diễn ra ngày 1/6 vừa qua ở Singapore khi cả hai nước đều nhấn mạnh đến sự tham gia của tất cả các nước tại hai đại dương này và cả trên đất liền. Đại sứ nêu rõ cả Ấn Độ và Việt Nam đều muốn can dự chứ không phải đối đầu trong việc giải quyết các vấn đề trong khu vực này.
Hội thảo đã có các phiên thảo luận như “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương: Khái niệm và triển vọng”; “Những vấn đề & Thách thức”; “Những diễn tiến ở Ấn Độ Dương”; và “Những vấn đề an ninh”. Những người tham gia thảo luận đều khẳng định khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đang nổi lên là khu vực quan trọng nhất. Tầm quan trọng này càng được khẳng định khi nơi đây trở thành một trung tâm đầu não về địa chính trị và địa kinh tế, đã và đang trở thành hành lang thương mại sầm uất và có tầm quan trọng nhất về mặt chiến lược trên thế giới khi nơi đây là nơi chuyên chở gần 2/3 lượng dầu mỏ và 1/3 lượng hàng vận tải toàn cầu.
Tuy nhiên, việc thiếu vắng những quy tắc hợp tác và biện pháp xây dựng lòng tin đáng tin cậy rồi tranh chấp chưa được giải quyết, sự cạnh tranh những nguồn tài nguyên khan hiếm đang đe dọa nghiêm trọng tới hòa bình và ổn định ở khu vực này. Do đó, những người tham gia hội thảo cho rằng đã đến lúc cần phải nghiên cứu các khía cạnh của trật tự an ninh đang nổi lên ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.