Cuộc ném bom Hà Nội vào ngày Lễ Giáng sinh là không thể biện minh được

Qua khai thác nguồn tư liệu từ Thư viện Nguyễn Văn Hưởng, tạp chí Phương Đông xin giới thiệu bài viết với tiêu đề “Cuộc ném bom Hà Nội vào ngày Lễ Giáng sinh là không thể biện minh được”  của tác giả Anthony Lewis – nhà phê bình nổi tiếng nhất về cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam đã được đăng lần đầu tiên trên tờ New York Times ngày 23/12/1972, chỉ một vài ngày sau khi cuộc ném bom Hà Nội vào ngày lễ Giáng sinh dừng lại. A. Lewis đã công khai phản đối cuộc ném bom miền Bắc Việt Nam, coi đây là “tội ác nhân loại” không thể biện minh cả về chiến thuật và đạo đức con người.

Máy bay ném bom B-52 của Mỹ cất cánh từ Căn cứ Không quân Andersen ở Guam để tham gia chiến dịch ném bom miền Bắc Việt Nam vào cuối tháng 12 năm 1972

           …Khi Chúa nói với Abraham rằng Người sẽ phá hủy Sodom vì những tội ác của nó, như đã được nêu trong quyển đầu Sáng Thế trong bộ Kinh Cựu Ước, Chương 18, Abraham đã hỏi, “Người sẽ tiêu diệt cả người liêm chính lẫn kẻ độc ác ư?” Chúa đồng ý rằng nếu có 10 người liêm chính ở Sodom, “vậy ta sẽ dành một khoảng không gian vì lợi ích của họ”. Những đâu chỉ có 10 người.

Trong đoạn đó, Kinh Thánh đã bầy tỏ sớm một ý tưởng cơ bản cho nền văn mình Phương Tây: Đó là giá trị của cá nhân. Câu chuyện cũng giáo huấn rằng cá nhân có một trách nhiệm đạo đức không thể tách rời với xã hội của mình, bởi vì có thể sự cứu rỗi tất cả mọi người đều dựa vào anh ta.

Một trong những mặt khủng khiếp của chiến dịch ném bom ồ ạt gần đây của Mỹ chống lại Bắc Việt Nam là sự phản ứng trì trệ của nhiều người. Tồi tệ nhất là không có lấy một người nào trong Chính phủ Hoa Kỳ tranh cãi với chính sách mà nhiều người hẳn phải hiểu rằng lịch sử sẽ phán xử tội ác chống lại nhân loại.

Đưa máy bay B.52 ném bom tàn phá những khu dân cư đông đúc như Hải Phòng hay Hà Nội có thể chỉ có một mục đích duy nhất: đó là khủng bố. Đó là sự đáp trả của một người bị ngợp bởi ý thức hèn kém và tuyệt vọng đến nỗi anh ta phải đánh, phải trừng phạt, phải phá hủy.

Có một tờ báo của Anh có đường lối ôn hòa về chiến tranh, đó là tờ Guardian (Người Bảo Vệ), đã đặt câu hỏi trong tuần này: “Có phải ông Nixon muốn đi vào lịch sử như là một trong những tổng thống Mỹ khát máu và tàn bạo nhất không?” Nhưng điều đó không còn quan trọng nữa đối với việc ông ta muốn gì. Thực tế đảm bảo rằng ông ta sẽ được ghi lại như vậy.

Trí tưởng tượng Mỹ rõ ràng đã thôi không bị khuấy động bởi những thực tế của cuộc ném bom. Khi con người ta không sống dưới bom đạn như có rất ít người Mỹ đã từng trải qua, nên có lẽ họ không thể tưởng tượng được nỗi sợ hãi triền miên. Có thể họ không hiểu rằng những quả bom ném xuống những thành phố và làng mạc đã giết chết con người một cách bừa bãi, cả người dân vô tội lẫn người có tội. Những người dân đó không thấy là mình bị đánh ngay ở chỗ thậm chí còn cách xa trung tâm ném bom B.52 hàng trăm thước, sức ép đã làm tan nát tim, phổi hoặc làm cho lục phủ ngũ tạng của họ bị bắn tung ra ngoài.

Cuộc ném bom đã làm hiện lên rõ nét nỗi thông cảm của người Mỹ về cuộc tấn công chớp nhoáng của Phát xít Đức vào nước Anh trong Chiến tranh Thế giới Thứ Hai. Chúng ta đã thán phục lòng can đảm của người dân Anh trong những cuộc oanh kích khủng khiếp đó như thế nào.

Trong gần sáu năm của Chiến tranh Thế giới Thứ Hai, đã có gần 80.000 tấn bom thả xuống nước Anh. Chỉ riêng tháng 11, khi cuộc ném bom của Mỹ chỉ tiến hành giới hạn bởi vì đang có những cuộc đàm phán hòa bình, vậy mà máy bay Mỹ đã thả 100.000 tấn bom xuống Đông Dương. Tổng số này qua các chính quyền của Johnson và Nixon đến lúc này là trên 7 triệu tấn.

Dù nguyên nhân là gì, dù là đúng hay sai của các bên ở Việt Nam là gì, những phương tiện mà Mỹ đã sử dụng trong cuộc chiến tranh này từ đó đến nay đã vượt qua ngưỡng để cuối cùng chúng có muốn được biện minh cũng không thể biện minh nổi. Cuộc chiến tranh của chúng ta đã không làm theo nguyên tắc truyền thống và cốt yếu về tỷ lệ cân xứng, học thuyết đạo đức trong chiến trận là chúng ta không được hành động tồi tệ hơn điều ác mà chúng ta chống lại.

Vậy nguyên nhân là gì? Dù cho thậm chí có tranh luận gì đi nữa, đó không còn là “để ngăn chặn Trung Quốc”, hay để giảm mức ảnh hưởng của Chủ nghĩa Cộng sản, hoặc để giải phóng cho nông dân Việt Nam. Henry Kissinger nói rằng đó chỉ nhằm đảm bảo người Mỹ ra đi “trong danh dự”. Chỉ vì có thế mà chúng ta đã gây ra, đang gây ra, và có thể sẽ tiếp tục gây ra cuộc tàn phá khủng khiếp nhất trong lịch sử nhân loại.

Sự hờ hững của con người trước tội ác gây cho những người khác đâu có phải là một hiện tượng mới. Ví thử những người văn minh, cả đàn ông và đàn bà, đã không nói gì cả, mặc dù Hitler đã làm nhục, đã tra tấn và cuối cùng giết hại hàng triệu người Do Thái. Nhà tâm lý học Đức Freud giúp chúng ta nhìn thấy rằng yếu tố bạo lực vẫn tồn tại trong tất cả chúng ta,.

Song điều đáng nói là không có một ai trong chính phủ của Mỹ lúc này tự đứng ra làm nhân chứng chống lại những gì đất nước mình đang làm. Không có một thành viên nào trong Nhà Trắng, không một ai trong Lầu Năm Góc, không có một phi công nào. Không có lấy mười người. Không có lấy năm người. Không có lấy một người.

Những người của công chúng luôn tự nhủ rằng mình phải làm nhiều điều tốt hơn, cố làm giảm bớt chính sách tàn ác từ bên trong, nhưng ở một số điểm, sự tự lừa dối đó cần phải dừng lại. Họ cũng nói rằng một người không thể làm nên điều khác biệt làm thay đổi tình hình. Điều đó có thể đúng, mà cũng có thể không; và trong bất cứ trường hợp nào, điều đó không thể làm cho bất cứ ai có thể rũ bỏ trách nhiệm trong nỗ lực này. Đó chính là điều mà chúng ta học được từ câu chuyện của Abraham và Sodom./.

Hoàng Ngọc

(Theo Tạp chí Phương Đông)

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN