Ngày 24/7/2019, Văn phòng báo chí Quốc vụ viện Trung Quốc đã công bố “Sách Trắng Quốc phòng Trung Quốc thời đại mới”, gồm 6 phần: (i) Tình hình an ninh quốc tế (ii) Chính sách quốc phòng mang tính phòng ngự của Trung Quốc thời đại mới (iii) Thực hiện nhiệm vụ sứ mệnh của quân đội thời đại mới (iv) Quốc phòng và quân đội Trung Quốc trong cải cách (v) Chi phí quốc phòng hợp lý, vừa phải (vi) Tích cực phục vụ xây dựng cộng đồng chung vận mênh nhân loại.
Đây là “Sách Trắng” thứ 10 của Trung Quốc kể từ 1998 (khi Trung Quốc bắt đầu có “Sách Trắng”), thứ ba kể từ khi Tập Cận Bình cầm quyền và là đầu tiên kể từ sau đại hội 19; dài 2,7 vạn chữ, dài hơn khoảng 2.000 chữ so với “Sách Trắng” năm 2017.
“Sách Trắng” 2019 ra đời đúng vào năm thứ 70 của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, cũng là khi Trung Quốc phải đối mặt với những khó khăn chưa từng thấy kể từ sau cải cách mở cửa, đặc biệt là trong môi trường bên ngoài của Trung Quốc; Trung Quốc buộc phải tự điều chỉnh và phải trang trải nhiều chuyện với xã hội quốc tế. Trong bối cảnh đó, Sách Trắng 2019 không chỉ là một sản phảm mang tính thường niên mà còn là một sản phẩm tổng hợp mang tính hệ thống, chiến lược, lâu dài của Trung Quốc, chủ yếu là trên lĩnh vực quốc phòng, quân sự nhưng phản ánh đường lối chiến lược chính sách chung của Trung Quốc thời Tập Cận Bình.
Công bố “Sách Trắng” lần này Trung Quốc đại thể nhằm đạt đến các mục đích: (i) Thể hiện bộ mặt mới, sức mạnh mới, tự tin mới của quốc phòng-quân đội Trung Quốc sau cải cách, đặc biệt là sau cải cách quốc phòng và quân đội của Tập Cận Bình từ cuối 2015, khẳng định vị thế của Trung Quốc trong thời kỳ mới (ii) Giải thích, biện hộ cho sự “minh bạch, đúng mực, cần thiết” của xây dựng quốc phòng và quân đội Trung Quốc; nhấn mạnh nguyên tắc phòng vệ, tự vệ, nhằm loại bỏ sự nghi ngờ đối với con đường phát triển của Trung Quốc, bác bỏ “Thuyết mối đe dọa Trung Quốc” mà Mỹ và phương Tây đang tuyên truyền. (iii) Khẳng định lập trường, quan điểm của Trung Quốc về các “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc, đồng thời cũng đưa ra những thông điệp cứng rắn đối với các thế lực bên ngoài, chủ yếu là với Mỹ (iv) Lên giây cót tinh thần cho nội bộ trước hoàn cảnh khó khăn mới (v) Hệ thống hóa, chính thức hóa và nâng cấp hệ thống lý luận xây dựng quốc phòng và quân đội Trung Quốc.
“Sách Trắng” đã đưa ra những đánh giá đáng chú ý về tình hình quốc tế:
Đánh giá chung nhất cho rằng “thế giới ngày nay đang trải qua những biến đổi to lớn chưa từng thấy trong 100 năm qua; thế giới đa cực hóa, kinh tế toàn cầu hóa, xã hội thông tin hóa, văn hóa đa dạng hóa đang phát triển theo chiều sâu; trào lưu hòa bình, phát triển, hợp tác, cùng thắng của thời đại là không thể đảo ngược nhưng an ninh quốc tế vẫn đang đối mặt với những bất ổn, bất định gay gắt, thế giới vẫn chưa yên bình”.
“Sách Trắng” cũng cho rằng, tập hợp lực lượng thế giới đang được đẩy nhanh, lực lượng các nước mới trỗi dậy và các nước đang phát triển tiếp tục được tăng cường, so sánh lực lượng chiến lược càng có xu hướng cân bằng hơn; Sự nâng cấp của các lực lượng hòa bình vượt xa sự gia tăng của các nhân tố chiến tranh. Cạnh tranh chiến lược quốc tế có xu hướng leo thang, cạnh tranh quân sự quốc tế ngày càng quyết liệt, các nước chủ yếu trên thế giới thi nhau điều chỉnh chiến lược an ninh, chiến lược quân sự, điều chỉnh hình thái tổ chức quân đội, phát triển các lực lượng tác chiến kiểu mới, tranh giành các cao điểm chiến lược trong cạnh tranh quân sự. Do tác động của cách mạng kỹ thật, cục diện cạnh tranh quân sự quốc tế đang có những biến đổi mang tính lịch sử.
Về khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, “Sách Trắng” cho rằng tổng thể là ổn định; trọng tâm kinh tế và chiến lược thê giới tiếp tục chuyển về Châu Á – Thái Bình Dương, nơi đây đã trở thành tiêu điểm đọ sức giữa các nước lớn; các điểm nóng và các vấn đề tranh chấp vẫn tồn tại. Riêng Biển Đông, “Sách Trắng” nhận định, “tình hình theo hướng ổn định và tốt lên, các nước trong khu vực đã quản lý nguy cơ và bất đồng một cách thỏa đáng”, “khung an ninh đặc sắc Châu Á cân bằng ổn định, mở cửa bao dung không ngừng được phát triển”.
Về tình hình Trung Quốc, “Sách Trắng” nhận định:
Các nguy hiểm, thách thức mà an ninh quốc gia Trung Quốc phải đối mặt không thể xem thường, đấu tranh chống chia cắt càng gay gắt, an ninh lãnh thổ vẫn bị uy hiếp, can thiệp của nước ngoài càng nguy hại cho an ninh quốc gia của Trung Quốc; lợi ích hải ngoại của Trung Quốc đứng trước những uy hiếp hiện thực, nguy hại của an ninh phi truyền thống gia tăng.
“Sách Trắng” cho rằng, Trung Quốc vẫn chưa hòan thành nhiệm vụ xây dựng cơ giới hóa, trình độ thông tin hóa còn phải nâng cao, an ninh quân sự vẫn đứng trước thách thức bị tấn công bằng kỹ thuật và trước nguy cơ khoảng cách về trình độ kỹ thuật ngày càng xa so với các nước tiên tiến, trình độ hiện đại hóa quân đội còn một khoảng cách rất lớn so với nhu cầu của an ninh quốc gia.
Các cơ quan truyền thông Trung Quốc cho rằng, “Sách Trắng” 2019 đã “lần đầu tiên” đưa ra một cách hoàn chỉnh “hệ thống chính sách quốc phòng mang tính phòng ngự” của Trung Quốc thời đại mới; “lần đầu tiên” công khai khẳng định sứ mệnh của quân đội Trung Quốc trong thời đại mới là thực hiện “4 nhiệm vụ trụ cột chiến lược” bao gồm trụ cột chiến lược cho “củng cố vai trò lãnh đạo của ĐCS và chế độ XHCN của Trung Quốc”; cho “bảo vệ chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ”; cho “bảo vệ lợi ích quốc gia ở nước ngoài” và cho “thúc đẩy hòa bình và phát triển của thế giới”. Truyền thông Trung Quốc cho đây là sự thể hiện nhận thức mới, phát triển mới trong sứ mệnh của quân đội Trung Quốc.
“Sách Trắng Quốc phòng Trung Quốc” 2019 cố tạo ra hình ảnh một Trung Quốc hùng mạnh, một “cường quốc có trách nhiệm”, là “người kiến tạo và bảo vệ hòa bình”, là “người ủng hộ và cống hiến cho phát triển toàn cầu”; cố thuyết phục dư luận thế giới rằng, Trung Quốc “vĩnh viễn không bá quyền, vĩnh viễn không bành trướng và vĩnh viễn không tìm kiếm phạm vị thế lực” của mình, Trung Quốc trước sau như một, vẫn đi theo con đường “phát triển hòa bình”. Tuy nhiên, hình ảnh “một cường quốc có trách nhiệm” ấy, con đường “phát triển hòa bình” ấy của Trung Quốc đang bị hoài nghi trong hầu hết các thành viên của xã hội quốc tế. Sự hoài nghi đó bắt nguồn từ chính các hành vi trái với đạo lý, trài với luật pháp quốc tế và trái với chính các cam kết mà Trung Quốc đã trịnh trọng tuyên bố với thế giới.
Trong đánh giá tình hình, Sách Trắng hàm ý rằng, những căng thẳng bất ổn, bất an trên thế giới đều do “chủ nghĩa đơn biên, chính sách bá quyền và chính trị cường quyền” của Mỹ gây ra, đổ trách nhiệm cho Mỹ, muốn để cho dư luận quốc tế hiểu rằng, kẻ đáng bị lên án là Mỹ chứ không phải là Trung Quốc. Nhưng chính những hành vi của Trung Quốc đã thuyết phục dư luận quốc tế theo hướng ngược lại, đặc biệt là tại Biển Đông. Sau khi phi pháp tôn tạo 7 đảo đá ở Biển Đông, bác bỏ phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế PCA, đẩy nhanh tiến trình quân sự hóa khu vực này, Trung Quốc đã làm cho tình hình Biển Đông thêm căng thẳng, càng tiềm ẩn các khả năng xung đột…Một Biển Đông như vậy, không thể nói là “đang ổn định và theo hướng tốt lên” như đánh giá của “Sách Trắng”. Nhìn Biển Đông trong bối cảnh quan hệ Trung-Việt, càng thấy rõ Biển Đông luôn là yếu tố gây bất ổn mà Trung Quốc thường xuyên lợi dụng để tạo sức ép. Sự kiện Trung Quốc đưa tàu thăm dò hải dương-8 cùng nhiều tàu hộ vệ thâm nhập trái phép và gây cản trở hoạt động của Việt Nam tại khu vực bãi Tư Chính (12-15/7/2019), nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, nơi Việt Nam đã tiến hành các hoạt động khai thác dầu khí bình thường hàng chục năm nay là một minh chứng mới nhất cho điều này. Hành động này diễn ra đúng vào lúc Chủ tịch Quốc Hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân đang thăm chính thức Bắc Kinh, làm cho những lời hay ý đẹp về hữu nghị hai nước luôn đầy ắp trong các phát biểu của lãnh đạo Trung Quốc trở nên vô nghĩa. Các Ngoại trưởng ASEAN và các đối tác trong dịp này (cuối tháng 7 đầu tháng 8/2019), thông qua ARF-28 và cấp cao Đông Á (EAS-9) trên thực tế cũng đã bác bỏ cách đánh giá trên của “Sách Trắng”. Họ cho rằng, “những hành vi quân sự hóa và đe dọa hoạt động kinh tế hợp pháp của các nước ven biển đã làm xói mòn lòng tin, gây căng thẳng và tác động bất lợi đến môi trường hoà bình, ổn định chung ở khu vực”, nếu tình hình “ổn định và theo hướng tốt lên” như Trung Quốc nói thì chắc chắn không thể có nhận định này. Các nhà ngoại giao hàng đầu Đông Nam Á cũng bày tỏ “quan ngại trước tình hình diễn biến phức tạp tại Biển Đông với những sự cố nghiêm trọng xẩy ra trong thời gian gần đây”, “nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông…”. ARF-28 “kêu gọi các bên thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC, hướng tới một COC hiệu quả, thực chất và phù hợp với luật pháp quốc tế”. Các Ngoại trưởng cũng nhấn mạnh rằng “mọi đòi hỏi chủ quyền phải dựa trên cơ sở pháp lý của luật pháp quốc tế, không đồng tình với các hành động o ép để khẳng định đòi hỏi chủ quyền”. Do những lý do tế nhị, các ngoại trưởng không chỉ đích danh Trung Quốc nhưng ai cũng hiểu rằng những chỉ trích này là nhằm vào Trung Quốc.
Tư tưởng chỉ đạo về xây dựng quốc phòng và quân đội Trung Quốc mà “Sách Trắng” đưa ra cũng làm cho nhiều người lo ngại. Theo “Sách Trắng”, phương châm chiến lược quân sự của Trung Quốc thời đại mới là “kiên trì nguyên tắc phòng ngự, tự vệ, đánh trả sau; thực hiện phòng ngự tích cực; kiên trì “ngươi không đụng đến ta, ta không đụng đến ngươi, nếu ngươi đụng đến ta, ta ắt sẽ đụng đến ngươi”; nhấn mạnh đến sự “thống nhất giữa kiềm chế chiến lược và đánh thắng chiến tranh”, giữa “phòng ngự về chiến lược và tiến công trong tác chiến chiến dịch”. Bản chất của phương châm chiến lược quân sự này là giành quyến tấn công cho quân đội Trung Quốc đối với bất cứ đối thủ nào trên cơ sở đánh giá tình hình và phán đoàn tình huống của chính Trung Quốc, đặc biệt là trên lĩnh vực liên quan đến yêu sách chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc. Điều này sẽ làm cho dư luận nghi ngờ về ý đồ thật sự của Trung Quốc. Trên thực tế, chẳng ai “đụng đến”( đồng nghĩa với “gây sự” với) Trung Quốc, nhất là từ sau khi Trung Quốc trở thành cường quốc kinh tế thứ hai thế giới, chỉ có Trung Quốc “đụng đến” người khác. “Sách Trắng” sử dụng lại phương châm “ngươi không đụng đến ta, ta không đụng đến ngươi, ngươi đụng đến ta, ta ắt đụng đến ngươi” từ thời Mao Trạch Đông thực chất chỉ là một sự ngụy biện, nhằm chính đáng hóa những hành vi gây hấn của Trung Quốc đối với các nước nhỏ yếu xung quanh Trung Quốc. Hơn nữa tư duy “ăn miếng trả miếng” này của Mao Trạch Đông hoàn toàn không phù hợp với tính chất thời đại “hợp tác cùng thắng” mà Trung Quốc đang cổ súy.
“Sách Trắng” cũng đã thể hiện thái độ đặc biệt gay gắt đối với Đài Loan , khẳng định Trung Quốc sẽ không từ bỏ sử dụng biện pháp quân sự để giải quyết vấn đề Đài Loan, tuyên bố “Đài Loan độc lập chỉ là con đường chết”, quân đội Trung Quốc sẽ sử dụng bất cứ biện pháp nào để đánh bại bất cứ kẻ nào muốn chia cắt Đài Loan ra khỏi Trung Quốc. Sự cứng lên khác thường này của Trung Quốc bắt nguồn từ những diễn biến phức tạp, bất lợi cho Trung Quốc của tình hình Đài Loan trước bầu cử 2020 ở Đài Loan, trong đó lực lượng đối địch chủ yếu với Bắc Kinh tại Đài Loan là đảng Dân Tiến của “đương kim Tổng thống” Thái Anh Văn đang được tăng cường và vẫn có khả năng giữ vững chính quyền của họ; trong khi đó Mỹ lại vừa thông qua kế hoạch bán vũ khí mới lên tới 2,2 tỉ usd cho Đài Loan và các chiến hạm Mỹ liên tục tiếp cận eo biển Đài Loan. Đồng thời, các “lực lượng dân chủ” ở Hongkong cũng đang tiến hành các cuộc biểu tình chống Bắc Kinh với quy mô chưa từng thấy kể từ khi Hongkong được thu hồi (1997), tạo ra những thách thức nghiêm trọng đối với chính sách “một nước hai chế độ” của Trung Quốc. Bắc Kinh cứng rắn với Đài Loan cũng nhằm răn đe các lực lượng biểu tình ở Hongkong mà họ cho là “muốn thách thức chính quyền trung ương (Bắc Kinh)”. Trong bối cảnh chiến tranh thương mại và đối đầu chiến lược Trung Mỹ đang leo thang, thái độ cứng rắn này càng làm cho dư luận quốc tế lo ngại về khả năng Trung Quốc huy động quân đội để xử lý v/đ Hongkong và Đài Loan mà hậu quả là sẽ rất khó lường đối với hòa bình và an ninh khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
“Sách Trắng” là một sản phảm hoàn toàn trung thành với tư tưởng Tập Cận Bình, nhấn mạnh sự thống nhất giữa “phú quốc” (nước giàu) với “cường quân” (quân mạnh) trong tư tưởng quân sự của Tập ; quán triệt thúc đẩy toàn diện bốn hiện đại hóa quân sự về lý luận, hình thái tổ chức quân đội, về nhân viên quân sự và vũ khí trang bị, nhằm tới mục tiêu “cơ bản hiện đại hóa quốc phòng và quân đội vào 2035 và xây dựng toàn diện quân đội Trung Quốc trở thành quân đội loại 1 thế giới vào giữa thế kỷ”. “Sách Trắng” cho thấy là Trung Quốc sẽ thực hiện các mục tiêu này bằng mọi giá, không đoái hoài gì đến những lo ngại chính đáng của xã hội quốc tế về những yếu tố bành trường đi kèm với quá trình “cường quân” của Trung Quốc.
Phản ứng của quốc tế đối với “Sách Trắng” đến nay nói chung là rất dè dặt, có ý “chờ xem” các hành đông thực tế tiếp theo của Trung Quốc sẽ ra sao. Thực tế đã nhiều lần nhắc nhở thế giới rằng, đối với Trung Quốc, nghe họ nói đồng thời phải xem họ làm vì họ thường “nói một đằng làm một nẻo”, thậm chí hành động hoàn toàn trái ngựợc với lời nói. Bài học này có lẽ đang được dư luận quốc tế áp dụng để quan sát, đánh giá về “Sách Trắng Quốc phòng Trung Quốc thời đại mới”
Đứng về một góc độ nào đó có thể nói, “Sách Trắng” là một lời bào chữa muộn màng và kém sức thuyết phục về chính sách quốc phòng và phát triển quân sự của Trung Quốc. “Sách Trắng” sẽ chẳng cải thiện được gì trong môi trường quốc tế đang rất khó khăn của Trung Quốc dưới tác động của chiến tranh thương mại Mỹ Trung và đối đầu chiến lược Trung Mỹ. “Sách Trắng” cũng không cho thấy bất cứ một sự thay đổi nào trong mục tiêu chính sách quốc phòng và xây dựng quân đội của Trung Quốc, cho dù “Sách Trắng” cố gắng dùng những hình thức thể hiện mới nhằm gây ấn tượng với dư luận; có thay đổi chăng cũng chỉ là càng cứng rắn hơn, càng cố chấp hơn trong việc thực hiện mục tiêu bành trướng nước lớn của họ mà thôi. Đây sẽ là thách thức lớn, lâu dài đối với trật tự thế giới, đặc biệt là đối với các quốc gia có xung đột lợi ích với Trung Quốc./.
(Theo Tạp chí Phương Đông)