Tôi được anh bạn tặng một bức tranh từ lâu rồi nhưng không để ý tới nó. Bức tranh chia làm hai hình ảnh. Nửa bên trên vẽ một con cá đang hăm hở há miệng chuẩn bị đớp một con tôm nhỏ bé đang sợ hãi cố chạy thoát. Nửa bên dưới vẽ cũng con cá ấy đang há miệng nhưng trợn mắt ngạc nhiên không biết làm cách gì đớp được một con tôm khác, có râu dài và hai mác to sắc nhọn. Con tôm ấy trong tư thế đối đầu với con cá chứ không sợ hãi như con tôm ở bức tranh bên trên.
Người bạn không nói gì khi trao cho tôi bức tranh được bọc giấy cẩn thận; tôi chưa xem bức tranh mà cất nó vào tủ. Gần đây, tìm kiếm một bức tranh treo tường mới có dịp xem bức tranh anh bạn tặng, tôi ngắm nghía và bị cuốn hút vào hình ảnh trong tranh bởi ý nghĩa sâu xa của nó, về hai con cá đớp hai con tôm.
Chúng ta đều biết, trong thế giới động vật có nhiều loại khác nhau, có loài to loài nhỏ, loài lớn loài bé với muôn vàn hình thù và đặc tính đa dạng khác nhau. Muôn loài tồn tại với nhau trong sự đa dạng và nhiều loại cộng sinh với nhau để phát triển. Tuy vậy, dường như quy luật của tạo hóa vẫn là “cá lớn nuốt cá bé”, “kẻ mạnh bắt nạt kẻ yếu”. Những con vật to lớn, hung dữ sẽ là chúa tể, còn các động vật nhỏ bé, hiền lành hơn sẽ chịu lép vế, làm mồi cho giống lớn. Ngay cả đối với động vật cùng chủng loại, con to cũng dễ ăn hiếp con bé. Con to thường ỷ thế muốn làm gì thì làm, còn con bé chỉ lo chống đỡ để tồn tại.
Nhưng hình ảnh tôm và cá trong bức tranh nói ở trên đã gợi ra cho tôi một liên tưởng khác. Dường như các loài nhỏ yếu hơn không phải lúc nào cũng đành chịu thua kẻ mạnh, dường như tạo hóa đã cho các loài nhỏ những công cụ và cách thức đối phó với kẻ mạnh. Quá trình tiến hóa của muôn loài dường như càng củng cố những dạng thức đối phó của các loài nhỏ yếu, đó chính là bản năng sinh tồn của động vật. Vì sự tồn tại của chính nó, để không trở thành “thức ăn” của kẻ khác, mỗi động vật phải tự tìm cho mình cách bảo vệ chính mình và nòi giống mình.
Có thể nói, các phương thức tự phòng vệ của các loài nhỏ bé là điều kỳ diệu của tạo hóa và tiến hóa. Có thể điểm ra muôn vàn “chiến thuật” để tránh trở thành “con mồi”. Loài nhím xù lông nhọn mỗi khi thấy nguy hiểm rình rập, thằn lằn bắn máu ra từ mắt, ếch lông tự bẻ gẫy xương sườn để biến thành gai, một số loài sên tự tiết ra dịch nhầy, tắc kè hoa thay đổi màu da để ngụy trang, thằn lằn tự cắn đuôi để đánh lạc hướng, mực tự phun ra mực như đám mây đen che tầm mắt kẻ tấn công, ngựa vằn có bộ lông sọc trắng đen thực ra là để tạo ảo giác làm hoa mắt đối phương, cua lúc nào cũng có cặp càng lớn, bọ cạp nổi tiếng về nọc độc, chồn nổi tiếng có mùi hôi là vũ khí chiến đấu, bọ xít cũng có hai tuyến tiết mùi hôi trên ngực để phòng vệ, kiến ba khoang dù nhỏ bé nhưng có chất độc pederin tấn công kẻ thù, sứa có khả năng tự phát sáng để kêu gọi cấp cứu từ động vật khác khi bị tấn công…
Như vậy, những loài vật dù bé nhỏ tới đâu cũng đều phải có vũ khí riêng biệt để sinh tồn trong một thế giới mà kẻ mạnh luôn chi phối và bắt nạt kẻ yếu. Trở lại bức tranh người bạn tặng, tôi tạm đặt tên là Câu chuyện giữa Tôm và Cá. Con tôm ở phần bên trên của bức tranh đang bị con cá rượt đuổi và có nguy cơ làm mồi cho cá vì nó quá yếu ớt, từ càng cho đến râu của tôm đều mềm yếu, không gây nguy hiểm gì cho con cá; sự chạy trốn của con tôm cũng rất yếu ớt, chỉ trong khoảng cách nhỏ nữa con cá sẽ đớp nó làm mồi. Nhưng xem hình con tôm con cá ở phần bên dưới của bức tranh thì lại khác: con tôm không sợ hãi con cá to lớn đang lăm le ăn thịt mình bởi lớp có vỏ giáp rắn chắc, đôi mác nhọn sắc và đôi râu vươn dài chính là đôi ăng-ten thính nhậy, đôi mắt sáng quắc đầy dũng mãnh, với tư thế chủ động tấn công lại con cá. Con cá thì mồm há to, giương đôi mắt nhìn con tôm lấy làm kinh sợ, vây thì xù ra và ở trong một tư thế phải đối phó dè chừng chứ không phải tư thế đớp mồi như con cá, con tôm bên trên bức tranh.
Ngắm nhìn hai hình ảnh tôm cá trong bức tranh không đề, tôi thấu hiểu tâm trạng của tác giả muốn nhắn nhủ một ý nghĩa sâu xa nào đó, “cũng như các loài động vật nhỏ bé khác, con tôm cũng biết tạo cho mình một diện mạo, một sức mạnh để tự bảo vệ mình, để cùng tồn tại dưới đại dương mênh mông; nếu chỉ chạy trốn, yếu đuối thì trước sau cũng làm mồi cho cá”. Tôi nghĩ đời sống của mỗi người hay một quốc gia cũng vậy. Xin cảm ơn bạn thân mến.
N.V.H