Chủ tịch Hồ Chí Minh và cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc dưới ngòi bút của học giả Hoa Kỳ

Trong bài “Harry S. Truman và căn nguyên của sự can thiệp của Mỹ tại Đông Dương, 1945-1953” (in trong sách Bóng tối bao phủ Nhà Trắng: Các Tổng thống Mỹ và Chiến tranh Việt Nan, 1945-1975),[1] Giáo sư Sử học Robert J. McMahon[2] đã đã thuật lại quá trình Chủ tịch Hồ Chí Minh – bằng tinh thần yêu nước, ý chí quyết tâm giải phóng dân tộc, cùng tài năng chính trị thiên bẩm – đã vận động Hoa Kỳ ủng hộ nền độc lập của Việt Nam và đề xuất hai nước hợp tác hữu nghị trong tương lai. Trong khi đó, các Tổng thống Mỹ lại có tâm lý mâu thuẫn và phức tạp: một mặt, Mỹ phản đối chế độ thực dân và có phần đồng cảm với mong muốn độc lập của người dân các nước thuộc địa; nhưng mặt khác, Mỹ lại lo ngại chủ nghĩa cộng sản, và không muốn đối đầu với Pháp, một quốc gia đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ Mỹ ở châu Âu. Cuối cùng, xu hướng thứ hai đã chiến thắng, để rồi Mỹ quyết định can thiệp vào Việt Nam, mở đầu một bi kịch kéo dài tới 30 năm sau đó. Tạp chí Phương Đông trân trọng giới thiệu với bạn đọc một trích đoạn trong bài viết của GS. Robert J. McMahon.

***

Sự ra đời của một chế độ chính trị độc lập tại Việt Nam theo chủ nghĩa dân tộc vào tháng 9 năm 1945, vốn đòi hỏi sự công nhận của cộng đồng quốc tế và tự diễn giải về trường hợp của mình dựa trên các tuyên bố và cam kết thời chiến của Hoa Kỳ, đã làm lộ rõ hơn sự phức tạp và mâu thuẫn trong di sản của Tổng thống Roosevelt.

Trong những năm đầu của Thế chiến II, Tổng tống Roosevelt và các quan chức cấp cao thường xuyên tuyên bố rằng Hoa Kỳ ủng hộ nguyên tắc tự quyết của mọi dân tộc. Tổng thống Roosevelt, người đi đầu trong vấn đề này, thường xuyên thúc giục các quan chức châu Âu về việc cần thiết phải cam kết có lộ trình trả lại độc lập cho các thuộc địa. Tổng thống Roosevelt và Ngoại trưởng Cordell Hull đã khiến các đồng minh châu Âu của Mỹ bối rối khi đề xuất thiết lập một hệ thống ủy thác trong thời kỳ hậu chiến, qua đó các quốc gia phát triển, với cương vị là những nước được ủy thác, sẽ hỗ trợ cho lực lượng tinh hoa ở các thuộc địa đảm nhận trách nhiệm tự trị. Hệ thống ủy thác này là một giải pháp thỏa hiệp đối với Tổng thống Roosevelt; ông tin rằng nó sẽ đảm bảo cho các thuộc địa được độc lập trong tương lai, đồng thời tránh được nguy cơ chuyển giao quyền lực quá sớm cho giới cai trị bản địa còn thiếu kinh nghiệm.

Những kế hoạch của Tổng thống Roosevelt đối với thế giới thuộc địa cho thấy một sự pha trộn gần như không thể phân biệt được giữa lý tưởng và lợi ích của Hoa Kỳ. Roosevelt nhận thấy người dân nhiều thuộc địa phải sống trong các điều kiện thiếu thốn đến kinh hoàng. Chẳng hạn, sau khi ghé qua thuộc địa Gambia của Anh vào đầu năm 1942, ông đã chỉ trích tình trạng đói nghèo và bệnh tật tràn lan khắp mọi nơi, gọi xứ thuộc địa này là “địa ngục”, và coi trải nghiệm này của mình là “điều kinh khủng nhất từng thấy trong đời”. Mặc dù Roosevelt chưa bao giờ đến thăm Đông Dương, ông vẫn chỉ trích những người Pháp cai trị thuộc địa này một cách gay gắt không kém. Trên thực tế, ông coi người Pháp là kém sáng suốt nhất trong tất cả các cường quốc thực dân và thường chỉ trích những thành quả đáng buồn của Pháp ở Đông Dương. Ông đã có lần phàn nàn rằng mặc dù Pháp đã cai trị Đông Dương “gần một trăm năm”, nhưng “người dân ở đây đang phải sống cuộc sống tệ hơn so với lúc ban đầu (khi người Pháp chưa tới)”.

Ảnh 1. Tổng thống Franklin D. Roosevelt (1882-1945)

Song song tồn tại với những thôi thúc đầy tính nhân văn chân chính của Roosevelt là một khó khăn mang tính thực tế hơn. Việc duy trì hệ thống thuộc địa là một trở ngại đối với một trật tự thế giới có lợi nhất cho Hoa Kỳ. Roosevelt tin rằng trật tự đế quốc, với các hoạt động giao thương hạn chế, bóc lột kinh tế và đàn áp chính trị, sẽ gieo mầm cho bất ổn trong tương lai tại các thuộc địa và gây ra xung đột giữa các cường quốc. Hoa Kỳ hướng đến một thế giới cởi mở hơn, một thế giới được đặc trưng bởi các nguyên tắc thương mại tự do và dân chủ. Theo Roosevelt và các cố vấn cao cấp của ông, chỉ có một thế giới như vậy mới đảm bảo đem lại một nền hòa bình, thịnh vượng, ổn định và an ninh mà Hoa Kỳ đang tìm kiếm. Vì thế, sự thay đổi của Roosevelt theo hướng tiếp cận tự do hơn đối với những khu vực lệ thuộc cho thấy một tính toán đầy lý trí vì lợi ích quốc gia, cũng như một sự khinh ghét đối với những biểu hiện thái quá của chủ nghĩa đế quốc.

Trước khi qua đời, Roosevelt đã đưa ra những thay đổi đáng kể trong cách tiếp cận của mình đối với các vấn đề về thuộc địa. Cuối năm 1944, ông từ bỏ kế hoạch thành lập hệ thống ủy thác cho Đông Dương và các khu vực khác, thay vào đó là hứa hẹn không can thiệp vào việc tái thiết lập chế độ thực dân ở Đông Nam Á. Sự thay đổi chính sách này phản ánh thái độ thực dụng của Roosevelt khi đứng trước hàng loạt các lợi ích phức tạp và đan xen. Ngay từ đầu, mô hình ủy thác của ông đã khiến các cường quốc thực dân phản đối quyết liệt. Thủ tướng Anh Winston Churchill, đồng minh quan trọng nhất của Roosevelt, đã nhiều lần phản đối không khoan nhượng việc Hoa Kỳ can thiệp vào các thuộc địa của châu Âu. Nhà lãnh đạo nước Pháp tự do, Tướng Charles de Gaulle, cũng không kém phần quyết liệt khi phản đối các kế hoạch của Hoa Kỳ. Chính quyền Roosevelt lo ngại rằng việc ủng hộ mạnh mẽ việc thành lập hệ thống ủy thác bất chấp phản ứng đầy giận dữ và nhất quán như vậy có thể tạo ra những căng thẳng quá mức trong liên minh thời chiến và có thể gây nguy hại cho việc hợp tác thời hậu chiến của Tây Âu, khu vực quan trọng nhất đối với Hoa Kỳ. Nhu cầu quốc phòng cũng là rào cản đối với việc kiên trì theo đuổi chiến dịch chống chủ nghĩa thực dân. Các quan chức Bộ Chiến tranh và Bộ Hải quân nhấn mạnh rằng an ninh quốc gia của Hoa Kỳ đòi hỏi phải có sự độc quyền kiểm soát đối với các hòn đảo do Nhật Bản quản lý ở Thái Bình Dương. Với sự nhất trí của tổng thống, họ dự định thiết lập sự hiện diện quân sự lâu dài của Hoa Kỳ trên khắp Thái Bình Dương để tăng thêm chiều sâu và tính linh hoạt cho sức mạnh không quân và hải quân của mình. Theo các chuyên gia quân sự, mục tiêu ưu tiên tối cao đó không thể được thỏa hiệp bởi các nguyên tắc ủy thác có thể dễ dàng áp dụng cho các vùng lãnh thổ chiến lược do Hoa Kỳ chiếm đóng cũng như các thuộc địa của châu Âu. Những lo ngại lớn hơn về chính trị, chiến lược và quân sự buộc Mỹ phải rút lui khỏi các tuyên bố và kế hoạch chống thực dân trước đó.

Việc Hồ Chí Minh đọc tuyên ngôn khai sinh một nước Việt Nam độc lập vào ngày 2/9/1945 đã đẩy những mâu thuẫn gắn liền với chính sách về thuộc địa của chính quyền Roosevelt lên tới đỉnh điểm. Bằng cách trích dẫn rất nhiều từ Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ trong Tuyên ngôn độc lập của chính mình, vị lãnh tụ theo chủ nghĩa dân tộc Hồ Chí Minh trên thực tế đã khởi đầu một cuộc vận động có trù tính, nhưng vắn số, để có sự ủng hộ của Hoa Kỳ. Một ban nhạc tham gia các hoạt động chào mừng ngày độc lập tại Hà Nội cuối ngày hôm đó đã biểu diễn quốc ca Hoa Kỳ (bài hát “Lá cờ sao và vạch”). Từ trên khán đài, các sĩ quan Lục quân Hoa Kỳ nghe thấy nhiều người Việt Nam theo đường lối dân tộc hưởng ứng lời nói của Hồ Chí Minh, thể hiện niềm đồng cảm sâu sắc với di sản chống thực dân của Hoa Kỳ. Tối hôm trước, Hồ Chí Minh đã mời hai thành viên của Cơ quan tình báo chiến lược (OSS) Hoa Kỳ ăn tối. Sau khi cảm ơn họ về sự hỗ trợ vật chất quý báu mà Hoa Kỳ dành cho phong trào du kích trong chiến tranh, Hồ Chí Minh đã kêu gọi hai nước hợp tác hữu nghị trong tương lai.

Ảnh 2. Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình, ngày 2/9/1945
Ảnh 3. Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Võ Nguyên Giáp, và OSS năm 1945
Ảnh 4. Tổng thống Harry S. Truman (1884-1972)

Hồ Chí Minh, một chiến thuật gia sắc sảo với bản năng của chính trị gia thiên bẩm, người trước đây vẫn được biết đến với cái tên Nguyễn Ái Quốc, là một người cộng sản, một nhà cách mạng. Nhưng trên hết, ông là một người theo chủ nghĩa dân tộc. Ông cảm nhận được rằng những sự kiện quan trọng diễn ra trong bối cảnh Nhật Bản chiếm đóng Đông Dương và Đức Quốc xã xâm chiếm nước Pháp đã tạo ra một cơ hội lịch sử để hiện thực hóa ước mơ cả đời của mình: đưa đất nước thoát khỏi ách cai trị của Pháp. Ngay từ đầu, Hồ Chí Minh đã dự tính rằng Hoa Kỳ có thể trở thành đồng minh hữu ích của mình nếu nước này vẫn cam kết theo đuổi các tuyên bố thời chiến. Quan điểm đó không hề xuất phát từ sự ngây thơ. Thay vào đó, nó khởi phát từ sự hợp tác đôi bên cùng có lợi giữa các sĩ quan quân đội và tình báo Hoa Kỳ với lực lượng du kích Việt Minh trong các khu rừng Việt Bắc thời kháng chiến chống Nhật. Nó được nuôi dưỡng bởi niềm tin của lãnh tụ Hồ Chí Minh rằng các lợi ích toàn cầu của Mỹ sẽ buộc nước này chống lại việc tái lập chủ nghĩa thực dân của Pháp.

Những nhận định của Hồ Chí Minh không phải là phi thực tế. Suy cho cùng, Roosevelt đã tính toán rằng lợi ích của Hoa Kỳ sẽ được đảm bảo tốt nhất bởi quá trình chuyển đổi dần dần của những nước thuộc địa trở thành các quốc gia tự trị; ông cực lực phản đối ách thống trị của Pháp tại Đông Dương. Rất khó để chê trách Hồ Chí Minh khi không lường trước được sự xoay chuyển trong chính sách của Hoa Kỳ, vốn chỉ diễn ra không lâu trước khi Roosevelt qua đời. Không biết rằng Roosevelt và Truman đã trấn an các đồng minh phương Tây rằng Hoa Kỳ sẽ không ngăn cản việc tái lập tình trạng trước Thế chiến, Hồ Chí Minh đã kêu gọi Truman công nhận Việt Nam độc lập qua hàng loạt bức thư riêng. Trong một thông điệp gửi tới Hoa Kỳ, Hồ Chí Minh viết với rất nhiều hy vọng: “Việc thực hiện Hiến chương Đại Tây Dương và Hiến chương San Francisco bao hàm việc xóa bỏ chủ nghĩa đế quốc cùng tất cả các hình thức áp bức thực dân”.

Ảnh 5. Bức điện do Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Tổng thống Harry S. Truman ngày 17/10/1945, đề nghị để Việt Nam tham gia Hội đồng Cố vấn về Viễn Đông.
Ảnh 6. Bức điện do Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Ngoại trưởng Mỹ James Byrnes ngày 1/11/1945, thể hiện nguyện vọng gửi khoảng 50 thanh niên Việt Nam sang Mỹ để trao đổi văn hóa và theo học kỹ thuật, nông nghiệp và các chuyên môn khác tại các trường đại học Hoa Kỳ. Bức điện này nằm trong bộ Hồ sơ Lầu Năm Góc, đã được giải mật toàn bộ và công bố vào năm 2011.
Ảnh 7. Bức thư do Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Tổng thống Harry S. Truman ngày 28/2/1946. Thư viết: “Thay mặt chính phủ và nhân dân Việt Nam, tôi xin trân trọng thông báo cho ngài rằng trong quá trình đàm phán giữa Chính phủ Việt Nam và đại diện Pháp, Pháp đòi hỏi sự ly khai của Nam Bộ và sự trở lại của quân đội Pháp tại Hà Nội. Trong khi đó, dân và quân đội Pháp đang tích cực chuẩn bị cho một cuộc đảo chính ở Hà Nội và xâm lược quân sự. Vì vậy, cá nhân tôi tha thiết mong Ngài và nhân dân Mỹ can thiệp khẩn cấp để ủng hộ cho nền độc lập cho chúng tôi và giúp làm cho các cuộc đàm phán này tuân thủ các nguyên tắc của Hiến chương Đại Tây Dương và Hiến chương San Francisco.” Tổng thống Truman không trả lời bức thư này, và mãi tới năm 1972, bức thư mới được công bố.

Nhưng Truman đã không bao giờ đáp lại những lời kêu gọi của Hồ Chí Minh. Cả ông lẫn các cố vấn cao cấp nhất đều không hề mảy may xem xét một cách nghiêm túc việc hỗ trợ trực tiếp hay công nhận ngoại giao đối với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ủng hộ Hồ Chí Minh có nghĩa là đặt dấu chấm hết cho chính sách mà Truman thừa hưởng từ Roosevelt ở một khu vực được đánh giá khá thấp trong thang bậc ưu tiên của Hoa Kỳ. Hướng đi này có vẻ nằm ngoài sức tưởng tượng đối với một vị tổng thống còn đang bận tâm thực hiện cả núi trách nhiệm khi mới nhận nhiệm sở. Ngày 29/8, trong một cuộc họp với de Gaulle tại Nhà Trắng, Truman cho biết sẽ không có một sự thay đổi nào như vậy. Ông trấn an vị Tổng thống lâm thời của nước Pháp rằng nước Mỹ sẽ công nhận quyền của chính phủ Pháp tái thiết lập chủ quyền đối với Đông Dương. Tuyên ngôn độc lập do Hồ Chí Minh đọc ba ngày sau đó đã không giúp lập trường này được xem xét lại kỹ lưỡng hơn. Bất chấp sự kính trọng của nhiều sĩ quan quân đội và nhân viên tình báo Mỹ hoạt động tại Đông Dương đối với khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa và năng lực lãnh đạo của Hồ Chí Minh, các nhà hoạch định chính sách cấp cao Hoa Kỳ vẫn quan tâm hơn tới nhu cầu và quan điểm của Pháp. Việc xa lánh nước Pháp, một quốc gia đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ Hoa Kỳ ở châu Âu, sẽ làm cản trở các mục tiêu chính sách đối ngoại của chính quyền Truman. Để điều này xảy ra chỉ vì một phong trào đòi độc lập ở khu vực Đông Nam Á xa xôi sẽ là một sự điên rồ cực điểm về mặt ngoại giao.

Thay vào đó, Hoa Kỳ theo đuổi chính sách trung lập đối với sự nổi dậy ở Đông Dương, giống như đối với cuộc nổi dậy chống thực dân ở Đông Ấn Hà Lan (tức Indonesia ngày nay). Chính quyền Truman không bao giờ đặt nghi vấn đối với quyền hợp pháp của các nhà nước châu Âu trong việc tái thiết lập ách thống trị đối với Việt Nam và Indonesia. Đồng thời, Hoa Kỳ cũng nhận ra rằng chủ nghĩa thực dụng tuyệt đối đòi hỏi phải có một vài nhượng bộ đối với các phong trào dân tộc bản xứ. Chính sách đàn áp chính trị và quân sự hà khắc của các cường quốc thực dân có thể gây nguy hại không chỉ cho hòa bình và trật tự mà Hoa Kỳ kiếm tìm ở Đông Nam Á mà còn cho cả sự phục hồi kinh tế và ổn định chính trị mà quốc gia này mong muốn đạt được ở Tây Âu.

Do đó, trong suốt hai năm, 1945 và 1946, các nhà ngoại giao Hoa Kỳ đã thúc giục Pháp đàm phán thiện chí với Hồ Chí Minh và các phụ tá của ông nhằm ngăn chặn một cuộc xung đột trực tiếp vốn chẳng đem lại lợi ích cho bên nào. Washington hoan nghênh kết quả của Hiệp định sơ bộ Pháp-Việt đạt được ngày 6/3/1946, bởi hiệp định này có vẻ như sẽ mở đường cho một thỏa hiệp chính trị thân thiện. Giống như các nhà hoạch định chính sách của chính quyền Roosevelt trước đây, các nhà phân tích của chính quyền Truman tin rằng chỉ có cách tiếp cận cởi mở hơn đối với các vấn đề thuộc địa – cách tiếp cận hướng tới một chính quyền tự trị của các dân tộc thuộc địa – mới có thể thiết lập nên các điều kiện tiên quyết cho trật tự, ổn định và thịnh vượng ở các nước đang phát triển.

Những nguyên tắc bao trùm này đóng vai trò là kim chỉ nam cho các nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ trong suốt khoảng thời gian bốn năm sau khi Việt Nam tuyên bố độc lập. Mặc dù những nguyên tắc này có vẻ hợp lý, chúng chẳng đem lại điều gì ngoài sự thất vọng cho chính quyền Truman trong một giai đoạn liên tục bị gián đoạn bởi những ảo vọng, những cuộc đàm phán thất bại và những cuộc giao tranh khốc liệt. Những hứa hẹn trong Hiệp định sơ bộ ngày 6/3 sớm nhường chỗ cho bế tắc ở các cuộc đàm phán tại Đà Lạt và Paris. Mặc dù sẵn sàng chấp nhận việc chưa có độc lập ngay tức thì cho toàn bộ Việt Nam, Hồ Chí Minh không thể bỏ qua việc Pháp duy trì quyền lực tối cao ở Nam Kỳ. Với tình yêu nước nồng nàn, ông tin rằng Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ hợp thành một quốc gia thống nhất; và ông thà chiến đấu còn hơn chấp nhận chia cắt. Và ông đã chiến đấu. Sau thất bại của Hội nghị Fontainebleau vào mùa hè năm 1946, các hoạt động ngoại giao nhường chỗ cho việc chuẩn bị cho chiến tranh. Tháng 11/1946, nhiều hoạt động thù địch bất ngờ nổ ra khiến tình hình trở nên rắc rối. Sau một cuộc oanh tạc của Hải quân Pháp vào Hải Phòng, cướp đi sinh mạng của hơn 6.000 người Việt Nam, Hồ Chí Minh và các đồng chí của ông rời Hà Nội. Người Pháp nhanh chóng thiết lập quyền kiểm soát ở miền Bắc, trong khi Việt Minh tập hợp lực lượng phát động một cuộc chiến tranh du kích tiếp theo. Hầu hết lãnh thổ Việt Nam chìm trong xung đột. Ở thời điểm đó, không ai có thể mường tượng được sẽ phải mất bao nhiêu năm hòa bình mới trở lại với vùng đất khốn khổ này.

Dương Bùi dịch

[1] Nguyên bản: Robert J. McMahon, “Harry S. Truman and the Roots of U.S. Involvement in Indochina, 1945-1953,” trong sách Shadow on the White House: Presidents and The Vietnam War, 1945-1975” do David L. Anderson biên soạn, NXB Đại học Kansas xuất bản năm 1993.

[2] Robert J. McMahon là một nhà sử học người Mỹ, và là học giả hàng đầu về Chiến tranh Lạnh. Ông đã giảng dạy tại nhiều trường đại học như Ohio State University, University of Florida, University of Virginia, và University College Dublin. Năm 2011, ông giữ cương vị Chủ tịch Hiệp hội Sử gia về Quan hệ Đối ngoại của Hoa Kỳ.

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN