Những biên bản cuối cùng tại Nhà Trắng: Phút sụp đổ của Việt Nam Cộng Hòa
Ngô Bắc (dịch)

Những biên bản cuối cùng tại Nhà Trắng: Phút sụp đổ của Việt Nam Cộng Hòa

Nhân dịp kỷ niệm 44 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2019), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông – Chi nhánh Hà Nội thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức xuất bản cuốn sách “Những biên bản cuối cùng tại Nhà Trắng: Phút sụp đổ của Việt Nam Cộng hòa”. Cuốn sách dày 312 trang, khổ 16x24cm do Ngô Bắc biên dịch được phát hành trên cả nước vào ngày hôm nay 16/4/2019.

“Những biên bản cuối cùng tại Nhà Trắng: Phút sụp đổ của Việt Nam Cộng hòa” được chia làm hai phần: Phần I gồm những tài liệu nguyên bản tuyệt mật do phía Hoa Kỳ giải mật vào năm 2015 với nội dung xoay quanh những toan tính, quyết sách và hành động của những người đứng đầu bộ máy chiến tranh của nước Mỹ trong những ngày sụp đổ cuối cùng của chính quyền Sài Gòn. Phần II gồm những bài viết, trang hồi ức không thể lãng quên của một số tướng lĩnh cấp cao của Mỹ trực tiếp có mặt và chỉ huy cuộc di tản trong những giờ phút sụp đổ cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa.

Có thể nói, phải hơn 40 năm sau khi chiến tranh kết thúc, với sự chủ trì sưu tầm và biên dịch của Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông – Chi nhánh Hà Nội, cuốn “Những biên bản cuối cùng tại Nhà Trắng: Phút sụp đổ của Việt Nam Cộng hòa” được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ấn hành, người đọc mới được biết tường tận về nội tình giới chóp bu Mỹ trong những ngày sụp đổ cuối cùng của cuộc chiến tranh (cho tới thời điểm kết thúc) là dài nhất trong lịch sử mà nước Mỹ đã dính líu, đã phát động và tiến hành.

Đó là những bản dịch toàn văn biên bản các cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ do Tổng thống Mỹ Gerald Ford chủ trì. Tham dự có Phó Tổng thống Rockefeller, Bộ trưởng Ngoại giao Kissinger, Bộ trưởng Quốc phòng Schlesinger, Chủ tich Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Đại tướng George S.Brown, Giám đốc Cơ quan tình báo Trung ương (CIA) Wiliam Colby, Phụ tá Tổng thống về an ninh quốc gia Trung tướng Brent Scorwcorft và Chánh Văn phòng Toà Bạch Ốc. Với hình thức biên bản nên các bản văn trên ghi đầy đủ , trung thực ý kiến phát biểu của từng nhân vật chủ chốt trong bộ máy chiến tranh của Hoa Kỳ về các vấn đề, sự việc nóng bỏng trong phút sinh tử được đặt ra trên bàn nghị sự các cuộc họp Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ. Vì vậy, các biên bản này cung cấp cho người đọc rất nhiều thông tin, và đó là những thông tin gốc, từ nhiều góc độ, được lật đi lật lại, soi rọi các sự việc, các quyết định của những nhân vật chóp bu và những nhân vật liên quan trực tiếp tới chiến tranh Việt Nam của phía Hoa Kỳ trong phút sụp đổ cuối cùng.

Ngoài biên bản các cuộc họp Hội đồng An ninh Quốc gia còn có Bản ký âm các cuộc điện đàm của Tổng thống Mỹ Gerald Ford với Bộ trưởng Ngoại giao Kissinger, giữa Bộ trưởng Ngoại giao Kissinger với Bộ trưởng Quốc phòng Schlesinger; các bản phúc trình của Trưởng trạm CIA tại Sài Gòn Tom Polgar, Phó Trưởng trạm CIA tại Sài Gòn Conrad Edward LaGueux, các báo cáo của Đại diện Ngoại giao Mỹ tại tỉnh Phú Bổn, của Lãnh sự Mỹ tại Nha Trang, Văn thư báo cáo về Cuộc thăm viếng và Báo cáo tình hình tại chiến trường miền Nam Việt Nam ngày 4-4-1975 của Đại Tướng Fred C. Weyand, Tham mưu trưởng Lục quân Hoa Kỳ v.v…

Những tài liệu liệt kê trên đây là những tài liệu tuyệt mật do phía Hoa Kỳ giải mật vào năm 2015, sau 40 năm kết thúc cuộc chiến tranh tại Việt Nam. Có thể nói việc chủ động sưu tầm từ nhiều nguồn và tổ chức biên dịch nguyên văn các tài liệu đó của Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông – Chi nhánh Hà Nội đã mang tới một khối lượng đáng kể nhất từ trước tới nay cho việc tiếp cận của bạn đọc đối với các tài liệu nguyên bản tuyệt mật ( tính tới trước thời điểm được giải mật vào năm 2015) về cách thức mà người Mỹ đã hành động trong những ngày cuối cùng kết thúc cuộc chiến tranh tại Việt Nam.

Đặc biệt là phóng sự ảnh dưới tiêu đề “Từ Sài Gòn tới Nhà Trắng – Những gì tôi nhìn thấy khi Mỹ thua cuộc” của Daviid Hume Kennerly, nhiếp ảnh gia của Tổng thống Mỹ Gerald Ford đã mang lại ấn tượng hết sức mạnh mẽ về những khoảng khắc cuối cùng của cuộc chiến thể hiện trên gương mặt đăm chiêu, căng thẳng, đầy biểu cảm lo âu của các nhân vật đứng đầu chính giới Hoa Kỳ. 39 bức ảnh chọn lọc được in kèm theo chú thích đầy đủ dưới từng bức ảnh như những tin ngắn thông tấn nói rõ hoàn cảnh và bối cảnh khi tác giả bấm máy. Đó là những bức ảnh chụp tại phòng họp Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ, tại Văn phòng Nhà Trắng, tại Văn phòng Tổng thống Mỹ Gerald Ford, tại Văn phòng Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu tại Dinh Độc Lập, tại Toà Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn. Tạp chí Phương Đông số tháng 4/2019 phát hành hôm nay sẽ gửi tới bạn đọc những bức ảnh này.

Bạn đọc có nhu cầu xin liên hệ với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự Thật, và Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông- Chi nhánh Hà Nội tại địa chỉ:

Toà nhà Almaz Center, đường Hoa Phượng, Khu đô thị Vinhomes Riverside, Long Biên, Hà Nội. Điện thoại: 024.36573155

BÌNH LUẬN

CÙNG THỜI KỲ

Đối thoại với các phái đoàn Hoa Kỳ

Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng

Giải phóng

Tiziano Terzani

Một góc nhìn thời cuộc

Nguyễn Văn Hưởng