Biển Đông và các bãi san hô ngầm dưới triều đại nhà Minh và nhà Thanh: Trình độ hiểu biết địa dư và sự kiểm soát chính trị (Kỳ 2)

Ngô Bắc dịch và phụ chú

Nguồn: Ulises Granados, The South China Sea and Its Coral Reefs during the Ming and Qing Dynasties: Levels of Geographical Knowledge and Political Control, Journal of East Asian History, Number 32/33, December 2006/June 2007, Institute of Advanced Studies, The Australian National University, các trang 109-128

Lời người dịch:

Dưới đây là bản dịch một bài viết hiếm hoi và quan trọng bằng Anh ngữ của một tác giả ngoại quốc khảo sát vấn đề chủ quyền các Quần Đảo Hoàng Sa và Trường Sa qua việc nghiên cứu chính các tác phẩm bằng chữ Hán mà phía Trung Quốc vẫn hay dẫn chứng làm bằng cớ lịch sử của họ.

Tác giả, Giáo Sư người Mexico, Ulises Granados, thuộc Đại học Tokyo, Nhật Bản khi viết bài nghiên cứu này, đã đưa ra các nhận định quan trọng như sau:

….Trong thực tế, phán đoán theo các nguồn tài liệu tiêu biểu thời nhà Minh, xem ra rất khó để tin rằng các nhà cầm quyền Trung Hoa đã sáp nhập bất kỳ một trong bốn quần đảo vào đế quốc của họ

… Các hòn đảo và các bãi san hô của khu vực này còn lâu mới thuộc sự kiểm soát chính thức của Trung Hoa….

… Trọn thời gian từ nhà Minh đến cuối nhà Thanh, các hoạt động  chính quyền tại các quần đảo quy định đã vắng bóng trong các nguồn tài liệu Trung Hoa, tượng trưng cho một sự im lặng tương ứng trong sử ký nước này

… Trong thời nhà Thanh, hai quần đảo chính tại Biển Nam Trung Hoa cũng được đánh dấu trên vài bản đồ. Ngay đến tên của các nhóm đảo này cũng không hoàn toàn đồng nhất, nhóm Paracels (quần đảo Hoàng Sa) vẫn được xác định là Vạn Lý Trường Sa trong phần lớn bản đồ thế kỷ thứ mười tám, trong khi nhóm Spratlys (quần đảo Trường Sa) được gọi hoặc là Thiên Lý Thạch Đường hay đơn giản là Thạch Đường. Tuy nhiên, khi khảo sát nhiều bản đồ, rõ ràng là địa điểm đích xác của cả hai quần đảo thường xuyên bị thay đổi, và rằng sự mô tả các hòn đảo và san hô thì trừu tượng một cách đáng ngạc nhiên. Thí dụ, trong bản đồ thế giới của quyển Hải Lục, cả hai nhóm Paracels và Spratlys đều được mô tả là thẳng góc với bờ biển Trung Hoa. Tuy nhiên, bản đồ trong các tác phẩm khác, chẳng hạn như quyển  Hải Quốc Văn Kiến Lục, Dương Hoàn Chí Lược và Hải Quốc Đồ Chí, cho thấy các hòn đảo song song với đất liền….

… Các tài liệu địa dư Trung Hoa từ thời nhà Minh và nhà Thanh, và các bản đồ Âu Châu (đặc biệt được lập bởi các thủy thủ Bồ Đào Nha và Anh Quốc),71 cho thấy Quần Đảo Paracels (Hoàng Sa), Pratas, Macclesfield Bank và Spratlys (Trường Sa) chỉ là các dấu chấm hay các nét vạch. Như đã ghi nhận ở trên, dường như đã có sự thiếu sót kiến thức chi tiết về địa dư của các hòn đảo và bãi đá ngầm này, bởi chúng không hề được coi trọng …

… Tác giả này tin tưởng rằng để khởi sự gỡ rối cuộc xung đột các hòn đảo Biển Nam Trung Hoa, giờ đây đã liên hệ đến Phi Luật Tân, Mã Lai, Brunei, cũng như Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam, cuộc thảo luận phải xét đến những diễn biến xảy ra từ cuối thế kỷ thứ mười chín hay đầu thế kỷ thứ hai mươi. Việc khảo sát các biến cố xa xưa vốn có thể thuộc về huyền thoại – đặc biệt bởi các nguồn tài liệu Trung Hoa được đặc trưng bởi vô số lỗ hổng và sự im lặng – nơi sự tự thuật tinh vi có thể kết tinh thành chính sử một cáchkhông khoan nhượng…

… Chính vì thế, các chuyên gia luật quốc tế có một bổn phận phải khảo sát tài liệu lịch sử với cung cách cẩn trọngnhằm mang lại các câu trả lời và giải pháp khả dĩ cho sự rắc rối lãnh thổ khó phân xử này.

Tác giả có nhắc tới một cách vắn tắt sự đối chọi trực tiếp của Việt Nam đối với các luận điểm về bằng chứng lịch sử của Trung Quốc và Đài Loan trong cuộc tranh chấp chủ quyền các quần đảo ở Biển Đông. Nhìn chung, công luận thế giới và luật quốc tế dễ dàng nhìn thấy các điểm phi lý của phía Trung Quốc và Đài Loan khi xem xét vụ việc được khởi kiện tại tòa án quốc tế.

Trên cùng đề tài này, độc giả có thể tìm đọc một công trình thâm cứu của cố Giáo Sư Lãng Hồ Nguyễn Khắc Kham, nhan đề Hoàng Sa và Trường Sa, Lãnh Thổ Việt Nam, được đăng tải trong tập san Sử Địa, số 29, Tháng 1-Tháng 3, 1975. /-

***

Xem Kỳ 1 tại đây

Những trình độ kiến thức về “Biển Nam Hải: Southern Sea”

Để phân tích các nguồn tài liệu và đánh giá các lập luận liên quan đến lịch sử của Biển Nam Trung Hoa, sẽ là hữu dụng khi định hình khái niệm về khu vực hàng hải này bằng nhiều cách khác nhau. Như đối với các đại dương, biển mở ngỏ hay biển nửa khép kín khác, Biển Nam Trung Hoa trước tiên phải được xem như một khu vực phần nào chịu sự quản trị nhà nước, cũng như một không gian cho phát triển kinh tế, tương tác giữa con người, và trao đổi hàng hóa. Tới thế kỷ mười bốn, phần lớn các bộ phận của biển này được qua lại thường xuyên không chỉ bởi các thuyền buồm Trung Hoa, mà còn bởi các nhà mậu dịch Hồi Giáo và Đông Nam Á  buôn bán đồ gia vị Đông-Tây, hay các sản phẩm khác giữa các nước Châu Á. Trong thời nhà Minh và nhà Thanh, Biển Nam Trung Hoa, vốn có nhiều điểm tương đồng về kinh tế và địa chính trị với các biển khác, có thể được nhìn nhận đồng thời là:

  1. một không gian hàng hải nối kết các biển khác được đánh dấu bởi Samudra-Pasai, Lambri và Shepo;
  2. một khu vực nối kết các quốc gia triều cống duyên hải với lục địa Trung Hoa, và sau này là các thuộc địa của Châu Âu thông qua các tuyến mậu dịch đông-tây truyền thống bao quanh Biển Nam Trung Hoa,65
  3. một khu vực nơi sự tương tác kinh tế đã diễn ta dọc theo các thành phố duyên hải được liên kết vào một mạng lưới, như tại tuyến mậu dịch giữa Philippines, bắc Borneo và Malacca, trong thế kỷ mười lăm và mười sáu.66

Dựa trên cách tiếp cận đa tầng này đối với đề tài,67 chúng ta nên phân tích vấn đề “biết về khu vực – cai quản khu vực” đối với các hòn đảo Biển Nam Trung Hoa như thế nào? Chúng ta nên đánh giá các tuyên nhận chủ quyền của Trung Hoa đối với quần đảo Paracels (Hoàng Sa), Spratlys (Trường Sa), Bãi Macclesfield và quần đảo Pratas trong khi nhìn nhận lịch sử của giai đoạn từ thời sơ Minh đến Cuộc Chiến Tranh Nha Phiến Lần Thứ Nhất như thế nào? Đâu là sự liên kết giữa kiến thức địa dư mà những nhà hàng hải Trung Hoa có được về không gian hàng hải khổng lồ này và giả định “Biển Nam Hải” như một phần của đế quốc? Nói cách khác, qua việc phân tích các nguồn văn bản và bản đồ, làm thế nào để kiểm nghiệm các tuyên nhận lịch sử có tính chất trung tâm trong sự biện giải của Trung Hoa đối với xung đột ở Biển Nam Trung Hoa?

Chắc chắn, việc giải thích các tài liệu và bản đồ hiện còn lưu giữ được phải xét đến bối cảnh xã hội và chính trị đặc biệt tại thời điểm chúng được soạn thảo. Hơn nữa, bất kỳ sự chắc chắn nào trong tài liệu địa dư liên quan đến các hòn đảo và phạm vi của biển đều đã phản ảnh kinh nghiệm hàng hải phong phú của các thủy thủ. Tuy nhiên, cũng đúng là trong hầu hết các trường hợp, những khắc họa kiểu này bị giới hạn vào kiến thức địa dư cụ thể (real) về các thực thể đó, cũng như vào các thực hành phổ biến của những nhà vẽ địa đồ – tác giả của những miêu tả này. Điều này đặc biệt quan trọng trong thuật vẽ bản đồ của Trung Hoa, bởi nhiều tác giả [vẽ bản đồ] trước thế kỷ hai mươi không phải là các kỹ thuật gia chuyên nghiệp, hay các nhà vẽ bản đồ được đào tạo, mà là các học giả cũng dành sự quan tâm tương tự đến khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, lịch sử, v.v… Trong thực tế, nhiều bản đồ tỏ ra vô dụng đối với việc hải hành cụ thể, bởi chúng được vẽ để minh họa hay truyền đạt các thông điệp hay ý thức hệ khác, chẳng hạn về vị trí trung tâm của Trung Hoa trên thế giới.

Bản đồ các tuyến hải hành của Trịnh Hòa trong khoảng thời gian từ 1405-1433 (nguồn: National Geographic Society)

Chính vào thời gian Trịnh Hòa thực hiện các chuyến du hành từ năm 1405 đến năm 1433 mà “Biển Nam Hải”, như một phần của sự phân chia giữa khu vực “Trung Hoa” và “phi Trung Hoa” trong các hoạt động hải hành thường xuyên, đã chứng kiến quyền lực của một Trung Hoa hùng mạnh trong khuôn khổ quan hệ triều cống với các nhà cai trị từ Đông Nam Á, tiểu lục địa Ấn Độ, và bờ biển phía đông Châu Phi. Chính vì thế, đối với Trung Hoa, Biển Nam Trung Hoa đã trở thành một bộ phận không thể thiếu của một trật tự địa chính trị nới rộng, một loại Điều kiện Hòa Bình do Trung Hoa đặt ra (Pax Sinica) được cưỡng hành bằng vũ lực khi cần thiết. Điều này được minh chứng bởi trường hợp Quốc Vương Alagonakkara của Ceylon (Tích Lan), bị bắt làm tù nhân và giải đến Nam Kinh vào năm 1409.

Trong khuôn khổ lịch sử này, một trong các giá trị chính yếu của Biển Nam Trung Hoa chắc chắn là ý nghĩa địa chính trị của nó như một không gian hàng hải kết nối các biển khác. Điều này được hiểu và mô tả rõ ràng trong các quyển Doanh Nhai Thắng LãmTinh Sai Thắng Lãm và Vũ Bị Chí. Tuy nhiên, bốn quần đảo tại Biển Nam Trung Hoa đã không được đề cập trong các tác phẩm của Mã Hoan và Phí Tín – không như các vùng duyên hải của Đông Nam Á và của một vài nước chư hầu.68 Trong quyển Trịnh Hòa Hàng Hải Đồ của Mao Nguyên Nghị, các quần đảo Paracels (Hoàng Sa) và Spratlys (Trường Sa) chỉ được mô tả như các dấu chấm hay các ngọn núi tọa lạc bên ngoài hải trình của Trịnh Hòa sang Ấn Độ Dương. Do đó, có thể giả định rằng các nhà cầm quyền thời nhà Minh đã xem các đảo này là thuộc vào một khu vực có tầm quan trọng thứ yếu. Trong thực tế, phán đoán dựa trên các nguồn tài liệu tiêu biểu thời nhà Minh , xem ra rất khó để tin rằng các nhà cầm quyền Trung Hoa đã sáp nhập bất kỳ quần đảo nào trong số bốn quần đảo vào đế quốc.

Từ thời Trịnh Hòa thực hiện các chuyến hải hành cho đến xung quanh Cuộc Chiến Tranh Nha Phiến Lần Thứ Nhất (vài năm trước khi quyển Hải Quốc Đồ Chí của Ngụy Nguyên được xuất bản vào năm 1847), Biển Nam Trung Hoa không chỉ quan trọng vì các lý do quân sự hay địa chính trị. Đúng hơn, nó vẫn quan trọng vì là diễn trường trung gian trong các hoạt động mậu dịch giữa các hải cảng ở miền nam Trung Hoa và Đông Nam Á, và giữa các hải cảng của Đông Nam Á. Nó là một khu vực cho các thuyền buồm qua lại và các hoạt động di dân hải ngoại giữa các mạng lưới kinh tế và xã hội. Kiến thức địa dư về các hải cảng mậu dịch, không chỉ tại Biển Nam Trung Hoa, mà còn của các nước chư hầu và các lãnh thổ nằm dọc vùng Nanyang của Trung Hoa, đã có tầm quan trọng tối cao đối với cả các hoạt động triều cống chính thức lẫn các hoạt động mậu dịch tư nhân. Vì thế, đã xuất hiện một nhu cầu về các nguồn tài liệu, bản đồ và các tuyến đường lái thuyền.

Khi đó, tại sao trong các tài liệu thời nhà Minh, như quyển Trịnh Hòa Hàng Hải Đồ, hay trong các tác phẩm thời sơ Thanh như Thuận Phong Tống HộChỉ Nam Chính Pháp, hay các tác phẩm cuối nhà Thanh như Doanh Hoàn Chí Lược và quyển Hải Quốc Đồ Chí, các miêu tả về những quần đảo tại Biển Nam Trung Hoa lại cụt lủn và thiếu chính xác đến thế? Ngoài ra, tại sao việc gọi tên các hòn đảo và quần đảo lại quá bất thường đến vậy? Các sử gia Trung Hoa chắc chắn đã nhận thấy tính chất đặc biệt này ở các nguồn tài liệu lịch sử về Biển Nam Trung Hoa trong một vài nghiên cứu.69

Hải hành ngoài khơi đã, và hiện vẫn là, một nỗ lực nguy hiểm tại các hải phận này, vốn là nơi mà những hải cảng và những thành phố miền Nam Trung Hoa được nối kết với các hải cảng Đông Nam Á ngang qua một khu vực liên kết các quốc gia chư hầu duyên hải, các thuộc địa Châu Âu và lục địa Trung Hoa. Hơn nữa, từ đầu thế kỷ mười sáu, các cường quốc Châu Âu đã duy trì mối liên kết giữa các trung tâm Châu Âu với thuộc địa của họ, cũng như với các hải cảng miền nam Trung Hoa trong khu vực này. Trong cả hai trường hợp, Biển Nam Trung Hoa vẫn là một khu vực diễn ra các hoạt động duyên hải. Hải hành trong vùng này, trước tiên do người Châu Á và Ả Rập thực hiện, và sau này là các thủy thủ Châu Âu, được coi là hải hành cận duyên (cabotage), tương tự những tuyến hàng hải chạy vòng quanh các tuyến đường Địa Trung Hải trong suốt thế kỷ mười sáu theo nghiên cứu của tác giả Fernand Braudel.70 Người Ả Rập, những người thống lĩnh mậu dịch đồ gia vị, là những tay đi biển lão luyện và có thể lái thuyền trên các biển mở ngỏ (open seas) nhờ trình độ kiến thức thiên văn uyên thâm. Tuy nhiên, việc lái thuyền cận duyên luôn luôn an toàn hơn và có lẽ sinh lợi nhiều hơn đối với các đội thuyền nhỏ.

Tuy nhiên, việc lái thuyền buồm giữa những hải cảng Trung Hoa và các tàu Châu Âu trên các tuyến đường qua lại Nam Á và Đông Nam Á, dường như đã không sử dụng đến phần giữa của Biển Nam Trung Hoa, đặc biệt nơi Quần Đảo Spratlys (Trường Sa) tọa lạc. Nhiều phần vì băng ngang qua biển được cho là không an toàn, khi so sánh với hải hành cận duyên từ hải cảng này đến hải cảng khác. Một số kẻ mạo hiểm tiến vào các khu vực san hô nông đã bị đắm tàu bởi toàn bộ khu vực này rải rác những bãi đá ngầm nguy hiểm và các đảo đá trơ trọi. Phần lớn khu vực này còn không được vẽ chính xác trên bản đồ cho đến khi người Anh biên tập các bản đồ hải hành trên biển đầu tiên của họ. Có thể hiểu rằng, các thương thuyền Châu Âu, Ả Rập, Trung Hoa, và Đông Nam Á đều né tránh khu vực này. Hậu quả là thông tin về phạm vi, địa dư và vị trí chính xác của các vùng lái thuyền nguy hiểm này, đặc biệt quanh quần đảo Spratlys (Trường Sa), vẫn còn mù mờ. Chính vì thế, các tài liệu địa dư Trung Hoa từ thời nhà Minh và nhà Thanh, và các bản đồ Châu Âu (đặc biệt được vẽ bởi thủy thủ Bồ Đào Nha và Anh Quốc),71 cho thấy Quần Đảo Paracels (Hoàng Sa), Pratas, Bãi Macclesfield và Spratlys (Trường Sa) chỉ là các dấu chấm hay các nét vạch. Như đã ghi nhận ở trên, dường như đã có sự thiếu sót kiến thức chi tiết về địa dư về các hòn đảo và bãi đá ngầm này, bởi chúng không hề được coi trọng.

Ở điểm này, chúng ta phải nhìn nhận rằng dân địa phương đã có hiểu biết tốt hơn về các hòn đảo, mặc dù điều này đã không nhận được sự coi trọng thích đáng trong các cuộc nghiên cứu phi Trung Hoa gần đây về Biển Nam Trung Hoa. Ngoài mậu dịch triều cống, mậu dịch tư nhân và các phong trào di dân đã phát triển hưng thịnh tại Biển Nam Trung Hoa, các hoạt động đánh cá ngoài khơi và cận duyên hẳn phải có tầm quan trọng đối với các cộng đồng địa phương. Các ngư phủ Philippines và Mã Lai nhiều khả năng đã mở rộng các hoạt động cận duyên của họ đến việc đánh cá ngoài biển. Tuy nhiên, phán đoán từ các nguồn tài liệu hiện có (hay sự thiếu sót các nguồn tài liệu từ các nước tuyên nhận khác), có thể nói những kẻ lái thuyền vào các khu vực nguy hiểm của các đảo ở Biển Nam Trung Hoa chủ yếu, nếu không phải toàn bộ, là các ngư phủ Trung Hoa [sic].

Người ta biết rằng người Ả Rập thì thông thạo các tuyến đường biển của Biển Nam Trung Hoa và Ấn Độ Dương, và một số tập chỉ nam lái thuyền của họ hiện vẫn còn được lưu giữ, đặc biệt các tập chỉ dẫn của Shihab al-Din Ahmad ibn Majid và Sulaiman b. Ahmad al-Mahri từ thế kỷ mười lăm và mười sáu. Vào thế kỷ mười chín, các tập chỉ nam lái thuyền của Việt Nam cũng xuất hiện, mặc dù xem ra chúng đã tự giới hạn vào các khu cận duyên của Việt Nam kéo dài tới bờ biển phía tây của Bán Đảo Mã Lai.72 Song, đến nay những nghiên cứu chi tiết nhất về các tuyến đường biển dọc theo các hòn đảo ở Biển Nam Trung Hoa đến từ chính các ngư phủ Trung Hoa.

Các tập chỉ dẫn hải hành Trung Hoa về các đảo ở Biển Nam Trung Hoa được truyền khẩu giữa các ngư phủ đảo Hải Nam từ giữa thời nhà Thanh, nhưng có thể chúng đã phát sinh từ một thời kỳ sớm hơn nhiều, thậm chí từ giữa thời Minh.73 Các chỉ nam lái thuyền Trung Hoa, như đã ghi nhận ở trên, cũng có thể chịu ảnh hưởng đáng kể từ các truyền thống Ả Rập, bởi người ta biết rằng tới giữa thế kỷ mười lăm, một số bản đồ và sách hải hành Ả Rập đã sẵn được sử dụng cho Ấn Độ Dương và Biển Nam Trung Hoa.74

Trong những năm đầu tiên của thế kỷ thứ hai mươi, “truyền thống nhỏ bé” này của Trung Hoa đã công khai xuất hiện dưới hình thức một bộ mười một cuốn hướng dẫn hải hành ngày nay được gọi là Các Bản Đồ Chỉ Đường (Genglu bu 更路簿 Canh Lộ Bạ (hay Bộ) hay Shuilu bu水路簿 Thủy Lộ Bạ (hay Bộ).75 Tác giả của các tập hướng dẫn này thì chưa rõ, mặc dù nhan đề một số tập hướng dẫn có kèm theo sau tên người biên soạn, hoặc tên của cá nhân sở hữu bản viết tay vào thời điểm cuộc nghiên cứu chính về đề tài này được thực hiện tại Trung Hoa hồi giữa thập niên 1970 (Xem Bảng 1 dưới đây).

Bảng 1: Bộ sách hướng dẫn về các hải lộ

Nhan Đề Nội Dung Các Hải Lộ Ghi Nhận Nơi Lưu Trữ
Shunfeng de li

(Wang Guozhang)

Các hải lộ đến Paracels, Spratlys. Luồng nước theo mùa hải hành Biển Đông (Paracels): 42

Biển Bắc (Spratlys): 209

Tổng số: 251

South China

Normal University

Không nhan đề

(Lin Hongjin)

Hải lộ đến Paracels và Spratlys; Bản đồ các luồng nước biển. Biển Đông: 49

Biển Bắc: 162

Tổng số: 211

Đại Học Sư Phạm Nam Hoa
Zhuming Dongbei hai Genglu bu Hải lộ đến Paracels, Spratlys và Pratas; Luồng nước hải hành Tổng số: 135 Đại Học Sư Phạm Nam Hoa
Donghai beihai Genglu bu

(Li Genshen)

Hải lộ đến Paracels  Spratlys và Quảng Châu Tổng số: 151 (kể cả 112 hải lộ đi đến Spratlys) Đại Học Sư Phạm Nam Hoa
Không nhan đề

(Su Deliu)

Hải lộ đến Paracels  Spratlys và Nanyang Biển Đông: 29

Biển Bắc: 106

Quảng Đông, Hải Nam, Bán Đảo Trung Nam, các hải lộ Nanyang: 54

Tổng số: 189

Nanyang Research Institute at Xia Men University, Guangdong Museum
Không nhan đề

(Xu Hongfu)

Hải lộ đến Paracels, và East Spratlys (Macclesfield Bank?). Các luồng gió. Biển Bắc: 153

dong sha tou: 67

Tổng số: 220

Institute of Aquatic Research, Hainan
Dingluo Jingzhen wei

(Yu Yuqing)

Hải lộ đến Paracels  và Spratlys Biển Đông: 35

Biển Bắc: 65

Tổng số: 100

Viện Nghiên Cứu Nanyang ĐạiHọc Xiamen
Xinansha Gengbu

(Chen Yongqin)

Hải lộ đến Paracels  và Spratlys Paracels: 16

Spratlys: 83

Tổng số: 99

Viện Nghiên Cứu Nanyang ĐạiHọc Xiamen
Qu xinan sha Shuilu bu Hải lộ đến Paracels  và Spratlys Paracels: 13

Spratlys: 74

Tổng số: 87

Guangdong Museum
Không nhan đề

(Lu Honglan)

Hải lộ đến Paracels  và Spratlys Biển Đông: 66

Biển Bắc: 120

Tổng số: 186

Guangdong Museum
Không nhan đề

(Peng Zhengka)

Hải lộ đến Paracels  và Spratlys Biển Đông: 17

Biển Bắc: 200

Tổng số: 217

Guangdong Museum

Người dân địa phương thường kiếm sống bằng nghề đánh cá và bắt rùa tại Biển Sulu, Eo Biển Kalimantan và hải phận Natunas, cũng như ở đường viền phía nam và tây nam Biển Nam Trung Hoa. Các ngư phủ từ phần phía bắc của biển này – Đảo Hải Nam và bờ biển đất liền Quảng Đông – đã sử dụng kiến thức hải hành chủ yếu được truyền khẩu của họ cho những cuộc xâm nhập thường niên vào các Quần đảo Paracels (Hoàng Sa) và Spratlys (Trường Sa).76 Những kẻ đã dám mạo hiểm du hành vào các vùng nguy hiểm này có thể tìm thấy thông tin tương đối chi tiết về các mùa tốt nhất để lái thuyền, vị trí của mỗi hòn đảo, các luồng nước lái thuyền và thủy triều trong tập Các Bản Đồ Chỉ Đường. Những tập hướng dẫn này dường như cũng phản ảnh rằng các ngư phủ Trung Hoa, chủ yếu đến từ Hải Nam, đã kết hợp các phân khu khổng lồ của Biển Đông và các quần đảo của nó thành một vùng khai thác kinh tế bền vững một cách thường xuyên.

Hiển nhiên, những nguồn tài liệu này (mà vẫn chưa biết tên tác giả soạn thảo) không chứa đựng thông tin về vai trò của giới chức thẩm quyền Quảng Đông hay Hải Nam đối với các hoạt động đánh cá của Trung Hoa. Vì thế, giá trị của chúng như là những đóng góp vào việc phân tích lịch sử liên quan đến vấn đề chủ quyền các hòn đảo hiện đang tranh cãi phải được giữ ở mức tối thiểu. Mặc dù chúng gợi ý rằng các hoạt động của Trung Hoa đã xảy ra trong khu vực này, chúng không đủ để hợp thức hóa quyền sở hữu, như thường được nêu ra trong các quyển lịch sử chính thức và hàn lâm hiện nay về cuộc xung đột. Tuy nhiên, những nguồn tài liệu này mở cánh cửa tiến tới việc thảo luận về “sự hiểu biết về khu vực” ở một cấp độ sâu hơn, qua việc hậu thuẫn cho luận điểm rằng các thế hệ ngư phủ Trung Hoa đã mạo hiểm tiến vào những vùng biển nguy hiểm này, thậm chí còn biến các hòn đảo đó thành nơi an nghỉ cuối cùng của họ.

Những nhận định chung cuộc

Trong lĩnh vực luật quốc tế, các lập luận lịch sử của Trung Quốc (và Đài Loan) ngày nay về chủ quyền trên các đảo ở Biển Nam Trung Hoa đối chọi một cách trực tiếp với các lập luận của Việt Nam. Hà Nội tuyên xác rằng biển này (Biển Đông) [tiếng Việt trong nguyên bản, chú của người dịch], Paracels (Hoàng Sa) [tiếng Việt trong nguyên bản, chú của người dịch], và Spratlys (Trường Sa) [tiếng Việt trong nguyên bản, chú của người dịch] đã thuộc về Việt Nam từ thế kỷ mười bẩy.77 Các bản đồ đánh dấu Paracels (khi đó gọi là Bãi Cát Vàng [tiếng Việt trong nguyên bản, chú của người dịch]) được viện dẫn trở lùi đến thế kỷ mười lăm.78 Sự tuyên xác của Hà Nội về chủ quyền trên Paracels và Spratlys cho thấy những điểm tương đồng với lời tuyên xác của Trung Quốc và của Đài Loan, đặc biệt từ đầu thế kỷ mười chín khi, chính quyền trung ương Việt Nam được cho là đã phê chuẩn các hoạt động của ngư phủ và các toán khảo sát tại các hòn đảo.79

Tác giả tin tưởng rằng để khởi sự gỡ rối cuộc xung đột về các hòn đảo ở Biển Nam Trung Hoa, giờ đây đã liên quan đến cả Philippines, Malaysia, Brunei, cũng như Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam, cuộc thảo luận phải xét đến những diễn biến xảy ra từ cuối thế kỷ mười chín hay đầu thế kỷ hai mươi. Việc khảo sát các biến cố xa xưa có nguy cơ rơi vào địa hạt của huyền thoại – đặc biệt bởi các nguồn tài liệu Trung Hoa được đặc trưng bởi vô số lỗ hổng và sự im lặng – nơi sự tự thuật tinh vi có thể kết tinh thành chính sử một cách không khoan nhượng. Với Trung Hoa, sự hình hành một căn cước đại dương được tô vẽ lại, có liên hệ trực tiếp đến cuộc xung đột này bằng các hành động được thực hiện bởi nhà nước Trung Hoa, có thể được truy tìm trở về giai đoạn đầu của thế kỷ trước, như tác giả đã thảo luận ở một bài nghiên cứu khác.80

Biển Nam Trung Hoa, cho đến Cuộc Chiến Tranh Nha Phiến Lần Thứ Nhất, đã là một khu vực có tầm quan trọng tối cao, là nơi người Châu Á và Châu Âu tham gia vào mậu dịch triều cống và tư nhân, và cũng là nơi diễn ra việc đánh cá và di dân. Tuy nhiên, như đã trình bày ở đây, các hòn đảo và bãi san hô của khu vực này còn xa mới thuộc vào sự kiểm soát chính thức của Trung Hoa. Tại một khu vực hàng hải nơi mà các hoạt động kinh tế phát triển hưng thịnh, các hòn đảo ở Biển Nam Trung Hoa chỉ trở thành các điểm tham chiếu, cách xa các tuyến đường hải hành thường xuyên do quan ngại về mức độ an toàn. Những hòn đảo này dường như cũng nằm ngoài sự quản trị cụ thể, hữu hiệu của giới chức thẩm quyền Trung Hoa: chúng là những nơi chốn xa xôi và nguy hiểm, bị các tàu lớn và các thuyền buồm mậu dịch (các dương thuyền) né tránh. Tuy nhiên, chúng tiếp tục là những vùng đánh cá cho các thế hệ dân chúng địa phương kiếm sống ở đó. Mãi cho đến khi áp lực thực dân lên tới mức đỉnh điểm trong khu vực với sự hiện diện của người Anh, người Pháp và người Nhật vào cuối thế kỷ mười chín và đầu thế kỷ hai mươi, Biển Nam Trung Hoa mới tái xuất hiện như một khu vực có tầm quan trọng về mặt địa chiến lược.81 Chỉ từ khi đó, các giới thẩm quyền Trung Hoa mới biểu lộ sự chú ý thực sự đến các hòn đảo, và chỉ từ khi có phiên tuần tra hải quân đầu tiên của Trung Hoa đến Paracels và Pratas năm 1909, tình trạng lưỡng phân “hiểu biết khu vực – cai quản khu vực” mới dần dần mờ nhạt. Về sau, dĩ nhiên, sự mập mờ này đã phục vụ cho mục đích chính trị cao hơn vì quyền lợi quốc gia của Trung HoaChính vì thế, các chuyên gia luật quốc tế có bổn phận phải khảo sát tài liệu lịch sử một cách cẩn trọng, nhằm mang lại câu trả lời và giải pháp khả dĩ cho sự rắc rối lãnh thổ khó phân xử này./-

___

Chú thích:

Tác giả xin cám ơn Tiến Sĩ Roderich Ptak và hai vị tham vấn vô danh về những ý kiến sâu sắc của họ về bài viết này. Tuy nhiên, mọi quan điểm bày tỏ thuộc phần trách nhiệm riêng của tác giả.

  1. Văn liệu về đề tài này thì phong phú, nhưng các nguồn tài liệu tiếng Hán sau đây cần được lưu ý: Deng Ciyu, “Nan zhongguo hai zhudaoyu de zhuquan wenti” [Vấn Đề Chủ Quyền Các Đảo tại Biển Nam Trung Hoa], trên Mingbao Yueban[Nguyệt San Mingbao], Tháng Năm 1974: 1-8; Zhang và Fang, Zhongguo haijiang tongshi[Tổng Sử về Các Khu Vực Duyên Hải và Lãnh Hải Trung Hoa] (Hangzhou: Zhongzhou guji chubanshe, 2003); Lu Yiran, biên tập, Nanhai zhudao, dili, lishi, zhuquan [Các Đảo Biển Nam Hải – Địa Lý, Lịch Sử và Chủ Quyền] (Harbin: Heilongjian jiaoyu chubanshe, 1992); Lu Yiran, biên tập, Zhongguo haijiang lishi yu xianzhuang yanjiu [Nghiên Cứu Hiện Trạng và Lịch Sử Biên Cương Trên Biển Của Trung Hoa] (Harbin: Heilongjiang jiaoyu chubanshe, 1995); Han Zhenhua, Woguo nanhaizhudao shiliao huibian [Các Nguồn Sử Liệu Về Các Đảo Biển Nam Hải của Tổ Quốc Chúng Ta] (Beijing: Dongfang chubanshe, 1998); Han Zhenhua, Nanhai zhudao shidi yanjiu [Nghiên Cứu Về Địa Lý Lịch Sử  Biển Nam Hải] (Beijing: Shehui kexue wenxian chubanshe, 1996); Cheng Keqin, biên tập, Zhongguo nanhai zhudao [Quần Đảo Biển Nam hải, Trung Hoa] (Haikou: Hainan guojixinwen chubanshe, 1996); Guoli Zhongyang tushuguan Taiwanfengguan, Hainanji nanhai xueshu yantaohui lunwenji [Biên Bản Hội Nghị Hàn Lâm Về Đảo hải nam và Biển Nam hải] (Taipei: Wenshizhe chubanshe, 1996).
    Các nguồn tài liệu bằng Anh ngữ gồm: Bộ Ngoại Giao Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, China’s Indisputable Sovereignty Over the Xisha and Nansha Islands (Beijing: Foreign Language Press, 1980); Ji Guoxing, The Spratlys Disputes and Prospect for Settlement (Kuala Lumpur: Institute of Strategic and International Studies, 1992); Yang Tzou-Chow, Storm Over the South China Sea (New York: Center of Asian Studies, St. John’s University, 1995); Steven Kuan-Tsuh Yu, “Who Owns the Paracels and Spratlys? An Evaluation of the Nature and Legal Basis of the Conflicting Territorial Claims”, trong quyển Fishing in Troubled Waters, Proceedings of an Academic Conference on Territorial Claims in the South China Sea, đồng biên tập bởi R. D. Hill, Norman G. Owen, và E. V. Roberts (Hong Kong: University of Hong Kong, 1991); The-Kuang Chang, “China’s Claims of Sovereignty Over Spratly and Paracel Islands: A Historical and legal Perspective”, trong Tạp Chí Case Western Reserve Journal of International Law, 23:3 (Summer 1991): 399-420.
  2. Kể từ đầu thế kỷ hai mươi, những lời tuyên nhận của Trung Hoa đã được đưa ra một cách khác biệt bởi có chứng liệu về sự can thiệp trực tiếp hơn của chúng. Tuy nhiên, cần ghi nhận rằng một vài tác giả có đề cập đến năm 1902, chứ không phải 1909, như niên kỳ của cuộc tuần hải đầu tiên.
  3. Quyền chủ tể (sovereignty) được định nghĩa ở đây như “thẩm quyền tối thượng trong phạm vi một lãnh thổ”, địa hạt tài phán (jurisdiction) là “khu vực địa dư trên đó một bộ phận chính phủ có quyền lực và quyền hạn để thực thi thẩm quyền”; và “quyền bá chủ: suzerainty” như “vị thế hay thẩm quyền của một bá chủ” – một quốc gia thống trị kiểm soát các quan hệ ngoại giao của một nước chư hầu, nhưng cho phép nó có chủ quyền trong các vấn đề nội bộ của nó”.
  4. Khái niệm về quyền bá chủ được áp dụng tại Trung Hoa trong cả các quan hệ mậu dịch với “những kẻ man rợ” lẫn những nhà ngoại giao tiếp xúc với họ. Xem John K. Fairbank, “Introduction: The Old Order”, trong quyển The Cambridge History of China, biên tập bởi John Fairbank (Cambridge: Cambridge University Press, 1978), Tập 10, các trang 29-34.
  5. Về bằng khoán, Malcolm Shaw phát biểu: “Thuật ngữ này liên quan đến cả các tình trạng thực tế [tình] và pháp lý [lý] theo đó lãnh thổ được xem như thuộc vào một thẩm quyền cá biệt này hay kia”. Malcolm N. Shaw, International Law, ấn bản lần thứ 3 (Cambridge: Cambridge University Press, 1991), trang 279.
  6. Nhiều tác phẩm tiếng Hán thảo luận về điểm này. Một danh mục tuyển chọn bao gồm: Zhongguo nanhai zhudao, các trang 266-87; Guangdong sheng diming weiyuanhui bianji, Nanhaizhudao diming ziliao huibian[Các Nguồn Tài Liệu Về Địa Danh Của Các Đảo Tại Biển Nam Hải] (Guangzhou: Guangdong ditu chubanshe, 1987), các trang 62-139; Han, Woguo nanhaizhudao, các trang 366, 400-42; Han, Nanhai zhudao shidi yanjiu, trang 81; Lin Jinzhi, “Zhongguo zuizao faxian, jingying he guangxia nanhai zhudao de lishi” [Lịch Sử Sự Khám Phá Đầu Tiên Của Trung Hoa, Tổ Chức Hành Chính và Sự Kiểm Soát Các Đảo Biển Nam Hải] trong sách của Lu, Nanhai zhudao, dili, lishi, zhuquan, các trang 27-40); Lu Yiran, “Rishang Xize jici qiangzhan dongsha qundao yu zhongri jiaoshe” [Sự Chiếm Cứ Quần Đảo Pratas bởi Nhà Mậu Dịch Nhật Bản Yoshiji Nishizawa và Các Cuộc Thương Nghị Trung Hoa – Nhật Bản] trong sách của Lu, Zhongguo haijiang lishi,các trang 90-4; Tao Cheng, “The Disputes over the South China Sea Islands”, Texas International Law Journal 10 (1975), các trang 265-277; Guo Zhengan, “Nanhaizhudao de kaifazhe” [Các nhà Phát Triển Các Đảo Biển Nam Hải], trong Guoli zhong-yang tushuguan Taiwan fenguan, Hainan ji nanhai, các trang 471-510.
  7. Zhou, Qufei, Lingwai daida [Lĩnh Ngoại Đại Đáp](Baibu congshu jicheng, biên tập, Taipei: Yiwen yinshuguan, 1966), 1:13b-14a.  Tác giả Roderich Ptak vạch ra rằng hẳn là nhầm lẫn khu vực khổng lồ này với cái được gọi là Biển Đông Nam (Dong Nan Hải 東南海Đông Nam Hải), xem “Quanzhou: at the Northern Edge of a Southeast Asian “Mediterranean”, trong sách của Ptak, China, the Portuguese, and the Nanyang: Oceans and Routes, Regions and Trade (c. 1000 – 1600) (Aldershot: Ashgate Variorum, 2004), các trang 408-9.
  8. Zhao Rugua, Zufan zhi: Chư Phiên Chí (Congshu jicheng, biên tập, Shanghai: Shangwu Yinshuguan chubian, 1937), 2:1.
  9. Zhao, Zufan zhi, 2:7.
  10. Ptak, “Quanzhou”, trang 415.
  11. Chen Dazhen, Dade nanhaizhi [Đại Đức Nam Hải Chí] (Song-yuan fangzhi congkan, biên tập, Beijing: Zhonghua shuju, 1990), Vol. 8, 7:18b-20b).
  12. Ptak, “Sudostasiens Meere nach chinesischen Quellen (Song und Yuan)”, và “Quanzhou”, cả hai trong sách của Ptak, China, the Portuguese, and the Nanyang, các trang 17-21, 413-14).
  13. Wang Dayuan, Daoyi zhilue [Đảo Di Chí Lược] (Beijing: Zhonghue shuju, 1981), các trang 214, 218.
  14. Cùng nơi dẫn trên, trang 318. Các hòn đảo san hô này, phần lớn xác xuất là Quần Đảo Paracels, được đặt nơi Đoạn 81, một con số có thể ám chỉ một số ý nghĩa tế nhị hay bí truyền. Con số 81 đôi khi có liên quan đến truyền thống Trung Hoa với số vẩy đực của con rồng (biển?)  – điều này có thể cho thấy rằng đây là những hòn đảo nguy hiểm cho người đi biển. Tác giả Ptak nêu câu hỏi là liệu hình ảnh từ con số này có thể để chỉ một con rồng khổng lồ hay không. Để có được sự phân tích về các hàm ý khả hữu của sự sắp xếp con số của nguồn tài liệu thời nhà Nguyên này, xem Ptak, “Quanzhou”, trang 418. Cũng xem Roderich Ptak, “Glosses on Wang Dayuan’s Daori zhilue (1349/50)”, trong quyển Récits de voyage des Asiatiques, Genres, mentalities de l’espace, biên tập bởi Claudine Salmon (Paris: École Franҫaise d’Extrême-Orient, 1996), các trang 127-141).
  15. Theo các nhà biên niên sử Hồi Giáo thế kỷ thứ mười là Abu Zaid Hassan al Sirafi và Abu Dulaf, và theo Abu al-Fida Isma’il ibn Ali (1273-1331) địa điểm Kalah (the Qadah và Keda của Ibn al-Majid và Sulaiman al-Mahri, một cách lần lượt) được xem là điểm giữa của con đường Ả Rập nằm giữa Trung Hoa và Ceylon (Tích Lan) sau cùng đã dẫn tới Oman.  G. R. Tibbetts, “The Malay Peninsula as Known to the Arab geographers”, Malayan Journal of Tropical Geography9 (1956): 21-60, các trang 24, 27, 31. Chính thành phố (hay hòn đảo) phía tây bán đảo Mã Lai này là nơi tuyến đường đến Ấn Độ đã thực sự khởi hành đối với các thủy thủ Ả Rập, đặc biệt sau khi các hoạt động mậu dịch trực tiếp của họ di chuyển về phía tây từ miền nam Trung Hoa sang bờ phía đông của bán đảo Mã Lai. Sự kiện này đã xảy ra trong thế kỷ thứ mười, sau khi quân nổi dậy Huang Chao 黃巢Hoàng Sào đã công khai tàn sát đến 200,000 người Ả Rập, những người theo đạo Thiên Chúa và đạo Zoroastrians trong khi chiếm giữ Quảng Châu vào năm 879.  Paul Lunde, “The Seas of Sindbad”, Saudi Aramco World 65, 4 (July/August 2005): 20-29, http://www.saudiaramcoworld.com/issue/200504/the.seas.of.sindbad.htm, tiếp cận June 2008. Hồi Giáo tại Đông Nam Á và các hàm ý của nó trên mậu dịch liên vùng, tuy thế, phần lớn nằm ngoài chủ đề của bài khảo cứu này, và các nhà đia dư học Ả Rập được đề cập đến ở đây cho đầy đủ.  Để có được sự giới thiệu tổng quát, xem H. J. De Graff, “South-East Asian Islam to the Eighteenth Century”, trong quyển The Cambridge History of Islam, biên tập bởi P. M. Holt, Ann K. S. Lambton và Bernard Lewis (Cambridge: Cambridge University Press, 1970), Vol. 2a, các trang 123-54.
  16. Muốn có bản dịch Ya’qub, xem Gabriel Ferrand, Relations de voyages et textes géographiques arabes, persans et turks, relatifs à l’Extrême-Orient du VIIIe au XVIIIe siècles(Frankfurt am Main: J. W. Goethe Universitat, Institut fur Geschichte der Arabisch-Islamischen Wissenschaften, 1986), trang 50.
  17. Quyển Overall Survey of the Oceans’ Shores (Doanh Nhai Thắng Lãm) [của Mã Hoan] từ lâu được xem có niên kỳ là 1433. Tuy nhiên, giờ đây nhiều học giả chấp nhận rằng hình thức xác định của tác phẩm này ra đời từ năm 1451, bảy năm sau khi bản thảo đầu tiên được hoàn tất. Xem Wan Ming, “Ming chaoben Yingya shenglanyu Zheng He baochuan chidu” [Quyển “Doanh Nhai Thắng Lãm” thời nhà Minh và Sự Đo Lường Các Bảo Thuyền Của Trịnh Hòa] trong tờ Zhongguo shehui kexueyuan bao[Tập san Hàn Lâm Viện Trung Hoa Về Khoa Học Xã Hội], 7 Tháng Bảy 2005, http://www.guoxue.com/ws/html/zuixinfabu/20050708/238.html, tiếp cận Tháng Bảy 2008.  Cũng xem Paul Pelliot, “Les grands voyages maritimes Chinois au début du XVe siècle”, ấn bản tiếng Hán trong Zheng He xia xiyangkeo / Jiao Guang Yindu liang dao kao [Về Sự Hải Hành Của Trịnh Hòa đến Biển Tây Dương/ Ngiên Cứu về Các Đường Biển Việt Nam-Trung Hoa-Ân Độ], dịch bởi Bo Xihe và Feng Chengjun (Beijing: Zhonghua shuju, 2003), các trang 15-32.
  18. Theo nhà Minh, các nhà địa dư học Ả Rập thừa nhận toàn thể phía đông Bán Đảo Mã Lai, kể cả Vịnh Thái Lan và Biển Nam Trung Hoa (South China Sea), là thuộc vào khu vực ảnh hưởng của Trung Hoa, hay “Đại Trung Hoa: Greater China” (al Sin wa Ma’l Sin; một thuật ngữ có nguồn gốc từ tiếng Phạn (Sanskrit Cina Mahacina, và từ tiếng Ba Tư (Persian) Chin Machin). Tham khảo từ bản văn năm 1511 bởi Sulaimanb. Ahmadal-Mahri, Al-‘Umdat al-Mabriyah fi Dabt al-‘Ulum al-Najmiyah(MSS file 2559), có xác định một vùng bao la như thế, được tìm thấy trong sách của Tibbets, “The Malay Peninsula”, trang 48.  Xem chú thích số 75 trong bài viết này.
  19. Có một tài liệu trong quyển Yingya Shenglan (Doanh Nhai Thắng Lãm)về Nanboli (23a) chỉ một điểm phân chia tại Maoshan帽山, ngày nay là Pulau Weh, Indonesia (khoảng 5’54 bắc vĩ tuyến, 95’13 đông kinh tuyến), về  Samudra-Pasai (19b), về Shepo (3a) và bài thơ kỷ niệm (2a). Cũng xem, Zhang Sheng, Gaizheng Yingya Shenglan[Cải Chính Doanh Nhai Thắng Lãm] (Taipei: Guangwen shuju, 1969), trang 191, và Feng Chengjun, Yingya Shenglan jiazhu, Ma Huan zhuan [Doanh Nhai Thắng Lãm, của Mã Hoan] (Shanghai: Shangwu yinshuguan, 1937), trang 74.
  20. Xingcha ShenglanTinh Sai Thắng Lãm, 1:5a; Yingya Shenglan, 4a. Tuy nhiên, Kunlunshan có thể được nhận diện trong các nguồn tài liệu khác là Kalimantan. Để có sự phân tích các tên gọi các đảo trong vùng này và các biến thể, xem Chen Jiarong, Gudai nanhai diming huishi[Các nguồn tài liệu về Đia Danh Xưa của Biển Phương Nam] (Beijing: Zhonghue shuju, 1986).
  21. Về sự phân chia “Đông Dương: Eastern Ocean” và “Tây Dương: Western Ocean” tại Brunei (một vị trí khác biệt với các nguồn tài liệu khác), xem Mingshi [Minh Sử](Beijing: Zhonghua shuju, 1974), 3238378.
  22. Huang Zhong Hoàng Trung, Haiyu [Hải ngữ; ngôn ngữ của biển] (Zhongguo nanhai zhuqundaowenxian huibian, biên tập, Taipei: Taiwan xuesheng shuju, 1975), 3:1b-2a.
  23. Xem bản đồ nhan đề “Xinanhai yi tu” và bản đồ Mao Khôn trong sách của Mao Yuanji, Webei Zhi[Khảo Luận về Sự Chuẩn Bị Quân Sự] (Zhongguo Bingshu jicheng, biên tập, Beijing: Jiefang chubanshe, 1989), 222:11b, 240: 10b-11a. Sự xác định tên gọi các bãi san hô ngầm và sự biến đổi của chúng có thể được tìm thấy trong sách của Hàn, Nanhai zhudao shidi yanjiu, các trang 1-51.
  24. Huang Shengceng: Hoàng Tỉnh Tăng, Xiyang chaogong dianlu[Tây Dương Triều Cống điển lục] (Congshu  jicheng, biên tập, Beijing: Zhonghua shuju, 1991), các trang 3, 13, 21.
  25. Zhang Xie (Trương Nhiếp), Dongxi yangkao [Đông Tây Dương Khảo: nghiên cứu về biển Đông và Tây] (Wang Qizong, biên tập, 1618).
  26. Cùng nơi dẫn trên, 5:16a, 3:18b.
  27. Bản đồ Dongxi nanhai yizhuguo zongtu[Bản Đồ Tổng Quát Tất Cả Các Nước Man Rợ Tại Các Biển Đông, Tây và Nam] và bản đồ Dongnan haiyang zhuyiguo tu[Bản Đồ Tổng Quát Tất Cả Các Nước Man Rợ Của Biển Đông Nam] – cả hai từ quyển Dongxi yangkaoĐông Tây Dương Khảo – cho thấy một khoảng trống bao la nằm giữa biển Nam Hải, nơi mà các Quần Đảo Hoàng Sa và Trường Sa phải tọa lạc ở đó.
  28. Xiang Da, Liangzhong haidao zhenjing: Xunfeng xiangsong, Zhinan zhengfa[Hai Quyển Kinh Điển Về Hải Hành Bằng Địa Bàn: Các Luồng Gió Thuận Lợi để Hộ Tống và Các Chiều Hướng của Phương Nam] (Beijing: Zhonghua shuju, 1961), các trang 27-8.
  29. Tang Zhou, Zhengde qiongtai zhi[Từ Điển Địa Dư Thời Trị Vì Zhengde] (Tianyige cang Mingdai fangzhi xuankan biên tập, Shanghai: Shanghai guji shudian, 1964), 21:8b-9a.
  30. Chen Lunjiong: Trần Luân Quýnh, Haiguo wenjianlu[Hải Quốc Văn Kiến Lục] (Zhongguo nanhai zhuqundao wenxian huibian, biên tập), 1:13a-18a, 19a-27b, 38a-4ob.  Cũng xem Han, Nanhai zhudao shidi yanjiu, các trang 1-50 và bản đồ Sihai zongtu 四海總圖Tứ Hải Tổng Đồ, được in lại trong sách đồng biên tập bởi Go Bon Juan và Joaquin Sy, The Philippines in Ancient Chinese Maps (Makati City: Kaisa Para Sa Kaunlaran Inc., 2000), trang 65.
  31. Xiang, Liangzhong haidao zhenjing, trang 117.  Về nhóm đảo Pratas, xem trang 155.
  32. Xie Qinggao, Hailu[Các Tài Liệu Hàng Hải] (Zhongguo nanhai zhuqundao wenxian huibian, biên tập).
  33. Xie, Hailu, 35a.
  34. Xem bản đồ thế giới của ông và bản đồ Dongnanyang geguo yange tu[Bản Đồ Tu Sửa Các Nước ở Biển Đông Nam] trong sách của Wei Yuan, Haiguo Tuzhi[Từ Điển Địa Dư Có Minh Họa của 60 Nước Hàng Hải, 60 tập (Taipei: Chengwen chubanshe, 1967).
  35. Xem bản đồ Nanyang gedao tu[Bản Đồ Tất Cả Các Đảo Trong Biển Phía nam] trong sách của Xu Jiyu, Yinghuan Zhilue[Doanh Hoàn Chí Lược, Các Ghi Chép Lặt Vặt về Hải Hành] được in lại trong Quanguo gonggong tushuguan guji wenxian bianweihui, Yinghuan zhilue. Hanghai suoji [Doanh Hoàn Chí Lược, Các Ghi Chép Lặt Vặt về Hải Hành] (Beijing: Zhonghua quanguo tushuguan wenxian suowei fuzhi zhongxin, 2000), 2:32.  Cũng xem, bản đồ Dongnanyang geguo yange lu trong sách của Go và Sy, The Philippines in Ancient Chinese Maps, trang 56.
  36. Cũng xem 1841 Hainan Local Gazetteer(Qiongzhou fuzhi 瓊州府志Quỳnh Châu Phủ Chí) trong sách của Ming Yi và Zhang Yuesong, Guangdong sheng qiongzhou fuzhi(I), 1841 (1890) [Từ Điển Địa Dư Hải Nam, tỉnh Quảng Đông] (Zhongguo fangzhi congshu, biên tập, Taipei: Chengwen chubanshe, 1967), 3:1a.
  37. Các sự tham chiếu đến Quần Đảo Paracels vẫn còn mơ hồ trong lịch sử địa phương Quảng Đông mãi cho đến thời vua Đồng Trị (Tongzhi, 1862-1874). Xem Mao Hongbin, Guangdong sheng Guangdong tushuo[Các sự Trình Bày Có Minh Họa Tỉnh Quảng Đông] (Zhongguo fang zhi congshu, biên tập, Taipei: Chengwen chubanshe, 1967), 17: 3b.
  38. Guangdong sheng qiongzhou fuzhi, 17:5b-6a.
  39. Sự phân loại này cũng liên quan đến sự kiểm soát và đánh thuế trên các hoạt động thuyền buồm bởi giới chức Quảng Đông và Phúc Kiến. Về việc này, xem Jennifer Wayne Cushman, Fields From The Sea: Chinese Junk Trade with Siam During The Late Eighteenth and Early Nineteenth Centuries(Ithaca: Cornell University, Southeast Asia Program, 1993), các trang 45-7.
  40. Lo Jung-pang, “The Decline of the Early Ming Navy”, Oriens Extremus5 (1958): 149-68.
  41. Ni Jianmin, Hai yang zhongguo [Hải Dương Trung Quốc](Beijing: Guoji guangbo chubanshe, 1997), trang 632.
  42. Roderich Ptak, “The Northern Trade Route to the Spice Islands: South China Sea – Sulu Zone – North Moluccas (14thto early 16th Century)”, Archipel 43 (1992), được in lại trong sách của Roderich Ptak, China’s Seaborne Trade with South and Southeast Asia (1200-1750) (Aldershot: Ashgate Variorum, 1999), trang 36.
  43. Về Phúc Kiến, xem Ming shilu (Minh Thực Lục)năm Hongwu 洪武thứ 21, Tháng 2, Ngày 4 (12 Tháng Ba 1388).  Về Guangdong, xem Xuande 宣德 [Tuyên Đửc] năm thứ 7, Tháng 2, Ngày 1 (2 Tháng Ba 1432), Jiajing [Gia Tĩnh] năm 43, Tháng 6, Ngày 8 (15 Tháng 7, 1564.  Về các chính sách chống lại quân hải tặc Đông Nam Á, xem Hong Zhi 弘治[Hoằng Trị] năm 1, Tháng 3, Ngày 6 (17 Tháng Tư 1488).  Tất cả các tài liệu từ Minh Thực Lục lấy từ bản dịch của Geoff Wade, Southeast Asia in the Ming Thi Lu: An Open Access Resource (Singapore: Asia Research Institute và the Singapore E-Press, National University of Singapore) http://epress.nus.edu.sg/msl, tiếp cận trong Tháng Sáu 2008. Để có trình bày chi tiết về các cuộc tấn công của Wako tại vùng Hải Nam thời sơ Minh, xem Guangdong sheng qiong zhou fuzhi (1) 19: 1a-38a.
  44. Zhang và Fang, Zhongguo haijiang tongshi, các trang 262, 284.
  45. AnJing, Zhongguo gudai haijiang shigang[Trung Quốc Cổ Đại Hải Cương Sử Cương] (Harbin: Heilongjiang jiaoyu chubanshe, 1999), trang 206.  Charles O. Hucker, “Ming Government”, trong quyển The Cambridge History of China, biên tập bởi Frederick W. Mote và Denis Twitchett (Cambridge: Cambridge University Press, 1988), Vol. 8, các trang 54-70. Wan Rigen, Ming qing haijiang zhengce yu zhongguo shebui fazhan [Chính Sách Biên Giới Trên Biển của Thời Nhà Minh  – Thanh vã Sự Phát Triển Xã Hội của Trung Hoa] (Fuzhou: Fujian remin chebanshe, 2006), trang 42.
  46. Zhang và Fang, Zhongguo haijiang tongshi, trang 288.
  47. Zhang và Fang, Zhongguo haijiang tongshi, trang 277.
  48. Ming shilu, Xuande 10, Tháng 7, Ngày 20 (13 Tháng Tám 1435).
  49. Ming shilu, Jiajing 15, Tháng 7, Ngày 29 (15 Tháng Tám, 1536).
  50. Zhang và Fang, Zhongguo haijiang tongshi, trang 265. Tiến trình này đã khởi sự khi chính quyền của vị hoàng đế nhà Minh đầu tiên ra lệnh dời cư dân khỏi các khu vực duyên hải. Xem Lo Jung pang, “The Decline of the Early Ming Navy”, trang 163.
  51. Như là một khái niệm, vùng này, bao gồm cả Nanyang [Nam Dương], được xem là khu vực phát sinh một số hoạt động của Trung Hoa, chẳng hạn như việc di dân và mậu dịch, chủ yếu ngang qua Biển Nam Trung Hoa. Theo đó, và theo ý kiến của tác giả Wang Gungwu, Nanyang đã không bao gồm toàn bộ Đông nam Á, nhưng đúng hơn bờ biển Nam Trung Hoa đến các lãnh thổ duyên hải kề cận, kể cả những phần đã là, khi tác giả Wang viết ra, Indonesia [Nam Dương], Borneo Thuộc Anh Quốc, các tiểu bang Mã Lai (và Singapore) và Philippines. Xem Wang Gungwu, “The Chinese in Search of a Base in the Nanyang”, Journal of the South Seas SocietyXIV, 1-2 (December 1958), trang 88.
  52. Geoff Wade, Ming China and Southeast Asia in the 15thCentury: A Reappraisal, Singapore Asia Research Institute Working Paper No. 28 (Singapore: Asia Research Institute, 2004), http://www.ari.nus.edu.sg/docs/wps/wps04_028 pdf, tiếp cận hồi Tháng Sáu 2007, trang 6.  Cũng xem, Stephen Chang Tseng-Hsin, Mingli dongnan zhongguo de haishang buodong(Các Hoạt Động Hàng Hải tại Bờ Biển Đông Nam của Trung Hoa trong phần sau của nhà Minh, VER/Dynasty [? Không rõ nghĩa, ND] (Taipei: Silidongwu daxue zhongguo xueshu zhuzuo jiangshu weiyuanhui, 1988), các trang 8-11.
  53. Zhang, Mingli dongnan zhongguo, các trang 12-16.  Ray Huang, “The Lung-ch’ing and Wan-li reigns, 1567-1620, trong sách đồng biên tập bởi Frederick W. Mote và Denis Twitchett, The Cambridge History of China(Cambridge: Cambridge University Press, 1988), Vol. 7, trang 559.  Wang, Ming Qing haijiang zhengce, trang 85.
  54. Wang, Ming Qing haijiang zhengce, các trang 99, 390, 398. Cũng xem James Geiss, “The Chia-Ching Reign, 1522-1566”, trong sách của Mote, The Cambridge History of China, Vol. 7, các trang 466-505. Về vấn đề nạn hải tặc Nhật Bản giữa thời nhà Minh, cùng xem So Kwan-wai, Japanese Piracy in Ming China during the 16thCentury(East Lansing: Michigan State University Press, 1975).
  55. Wang Gungwu, “Ming Foreign Relations: Southeast Asia”, trong sách bie6n tập bởi Mote và Twichett, The Cambridge History of China, Vol. 8, trang 307.
  56. An, Zhongguo gudai haijiang shigang, trang 246.
  57. Wang, Ming Qing haijiang zhengce, trang 197.
  58. Jane Kate Leonard, Wei Yuan and China’s Rediscovery of the Maritime World(Cambridge: Harvard University Press, 1984), trang 69.
  59. Cùng nơi dẫn trên, các trang 212, 225. Bất kể có chính sách này, ngay từ rất lâu trước cuối thời nhà Minh khoảng giữa thế kỷ thứ mười bảy, các thuyền buồm Trung Hoa vẫn tiếp tục đi lại giữa Phúc Kiến và Quảng Đông với Đông nam Á, tham gia vào việc di chuyển mậu dịch và di dân với Việt Nam, Indonesia, toàn thể Bán Đảo Mã Lai, và Phi Luật Tân. Xem Akira Matsuura, “Shindai no kaiyoken to kaigai imin” [Lãnh Vực Hàng Hải và Di Dân Hải Ngoại Thời Nhà Thanh], Ajia kara kangaeru – 3:Shuen kara no rekishi [Các Suy Tưởng Từ Á Châu, Số 3, Lịch Sử Từ Vùng Ngoai Vi], đồng biên tập bởi Yuzo Mizoguchi, Takeshi Hamashita và các tác giả khác (Tokyo: Tokyo digaku shuppansha kai, 1994), trang 166. Về hoạt động mậu dịch thuyền buồm Trung Hoa với Thái Lan, xem Cushman, Fields From the Sea.
  60. Wang, Ming Qing haijiang zhengce, các trang 155, 435.
  61. Zhang, Zhongguo haijiang, trang 311.  Wang, Ming Qing haijiang zhengce, các trang 144-49, 153. Vào giữa thế kỷ thứ mười bảy, sự xuất cảnh cũng được thúc đẩy bởi sự đánh thuế gia tăng đối với dân chúng tại các vùng duyên hải. Nói chung, trong thời nhà Minh và nhà Thanh, sự di dân xuống Nanyang được thực hiện bởi những kẻ hoặc chống đối chính quyền hay bởi các thương nhân đi tìm những cơ hội tôt hơn nằm ngoài lãnh vực của sự kiểm soát chính thức của Trung Hoa. Ước lượng rằng tính đến cuối thời nhà Minh, khoảng 70,000 đến 80,000 người Trung Hoa đã sẵn là các thường trú nhân tại Đông và Đông Nam Á. Xem Wang, Ming Qing haijiang zhengce, các trang 401, 408, 414.
  62. Cùng nơi dẫn trên, trang 195.
  63. Để biết được một nghiên cứu cổ điển về hai thời kỳ đó, xem Jung Pang-Lo, “The Emergence of China As a Sea Power During the Late Song and Early Yuan Periods”, The Far Eastern Quarterly14.4 (August 1955): 489-503.
  64. Marwyn Samuels, Contest for the South China Sea(New York: Methuen, 1982), các trang 22-5.
  65. Vào các thế kỷ thứ mười hai và mười ba, mậu dịch hàng hải tư nhân đã phát triển ở Miền Bắc Việt Nam tại Vịnh Bắc Phần, nhờ các thương nhân Trung Hoa, Việt Nam và Hồi Giáo là những kẻ đã sử dụng tuyến đường mậu dịch phía tây của Biển Nam Hải, nối liền Giao Chỉ Dương và Biển Nam Hải. Xem Li Tana, “A View From the Sea: Perspectives on the Northern and central Vietnamese Coast”, Journal of Southeast Asian Studies37.1 (February 2006): 83-102.
  66. Ptak, “The Northern Trade Route”, trang 39. Các phát hiện khảo cổ gần đây đã cho thấy sự hiện diện của một truyền thống hải vận Trung Hoa – Đông Nam Á hỗn tạp tại phần phía nam của Biển Nam Trung Hoa.  Xem Pierre Yves Manguin, “Trading Ships of the South China Sea”, Journal of the Economic and Social History of the Orient XXXVI (1993): 253-80.  Cũng xem Geoff Wade, Pre-Modern East Asian Maritime Realm: An Overview of European-Language Studies, Asia Research Institute Working Paper No. 16, (Singapore: Asia Research Institute, 2003, http://www.ari.nus.edu.sg/docs/wps/wps03_016pdf>, tiếp cận trong Tháng Sáu 2008, các trang 7, 17-20.
  67. Về các khái niệm này – Renkai chiiki運[?]海地域vận[?] hải địa vựcKankai chiiki 環海地域 hoàn hải địa vực, và Enkai chiiki 沿海地域 diên (hay duyênhải địa vực[trong nguyên bản gồm các tiếng Nhật đã phiên âm kèm theo các Hán tự, có thể có sai lầm khi ký tự âm Renkai từ tiếng Nhật sang Hán tự, (thiếu mất một nét trong chữ vận[?]), người dịch phỏng đoán là vận hải, chú của người dịch] — xem Takeshi Hamashita, “Chiseiron, tochishi kara mita chiiki tobnkaiiki [Về địa chính trị: Các Khu Vực Đất Liền và Biển Nhìn Theo Lịch Sử Quản Lý] trong quyển Shihai no chiiki shi [ Lịch sử Các Khu Vực Của Sự Kiểm Soát], biên tập bởi Takeshi Hamashita và Minoru Kawakita (Tokyo: Yamagawa shuppansha, 2000), trang 113.
  68. Trong quyển Doanh Nhai Thắng Lãm(Overall Survey of the Ocean’s Shores), có đề cập đến một địa điểm được gọi là fuqingluo浮青螺Phù Thanh Loa (xem bài thơ kỷ niệm, trang 2a).  Theo ý kiến của giới học thuật Trung Hoa nói chung, địa điểm này có thể là cùng nơi chốn của jiuruluozhou九乳螺州Cửu Nhũ Loa Châu hay jiuruluoshi九乳螺石Cửu Nhũ Loa Thạch, trong một tác phẩm thời Bắc Tống nhan đề Sưu Tập Các Kỹ Thuật Quân Sự Quan Trọng Nhất) (Wujing zongyao武經總要Vũ Kinh Tổng Yêu) nói đến một tên gọi cổ xưa dành cho Paracels. Tuy nhiên, theo tác giả Ptak, cũng có thể một sự tham chiếu như thế không có chút tương ứng nào với các hòn đảo. Về cuộc tranh luận này, xem Guangdongsheng diming ziliao huibian, các trang 154-1955.  Về tác giả Ptak, xem “The Coral Islands in the South China Sea According to Chinese Sources (Song to Minh)”, trong sách biên tập bởi Avelino de Freitas de Meneses, Portos, Escalas e libéus no Relacionamento entre o Ocidente e o Oriente.  Actas do Congresso Internacional Comemorativo do Regresso de Vasco da Gama a Portugal, libras Terceira e S. Miguel (Aҫore) (Lisboa: 2 vols., sl, Universidade dos Aҫore/Comissӓo Nacional para as Comemoraҫões dos Descobrimentos Portugueses, 2001, University of the Azores/National Commission for the Commemoration of the Portuguese Discoveries, 2001), Vol. II, các trang 337-58, và “Die Paracel- und Spratly-Inseln in Sung, Yuan-und frühen Ming-Texten”:  Ein maritimes Grenzgebiet?”, trong quyển China and Her Neighbors: Borders, Visions of the Other, Foreign Policy, 10th to 19th Century, đồng biên tập bởi Sabine Dabringhaus và Roderich Ptak, South China and Maritime Asia series, Vol. 4, (Wiesbaden: Harrassowitz Veralg, 1977), các trang 159-81.
  69. Về vấn đề này, xem Nanhaizhudao diming ziliao huibian, cũng như tác giả Han, Woguo nanhaizhudao, các trang 795 [-?].
  70. Fernand Braudel, La Méditerranée et le Monde Méditerraanéen à l’époque de Philippe II, ấn bản lần thứ nhì (Paris: Armand Colin, 1966), Tập 1, các trang 94-152.
  71. Bài viết này không dành để phân tích các bản đồ Âu Châu tương ứng với thời nhà Minh và đầu hay giữa nhà Thanh. Để có được sự giới thiệu về một số bản đồ tiêu biểu phác họa khu vực Biển Nam Trung Hoa, xem Tatsuo Urano, Nankai shoto kokusai funso shi[Cuộc Xung Đột Quốc Tế Trên Biển Nam Trung Hoa: Lịch Sử, Phân Tích và Các Tài Liệu], (Tokyo: Tosui shobo, 1997), các trang 135-46.
  72. Xem Geoff Wade, “A Maritime Route in the Vietnamese Text “Xiêm-La Quốc-Lộ-Trình Tạp-Lục”, trong quyển Commerce et Navigation en Asie du Sud-Est, XIV– XIXesiècle, đồng biên tập bởi Nguyễn Thế Anh và Yoshiaki Ishizawa (Tokyo: Sophia University, 1999), các trang 137-70.
  73. Một số trong các nguồn tài liệu tiếng Hán được đề cập đến trong bài khảo luận này đã có mục đích kép trong khi trình bày các vùng đất của Đông Dương (Eastern Ocean) và Tây Dương (Western Ocean), cũng để trở thành các sự chỉ dẫn, hay bản đồ lộ trình, để đến các nơi đó. Các tài liệu: Thuận Phong Tương Tống, Chỉ Nam Chính Pháp và Hải Quốc Quảng Ký Haiguo Guangji海國廣記là một vài thí dụ.  Xem Shen Moushang, Haiguo guangji, trong sách của Zheng Housheng và Zheng Yiyun, Zheng He xia xiyang ziliao huibian[Các Nguồn Tài Liệu Lịch Sử về Các Chuyến Du Hành Của Trinh Hòa đến Biển Tây Dương] (Jinan: Qilu shushe, 1980), các trang 306-27).
  74. Thư Viện Quốc Gia (Bibliothèque nationale) tại Paris có hai tập viết tay hải hành Ả Rập quan trọng, một từ Shihab al-Din Ahmad ibn Majid (MSS file Arabe 2292, niên kỳ 1462), tập kia từ Sulaiman b. Ahmad al-Mahri (MSS file Arabe 2559, niên kỳ 1511). Xét rằng tại miền Nam Trung Hoa, đặc biệt tại đảo Hải Nam, có các cộng đồng Hồi Giáo quan trọng, rất có thể là các tập chỉ đường này và các tập chỉ dẫn lái thuyền khác đã được sử dụng bởi các thủy thủ Hồi Giáo Trung Hoa. Về các tập viết tay này, xem Gabriel Ferrand, Instructions nautiques et routiers arabes et portugais des XVe et XVIe siècles / T. 3: Introduction à l’astronomie nautique arabe(Paris: P. Geuthner, 1921-1928), các trang 198-248. Tibbetts, “The Malay Peninsula as Known to the Arab geographers”, các trang 47-57.
  75. Nanhaizhudao diming ziliao huibian, các trang 88-140. Sự đo lường của Trung Hoa và Việt Nam về khoảng cách chèo thuyền cho thấy một sự tương đồng đáng chú ý, dùng cả hai đơn vị Geng (Trung Hoa) và Canh (Việt Nam) cho khoảng cách tương đương với 60 li Trung Hoa. Cheng, Zhongguo nanhai zhudao, trang 28), Wade, “A Maritime Route in the Vietnamese Text”, trang 170.
  76. Theo một nghiên cứu được thực hiện tại Trung Hoa trong thập niên 1970, bản đồ lộ trình của Su Deliu được đặt theo tên một ngư phủ từ đảo Hải Nam là kẻ, vào khoảng 1921 (khi anh ta ở tuổi mười ba) đã có được văn bản này chưa được đặt tên từ tổ tiên của anh ta.  Cùng câu chuyện được lập lại trong trường hợp bản đồ lộ trình của Lu Honglan, vốn là tên của một ngư phủ Hải Nam khác sinh ra trong năm 1900, kẻ đã nhận được các chỉ dẫn lái thuyền nguyên thủy từ các thân nhân. Trong trường hợp bản đồ lộ trình của Peng Zhengka, điều được hay biết là anh ta đã ở Spratlys (Trường Sa) khi người Pháp chiếm đóng chín trong số các hải đảo này trong năm 1933, xem Nanhaizhudao diming ziliao huibian, các trang 124-125.  Về sự chiếm đóng của Pháp năm 1933, xem Han, Nanhai zhudao shidi yanjiu, các trang 104-115; Stein Tonnesson, “The South China Sea in the Age of European Decline”, Modern Asian Studies40, 1 (2006): 3-8; Ulises Granados, “As China Meets the Southern Sea Frontier: Ocean Identity in the Making, 1902-1937”, Pacific Affairs 78, 3 (Fall 2005): 451-452.
  77. Bộ Ngoại Giao Việt Nam Cộng Hòa, White Papers on the Hoàng Sa (Paracel) và Trường Sa (Spratly) Islands(Sàigòn: Ministry of Foreign Affairs, 1975), trang 16.  Lưu Văn Lợi, The Sino-Vietnamese Difference on the Hoàng Sa and Trường Sa Archipelagoes(Hà Nội: Thế Giới Publishers, 1996), các trang 33 [-?].
  78. Thanh Thủy [hay Thúy, Thụy?], “The Hoàng Sa and Trường sa Archipelagoes Are Vietnamese Territory”, trong quyển The Hoàng Sa and Trường Sa Archipelagoes (Paracels and Spratly)(Hà Nội: Vietnam Courier, 1981), trang 15.
  79. White Paper on the Hoàng Sa, các trang 27-35; Lưu, The Sino-Vietnamese Difference, các trang 33-47.
  80. Ulises Granados, “As China Meets the Southern Sea Frontier”.
  81. Marwyn Samuels vạch ra rằng “vào thế kỷ thứ mười tám và lên đến tột độ trong các cuộc đối đầu trong thế kỷ thứ mười chín với Anh, Pháp và Nhật Bản, quyền lợi của Trung Hoa tại Biển Nam Trung Hoa liên quan đến các mạng lưới mậu dịch và các nguy hiểm hải hành trở nên kém cấp thiết hơn, thay vào đó, là quan tâm về chính trị và chiến lược”. Samuels, Contest for the South China Sea, trang 24./-

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN