Bước leo thang quân sự của Mỹ và cuộc tạo cớ của Chính quyền Johnson ném bom miền Bắc Việt Nam 05/08/1964

Bài viết này sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn sự kiện Vịnh Bắc Bộ và cuộc ném bom miền Bắc đầu tiên vào ngày 05/08/1964 và mưu đồ của nhóm cầm đầu Nhà Trắng thời đó phía sau sự kiện này. Tạp chí Phương Đông xin trân trọng gửi tới bạn đọc.

Ngày 22 tháng 11 năm 1963, chỉ đúng 3 tuần sau vụ ám sát Ngô Đình Diệm, Tổng thống thứ 35 của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ Kennedy bị bắn ở thành phố Dallas, tiểu bang Texas. Đây là sự kiện then chốt có tính bước ngoặt đối với cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam.

Khởi điểm của can dự quân sự

Kennedy, như đã trình bày, không chủ trương đưa quân đội Hoa Kỳ tham chiến trực tiếp và thực thi một cách tiếp cận ôn hoà hơn đối với Việt Nam. Đường lối của Kennedy là dùng viện trợ Hoa Kỳ để củng cố an ninh cho miền Nam Việt Nam và làm mạnh Chính phủ Việt Nam Cộng hoà nhằm chiến thắng Cộng sản. Những hoạt động mang tính “khiêu khích” nhất dưới thời Kennedy cũng chỉ là các đợt tung gián điệp biệt kích để phá hoại ngầm. Kennedy thậm chí còn có ý định rút bớt cố vấn và chuyên gia Mỹ khỏi miền Nam Việt Nam.

Nhưng Phó Tổng thống Lyndon B.Johnson lên thay Kennedy ngay sau đó đã từng bước thực thi một cách tiếp cận hoàn toàn khác. Johnson nhìn nhận cuộc chiến Việt Nam dưới lăng kính chiến tranh lạnh nhiều hơn Kennedy. Johnson cho rằng Liên Xô và Trung Quốc cố hết sức hỗ trợ Bắc Việt chiến thắng miền Nam Việt Nam để đạt mục tiêu bá quyền Cộng sản. Johnson coi Việt Nam là chốt chặn quan trọng bậc nhất để phá vỡ mục tiêu này của Xô Trung.

Một trong những hành động đầu tiên của Johnson trên cương vị Tổng thống, là triệu tập cuộc họp với các cố vấn của ông về Việt Nam vào ngày 24 tháng 11 năm 1963. Sau khi nghe bản đánh giá bi quan về triển vọng miền Nam Việt Nam sau đảo chính Diệm, Johnson tuyên bố có cảm tưởng “như một chú cá trê vừa đớp phải con mồi lớn có mắc lưỡi câu sắc”[1]. 

Tổng thống Mỹ Johnson và Bộ trưởng Quốc phòng McNamara mưu tính việc ném bom miền Bắc Việt Nam năm 1964

Bất chấp khó khăn, ngay trong cuộc gặp này, Tổng thống Johnson ra chỉ thị cho Đại sứ Lodge rằng Hoa Kỳ phải giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh này, và phải thắng trong khoảng một thời gian ngắn.

Johnson yêu cầu các hoạt động quân sự được ưu tiên trước so với các hoạt động cải cách chính trị. Johnson không thấy cần thiết ở Sài Gòn phải có ngay một chính phủ dân tộc dân chủ mở rộng theo mô hình Mỹ như Kennedy kỳ vọng. Thông điệp đầu tiên của Johnson là: Phải chiến thắng trong cuộc chiến này!

Phá hoại ngầm miền Bắc Việt Nam

Johnson ngay lập tức muốn thực thi một kế hoạch chủ động hơn, theo đó tăng cường kế hoạch bí mật xâm nhập Bắc Việt để thu thập thông tin tình báo, phát tán tài liệu tuyên truyền và tiến hành các hoạt động phát hoại. Những hoạt động này, theo lời McNamara, nhằm “làm tổn hại Bắc Việt Nam mà không cần có hoạt động quân sự trực tiếp của Hoa Kỳ.”[2] Hoạt động này thường được biết đến tên gọi gián điệp biệt kích.

Tuy gián điệp biệt kích không phải hoạt động mới lạ, Tổng thống Kennedy đã thực hiện từ năm 1961, nhưng tới khi Johnson lên nắm quyền, cách thức phá hoại này được mở rộng quy mô và nâng cấp thành một chiến dịch lớn được thông qua trực tiếp bởi Ủy ban 303, một cơ quan giám sát mọi hoạt động tình báo bí mật của CIA trên khắp thế giới. Tháng 1 năm 1964, Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ đã chính thức cho phép CIA khởi động các chiến dịch bí mật chống lại Bắc Việt Nam được đặt mật danh là Kế hoạch 34A. Kế hoạch 34A bao gồm hai loại hình hoạt động chính, theo thừa nhận của McNamara và các tài liệu CIA đã giải mật.

(1) tầu thuyền và máy bay chuyên chở điệp viên người Nam Việt Nam được trang bị máy vô tuyến điện vào miền Bắc để phá hoại và thu thập tin tức tình báo;

(2) tàu tuần tra tốc độ cao do người miền Nam hoặc người nước ngoài làm thuê, tiến hành các cuộc tập kích bờ biển miền Bắc và đánh phá các căn cứ trên đảo.

Kế hoạch 34A này được giao cho Bộ chỉ huy viện trợ quân sự Mỹ tại Việt Nam (MACV) điều hành nhưng CIA đóng vai trò hỗ trợ trong các “hoạt động ngầm bán quân sự có quy mô lớn”[3]. Để vận hành 34A, MACV ra Chỉ thị số 6 ngày 24 tháng 1 năm 1964 thành lập tại Sài Gòn một tổ chức bí mật gồm nhiều sắc lính từ biệt kích, người nhái, không đoàn cảm tử… lấy tên là Liên đoàn hành quân đặc biệt SOG (Special Operation Group). SOG là cơ quan trực tiếp triển khai các chiến dịch gián điệp biệt kích.

Theo điều tra của an ninh Việt Nam, SOG có 4 bộ phận nghiệp vụ chính OP34, OP35, OP37 và OP39. Mỗi bộ phận có nhiệm vụ khác nhau trong quá trình xâm nhập miền Bắc bằng cả đường không, đường bộ và đường biển, nhưng một số mục tiêu chính của hoạt động biệt kích là: (1) thu thập thông tin tình báo; (2) phá hoại cơ sở hạ tầng; (3) gây dựng cơ sở trong lòng miền Bắc; (4) chỉ điểm cho máy bay oanh tạc; (5) bắt cóc nhân dân và cán bộ miền Bắc vào Nam để khai thác thông tin; (6) gây chiến tranh tâm lý.

Con đường xâm nhập của các nhóm gián điệp biệt kích cũng trải khắp lãnh thổ miền Bắc từ Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hoá, Ninh Bình, tới Hà Bắc, Yên Bái. Đặc biệt trong giai đoạn Johnson nắm quyền khi kế hoạch 34A được phát động, CIA đặc biệt chú trong tới hoạt động biệt hải. Tài liệu an ninh tổng kết: “Hoạt động biệt hải được tiến hành trên địa bàn từ vĩ tuyến 17 đến vĩ tuyến 21, dưới hai dạng chủ yếu: dang thứ nhất, xâm nhập vào bờ biển, cửa sông, gây nổ phá tàu thuyền, các mục tiêu quân sự, kinh tế, cầu cống trên quốc lộ 1 và thả hàng tâm lý. Từ tháng 4 năm 1964 tới tháng 12 năm 1964, SOG đã tiến hành 32 lượt, năm 1965 tiến hành 170 lượt, năm 1966 tiến hành 126 lượt và năm 1967 tiến hành 125 lượt xâm nhập vùng biển Vịnh Bắc Bộ… Dạng thứ hai là sử dụng tàu cao tốc, bắt cóc bà con ta hành nghề trên biển, nhằm vào số ngư dân đánh cá ngoài khơi, xa bờ đưa về “Đảo thiên đường – Đảo thiên thần” trên Cù Lao Chàm khai thác tin tình báo, khống chế giao nhiệm vụ rồi thả trở lại miền Bắc hoặc quay phim, chụp ảnh, ghi âm rồi phát trên đài “Gươm thiêng ái quốc” làm đòn tâm lý chiến.”[4]

Song song với biệt hải, biệt kích trên bộ cũng được tiến hành chủ yếu dưới hai dạng chính: vượt hành lang giới tuyến và qua tuyến biên giới Việt Lào. Phương thức này được Mỹ gọi là phương thức Strata. “Chúng sử dụng trực thăng hạ cánh ban ngày có không quân yểm trợ và phối hợp với hoạt động bắn phá ác liệt. Địa bàn xâm nhập của các toán Strata tập trung ở khu vực biên phòng, ven các đường giao thông chiến lược ở giáp biên giới, chúng chọn những nơi hiểm trở hẻo lánh, không có dân, xa dân hoặc thưa dân, có toán địch thả ở đất Lào rồi cho vượt biên sang ta hoạt động chủ yếu ở: Vĩnh Linh, Quảng Bình, Hà Tĩnh.”[5]

Ngoài kế hoạch 34A, Mỹ còn liên tục tiến hành các cuộc tuần tra DESOTO, khác căn bản so với kế hoạch 34A. Các cuộc tuần tra này là một phần của hệ thống do thám toàn cầu do các tàu hải quân có trang bị đặc biệt của Mỹ tiến hành. Các tàu này hoạt động trong vùng biển quốc tế để thu các tín hiệu từ đài phát và rađa đặt trên đất liền ở các nước Cộng sản như Liên Xô, Trung Quốc và Bắc Triều Tiên và Bắc Việt Nam. Trong trường hợp này, những con tàu hải quân đặc chủng của Mỹ rà quét gần bờ biển của Bắc Việt để thu thập thông tin có thể dùng trong trường hợp Mỹ cần phải tiến hành các chiến dịch quân sự chống lại các nước này. Các Tư lệnh của Hạm đội Hải quân Mỹ xem xét kết quả của hoạt động này cùng với Bộ Tham mưu liên quân ở Washington.

Nhận định về kết quả của điệp vụ 34A, đa số những quan chức Mỹ dính líu trực tiếp đều kết luận:

“chúng chẳng có giá trị gì hết. Phần lớn các điệp viên người Nam Việt Nam được tung vào Bắc Việt Nam đều bị bắt hoặc bị tiêu diệt, còn các cuộc tiến công từ ngoài khơi thì có giá trị hơn một cú châm bằng đinh ghim… Nhưng bộ máy kiểm soát cộng sản nghiêm ngặt của Hà Nội, bao gồm cả các chi ủy nằm ở các làng xã và thị trấn, đã khám phá ra ngay cả những biểu hiện thay đổi nhỏ nhất, đã làm vô hiệu hoá chương trình này.”[6]

Tài liệu của Bộ Công An tổng kết từ năm 1964 tới năm 1975, đã bắt và đánh đuổi 118 toán gián điệp vào lãnh thổ miền Bắc, trong đó 42 toán do quần chúng nhân dân phát giác. Có thể nói rằng, thế trận an ninh nhân dân đã vô hiệu hoá hoàn toàn chiến dịch gián điệp biệt kịch của Mỹ và Việt Nam Cộng hoà.

Điểm đặc biệt là Mỹ không thể lý giải nổi tại sao chiến dịch gián điệp biệt kích do CIA cố vấn lại có thể thất bại toàn diện tới như vậy. CIA đã không phát hiện ra chiến lược dùng người của địch để kéo thêm nhiều địch vào của an ninh Việt Nam, Sedgwick Tourison, nhân viên CIA và là nhân chứng sống của toàn bộ chiến dịch này thú nhận: “Hình như những điệp viên của chúng ta đã bị đón lõng trước khi họ được tung vào miền Bắc. Bất cứ bằng đường không, đường bộ, đường biển, ở nơi hẻo lánh hoặc khu vực dân cư, dù vào ban đêm hay ban ngày… họ luôn được những người trên đất liền chờ đón. Nếu có điệp viên nào đó ra vào may mắn trót lọt thì có thể đặt câu hỏi là: Liệu đó có phải là họ thả lỏng do không cần phải làm gì nữa vì họ đã biết tất cả rồi.”[7]

Dù hoàn toàn bị vô hiệu hoá bởi cả an ninh và nhân dân miền Bắc, McNamara thừa nhận các các chiến dịch này vẫn cứ tiếp tục đơn giản vì Mỹ và chính quyền Sài Gòn coi chúng “như một phương tiện rẻ tiền để quấy phá Bắc Việt Nam và trả đũa cho sự ủng hộ của Hà Nội đối với Việt cộng.”[8]

Quan trọng hơn, chiến dịch 34A vẫn được duy trì như một cách để khiêu khích miền Bắc nhằm mở rộng chiến tranh. Các cuộc phá hoại ngầm như phá huỷ đường xe lửa Hà Nội Vinh, ném bom chòi quan sát Mũi Đao, đặt mìn sát thương ở nhiều khu vực trong lãnh thổ miền Bắc vào năm 1964… đều nhắm tới mục tiêu này. Các quan chức cao nhất của Mỹ chỉ huy và nhận báo cáo về kế hoạch 34A này nhưng khi được hỏi, lại vờ như không biết gì, phủ nhận hoàn toàn sự liên quan của Hoa Kỳ và đổ trách nhiệm cho chính quyền Sài Gòn.

Khởi điểm của quyết định leo thang

Thực tế, Hoa Kỳ đã tính toán hàng loạt những biện pháp khiêu khích miền Bắc Việt Nam như vậy để tạo cớ gây chiến. Chiến dịch gián điệp biệt kích dù kéo dài và được lên kế hoạch kỹ lưỡng hoàn toàn không phải là kỳ vọng và mục tiêu của Washington tại Việt Nam. Để ngăn chặn sự sụp đổ của miền Nam Việt Nam, giới quân sự Mỹ đã bắt đầu xác định những kế hoạch lớn từ đầu năm 1964.

Nắm lấy chỉ thị phải giành thắng lợi bằng được của Johnson, các tham mưu trưởng liên quân Mỹ bắt đầu đưa ra những đề nghị với những bước đi mạnh mẽ hơn. Trong một bản ghi nhớ gửi Bộ trưởng Quốc phòng  ngày 22 tháng 1 năm 1964,  các Tham mưu trưởng liên quân tư vấn rằng: “để giành thắng lợi… Mỹ phải sẵn sàng gạt sang một bên nhiều rào cản tự áp đặt đang hạn chế những cố gắng của chúng ta, và Mỹ phải có những hành động táo bạo hơn dù có thể có những rủi ro lớn hơn.”[9]

Cũng trong bản ghi nhớ đó, các Tham mưu trưởng liên quân Mỹ đã khuyến nghị rằng cần mở rộng cuộc chiến sang oanh tạc Bắc Việt Nam bằng không quân Mỹ và chuyển từ huấn luyện người Nam Việt Nam sang tiến hành cuộc chiến tranh ở cả hai miền Bắc và Nam Việt Nam bằng lực lượng chiến đấu Mỹ. Cả hai khuyến nghị này đều là những thay đổi mang tính cách mạng trong chính sách của Mỹ ở Việt Nam. Khởi nguồn của chính cả hai chính sách lớn, không kích Bắc Việt và đưa quân Mỹ vào tham chiến đã được gợi ý trong chỉ có “hai trang rưỡi với vài lời phân tích và lý lẽ lập luận sơ sài”[10] theo lời McNamara.

Từ bản ghi nhớ vào tháng 1 năm 1964 đó trở đi, các báo cáo và bản ghi của những người đứng đầu quân sự của Mỹ đều tập trung khuyến nghị giới lãnh đạo chính trị Hoa Kỳ đi theo hai chính sách lớn đó.

Tháng 2 năm 1964, các tham mưu trưởng tiếp tục đề nghị kế hoạch không quân Mỹ oanh tạc đường mòn Hồ Chí Minh và các mục tiêu quân sự và công nghiệp Bắc Việt Nam. Các Tham mưu trưởng liên quân cho rằng: “không có khả năng những người Cộng sản Trung Quốc sẽ đưa một số lượng có ý nghĩa các đơn vị bộ binh có tổ chức vào Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (Bắc Việt Nam)”, và họ cũng nghi ngờ Moscow sẽ “có hành động, mà theo sự suy xét của Liên Xô, sẽ làm tăng khả năng của cuộc chiến tranh hạt nhân”[11]. Giới quân sự Hoa Kỳ đã nhìn nhận cuộc chiến này dưới góc nhìn chiến tranh lạnh, và tìm mọi cách giảm bớt nỗi lo sợ của Johnson về một cuộc chiến lan rộng với hai siêu cường Trung Xô trong trường hợp Hoa Kỳ mở rộng chiến tranh.

Trước tình hình các cuộc nổi dậy ngày càng gia tăng ở miền Nam Việt Nam và dưới sức ép của các Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, lãnh đạo Mỹ bắt đầu chuyển hướng từ tháng 2 năm 1964. Tổng thống Johnson nói ngày 6 tháng 2 năm 1964: “Chúng ta giấu súng trong áo choàng và cất bom trong kho đã quá lâu. Tôi không thể đề nghị binh lính Mỹ đi sang đó tiếp tục chiến đấu mà một tay quặt ra sau lưng”[12].

Ngay sau đó, Tổng thống Johnson thông báo cho Đại sứ Lodge vào 21 tháng 2 rằng: “Với sự đồng ý của tôi, Ngoại trưởng Rusk và Bộ trưởng Quốc phòng McNamara đã bắt đầu chuẩn bị kế hoạch cụ thể gây sức ép đối với Bắc Việt Nam cả trên lĩnh vực ngoại giao và quân sự”. Johnson cử McNamara tới thăm Sài Gòn đầu tháng 3 năm 1964 để nghe quan điểm của Lodge và sau đó “chúng ta sẽ có những quyết định dứt khoát”[13].

Trong bối cảnh Mỹ đang toan tính các bước chuyển chính sách, các Tham mưu trưởng liên quân tiếp tục gửi lên một bản ghi nhớ dài vào ngày 2 tháng 3 năm 1964. Nhóm này tiếp tục khẳng định tầm quan trọng hàng đầu đối với lợi ích an ninh của Mỹ trong việc ngăn không để mất Nam Việt Nam. Để bảo vệ lợi ích an ninh Hoa Kỳ, họ tuyên bố rằng Mỹ phải chuẩn bị để phá huỷ hết các mục tiêu quân sự và công nghiệp ở Bắc Việt Nam. Hơn thế, Mỹ cũng đã tính tới khả năng khi tấn công miền Bắc Việt Nam thì Trung Quốc sẽ can thiệp. Trong bản ghi ngày 2 tháng 3, họ khuyến nghị công khai nên sử dụng vũ khí hạt nhân, “tấn công hạt nhân sẽ có khả năng to lớn hơn nhiều để ngăn Trung Quốc”[14]. Mỹ cho rằng nếu sử dụng hạt nhân, Trung Quốc sẽ “ngồi im” không can thiệp.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ McNamara đi Sài Gòn vào đầu tháng 3 và trở về vào giữa tháng. Ngày 16 tháng 3 năm 1964, McNamara báo cáo Tống thống Johnson rằng tình hình ở Nam Việt Nam đã trở nên “tồi tệ” hơn nhiều sau cuộc đảo chính Diệm. Chính phủ Nguyễn Khánh tồn tại trong trạng thái mong manh và các cuộc nổi dậy được hẫu thuẫn bởi miền Bắc gia tăng.

McNamara đã tính toán và bàn với Johnson một số phương án hành động. (1) Mỹ rút hoàn toàn khỏi miền Nam Việt Nam là không thể chấp nhận bởi lo ngại hiệu ứng Domino của Chủ nghĩa Cộng sản lan truyền khắp Đông Nam Á. (2) Trung lập hoá miền Nam Việt Nam cũng khó khả thi bởi miền Bắc rất dễ chiếm hoàn toàn miền Nam ngay sau đó, hậu quả như phương án rút lui. (3) Tấn công quân sự miền Bắc để ngăn chặn việc tiếp viện cho miền Nam.

Cho dù vậy, Mỹ vẫn quan ngại sâu sắc rằng một cuộc không kích miền Bắc sẽ dẫn tới sự tham chiến của Liên Xô hay Trung Quốc. Bản thân Nguyễn Khánh cũng lo sợ sẽ không chịu nổi việc bị miền Bắc “trả đũa” nếu Mỹ bắt đầu tấn công. McNamara và Nguyễn Khánh đã bàn thảo việc này ở Sài Gòn vào đầu tháng 3 năm 1964 nhưng vẫn không ngã ngũ về các tình huống xảy ra nếu Mỹ leo thang quân sự. Cả Mỹ và Sài Gòn đều có những dao động và do dự nhất định.

Trong khi đó, Đại sứ Mỹ Lodge đã “phản đối dữ dội”. McNamara đã kể lại quan điểm của Đại sứ Mỹ trong cuốn hồi ức của mình:

“Ông ta muốn tiến công miền Bắc thật nhanh, vừa để cắt đứt sự thâm nhập bằng người và đồ tiếp tế, vừa để tiêu diệt ý chí chiến đấu của Hà Nội. Lodge cũng nói rằng một cuộc đảo chính khác có thể lật đổ Khánh, và trong trường hợp này “Mỹ phải sẵn sàng nắm quyền điều hành đất nước, có thể là từ Vịnh Cam Ranh”.[15]

Nhưng những do dự của Mỹ chỉ là tạm thời. Kế hoạch chiến tranh đã được phe Quốc phòng Mỹ xác lập và chỉ cần một mồi lửa để kích nổ. Mồi lửa ấy chính là sự kiện Vịnh Bắc Bộ.

Vịnh Bắc Bộ: sự kiện châm ngòi

Trước những đánh giá ảm đạm trong báo cáo của CIA và dưới áp lực của những kiến nghị khẩn thiết của các Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Johnson đã yêu cầu Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng soạn thảo một kế hoạch hành động từng bước, kết hợp cả chính trị và quân sự, chống lại Bắc Việt Nam.

Vào giữa năm 1964, Hoa Kỳ đã tiến rất gần đến miệng vực của sự leo thang chiến tranh lớn “mà không xem xét đầy đủ hậu quả cũng như các phương án thay thế khác”[16], chính McNamara cũng phải thừa nhận điều này.  Quyết định không kích Bắc Việt đáng lẽ ra có thể diễn ra ngay giữa năm 1964 nhưng phải lùi lại để hợp thức hoá qua một quyết định của Quốc hội và quan trọng hơn, chờ qua cuộc bầu cử Tổng thống sẽ diễn ra vào tháng 11 năm 1964.

Tàu Maddox của Mỹ ở Vịnh Bắc Bộ

Bộ Ngoại giao Mỹ đã dự thảo một nghị quyết nhằm tìm kiếm sự phê chuẩn của Quốc hội trong việc mở rộng các hoạt động quân sự của Mỹ tại Đông Dương. Nghị quyết này về sau đã được gọi là Nghị quyết Vịnh Bắc Bộ do được thông qua ngay sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ sẽ được đề cập ở đoạn tiếp theo. Tuy nhiên, tài liệu Mỹ đã xác nhận, nghị quyết này đã được chuẩn bị trước khi sự kiện Vịnh Bắc Bộ xảy ra. Nghị quyết này đã cho phép Tổng thống Mỹ, với sự đề nghị của Chính phủ Nam Việt Nam hoặc của Chính phủ Lào, “sử dụng mọi biện pháp, kể cả đưa quân[17]” nhằm bảo vệ các chế độ này.

Chính quyền Mỹ đã quyết định hoãn việc trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết cho đến tháng 9 để tạo dựng một sự kiện làm bối cảnh cho Quốc hội dễ thông qua Nghị quyết này. Sự kiện ấy diễn ra ở Vịnh Bắc Bộ vào tháng 8 năm 1964.

Đêm 30 tháng 7 năm 1964, những tàu tuần tiễu của Mỹ, theo kế hoạch 34A, đã nã pháo vào hai hòn đảo Hòn Me và Hòn Niêu của Bắc Việt Nam trong Vịnh Bắc Bộ vì “nghĩ rằng những hòn đảo này giúp cho việc xâm nhập chống lại miền Nam”[18]. Các cuộc tấn công này mang tính khiêu khích nhằm chờ đợi sự trả đũa của quân đội Việt Nam Dân Chủ Cộng hoà.

Sáng hôm sau, tàu khu trục của Mỹ Maddox trong quá trình tuần tiễu DESOTO đã tiến vào Vịnh Bắc Bộ. Hai ngày rưỡi sau đó, hồi 3 giờ 40 phút chiều, ngày 2 tháng 8, Maddox bị tấn công bằng thủy lôi và hoả lực tự động. Maddox không bị thương vong hay hư hại gì nhưng đã bị pháo kích. Quân đội Nhân dân Việt Nam đã ra lệnh tấn công Maddox. Khi đó, Maddox chỉ cách bờ biển Bắc Việt Nam hơn 25 hải lý. Cuộc tấn công lần thứ nhất vào ngày 2 tháng 8 được cả hai bên, Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Mỹ, xác nhận.

Cuộc tấn công thứ hai vào ngày 4 tháng 8, ngược lại, hết sức mập mờ. 7 giờ 40 sáng, giờ Washington (7 giờ 40 chiều, giờ Sài Gòn), ngày 4 tháng 8, Maddox đánh điện thông báo cuộc tiến công của các tàu chiến chưa xác định đang sắp sửa xảy ra. Thông tin của Maddox đến từ “các báo cáo tuyệt mật do Cơ quan An ninh quốc gia bắt được các chỉ thị của Bắc Việt Nam chuyển tới.”[19]

Tuy vậy, cuộc tấn công thực tế đã không xảy ra và các chị thị mà Mỹ “bắt được” đã cũ, từ cuộc tấn công ngày 2. Ngay cả McNamara trong hồi ức của mình cũng phân trần: “trong thời gian cuộc tiến công xảy ra, tầm nhìn rất hạn chế. Vì lý do đó và vì các báo cáo dựa trên tiếng ồn của các thiết bị dò quét thường tỏ ra không đáng tin cậy, nên vẫn chưa chắc chắn liệu cuộc tiến công thứ hai có thực sự xảy ra hay không.”[20]

Daniel Ellsberg, thành viên nhóm nghiên cứu tối mật về chiến tranh Việt Nam của Lầu Năm Góc, cũng đã thừa nhận trong hồi ký rằng chính quyền Mỹ lúc đó đã khuyến khích “một loạt các cuộc điều tra gây xôn xao để tìm bằng chứng, nhân chứng ủng hộ cho những hành động ban đầu của cuộc tấn công hay ít ra để khẳng định một thực tế là đã có một cuộc diễn ra.”[21] Nhưng không có một cuộc tấn công nào như vậy, Mỹ đã tạo chứng cớ giả để lấy cớ ném bom miền Bắc và mở rộng chiến tranh.

Các học giả và nhà phê bình Hoa Kỳ sau này đều cho rằng đây là “một trò lừa đảo” của Chính phủ Mỹ nhằm có được sự ủng hộ của Quốc hội trong việc tham chiến ở Đông Dương. Cuộc tấn công thứ hai là hoàn toàn giả mạo.

Tuy vậy, sự kiện giả này đã trở thành cái cớ cho một loạt những hành động trả đũa thật của Mỹ. Ngay 6 giờ 15 phút chiều ngày 4 tháng 8, chưa đầy 12 tiếng sau cuộc tấn công giả mạo, Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ họp tại Nhà Trắng đã nhất trí về hành động, và Johnson đã ủy nhiệm cho lực lượng Không quân Mỹ bắt đầu tấn công miền Bắc.

Chỉ hơn một tiếng sau, hai tàu Ticonderoga và Constellation đã nhận được điện của Tổng thống cho phép tấn công. Những máy bay đầu tiên đã cất cánh từ các hàng không mẫu hạm hồi 10 giờ 43 phút đêm (theo giờ Washington). Máy bay Mỹ đã tiến hành ngay lập tức 64 lần đánh phá các căn cứ Hải quân và khu cung cấp nhiên liệu trên lãnh thổ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Chiến dịch không kích có hạn chế đầu tiên này của Mỹ khởi đầu cho một giai đoạn không kích kéo dài nhiều năm của không lực Mỹ vào lãnh thổ Bắc Việt.

Chỉ ba ngày sau, ngày 7 tháng 8 năm 1964, Thượng nghị viện và Hạ nghị viện đã biểu quyết về bản Nghị quyết mà Bộ Ngoại giao Mỹ đã chuẩn bị từ trước đó nhằm dọn đường cho Tổng thống Mỹ toàn quyền xuất binh can dự vào Đông Dương. Thượng nghị viện đã thông qua bản nghị quyết với số phiếu 88-2. Hạ nghị viện đã nhất trí thông qua với tỉ lệ tuyệt đối 416-0.

Nghị quyết này ghi rõ: “Quốc hội tán thành và ủng hộ quyết định của Tổng thống theo yêu cầu của Tổng tư lệnh là áp dụng mọi biện pháp cần thiết để đẩy lùi các đợt tấn công có vũ trang chống lại các lực lượng của Mỹ và còn nhằm ngăn ngừa sự gây chiến tiếp theo… Theo quyết định của Tổng thống là tiến hành mọi bước cần thiết, bao gồm cả việc sử dụng lực lượng vũ trang để trợ giúp bất cứ nước thành viên nào theo yêu cầu của Hiệp ước phòng thủ chung Đông Nam Á nhằm bảo vệ nền tự do của nước đó.”[22]

Với tính chất như vậy, Nghị quyết đã trao cho Tổng thống Hoa Kỳ quyền khởi động chiến tranh. Những diễn biến xung quanh nghị quyết này vẫn tiếp tục gây nhiều tranh cãi quyết liệt cho tới tận ngày nay.

Ngay cả McNamara cũng thừa nhận rằng: “Quốc hội công nhận quyền lực to lớn mà bản nghị quyết đã trao cho Tổng thống Johnson, nhưng lại không nhận thức được rằng nghị quyết này về thực chất là sự tuyên chiến và cũng không có ý định sử dụng như nó đang được sử dụng là cho phép triển khai số lượng khổng lồ lực lượng quân sự của Mỹ ở Việt Nam – từ 16,000 cố vấn quân sự lên 550,000 quân chiến đấu.”[23]

Sau này, báo cáo của Ủy ban Đối ngoại Thượng nghị viện Mỹ năm 1967, đã kết luận: “Quốc hội đã phạm phải sai lầm trong việc trao quyền phán quyết cho cá nhân Tổng thống Johnson, để thực hiện Nghị quyết mà lẽ ra nó phải là sự phán quyết tập thể.”[24]

Dù đầy tranh cãi, Nghị quyết này đã được chính quyền Johnson viện dẫn để khẳng định tính hợp hiến của các hành động quân sự tiến hành tại Việt Nam kể từ năm 1965. Một sự kiện “giả mạo” và một bản Nghị quyết đầy tranh cãi đã dọn đường để Mỹ gây ra một cuộc chiến khốc liệt và  đẫm máu cho nhân dân Việt Nam suốt gần một thập kỷ sau.

Không kích miền Bắc

Trong khi ấy, tình hình Sài Gòn rối loạn vào tháng 1 năm 1965. Các tướng lĩnh Nam Việt Nam tiếp tục tranh giành quyền lực với nhau. Các cuộc biểu tình chống chính phủ vẫn lan rộng trên các đường phố.

Cố vấn an ninh quốc gia Mac Bundy gửi bức điện cho Tổng thống Johnson vào tháng 1 năm 1965 rằng: “Tình hình hiện nay trong các lực lượng phi Cộng sản cho thấy mọi dáng vẻ của một cuộc nội chiến trong lòng một cuộc nội chiến”[25].

Sự rối loạn này càng đẩy Mỹ tới quyết định cuối cùng đã được lên kế hoạch kỹ càng trước đó, để cứu gỡ sự sụp đổ của miền Nam. Johnson đã quyết định ngày 17 tháng 2 năm 1965, cuộc tấn công thường xuyên miền Bắc sẽ bắt đầu. Thực tế, cuộc tấn công bằng không quân bắt đầu vào ngày 2 tháng 3 năm 1965.

Việc ném bom dài ngày mang tên “Sầm Rền” vào lãnh thổ Bắc Việt được giấu kín hoàn toàn đối với dư luận Mỹ. Ngày 2 tháng 3 năm 1965, đột ngột hơn 100 máy bay, được phóng từ các tàu sân bay ở Biển Đông và từ các căn cứ không quân ở Nam Việt Nam đã tấn công một kho vũ khí ở Bắc Việt Nam, mở đầu cho một chiến dịch lớn kéo dài trong suốt ba năm sau đó (1965 – 1968).

Tính cho tới tháng 8 năm 1967, thời điểm McNamara rời khỏi chức vụ Bộ trưởng Quốc phòng, ông này tổng kết rằng Mỹ đã tiến hành 173,000 phi vụ ném bom Bắc Việt. Các cuộc oanh kích của Mỹ đã nhắm vào 359 mục tiêu, 85% trong số đó đã được Tổng thống Johnson và McNamara trực tiếp đồng ý. Từ tháng 3 năm 1967, Mỹ đã thực hiện mỗi tháng không dưới 10,000 vụ ném bom gây thiệt hại khủng khiếp về người và của cho miền Bắc và cả miền Nam Việt Nam.

McNamara thừa nhận rằng trong toàn chiến dịch, “khối lượng bom thả ở Việt Nam đã lớn hơn ở toàn châu Âu trong Chiến tranh thế giới thứ II.”[26] Chiến dịch không kích miền Bắc Việt Nam là một chiến dịch không kích lớn bậc nhất trong lịch sử chiến tranh xét về cả quy mô lẫn thời gian.

Hương Giang

(Theo Tạp chí Phương Đông)

 

Chú thích:

[1] Herring, G. (2013). Cuộc chiến dài ngày giữa Mỹ và Việt Nam, 1950-1975. McGraw-Hill Higher Education.

[2] McNamara, R. S., & VanDeMark, B. (1996). Nhìn lại quá khứ: tấn thảm kịch và những bài học về Việt Nam. Vintage.

[3] Bộ Công An. (2014). Tổng kết lịch sử đấu tranh chống gián điệp biệt kích thời kỳ chống Mỹ cứu nước ở miền Bắc (1954 – 1975). Tài liệu của Tổng cục An ninh II.

[4] Bộ Công An. (2014). Tổng kết lịch sử đấu tranh chống gián điệp biệt kích thời kỳ chống Mỹ cứu nước ở miền Bắc (1954 – 1975). Tài liệu của Tổng cục An ninh II.

[5] Nt

[6] McNamara, R. S., & VanDeMark, B. (1996). Nhìn lại quá khứ: tấn thảm kịch và những bài học về Việt Nam. Vintage.

[7] Nt

[8] McNamara, R. S., & VanDeMark, B. (1996). Nhìn lại quá khứ: tấn thảm kịch và những bài học về Việt Nam. Vintage.

[9] McNamara, R. S., & VanDeMark, B. (1996). Nhìn lại quá khứ: tấn thảm kịch và những bài học về Việt Nam. Vintage.

[10] McNamara, R. S., & VanDeMark, B. (1996). Nhìn lại quá khứ: tấn thảm kịch và những bài học về Việt Nam. Vintage.

[11] McNamara, R. S., & VanDeMark, B. (1996). Nhìn lại quá khứ: tấn thảm kịch và những bài học về Việt Nam. Vintage.

[12] Herring, G. (2013). Cuộc chiến dài ngày giữa Mỹ và Việt Nam, 1950-1975. McGraw-Hill Higher Education.

[13] McNamara, R. S., & VanDeMark, B. (1996). Nhìn lại quá khứ: tấn thảm kịch và những bài học về Việt Nam. Vintage.

[14] McNamara, R. S., & VanDeMark, B. (1996). Nhìn lại quá khứ: tấn thảm kịch và những bài học về Việt Nam. Vintage.

[15] McNamara, R. S., & VanDeMark, B. (1996). Nhìn lại quá khứ: tấn thảm kịch và những bài học về Việt Nam. Vintage.

[16] McNamara, R. S., & VanDeMark, B. (1996). Nhìn lại quá khứ: tấn thảm kịch và những bài học về Việt Nam. Vintage.

[17] Ellsberg, D. (2003). Những bí mật của chiến tranh Việt Nam. Penguin.

[18] McNamara, R. S., & VanDeMark, B. (1996). Nhìn lại quá khứ: tấn thảm kịch và những bài học về Việt Nam. Vintage.

[19] McNamara, R. S., & VanDeMark, B. (1996). Nhìn lại quá khứ: tấn thảm kịch và những bài học về Việt Nam. Vintage.

[20] Nt

[21] Ellsberg, D. (2003). Những bí mật của chiến tranh Việt Nam. Penguin.

[22] Ellsberg, D. (2003). Những bí mật của chiến tranh Việt Nam. Penguin.

[23] McNamara, R. S., & VanDeMark, B. (1996). Nhìn lại quá khứ: tấn thảm kịch và những bài học về Việt Nam. Vintage.

[24] McNamara, R. S., & VanDeMark, B. (1996). Nhìn lại quá khứ: tấn thảm kịch và những bài học về Việt Nam. Vintage.

[25] McNamara, R. S., & VanDeMark, B. (1996). Nhìn lại quá khứ: tấn thảm kịch và những bài học về Việt Nam. Vintage.

[26] McNamara, R. S., & VanDeMark, B. (1996). Nhìn lại quá khứ: tấn thảm kịch và những bài học về Việt Nam. Vintage.

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN