Báo cáo của Cơ Quan Thông Tin Năng Lượng Hoa Kỳ (U.S. Energy Information Administration)
NĂNG LƯỢNG TẠI BIỂN ĐÔNG
Phần 2
Quy Chế Pháp Lý và Các Tuyên Nhận Lãnh Thổ
Hiện một số nước Châu Á có nhiều sự tuyên nhận tranh giành nhau trên Biển Đông và các nguồn tài nguyên của nó. Cho đến nay, chưa có sự giải quyết quốc tế cho các tranh chấp này. [Trong Tháng 7 năm 2016, đã có phán quyết quan trọng về tình trạng pháp lý của các địa hình tại Biển Đông của Tòa Trọng Tài Thường Trực, chú thích của người dịch]
Biển Đông về mặt lịch sử đã là một nguồn cội xung đột giữa các quốc gia xung quanh. Các thuyền đánh cá từ một nước bị quấy nhiễu bởi các nước tuyên nhận khác, đôi khi dẫn tới việc thường dân bị thiệt mạng. Các công ty được một nước cấp phép để thăm dò dầu hỏa và hơi đốt thiên nhiên đã bị các tàu có vũ trang của các nước tuyên nhận khác không cho tiếp cận các khu vực tranh chấp. Các cuộc đụng độ quân sự diễn ra theo định kỳ giữa các nước duyên hải, vụ nghiêm trọng nhất diễn ra vào năm 1974, khi Trung Quốc chiếm đoạt Quần Đảo Hoàng Sa (Paracels) khỏi tay Việt Nam.
Các Tuyên Nhận Hàng Hải Tại Biển Đông
Quy Chế Pháp Lý
Trong suốt Thế Chiến II, Nhật Bản đã tuyên nhận các chuỗi Quần Đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hòa ước năm 1951 với Nhật Bản đã không nêu rõ nước nào sẽ giành được quyền sở hữu các Quần Đảo Hoàng Sa và Trường Sa sau khi Nhật Bản từ bỏ các tuyên nhận của mình.
Công Ước Liên hợp quốc về Luật Biển (United Nations Convention on the Law of the Sea: UNCLOS) chưa giải quyết các tranh chấp trên quyền sở hữu tại Biển Đông. Công Ước 1982 đã lập ra một số hướng dẫn liên quan đến quy chế của các hòn đảo, thềm lục địa, các khu kinh tế độc quyền (KKTĐQ, tiếng Anh là exclusive economic zone: EEZ), các biển khép kín, và các giới hạn lãnh thổ. Công Ước UNCLOS phát biểu rằng các nước với các tuyên nhận chồng chéo phải giải quyết chúng bằng sự thương thảo với thiện chí.
Theo Điều 121 của Công Ước UNCLOS thứ ba (1973), các hòn đảo có thể phát sinh ra các KKTĐQ của chính chúng và giới định các thềm lục địa. Việc chỉ chiếm cứ các hòn đảo không đương nhiên được phê chuẩn cho các quyền này, đặc biệt tại các khu vực tranh chấp. Vấn đề thực sự là liệu sẽ xem các khối đất này là các hòn đá và đảo nhỏ hay các đảo chính danh. Theo Điều 121(3) của Công Ước UNCLOS, các bãi đá “không thể chống đỡ cho sự cư trú của con người hay đời sống kinh tế của riêng chúng” sẽ không có khu kinh tế độc quyền hay thềm lục địa”.
Các Tuyên Nhận Lãnh Thổ
Các Tuyên Nhận Lãnh Thổ tại Biển Đông
STT | Nước | Biển Đông | Quần đảo
Trường Sa |
Quần đảo
Hoàng Sa |
Vịnh
Thái Lan |
1 | Brunei | UNCLOS | Không tuyên nhận chính thức | Không | — |
2 | Campuchia | — | — | — | UNCLOS |
3 | Trung Quốc | tất cả * | tất cả | tất cả | |
4 | Indonesia | UNCLOS | Không | Không | |
5 | Malaysia | UNCLOS | 3 đảo | Không | UNCLOS |
6 | Phillipines | Các phần đáng kể | 8 đảo | Không | |
7 | Đài Loan | tất cả * | tất cả | tất cả | |
8 | Thái Lan | — | — | — | UNCLOS |
9 | Việt Nam | tất cả * | tất cả | tất cả | UNCLOS |
*Không kể khu vực đệm dọc các quốc gia ven bờ (các tính toán cho vùng đệm không được hay biết). Nguồn: Cơ Quan Thông Tin Năng Lượng Hoa Kỳ (EIA)
Brunei
Brunei không đưa ra bất kỳ tuyên nhận chính thức nào đối với bất kỳ phần nào của Quần Đảo Trường Sa hay Hoàng Sa. Tuy nhiên, từ 1985 nước này đã tuyên nhận một thềm lục địa nối dài cho đến đường trung tuyến giả thuyết với Việt Nam. Theo Malaysia, Lệnh tại Hội Đồng Vương Quốc Anh (U. K. Order in Council) năm 1958 đã ấn định ranh giới trên biển thích đáng giữa Brunei và Malaysia (khi cả hai nước đều là lãnh thổ thuộc Anh quốc) theo đường nối các điểm ở độ sâu 100 sải [fathom, đơn vị đo chiều sâu, bằng 1 mét 82, chú của người dịch] từ bờ biển. Bất kể việc không có bất kỳ tuyên nhận chính thức nào, sự tuyên nhận thềm lục địa, ám chỉ quyền sở hữu Rạn San Hô Louisa Reef, về mặt kỹ thuật là một phần của Quần Đảo Trường Sa. Trung Quốc (kể cả Đài Loan), Malaysia, Việt Nam, và Phillipines đều bác bỏ các tuyên nhận của Brunei đối với khu vực này.
Campuchia
Campuchia tuyên nhận phần của Vịnh Thái Lan dựa trên KKTĐQ của nó và nguyên tắc thềm lục địa, cũng như lịch sử của nó tại Vịnh. Năm 1982, Campuchia đã ký kết Thỏa Ước về Hải Phận Lịch Sử với Việt Nam, sắp đặt cho sự hợp tác sau này giữa hai nước. Trong năm 2006, Campuchia và Việt Nam có loan báo ý định của họ là chia sẻ các nguồn tài nguyên dầu hỏa của Vịnh Thái Lan. Campuchia không có các thỏa ước như thế với Thái Lan hay Malaysia. Campuchia không đưa ra tuyên nhận nào tại Biển Đông.
Trung Quốc
Trung Quốc đặt các tuyên nhận của mình đối với hòn đảo trên các cuộc viễn chinh hải quân lịch sử trở lùi về thế kỷ thứ 15. Trong năm 1947, Trung Hoa Dân Quốc (Republic of China) dưới chính phủ Quốc Dân Đảng có đệ trình một bản đồ chính thức với một “đường vẽ chín đoạn (vạch)” phác họa tầm mức của lãnh thổ Trung Hoa và tiếp tục sử dụng bản đồ này trong văn thư chính thức. Tất cả các quốc gia duyên hải của biển này đều đã phê chuẩn Công Ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) 1982, giới hạn thẩm quyền quốc gia vào lãnh hải hay các khu kinh tế độc quyền đã được phê chuẩn của một nước. Trung Quốc đã đệ trình đường chín đoạn đến UNCLOS trong năm 2009 khi sự tuyên nhận của nó vượt quá 200 hải lý, nhưng không rõ là Trung Quốc tuyên nhận các địa hình nằm trong đường chín đoạn và các KTTĐQ mà chúng sẽ phát sinh, hay toàn thể khu vực trong phạm vi đường vẽ.
Trung Quốc gọi các Quần Đảo Spratlys (Trường Sa), Paracels (Hoàng Sa), Pratas, và Scarborough Reef lần lượt là Nansha Qundao, Xisha Qundao, Dongsha Qundao, và Huangyan Dao, tuyên nhận các quần đảo này cũng như tất cả các địa hình trên mặt nước hay dưới biển bên trong phạm vi đường chín vạch trên các bản đồ Biển Đông của Trung Quốc. Trung Quốc xem Rạn San Hô Scarborough Reef, cũng được tuyên nhận bởi Phillipines, như một bộ phận của Bãi Cát Macclesfield Bank có phần khô ráo (Zhongsha Qundao). Trung Quốc đã chấp thuận đường vẽ chín đoạn từ các bản đồ Quốc Dân Đảng được vẽ trong năm 1947, dẫn tới việc các tuyên nhận của Đài Loan phần lớn trùng hợp với tuyên nhận của Trung Quốc. Trung Quốc xem khu vực nằm trong các vạch là một phần của Tỉnh Hải Nam và đã chỉ không gian hàng hải trong đó là “các hải phận thuộc lãnh thổ: territorial waters” của Trung Quốc, một từ ngữ không được xác định, rõ ràng không phù hợp với các thể chế tiêu chuẩn về biển được cho phép chiếu theo luật quốc tế. Các nhà khảo cổ học Trung Quốc khẳng định các đảo tại Biển Đông từng là địa điểm cổ đại của các hoạt động đánh cá và thương mại, và các tài liệu Trung Hoa có ghi chép các cuộc viễn chinh hải quân đến Biển Đông trong Triều Đại nhà Hán vào năm 110 Sau Công Nguyên và Triều Đại nhà Minh từ 1403 – 1433. Trung Hoa tranh luận Công Ước Pháp-Hoa năm 1887 đã phân chia mọi địa hình phía đông Trung Hoa theo kinh tuyến 108003’E. Trung Quốc chiếm đóng một vài đảo của Quần Đảo Trường Sa và chiếm đoạt tất cả các hòn đảo tại Hoàng Sa từ Việt Nam trong năm 1974. Brunei, Malaysia, Phillipines, và Việt Nam tranh chấp các tuyên nhận của Trung Quốc.
Trong Tháng Sáu 2012, Trung Quốc có loan báo rằng họ đã thiết lập một thành phố cấp huyện gọi là Sansha được giám sát trực tiếp bởi chính quyền trung ương trên Đảo Woody [Phú Lâm trong tiếng Việt, Yongxing trong tiếng Hán] thuộc Quần Đảo Hoàng Sa. Sansha sẽ quản trị Quản Đảo Hoàng Sa, Quần Đảo Trường Sa, và Bãi Cát Macclesfield.
Indonesia
Indonesia giới hạn tuyên nhận của mình tại Biển Đông đến các ranh giới của KKTĐQ và thềm lục địa. Indonesia không tuyên nhận Quần Đảo Trường Sa hay Hoàng Sa. Tuy nhiên, trong năm 1996, Indonesia đã thực hiện một cuộc thao diễn quân sự trên quy mô rộng lớn tại biển này, đã viện dẫn một nhu cầu cần bảo đảm an ninh cho các dự án năng lượng tại lưu vực Natuna.
Phillipines
Phillipines có tuyên nhận Rạn San Hô Scarborough Reef cũng như một phần lớn Quần Đảo Trường Sa như đất vô chủ: terra nullius, trong các cuộc thăm dò tại Biển Đông bắt đầu từ Tháng Năm 1956. Nước này đã gọi phần tuyên nhận thuộc Quần Đảo Trường Sa là Nhóm Đảo Kalayaan (Nhóm Đảo Tự Do) và chiếm cứ một vài đảo của quần đảo này. Họ xác định Quần Đảo Trường Sa và Rạn San Hô Scarborough Reef như một “thể chế các hòn đảo” đặc biệt, khác biệt với phần còn lại của vòng cung đảo Phillipines. Trung Quốc (kể cả Đài Loan), Malaysia, và Việt Nam phản đối các tuyên nhận của Phillipines.
Đài Loan
Đài Loan, giống như Trung Quốc, khẳng định chủ quyền “lịch sử” trên tất cả mọi địa hình được vẽ nằm trong các đoạn nguyên thủy được trình bày trên một bản đồ được ấn hành bởi chính quyền Quốc Dân Đảng trong năm 1947 – gồm cả Quần Đảo Trường Sa, Quần Đảo Hoàng Sa, Đảo Pratas, và Rạn San Hô Scarborough Reef. Đài Loan chiếm đóng một vài đảo thuộc Quần Đảo Trường Sa và quản trị Đảo Pratas. Brunei, Malaysia, Phillipines, và Việt Nam phản đối các tuyên nhận của Đài Loan, vốn trùng hợp với các tuyên nhận của Trung Quốc.
Thái Lan
Thái Lan tuyên nhận Vịnh Thái Lan dựa trên nguyên tắc về KKTĐQ và thềm lục địa của mình. Chính phủ có ký kết một thỏa ước hợp tác để thăm dò và phát triển với Malaysia trong năm 1979. Trong năm 1997, Thái Lan và Việt Nam có ký kết một thỏa ước ấn định sự phân định các ranh giới trên biển liên hệ của họ. Thái Lan không có sự tuyên nhận tại Biển Đông.
Việt Nam
Việt Nam tuyên nhận toàn thể Quần Đảo Trường Sa và Quần Đảo Hoàng Sa. Tuy nhiên, tầm mức các sự tuyên nhận trên biển và lãnh thổ của Việt Nam tại Biển Đông đã không được phác họa trong văn bản hay trên các bản đồ. Việt Nam xem Quần Đảo Trường Sa là một huyện ngoài khơi của Tỉnh Khánh Hòa và chiếm đóng một vài đảo trong chúng. Trung Quốc đã chiếm đoạt toàn thể Quần Đảo Hoàng Sa trong năm 1974. Giống như Trung Quốc, các nhà khảo cổ học của Việt Nam cung cấp bằng chứng của riêng họ để hậu thuẫn cho một sự hiện diện lịch sử lâu dài trên các địa hình khác nhau của Biển Đông. Hà Nội tuyên nhận rằng bởi vì nước Pháp đã kiểm soát cả hai nhóm đảo trong những năm 1930, Việt Nam đã thừa kế các quyền đó sau khi độc lập. Brunei, Trung Quốc (kể cả Đài Loan), Malaysia, và Phillipines tranh chấp với các tuyên nhận của Việt Nam.
Trong Tháng Năm 2009, Việt Nam và Malaysia đã cùng đệ nạp các tuyên nhận lãnh thổ của họ tại Biển Đông lên Ủy Hội LHQ về Các Giới Hạn của Thềm Lục Địa. Trong Tháng Sáu 2012, Việt Nam đã thông qua một luật biển tuyên nhận quyền tài phán trên các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa và đòi hỏi rằng mọi tàu hải quân nước ngoài phải đăng ký với nhà chức trách Việt Nam.
Các Xung Đột Trong Vùng và những Nỗ Lực Điều Giải
Hiệp Hội Các Nước Đông Nam Á (ASEAN) đã xuất hiện như một diễn đàn quan trọng cho sự đối thoại giữa các nước tuyên nhận Đông Nam Á. Mặc dù khối ASEAN không bao gồm Trung Quốc và Đài Loan, nhưng một số nhóm công tác với Trung Quốc và Đài Loan đã được tổ chức về các vấn đề này với tiềm năng hỗ trợ cho các mối quan hệ cần thiết để giải quyết các vấn đề gây nhiều tranh tụng hơn trong vùng.
Indonesia đã chào đón cuộc đối thoại đầu tiên trong năm 1990 và từ đó đã đóng một vai trò lãnh đạo trong các sáng kiến ngoại giao và các thỏa ước hợp tác để giải quyết các vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, các nước đã thất bại không thông qua được bất kỳ nghị quyết nào trong phiên họp cuối cùng của khối ASEAN tại Jakarta hồi năm 2012.
————
CHÚ THÍCH
Các dữ liệu trình bày trong văn bản là các dữ liệu gần nhất được cung cấp cho đến ngày 7 Tháng Hai, 2013
Các dữ liệu là các số ước lượng của Cơ Quan EIA, trừ khi được ghi chú một cách khác.——————
Nguồn
• Association of Southeast Asian Nations
• Bangkok Post
• BBC Monitoring Asia Pacific
• Business Monitor International
• Cedigaz
• Center for Strategic and International Studies
• China National Offshore Oil Corporation
• Danish Institute for International Studies
• Economic Intelligence Unit
• ESRI
• FACTS Global Energy
• Financial Times
• Husky Energy
• HIS/Edin
• HIS/Global Insight
• Institute of Southeast Asia Studies
• International Crisis Group
• International Energy Agency
• International Hydrographic Organization
• Lloyd’s List Intelligence Tanker Tracking Service
• New Straits Times (Malaysia)
• PFC Energy
• South China Morning Post
• The International Herald Tribune
• The New York Times
• The Straits Times (Singapore)
• U.S. Department of State
• U.S. Energy Information Administration
• U.S. Geological Survey (USGS)
• United Nations
• Xinhua News
***
PHỤ LỤC
Cơ Quan Thông Tin Năng Lượng Hoa Kỳ
U.S. Energy Information Agency
CÁC KHU VỰC TRANH CHẤP TẠI BIỂN ĐÔNG
CHẮC CHỈ CÓ ÍT CÁC TÀI NGUYÊN DẦU HỎA VÀ HƠI ĐỐT THEO QUY ƯỚC
Một vài nước có các tuyên nhận lãnh thổ chồng lấn lên nhau trên một phần của Biển Đông, biển kéo dài từ Singapore ở hướng tây nam cho tới Đài Loan ở hướng đông bắc. Các Quần Đảo Trường Sa và Hoàng Sa (Spratly và Paracels) là hai trong các khu vực bị tranh chấp nhiều nhất (xem các đảo màu xanh da trời đậm trên bản đồ bên trên). Tuy nhiên, không giống như các bộ phận khác của Biển Đông, các khu vực này đã không được lượng định là nắm giữ các nguồn tài nguyên (quy ước) dầu hỏa và hơi đốt thiên nhiên to lớn. Theo Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, việc sở hữu các hòn đảo có thể cư trú được có thể nối dài sự tiếp cận độc quyền của một nước đến các nguyên tài nguyên năng lượng bao quanh.
Sự phân tích của Cơ Quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA) cho thấy phần lớn các vùng mỏ chứa đựng dầu hỏa và hơi đốt thiên nhiên đã được khám phá thì tập hợp tại các vùng không bị tranh chấp của Biển Đông, gần bờ biển của các quốc gia duyên hải, và không gần các hòn đảo bị tranh chấp. Các nguồn tin trong công nghiệp này nghĩ rằng gần như không có dầu hỏa và chưa đến 100 nghìn tỷ bộ khối (feet cubes) hơi đốt thiên nhiên trong các trữ lượng đã được chứng minh và khả hữu hiện diện tại các mỏ gần Quần Đảo Trường Sa. Lãnh thổ Quần Đảo Hoàng Sa còn có ít hơn nữa hơi đốt thiên nhiên và không có dầu hỏa.
Bản Đồ 1: Trữ Lương Dầu Hỏa Và Hơi Đốt Thiên Nhiên
Đã Được Chứng Minh & Khả Hữu
Tổng cộng, Biển Đông có khoảng 11 tỷ thùng dầu hỏa và 190 nghìn tỷ bộ khối hơi đốt thiên nhiên được chấm định như các trữ lượng đã được chứng minh hay khả hữu. Các mức độ này tương tự như khối lượng các trữ lượng dầu hỏa đã được chứng minh tại Mexico và vào khoảng hai phần ba trữ lượng hơi đốt thiên nhiên đã được chứng minh tại Âu Châu, không gồm nước Nga (xem biểu đồ bên dưới).
Tỉ lệ Các Trữ Lượng Dầu Hỏa và Hơi Đốt Đã Được Chứng Minh
Cho Một Số Vùng (2012)
Source: U.S. Energy Information Administration, International Energy Statistics, South China Sea Regional Analysis Brief.
*Ghi chú: Biển Đông bao gồm các trữ lượng đã được chứng minh và khả hữu.
Ngoài các trữ lượng đã được chứng minh và khả hữu, Biển Đông có thể có thêm các chất hydrocarbons tại các khu vực còn thiếu thăm dò. Cơ Quan Khảo Sát Địa Chất Hoa Kỳ (USGS) đã ước lượng trong năm 2012 rằng khoảng 12 tỷ thùng dầu hỏa và 160 nghìn tỷ bộ khối hơi đốt thiên nhiên có thể hiện diện tại Biển Đông, không kể Vịnh Thái Lan và các khu vực kề cận khác. Khoảng một phần năm của các tài nguyên này có thể được tìm thấy tại các khu vực tranh chấp, đặc biệt tại Bãi Cát Reed Bank ở đầu mút đông bắc của Quần Đảo Trường Sa, nơi được tuyên nhận bởi Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam. Các nguồn tài nguyên bổ sung này không được xem là các trữ lượng thương mại vào lúc này; việc trích xuất chúng có thể không khả thi về mặt kinh tế.
Ước Lượng Tỉ lệ Các Nguồn Tài Nguyên Dầu Hỏa
và Hơi Đốt Quy Ước Chưa Được Khám Phá Của Thế Giới (2012)
Source: U.S. Energy Information Administration, International Energy Statistics, South China Sea Regional Analysis Brief, and U.S. Geological Survey, Estimate of Undiscovered Conventional Oil and Gas Resources of the World, 2012.
Khu vực Quần Đảo Hoàng Sa cũng có thể chứa đựng các nguyên tài nguyên hơi đốt thiên nhiên hydrate (có nước, chứa nước) đáng kể. Dù những lần khoan trắc nghiệm có hứa hẹn triển vọng, việc phát triển thương mại các hơi đốt thiên nhiên hydrate tại Biển Đông sẽ còn phải mất nhiều năm với những thử thách kỹ thuật và giá cả hơi đốt thiên nhiên hiện thời.
Cơ Quan IEA dự đoán sản lượng dầu hỏa nội vùng của Đông Nam Á sẽ giữ nguyên hoặc sút giảm khi mà sự tiêu thụ tăng cao trong vùng, và hơi đốt thiên nhiên từ Biển Đông có thể đáp ứng một phần đáng kể nhu cầu năng lượng tương lai./-
Ngô Bắc dịch
Nguồn: EIA, Contested areas of South China Sea likely have few conventional oil and gas resources, Washington, D.C., April 3, 2013.