Đối thoại với các phái đoàn Hoa Kỳ
Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng

Đối thoại với các phái đoàn Hoa Kỳ

Quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ là một mối quan hệ có lịch sử đặc biệt và phức tạp. Hai nước từng ở hai chiến tuyến trong chiến tranh và tiếp tục có ý thức hệ khác biệt thời hậu chiến. Cho dù hai nước đã bình thường hoá quan hệ từ năm 1995, nhưng dư âm từ chiến tranh và khác biệt về quan điểm chính trị vẫn khiến mối quan hệ Việt – Mỹ luôn có những bất đồng và rào cản. Trong suốt thời kỳ hậu bình thường hoá, Mỹ luôn đặt sự khác biệt giữa hai hệ thống chính trị như vấn đề dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo là những điều kiện ràng buộc trong quan hệ hai nước, dùng hai vấn đề này như công cụ để can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam.

Việc áp dặt dân chủ, nhân quyền theo giá trị của Mỹ vẫn còn dai dẳng cho tới ngày nay, nhưng đã giảm nhiều so với những giai đoạn trước đây. Thành công của Việt Nam trong việc giải quyết vấn đề này với Mỹ có phần đóng góp quan trọng của những cuộc đối thoại chính trị thẳng thắn và cởi mở giữa hai bên, trong đó không thể không kể tới những cuộc đối thoại của các chính khách Hoa Kỳ với lãnh đạo ngành Công an Việt Nam. Với tư cách là một thành viên của chính phủ, Bộ Công an được phân công trách nhiệm làm việc với các phái đoàn Hoa Kỳ để làm rõ những sự thật về tình hình Việt Nam cũng như khẳng định lại quan điểm nhất quán của Chính phủ Việt Nam về những vấn đề trên, khi Hoa Kỳ luôn có những yêu sách đòi đưa Việt Nam vào danh sách những quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tôn giáo.

Những cuộc đối thoại giữa lãnh đạo Bộ Công an với phía Hoa Kỳ mang ý nghĩa đặc biệt. Chính vì thế, chúng tôi mong muốn giới thiệu nguyên văn nội dung các cuộc đối thoại của Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng, Ủy viên Trung ương Đảng khóa IX, khóa X, Thứ trưởng Bộ Công An, với các đoàn khách đại diện Chính phủ, Sứ quán, các đoàn nghị sỹ Hoa Kỳ và các tổ chức tôn giáo quốc tế khi đến làm việc tại Việt Nam giai đoạn 2003-2010.

Những cuộc đối thoại của Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng đã cho thấy rõ quan điểm chính thống của Nhà nước Việt Nam và là tư liệu quan trọng để nghiên cứu về chính sách của Nhà nước Việt Nam đối với vấn đề dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo. Những cuộc đối thoại đã thể hiện quan điểm nhất quán của Việt Nam từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập năm 1945 là tôn trọng dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo của người dân được thể hiện trong Hiến pháp. Hơn thế, những lập luận của Thượng Tướng Nguyễn Văn Hưởng còn làm rõ sự linh hoạt trong việc sử dụng các sự kiện để tấn công lại những thông tin sai trái từ phía đối phương vào từng trường hợp cụ thể như thế nào.

Có thể nói, những cuộc đối thoại thẳng thắn nhưng không kém phần uyển chuyển này đã góp phần làm thay đổi thái độ của các chính khách Hoa Kỳ về tình hình dân chủ nhân quyền ở Việt Nam. Hoa Kỳ đã đưa Việt Nam ra khỏi danh sách những quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tôn giáo (năm 2006). Qua đây, chúng ta thấy đối thoại ngoại giao là một biện pháp và là nghệ thuật của Nhà nước ta để bảo vệ an ninh và góp phần thúc đẩy quan hệ đối ngoại, phục vụ cho hội nhập và phát triển đất nước. 

Từ đó, chúng ta càng thấy tin tưởng và tự hào về lực lượng an ninh của chúng ta. Họ không chỉ giỏi đối phó với các hoạt động phá hoại của kẻ thù, mà họ còn làm rất tốt trên mặt trận đấu tranh đối ngoại, góp phần giải tỏa sự đối đầu căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.

Với ý nghĩa đó, và được sự đồng ý của Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng và sự cộng tác của các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu nguyên văn các cuộc đối thoại của Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng với các chính khách Hoa Kỳ về dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo giai đoạn 2003 – 2010 qua cuốn sách “Đối thoại với các phái đoàn Hoa Kỳ”. Cuốn sách gồm 2 phần:

  • Phần I: Các cuộc đối thoại của Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng với đoàn chính khách Hoa Kỳ về các vấn đề dân chủ nhân quyền.
  • Phần II: Các cuộc đối thoại của Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng với các phái đoàn Hoa Kỳ về tự do tôn giáo.

Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc./.

VIỆN NGHIÊN CỨU PHÁT TRIỂN PHƯƠNG ĐÔNG

 

 

 

 

BÌNH LUẬN

CÙNG THỜI KỲ