Ngô Bắc dịch
Nguồn: Li Tana, Vietnam’s Overseas Trade in the 19th Century: The Singapore Connection
Dẫn Nhập
Triều đại nhà Nguyễn từ lâu bị nhìn như là “triều đại phản động duy nhất” trong lịch sử Việt Nam, và thế kỷ thứ 19 bị coi là một cơ hội bị đánh mất. Các sử gia thực dân lẫn người Việt phe dân tộc chủ nghĩa đều cho rằng Việt Nam hồi đầu thế kỷ thứ 19 đã có một chính sách đóng cửa theo Khổng học và rằng nếu không có sức ép từ các lực lượng bên ngoài, đất nước này vẫn sẽ trì trệ và không thay đổi. Hơn nữa chính sách này bị coi là nguồn gốc của tình trạng nghèo đói của Việt Nam trong thế kỷ thứ 19.1
Chắc chắn các quan điểm này đã được tái duyệt và đang thay đổi từ từ.2 Trong bài viết này, tôi muốn trình bày một số dữ liệu có sẵn nhưng lại bị nhiều học giả về Việt Nam bỏ qua, để khảo sát công cuộc mậu dịch trong thế kỷ 19 giữa Singapore và Việt Nam. Trong quan điểm của tôi, nó tượng trưng cho một số chiều kích mới của kinh nghiệm Việt Nam trong nửa đầu thế kỷ 19.
Sự phát triển mạnh mẽ của vận tải bằng tàu biển
Khả năng xuất cảng của Việt Nam bị giới hạn trong thập niên 1810, khi đất nước này vẫn đang phải nỗ lực để phục hồi từ sự tổn hại của các cuộc nội chiến hồi cuối thế kỷ 18. Tổng khối lượng xuất khẩu hồi đầu thập niên 1820 chắc chắn ít hơn 30.000 tấn mỗi năm, phán đoán theo ước tính của Crawfurd trong năm 1823,3 song hải vận đã gia tăng rõ rệt trong các thập niên kế đó. Ví dụ, năm 1823, mậu dịch của Việt Nam với Singapore đạt khoảng 4.000 tấn.4 Con số này đã tăng hơn gấp đôi, vào khoảng 10.000 tấn trong năm 1839, và vào năm 1857 nó lên tới 31.000 tấn, nghĩa là tăng trưởng gấp bảy lần, như được thể hiện qua Biểu Đồ 1 (đơn vị: 1000 tấn)5:
Sự tăng trưởng này còn nổi bật hơn nữa, nếu chúng ta so sánh với một chiều hướng khác của mậu dịch – khối lượng xuất cảng của Việt Nam sang Trung Hoa, trong cùng thời kỳ. Năm 1823, tác giả Crawfurd ước lượng rằng khối lượng xuất cảng của Việt Nam sang Trung Hoa vào khoảng 20.000 tấn mỗi năm,6 hay khoảng gấp năm lần khối lượng mậu dịch của nó với Singapore. Tỷ lệ này ít nhiều vẫn giữ nguyên trong thế kỷ 19. Ví dụ, khối lượng gạo Việt Nam xuất cảng sang Trung Hoa/Hồng Kông gấp 4,65 lần khối lượng gạo xuất sang Singapore, trong thời kỳ từ 1866 đến 1869. Trong năm 1866, khối lượng gạo Việt Nam xuất cảng sang Trung Hoa/Hồng Kông là 127.000 tấn, gấp 6,3 lần tổng khối lượng mậu dịch Trung Hoa – Việt Nam trong năm 1823.7
Tất cả các con số ở trên cho thấy một sự tăng trưởng mạnh mẽ gấp 6-7 lần trong khả năng xuất cảng của Việt Nam vào nửa đầu thế kỷ 19. Sự tăng trưởng này đã đặt Việt Nam vào vị thế hoàn toàn thuận lợi về mặt buôn bán với nước ngoài, so với các nước láng giềng tại vùng Đông Nam Á Lục Địa. Như Bảng dưới đây cho thấy, trong khi mậu dịch của Singapore với Nam Kỳ năm 1825 chỉ vào khoảng một phần tư kim ngạch mậu dịch với Xiêm La, đến năm 1845 nó đã bắt kịp với Xiêm La.8
Bảng 1: Mậu Dịch Của Singapore với Đông Nam Á Lục Địa, 1825-18659
Phần Trăm Của Tổng Số (triệu USD)
1825 | 1845 | 1865 | |
% | % | % | |
Miến Điện | – | 11 | 33 |
Campuchia | – | – | 2 |
Nam Kỳ (Cochinchina) | 21 | 46 | 23 |
Thái Lan | 79 | 42 | 42 |
Tổng số | $0.7 | $1.7 | $8.7 |
Tôi sẽ không mở rộng cuộc thảo luận của mình đến khía cạnh kinh tế của sự tăng trưởng này, nhưng các con số sau đây cho chúng ta một ý tưởng khái quát về điều đó. Ví dụ, diện tích đất canh tác trong nước giữa năm 1820 và 1847 đã tăng hơn một phần ba,10 và số người nộp thuế đã gia tăng với cùng nhịp độ, từ 719.510 của năm 1820 lên 1.024.388 người trong thập niên 1840.11 Tất cả điều này cho thấy một sự tăng trưởng mạnh mẽ trong nền kinh tế Việt Nam trong nửa đầu thế kỷ 19.
Trong bài viết này, tôi muốn xem xét đâu là nét mới lạ của sự tăng trưởng trong thế kỷ 19 này.
Một chiều hướng mậu dịch mới
Trung Hoa rõ ràng là một thị trường quan trọng cho sự xuất cảng của Việt Nam trong nhiều thế kỷ. Sự phát triển mới tại vùng châu thổ sông Mekong trong các thế kỷ 18 và 19 đã không phá vỡ khuôn mẫu cổ truyền này. Ví dụ, trong năm 1809, một chiếc thuyền buồm từ Hạ Môn (Amoy) được ghi chép là có mua bán với khu vực Đồng Nai (Gia Định), chủ yếu là mặt hàng gạo. Chiếc thuyền buồm này có kích thước rất lớn, chở tới 561 người.12 Một khối lượng mậu dịch và tương tác thương mại đáng kể hẳn đã phải hiện hữu giữa Trung Hoa và Việt Nam vào thời điểm này; một thí dụ là bản báo cáo của Tổng Đốc Quảng Đông và Quảng Tây của Trung Hoa viết năm 1828. Theo ông ta, một tỷ lệ nổi bật 60-70% tiền đồng lưu hành tại Quảng Đông được đúc tại Việt Nam.13
Chắc chắn đã có những biến đổi của khuôn mẫu mậu dịch trong lịch sử lâu dài của Việt Nam. Đàng Trong (Cochinchina) dưới thời các chúa Nguyễn đã giao thương khá thường xuyên với các hải cảng Đông Nam Á khác trong các thế kỷ 17 và 18.14 Song phải chờ mãi đến khi Singapore được thiết lập, Việt Nam mới bắt đầu mua bán thường xuyên và gia tăng với bất kỳ hải cảng Đông Nam Á nào. Điều gì đã tạo ra sự thay đổi này?
Tất cả điều này khởi sinh từ một thực tế mới tại châu thổ sông Mekong thế kỷ 18, được xác định bởi Giáo Sư Nguyễn Đình Đầu. Ông vạch ra rằng mặc dù lúa gạo luôn luôn được sản xuất tại tất cả các vùng có người Việt cư ngụ, nhưng trước khi người Việt có được châu thổ sông Mekong, nó chưa từng được sản xuất trên quy mô lớn như một sản vật mậu dịch.15 Sự thụ đắc châu thổ sông Mekong để sản xuất gạo cho các mục đích thương mại chắc chắn là một trong các tình tiết quan yếu tại Đàng Trong thế kỷ 18, và là một sự kiện trọng đại của lịch sử Việt Nam. Loại lương thực này là thiết yếu cho sự phát triển của châu thổ sông Mekong. Chính nhờ sự sản xuất và mậu dịch lúa gạo mà Sài Gòn mới được thành lập và Nguyễn Ánh đã thắng được quân Tây Sơn.16 Song nó đã gặp khó khăn trong thời nhà Tây Sơn, và chỉ bắt đầu vươn lên lại trong thập niên 1810.
Thời biểu này gần như trùng hợp với sự thành lập của Singapore vào năm 1819. Trong thời gian này, Singapore ngày càng cần nhiều gạo hơn để nuôi ăn các di dân của nó và vùng Quần Đảo. Việt Nam đã đáp ứng tốt nhu cầu này và sớm tự biến mình thành nhân tố quan trọng trong mậu dịch với Singapore. Như Crawfurd đã quan sát trong năm 1822, đối tác mậu dịch số 1 của Singapore là Xiêm La, và kế đó là Sài Gòn.17 Thời ấy, hàng hóa vận tải từ Sài Gòn là những gì?
Một danh sách hàng vận tải mới: đường, muối và gạo
Nếu sự thịnh vượng của Hội An được đặt trên nền mậu dịch tam giác giữa Trung Hoa, Nhật Bản và trung phần Việt Nam, được biểu trưng bởi các hàng vận tải xa xỉ như gỗ trầm hương (calambac), lụa và da nai, thì Sài Gòn được xây dựng nhiều hơn dựa trên quan hệ mậu dịch với các láng giềng Đông Nam Á, với các mặt hàng được giao dịch khối lượng lớn như gạo, đường và muối.
Thực tế này có thể góp phần vào bản chất biến đổi của mậu dịch với khối lượng lớn giữa các nước Đông Nam Á, khởi sự từ thế kỷ 18.18 Nó đã đặt người Việt Nam vào một vị thế nơi họ có thể đáp ứng việc mua bán gạo, đường và muối với các nước láng giềng Đông Nam Á. Biểu Đồ 2 thể hiện kim ngạch xuất cảng của Việt Nam sang Singapore theo các món hàng chính:
Như được thể hiện trong biểu đồ trên, đường là khoản xuất khẩu chính của Việt Nam sang Singapore hồi đầu thế kỷ 19. Tuy nhiên, từ năm 1841 đến 1845, kim ngạch xuất cảng gạo đã tăng gấp mười lần và trong năm 1848, con số này lại tăng gấp đôi. Kim ngạch xuất cảng gạo tiếp tục tăng lên tới 300.448 đô-la Tây Ban Nha trong khi đường không bao giờ vượt quá mức 146.396 đô-la.
Một đặc điểm nổi bật của mậu dịch Việt Nam trong thời kỳ này là hàng hóa vận tải chính – gạo, đường và muối – gần như chỉ xuất phát từ Đàng Trong trước đây. Đông Kinh hay miền bắc được biết đến nhờ các sản phẩm quan trọng của nó như tơ lụa sống và quế, nhưng cả hai mặt hàng này đều không đáng kể trên danh sách mậu dịch Việt Nam – Singapore. Gạo là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam sang Singapore, là một sự bức phá quan trọng khỏi trật tự kinh tế và khuôn mẫu mậu dịch của Việt Nam. Đó cũng là một cửa sổ mới mở ra một thế giới khác biệt với các quan chức nhà Nguyễn, điều mà chúng ta sẽ thảo luận dưới đây.
Một tác nhân mới trong công cuộc mậu dịch
Báo cáo của Crawfurd năm 1823 nêu ý kiến về một bên đối tác nổi bật nhất trong mậu dịch Việt Nam – Singapore:
Riêng về thuyền buồm, tôi phải lưu ý rằng trong ba năm qua, đã có các chuyến cập bến hàng năm từ kinh đô của Nam Kỳ của một tàu thương mại và vận tải thuộc Nhà Vua Nam Kỳ. Mặc dù có thành kiến về Trung Hoa, nhưng sau này ông đã trở nên hài lòng với các [báo cáo?] chi tiết và lợi nhuận của mậu dịch.19
Trong khi báo cáo này chứng tỏ rằng triều đình nhà Nguyễn đã mua bán thường niên với Singapore hồi đầu thập niên 1820, thêm nhiều bằng chứng đã được tìm thấy trong Châu Bản, sách màu Son Đỏ chứa các tài liệu nguyên bản của triều Nguyễn, về việc vận tải bằng tàu của hoàng gia. Theo ghi chép, một chiếc tàu hoàng triều đã đi giao dịch tại Hạ [hay Hà?] Châu20 trong năm 1824,21 và bốn chiếc khác đi Batavia và Singapore trong năm 1825.22 Mậu dịch của triều đình xem ra đã được thực hiện thường xuyên cho đến thập niên 1840, như được trình bày trong một bản báo cáo chính thức của Singapore năm 1846: “Giữa Nam Kỳ (Cochinchina) và Singapore biểu lộ một khía cạnh vô cùng thuận lợi trong các năm 1845-46 … trong năm, năm chiếc tàu chở đầy hàng hóa của nhà vua Nam Kỳ, tương đương với 2.400 tấn, đã đến đây…”23
Hàng hóa chính của mậu dịch hoàng triều có vẻ là đường mía, ít nhất như thế, trong thập niên 1820. Theo một tài liệu trong Châu Bản năm 1824, đã có 536 tạ [Trung Hoa: piculs] (32.216 kg) đường chưa bán được trong chuyến tàu hoàng triều trở về từ Hạ [hay Hà?] Châu.24 Cũng theo Châu Bản, sản phẩm này được các viên chức nhà Nguyễn ứng mua trước từ các dân làng ở Quảng Ngãi và Quảng Nam với khối lượng lên tới 3400 tạ mỗi năm.25 Cũng hợp lý để giả định rằng ít nhất một nghìn tạ mỗi năm đã được chiếc tàu của hoàng triều chuyển đến Singapore, nếu 536 tạ còn lại trên tàu trong trường hợp kể trên. Lượng đường của Việt Nam trao đổi với Singapore trong [các] năm 1830 đạt mức 1300 tạ mỗi năm.26 Việc này biến triều đình nhà Nguyễn thành người đóng góp quan trọng, nếu không nói là chính yếu, trong mậu dịch về đường với Singapore trong các thập niên 1820 và 1830. Nói cách khác, triều đình nhà Nguyễn là một tác nhân tích cực trong mậu dịch về đường, thu mua nguyên liệu từ trong nước và trao đổi nó ở hải ngoại.
Khối lượng đường mà triều đình đã mua bán với Singapore dường như làm liên tưởng đến một thị trường độc quyền của hoàng triều về mua bán đường mía. Sự việc này khiến cho triều đình nhà Nguyễn có điểm chung với những vị vua Xiêm La tại Bangkok, nhưng khác xa với phương cách của các hoàng đế Trung Hoa ở Bắc Kinh. Nhiều báo cáo hơn về mậu dịch hoàng triều nhà Nguyễn với các hải cảng khác tại Á Châu chứng minh cho giả thuyết này. Chúng làm liên tưởng rằng “nhà vua Nam Kỳ đã mua các sản vật của xứ sở từ thần dân và gửi chúng sang Quảng Châu, Batavia (thủ đô của Đông Ấn Hà Lan – tương ứng với Trung Jakarta ngày nay, chú của người dịch) và Singapore trong năm chiếc thuyền có cánh buồm hình vuông và tàu chạy bằng hơi nước”.27
Triều đình nhà Nguyễn đã mua những gì tại Singapore, khi đường là nguồn tiền mặt chính của họ? Tôi vẫn chưa tìm thấy trong Châu Bản các loại hàng hóa trở về trong công cuộc mậu dịch của hoàng triều, nhưng các tài liệu của Singapore có chiều hướng làm liên tưởng rằng vải bông là hàng hóa xuất cảng chủ yếu của nước này sang Việt Nam. Bông vải trung bình chiếm 22% hàng hóa mang về của Việt Nam trong các năm 1840-44, lớn thứ nhì sau thuốc phiện, chiếm tới khoảng 59%.28 Tôi đoán một phần lớn của món hàng nhập cảng này là để dành cho quần áo của quân đội hoàng triều. Đây là những gì mà Crawfurd nhận xét vào năm 1822: “Quân đội bao gồm khoảng 40.000 người mặc đồng phục bằng vải khổ rộng của Anh Quốc, được chỉ huy theo cung cách Âu Châu”.29 Wade, một sĩ quan Anh Quốc được phái sang Việt Nam trong năm 1855, nhận xét: “Binh sĩ và các sĩ quan cấp thấp mặc quần áo bằng vải thô của Nga hay Anh Quốc”.30 Tuy nhiên, vải của Anh Quốc có thể đến từ hai ngả: trong thập niên 1820 nó có thể đến chủ yếu từ Quảng Châu (Canton),31 trong khi vào thập niên 1840, nhiều phần đến từ Singapore.
Một lần nữa, việc cho quân đội hoàng triều mặc quần áo bằng vải của Anh Quốc là một điểm mới. Không giống như các nước Đông Nam Á khác, Việt Nam chưa bao giờ là một thị trường lớn cho vải từ Ấn Độ, trong “Kỷ Nguyên Thương Mại (Age of Commerce)”. Lụa rõ ràng được dùng để may trang phục cho quân đội của các chúa Nguyễn trong thế kỷ 17 và 18.32 Có lẽ thể thức dùng sản phẩm của Anh để may trang phục quân đội đã khởi sự từ Nguyễn Ánh hồi đầu thế kỷ 19 hay sớm hơn, nhưng chúng ta có thể nhận thấy ở đây rằng trong hầu hết nửa đầu thế kỷ 19, binh sĩ Việt Nam được trang phục bằng vải của Anh Quốc, điều này không hoàn toàn phù hợp với hình ảnh “bế quan” của triều đình nhà Nguyễn.
Chắc chắn đã có một số xa xỉ phẩm được du nhập nhờ những chiếc tàu hoàng triều. Trong tác phẩm Vietnam and the Chinese Model, tác giả Woodside đã thảo luận về cách thức vun trồng một thị hiếu cho các sản phẩm Tây Phương được phổ biến “một cách chậm chạp vào xã hội nhà Nguyễn, phát sinh từ chính ngai vàng” ra sao. Ông vạch ra rằng trong khi vào thập niên 1820, các sản phẩm Trung Hoa đã chiếm phần nhiều trong số các vật phẩm mà triều đình Huế dành tặng cho các thân chủ của họ, sang thập niên 1830, các sản phẩm Tây Phương đã xuất hiện nhiều hơn.33
Chiều hướng của Việt Nam trong mậu dịch chính thức với Singapore cũng có thể phát sinh từ nỗi thất vọng của triều đình nhà Nguyễn với thái độ nghiêm khắc của triều đình Trung Hoa về lộ trình mà Việt Nam sang triều cống. Triều cống được hay biết rất rõ như một hình thức ngụy trang của mậu dịch giữa các nước Đông Nam Á với Trung Hoa, và trong trường hợp của Việt Nam, nó vẫn luôn luôn được thực hiện bằng đường bộ. Tuy nhiên, vào năm 1829, sứ giả nhà Nguyễn đã yêu cầu được gửi cống phẩm bằng đường biển thay vì đường bộ, một sự thay đổi trong đường lối cổ truyền. Hiển nhiên đó là một con đường dễ dàng và hiệu quả hơn nhiều để thực hiện hình thức mậu dịch này cho triều đình nhà Nguyễn, tọa lạc tại Huế, chứ không phải tại Hà Nội như các triều đại trước. Tuy thế, lời yêu cầu đó đã bị triều đình nhà Thanh lạnh lùng bác bỏ. Họ nhấn mạnh rằng các sứ giả Việt Nam phải theo đường bộ gian khổ và xa để đến nơi từ biên giới ở Quảng Tây.34 [Nhiều phần có thể vì khi đó hải quân nhà Thanh rất yếu trước nạn hải tặc hoành hành dọc duyên hải đông nam Trung Hoa, và vì thế không thể bảo đảm an toàn cho các sứ bộ đi bằng đường thủy, chú của người dịch.]
Sự việc này chắc chắn sẽ khích lệ nhà Nguyễn phát triển quan hệ quốc tế theo các chiều hướng khác. Một đoạn viết về Việt Nam, được thảo bởi viên Cố Vấn Thường Trú cho Thống Đốc Đảo Prince of Wales [nguyên là đảo Penang, thuộc bang Penang, Mã Lai, bị đặt tên trong năm 1786 là Prince of Wales Island khi bị Anh Quốc chiếm đóng, chú của người dịch] năm 1845, cho hay:
Những viên quan hàng năm đến thăm viếng Singapore trên chiếc tàu của nhà vua đã dần trở nên quen thuộc với chúng tôi; họ trở về xứ sở với tin tức thực dụng được tính toán để phổ biến sự tin tưởng… Tôi ghi chép rằng một vài thông dịch viên có mặt trên các chiếc thuyền của nhà vua là những thanh niên được hướng dẫn và học tập tiếng Anh tại Học Viện Singapore, hiện nay có ba người đóng tiền học phí.35
Mặc dù tầm mức mà mọi yếu tố trên đã góp phần vào việc thay đổi thế giới quan cổ truyền của Việt Nam xem Trung Hoa là tâm điểm vẫn còn là một câu hỏi,36 sự giao thiệp của Việt Nam với Singapore chắc hẳn chứa đựng những điều mới mẻ. Tôi sẽ kết luận bài viết này bằng việc khảo sát ngắn gọn các thành tố mới này cùng các hệ quả của chúng.
Trước tiên, việc liên hệ của Việt Nam với Singapore làm liên tưởng đến một sự chú ý nghiêm chỉnh đến một chiều hướng mới. Chúng ta chưa hề thấy trước đây một nỗ lực có hệ thống như thế được thực hiện bởi triều đình Việt Nam để duy trì quan hệ mậu dịch với bất kỳ nước Đông Nam Á nào trong hàng nghìn năm lịch sử. Nó diễn ra song hành với sự giao lưu với Trung Hoa, nhưng chiều hướng chắc chắn là mới mẻ. Thứ nhì, nhận thức về các chiều hướng mới này bắt nguồn từ cảm nhận của nhà Nguyễn về vị trí địa lý mới của một nước Việt Nam thống nhất, chưa từng có trong lịch sử Việt Nam, với ranh giới giờ đây nằm giữa Trung Hoa và Vịnh Xiêm La. Cuộc bành trướng nam tiến của Việt Nam hoàn thành lãnh thổ của nó với hình dạng chữ S ngày nay, và đánh dấu sự đến nơi sau cùng của nó vào một thế giới to lớn hơn của Đông Nam Á. Việc này gần như biến Việt Nam thành một thực thể mới, hẳn nhiên mang lại cho nó một cách nhìn mới. Tuy nhiên, lối nhìn mới này có thể không nhất thiết tượng trưng cho một đầu óc cởi mở cấp tiến hơn từ các nhà cai trị triều Nguyễn. Nó có thể phát sinh một phần từ việc xem xét nghiêm chỉnh về sự cạnh tranh gay gắt giữa Việt Nam và Xiêm La, bản thân là một hậu quả của địa thế mới của Việt Nam.37 Thứ ba, và có lẽ quan trọng hơn, tôi không nêu ý kiến về một quan điểm toàn Việt Nam (pan-Vietnamese) ở đây.38 Địa hình, địa điểm sản xuất các sản phẩm trong vùng và mức độ phong phú của các sản phẩm này, tất cả đều tạo ra sự khác biệt trong khung cảnh này, như chúng ta đã nhìn thấy trong danh sách mậu dịch giữa Việt Nam và Singapore thảo luận ở trên. Trong khi đọc Châu Bản, người ta có thể nhận thấy rằng rõ ràng đã có nhiều tiếng nói tượng trưng cho các thế giới quan khác nhau ở các thời điểm khác nhau, phức tạp hơn một lập luận duy nhất về chính sách “mở cửa hay bế quan”. Khi suy nghĩ theo các đường hướng này, tôi dần cảm thấy rằng chúng ta cần chú ý hơn đến các chủ đề của thời gian và không gian, để xem xét cách thức mà vị trí địa dư mới của Việt Nam và tình trạng ngày càng cấp bách hơn trong nửa đầu thế kỷ 19, đã kết hợp để định hình các đường lối hoạt động của triều đình Việt Nam. Liên hệ với Singapore, tôi hy vọng, là một góc cạnh hữu ích cho một nỗ lực như thế.
___
Chú thích
1. Muốn có một sự tranh luận có hệ thống chống lại quan điểm quy ước và một cách giải thích mới về các quốc gia của Đông Nam Á thời tiền thuộc địa, xem Anthony Reid và Carl Trocki, “The Last Stand of Autonomous States in Southeast Asia and Korea, 1750-1870: Problems, Possibilities, and a Project”, Asian Studies Review, tập 17, số 2, November 1993.
2. Thí dụ, một nỗ lực bởi Viện Khoa Học Xã Hội của Thành Phố Hồ Chí Minh trong quyển Những Vấn Đề Văn Hóa Xã Hội Thời Nguyễn, Thành Phố Hồ Chí Minh: HCM City Press, 1992).
3. Crawfurd, Journal of an Embassy to the Courts of Siam and Cochinchina, Oxford University Press, 1987, trang 513.
4. Crawfurd, Journal, trang 513.
5. Wong Linken, “Singapore: Its Growth as an Entrepot Port, 1819-1941″, Journal of Southeast Asian Studies, no. 9, 1978, trang 61.
6. Crawfurd, Journal, trang 513.
7. Norman Owen, “The Rice Industry of Mainland Southeast Asia 1850-1914”, Journal of Siam Society, vol. 59, pt. 2, trang 102.
8. Tác giả Anthony Reid vạch ra rằng tác giả Wong Lin Ken có thể đã ước lượng thấp mậu dịch của Xiêm La với Singapore trong thời kỳ này. Xem Anthony Reid, “A New Phase of Commercial Expansion”, trong sách biên tập bởi Anthony Reid, The Last Stand of Asian Autonomies: Responses to Modernity in the Diverse States of Southeast Asia and Korea, 1750-1900, (New York: MacMillan Press, 1997), trang 69.
9. Wong Lin Ken, “Singapore: Its Growth”, trang 55.
10. Huỳnh Lua [?], “Nhìn Lại Thực Trạng Kinh Tế Nước Ta Trong Nửa Đầu Thế Kỷ 19”, trong quyển Những Vấn Đề Văn Hóa Xã Hội Thời Nguyễn, trang 118.
11. Nguyễn Thế Anh, Kinh Tế và Xã Hội Dưới Các Vua Triều Nguyễn, (Sài Gòn: Lửa Thiêng, 1971), trang 26.
12. Chiếc thuyền buồm này bị vỡ chìm gần quần đảo Hoàng Sa (Paracel Islands) và được một chiếc thuyền Anh Quốc cứu vớt. Public Report Office, F. O. 233/189, số 220, được trích dẫn từ “Qing dai zhong yie xia men de hai shang mao yi, 1727-1833” (Mậu dịch hải ngoại trong thời giữa nhà Thanh, 1727-1833), trong Zhong guo hai yang fa zhan shi lun ven ji (Các Tài Liệu về Lịch Sử Hàng Hải Trung Hoa), tập 4 (Taipei: Academic Sinica, 1991), trang 90.
13. Ming Qing Shi Liao. Geng Bian (Sử Liệu Thời Minh-Thanh: Series G), (Taipei: Academic Sinica, 1960), vol. 3.
14. Xem Li Tana, The Nguyễn Cochinchina: Southern Vietnam in the 17th and 18th Centuries, (Ithaca: Cornell SEAP, 1997), Chương 4; về mậu dịch của Đàng Trong và Hà Tiên với Melaka hồi cuối thế kỷ thứ 18, xem Anthony Reidm “A New Phase of Commercial Expansion”, trong sách biên tập bởi Anthony Reid, The Last Stand of Asian Autonomies, trang 64.
15. Nguyễn Đình Đầu, “Địa Lý Lịch Sử Thành Phố Hồ Chí Minh”, trong sách biên tập bởi Trần Văn Giàu và các đồng biên tập khác, Địa Chí Văn Hóa Thành Phố Hồ Chí Minh (HCM City: HCM City Press, 1987), các trang 160-161.
16. Li Tana, “Rice Trade in the 18th and 19th century Mekong Delta and its Implications”, Biên Bản Cuộc Hội Thảo Quốc Tế về Thái Lan và Các Láng Giềng của nó: Việt Nam, Căm Bốt và Lào, International Seminar in Bangkok, 12 December 1994. Ấn hành bởi Thammasat University Press, 1995.
17. Crawfurd, Journal, trang 542.
18. Victor Lieberman, “Local Integration and Eurasian Analogies: Structuring Southeast Asian History, c. 1350 – 1830”, Modern Asian Studies, vol. 27, no. 3, 1993, trang 491.
19. Crawfurd, Journal, các trang 541-542.
20. Một từ ngữ trong tiếng Phúc Kiến để chỉ Quần Đảo (Archipelago), nhà Nguyễn dùng từ ngữ này để chỉ riêng Batavia và Singapore.
21. Châu Bản Triều Nguyễn, Minh Mạng Năm Thứ 5 (1824), Chu Bo Nha tau chiet [?] (các báo cáo của các bộ), Tháng Tám đến Tháng Mười Hai. Vi phim được lữu trữ tại ANU Library (Thư Viện Đại Học Quốc Gia Australia).
22. Châu Bản Triều Nguyễn, Minh Mạng Năm thứ 6, (Chu Bo Nha tau chiet [?] (các báo cáo của các bộ), Tháng Một đến Tháng Năm. Các con số này có thể được bổ túc vào danh sách của Giáo Sư Trần Kính Hòa về 17 chuyến tàu hoàng gia đến thăm viếng Batavia và Singapore giữa các năm 1791 và 1847. Xem Chen Chingho, “On the Ha-Châu” Missions conducted during the Early Period of the Nguyễn Dynasty”, Journal of the Institute of Asian Studies (Soka University), Tokyo, March no. 11, được trích dẫn từ Phan Huy Lê, Claudine Salmon & Tạ Trọng Hiệp, phiên dịch và giới thiệu, Hải Trình Chí Lược: Recit sommoaire d’un voyage en mur [?mer] (1833), (Paris: Cahier d’Archipel 25, 1994), trang 127.
23. “Letter of Resident Councilor, 30th June 1846”, Tabulated Statements of the Commerce and Shipping, 1846, trang 70.
24. Châu Bản Triều Nguyễn, Minh Mạng Năm Thứ 5 (1824), ngày 28 Tháng Tám.
25. Châu Bản Triều Nguyễn, Minh Mạng Năm Thứ 1 (1820) đến năm thứ 6 (1825). Giá đường trong năm 1820 là 12 quan một tạ, giảm xuống còn 7-8 quan một tạ trong năm 1824.
26. Một số lượng đường trị giá $8.500 đô la Tây Ban Nha được nhập nội từ Nam Kỳ trong năm 1830/1831. Xem Singapore Chronicle: Thursday July 21, 1831, no. 29. Con số này có nghĩa hơn 1.300 tạ đường, với giá 6,50 đô la một tạ với phẩm chất tốt nhất. Xem, Crawfurd, Journal, trang 544.
27. Letter of Resident Councilor to the Governor of the Straits Settlement, 19 November, 1844; 15 September 1852; 24 February 1855. Được trích dẫn từ Wong Lin Ken, “The Trade of Singaore, 1819 – 69”, Journal of Malayan Branch of the Royal Asiatic Society, vol. 33 , pt. 4, 1960, trang 156.
28. Tabulated Statement of the Commerce and Shipping of Singapore during the years 1840-1844, trang 71.
29. “Crawfurd’s Narrative”, trong sách của Lamb, The Mandarin Road to Old Huế, (London: Archon, 1970), trang 251.
30. ‘Wade’s Narrative”, trong Lamb, The Mandarin Road to Old Huế, trang 326.
31. Wong Lin Ken, “The Trade of Singapore, 1819-69”, trang 155.
32. Xem “Description of Cochinchina, 1749-50”, Southern Vietnam under the Nguyễn: Documents on the Economic History of Cochinchina (Đàng Trong), 1602 – 1777, đồng biên tập bởi Li Tana và Anthony Reid, Economic History of Southeast Asia Project, ANU/Institute of Southeast Asian Studies, Singapore, 1993, trang 70. Và Li Tana, Nguyễn Cochinchina, chương 2.
33. Trong năm 1833, thí dụ, “vua Minh Mạng được biết đã ban tặng các bát, đĩa và ly, tách “Tây Phương” cho một số sứ giả Campuchia đến Huế. Trong năm 1834, các thầy pháp của dân Jarai đã nhận được các đĩa đựng trà bằng sứ Tây Phương, và trong năm 1849 vua Thiệu Trị ban cho họ những chiếc áo khoác với cánh tay áo hẹp bằng vải bông màu đỏ và trắng “Tây Phương.” Alexander Woodside, Vietnam and the Chinese Model, (Massachusetts: Council on East Asian Studies, Harvard University, 1988), các trang 267-268).
34. Qing Xuan Zong Shi Lu (Niên Sử về Hoàng Đế Đạo Quang), tập 156, từ tập Gu Dai Zhong Yue Guan Xi Shi Zi Liao Xuan Bian (Trích Lục các nguồn tài liệu về lịch sử quan hệ Trung Hoa – Việt Nam), (Beijing: Zhong guo shehui ke xue Press, 1982), các trang 613-614.
35. “Letter of Resident Councilor to the Governor of Prince of Wales Island, 1845”, Tabulated statement of the commerce and shipping, 1845, trang 117.
36. Một trường hợp nghiên cứu tốt là quyển Hải Trình Chí Lược năm 1833 của Phan Huy Chú. Xem Recit sommaire d’un voyage en mer (Hải Trình Chí Lược) của Phan Huy Chú, phiên dịch và giới thiệu bởi Phan Huy Lê, Claudine Salmon & Tạ Trọng Hiệp, (Paris: Cahier d’Archipel 25, 1994). Cũng xem phần điểm sách của Li Tana, On Hải Trình Chí Lược: Recit Sommaire d’un voyage en mer (1833), trong tạp chí Review of Indonesian and Malaysian Affairs, vol. 31, no. 1, June 1997, các trang 256-268.
37. Thí dụ, trong năm 1841 thương gia Anh Quốc hàng đầu tại Bangkok đe dọa sẽ bán một chiếc tàu chạy bằng hơi nước được đặt hàng bởi Xiêm La cho Việt Nam thay vào đó, vì có các sự kỳ kèo giá cả. Vua Rama III nổi giận đến nỗi ông đã trục xuất thương nhân, do đó làm cho mậu dịch Bangkok – Singapore phải chịu một sự sụt giảm lớn lao. Đây hẳn phải là một trong các màn kịch trong khung cảnh cạnh tranh Việt Nam – Xiêm La về mậu dịch trong thế kỷ thứ 19. Xem Anthony Reid, “A New Phase of Commercial Expansion”, đã dẫn trên, trang 70.
38. Xem Keith Taylor, “Regional Conflicts among the Viet Peoples between the 13th and 19th centuries”, tham luận được trình bày tại hội thảo “La Conduite Des Relations Entre Socíeties et États: Guerre et Paix en Asie du Sud-Est”, Paris, July 1996, trang 23.