Tiên tri của Chủ tịch Hồ Chí Minh về cuộc kháng chiến chống Mỹ

Sau chiến thắng ở Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ Tây Bắc trở lại Việt Bắc để báo cáo Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo lời kể của Đại tướng, ngay khi bắt tay chúc mừng Tướng Giáp, Người đã nói: “Nhân dân ta còn phải tiếp tục chống Mỹ!”

Câu nói của Hồ Chủ tịch như một lời tiên tri, báo trước cuộc chiến kéo dài hơn hai thập kỷ nữa với Mỹ trước khi thống nhất hoàn toàn vào năm 1975. Lời dự báo của Hồ Chủ tịch không dựa trên những ước đoán mơ hồ mà trên cơ sở những thông tin xác thực. Những tài liệu giải mật của Mỹ, Pháp, Trung Quốc về diễn biến trước và sau Điện Biên Phủ đều lý giải lời tiên tri của Bác Hồ.

Đồng chí Lê Duẩn (thứ hai từ trái sang) tại Hội nghị lần thứ ba cán bộ Khu ủy khu 9, ngày 24/1/1949

Trước khi cuộc chiến ở Điện Biên Phủ chính thức nổ ra, các nước lớn thuộc cả hai khối Tư bản và Cộng sản đã thống nhất sẽ họp bàn ở Geneve về một giải pháp hòa bình ở Đông Dương. Ngay sau khi nhận được điện báo của phía Trung Quốc về Hội nghị này, Hồ Chủ tịch đã tổ chức Hội nghị Bộ Chính trị lâm thời, thảo luận sơ bộ mục đích và đường lối của phía Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Đảng Lao Động Việt Nam đồng ý với Trung Quốc về việc tham gia Hội nghị Geneve. Ngày 21 tháng 3, Bộ Chính trị họp và nhất quyết cho rằng: độc lập, thống nhất và hoà bình là mục tiêu hàng đầu. Đình chiến, rút quân và tổng tuyển cử là những ưu tiên chính. Trong trường hợp đối phương không chấp nhận tổng tuyển cử và rút quân mới phải dùng tới “hạ sách” là phân định giới tuyến đình chiến, nhưng phải đẩy ranh giới phân định này càng về phía Nam càng tốt.

Tại cuộc họp lần thứ ba này, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đề xuất phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhậm chức Trưởng đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Geneve. Sau cuộc họp Bộ Chính trị lần thứ ba chỉ hai ngày, ngày 23 tháng 3, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã lên đường đi Bằng Tường, Quảng Tây, sau đó lên xe lửa đi Bắc Kinh để thảo luận với lãnh đạo Trung Quốc về Hội nghị Geneve. Từ Bắc Kinh, ngày 1 tháng 4 năm 1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Chu Ân Lai cùng lên máy bay đi Moscow để hội đàm với ban lãnh đạo Liên Xô về Hội nghị Geneve.

Trong những cuộc hợp này, những mô tả trong tài liệu do Trung Quốc công bố đều cho thấy ý đồ của nước này muốn vạch ranh giới phân chia Việt Nam tạm thời. Có thể khẳng định Hồ Chủ tịch đã biết ý đồ này và đã tiên liệu rằng Trung Quốc sẽ gửi đi thông điệp chia cắt hai miền Nam Bắc Việt Nam tới phương Tây như một thoả hiệp của phe Cộng sản để Hội nghị này có thể đạt được kết quả.

Như vậy, Hồ Chủ tịch đã lượng định rằng nếu có sự phân chia tạm thời thì khả năng Mỹ sẽ nhảy vào để một nửa Việt Nam chống lại Cách mạng là rất cao. Thực tế, ngay kể cả khi đất nước không bị chia cắt và hai bên Pháp, Việt Minh tiếp tục chiến tranh, Mỹ vẫn có thể nhảy vào trực tiếp giúp Pháp. Trong bối cảnh tiến thoái lưỡng nan như vậy, việc chấp nhận một giải pháp phân chia tạm thời để tổng tuyển cử càng sớm càng tốt xét về thực tế là giải pháp buộc phải chấp nhận, đặc biệt khi quân dân ta vẫn phụ thuộc vào viện trợ của phe Cộng sản để đấu tranh giành độc lập.

Dù vậy, Việt Nam Dân chủ Cộng hoà vẫn không bị thuyết phục bởi phương án phân chia này của Chu Ân Lai. Ý kiến của Phó Thủ tướng, trưởng đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Phạm Văn Đồng, trưởng đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hoà  chưa thể thống nhất với ý kiến của hai Ngoại Trưởng Trung – Xô. Nửa đầu Hội nghị kết thúc nhưng giải pháp cho cuộc chiến Việt Nam, vấn đề trọng tâm của hội nghị, hoàn toàn bỏ ngỏ. Trung Quốc buộc phải thực hiện một động thái ngoại giao quan trọng nhất ngay trong kỳ nghỉ giữa hai kỳ họp ở Geneve. Đó là “điều hoà lập trường” với Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, thực chất là gây ảnh hưởng để Việt Nam đồng ý với đề án phân chia Nam Bắc của Trung Quốc.

Khoảng nghỉ giữa hai kỳ họp ở Hội nghị Geneve, Trung Quốc đã mời Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp sang Trung Quốc để thông tin và trao đổi phương án đàm phán tại Hội nghị Geneve. Liễu Châu được lựa chọn là địa điểm sẽ diễn ra cuộc gặp cấp cao Trung Việt.

Trong cuộc họp này, Tướng Giáp đã phân tích tương quan lực lượng giữa hai bên. Theo đó, trên toàn Đông Dương, tổng binh lực quân Pháp và Quân Đội của Bảo Đại ước khoảng hơn 400.000 người, trong đó gồm cả hương dũng địa phương. Tổng binh lực của quân Cách mạng khoảng 300.000 người (bao gồm bộ đội địa phương, đội du kích) trong đó 295.000 người là bộ đội Việt Nam. Các trung tâm kinh tế đều đang dưới sự khống chế của quân Pháp, như Hà Nội, Sài Gòn, Hải Phòng, Đà Nẵng v.v… Từ các phân tích trên, Tướng Giáp cho rằng nếu chiến đấu tiếp, Việt Minh cần ít nhất ba năm mới có thắng lợi cuối cùng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhất trí rằng Việt Nam phải đánh thêm từ ba đến năm năm nữa mới có thể giành thắng lợi. Ghi chép của phía Trung Quốc cũng cho biết Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không phát biểu nhiều trong Hội nghị này, không đáp lại phần phân tích về phân chia tại vĩ tuyến 16 của Chu Ân Lai. Hồ Chủ tịch chỉ nói rằng Thủ tướng mới của Pháp Mendès-France là nhân tố thúc đẩy hoà bình và phải tranh thủ ông này để có hoà bình.

Theo hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trên chuyến xe lửa từ Liễu Châu về lại Việt Nam, Đại tướng đã nói với Bác: “Pháp còn gần năm mươi vạn quân, lại thêm Mỹ giúp thì rất ít có khả năng hòa bình thống nhất Việt Nam.” Hồ Chủ tịch ở thời điểm đó đã thấy rất rõ khả năng Mỹ can dự trực tiếp cho dù có phân chia giới tuyến quân sự tạm thời hay không.

Sau cuộc hội đàm với Chu Ân Lai ở Liễu Châu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phê chuẩn phương án đàm phán thấp nhất gửi Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng ở Genève vào ngày 5 tháng 7 năm 1954. Vì thế, văn kiện này thường được biết đến với tên gọi “Chỉ thị 5/7”. Đây là văn kiện then chốt, đề cập trực tiếp tới vấn đề ngừng bắn và vạch giới tuyến cũng như vấn đề liên quan đến Việt Nam tiến hành tổng tuyển cử.

Chỉ thị 5/7 của Hồ Chủ tịch cũng yêu cầu: “Trên vấn đề chính trị liên quan đến tổng tuyển cử, phải yêu cầu Pháp công khai thừa nhận: Việt Nam giành được độc lập, chủ quyền lãnh thổ và thống nhất hoàn toàn. Trong sáu tháng đến một năm sau ngày ngừng bắn tiến hành tự do bầu cử trên toàn Việt Nam để khôi phục Việt Nam thống nhất. Ngoài ra mọi Quân Đội nước ngoài đều phải rút khỏi Việt Nam và phải hoàn thành trước bầu cử.”

Chỉ thị 5/7 về cơ bản đồng thuận với ý tưởng của Chu Ân Lai, để giới hạn cuối cùng là vĩ tuyến 16, nhưng yêu cầu rõ phải tổng tuyển cử ngay để thống nhất Việt Nam sau từ sáu tháng tới một năm. Như vậy, Hồ Chủ tịch đã tìm mọi cách để có hoà bình, đẩy quân đội Pháp ra và thúc đẩy bầu cử nhằm tái thống nhất càng nhanh càng tốt để giảm thiểu tối đa khả năng Mỹ can dự, cho dù biết đó là thực tế khó khăn.

Đón cán bộ, chiến sĩ và đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc sau Hiệp định Geneva 1954

Ngày 15 tháng 7, Hồ Chủ tịch chỉ đạo Trung ương họp Hội nghị lần thứ 6. Hội nghị nhận định: “đế quốc Mỹ can thiệp trắng trợn vào Đông Dương, kiên quyết thi hành kế hoạch kéo dài và mở rộng chiến tranh thì lực lượng so sánh giữa ta và địch có thể không có lợi cho ta.”

Từ nhận định này, sau Hiệp định Geneve, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhiều phát biểu dặn dò đồng bào đồng chí rằng phải chuẩn bị tinh thần và lực lượng bởi cuộc chiến tranh với Mỹ để thống nhất hoàn toàn lãnh thổ thiêng liêng sẽ còn kéo dài. Vì thế, Đảng xác định việc tập kết ra Bắc theo Hiệp định cũng là để đào tạo cán bộ Cách mạng để đưa trở lại miền Nam đấu tranh thống nhất. Hồ Chủ tịch cũng quyết định phải để lại miền Nam một lực lượng Cách mạng nòng cốt để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống Mỹ lâu dài. Tháng 8 năm 1954, khi đang công tác ở Quảng Ngãi, đồng chí Lê Duẩn  đã nhận được lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào Nam để cùng với Xứ ủy Nam Bộ lãnh đạo phong trào cách mạng trong tình hình mới. Đây là những quyết sách hết sức đúng đắn của Hồ Chủ tịch dựa trên dự báo chính xác về sự can dự của Mỹ ở miền Nam Việt Nam. Thực tế sau này đã diễn ra đúng như Bác dự báo. Mỹ sau đó đã kích động dòng người di cư từ Bắc và Nam, trong đó chủ yếu là người Công giáo để làm bệ đỡ dựng chế độ Ngô Đình Diệm. Mỹ Diệm phối hợp hất cẳng Pháp khỏi Việt Nam, không chấp nhận tổng tuyển cử thống nhất Việt Nam theo đúng tinh thần Hiệp định Geneve. Còn hơn thế, khi thấy khó giữ miền Nam, Mỹ lật đổ luôn Ngô Đình Diệm rồi vừa trang bị cho quân đội miền Nam vừa cử quân tham chiến trực tiếp. Việt Nam trở thành điểm nóng nhất của chiến tranh lạnh với số lượng bom đạn đổ xuống mảnh đất này bằng cả hai cuộc chiến tranh thế giới trước đó cộng lại.

Những dự báo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã góp phần quan trọng giúp chúng ta chuẩn bị lực lượng vững vàng ở miền Nam, tạo tiền đề cho những thắng lợi quân sự và chính trị sau này, tiến tới thống nhất hoàn toàn đất nước dù phải trải qua thêm hai thập kỷ chiến tranh gian khổ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh mất trước khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng. Trong những câu thơ chúc Tết cuối cùng Người gửi nhân dân cả nước, Bác viết:

“Vì độc lập, vì tự do.

Đánh cho Mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào.

Tiến lên! Chiến sĩ đồng bào.

Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn.”

Bài thơ chúc Tết năm 1969 ấy cũng lại là một lời tiên tri của Bác Hồ. Chỉ bốn năm sau, Mỹ đã phải ký Hiệp định Paris rút hoàn toàn khỏi Việt Nam và hai năm sau nữa, quân dân ta đã đánh đổ hoàn toàn lực lượng nguỵ quân nguỵ quyền còn lại để giải phóng hoàn toàn miền Nam Việt Nam, thống nhất Bắc Nam một nhà đúng như lời Hồ Chủ tịch. Nhìn lại những dự báo thành sự thực của Bác Hồ, chúng ta càng cảm nhận rõ tầm vóc và sự sáng suốt của một vị lãnh tụ đã giành cả cuộc đời mình đấu tranh vì độc lập tự do của Tổ quốc. Đúng như lời điếu văn tiễn biệt Bác do đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hàng Trung ương Đảng có đoạn “Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra HỒ CHỦ TỊCH, người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta.” Đó cũng chính là lời khẳng định để nhiều thế hệ sau mãi ghi nhớ về công lao và những hi sinh to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lịch sử hình thành và phát triển của dân tộc Việt Nam./.

L.D

Theo Tạp chí Phương Đông

 

 

 

 

 

 

 

 

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN