Báo cáo của B. Robertson, Lãnh sự Anh Quốc, về cuộc thăm viếng Hải Phòng và Hà Nội tại Bắc Kỳ, 1876

Đệ trình cả hai viện của Quốc hội theo lệnh của Nữ hoàng, 1876

Ngô Bắc dịch

Báo cáo của B. Robertson về cuộc thăm viếng của ông tại Hải Phòng và Hà Nội, Bắc Kỳ, 1876

Sir B. Robertson gửi Bá Tước vùng Derbỵ — (Đã nhận ngày 11 tháng Bẩy)

Kính thưa Ngài,

Tôi xin hân hạnh chuyển một bản sao điện văn và các tài liệu đính kèm mà tôi đã gửi đến Sứ Thần của Nữ Hoàng tại Bắc Kinh, báo cáo việc tôi trở lại từ Hải Phòng và Hà Nội thuộc Đông Kinh [Bắc Kỳ].

Kính trình,

(Đã ký tên) B. Robertson, Lãnh Sự

—–

Đính kèm 1.

Ngài B. Robertson gửi Ngài T. Wade,

(Trích lại) Thành Phố Quảng Châu, ngày 9 tháng Năm 1876

Tôi hân hạnh để thông tin ông rõ là tôi đã khởi hành, đúng theo chỉ thị của ông ngày mồng 2 cùng tháng này, trên con tàu “Egeria” của Nữ Hoàng để thăm viếng các hải cảng Hải Phòng và Hà Nội, được mở ra sau này bởi người Pháp tại Đông Kinh [Tonquin trong nguyên bản, để chỉ Bắc Kỳ, chú của người dịch] và trước tiên đã thả neo ở Apuwan [?], một nhóm các đảo gần cửa sông mang tên Cửa Cấm, một chi nhánh của Sông Cái [trong nguyên bản ghi là Songkoi, chú của người dịch] hay sông Hồng, Hải Phòng tọa lạc nơi của sông kể trên, và Hà Nội trên chi nhánh kể sau. Có được một hoa tiêu, người đã dẫn tàu vượt qua bãi cát ngầm của con sông và thả neo con tàu bên ngoài Khu Định Cư tại Hải Phòng trước buổi trưa ngày 7 tháng này.

Hải Phòng tọa lạc trên bờ phải của Cửa Cấm và có một con kinh thẳng góc dẫn đi từ đó, tại giao điểm có một đồn Pháp được xây dựng vũng chắc, đắp bằng đất. Vùng đất hoàn toàn phẳng ở cả hai bên, với các rặng đồi cách xa khoảng bốn dậm, và Khu Định Cư Pháp đã được tạo dựng bởi việc nâng cao nền bằng bùn đất, hay đúng hơn bằng đất sét, được đào từ một con kinh sẽ bao quanh khu nhượng địa, như nó được gọi, khá giống như kiểu cách theo đó Khu Định Cư của Anh Quốc tại Shamien, thuộc Thành Phố Quảnng Châu đã bị hỏa lực càn quét một bên sườn. Hiển nhiên đây là một công trình đòi hỏi nhiều lao động, đã được theo đuổi một cách tích cực dưới sự chỉ huy của các kỹ sư Pháp, với sự trợ lực của các phu An Nam, một lực lượng lao động vô giới hạn, với giá 6 xu (3d.) [giá biểu tương đương với (3d.) tức 3 pennies của đồng bảng Anh, được chua kèm trong nguyên bản, chú của người dịch] mỗi người một ngày. Tôi phải nói rằng ít nhất bốn mươi mẫu Anh (acres) đang được xây dựng, và các tòa nhà đã sẵn được dựng lên trên các phần đã hoàn tất, và khi xem xét rằng công trình này mới chỉ được khởi sự hồi tháng Chín năm vừa qua, nó cho thấy sự tiến triển rất mau. Trong khi chưa có ảnh hưởng xấu nào được cảm thấy từ việc lật úp cánh đồng bùn đất bao la này, nhưng rất có thể điều đó sẽ xảy ra khi cơn nóng dữ dội sẽ chế ngự từ tháng Năm đến cuối tháng Chín tiến tới. Ngôi làng là một con đường đơn sơ nằm dọc theo bờ bên phải của con kinh, bắt đầu từ công trường phía đằng trước lối vào đồn, và được cấu thành bởi các túp lều rạ trông rất tồi tàn, được cư ngụ bởi dân bản xứ, và xen kẽ đó đây bởi các cửa hàng Pháp trông thuộc hạng khá hơn, chính yếu là các nơi bán rượu nho và rượu mạnh. Tuy nhiên có một ngôi chợ rất tốt, tràn ngập cá, gà vịt, và thịt bò, nhưng không có thịt trừu, và các loại rau, và một lần trong tuần có tổ chức một phiên chợ gọi là “hội chợ lớn’, khi người dân quê lũ lượt kéo đến với hàng hóa và sản phẩm của họ. Trước khi người Pháp đến chiếm đóng, hiếm có một túp lều, ngay cả ở trong Hải Phòng, và nay đã có một ngôi làng khá lớn, với các ngôi nhà tranh thông thường của An Nam được dựng lên ở khắp hướng. Tuy nhiên, vào những ngày mưa, con đường hoàn toàn không thể đi lại được bởi ngập trong bùn, nhưng gần đồn, một lớp ngói gỗ đã được lót lên con đường, có giúp cải thiện đôi chút đối với tình trạng sự việc bình thường.

Hải Phòng là điểm cao nhất mà các con tàu ngập dưới nước mười bốn bộ Anh (feet) có thể ngược giòng sông (Cửa) Cấm, và hiện nay, là hải cảng chuyển vận của Hà Nội, thủ phủ của Tỉnh [Province trong nguyên bản, đúng ra phải là của cả miền bắc, chú của người dịch], vốn tọa lạc trên Sông Cái hay Sông Hồng, cách khoảng 60 km theo đường thẳng và 145 cây số theo đường thủy. Từ các công trình rộng lớn đang được kiến tạo, có vẻ như người Pháp có ý định biến nó thành nơi thả neo cho các tàu quốc tế; nhưng Sông Hồng, đổ ra biển ở khoảng mười hai dặm phía nam Cửa Cấm, là một con sông điều hòa, với mực lên cao và mực hạ thấp khi con nước lên dâng cao từ hai mươi sáu đến ba mươi bộ, mặc dù trong mùa này của năm, giòng nước rất thấp; trong thực tế, việc này làm tôi liên tưởng đến Dương Tử Giang, các cồn cát và bờ cát ngăn trở sự tiến tới từ ngoài biển. Khi được khảo sát kỹ càng, tôi có thể tưởng rằng sẽ không có khó khăn to lớn nào cho sự hải hành đến Hà Nội hơn những gì mà sông Dương Tử đã đặt ra cho thành phố Hán Khẩu, và chúng ta biết rõ rằng khó khăn đó đã được khắc phục. Vì thế tôi không nhìn thấy tầm hữu dụng của các công trình hiện nay đang được theo đuổi với một phí tổn lớn lao tại Hải Phòng, nhưng có thể có những lý do cho việc đó mà tôi không hay biết được.

Hải Phòng nối liền với Hà Nội hoặc bằng Sông (Cửa) Cấm hay bằng các con kinh đào, mà con kinh sử dụng nhiều nhất mà tôi đã đề cập đến có lối vào (con kinh) ở ngã ba đó [Hải Phòng]. Sau khi chạy khoảng hai mươi ba dậm theo con kinh này, các tàu thuyền quẹo vào một con kinh đào khác, và, sau khi đi khoảng bảy mươi bảy dậm, sẽ tiến vào con sông chính, Sông Cái hay Sông Hồng, và theo đó đến Hà Nội, cách xa khoảng bốn mươi lăm dậm. Nước tại các kinh đào này trong mùa này thì rất thấp và chỉ lên cao chút ít với thủy triều của hai con sông bồi tiếp chúng. Trong mùa hè các cơn nước dâng đủ cao cho các tàu chạy nhanh bằng hơi nước hay các tàu chạy hơi nước cỡ nhỏ ngập dưới nước bốn hay năm bộ Anh, hay có thể sâu hơn.

Tại Hải Phòng ít có gì để xem và không có nhiều điều để tìm hiểu, bởi công việc được giải quyết tại thủ phủ, Hà Nội, nơi mà người dân bản xứ và các thương nhân Trung Hoa cư ngụ. Đã có lúc tôi gần như tuyệt vọng về việc có thể tiến tới địa điểm kể sau, bởi các tàu lưu thông bản xứ không có cái nào cả, không có boong tàu hay có mái che tối thiểu, và khoảng cách thì quá xa để có thể liều đến đó bằng tàu hơi nước truyền tin của chiếc “Egeria”. Tuy nhiên, tôi đã tìm thấy một chiếc thuyền thương mại hơi nước chạy nhanh có tên là tàu “City of Whampoa: Thành Phố Hoàng Phố”, mà tôi đã thành công trong việc thuê bao, bởi tôi cảm thấy, trừ khi mình đến được thủ phủ, mục tiêu của cuộc thăm viếng của tôi tại Bắc Kỳ sẽ bị thất bại. Chính bới thế, tôi vui lòng thuê mướn thuyền đó, bất kể đến tiện nghi của nó ra sao.

Đại Tá Castle, tư lệnh chiếc tàu Egeria của Hoàng Gia, và cá nhân tôi đã được đón tiếp một cách tử tế và ân cần nhất bởi ông Turc, Tổng Lãnh Sự Pháp tại Hải Phòng, vị Chỉ Huy đồn, Thiếu tá Dubeaux, và ông Gres, Giám Đốc Quan Thuế. Viên lãnh sự kể trên trao cho tôi mọi tin tức mà tôi yêu cầu liên quan đến công cuộc mậu dịch của vùng đất đó, và các tài nguyên của nó; nhưng nói một cách thẳng thắn, nó hãy còn trong tình trạng sơ khai, và nằm trong tay người Trung Hoa ở Hà Nội; và liệu nó có phát triển thành tầm mức quan trọng hay không tùy thuộc chính yếu vào việc tái lập các mối giao thương với miền Vân Nam của Trung Hoa. Ông đã cung cấp cho tôi một danh sách các món hàng chính yếu được nhập cảng và xuất cảng xuyên qua Hải Phòng, và bảng kê các hàng xuất cảng, từ 15 tháng Chín năm 1875 đến ngày 12 tháng Tư năm 1876, cho thấy một tổng trị giá là 198,914.46 lạng [ vàng ?, trong nguyên bản đính kèm có quy định 72 lạng bằng 100 đô la (Tây Ban Nha ?), chú của người dịch[; về nhập cảng không có gì hết. Ông có thể tìm thấy các bản sao các tài liệu này trong phần phụ lục của bản Báo Cáo này.

Sở Quan Thuế tại Hải Phòng đặt dưới quyền kiểm soát của một viên chức người Pháp, ông Jules Gres, với chức vụ Thanh Tra; nhưng có ba hay nhiều hơn người An Nam cũng tự xưng là Thanh Tra hay Phó Thanh Tra Quan Thuế. Tôi đến gặp các viên chức này tại Văn Phòng Quan Thuế và được tiếp đón với sự lịch sự tối đa; nhưng họ đã trao, hay chỉ có thể trao rất ít thông tin liên quan đến công cuộc mậu dịch của xứ sở, cùng bày tỏ ước muốn của họ được trông thấy các thương thuyền Anh Quốc cặp bến hải cảng.

Vào ngày 10 tháng này, được tháp tùng bởi Đại Tá Castle, tôi đã dùng tàu chay nhanh bằng hơi nước để đến Hà Nội.

Có it điều để được xem về xứ sở này, các bờ của con kinh đào thì quá cao; nhưng từ những gì tôi trông thấy, nó có vẻ phì nhiêu, và có trồng ngô và đường mía, khoai lang, và các sản phẩm khác của thổ ngơi này. Tuy nhiên, khi đổ vào sông chính, Sông Cái hay Sông Hồng, ta có thể nhìn thấy dễ dàng hơn; và nơi đây là hàng tre và các loại cây khác, với làng mạc và các cánh đồng, tất cả cùng tạo ra một quang cảnh đẹp tự nhiên hơn nhiều, và cho thấy bằng chứng của một tình trạng tiến bộ về canh nông. Tôi có được thông báo là ít hay không có sự lưu thông thuyền hay thuyền buồm sẽ được trông thấy, nhưng tôi lại nhận thấy khá đông hoạt động giao thông đó; và từ số lưới cắm cọc và các thuyền sử dụng, hiển nhiên có một số cung cấp lớn về cá; các chiếc bè bằng gỗ hay tre thường hay được bắt gặp; và nói chung có khá nhiều bằng chứng về một dân số giàu có và lấy làm thỏa mãn.

Vào mùa này, tính từ tháng Mười Hai đến tháng Năm, Sông Hồng (Sông Cái) ở mực nước thấp nhất, các giải cát kéo rất căng dọc theo giòng nước, và các mỏm của chúng nhô gần như đến giữa giòng sông. Vào khoảng tháng Năm, tuyết và đá tan từ các ngọn núi vùng Phía Trên Bắc Kỳ và Vân Nam đổ xuống và giòng sông dâng lên rất nhanh, đạt tới độ cao ba mươi bộ Anh, và thường cuốn đi các bờ sông, và gây lụt lội cho xứ sở, với sự phá hủy lớn lao về sinh mạng và tài sản. Chúng tôi có đi ngang qua một vài công trình rộng lớn được theo đuổi để sửa chữa một khoảng [đê] vỡ khổng lồ mà các cơn nước dâng năm qua đã tạo ra, và dọc theo toàn thể con sông và các kinh đào, các sự chuẩn bị được thực hiện bởi việc đắp đề và chống đỡ bờ sông. An Nam rõ ràng đã bị khốn khổ bởi cùng phạm một lỗi lầm như Trung Hoa trong việc trị thủy. Thay vì phải nạo vét lòng sông, từ năm này sang năm khác bị lấp đầy bởi phù sa, cát và đất sét được đổ xuống từ vùng đất cao, các nhà cầm quyền lại đi đắp đê, và như thế với giòng thời gian, đáy sông được nâng cao hơn mặt đất kề bên, và nếu có xảy ra một cuộc vỡ đê khi nước dâng cao, toàn thể xứ sở bị ngập lụt và trở nên một hồ nước bao la. Nguyên do gây ra nạn lụt từ sông Dương Tử cũng là như thế, và đặc biệt là đối với con sông Hoàng Hà tại Trung Hoa, và hiển nhiên cũng xảy ra với Sông Cái, hay Sông Hồng tại Bắc Kỳ.

Việc tiến vào thành phố Hà Nội, thủ phủ của Bắc Kỳ, rất êm xuôi, tàu rẽ theo con sông, nơi đây chiều rộng từ bờ bên này sang bờ bên kia khoảng một dậm hay hơn, mang lại một cái nhìn về Thị Trấn và Khu Định Cư Người Pháp đang được xây cất giống như tại Hải Phòng, với các dẫy nhà quân đội và các tòa nhà Lãnh Sự được dựng trên đó. Thành phố lên cao dần dần từ con sông, và có trồng cây gỗ và cây che lá xanh và nhìn trong một ngày sáng ánh mặt trời, có một vẻ quyến rũ. Chúng tôi thả neo ở bãi đáp lúc 10:30 sáng ngày Thứ Hai, mồng 10, và tức thời lên bờ để để đến thăm viếng Bá Tước de Kergaradee, Lãnh Sự Pháp, sinh sống tại Trường Thi (Khảo Thí) An Nam, cách xa giòng sông ít nhất một dậm rưỡi, nhưng thấy mình không cách chi thuê mướn được các chiếc kiệu, Đại tá Castle và tôi đã đến nơi cư ngụ của Giám Mục, Đức Ông Pergenier [?, đúng là Puginier, như tác giả viết ở phần cuối báo cáo, chú của người dịch] để hỏi mượn kiệu. Tại nơi đây, trong khi đang nói chuyện với Giám Mục, ông Aumoitte, Chánh thư Ký của Tòa Lãnh Sự ghé đến, cho hay ông Turc, Lãnh Sự Hải Phòng, đã gửi một lời nhắn theo đường bộ báo tin cho Bá Tước de Kergaradee về chuyến viếng thăm dự định của chúng tôi, và người mang tin mới chỉ vừa đến trước chúng tôi môt tiếng đồng hồ, và các chiếc kiệu đã đến để đưa chúng tôi đến Tòa Lãnh Sự. Các chiếc kiệu này đến thật đúng lúc và chúng tôi tiếp tục hành trình.

Khi đến Tòa Lãnh Sự tôi được đón tiếp bởi ông de Kergaradee với thật nhiều phép lịch sự, và thấy ông đã sửa soạn phòng nghỉ cho chúng tôi.

Các giới chức thẩm quyền An Nam tại Hà Nội là Tổng Đốc [viết sai là Tong duc trong nguyên bản, chú của người dịch], hay Kinh Lược Sứ (Viceroy), và Tuần Phủ [Chuan-Phu, tiêng Việt trong nguyên bản, chú của người dịch], hay Futai (?). Ông de Kergaradee hỏi tôi là liệu tôi có thích gặp họ hay không, hay ít nhất một người trong họ, bởi viên Tổng Đốc đang bị đau ốm, và tôi nói tôi muốn gặp, do đó danh thiếp của tôi đã được gửi đi. Và không lâu sau đó viên Tuần Phủ đã đến thăm tôi, và tôi nhớ đã nhìn thấy ông ta tại Thành Phố Quảng Châu khi ông đến để nói chuyện với quan Kinh Lược Juilin (?). Ông nhắc tôi về việc đó, và đề cập đến một vài tình huống, và có vẻ hân hạnh để gặp tôi. Ông mang theo danh thiếp của viên Tổng Đốc, với lời cáo lỗi, rằng ông quá đau ốm để ra khỏi nha môn [yamen, tiếng Hán trong nguyên bản, chú của người dịch]. Dĩ nhiên không có gì quan trọng ngoại trừ một cuộc thăm viếng xã giao, và trong buổi chiều, được tháp tùng bởi ông de Kergaradee, Chỉ Huy Trưởng Chapotot, và Đại Tá Castle, cùng với đội quân danh dự dàn chào của Thủy Quân Lục Chiến Pháp, tôi đã đến đáp lễ cuộc thăm viếng của ông ta tại Tòa Thành. Các nha môn An Nam, hay các Phủ như họ gọi chúng, rất giống với các công sở của Trung Hoa. Một hàng lính danh dự đứng xếp hàng dàn chào trong sân, và viên Tuần Phủ ra tận cổng để đón chúng tôi. Sau một số câu trao đổi ông bày tỏ hy vọng tôi lấy làm hài lòng về cuộc thăm viếng của tôi, và ghi nhận rằng tôi đã từ nơi rất xa đến thăm Hà Nội; và tôi đã đáp lại rằng khi đến Hải Nam để mở của nó cho công cuộc mậu dịch của Anh Quốc, tôi đã băng qua Vịnh Bắc Việt để thăm viếng Đại Diện của Chính Phủ Pháp tại Hà Nội, Anh và Pháp có tình hữu nghi thân thiết nhất, và đó là mục đích duy nhất của tôi. Sau đó ông có dọ hỏi là liệu có nhiều mậu dịch tại Kiung-chow hay không, và liệu các tàu của Anh có từ đó cặp bến các hải cảng của Bắc Kỳ hay không. Tôi đã trả lời chắc chắn chúng sẽ đến nếu Chính Quyền An Nam tán thành việc buôn bán với nước ngoài. Sau đó ông cho hay ông muốn trình diện với tôi binh sĩ và các thớt voi của ông, và vì thế chúmg tôi đi dến bãi thao diễn gần đó, có diện tích khá lớn, nơi có khoảng 2,000 lính An Nam, trang bị vũ khí, và hai con voi phía đàng trước, mà khi chúng tôi an tọa, đã tiến tới, quỳ gối xuống chín lần và làm lễ chào đón. Các binh sĩ kế đó đã thực hiện một số thao diễn lặt vặt với sự chính xác cao đô. Họ được ăn mặc tươm tất, nhưng trang bị tồi bằng các súng hỏa mai với kíp kích hỏa cũ kỹ, giáo và gươm. Tôi ra về sau cuộc trình diễn này.

Kế đó chúng tôi đã thanh sát Điện Cử Hành Nghi Lễ nơi mà các Quốc Vương An Nam nhận sự tấn phong từ Hoàng Đế Trung Hoa. Chính nơi đây Trung Úy Garnier đã đóng bộ chỉ huy của anh ta sau khi chiếm giữ thành vào ngày 20 tháng Mười Một, và tại một mảnh đất phía sau, anh ta cùng bốn chiến hữu đã được chôn cất sau khi bi hạ sát vào ngày 21 tháng Mười Hai, 1873.

Phần đất của Hà Nội nơi tòa thành đã được dựng lên tương đối cao hơn các phần khác của thành phố, nền đất lên cao dần dần từ các bờ sông của Sông Cái cho đến độ cao khoảng 180 bộ trên mực nước biển. Một bức tường gạch dầy khoảng 3 bộ Anh và cao 12 bộ, bao gồm mười hai pháo đài được nối với nhau bởi các tường chắn, bao quanh tòa thành tạo nên một hình vuông ngay ngắn mỗi chiều dài khoảng 3,000 bộ. Bức tường này được chống đỡ bởi gò đất đắp [“terreplain”, tiếng Pháp trong nguyên bản, đúng ra phải là “terreplein”, chú của người dịch] ở một số nơi, lên cao dần dần từ bên trong tòa thành, trong khi ở các nơi khác, mặt tường thành bên trong của nó được dựng thẳng đứng.

Chiều cao của “các cầu đất đắp” này cũng thay đổi rất nhiều, bởi ở một số nơi, kẻ bị bao vây có thể ản mình hoàn toàn, vượt quá phần trên của tường thành, trong khi tại các nơi khác, họ có thể được nhìn thấy nửa người từ bên ngoài. Bên trong tòa thành là nhà ở của viên Tổng Đốc và các viên chức cao cấp khác.

Tòa thành được bao quanh bên ngoài ở khoàng cách độ 25 bộ Anh bằng một hào sâu, chứa nước, với chiều ngang trung bình là 60 bộ Anh. Năm cổng cung cấp lối ra vào tòa thành, một ở chính giữa mỗi chiều, với ngoại lệ ở hướng nam, có hai cổng cắt ngang các bức tường gần nơi có các pháo đài ở góc thành; chúng có thể được gọi là cửa đông nam và tây nam. Lối vào cổng thành rộng khoảng 15 bộ Anh và được khép lại bằng các cửa gỗ chắc chắn. Phía trên mọi cổng là một tháp hay nhà canh gác.

Đằng trước mỗi cổng là một công sự phòng thủ, có nghĩa, hai bức tường thấp hơn các bức tường thành một ít, các mặt tường gặp nhau tạo thành một góc nhọn hướng ra vùng đất bên ngoài. Các công sự phòng thủ này cũng được bao quanh bởi các đường mương thông với đường hào của đồn. Một cổng được nối bởi một chiếc cầu với thành phố hay các cánh đồng kề cận được mở xuyên qua mặt tường bên phải của mỗi công sự phòng thủ. Bên trong các công sự phòng thủ có các ngôi nhà nhỏ và trại lính được cư ngụ bởi các binh sĩ, và từ giữa “cuống họng” của các công sự phòng thủ, ba chiếc cầu uốn cong vững chắc mở một lối đi xuyên qua hào để đến các cổng thành tại các phòng lũy chính. Đây là công trình của các Kỹ Sư Pháp được tuyển dụng bởi Gia Long, Quốc Vương của An Nam, sau cuộc chinh phục của ông xứ Bắc Kỳ năm 1802.

Bên trong nội thành, ngoài các dinh thự Chính Quyền và một số trại lính, chỉ có ít nhà cửa, và tại chính giữa là một tháp rất độc đáo dựng trên một nền được nâng cao khoảng 20 bộ Anh, và trên nóc của tháp là quốc kỳ được kéo lên.

Thị trấn Hà Nội nằm giữa tòa thành và giòng sông, và trài dài quá tòa thành vế hướng tây. Các đường xá thì rộng rãi và nhà cửa khang trang, và được xây bằng gạch rất tốt tại một số đường phố chính, nhưng có vô số con đường nơi các hàng quán chỉ là các mái tranh được chống lên theo kiểu cách thông thường ở Bắc Kỳ; với một ngoại lệ — đường phố chính từ giòng sông nơi người Trung Hoa sinh sống — các đường xá không lát gạch, và trong thời tiết ẩm ướt gần như không thể đi lại được bởi bị ngập trong bùn lầy, nhưng bởi giầy dép là ngoại lệ đối với người An Nam, trở ngại này đối với tiện nghi của Âu Châu không ảnh hưởng đến họ. Ghế kiệu của Trung Hoa, thật tiện lợi cho sự di chuyển, thì không được biết đến, các viên chức cao cấp hay những kẻ có khả năng trả tiền được khiêng đi trong một chiếc võng bằng lụa hay võng đan bằng gai được treo vào một chiếc đòn gánh kê trên vai của hai hay bốn người khiêng, và được vây che chung quanh bởi các tấm màn lụa hay vải. Có rất nhiều sự khuấy động và di chuyển trên các đường phố; các cửa hàng chất đầy các phẩm vật của tay nghề bản xứ, đặc biệt là đủ mọi loại sản phẩm từ tre, lụa và các tấm vải dệt, giấy, hàng thiếc và thủy tinh, các chiếc hộp, các trống đủ mọi kích cỡ được sơn, sơn mài và mạ một cách lộng lẫy, và bát đĩa bằng sành thô sơ và các đồ men sứ kiểu trung hoa. Gà, vịt, ngỗng, trâu bò và lợn, tất cả đều dồi dào và rẻ tiền, với sự phong phú về trái cây, chuối, các thứ rau, và cá. Gạo là lương thực chính của người dân, các kẻ trông rất no đủ và mạnh khỏe, và có khá nhiều sự phát triển các cơ bắp. Tuy nhiên, đàn bà có vẻ là tầng lớp thống trị, bởi họ làm công việc phu, thợ giống như đàn ông và trông coi các cửa hàng. Họ nói chung trông dễ nhìn, mang dáng dấp thanh nhã, và mặc dù có tập tục nhuộm răng đen, nhiều người có thể được xem là xinh đẹp. Dân Bắc Kỳ hiển nhiên thuộc loại chủng tộc có thể được gọi là “chuyển tiếp: transitional”, bắt đầu từ Ấn Độ, nguồn gốc mà người Miến Điện và Xiêm La là các hậu duệ; thay đổi đi tại bán đảo Mã Lai và An Nam, và biến đổi một lần nữa tại vùng biên giới phía nam của Trung Hoa, cũng như tại chính Trung Hoa, nơi nó kết thúc với các tính chất của dân Mông Cổ. Các sự thay đổi từ từ được ghi nhận một cách mạnh mẽ và có thể được truy tầm một cách dễ dàng.

Trong cung cách, dân Bắc Kỳ và An Nam thì trầm lặng, và có lẽ bởi họ nằm dưới Chính Quyền độc đoán, chịu khuất phục và lười biếng. Dân số của Hà Nội, thủ phủ, được ước lượng từ 150,000 đến 200,000 dân Bắc Kỳ, và vào khoảng 3,000 người Trung Hoa.

Bắc Kỳ được chia thành mười ba tỉnh hay trấn [?] (tsan): Thành nội, Thành ngoại, Hưng Hóa, Nam Thượng [trong nguyên bản ghi là Nam thoung?, chú của người dịch], Nam Hà, Hải Đông, Kinh Bắc, Sơn Tây, Cao bằng, Lạng Bắc hay Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang và Quảng yên.

Cả Bắc Kỳ và Trung Kỳ, từ thủa xa xưa, đã từng là môi trường của các cuộc nổi loạn, nội chiến, và đổ máu. Bỏ qua lịch sử khá tối tăm của các biến cố này, chúng ta chỉ cần kiểm lại giai đoạn từ 1740 đến 1786.

Vào thời điểm đó, Lê Cảnh Hưng là Quốc Vương Bắc Kỳ hay “Ngan-nan” (?) như được gọi, và Hiền Vương là Chúa miền Cochin China, hay An Nam, nhưng bị oán ghét bởi thần dân đến nỗi gia đình Tây Sơn nhiều thế lực đã nổi dậy và hạ sát Chúa Nguyễn. Ông ta đã lại một người cháu: Nguyễn Ánh, và là kẻ đã chạy trốn vào Sàigòn khi có sự từ trần của người chú (bác). Các người cầm đầu gia tộc Tây Sơn gồm có ba anh em: người lớn tuổi nhất, Nguyễn Nhạc (Yin-yac), là một thương nhân giàu có; người thứ nhì, Long Nhương (Long-niang) là một viên Tướng Lãnh cao cấp; và người thứ ba là một tu sĩ.

Xứ Cochin [trong bài này là để chỉ toàn thể nước Việt Nam, chú của người dịch] khi đó bị chia làm ba phần: miền bắc bị chinh phục bởi dân Bắc Kỳ; Huế được chiếm đóng bởi người anh em thứ nhì, Long Nhương [Nguyễn Huệ]; và miền hạ lưu Cochin được cai trị bởi Nguyễn Nhạc, trong khi người em thứ ba là vị lãnh đạo tôn giáo cho toàn thể Đế Quốc.

Nguyễn Ánh, người cháu của chúa Hiền Vương, kẻ đã chạy trốn vào Sàigòn, quyết tâm khôi phục lại vương quốc của mình ra khỏi ba anh em thuộc gia tộc Tây Sơn. Vào lúc chúa Hiền Vương bị giết chết, có một vị Giám Mục Công Giáo tên là Pigneaux de Betraine (viết hay sắp chữ sai trong nguyên bản, chú của người dịch], được gọi là Adran theo địa phận của ông, và ông chính là người đã cứu người cháu tên Nguyễn Ánh, và dẫn ông hoàng vào Sàigòn, và từ đó đã dốc lòng tìm cách đặt ông hoàng lên ngai vua tại Bắc Kỳ.

Long Nhương tướng quân, người anh em thứ nhì, kế đó tấn công quân Bắc Kỳ, và sau khi trục xuất họ ra khỏi miền Bắc Cochin, đã tiến vào Bắc Kỳ năm 1786, buộc Chiêu Thống [viết sai là Chin-long trong nguyên bản, chú của người dịch] Nhà Vua đương thời, chạy trốn sang Trung Hoa, nơi ông đã mất đi tại Bắc Kinh, trong cuộc đời lưu vong.

Giám Mục Adran sau đó dẫn con trai trưởng của Nguyễn Ánh cùng đi với ông sang Paris, đề dành viện trợ của vua Louis XVI của Pháp, và một Hiệp Ước Liên Minh đã được ký kết hôm 28 tháng Mười Một năm 1787, và Giám Mục Adran đã quay trở về.

Năm 1791, Long Nhượng băng hà, để lại một đứa con mười hai tuổi; và Nguyễn Ánh, với sự trợ giúp của một số các sĩ quan Pháp, được mang sang từ Âu Châu bởi Giám Mục Adran, đã chiếm đoạt hạm đội của Nguyễn Nhạc năm 1793. Trong cùng năm đó, Nguyễn Nhạc băng hà, và được kế ngôi bởi người con trai. Nguyễn Ánh tấn công và đánh bại người con trai này trong năm 1796, và chinh phục phần lãnh thổ còn lại dưới chính quyền người con vua Long Nhương, và vì thế Cochin (An nam) một lần nữa thuộc về vị chủ tể hợp pháp.

Cuộc chinh phục Cochin được hoàn tất trong năm 1811 [nhiều phần sắp chữ sai, phải là 1801 mói đúng, chú của người dịch], Nguyễn Ánh sau đó đã chú tâm đến Bắc Kỳ, có vị vua khi đó là Cảnh Thịnh, con trai của vua Quang Trung [nguyên bản ghi sai là Quan hung, chú của người dịch] mà ông đánh bại vào năm 1802, và sau đó là vị chúa tể độc nhất của An Nam, ông lên ngôi Hoàng Đế, đặt vương hiệu là Gia Long, danh xưng mà mà ông được biết tới nhiều nhất, và kể từ đó Bắc Kỳ trở thành một tỉnh [?,] của vương quốc An Mam.

Điều có thể nhận thấy rằng trở lùi về đến năm 1541, nhà Lê [nguyên bản viết sai là Li, chú của người dịch], người thành lập triều đại thứ nhì, trong đó các ông Li-ki-mao [?] hay Li-hy [?], là các người được thừa nhần nối ngôi tại Bắc Kỳ, và mặc dù họ bị truất phế bởi các kẻ tiếm quyền, họ vẫn còn được nhìn nhận như thế, và một số các đại diện của họ được nói là vẫn còn hiện diện. [Đoạn này chi việc Mặc Đăng Dung tiếm quyền nhà Lê, trong khi Nguyễn Kim vẫn lập Lê Trang Tông lên ngôi vua, tác giả không hiểu rõ nên trình bày không thông suốt về lịch sử Việt Nam, chú của người dịch]

Kể từ sau sự băng hà của Gia Long, ba vị vua đã trị vì tại Cochin (An Nam) – Minh Mạng, 1820-1840 [trong nguyên bản viết sai là Ning Mạng, chú của người dịch]; Thiệu Trị, 1841-1847 [trong nguyên bản viết sai là Tien-tri, chú của người dịch], và Tự Đức, vị vua hiện nay; nhưng mặc dù họ mắc nợ trong việc lập quốc của họ nơi các nỗ lực của Giám Mục Adran, họ đã không ngừng ngược đãi tín đồ Thiên Chúa Giáo. Thí dụ, Linh Mục Fernandez bị chặt đầu vào ngày 24 tháng Bẩy, Giám Mục Henarls vào ngày 25 tháng Sáu, và Giám Mục Delgado đã chết trong tù ngày 12 tháng Bẩy năm 1838. Sau cùng, do hậu quả của sự hành quyết Giám Mục José Maria Diaz vào ngày 20 tháng Bẩy, 1857, và bởi các sự xúc phạm khác, chiến tranh đã bùng nổ giữa An Nam, Tây Ban Nha và Pháp, và sự kiện này được tiếp nối bởi các chiến thắng của các Đô Đốc Rigault de Genouilly tại Đà Nẵng, vào ngày mồng 1 tháng Chín năm 1858; và tại Sàigòn, vào ngày 17 tháng Hai năm 1859; Chasner [?Charner] tại Kỳ Hòa, vào ngày 25 tháng Hai, năm 1861; Page tại Mỹ Tho, vào ngày 12 tháng Tư năm 1861; và Bonard tại Bein Hoa [? Biên Hòa], vào ngày 9 tháng Mười Hai năm 1862; kết thúc với Hiệp Ước Sàigòn, ngày 5 tháng Sáu năm 1852 [? phải là 1862, chú của người dịch] theo đó các tỉnh Gia Định (Sàigòn), Định Tường (Mỹ Tho) và Biên Hòa, cùng đảo Côn Sơn [trong nguyên bản ghi là Perto Condor, chú của người dịch], tại miền Nam Cochin (Lower Cochin), được nhường cho Pháp, và ngoài các nhượng địa này, lấy cớ vì có các sự vận động [chống đối] ngấm ngầm và thiếu thiện chí về phía Chính Phủ An Nam, Phó Đô Đốc de la Grandière trong tháng Sáu 1867 đã sáp nhập nốt ba tỉnh miền tây là Vĩnh Long, Choudoc [? Châu Đốc] và Hà Tiên.

Con sông chính tại Bắc Kỳ, được gọi là Ho-ti-kiang [?], nhưng được nghe nhiều hơn là Hung Keang [? Hồng Giang] theo tiếng Hoa, và Sông Cái [Song Koi trong nguyên bản] hay sông Hồng trong tiếng An Nam, có phát nguyên từ Tây Tạng, và có thể lưu thông từ Mạn Hảo (Manghao), thành phố cuối cùng trong tỉnh Vân Nam của Trung Hoa, xuôi ra tới biển, với một chiều dài là 414 dậm. Mạn Hảo là trạm trung chuyển (entrepôt) nơi mà các hàng hóa sẽ được chuyển từ và đến Bắc Kỳ và An Nam, trung tâm mua bán là thành phố xa hơn về phía bắc, được gọi là Mongtsze [? Mông Tự], cũng tọa lạc bên các bờ của Sông Cái, hay sông Hồng, nhưng ở đây được gọi là sông Ho-ti-kiang. Bên dưới Mạn Hảo, trên các bờ sông, trong lãnh thổ An Nam, có tọa lạc thị trấn Lào Cai (Laokay); cách hai ngày đường đến thủ phủ của Bắc Kỳ, Hà Nội. Sông Cái, hay sông Hồng, chia thành nhiều nhánh; hai nhánh phia nam gặp nhau phía trên Hà Nội. Một trong hai nhánh đó chảy ngang thị trấn Ninh-brinh [? Ninh Bình]; nhánh kia, chảy qua Nam Định và Hưng Yên. Hai chi lưu này giao thông với nhau bằng các kinh đào, trên một trong các kinh đào này có tọa lạc thị trấn Phủ Lý (Fouli). Một chi nhánh khác của Sông Cái là sông Thái Bình, chảy qua Hải Dương. Nằm giữa nó và chi nhánh Hà Nội của con sông Cái hay sông Hồng, là kinh đào Longchi [?]; và một chi nhánh thứ ba và rất quan trọng nằm phía bắc của chi nhánh nêu trên là sông Cấm, chảy ngang qua Hải Phòng; cửa con sông Cấm được gọi là Cửa Cấm. Ba cửa sông cao nhất ở phía bắc theo đó sông Cái đổ ra biển được gọi các cửa Đại, Lak [?] và Bà Lạt. Khoảng cách từ cửa sông đến Mạn Hảo tại Vân Nam như sau:

Dặm
Từ cửa sông đến Hà Nội 110
Từ Hà Nội đến Sơn Tây 32
Từ Sơn Tây đến các tiền đồn của An Nam 87
Từ trại An Nam đến Lào Cai 115
Từ Lào Cai đến Mạn Hảo 70
Khoảng cách từ biển đến Mạn Hảo 414

Các biên giới giữa Bắc Kỳ và Vân Nam từ lâu đã ở trong một tình trạng rất hỗn loạn, bị chiếm cứ bởi hai nhóm hay băng đảng Trung Hoa nổi bật là các nhóm Cờ Đen và Cờ Vàng. Số người tập hợp đó nguyên thủy gồm những người nằm dưới trướng của Thủ Lĩnh Tienti [?], người cầm đầu cuộc Nổi Dậy ở Quảng Tây, và khi trốn chạy sang Bắc Kỳ đã chiếm giữ thị trấn Lào Cai, nằm trên sông Hồng; nhưng hai viên thủ lĩnh cãi cọ với nhau, tách rời nhau, và một bộ phận chiếm giữ Ko-yang [?], một thị trấn nằm sâu hơn trên sông Hồng, là nơi mà họ hiện còn đang chiếm đóng, và còn đang giao chiến với nhau, và mỗi cánh đều đặt ra các sự hăm dọa để tống tiến trên mọi tàu thuyền và hàng hóa ngang qua để đến Vân Nam, và vì thế làm đình chỉ mậu dịch béo bở đã từng diễn ra giữa Hà Nội và tỉnh đó.

Liên quan đến thủy lộ tiến vào Vân Nam bởi Sông Cái, hay Sông Hồng, không có gì phải ngờ vực về sự cung ứng của nó, và rằng cho mãi đến gần đây một cuộc mậu dịch khá lớn lao đến và từ Hà Nội được thực hiện bởi người Trung Hoa thường trú ở đó, và nếu các biên giới giải tỏa được các trở ngại đang hiện hữu dưới hình thức tống tiền và các phe nhóm Trung Hoa tự tác, công cuộc mậu dịch sẽ được tái lập. Tôi đã nhìn thấy các chiếc tàu được đóng một cách đặc biệt với thân tàu kéo dài, và phần chìm xuống nước thấp, được dùng dể ngược giòng sông lên tới tận Mạn Hảo và Mông Tự, cả hai thành phố mua bán lớn tại Vân Nam, và tôi đã tra hỏi cặn kẽ một hai người đi lại trên đường đó và họ cho hay không có trở ngại nào cả. Chính vì thế, việc Sông Cái được cung ứng cho sự vận chuyển các quặng mỏ được nói thuộc loại quặng giàu và các sản phẩm của Vân Nam và Bắc Kỳ xem ra là chắc chắn, và một khi có sự gỡ bỏ ba trở ngại, công cuộc mậu dịch lớn lao và mang lại lợi nhuận có thể nói tùy thuộc, một cách chính xác, nơi sự chấp thuận của các chính quyền ở Bắc Kỳ và Trung Hoa để khai các mỏ, và sự giải toa khỏi khu vực biên cương các người Trung Hoa tỵ nạn và các kẻ chuyên hăm dọa tống tiền mài lộ. Khi tất cả các việc này được hoàn tất, việc còn lại sẽ dễ dàng.

Nếu Sông Cái hay sông Hồng mở ra được một con đường đến Vân Nam và Quảng Tây, con đường xuyên qua các Bang Quốc của sắc dân Shan và vùng Bhamo không phải sẽ kém phần thích dụng, và cả hai con đường đều có các lợi điểm ngang nhau, hay không có bất kỳ lý do nào khiến cho các quyền lợi của chúng phải đụng độ nhau; ngược lại, bởi các ngỏ ra ngoài nằm cách xa nhau, và con đường này mang lại các tiện nghi địa dư mà con đường kia không có.

Các sự lưu ý đã xuất hiện trên các ấn phẩm của Pháp thúc giục Chính Phủ [Pháp] về sự cần thiết phải có hành động tức thời bằng việc khai mở Sông Cái trước khi Anh Quốc độc quyền hóa mậu dịch với miền tây Trung Hoa qua con đường Bhamo; nhưng đây là một sự nhầm lẫn, không một con đường duy nhất nào từ Vân Nam có thể làm được điều đó, và càng nhiều sự mở cửa cho có các lối ra và lối vào của công cuộc mậu dịch, sẽ càng tốt. Hơn nữa, sự việc [độc quyền hóa] như thế không phải là ý định hay mong ước của Chính Phủ Anh Quốc theo sự hiểu biết của tôi, và nếu chính sách của Pháp tại Bắc Kỳ ít hạn chế hơn, nó sẽ thu hút được tư bản ngoại quốc đến xứ sở này, và khai triển các tài nguyên phong phú của nó, hiện nay đang bị đình chỉ vì sự nghèo khổ của Chính Quyền và người dân [An Nam].

Tôi thấy sự khó khăn để có được thông tin về các sản phẩm thương mại của Bắc Kỳ, nhưng tôi có gặp gỡ một người bản xứ tên gọi là Petrus Trương Vinh Ký [viết là Trueong Vinhky trong nguyên bản, chú của người dịch], người được tuyển dụng của Chính Quyền Pháp tại Sàigòn, và đã được phái ra để điều tra về các tài nguyên mua bán của phần đất đó.

Ông đã trình bày Bắc Kỳ thì giàu có trong đủ mọi loại sản phẩm, có các mỏ than đá, đồng, và thiếc, vàng và bạc. Các khả năng nông nghiệp của nó thì bao la, và lụa thì tràn ngập và rẻ; một tấm lụa có thể được mua tại Hà Nội với giá 150 đô la [?] sẽ có giá 250 dô la tại Sàigòn, và 400 đô la tại Trung Hoa. Sự việc có thể là như thế, nhưng từ một miếng lụa nhỏ mà tôi nhìn thấy tôi phải nói rằng nó có sợi thô hơn lụa Trung Hoa và rất bị sờn tước một cách tệ hại, và hàng hóa may bằng nó thì không hoàn hảo so với hàng của Trung Hoa, và có phẩm chất rất kém. Ông Trương Vĩnh Ký xác nhận thông tin mà tôi nhận được liên quan đến sự chiếm đóng giòng sông chảy vào Vân Nam bởi các nhóm quân Cờ Đen và Cờ Vàng, và nói chừng nào họ vẫn chiếm giữ nó, mậu dịch với Vân Nam sẽ bị tê liệt. Tuy nhiên, ông tin tưởng rằng Lãnh Sự Pháp tại Hà Nội, trong vòng một hay hai tháng nữa, sẽ tiến đến nơi đó với một lực lượng hộ tống có vũ trang từ 100 đến 200 lính từ Sàigòn ra để hợp tác với người An Nam nhằm giải tỏa con đường.

Điều này được xác nhận bởi ông de Kergaradee, kẻ đã nói với tôi rằng ông có đi đến đó, một phần để xem xét sự việc, và để đạt tới một vài sự dàn xếp với các nhóm Kỳ Quân, và một phần vì các mục đích khoa học. Tôi không giả vờ đưa ra một sự tường thuật về sự mua bán bản xứ tại Bắc Kỳ trong điện văn này, bởi cơ hội của tôi để thu lượm thông tin thì quá ngắn.

Tôi chỉ có thể nói rằng từ tất cả mọi khía cạnh, nó là một xứ sở rất giàu có, và sự thiết lập các quan hệ tốt đẹp với Chính Quyền, có thể mang lại một tình trạng rất sinh lợi cho các nước Tây Phương; và ngay dù ông Kergaradee có thể thành công trong việc hoặc hòa giải với nó hay cưỡng ép sự tuân hành trên các nhóm quân Cờ Đen và Cờ Vàng, nhiều sự việc sẽ cần được làm đối với việc khai thông mậu dịch với Vân Nam. Trong thực tế, tôi tin cuộc viễn chinh có chủ định này của ông đến gặp các phe nhóm bắt nguồn từ phía Pháp trong việc kêu gọi Chính Quyền An Nam hãy giải tỏa các nhóm thổ phỉ này ra khỏi các cửa ải vùng biên giới, và trước lời kêu gọi này, Chính Quyền An Nam đã trả lời rằng nó không thể làm như thế nếu không có sự trợ giúp, và vì thế mang tầm quan trọng hơn khi mới chợt lướt nhìn thấy lần đầu.

Giò đây tôi xin trình bày, ngắn gọn đến mức tối đa, đến tình hình giáo hội tại Bắc Kỳ liên quan đến thiên chúa giáo.

Nhà truyền giáo đầu tiên đến Bắc Kỳ là giáo sĩ Dòng Tên Ý Đại Lợi, Julian Baldinotti, đã đến đó vào năm 1626; ông được tiếp bước trong năm 1627 bởi Alexander de Rhodes (người Pháp) và Antonio Marquez (Portuguese); các ông này bị trục xuất trong tháng Năm năm 1630, nhưng nhiều giáo sĩ khác nối bước chân họ. Các sự ngược đãi đã diễn ra sau đó; Messari chết trong nhà tù ngày 15 tháng Sáu năm 1723. Buccharelli bị xử trảm đầu cùng với chin người dân Bắc Kỳ vào ngày 11 tháng Mười năm 1723. John Caspar Crats, sinh tại Đức Quốc năm 1698, Bartholomew Alvarez, sinh tại Parameo, Bồ Đào Nha năm 1706, Emmanuel de Alreu, sinh tại Aronca, Bồ Đào Nha năm 1706, và Vincent de Cunha, sinh tại Lisbon năm 1708, đều bị chặt đầu vào ngày 12 tháng Một năm 1737.

Sau các sự ngược đãi năm 1737, có một thời kỳ yên tĩnh, và Quốc Vương Bắc Kỳ còn liên lạc với Macao để xin một số nhà toán học, và vào ngày 6 tháng Ba năm 1751, Linh Mục Simonelli và bốn giáo sĩ Dòng Tên khác đã đến nơi; nhưng Nhà Vua lại đổi ý và không muốn có họ nữa. Các giáo sĩ Dòng Tên được thay thế bởi các sứ giả của các “Hội Truyền Giáo Hải Ngoại: Missions étrangères” trong năm 1659. Năm 1679, Bắc Kỳ được chia thành hai giáo phận, Đông và Tây. Các giáo sĩ Tây Ban Nha dòng Đa Minh (Dominicans) phụ trách miền Đông Bắc kỳ năm 1693. Hai giáo phận lại được chia nhỏ thành các địa hạt, và các các dòng truyền đạo Công Giáo La Mã tại Bắc Kỳ vào lúc này gồm:

Thứ nhất, Tây Bắc Kỳ (Các Hội Truyền Giáo Hải Ngoại), được lập ra năm 1670, Đức Ông Puginier tại Sokien [?] (Hà nội).

Thứ nhì: Đông Bắc Kỳ (Dòng Đa Minh Tây Ban Nha) được lập ra năm 1679, Đức Ông Colomer ở Ké-né [?] (Bắc Ninh).

Thứ ba: Trung Bắc Kỳ (Dòng Đa Minh Tây Ban Nha), được lập ra năm 1548. Đức Ông Cezon tại Bùi Chu, Nam Định [ghi sai là Biu-chu, Fam-dinh trong nguyên bản, chú của người dịch]; Đức Ông Riano Coadjuta tại Ngọc-duong [?] (Hưng Yên).

Thứ tư; Nam Bắc Kỳ) (Các Hội Truyền Giáo Hải Ngoại) được lập ra năm 1546, Đức Ông Ganthier ở Xã Đoài [?]; Đức Ông Croc Coadjuta tại Hương-phương (Bo-chink) [?].

Như đề cập ở trên, tôi đã đên gặp Đức Ông Puginier, và nhận thấy ông rất dễ chịu và cởi mở; ông vào khoảng bốn mươi tuổi, và được biết đã ở trong nước này mười tám năm, và có lẽ sẽ chết ở đó, bởi ngoại trừ các trường hợp đặc biệt, không thành viên nào của các dòng truyền giáo có bao giờ quay trở lại Pháp.

Có vào khoảng 100,000 người theo đạo Thiên Chúa trong giáo hạt của ông, chiếm khoảng hai phần năm toàn thể giáo dân tại Bắc Kỳ, tức khoảng 400,000 người; ông có dưới quyền hai mươi sáu linh mục người Pháp và 160 linh mục người bản xứ, là những kẻ được trợ giúp bởi một số lượng lớn các thày giảng. Trụ sở của hội truyền giáo đặt tại một cơ sở tọa lạc cách Hà Nội khoảng bốn mươi dậm, được tạo dựng một phần bởi các người cải đạo theo ông và một phần bởi chính ông, sản xuất ra mọi thứ cần thiết cho các mục đích truyền giáo. Ông khuyến khích mọi loại công nghệ, chẳng hạn như dệt, thêu, trồng dâu nuôi tằm sản xuất lụa, khảm (một loại gỗ được cẩn bằng xà cừ), thuốc điếu, theo kiểu Âu Châu. Đất đai sản xuất bông, đay, thầu dầu (castor oil), cây dâu, cho việc nuôi tằm sản xuất lụa, hạt cau, gạo v.v… và việc bán sản phẩm để hỗ trợ dòng truyền giáo; cộng chung cơ sở bao gồm khoảng 900 người, tất cả đều được nuôi ăn hàng ngày. Tôi ghi nhận sự vui vẻ của ông trước viễn ảnh sẽ không bao giờ nhìn thấy quê hương nữa. Ông nói các người tiền nhiệm của ông đã chết đi tại nhiệm sở của họ, như thể nhiệm vụ của ông phải làm như thế.

Trong suốt thời gian lưu ngụ tại Hà Nội, tôi đã đến thăm viếng khu Nhượng Địa của người Pháp, như đã đề cập nơi phần mở đầu của bức điện văn này. Nó được tọa lạc một cách xinh đẹp bên bờ phải của Sông Cái gần thành phố, có diện tích khoảng năm mươi mẫu Anh (acres), và được bao quanh ba mặt bởi một bức tường rào, mặt thứ tư trông ra sông. Hơn 2,000 phu thợ An Nam, chính yếu là phụ nữ, đã tham dự vào việc nâng khu đất lên cao hơn mực nứớc cao nhất, và một tòa lãnh Sự, các trại lính, và các kho dự trữ quân liệu đã gần được hoàn tất. Ông Kergaradee cho tôi hay rằng khu đất được chấp thuận nguyên thủy nhỏ bé hơn, nhưng bởi Chính Quyền An Nam muốn giữ lại Điện Khảo Thí, hiện giờ là tòa Lãnh Sự và các trại lính, ông đã đồng ý trao hoàn lại nó vào tháng Mười sắp tới nếu họ đồng ý gia tăng diện tích khu Nhượng Địa, là điều họ đã đồng ý, và các công trình đã được đẩy nhanh để giúp ông giữ đúng lời hứa.

Tôi rời Hà Nội vào buổi sáng ngày 12 tháng trước, và đến Hải Phòng vào buổi trưa hôm sau. Tại đây chúng tôi đã ở lại cho đến ngày 16 chờ đợi một hoa tiêu, và trong buổi chiều hôm đó với con tàu nhẹ gánh đà rời gìòng sông để đến đảo Hải Nam.

Về các vấn đề thương mại và các tài nguyên của Bắc Kỳ như một xứ sở cho mục đích mậu dịch, cuộc thăm viếng ngắn ngủi của tôi đã cản trở việc thu thập mọi tin tức mà tôi muốn có. Trong thực tế, không có thông tin gì hết, mà chỉ có một sự cư trú trong một hay hai tháng mới có thể giúp tôi theo đuổi các sự điều tra thỏa đáng trong chiều hướng đó, bởi cần có thời giờ và sự kiên nhẫn để khám phá các năng lực của một xứ sở phương đông.

Tôi về lại Hồng Kông hôm 25 tháng trước, sau khi vắng mặt đúng một tháng.

Kính trình,

(Đã ký tên) B. ROBERTSON, Lãnh Sự

_____

Tài Liệu Đính Kèm Số 2

Mậu Dịch Qua Cảng Hải Phòng, tại Bắc Kỳ

[Duới đây là phần dịch các loại sản phẩm xuất nhập trong các bảng thống kê nguyên thủy, xin người đọc đối chiếu với nguyên bản được sao chụp để có các số lương và trị giá tương ứng. Về trị giá, được tính theo lạng vàng (taels) với biểu xuất ghi ở bảng thống kê là cứ 72 lạng đổi lấy 100 đô la. Về nơi xuất cảng, chính yếu là xuất sang Hồng Kông và Ma Cao.]

Cảng Hải Phòng:
Số Xuất Cảng từ ngày 15 tháng Chín, 1
875 đến ngày 12 tháng Tư, 1876

XUẤT CẢNG

Thiếc Bong bóng cá
Dầu hồi hương Vỏ cây để lọc dầu
Nấm Đồ khảm
Con trai Đồ mây và đồ tre
Hàng lụa Mây làm ghế
Lụa sống Xương trâu, bò
Hạt muscade (dùng làm gia vị) Da trâu, bò
Sơn sống phủ cành nhỏ Sừng trâu, bò
Sơn Sừng nai
Sơn mài Ống bằng gỗ
Hạt đậu khấu (graines de paradis) Bột nốt rễ [?] (Poudre de tubercule)
Miến Trà Vân Nam
Bông vải sống Trà An Nam
Hàng vải Da chim xanh [?] (Depouilles d’oiseaux bleuses)
Quạt giấy Lông chim xanh nhỏ [?] (small blue bird plumes)
Dược phẩm Dây mũ bằng lụa
Hộp sơn mài Móng đóng vào chân trâu, bò (sabots de boeufs)
Da con công Màn đen cho quan tài
Đuôi con công Tôm khô
Đồ thêu Giấy An Nam

NHẬP CẢNG

Cuộn bông sợi, của Anh Quốc

XUẤT CẢNG BỞI “NORMA”

30 sọt bún, miến 1 thùng hang bông vải bản xứ
41 sọt sừng trâu 30 con lợn sống

BẢNG KÊ CÁC HÀNG HÓA CHÍNH
ĐƯỢC XUẤT & NHẬP TỪ CẢNG HẢI PHÒNG

NHẬP CẢNG

Đồ trang trí cho lễ nghi tôn giáo Giấy
Sợi bông Khoai tây
Giầy cao cổ, giầy Cây thuốc
Sắt tráng thiếc Hạt tiêu
Đồ sành, gốm Trung Hoa Dầu hỏa
Nồi, chảo Đồ thiếc
Gương, kính Sơn (nhuộm)
Xà cừ Trà
Thuốc phiện Rượu nho và rượu mạnh

XUẤT CẢNG

Củ nâu Xương bò
Nấm khô Xương trâu
Bông vải sống Mây đan
Thiếc Lụa sống
Quạt Hàng lụa
Bún, miến Sơn (nhuộm)
Cây thuốc Sơn mài

—–

Nguồn: Bản sao chụp từ nguyên bản của Bộ Ngoai Giao Anh Quốc, kho tư liệu của người dịch NGÔ BẮC.

NGÔ BẮC dịch và chú giải

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN