Từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, đặc biệt từ sau sự thành công của Cách mạng Trung Quốc năm 1949, Mỹ đã quan tâm tới khu vực Đông Dương với lo ngại rằng chủ nghĩa Cộng sản sẽ lan rộng ở khu vực này.
Các tài liệu của CIA bắt đầu bàn tới việc “ngăn cản sự mở rộng của chủ nghĩa cộng sản và nhấn mạnh vị trí chiến lược của Đông Dương như một chiến luỹ ngăn cản sự mở rộng về phía Nam của Đảng Cộng sản Trung Quốc”.
Về phía Pháp, nước này hiểu nỗi quan ngại Cộng sản của Mỹ và dùng lá bài này như một lợi thế để mặc cả, liên tục yêu cầu Mỹ tăng viện trợ. Pháp đe doạ rút khỏi Đông Dương để mặc Mỹ chống lại Chủ nghĩa Cộng sản nếu không tiếp tục hỗ trợ Pháp.
Thực tế, trước Điện Biên Phủ, với tình thế quân sự bi đát của Pháp ở Đông Dương, tháng 9 năm 1953 chính quyền Mỹ đồng ý viện trợ quân sự thêm cho Pháp 385 triệu USD. Tuy viện trợ cho Pháp nhưng mục đích và lợi ích của Mỹ có sự khác biệt cơ bản so với Pháp. Mỹ quan tâm tới việc chống lại chủ nghĩa Cộng sản và hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc tại Đông Nam Á. Mục đích cao nhất của Mỹ là chống lại sự lan rộng của Chủ nghĩa Cộng sản. Ngược lại, Pháp tiến hành chiến tranh thuộc địa nhằm duy trì sự hiện diện của mình ở Đông Nam Á và tránh sự đổ vỡ của Liên hiệp Pháp.
Cả Mỹ và Pháp đều muốn thắng Việt Minh nhưng mục tiêu để đạt được lại khác nhau. Sự mâu thuẫn này đẩy hai quốc gia này tới hai quan điểm và toan tính khác nhau trước trận chiến lịch sử ở Điện Biên Phủ.
Pháp muốn đàm phán, Mỹ kiên quyết với giải pháp bằng quân sự
Báo cáo cuối cùng của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ trước khi Điện Biên Phủ hoàn toàn thất thủ vẫn khẳng định “bảo vệ thành công Bắc Bộ” là “yếu tố chủ chốt trong việc bảo vệ lục địa Đông Nam Á ngoại trừ Malaysia”. Mỹ hoàn toàn không muốn có bất kỳ cuộc đàm phán nào giữa Pháp với Việt Minh khi không có chiến thắng bằng quân sự. Báo cáo của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ khẳng định “Mỹ sẽ thực hiện tất cả các biện pháp khả thi để gây ảnh hưởng tới Chính phủ Pháp nhằm ngăn chặn kết thúc cuộc chiến theo các không phù hợp với các mục đích của Hoa Kỳ.” Mỹ “cương quyết phản đối tất cả ý kiến” về ngừng bắn trước đàm phán và chống lại quan điểm cho rằng cần một chế độ liên minh bởi một chế độ như vậy đồng nghĩa với việc chính quyền Hồ Chí Minh sẽ nắm đa số để kiểm soát hoàn toàn Việt Nam.
Vào giai đoạn cuối của cuộc chiến, Mỹ đã xem xét một cách nghiêm túc việc can thiệp quân sự vào Đông Dương với sự giúp đỡ của Anh và các nước đồng minh. Năm 1954, trước khả năng thất bại rõ ràng của Pháp và đà thắng của Việt Minh, Mỹ đã “đề xuất mở rộng cuộc chiến bằng cách huy động một lực lượng đồng minh lớn tham gia”. Mỹ muốn có một “hành động tập thể” để ít nhất cũng tạo ra một thoả thuận chính trị thuận lợi khi đàm phán chấm dứt chiến tranh với Việt Minh.
Khi trận chiến ở Điện Biên Phủ nổ ra và quân đội Pháp gặp bất lợi nghiêm trọng, Pháp đã khẩn thiết yêu cầu Mỹ can thiệp trực tiếp vào Điện Biên Phủ. Tuy vậy, Tổng thống Mỹ không dám mạo hiểm đơn phương can thiệp mà không có sự đồng thuận của Quốc hội. Trong khi Quốc hội chỉ sẵn sàng gật đầu với điều kiện Mỹ thuyết phục được Anh và các đồng minh Châu Á cùng liên quân.
Mỹ đã tiến hành một chiến dịch vận động lớn và gấp gáp nhằm thuyết phục các đồng minh ở Châu Âu và Viễn Đông cùng đưa quân vào Việt Nam. Tổng thống Mỹ Eisenhower lúc này ví Đông Dương như một “con đê đang bị rò rỉ”, và cho rằng “mó tay vào còn hơn là để cả con đê bị cuốn trôi”. Trong trường hợp con đê Đông Dương bị cuốn, Eisenhower kết luận: “Hậu quả nhãn tiền mà sự mất mát này có thể đem lại đối với thế giới tự do là không thể tính nổi”.
Mỹ đã công khai đề xuất “hành động tập thể” của một lực lượng quân đội liên hợp vào ngày 29 tháng 3 năm 1954 với tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Dulles. Mỹ muốn lực lượng liên hợp 10 nước sẽ cùng xuất quân bảo vệ Đông Dương khỏi rơi vào tay “Cộng sản” bao gồm Mỹ, Pháp, Anh, Úc, New Zeland, Phillippines, Thái Lan và 3 nước trong Liên bang Đông Dương. Ngoại trưởng Mỹ Dulles tuyên bố: “Trong điều kiện hiện tại, sự áp đặt chi phối Đông Nam Á của hệ thống chính trị Cộng sản Nga và đồng minh là Cộng sản Trung Quốc, dù dưới bất kỳ hình thức nào, cũng là mối đe doạ nghiêm trọng đối với cộng đồng các quốc gia tự do. Mỹ không thể khoanh tay đứng nhìn và sẽ huy động hành động tập thể.”
Tuy vậy, tất cả các nỗ lực vận động để can thiệp bằng hành động tập thể của Mỹ vào Đông Dương đều thất bại. Ngoại trừ Thái Lan và Phillipines, các quốc gia đồng minh đều phản đối can dự quân sự tại Điện Biên Phủ. Anh cảnh báo rằng giải pháp quân sự sẽ là đổ thêm dầu vào lửa, đẩy Bắc Kinh tham chiến như đã xảy ra ở Triều Tiên. Ngoại trưởng Anh Eden thậm chí gọi ý tưởng này là “quyết định quân sự dại dột” và phản đối mọi hành động quân sự trước hoà đàm tại Geneve.
Pháp cũng không mặn mà với can thiệp bằng liên quân bởi không muốn biến Đông Dương mảnh đất nơi nhiều cường quốc Châu Âu khác cũng nhòm ngó. Pháp rất e ngại việc quốc tế hoá cuộc chiến làm mất quyền kiểm soát của Pháp ở khu vực này. Quốc tế hoá cũng có thể trì hoãn đàm phán trong khi dư luận Pháp đang thúc ép chính phủ sớm có một giải pháp hoà bình. Tuy vậy, trước thất bại và thế yếu của Pháp ở Điện Biên Phủ, tham mưu trưởng quân đội Pháp, tướng Paul Ely đã bay sang “cầu cứu” Washington, bàn riêng với Tổng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Radford về một kế hoạch can thiệp bằng không quân và hải quân trong trường hợp khẩn cấp. Đô đốc Mỹ Radford đã gợi ý “thực hiện một cuộc tấn công chớp nhoáng vòng ngoài tại Điện Biên Phủ bằng không quân… Kế hoạch này được gọi là Chiến dịch chim kền kền, huy động 60 máy bay B-29 cất cánh từ cánh đồng Clack gần Manila, cùng với sự yểm trợ của 150 máy bay chiến đấu của Lữ đoàn 17 của Mỹ, nhằm tấn công lớn vào cứ điểm của Quân đội Nhân dân Việt Nam tại vòng ngoài Điện Biên Phủ.
Tuy vậy, nội bộ Mỹ cũng không đồng ý với nhau về giải pháp không quân đó. Một số nhà lãnh đạo quân sự cấp cao của chính quyền Elsenhower cho rằng không kích có thể không giải vây mà còn huỷ diệt luôn cứ điểm Điểm Biện Phủ. Số khác e sợ rằng can thiệp không quân rồi sẽ dẫn tới mở rộng hơn phạm vi và quy mô can dự, thậm chí phải sử dụng cả bộ binh. “Một nhà phân tích thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ cảnh báo: chúng ta không thể vượt thác Niagara chỉ bằng một chiếc thùng nhỏ”.
Chiến dịch chim kền kền chưa nhận được sự đồng thuận trong lòng chính giới Hoa Kỳ nên chỉ là đề xuất không chính thức. Đô đốc Radford về sau đã phủ nhận sự tồn tại của chiến dịch như vậy. Nhưng những toan tính can thiệp quân sự đơn phương của Mỹ vào Điện Biên Phủ chắc chắn đã tồn tại và được bàn thảo rộng rãi với Pháp và các nước đồng minh.
Tới nửa cuối tháng 4, khi tình thế của Pháp ở Điện Biên Phủ lâm vào trạng thái hiểm nghèo, Ngoại trưởng Pháp Bidault kêu gọi “can thiệp quân sự khẩn cấp bằng không quân Mỹ tại Điện Biên Phủ là cần thiết để cứu vãn tình tình.” Tình hình tuyệt vọng tới mức Tướng Navarre, Tổng tư lệnh quân đội Pháp, tin rằng chỉ có lựa chọn ngừng bắn trong thế yếu nếu Mỹ không huy động máy bay ném bom hàng loạt để cứu nguy. Theo Navarre, Mỹ can thiệp bằng không quân vào mặt trận Điện Biên Phủ là lựa chọn duy nhất khả dĩ để cứu các đơn vị đồn trú của Pháp.
Trước tình hình nguy ngập đó, Ngoại trưởng Mỹ Dulles và Đô đốc Hải quân Mỹ Radford đã đề xuất tham chiến đơn phương với Pháp ở Điện Biên Phủ. Tuy vậy, đề nghị Mỹ tham chiến đơn phương với Pháp không được lãnh đạo Quốc hội Mỹ bật đèn xanh nên Tổng thống Eisenhower không dám mạo hiểu quyết định.
Tập tài liệu Hồ sơ mật Lầu Năm Góc của Mỹ đề cập tới một cuộc họp giữa Ngoại trưởng và Tổng tham mưu trưởng của Mỹ với 8 nghị sỹ Quốc hội tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Trong cuộc gặp này, Đô đốc Radford đã “đưa ra một kế hoạch tấn công không quân vào Quân đội Nhân dân Việt Nam tại Điện Biên Phủ bằng 2000 máy bay chiến đấu và tài sân bay Essex và Boxer đồn trú tại vùng biển Hoa Nam. Nếu cuộc tấn công bằng không quân đầu tiên không thành công, sẽ tiến hành cuộc tấn công thứ hai, tuy nhiên lực lượng lục quân sẽ không được huy động. Có vẻ như trên các tàu sân bay có bom nguyên tử và có thể chuyển đến các may bay ném bom. Tuy chưa có dấu hiệu nào cho thấy Mỹ xem xét sử dụng vũ khí hạt nhân tại Điện Biên Phủ và các khu vực khác ở Đông Dương, trong trường hợp Trung Quốc đưa quân can thiệp ồ ạt, hoàn toàn có khả năng Mỹ sẽ xử dụng vũ khí hạt nhân chiến lược nhằm vào mục tiêu Trung Quốc.”
Các nghị sỹ Quốc hội Mỹ đã quan ngại sâu sắc khi không có đồng minh nào cùng tham gia chiến dịch quân sự cũng như không tính toán hết rủi ro trong trường hợp Trung Quốc tham chiến quyết liệt. Chính Bộ Quốc phòng Mỹ cũng đã tính toán rằng nếu can thiệp bằng hải quân và không quân chỉ có thể làm suy yếu nhưng không thể đánh bại Việt Minh.
Báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ tháng 4 năm 1954 khẳng định: “Chiến thắng ở Đông Dương không thể đảm bảo khi chỉ có lực lượng hải quân và không quân tham chiến.” Bộ Quốc phòng Mỹ đã ước tính ở thời điểm đó, rằng phải có 7 sư đoàn lục quân với sự hỗ trợ của không quân và hải quân để có thể thắng Việt Minh nếu Pháp rút và Trung Quốc không can dự. Nếu Trung Quốc can dự, ít nhất 12 sư đoàn lục quân phải được điều động nếu Pháp rút hoàn toàn, nếu Pháp còn ở lại, 7 sư đoàn là tối thiểu với điều kiện hải quân và không quân hỗ trợ quyết liệt với 500 lượt máy bay ném bom hàng ngày. Việc sử dụng bộ binh trực tiếp sẽ tạo ra nhiều rủi ro và chi phí mà Mỹ chưa thể lường trước, chính vì thế, các nghị sỹ Quốc hội đã không bật đèn xanh cho một chiến dịch can thiệp quân sự trực tiếp ở Đông Dương.
Chỉ một ngày sau cuộc gặp với nhóm Quốc hội Mỹ, Ngoại trưởng và Tổng tham mưu trưởng Mỹ đã trao đổi với Eisenhower tại Nhà Trắng và Tổng thống Mỹ khẳng định rằng Mỹ sẽ chỉ can thiệp quân sự khi có đồng minh cùng tham gia và có sự hậu thuẫn của Quốc hội. Tổng thống Eisenhower đã không muốn chơi một canh bạc mạo hiểm ở Đông Dương mà không có bạn bè quốc tế và phe nhóm quốc nội đồng thuận, đặc biệt khi canh bạc ấy có thể dẫn tới một cuộc chiến tổng thể và lan rộng với Trung Quốc.
Tuy những tính toán can thiệp quân sự trực tiếp của Mỹ đều bất thành, nhưng Mỹ đã viện trợ mạnh mẽ hơn bao giờ hết cho Pháp trong những năm 1953, 1954. “Quốc hội Mỹ lần đầu đã chấp thuận ngân sách 400 triệu đôla, chỉ vài tháng sau lại tăng thêm 385 triệu đôla cho năm tài khoá 1954. Tính đến cuối năm 1953, số tiền viện trợ cho Pháp đã lên tới 500 triệu và Hoa Kỳ vẫn cung cấp mỗi tháng mười ngàn tấn vũ khí, đạn dược.”
Tính tới khi chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc vào tháng 5 năm 1954, 78% chiến phí của Pháp ở Đông Dương là do Mỹ chi trả. Từ năm 1950 đến 1954, tổng viện trợ quân sự của Mỹ cho Pháp là 2,6 tỷ USD. Tuy vậy, nguồn chi viện khổng lồ này đều không giúp Mỹ thay đổi được thế cờ. Điện Biên Phủ thất thủ vào ngày 7 tháng 5 năm 1954 trong bối cảnh Mỹ vẫn không giải quyết được cuộc tranh luận nội bộ để can thiệp quân sự nhằm cứu Pháp. Cuối cùng, Hội nghị Geneve đã diễn ra để đàm phán một giải pháp chính trị mà Mỹ hoàn toàn không mong muốn. Tuy nhiên, Mỹ đã đi trước một bước: dù không phản đối thỏa thuận chia cắt hai miền Nam – Bắc Việt Nam, nhưng Mỹ không ký vào bản hiệp định để không có nghĩa vụ thực hiện; tính toán như vậy là để Mỹ vẫn có thể hành động can thiệp vào Việt Nam và Đông Dương sau Hiệp định Geneve mà không bị lên án vi phạm Hiệp định. Sau này Mỹ đã nắm Ngô Đình Diệm, hất cẳng Pháp, không thực hiện Tổng tuyển cử thống nhất hai miền Nam – Bắc, để rồi sau đó Mỹ can dự trực tiếp vào chiến tranh chống Việt Nam theo mưu đồ đã được vạch sẵn.
Bình Minh
Theo Tạp chí Phương Đông