Thành lập Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam: Một quyết định mang dấu mốc lịch sử của cách mạng nước ta

Những ngày tháng 6 này 50 năm trước, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã ra đời. Sau đúng nửa thế kỷ nhìn lại, chúng ta càng thấy đây là một quyết định lịch sử sáng suốt, thể hiện đỉnh cao vận dụng phương pháp cách mạng của Đảng và Bác Hồ trong cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Phân tích lại quyết định này cho chúng ta những bài học chính trị còn nguyên giá trị cho tới ngày nay.

Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trong buổi ra mắt, tháng 6 – 1969. (Ảnh tư liệu BTLSQG)

Trước hết, cần hiểu bối cảnh dẫn đến sự thành lập Chính phủ Cách mạng Lâm thời. Lúc này, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam sau khi thành lập đã lãnh đạo quân dân miền Nam giành được nhiều thắng lợi quan trọng, làm thất bại chiến lược can thiệp quân sự trực tiếp của Mỹ vào miền Nam. Đặc biệt, Mặt trận Dân tộc Giải phóng lãnh đạo quân giải phóng miền Nam tiến hành cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968. Sau cuộc tấn công, Mỹ hiểu rằng phải thay đổi chiến lược, rút dần quân Mỹ khỏi miền Nam và ngồi vào bàn đàm phán tại Paris để đi tìm một giải pháp hòa bình.

Với sự thay đổi này trong chính sách đối ngoại Hoa Kỳ, vấn đề thành lập chính quyền cách mạng ở miền Nam trở thành yêu cầu cấp bách. Vì thế, Đại hội đại biểu quốc dân từ ngày 6 đến ngày 8 tháng 6 năm 1969 được triệu tập tại khu rừng Tà Nốt – Tà Đạt (Tân Biên, Tây Ninh). Thành phần tham dự Đại hội gồm đại diện của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam; Liên minh các lực lượng vũ trang dân tộc, dân chủ, hòa bình Việt Nam cùng đại biểu các lực lượng yêu nước khác ở miền Nam Việt Nam. Đại hội này đã bầu ra Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam do Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát làm Chủ tịch, và Hội đồng Cố vấn Chính phủ do Luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm Chủ tịch. Quyết định này thể hiện một tầm nhìn rất xa của Đảng và Nhà nước ta, thể hiện ở một số điểm như sau:

Thứ nhất, sự ra đời của Chính phủ Lâm thời tạo ra cơ sở pháp lý vững chắc cho lực lượng Cách mạng ở miền Nam Việt Nam. Trước đây, Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã liên tục vu khống rằng quân đội miền Bắc “xâm lược” để chiếm miền Nam và Mặt trận Dân tộc Giải phóng bị coi là lực lượng nổi loạn dưới sự xúi giục của miền Bắc. Việc thành lập Chính phủ Lâm thời đập tan luận điệu này của Mỹ, khẳng định rằng công cuộc chống Mỹ là sứ mệnh hợp pháp của quân dân miền Nam. Thực tế, ngay sau khi được thành lập, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam đã được 23 nước công nhận, trong đó có 21 nước đặt quan hệ ngoại giao. Từ tháng 6-1969 đến cuối năm 1975, đã có hơn 50 nước trên thế giới (trong đó có nhiều nước Tư bản chủ nghĩa) công nhận và lập quan hệ ngoại giao với Chính phủ Cách mạng Lâm thời. Như vậy, Chính phủ mới đã không chỉ tạo nền tảng pháp lý cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc mà còn làm suy yếu tính chính đáng của Chính quyền Nguyễn Văn Thiệu do Mỹ dựng lên.

Thứ hai, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam đóng vai trò rất quan trọng trong việc tập hợp lực lượng cho cuộc đấu tranh thống nhất đất nước. Chính quyền Cộng hòa Miền Nam Việt Nam được tổ chức rất bài bản, từ cấp Trung ương tới cấp tỉnh và thành phố, cấp huyện và cấp xã. Các cấp địa phương đều có Hội đồng Nhân dân Cách mạng và Ủy ban Nhân dân Cách mạng. Với hệ thống sâu rộng như vậy, Chính phủ Cách mạng Lâm thời đã công bố chương trình hành động 12 điểm nhằm động viên quân dân miền Nam đẩy mạnh sự nghiệp chống Mỹ cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn.

Ngay sau khi thành lập, ngày 7 tháng 11 năm 1969, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã tuyên bố: “Miền Nam Việt Nam phải được độc lập, tự do… Nhân dân Việt Nam, nhân dân Mỹ và nhân dân thế giới đòi Mỹ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược, rút hết quân Mỹ và quân các nước chư hầu – đồng minh của Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam mà không được đòi điều kiện gì, phải từ bỏ chính quyền tay sai Thiệu – Kỳ – Khiêm độc tài, hiếu chiến và thối nát để nhân dân Việt Nam giải quyết công việc nội bộ của mình”.  Những tuyên bố như vậy góp phần quan trọng kêu gọi toàn quân, toàn dân, không phân biệt chính đảng, tôn giáo, dân tộc, đoàn thể, nghề nghiệp… cùng tăng cường đoàn kết vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Thứ ba, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam tạo uy thế chính trị trên bình diện quốc tế để trở thành một bên chính thức trong hòa đàm Paris. Cho dù Chính phủ Nguyễn Văn Thiệu rất tức giận và không chấp nhận, với tư cách là chính thể quản lý các vùng đất do Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam kiểm soát, Mỹ cũng buộc phải công nhận Chính phủ Lâm thời là một trong bốn thành phần chính yếu của Hội nghị Paris. Sau Hiệp định Paris, thị xã Đông Hà trở thành nơi đặt trụ sở của Chính phủ Cách mạng Lâm thời. Có thể nói, sự góp mặt của đoàn Chính phủ Lâm thời tại Paris do bà Nguyễn thị Bình dẫn đầu đã khiến cho vị thế của Việt Nam ở cuộc đàm phán được nâng cao, góp phần buộc Mỹ phải ký kết hiệp định, rút quân hoàn toàn khỏi miền Nam Việt Nam.

Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình trên bàn đàm phán ở Hội nghị Paris

Thứ tư, Chính phủ Lâm thời có cơ sở hợp pháp để tiếp quản các lãnh thổ thuộc kiểm soát của Việt Nam Cộng hòa sau chiến thắng 30 tháng 4 năm 1975. Ngày 30-4-1975, sau khi tiếp nhận sự đầu hàng của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa, Chính phủ Cách mạng Lâm thời tuyên bố: “thực hiện chủ quyền trên toàn vẹn lãnh thổ của mình trên toàn bộ miền Nam Việt Nam, là người đại diện chân chính và hợp pháp duy nhất của nhân dân miền Nam Việt Nam, có đầy đủ quyền hành giải quyết những vấn đề quốc tế của miền Nam Việt Nam”. Thông qua tuyên bố này và việc tiếp nhận sự đầu hàng của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa, Chính phủ Cách mạng Lâm thời đã khẳng định chính thức thực hiện quyền kế thừa quốc gia đối với Việt Nam Cộng hòa, đặc biệt là kế thừa chủ quyền của Việt Nam Cộng hòa đối với lãnh thổ miền Nam Việt Nam, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Thứ năm, sau năm 1975, Chính phủ Cộng hòa Miền Nam Việt Nam giúp kế thừa tư cách ngoại giao và các cơ quan đại diện ở nước ngoài, tư cách thành viên tại các tổ chức quốc tế của miền Nam Việt Nam. Tất cả những kế thừa này đều được thực hiện theo đúng thông lệ quốc tế và Công ước về kế thừa quốc gia. Nhờ đó, ngay sau Giải phóng miền Nam, trong nửa đầu tháng 5/1975, thêm rất nhiều nước đã công nhận Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam trong đó có Thái Lan, Thụy Điển, Phần Lan, Ấn Độ, Đan Mạch, Pakistan, Jamaica, Síp, Chính phủ Liên hiệp Dân tộc Lâm thời Lào, Nigieria, Kuwait, Nhật Bản, Úc, Nepal, New Zealand, Anh, Ý, Pháp, Bỉ, Canada. Cũng nhờ đó mà Cộng hòa Miền Nam Việt Nam đã đòi quyền đại diện tại hầu như tất cả các tổ chức quốc tế trong và ngoài hệ thống Liên Hợp Quốc mà trước đó Việt Nam Cộng hòa đã tham gia (WHO, ILO, UNESCO, ICAO, IAEA, IMF, Ngân hàng Thế giới…). Việc Cộng hòa Miền Nam Việt Nam tiếp quản các cơ quan đại diện và tài sản của chính phủ Việt Nam Cộng hòa cũng như quy chế hội viên tại các tổ chức quốc tế diễn ra thuận lợi, không gặp một trở ngại nào về pháp lý vì các quốc gia và tổ chức quốc tế đều quan niệm rằng theo luật pháp quốc tế đây chỉ là sự thay đổi chính quyền trên lãnh thổ miền Nam Việt Nam, không làm phát sinh chủ thể mới.

Thứ sáu, Chính phủ Lâm thời đóng vai trò lịch sử trong cuộc thống nhất đất nước vào năm 1976. Ngay từ khi mới thành lập, trong quan hệ với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chính phủ Cộng hòa Miền Nam Việt Nam đã  khẳng định chủ quyền ở miền nam Việt Nam, nhưng rất khôn khéo không từ chối các tuyên bố về chủ quyền cả nước của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chính phủ Lâm thời cũng đã nhanh chóng Hiệp thương với miền Bắc, đẩy nhanh quá trình diễn ra cuộc Tổng tuyển cử. Từ ngày 15 đến 21 tháng 11 năm 1975, Hội nghị Hiệp thương Chính trị được tổ chức tại Sài Gòn, giữa đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, do ông Trường Chinh đứng đầu, và đoàn Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam, do ông Phạm Hùng đứng đầu. Hai bên đã tán thành tổ chức bầu cử Quốc hội Thống nhất. Vào ngày 25 tháng 4 năm 1976, cuộc Tổng tuyển cử tái thống nhất Việt Nam đã diễn ra theo đúng Hiệp định Paris. Ngày 2 tháng 7 năm 1976, Cộng hòa Miền Nam Việt Nam và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thống nhất thành Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Với tất cả các lý do như đã nói ở trên, nửa thế kỷ đi qua càng làm chúng ta thấy quyết định thành lập Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam vào tháng 6 năm 1969 là một quyết định lịch sử đặc biệt sáng suốt của Đảng ta, nó không chỉ tạo ra những lợi thế chiến thuật trước mắt trong cuộc kháng chiến và đàm phán với Mỹ, mà còn tạo ra lợi thế chiến lược lâu dài, xây dựng một nước Việt Nam độc lập, thống nhất. Lịch sử sẽ mãi ghi nhận tính đúng đắn của quyết định thành lập chính phủ Cộng hòa miền Nam Việt Nam như một mốc son chói lọi trong trang sử dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ vĩ đại.

Nguyễn Văn Hưởng

 

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN