Frank Snepp là một nhân viên CIA đã có thời gian dài hoạt động ở Việt Nam. Sau khi trở về Mỹ, Frank Snepp đã viết nhiều cuốn sách về hoạt động của CIA tại Việt Nam. Trong cuốn sách mang tên Dencent Interval, Frank Snepp đã đề cập đến việc ông ta được CIA giao nhiệm vụ trực tiếp thẩm vấn ông Nguyễn Tài, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an đã bị địch bắt năm 1970 ở Miền Nam Việt Nam.Tạp chí Phương Đông xin giới thiệu trích đoạn dịch từ trang 31- 37 của cuốn sách với tiêu đề “Niềm Tin vững chắc” (In Good Faith) để bạn đọc tham khảo. Qua bài viết này, chúng ta có thêm tư liệu hiểu rõ hơn về Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Tài, nhà lãnh đạo xuất sắc của An ninh Việt Nam, đã vượt qua mọi sự tra tấn dã man hà khắc nhất của Mỹ – Ngụy nhờ niềm tin vững chắc vào Đảng, tin vào thắng lợi của cách mạng.
Trong những tháng mùa Thu và mùa Đông trước khi có Hiệp ước Hòa bình Paris, sự quan tâm bao trùm nhất của tôi không phải nền hòa bình sắp tới là gì mà là một người đàn ông (nhỏ nhắn) trong phòng giam sơn màu tuyết trắng, một tù binh chiến tranh (Bắc Việt) bị biệt giam trong hơn một năm rưỡi qua. Tên ông ta là Nguyễn Văn Tài.
Nguyên là Thứ trưởng của Bộ Công an ở Bắc Việt Nam, ông Tài vào miền Nam năm 1962 để phụ trách công tác phản gián và mạng lưới biệt động của cộng sản ở Sài Gòn và ông đã hỗ trợ việc lập kế hoạch cho cuộc tấn công ngoạn mục vào Sứ quán Mỹ năm 1968. Trong sự nghiệp lâu dài của mình, ông là người chịu trách nhiệm chỉ đạo nhiều cuộc tấn công bí mật của lực lượng biệt động để tiêu diệt đối phương. Vào tháng 12/1970, ông đã bị bắt với vỏ bọc dân sự trong một cuộc bủa vây của chính quyền tại phía Nam Sài Gòn. Ông đã không được đối xử tử tế. Với sự hỗ trợ của Mỹ, chính quyền đã xây cho ông một buồng giam và một phòng thẩm vấn riêng, cả hai đều được sơn màu trắng toát, hoàn toàn trống trải, ngoại trừ một chiếc bàn, một chiếc ghế và một bồn cầu lộ thiên cùng các thiết bị ghi hình, ghi âm lắp đặt bí mật để ghi lại mọi động tác của ông lúc thức cũng như lúc ngủ. Những kẻ giam giữ ông đã sớm khám phá ra một điểm yếu tâm -sinh lý quan trọng của ông. Giống như nhiều người Việt Nam, ông cũng tin rằng mạch máu của ông sẽ bị co lại khi gặp khí lạnh, do đó nơi ở cũng như nơi thẩm vấn ông đã được trang bị một chiếc máy lạnh với công suất cực lớn và được mở liên tục suốt ngày đêm. Nhân viên phỏng vấn người Việt Nam đã trải qua hơn 8 tháng kể từ khi ông bị bắt để cố gắng đánh gục tư tưởng của ông nhưng đã không thành công. Ông đã nói với một trong số những nhân viên tra tấn mình: “Tôi sẽ bắn anh chết gục trên đường phố nếu tôi có dịp thoát ra ngoài”.
Vào đầu năm 1972, một chuyên viên Hoa kỳ đã được mời tham dự cuộc thẩm vấn ông. Anh ta đã đạt được một vài tiến triển trong việc để ông Tài đối chất với các nhân viên cấp dưới cũ là những kẻ hoặc đã đào ngũ (chiêu hồi) hoặc đã bị bắt giữ tương tự. Các cuộc đối chất và những buổi gặp đối diện trực tiếp của những người này với ông đã buộc ông Tài phải thừa nhận một phần nào nguồn gốc lai lịch căn cước giả và vỏ bọc của mình. Thế nhưng một khi phải đối mặt với những kẻ tố giác mình thì ông cũng biết ngay được rằng chính quyền Nam Việt Nam đã có được những bằng chứng buộc tội ông đến đâu, ông sẽ phải thú nhận đến đâu và có thể tiếp tục che giấu được đến đâu.
Trong lúc đó, chính ông Tài cũng không hay biết ông đã trở thành mục tiêu của một trong những hành động tình báo tinh vi nhất của Hoa Kỳ chưa từng được triển khai ở miền Nam Việt Nam. Một hành động được xem là vấn đề mấu chốt cho việc phóng thích nhiều tù binh chiến tranh Mỹ…
Ngay trước khi rời Washington tới Sài Gòn vào tháng 10/1972, một viên chức cao cấp của CIA đã thuyết trình cho tôi về vụ việc này, nhấn mạnh đến nhu cầu cần có sự tiến triển tức thời. Đó là lần đầu tiên tôi được nghe về ông Tài và các đề nghị trao đổi tù binh, mặc dù phần lớn các cuộc tiếp xúc đầu tiên giữa đại diện của ông Đằng và tòa Đại sứ Mỹ đã diễn ra trong nhiệm kỳ đầu của tôi ở Sài Gòn.
Thông thường, người thẩm vấn cần có thời gian vài tuần lễ đọc hồ sơ nội vụ chuẩn bị cho cuộc hỏi cung của mình, nhưng tôi đã đến thẳng phòng giam trắng toát, lạnh lẽo của ông Tài ngay sau khi vừa đến Sài Gòn. Ông Tài là người đàn ông nhỏ nhắn nhưng còn rất khỏe mạnh, ông đã giữ được thân hình thon gọn bằng việc tập thể dục nhiều giờ mỗi ngày trong phòng giam chỉ vẻn vẹn 3m x 3m. Chỉ có khuôn mặt của ông Tài lộ rõ sự tác động của những ngày biệt giam cực khổ, nét mặt hốc hác, nhợt nhạt, xanh xám và u buồn vì thiếu ánh sáng mặt trời, bộ râu rậm rạp hơn những người Việt khác vì ông ấy chỉ được phép cạo râu hai lần một tuần. Là một người có ý thức kỷ luật nghiêm khắc, ông Tài thường tự thức dậy lúc 6 giờ sáng hàng ngày, tập thể dục, đọc sách tiếng Việt hoặc tiếng Pháp do người bảo vệ cung cấp trong khoảng nửa tiếng, rồi chuẩn bị ăn sáng. Sau đó ông ấylặp lại các hoạt động thường ngày cho đến khi đặt mình trên giường khi đi ngủ vào lúc 1 giờ đêm, không hề nhìn thấy mặt trời mọc và lặn lúc nào. Theo hồ sơ nội vụ, ông chỉ có hai nhược điểm có thể khai thác được ngoài việc không chịu được khí lạnh của máy điều hòa. Là một Đảng viên trẻ đang có nhiều triển vọng vào đầu thập kỷ 50, ông đã cố gắng tự chứng minh với cấp trên bằng cách trợ giúp việc tố cáo và giam giữ chính người bố đẻ của mình – một nhà văn Bắc Việt nổi tiếng với cách nhìn u tối về thế giới không tưởng của cộng sản. Người Việt Nam thường có tình cảm gia đình rất mãnh liệt nên một hành động như vậy của ông Tài dù có hợp lý đến đâu cũng chỉ gây ra sự thương tổn mà thôi. Ngoài ra ông Tài đã được đào tạo trong khuôn mẫu hoạt động tình báo của chính chúng ta (CIA). Phải hy sinh bản thân quá nhiều cho nhiệm vụ của mình, ông Tài hẳn phải tự thuyết phục bản thân về sự chính nghĩa đúng đắn của nhiệm vụ đó và ý thức cao cả về trách nhiệm và đạo đức của mình. Thuyết phục được ông Tài về sự sai lầm trong nhận thức về một trong bất kỳ vấn đề nào nêu trên và toàn bộ nhân cách sẽ khởi đầu cho sự sụp đổ.
Dựa vào vốn tiếng Pháp lâu ngày không được sử dụng và một thông dịch viên tiếng Việt, tôi vừa lăng mạ vừa dụ dỗ với vai trò một người Mỹ thô lỗ, không tôn trọng tuổi tác hay kinh nghiệm; ông Tài đã phản công lại, bám chặt lấy những gì còn lại trong vỏ bọc của mình. Nhưng trong khi cố gắng chống đỡ bảo vệ nguồn gốc của mình, với sự thực nửa vời về lời khai của mình ấy, ông ấy đã nói cho tôi nhiều hơn và luôn được bổ sung vào hồ sơ của ông ta. Tôi đã tự kể cho ông Tài nghe câu chuyện về một người đàn ông phản bội lại bố mình và ông Tài đã đáp lại: “Đừng có mưu toan lừa tôi vào cái bẫy như thế” trong khi phủ nhận câu chuyện trên có ý liên quan đến mình. Ông Tài nhấn mạnh: “Tôi chỉ là một nông dân bình thường vào Nam ủng hộ các lực lượng giải phóng”. Thế nhưng ông ta không thể từ chối những quyển sách thơ ca bằng tiếng Pháp mà tôi mang vào, một món ăn tinh thần rất “nặng ký” cho một người “nông dân” bình thường, hay các loại sách lịch sử của Hoa Kỳ bằng tiếng Việt. Tôi cũng tặng cho ông ta một cuốn sách văn phạm tiếng Anh, hy vọng ông tự học để nói một vài câu tiếng Anh khi thẩm vấn.
Nhiều tuần lễ trôi qua, sự việc trở nên căng thẳng hơn cho cả hai chúng tôi. Mỗi ngày tôi sắp xếp hai hoặc ba cuộc đấu trí với ông Tài, mỗi cuộc kéo dài từ 2 đến 3 tiếng đồng hồ, nhưng có thay đổi giờ giấc để làm xáo trộn thời gian biểu hoạt động của ông ấy trong mỗi ngày. Sau đó, vào khoảng 6 tuần kể từ khi tôi phụ trách vụ án, trong một cuộc phỏng vấn vào buổi sáng, tôi đã tình cờ khám phá ra một sự việc khác thường hé lộ trên khuôn mặt của ông Tài. Tôi đã cố khơi dậy nỗi nhớ nhà bằng cách nêu ra các câu hỏi về vợ và con của ông, về những người ông không được gặp kể từ năm 1962. Ông ấy đột nhiên bất động. Ông Tài nói: “Tôi không thể nghĩ gì về vợ và các con của tôi”. Ông nói tiếp: “Cách tốt nhất để tôi vượt qua hoàn cảnh này là gạt mọi hy sinh như thế sang một bên. Khi đó tôi sẽ không có ảo tưởng và sự thất vọng nào”.
Tôi dành vài tuần sau đó để khơi sâu thêm vết thương lòng với các câu hỏi: vợ ông là người như thế nào, bà ta bao nhiêu tuổi, các con của ông có đến trường đi học hay không. Ông sẽ làm gì khi hòa bình trở lại với Việt Nam. Cũng đã có cuộc trao đổi tù binh khi ngừng chiến tranh Triều Tiên. Khi đó có lẽ ông sẽ được phóng thích. Hồ sơ vụ ông Tài càng dày hơn khi ông ta cũng bộc lộ thông tin chi tiết này chi tiết kia trong sự níu kéo yếu ớt của ông về một niềm hy vọng mà ông biết là không thể có được. Tôi đã báo cáo sự tiến triển về Washington. Các thượng cấp của tôi xem ra có vẻ hài lòng. Bởi vì tôi đã trở thành một chuyên viên trong một vụ án như thế, nhiệm vụ của tôi đã được mở rộng. Trong tháng 11/1972 tôi được phân công phụ trách thêm 2 đối tượng nữa là Lê Văn Hoài và Năm Quyết là hai nhân vật đã hiện diện trong các đề nghị liên quan đến các cuộc trao đổi với Ramsey. Ông Hoài là cán bộ công vận, thực ra lại là một người mềm lòng và dễ bị thuyết phục… Năm Quyết thì khó khăn hơn, bất kỳ khi nào tôi châm chọc ôngta với những câu hỏi quan trọng, ông ta đều rơi vào trạng thái lên cơn ho làm nặng thêm bệnh ho lao và viêm cuống họng của ông ta. Khi cuộc phỏng vấn tiếp tục thì máu ứa ra từ mũi và miệng. Ông ta không thể kìm nén được, có lúc máu phun cả ra người tôi.
Tuy thế, vào khoảng đầu tháng 1/1973, tôi đã bắt đầu tập hợp được thông tin có thể dùng được từ 3 người này. Ông Tài dường như có vẻsắp sửa suy sụp. Washington thúc giục tôi tiếp tục tiến tới, những người Nam Việt Nam khuyến cáo tôi cần áp dụng chiến thuật mạnh tay hơn. Đột nhiên, cuộc ngừng bắn khiến cho tất cả các cuộc thẩm vấn này đình chỉ hoàn toàn.
Theo thỏa thuận đã đạt được ở Paris, mọi tù bình bị bắt giữ bởi Chính phủ miền Nam Việt Nam và phe cộng sản đều được thông tin theo các điều khoản của Hiệp Định, bao gồm cả khả năng trao đổi tù binh trong vòng vài ngày sau khi ký Hiệp định. Ngày 1/2/1973 tôi đã nói qua tin này cho ông Hoài và Năm Quyết. Hai ngày sau đó tôi đã thông báo cho ông Nguyễn Văn Tài. Ông ấy ngồi một lúc trong khi run rẩy trước máy lạnh. Ông Tài nói bằng tiếng Pháp với tôi: “Nếu những điều ông nói với tôi là sự thật, thì đây là ngày sung sướng nhất của đời tôi”. Khuôn mặt ông ấy không để lộ cảm xúc gì. Hai tay của ông vẫn khoanh trước bụng, cánh tay áo ngủ màu xám rủ xuống từ đôi bờ vai gầy của ông. Sau cùng ông nói: “Tôi chỉ có một câu hỏi sau cùng: Liệu các lực lượng giải phóng sẽ được phép tham dự cùng các cường quốc trong hội nghị Geneva hay không? Chúng tôi không thể bị bán đứng một lần nữa” (Vì không có tin tức nên ông Tài tưởng rằng hội nghị diễn ra ở Geneva thay vì ở Paris). Tôi nói tôi không biết. Khi hòa bình đã cận kề, nhà cách mạng lão luyện ở tuổi 45 này lại lo sợ phải phó thác mình cho mong ước tối thượng.
Đó là lần cuối cùng tôi nhìn thấy ông Nguyễn Văn Tài. Các nhà chức trách Nam Việt Nam rất giận dữ về việc tôi thông báo cho ông Tài về Hiệp định Paris. Họ gầm lên rằng tôi đã đánh mất đòn bẩy duy nhất mà họ còn có được ở ông ấy và tôi đã phản bội lại lòng tin của họ dành cho tôi. Họ nhấn mạnh các điều khoản trao đổi tù binh sẽ không được áp dụng với ông Tài bởi vì ông ta chưa bao giờ thừa nhận đầy đủ nguồn gốc lai lịch của mình./.
Tác giả: Frank Snepp
(Theo Tạp chí Phương Đông)