Ngô Bắc dịch
Nguồn: Charles Holcombe, Before Vietnam, The Genesis of East Asia, 221 B.C. – A.D. 907, Association for Asian Studies and University of Hawaii Press, Honolulu, 2001, các trang 145-164.
***
Đế quốc mồ côi
Giao Chỉ và khu vực thung lũng sông Hồng đã là một nơi ẩn náu cho những người Trung Hoa tị nạn lưu vong trong suốt những năm sau cùng đầy xáo trộn của triều đại nhà Hán. Tuy nhiên, như một hòn đảo của sự ổn định giữa sự sụp đổ chung, miền này ít có sự lựa chọn ngoài việc chủ động duy trì chính quyền tự trị tại địa phương, bởi trong thực tế sẽ sớm không còn đế quốc nào để lệ thuộc một cách trung thành.
Thái thú của Giao Chỉ, từ năm 187 cho đến khi từ trần vào năm 226, có tên là Shi Xie (Sĩ Nhiếp) (năm 137 – năm 226). Tổ tiên của ông ta được cho là có gốc gác tại tỉnh Sơn Đông (Shandong), họ đã chạy trốn xuống phía nam đến vùng Lĩnh Nam trong khoảng thời gian không có vua giữa thời Tiền và Hậu Hán (năm 9 – năm 25 sau Công nguyên). Những tuyên nhận về tổ tiên ở vùng Trung Nguyên như vậy là chuyện điển hình đối với các thân hào miền nam, vì thế sự quy chiếu không nên được xem là nhất thiết chính xác – nhưng không hẳn là không thể. Trong thực tế, điều đó có thể hoàn toàn chính xác. Trong bất kỳ trường hợp nào, cá nhân Sĩ Nhiếp xem vùng Cangwu, gần biên giới giữa các tỉnh Quảng Tây và Quảng Đông ngày nay, là quê quán của ông ta, và cha của ông đã từng có thời đảm nhận chức vụ thái thú tại quận Ri’nan (Nhật Nam) thuộc miền trung Việt Nam ngày nay, vì thế tốt nhất Sĩ Nhiếp có thể được xem như một người bản xứ Lĩnh Nam, mà vào thời điểm đó, vẫn chính thức là một vùng thống hợp duy nhất của đế quốc, được cai quản trên lý thuyết từ Giao Chỉ bởi một viên thanh tra cấp vùng. Sĩ Nhiếp đã theo học các kinh điển khi còn bé tại kinh đô đế triều nhà hán, và ông ta là một nhân vật sống theo cung cách Trung Hoa triệt để.
Từ “vương” (king) thậm chí còn được dùng để chỉ thời nhậm chức của Sĩ Nhiếp tại Giao Chỉ. Ông ta chắc chắn giữ quyền tự trị trong thực tế. Các anh em và một người anh (em) họ của ông đã đảm nhận các chức vụ tổng đốc của Quảng Tây và Quảng Đông, và gia tộc họ Sĩ đã tiến tới thực hành một nền cai trị triều đại độc lập thực sự khắp vùng Lĩnh Nam. Như đã sẵn được ghi nhận, sự tương đồng với vị thế của gia tộc Gongsuns tại vùng Liêu Đông (Liaodong) cùng thời là rất rõ. Giống như gia tộc Gongsuns, những kẻ được biết tới với việc liên tục dâng tấu sớ hàng năm lên nhà Ngụy thời Tam Quốc mặc dù vẫn duy trì nền độc lập trong thực tế, Sĩ Nhiếp cũng cẩn thận giữ lại vẻ ngoài thần phục triều cống trước quyền lực đang lên của nhà Ngô thời Tam Quốc có tổng hành dinh tại phương bắc.26
Sau khi tin tức về sự từ trần của Sĩ Nhiếp về đến triều đình nhà Ngô thời Tam Quốc năm 226, Giao Châu (Jiaozhou) – địa hạt hành chính “châu Giao” thời đế triều nhà Hán khổng lồ bao gồm tất cả vùng Lĩnh Nam – lần đầu tiên đã chính thức bị phân chia, ở gần biên giới Trung Hoa – Việt Nam ngày nay, thành hai miền nhỏ hơn (mặc dù vẫn còn khá rộng lớn), với tên được đặt lại là Giao Châu và Quảng Châu (Guangzhou). Bởi thông tục tại Trung Hoa đế triều là thường chỉ danh cả những khu vực hành chính lẫn kinh đô của chúng bằng cùng một tên, đây chính là nguồn gốc lịch sử của danh xưng Hán tự hãy còn được sử dụng ngày nay cho thành phố được biết đến là Canton trong Anh ngữ: tức Quảng Châu. Khi đó, danh xưng Giao Châu để chỉ (đôi khi gây nhầm lẫn) một hoặc toàn bộ vùng thuộc miền bắc Việt Nam bây giờ lẫn thủ phủ hành chính của nó gần Hà Nội hiện đại. Mặc dù Giao Châu và Quảng Châu sẽ lại sớm được tái hợp (một cách ngắn ngủi), sau năm 264 sự phân chia lại được phục hồi và trở thành vĩnh viễn.27
Giao Châu, tại phía nam xa xôi, vốn sẵn ngoan cường, tự tách xa khỏi nhà Ngô thời Tam Quốc bằng cách tuyên xưng sự trung thành của mình với các đế triều Trung Hoa xa hơn về phía bắc. Trong thời kỳ lâu dài chia cắt Trung Hoa, các chính quyền của các Nam triều có khuynh hướng bị khống chế bởi các đại gia tộc đến từ phương bắc do chạy trốn những cuộc chinh phạt “của dân mọi rợ” tiến vào vùng Trung Nguyên trong thế kỷ thứ tư. Người Trung Hoa phương nam bản xứ có vị thế quan trọng ở địa phương có khuynh hướng bất mãn sâu xa trước sự khống chế của khối di dân này. Tuy nhiên, tình hình Tại Giao Châu thì khác. Ở nơi đó, giai đoạn bốn mươi năm bán độc lập của Sĩ Nhiếp vào cuối thời nhà Hán đã thiết lập một khuôn mẫu về quyền tự trị của đại gia tộc địa phương.28 Chế độ tự quản cấp vùng này dần trở nên vững chắc hơn và đã lên đến cực điểm vào năm 541 khi một thân hào địa phương có tên là Lý Bí (mất năm 548) công khai nổi dậy chống lại nhà Lương thời các Nam triều.
Tổ tiên của họ Lý được cho là đã di chuyển đến vùng Lĩnh Nam từ Trung Nguyên vào cuối thời Tiền Hán và qua nhiều thế kỷ đã bị biến đổi thành dân phương nam “bản xứ”. Được khích lệ bởi một số chiến thắng quân sự ban đầu, họ Lý tự xưng là “hoàng đế của Nam Việt” (khôi phục danh xưng vương quốc Nam Việt xưa kia của Triệu Đà) vào năm 544 và bắt đầu tổ chức một chính quyền đế triều theo kiểu Trung Hoa. Nhưng nỗ lực này là chưa chín muồi, bởi Lý Bí đã thảm bại trước một đội quân đế triều nhà Lương vào các năm 545-546 và qua đời không lâu sau đó. Các thân nhân và tướng lĩnh của họ Lý tiếp tục một cuộc chiến tranh du kích kéo dài từ các căn cứ địa ở những vị trí xa xôi và không thể tiếp cận được cho mãi đến năm 550, khi đội quân nhà Lương được gọi về để đối phó với những mối quan tâm quân sự khẩn cấp hơn nơi vùng viễn bắc. Triều đại nhà Lương suy sụp mau chóng, rồi được thay thế bởi triều đại nhà Trần thậm chí còn yếu kém hơn vào năm 557. Trong phần còn lại của thế kỷ, Giao Châu đứng bên ngoài sự đô hộ của đế triều, dưới sự cai trị của gia tộc họ Lý độc lập. Tuy nhiên, vào năm 602, một đội quân từ triều đại nhà Tùy vừa mới tái thống nhất đã phá tan quân đội của vị hoàng đế họ Lý và cưỡng đặt sự tái thuần phục của Giao Châu.29
Kể từ khi triều đại nhà Hán kết thúc, khu vực thung lũng sông Hồng nhờ đó đã thụ hưởng sự thờ ơ từ đế triều trong một quãng thời gian dài. Những đợt can thiệp tích cực từ các đế quốc phương bắc chỉ xảy ra với tần suất thưa thớt. Điều này kéo dài suốt nửa thế kỷ độc lập chính thức trên danh nghĩa y như là một đế quốc với chủ quyền của riêng mình; và mặc dù triều đại nhà Tùy đã dùng bạo lực tái thiết lập thẩm quyền đế triều phương bắc tại Giao Châu vào năm 602, chính nhà Tùy đã sớm bị triều đại nhà Đường lật đổ vào năm 618, một biến cố đã mang đến những cơ hội mới cho những người hùng địa phương để xác quyết sự độc lập của họ.
Viên chức nhà Tùy được phái đi từ Trung Nguyên vào khoảng năm 616 để làm thái thú Giao Châu có khả năng duy trì vững chắc một sự kiểm soát địa phương ở đó, nhưng sau khi triều đại nhà Tùy sụp đổ, ông ta tất nhiên phải giữ vững thẩm quyền riêng của mình, cho đến thời điểm khi mà chế độ nhà Đường mới tái thiết lập quyền lực đế triều tập trung tới mức đủ mạnh để có thể hướng sự chú ý nghiêm chỉnh đến những vùng đất xa xôi ở cực nam. Triều đình nhà Đường cuối cùng đã phái một quan kinh lược sang giám sát khu vực này, nhưng nhà Đường cũng tái bổ nhiệm viên thái thú nhà Tùy trước đây tại Giao Châu làm vị tổng chỉ huy khu vực rộng lớn của nhà Đường. Nhân vật này xem ra đã cai trị Giao Châu một cách hữu hiệu cho đến khi từ trần vào năm 637. Song, mặc dù Giao Châu chắc hẳn đã thụ hưởng một sự tự trị đáng kể trong suốt nhiệm kỳ của ông ta, cần lưu ý rằng ông ta, trong bất kỳ khía cạnh nào, vẫn không phải là một người địa phương mà đúng hơn là kẻ mới nhập cư từ Trung Nguyên.30 Nền độc lập của Việt Nam trong thời kỳ này mang hình thái cai trị của một cá nhân mạnh mẽ trên một mảnh đất của đế quốc Trung Hoa.
Tình trạng không phải chỉ Việt Nam mới có. Ngay phía bắc Giao Châu, tại tỉnh Quảng Tây ngày nay, một thủ lĩnh bộ tộc đã được bổ nhiệm làm tổng đốc vào cuối triều đại sau cùng của nhà Tùy. Người kế nhiệm là con trai ông ta, và, với sự trợ lực của các chứng bệnh nhiệt đới đã diệt bớt các đội quân nhà Tùy xâm lăng, họ đã kháng cự thành công cuộc tấn công của nhà Tùy. Thay vì bị nhà Tùy thống trị trực tiếp, họ đã chỉ bị chiêu mộ như những kẻ phụ tá đồng minh. Trong vai trò đó, họ đã trợ giúp nhà Tùy trong chiến dịch chống lại xứ Chàm ở vùng viễn nam và xứ Liêu Đông tại miền đông bắc. Sau khi nhà Đường thay thế nhà Tùy, họ đã hàng phục nhà Đường và được tưởng thưởng bằng sự tái bổ nhiệm chức vụ tổng chỉ huy sứ địa phương của nhà Đường.31 Các lãnh tụ mạnh mẽ này cũng không kém độc lập hơn vị thủ lĩnh tại Việt Nam (Giao Châu) vào thời điểm này và thực sự có tính chất “bản xứ” nhiều hơn.
Tình trạng tại Quảng Châu còn đáng chú ý hơn nữa. Nhân vật nổi bật ở đó là Feng Ang (mất năm 649). Họ Feng nhận là hậu duệ của các nhà cai trị của triều đại Bắc Yan (Northern Yan) ngắn ngủi (năm 408 – năm 437) ở miền đông bắc xa xôi vốn là những kẻ được cho là đã chạy trốn sang Koguryo, và từ đó một thế hệ sau đã quay trở về Trung Hoa bằng đường biển với 300 tùy tùng, tự định cư tại miền viễn nam thuộc Quảng Châu. Bà của Feng Ang, được gọi là Qiao quốc Phu nhân (Qiao guo furen: lady of Qiao), xuất thân trong một gia đình các tù trưởng người Việt thế tập có kết hôn hợp chủng với những người họ Feng. Bà ta đã đóng một vai trò quyết định trong việc đem Lĩnh Nam nhập vào triều đại nhà Tùy với ít sự kháng cự vào cuối thế kỷ thứ sáu, nhờ đó người cháu trai của bà, Feng Ang, được bổ nhiệm làm một quan chức của nhà Tùy.32
Trong khoảng giữa những xác quyết của quyền lực đế quốc nhà Tùy và nhà Đường, Feng Ang đã nắm lấy quyền kiểm soát quân sự trên phần lớn vùng đất giờ đây là tỉnh Quảng Đông, đảo Hải Nam, và một phần của Quảng Tây. Vào lúc đó, Feng được đề nghị rằng ông ta nên tái tuyên xưng tước hiệu cũ của Triệu Đà làm “vua Nam Việt”, nhưng thay vào đó, ông ta đã thần phục kính cẩn hơn đối với nhà Đường vào năm 622. Tuy nhiên, sự thần phục của ông hẳn mang tính hình thức nhiều hơn, bởi nhà Đường sau đó đã phong tước cho ông làm quận công nước Việt, và ông ta có thể duy trì một mức độ tự trị trong thực tế khá lớn từ căn cứ quyền lực của ông tại Quảng Đông. Họ Feng đã phát triển phong thái của một sứ quân – giống như một võ sĩ samurai của Nhật hay một hiệp sĩ Tây phương hơn là một quan lại kiểu Trung Hoa – và ông ta được cho rằng đã sở hữu hơn 10.000 gia nhân và một ngân quỹ khổng lồ. Trong phần tư thứ nhì của thế kỷ thứ 7, một trong các thân nhân của ông được cho là đã tới triều đình đế quốc nhà Đường mang theo một chiếc thuyền chất đầy vàng.33
Hiện tượng phổ biến của sự thống trị thế tập của đại gia tộc địa phương tại Lĩnh Nam đã không bị trấn áp mãi cho đến nửa sau thế kỷ thứ 7 và nửa đầu thế kỷ thứ 8; ví dụ, có vẻ mãi tới năm 698, sự nghiệp của gia tộc họ Feng mới phải chịu một cú đánh gần chết.34 So với lãnh địa của gia tộc họ Feng phóng túng tại Quảng Đông, Giao Châu, tại nơi giờ đây là Việt Nam, chỉ là một phần tương đối bình lặng và bị Hán hóa của đế quốc nhà Đường. Tuy nhiên, nó cũng phần nào dần lâm vào một tình trạng đình trệ về kinh tế.
Giao Chỉ, tại thung lũng sông Hồng, đã từng là một thành phố hàng đầu của Lĩnh Nam thời nhà Hán, nhưng thành phố đối thủ năm xưa của nó, Quảng Châu (Canton), đã được phục hoạt sau năm 226. Mậu dịch đường biển, vốn ngày càng liên hệ nhiều hơn với các đảo nằm phía đông của Đông Nam Á, cũng gia tăng khả năng hải hành một cách can đảm xuyên qua đại dương để trực tiếp cập bến Quảng Châu, thay vì phải rụt rè men theo bờ biển ngang qua Giao Châu. Các đường mậu dịch trên đất liền, mà trong thời nhà Hán ít nhiều đi theo hướng bắc từ Giao Chỉ lên đến các kinh đô đế triều nhà Hán ở phía tây bắc, đã chuyển hướng sang phía đông xuyên qua Quảng Châu trên đường đi đến kinh đô mới của các Nam triều, gần địa điểm của Nam Kinh ngày nay. Quảng Châu đang trở nên quan trọng hơn như một trung tâm mậu dịch so với Giao Châu. Một học giả hiện đại đã đánh giá rằng Quảng Châu đã vượt qua Giao Châu như một đầu mối mậu dịch hàng hải quốc tế trong các thế kỷ thứ 7 và thứ 8. Khu vực thung lũng sông Hồng, dưới bất kỳ danh xưng nào, không bao giờ giành lại được hào quang thương mại trước đây của mình.35
Sự di dân vào miền Lĩnh Nam từ vùng trọng địa đế triều phương bắc suốt thời nhà Đường cũng có chiều hướng thuận lợi cho sự tăng trưởng dân số tại miền bắc Quảng Đông so với khu vực thung lũng sông Hồng ở cực nam. Vào thời nhà Tùy (thống nhất năm 589 – năm 618), một chỉ huy bộ bao gồm thành phố Quảng Châu đã sẵn có số dân ghi danh lớn hơn một chỉ huy bộ bao gồm đất Giao Châu – một sự đảo ngược tình trạng cân bằng tương đối dưới thời nhà Hán xa xưa.36
Ngoài ra, Giao Châu đang trở thành một thứ gì đó giống như một đầu mỏm biệt lập của quyền lực đế triều, bị bao quanh bởi những kẻ thù ngoại quốc hung hăng. Vương quốc Đông Nam Á chịu ảnh hưởng sâu sắc của Ấn Độ, xứ Chàm, tại biên giới phía nam của Giao Châu thuộc phần giờ đây là miền trung Việt Nam, đã là một mối đe dọa quân sự thường xuyên, bắt đầu từ thế kỷ thứ 4 và thứ 5. Thành lũy nhà Đường tại Giao Châu đã bị lục soát nhiều lần; thí dụ, vào năm 767, nó đã thất thủ trước quân cướp biển đến từ Java. Từ giữa thế kỷ thứ 9, Giao Châu còn bị đe dọa nghiêm trọng bởi sự trỗi dậy của vương quốc Nam Chiếu (Nanzhao), tọa lạc ngay sát phía tây bắc của nó, tại tỉnh Vân Nam ngày nay. Hai cuộc chiếm giữ của Nam Chiếu vào đất Giao Châu của nhà Đường được cho là đã gây tổn thất đến 150.000 người.37
Hơn nữa, về mặt địa lý, Giao Châu bị tách rời khỏi đế quốc, chỉ có thể tiếp cận được trên đất liền thông qua các nút thắt chật hẹp được tượng trưng bởi cửa ải được gọi là Quỷ Môn Quan (gui men guan) thuộc Quảng Tây ngày nay, gần biên giới với Quảng Đông, nơi mà hai núi đá đối diện tạo thành một cổng thiên nhiên. Bởi khí hậu nhiệt đới độc hại của Giao Châu, dân gian cho rằng những ai mạo hiểm đi ngang qua cửa ải sâu xuống phương nam “hiếm khi còn sống sót để quay trở về”. Khi sự chú tâm của đế triều nhà Đường bị xao nhãng bởi một cuộc nổi dậy tàn khốc tại miền bắc Trung Hoa khoảng giữa thế kỷ thứ 8 (cuộc nổi loạn của An Lộc Sơn – An Lushan), những người hùng bộ tộc đã nắm giữ quyền kiểm soát phần lớn tỉnh Quảng Tây ngày nay, đã thiết lập nhiều lãnh địa nhỏ bé, và cắt đứt liên lạc trên đất liền giữa các trung tâm đô thị của nhà Đường tại Quảng Châu và Giao Châu trong khoảng từ năm 756 đến năm 771.38
Giao Châu cũng bị tổn hại bởi các cuộc nổi dậy của bộ tộc trong nội miền, mặc dù không nhất thiết nhiều hơn các phần khác của Lĩnh Nam. Ví dụ, vào năm 687, một viên tướng bảo hộ đã bị giết khi kế hoạch của ông ta nhằm áp đặt thuế xuất toàn phần kiểu Trung Hoa đối với dân bộ tộc Li của Lĩnh Nam bị phản đối và làm khơi dậy một cuộc nổi loạn. Ông bị bao vây tại thành phố Giao Châu, nơi không có đủ binh sĩ cho ông tự vệ, và bị giết chết khi viên thủ lĩnh cứng rắn của gia tộc họ Feng cố tình kiềm giữ lại các lực lượng tăng viện.39
Trong sự thừa nhận các tình trạng biên giới độc nhất tại Giao Châu, vào năm 679, Giao Châu đã được tách rời thành trụ sở của một “An Nam Đô Hộ Phủ” (protectorate of the peaceful south) của nhà Đường. Sáng kiến này đi kèm với sự thiết lập các đô hộ phủ tương tự tại mỗi nơi trong các vùng biên giới đế triều trọng yếu khác. Quan chức tổng chỉ huy đô hộ mới của “miền nam đã được bình định” (tiếng Hán là Annan; tiếng Việt: An Nam – chính tên gọi này đã gia nhập vốn từ của chúng ta để trở thành danh xưng tiêu chuẩn cho Việt Nam trước thế kỷ 19) đã được ủy nhiệm, đặc biệt, để giám sát “việc bình định, khuất phục, và tuần tra” các bộ tộc phi Trung Hoa nằm trong quản hạt thẩm quyền của mình.40
Tuy nhiên, Giao Châu (hay An Nam) vào cuối thời nhà Đường bị đe dọa gần như không kém bởi các đội quân đế triều nổi loạn cũng như bởi sự bất ổn từ các bộ tộc và những đội quân ngoại lai. Thí dụ, vào năm 803, binh sĩ đế triều được huy động tu bổ các công sự phòng thủ của thành phố đã nổi loạn rồi trục xuất viên chức chỉ huy đô hộ phủ. Vào năm 843, khi viên võ quan của An Nam [đô hộ phủ] đem binh sĩ của ông ta đi làm việc tái thiết các bức tường thành, họ lại nổi loạn một lần nữa, đốt cháy thành phố, cướp phá công quỹ, và đánh đuổi viên võ quan này về lại Quảng Châu. Vào năm 877, một đội quân các binh sĩ An Nam đồn trú tại vùng ngày nay là tỉnh Quảng Tây đã nổi loạn, đánh đuổi quan chức giám sát họ. Vào năm 880, đội quân tại kinh đô Giao Châu một lần nữa nổi loạn, khiến cho viên võ quan phải chạy trốn khỏi thành phố.41
Giao Châu thời nhà Đường là một nhiệm sở không được ưa thích. Vào năm 628, một đại nhân sĩ đã thẳng thừng cự tuyệt việc bổ nhiệm trực tiếp của đế triều khi phái ông ta đến cai trị Giao Châu với lý do khí hậu ở đó độc hại đến nỗi ông ta không bao giờ có thể sống sót trở về. Nói chung, Lĩnh Nam vẫn còn bị xem là một nơi lưu đày xa lạ và ghê gớm. Bị cô lập và bao quanh bởi những mối nguy quân sự ngoại lai đáng kể, với tiếng tăm về các chứng bệnh nhiệt đới thường gây chết người, và ngày càng bị che khuất bởi sự vươn cao của Quảng Châu (Canton), Giao Châu là một vấn nạn ngày một nghiêm trọng của đế triều. Song vào cuối thế kỷ thứ 8, đế quốc nhà Đường gặp quá nhiều khó khăn tại nhiều nơi. Ít nhất, cho đến tận năm 792, một đại thần hàng đầu trong triều vẫn còn có thể tranh luận chống lại các chính sách ưu đãi Quảng Châu hơn An Nam (Giao Châu), với lập luận rằng cả hai đều là “đất đai của nhà vua” như nhau.42
Từ nửa sau thế kỷ thứ 8, nhiều bộ chỉ huy cấp vùng của nhà Đường đã trở thành các căn cứ địa thực sự độc lập. Vào năm 904, một người tên là Liu Yin (mất năm 911) được bổ nhiệm làm võ quan của vùng Lĩnh Nam, đặt căn cứ tại thành phố Quảng Châu. Sau khi ông từ trần và nhà Đường rốt cuộc tan rã vào năm 907, người em trai của ông tuyên bố thành lập một đế quốc độc lập mới đặt căn cứ tại Quảng Châu vào năm 917 mà ông ta gọi là “Đại Việt” (Great Yue hay Great Viet), khơi lại ký ức về vương quốc Nam Việt độc lập ngày xưa ở Quảng Châu của Triệu Đà. Tuy nhiên, một năm sau đó, ông ta đã đổi quốc hiệu của đế quốc mới của mình thành nhà “Nam Hán” (Southern Han), hẳn với hy vọng lợi dụng được các hồi ức về sự huy hoàng to lớn hơn nhiều và tư cách đế triều chính thống của triều đại nhà Hán nguyên thủy, triều đại mà tên họ của hoàng tộc ngẫu nhiên trùng hợp với họ của chính ông ta.43
Trong khi quyền lực của gia tộc họ Lưu tại Quảng Châu bắt đầu được củng cố, viên chỉ huy quân sự của Giao Châu, Khúc Hạo (mất năm 908), đã gửi con trai mình đến Quảng Châu ở phương bắc để thăm dò. Kế nhiệm chức vụ của cha, người con trai này đã khôn khéo dùng quyền lực đế triều của nhà Nam Hán ở Quảng Châu để chống lại nhiều đế triều cạnh tranh mới nổi khác tại phương bắc cho đến năm 930, khi nhà (Nam) Hán sau cùng đã phái một đội quân sang để đập nát sự xấc láo này của Giao Châu. Hậu quả là một cuộc tranh giành quyền lực đẫm máu tại Giao Châu đã xảy ra và chỉ chấm dứt vào năm 938, khi Ngô Quyền (mất năm 944) giành được quyền lực ở địa phương, dụ một đoàn thuyền xâm lăng của Nam Hán mắc kẹt vào bãi cọc đầu bịt sắt nhọn, tiêu diệt đoàn thuyền, và tự xưng là vua.44 Việt Nam (dù khi đó chưa được biết đến là Việt Nam) cuối cùng đã độc lập, lần này, như sự việc diễn tiến, (gần như) mãi mãi.
Trong diễn tiến hơn nghìn năm của sự đô hộ đế triều, khu vực thung lũng sông Hồng đã thụ hưởng sự tự trị thực tế trong một khoảng thời gian dài, và đôi khi còn công khai tuyên bố độc lập. Tuy nhiên, sự tự quản địa phương trong trường hợp này không có nghĩa là toàn thể dân chúng địa phương đã tự quản theo một phương cách dân chủ nào đó, mà chỉ có nghĩa là họ đã được cai trị bởi gia tộc của những nhân vật cứng rắn ở địa phương hơn là những vị hoàng đế phương bắc xa xôi. Việc Việt Nam cuối cùng đã có thể trở thành những gì mà chúng ta nghĩ ngày nay như một “dân tộc” cách biệt hoàn toàn, trong khi hậu duệ của các sắc dân Việt (Yue) có nguồn gốc rất tương đồng tại các tỉnh Chiết Giang, Phúc Kiến, Quảng Đông, và Quảng Tây lại trở thành “người Trung Hoa”, được quyết định phần lớn bởi các yếu tố địa dư: Đế Quốc nhận thấy thật khó khăn và ngày càng không đáng để phóng chiếu quyền lực hành chính hữu hiệu liên tục lên mỏm đất xa xôi và đáng sợ này.45
Cả tham vọng và các công cụ chính trị để tạo lập một đế quốc độc lập tại Việt Nam xuất phát từ thực tế Việt Nam từng là một bộ phận của đế quốc Trung Hoa trong một thời gian dài. Rất giống với chủ nghĩa đế quốc của Tây phương trong thời hiện đại đã khơi dậy một phản ứng dưới hình thức các phong trào độc lập chống thực dân trên toàn thế giới, di sản của “sự thống trị đế quốc thời tiền hiện đại của Trung Hoa… đã thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc của Việt Nam”,46 trừ việc tên gọi “chủ nghĩa dân tộc” chưa phải là tên gọi đúng cho thế kỷ thứ mười. Các nhà lãnh đạo Việt Nam mới độc lập vẫn còn là các đại gia tộc địa phương theo kiểu Trung Hoa, vẫn hiếm khi ít “tính Trung Hoa” hơn những người đồng cấp của họ tại Quảng Châu, nhưng đã cương quyết tạo lập một nước thống nhất [All-under-Heaven trong nguyên bản, là thành ngữ trong Hán tự: Thiên Hạ Nhất Gia, chú của người dịch] của chính họ tại phương nam. “Dân tộc” Việt Nam hiện đại hẳn chưa được hình dung tới [nation trong nguyên bản tiếng Anh, thường bị dùng lẫn lộn với từ quốc gia: state, chú của người dịch].
Sau khi Ngô Quyền nắm giữ quyền kiểm soát trên vùng này trong các năm 938 – năm 939, ông chỉ sống thêm được năm năm nữa. Sau khi Ngô Quyền băng hà, sự cai trị của gia tộc họ Ngô bị thử thách bởi 12 sứ quân cùng lúc, và phải chờ mãi đến khi Đinh Bộ Lĩnh (năm 923 – năm 979) nổi lên vào khoảng năm 965, một mức độ thống nhất mới được vãn hồi tại thung lũng sông Hồng. Khi nhà Tống tái thống nhất (năm 960 – năm 1279) tại phương bắc cuối cùng cũng nới dài quyền lực đế triều Trung Hoa mới được tái tập trung xuống phía nam đến tận Quảng Châu, vào năm 971, con trai của Đinh Bộ Lĩnh, tại Việt Nam, được phong làm một chức quân sự và chỉ huy đất bảo hộ của nhà Tống, và vào năm 975, chính Đinh Bộ Lĩnh được phong làm “vua chỉ huy bộ Giao Chỉ”. Chế độ tự trị của Việt Nam qua đó đã được thai nghén, ít nhất bởi triều đình Trung Hoa, và vẫn nằm trong khuôn khổ thông thường của hệ thống tấn phong đặt trung tâm ở Trung Hoa với tư cách một vương quốc chư hầu của đế triều.47
Điều này ban đầu có thể chỉ được nghĩ tới như một biện pháp chống đỡ tạm thời cho đến khi quyền lực quân sự nhà Tống đủ mạnh để trực tiếp tái chiếm Giao Châu. Trong thực tế, sự xâm lăng được vị hoàng đế thứ nhì của nhà Tống dự tính, nhưng ông bị ngăn cản bởi lời khuyến cáo của một quan đại thần rằng “Giao Chỉ nóng như thiêu đốt và đầy bệnh truyền nhiễm; hai mươi đến ba mươi phần trăm binh sĩ của chúng ta sẽ chết trước khi nhìn thấy sự giao tranh. Dù chúng ta có chiếm đoạt được vùng đất này, chúng ta sẽ không thể giữ được nó.” Cuối cùng, đế quốc nhà Tống phải chấp nhận một sự thần phục triều cống trên hình thức của Việt Nam, và, ngoại trừ một thời khoảng ngắn ngủi của sự chiếm đóng quân sự tái lập hồi đầu nhà Minh, được chứng tỏ là cực kỳ lãng phí, sự kiện này trở thành sự sắp đặt cuối cùng của đế triều Trung Hoa đối với Việt Nam.48
Chính quyền Việt Nam mới độc lập bắt chước các đặc tính then chốt của trật tự Trung Hoa, thiết lập các tiểu chư hầu của chính mình, hệ thống thư lại, và hệ thống khảo hạch Khổng học ba năm một lần. Sau khi độc lập, Việt Nam đã duy trì lâu dài nhiều tiêu chuẩn đế triều Trung Hoa cổ xưa về trọng lượng và các số đo lường, và trong thương mại tiếp tục sử dụng tiền tệ nhà Đường và nhà Tống. Có thể nói văn hóa Khổng học đã phát triển hưng thịnh tại Việt Nam, đặc biệt sau khi Việt Nam củng cố nền độc lập chính trị của mình. Trong các thế kỷ ban đầu, hai chế độ quân chủ đã có thể giao hoán với nhau ở mức đủ để thấy rõ rằng không phải là điều khác thường nếu người Trung Hoa miền nam xuất cảnh sang Việt Nam và phục vụ chính quyền ở đó.49
Đồng thời, nước Việt Nam mới độc lập này tất nhiên cũng có sự tiếp xúc liên tục trực tiếp với vùng Đông Nam Á cũng như Đông Á. Khi Việt Nam dần dần mở rộng lãnh thổ đế quốc của chính mình xuống phía nam, chiếm đóng gần như toàn thể phân nửa phía nam của vùng giờ đây là Việt Nam trong khoảng giữa thế kỷ 16 tới 19, dân cư ở đây cũng trở nên cực kỳ phong phú bởi sự gia nhập của dân Chàm, Khmer và nhiều thành phần phi Trung Hoa và chưa bị Hán hóa khác. Đế quốc Việt Nam được mở rộng đáng kể này tự nó bị phân hóa chính trị trong nội bộ gần như liên tục từ năm 1527 cho đến năm 1802. Vào đầu thế kỷ 19, khi hoàng đế Gia Long vĩ đại (trị vì từ năm 1802 đến năm 1820), với nhiều ngoại viện, đã thống nhất toàn vùng từ căn cứ phương nam của ông tại Sài Gòn, về một phương diện nào đó, ông “đã lập nên một vương quốc… chưa từng hiện diện trước đó.”50
Những nỗ lực rõ ràng của tân đế quốc thế kỷ 19 này (lúc này lần đầu tiên thực sự được gọi là “Việt Nam”) nhằm sao chép các mô hình định chế Trung Hoa đã tương phản sâu sắc với sự khẳng quyết đồng thời ở đó về những quan điểm bản xứ phổ thông khác biệt. Thí dụ, danh hiệu “hoàng đế” Trung Hoa tiêu chuẩn được chính thức sử dụng tại Việt Nam vào thế kỷ 19 cùng với danh xưng bản xứ là Vua [tiếng Việt trong nguyên bản, chú của người dịch], vốn không có từ tương đương trong tiếng Hán.51
Tuy nhiên, một sự khác biệt như thế giữa văn hóa thượng lưu và văn hóa bình dân bản xứ là chuyện bình thường – trong thực tế, [là] một kỳ vọng căn bản của thế giới Đông Á thời tiền hiện đại – ngay cả trong phạm vi của chính đế quốc Trung Hoa, mặc dù được giả định ở một mức độ có phần ít hơn. Tại cả Hàn Quốc lẫn Nhật Bản, cũng có sự tác động qua lại tương tự một cách nổi bật giữa các tước hiệu bản xứ cổ xưa hơn và các tước hiệu hoàng gia Trung Hoa mới du nhập, ít nhất trong những thời kỳ ban đầu. Ngay tại chính Trung Hoa, vương quốc nhà Chu cổ xưa ở miền nam cũng có thể đã chứng kiến một “việc sử dụng song hành các danh hiệu bản xứ và danh hiệu miền bắc” trong nhiều thế kỷ.52
Các tình huống tại Việt Nam thế kỷ 19 có tính chất độc đáo không thể chối cãi được, nhưng tất cả các nơi tại Đông Á đều có nét độc đáo. Sẽ là một nhận thức sai lạc về bằng chứng (từ một quan điểm dân tộc chủ nghĩa hiện đại cho rằng các dân tộc bản địa là tự nhiên và bất biến) khi đơn giản kết luận rằng các tầng lớp văn hóa như vậy là chứng cớ cho tính chất ngoại lai của các ảnh hưởng Trung Hoa, xâm phạm bản chất trường cửu nào đó của dân tộc Việt Nam, và vì vậy nhất thiết sẽ có ngày bị bác bỏ như những sự áp đặt ngoại lai không được chào đón. Về bản chất mọi việc, mọi nơi, phải từng có thời là mới hoặc ngoại lai. Tước hiệu “chủ tịch” theo kiểu Tây phương hiện đại của Hồ Chí Minh, sau năm 1945, đâu có kém xa lạ hơn tước hiệu “hoàng đế’ kiểu Trung Hoa cổ xưa. Trong thực tế, tới thế kỷ 20, “các hoàng đế” đã trở thành một phần của truyền thống Việt Nam./-
Chú thích
26. An Nam Chí Lược, 7.171-172; Việt Sử Lược, 1.4b-5a. Về sự tương đồng với Liêu Đông (Liaodong), xem Oba Osumu, Nitchu kankeishi, các trang 49, 63, 94. Sự nghi ngờ của nước Ngô (Wu) không bị giảm sút bởi các sự dâng hiến cống phẩm phương xa của Shi Xie hay ngay bởi một con trai của Shi để làm con tin. Bởi vì một Lĩnh Nam độc lập thì không thể tha thứ được đối với chế độ nhà Ngô, nó đã phái một trong các viên chức của chính mình để làm thanh tra cao cấp cho vùng này. Trong năm 217, nhân vật này đã di chuyển kinh đô chính thức của Lĩnh Nam ra khỏi thành trì gia tộc của Shi Xie tại Giao Chỉ (Jiaozhi) trở lại địa điểm thành cũ của Triệu Đà (Zhao Tuo) tại Quảng Châu (Canton), xây dựng một thành phố có tường thành bao quanh ở đó, và khởi sự bình định và tập hợp dân “Bách Việt” (Hundred Viet). Shui jing zhu, 37.708.
27. An Nam Chí Lược, 7.173; Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, ngoại kỷ, 4.137-139.
28. Về sự chế ngự của di dân, xem Wu Xianqing, “Nanchao dazu”, trang 4; Zhou Yilang, các trang 55-56, 58. Về sự bất mãn của dân địa phương đối với các di dân này, xem Han Guopan, Wei-jin nanbeichao, trang 176; Okawa Fujio, trang 534; Về sự độc lập tương đối của Giao Châu, xem Holmgrenn, Chinese Colonization, các trang 115, 119, 129-130; Lu Shipeng, các trang 58, 62.
29. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, ngoại kỷ, 4.147-153. Về cuộc chinh phục của nhà Tùy, cũng xem Sui shu,53.1357-1358.
30. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, ngoại kỷ, 5.158; Xin Tang shu, 90.3777-3778.
31. Xin Tang shu, 222c,6326.
32. Sui shu, 80.1800-1803.
33. Xin Tang shu, 110.4112-4114; Zizhi tongjian, 193.932-933.
34. Wang Chengwen, “Tang-dai nan-xuán”, các trang 97-98.
35. Li Donghua, Haiyang fazhan, các trang 150-154; Lu Shipeng, các trang 103, 119.
36. Về sự di chuyển dân cư, xem Li Qingxin, trang 80. Về dân số tương đối, so sánh với Sui shu, 31.880 với 31.885.
37. An Nam Chí Lược, 10;265-266; Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, ngoại kỷ, 5.158-160, 165; Taylor, Birth of Vietnam,các trang 198-199. Về các cuộc đột kích của Chàm, xem Jin shu, 8.193; Liang shu, 54.785; Nan shi, 78.1949; Tong dian, 188.1008.
38. Về “Quỷ Môn Quan” (Ghost Gate Pass), xem “Shi dao zhi” (Một Tài Liệu Về Mười Cuộc Tuần Du”, trong Taiping yulan, 172.970; Xin Tang shu, 453ạ1109. Về các cuộc nổi dậy của các bộ tộc hồi thế kỷ thứ tám, xem Taylor, Birth of Vietnam, các trang 196-200; Xin Tang shu, 6.157, 175-176; 222c.6329; Zizhi tongjian, 224.180-181.
39. An Nam Chí Lược, 9.212-213; Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, ngoại kỷ, 5.159; Việt Sử Lược, 1.9b-10a; Xin Tang shu, 4.86, 201.5732-5733.
40. Tong dian, 32.186; Xin Tang shu, 43a.1111.
41. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, ngoại kỷ, 5.161-162, 169; Xin Tang shu, 9.267, 170.5175.
42. An Nam Chí Lược, 9.208-209; Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, ngoại kỷ, 5.158-159. Về sự lưu đày đến Lĩnh Nam, thí dụ, xem Xin Tang shu, 4.88, 5.133. Về sự cố vấn chính sách năm 792, xem Zizhi tongjian, 234.596.
43. Zizhi tongjian, 270.242, 263. Về các chỉ huy sứ cấp miền nhà Đường, xem Xin Tang shu,64.1759.
44. An Nam Chí Lược, 4.99-100; Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, ngoại kỷ, 5.169-171; Việt Sử Lược, 1.13b-14b. Cũng xem, Lu Shipeng, các trang 140, 142.
45. Xem Lu Shipeng, trang 3.
46. SarDesai, trang 17.
47. An Nam Chí Lược, 11.278, 282; Việt Sử Lược, 1.15b-16a. Cũng xem, SarDesai, trang 20; Taylor, Birth of Vietnam, các trang 275-295.
48. An Nam Chí Lược, 16.381. Về sự tái chiếm tốn kém của nhà Minh trên Việt Nam, xem Levathes, các trang 159, 168.
49. An Nam Chí Lược, 14.324, 329; Gao Mingshi, Jiaoyuquan, trang 40; Woodside, trang 8.
50. Taylor, “Surface Orientations”, trang 966.
51. Woodside, các trang 10, 12-13.
52. Blakeley, “Chu Society”, các trang 53-54. Danh mục Hàn Quốc và Nhật Bản được thảo luận ở nơi khác trong cùng sách này.
—
Tài liệu tham khảo
Anderson, Benedict. Imagined Communities: Reflections on the Origin and Spread of Nationalism, 1983; London: Verso, 1991.
An Nam Chí Lược (A Brief Chronicle of Vietnam). Của Lê Tắc. 1340; Beijing: Zhonghua shuju, 1995.
Bellwood, Peter. Prehistory of the Indo-Malaysian Archipelago, 1985; Honolulu: University of Hawai’s Press, 1997.
Blair, Peter Hunter. Roman Britain and Early England, 55 B. C. – A. D. 871. New York: W. W. Norton, 1963.
Blakeley, Barry B. “Chu Society and State: Image versus Reality”. Defining Chu: Image and Reality in Ancient China. Biên tập bởi Constance A. Cook và John S. Major. Honolulu: University of Hawai’I Press, 1999.
Bo wu zhi (An Account of Many Things). Của Zhang Hua (232-300); Taibei: Taiwan Zhonghua shuju, 1983.
Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (Complete Historical Records of Great Vietnam). Của Ngô Sĩ Liên, 1479. Tokyo: Tokyo daigaku toyo bunka kenkyusho fuzoku, 1986.
Dongguan Han ji (Eastern Library Chronicle of the Han Dynasty). Được cho là của Liu Zhen. Khoảng 175; Taibei: Taiwan Zhonghua shuju, 1965.
Feng Chengjun. Zhongguo Nanyang jiaotong shi (A History of Chinese Communication with the South Seas). 1937; Taibei: Taiwan shangwu yinshuguan, 1993.
Feng Chongyi. “Seeking Lost Codes in the Wilderness: The Search for a Hainanese Culture”, China Quartly, 160 (1999).
Gao Mingshi. Tang dai Dongya jiaoyuquan de xingcheng: Dongya shijie xingcheng shi de yi cemian (The Formation of an East Asian Educational Sphere in the Tang Dynasty: One Side of the History of the Formation of the East Asian World). Taibei: Guoli bianyiguan Zhonghua congshu bianshen weiyuanhui, 198.
Han Changli quanji (Collected Works of Han Yu). Của Han Yu (768-824). Beijing: Zhongguo shudian, 1991.
Han Guopan. Wei-Jin nanbeichao shi gang (An Outline of Wei-Jin, Northern and Southern Dynasty History)|. Beijing: Renmin chubanshe, 1983.
Han ji (Chronicles of the Han Dynasty). Của Xun Yue. 200 sau Công nguyên; Taibei: Taiwan shangwu yinshuguan, 1974.
Han shu (Dynastic History of the [Former] Han. Của Ban Gu (32-93 sau Công nguyên). Beijing: Zhonghua shuju, 1962.
Higham, Charles. The Bronze Age of Southeast Asia. Cambridge:P Cambridge University Press, 1996.
Holcombe, Charles. “Early Imperial China’s Deep South: The Viet Regions through Tang Times”, T’ang Studies, 15-16 (1997-98)
Holmgren, Jennifer. Chinese Colonization of Northern Vietnam: Administrative Geography and Political Development in the Tongking Delta, First to Sixth Centuries A. D. Canberra: Australian National University, 1980.
Huainan zi (The Master from Huai nă). Được cho là của Liu An. 139 trước Công nguyên; Taibei: Taibei Zhonghua shuju, 1965.
Huang Chongyue và Sun Xiao. “Huanan gu Yuezu dui Zhonghua minzu wenhua de lishi gongxian” (The Historical Contribution of the Ancient Yue People of South China to Chinese National Culture). Wenbo (1998.3).
Jin shu (Dynastic History of the Jin). Biên tập bởi Fang Xuanling. 644; Beijing: Zhonghua shuju, 1974.
Kemenade, Willem Van. China, Hong Kong, Taiwan, Inc. Phiên dịch bởi Diane Webb. New York: Vintage Books, 1998.
Le Blanc, Charles. Huai nan Tzu: Philosophical Synthesis in Early Han Thought. Hong Kong: Hong Kong University Press, 1985.
Levathes, Louise. When China Ruled the Seas: The Treasure Fleet of the Dragon Throne, 1405-1433. New York: Oxford University Press, 1994.
Li Donghua. Zhongguo haiyang fazhan guanjian shi, di, ge’an yanjiu, (gudai pian) (Case Studies in Key Times and Places in China’s Maritime Development [Antiquity]: Các Trường Hợp Nghiên Cứu về Thời Điểm và Địa Điểm Then Chốt Trong Sự Phát Triển Hàng Hải Trung Hoa [Cổ Thời]. Taibei: Da’an chubanshe, 1990.
Li Qingxin. “Huangfu zhi shan bu, yanyi zhi liang di: lun Tang dai Yue bei diqu de jingji yu wenhua” (A Part of the Wilderness Made Good – the Barren Lands of the Far South: On the Economy and Culture of the Northern Yue [Guangdong] Region in the Tang Dynasty). Guangdong shehui kexue (1998.1).
Liang shu (Dynastic History of the Liang). Của Yao Silian (557-637). Beijing: Zhonghua shuju, 1973.
Liu Shufen. ‘Liuchao Nanhai maoyi de kaizhan” (The Developemt of South Seas Trade in the Sixth Dynasties), Liuchao de chengshi yu shehui. Taibei: Taiwan xuesheng shuju, 1992.
Lu Shipeng. Bei shu shiqi de Yuenan: Zhong-Yue guanxi shi zhi yi (Việt Nam Trong Thời Kỳ Bắc Thuộc: Lịch Sử Quan Hệ Trung Hoa – Việt Nam). Hong Kong: Chinese University of Hong Kng, Southeast Asia Studies Section, 1964.
Lu Simian. Du shi zhaji (Commentarieson Reading History). Shanghai: Guji chubanshe, 1982.
Lun heng (Balancing of Essays). Của Wang Chong. 82 sau Công nguyên; Taibei: Taiwan Zhonghua shuju, 1981.
Maspero, Henri. “Études d’histoire d’Annam, V: L’expédition de Ma Yuan”, Bulletin de l’École d’extrême orient, 18 (1918).
Maspero, Henri. “Études d’histoire d’Annam IV: Le royaume de Van Lang”. Bulletin de l’École d’extrême orient, 18 (1918).
Musset, Lucien. The Germanic Invasions: The Making of Europe A. D. 400 – 600. Phiên dịch bởi Edward and Columba James. 1965; London: Paul Elek, 1975.
Nan shi (History of the Southern Dynasties). Của Li Yanshou. Khoảng 629; Beijing: Zhonghua shuju, 1975.
Oba Osamu. Kodai, chusei ni okeru Nit-chu kankeishi no kenkyu (Studies in the History of Sino-Japanese Relations in Antiquity and the Middle Ages). Kyoto: Dohosha shuppan, 1996.
Okawa Fujio. “Rikucho zenki no Goko gun no gozoku: tokuni Buko no Shin shi o megutte” (The Magnates of Wuxing Commandery in the First Part of the Six Dynasties: Especillay concerning the Shen Family of Wukang). Shukyo shakai shi kenkyu. Biên tập bởi Rissho daigaku shigakukai. Tokyo: Yuzankaku, 1977.
Rao Zongyi. “Wu-Yue wenhua” (Văn Hóa Ngô-Việt). Zhongyang yanjiuyuan: Lishi yuyan yanjiusuo jikan, 41.4 (1969).
Salway, Peter. A History of Roman Britain. 1993; Oxford: Oxford University Press, 1997.
San guo zhi (Chronicles of the [Chinese] Three Kingdoms). Của Chen Shou (233-297). Beijing: Zhonghua shuju, 1959.
Sar Desai, D. R. Vietnam: The Struggle for National Identity. 1988; Boulder, Colo.: Westview Press, 1992.
Shi ji (Records of the Grand Historian). Của Sima Qian (145 – khoảng 90 trước Công nguyên). Beijing: Zhonghua shuju, 1959.
Sui shu (Dynastic History of the Sui). Của Wei Zheng (580-643). Beijing: Zhonghua shuju, 1973.
Taiping yulan ([Encyclopedia Assembled for] Imperial Inspection during the Taiping Era). 983; Taibei: Taiwan shangwu yinshuguan, 1980.
Thủy Kinh Chú (Annotated Classic of Rivers). Của Li Daoyuan. Khoảng 520. Shanghai: Shanghai guji chubanshe, 1990.
Taylor, Keith Weller. The Birth of Vietnam. Berkeley and Los Angeles: University of California Press, 1983.
Taylor, Keith Weller. “Surface Orientations in Vietnam: Beyond Histories of Nation and Region”, Journal of Asian Studies, 57.4 (1998)..
Tong dian (Comprehensive Canons). Của Du You (735-812). Beijing: Zhonghua shuju, 1984.
Việt Sử Lược (A Brief History of Vietnam). Khuyết Danh. Shoushan’ge congshu, 1; Baibu congshu jicheng, series 52. Thế kỷ thứ 14; Taibei: Yiwen yinshuguan, 1968
Wang Chengwen. “Tang dai ‘nan xuán yu Lingnan xidong haozu” (Tang Dynasty ‘Southern Selection and the Powerful Families of the Streams and Grottes in Lingnan). Zhongguo shi yanjiu (1998.1).
Wang Gungwu. “The Nanhai Trade: A Study of the Early History of Chinese Trade in the South China Sea”, Journal of the Malayan Branch of the Royal Asiatic Society, 31.3 (1958).
Woodside, Alexander Barton. Vietnam and the Chinese Model: A Comparative Study of Nguyễn and Ch’ing Civil Government in the First Half of the Nineteenth Century. Cambridge, Mass.: Harvard University Press, 1971.
Wu Xianqing. “Nachao dazu de dingsheng yu shuailuo” (The Prosperity and Decline of the Southern Dynasty Great Families). Shihuo banyue kan, 1.10 (1935).
Wu-Yue chuanqiu (Annals of Wu and Yue). Của Zhao Ye. Thế kỷ thứ nhất; Taibei: Taiwan Zhonghua shuju, 1980.
Xin Tang shu (New Dynastic History of the Tang). Của Ouyang Xiu (1007-1072) và Song Qi. Beijing: Zhonghua shuju, 1975.
Zizhi tongjian, jinzhu (A New Commentary to the Comprehensive Mirror for Aid in Governance). Của Sima Guang (1019-1086). Taibei: Taiwan shangwu yinshuguan, 1966.
Zhou Yiliang. “Nanchao jingnei zhi ge zhiong ren ji zhengfu đuiai zhi zhengce” (The Various Kinds of People within the Borders of the Southern Dynasties and the Government’s Policies for the Treatment of Them). Wei-jin nanbeichao shi lunji. Beijing: Zhonghua shuju, 1963.