Quan điểm và thái độ của Mỹ tại Hội nghị Geneve 1954

Đối với vấn đề Đông Dương, Mỹ, trước sau như một, không hề muốn thế giới tập trung vào đi tìm một giải pháp hoà bình. Mỹ tìm mọi cách hướng sự chú ý về chiến trường để có một chiến thắng quân sự. Mỹ không muốn một kịch bản ngừng chiến theo kiểu Triều Tiên lập lại ở Đông Dương. Sở dĩ như vậy bởi Mỹ đã liệu định trước rằng nếu có một cuộc hoà đàm chắc chắn sẽ phải dẫn tới hai trường hợp: (1) chính phủ liên hiệp với Cộng sản hoặc (2) phải chia cắt Việt Nam. Hoa Kỳ đã phân tích 2 trường hợp này như sau:

Thứ nhất, hình thành một chính phủ liên hiệp đồng nghĩa với phải tổ chức một cuộc bầu cử. Mỹ cho rằng ngay cả khi cuộc bầu cử ấy diễn ra một cách hoàn toàn dân chủ thì một chiến thắng của Việt Minh gần như là chắc chắn do Việt Minh kiểm soát lãnh thổ, được sự ủng hộ rộng rãi của dân chúng và có những sách lược rất linh hoạt. Thứ hai, Mỹ cho rằng chia cắt đất nước Việt Nam đồng nghĩa với nhượng lại vùng Bắc Kỳ chiến lược cho Việt Minh, dẫn tới chính sách ngăn chặn Cộng sản phần nào thất bại.

Ngay từ khi đang bàn Hội nghị Geneve, Mỹ đã tính dựng các con bài để thế chân Pháp tiếp tục cuộc chiến ở Đông Dương. Đây là hình ảnh Ngô Đình Diệm thăm chính thức Hoa Kỳ năm 1957 sau khi Mỹ phá hoại Hiệp định Geneve

Với tính tính toán như vậy, ngay cả khi biết chắc rằng vấn đề Đông Dương sẽ được đem ra bàn thảo tại Geneve vào tháng 4, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã thông qua quan điểm rõ ràng của Mỹ vào ngày 23 tháng 3 năm 1954: Mỹ sẽ không tham gia vào bất kỳ thoả hiệp nào “không thể đảm bảo một cách đầy đủ và hợp lý tính toàn vẹn về chính trị và lãnh thổ của Đông Dương trong tương lai…” Ngày 4 tháng 4, Tổng thống Mỹ Eisenhower viết thư cho Thủ tướng Anh Churchill: “Không có giải pháp đàm phán cho vấn đề ở Đông Dương, về bản chất, không thể coi giải pháp này là một cách giữ thể diện khi Pháp đầu hàng hay khi Việt Minh rút lui.”

Như vậy, Mỹ đã phản đối hòa đàm tại Geneve ngay từ đầu. Vì thế, trong khi các nước ráo riết chuẩn bị cho Hội nghị Geneve thì Mỹ chỉ lo vận động Anh và Pháp áp dụng biện pháp quân sự thay vì đàm phán hoà bình.

Cho tới sát giờ khai mạc Hội nghị, Mỹ vẫn không sẵn sàng cho đàm phán hoà bình. Ngoại trưởng Mỹ Dulles đến Geneve vào ngày 15 tháng 4 trong tâm trạng không vui vẻ gì, hơn thế, muốn phá hoại hội nghị. Điểm cao là việc Mỹ “đe doạ” rút khỏi hội nghị nếu kết quả bất lợi cho phương Tây. Ngày 25 tháng 4 năm 1954, Ngoại trưởng Dulles tuyên bố trách nhiệm tìm ra giải pháp cho Đông Dương là của Pháp, phe Quốc gia phi Cộng sản ở Việt Nam và Việt Minh. Ông này tuyên bố Mỹ không có trách nhiệm lớn trong Hội nghị này và khẳng định: “chúng tôi có thể sẽ muốn rút khỏi hội nghị.” Những tuyên bố này thể hiện rõ toan tính của Mỹ đối với Đông Dương, Mỹ không muốn dính líu tới Hội nghị và không muốn cam kết gì để dễ bề tiếp tục chính sách ngăn chặn cộng sản bằng cách thế chân Pháp ở Đông Dương.

Nước Mỹ tiếp tục thể hiện thái độ cứng rắn với Hội nghị Geneve khai mạc ngày 26 tháng 4 năm 1954. Quan điểm của Mỹ trước sau như một vẫn là không ủng hộ các phương án thương lượng với phe Cộng sản. Ngày 8 tháng 5, tức ngày Hội nghị Geneve bắt đầu bàn về Đông Dương, Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ nhóm họp và đưa ra những chỉ dẫn chính sách cho quá trình đàm phán của Mỹ ở Geneve:

“Mỹ sẽ không tham gia vào bất kỳ đề xuất nào hướng đến một thoả thuận ngừng bắn trước khi một hiệp định đình chiến có thể chấp nhận được đưa ra, bao gồm kiểm soát quốc tế. Mỹ có thể tán thành việc bắt đầu đàm phán cho một hiệp định đình chiến như vậy. Trong quá trình đàm phán đó, Pháp và các nước liên minh sẽ phải tiếp tục chiến đấu. Trong khi đó, để củng cố vai trò của Pháp và các nước liên minh trong quá trình đàm phán, Mỹ sẽ tiếp tục chương trình viện trợ và nỗ lực xây dựng và trang bị kịp thời cho một lực lượng ở khu vực Đông Nam Á nhằm mục đích ngăn chặn sự bành trước của thế lực Cộng sản ở Đông Nam Á.”

Ngày 12 tháng 5, trưởng đoàn đàm phán của Mỹ ở Geneve Bedell Smith nhận được chỉ đạo rõ ràng từ trong nước rằng Mỹ phải gây ảnh hưởng lên cuộc đàm phán nhưng không bị ràng buộc bởi các thoả thuận, không ủng hộ bất kỳ giải pháp hoà bình hay ngừng bắn nào. Ngoại trưởng Mỹ Dulles chị thị rằng Mỹ sẽ là “nước liên quan, tuy nhiên không có vai trò chủ sự và cũng không phải bên tham chiến.”

Chỉ thị của Ngoại trưởng Dulles cho trưởng đoàn đàm phán Mỹ Smitt thể hiện thái độ cứng rắn của Mỹ đối với Hội nghị. Thái độ này đã được duy trì suốt trong Hội nghị và sau Hội nghị. Mỹ đã tự cho mình quyền được đóng vai một nhà quan sát thay vì trở thành một bên liên quan để có cớ rút khỏi những cam kết của Hội nghị bất kỳ lúc nào. Thực tế sau này Mỹ đã làm đúng như vậy.

Trong giai đoạn Hội nghị Geneve nghỉ giữa chừng do không tìm được sự đồng thuận, Mỹ và Anh khi đó đã nhóm họp tại Washington vào ngày 24 tháng 6 để bàn tính giải pháp cho Geneve theo đề nghị của Pháp. Đích thân Thủ tướng Anh Churchill và Ngoại trưởng Anh Eden đã bay đến Mỹ để hội đàm với lãnh đạo Hoa Kỳ. Hai nước cùng thông qua một bộ nguyên tắc đàm phán “không công khai” tại Geneve. Bộ nguyên tắc này gồm 7 điểm trong đó có điểm 2 chấp nhận: “Duy trì ít nhất là miền Nam Việt Nam, và một khu vực bao vây ở Bắc Kỳ nếu có thể, với giới tuyến từ Đồng Hới về phía Đông, không xa hơn.”

Thực chất, Hoa Kỳ cũng không quá hào hứng trong việc buộc phải đưa ra nguyên tắc bảy điểm trong đó chấp nhận chia cắt Việt Nam. Ngoại trưởng Dulles vẫn tuyên bố về khả năng đơn phương rút lui kể cả khi bảy điểm này được đồng thuận. Nhưng sức ép từ thực tế chính trị buộc Mỹ phải đưa ra nguyên tắc đàm phán như vậy.

Từ giữa tháng 6 năm 1954, Mỹ mới bắt đầu tin rằng không còn cách nào khác ngoài đàm phán tại Geneve. Giờ đây, Mỹ hiểu rằng cách đỡ tồi tệ nhất là tác động lên các bên tham gia Hội nghị để có một kết quả chấp nhận được và có lợi hơn cả cho lợi ích của Mỹ. Việc xác định buộc phải “nhường” một nửa Việt Nam được Mỹ coi là “bước lùi” mà Mỹ chấp nhận trước tình thế chính phủ Pháp chỉ còn không tới ba tuần để thực hiện thời hạn hoà bình. Kết quả cuối cùng của Hội nghị Geneve là phân chia Việt Nam ở Quảng Trị cách không xa so với mốc Đồng Hới mà Mỹ, Pháp, Anh đã dự tính. Tất cả những điểm còn lại trong 7 điểm cũng gần như đã được hiện thực hoá trong biên bản cuối cùng của Hiệp định Geneve.

Tuy thế, Mỹ vẫn tiếp tục phản đối gửi đoàn đại biểu cấp cao Hoa Kỳ tới Geneve để tham gia nửa sau của Hội nghị vào đầu tháng 7 năm 1954. Thậm chí, Ngoại trưởng Dulles còn phủ nhận rằng phương Tây đã đi đến một lập trường đàm phán thống nhất ngay cả khi đã có bản ghi chép bảy điểm. Mỹ đã chuẩn bị đầy đủ lý do và lý lẽ để rút khỏi thoả ước Geneve khi Hội nghị kết thúc.

Ngoại trưởng Mỹ Dulles cuối cùng đã chấp nhận bay đến Paris sau khi Thủ tướng Pháp Mendes France khẳng định Pháp sẽ không chấp nhận điều gì Mỹ không chấp nhận. Đêm 14 tháng 7, Mỹ và Pháp ký tuyên bố khẳng định lập trường nhưng Mỹ tiếp tục đưa vào những luận điểm để sau này có cơ sở rút khỏi cam kết Geneve. Mỹ tái khẳng định rằng Hoa Kỳ chỉ tham gia hội nghị như một “quốc gia thân thiện”, nhằm hỗ trợ cho các bên không theo Cộng sản, các nước liên minh và Pháp. Tuyên bố giữa Mỹ và Pháp cũng chỉ rõ bảy điểm chỉ là những gì có thể chấp nhận được đối với “các quốc gia chủ yếu có liên quan”, những quốc gia mà Mỹ “coi trọng”.

Mỹ cũng tái khẳng định nếu những điều khoản cuối cùng của Hiệp định có sai khác lớn so với bảy điểm, Mỹ có thể “công khai rút khỏi những điều khoản khác biệt đó”. Washington cũng thành công trong việc đưa vào tuyên bố này ý định “cùng với các nước liên quan hướng tới thành lập một tổ chức phòng ngự tập thể nhằm mục đích gìn giữ sự toàn vẹn của các vùng lãnh thổ không thuộc Cộng sản ở Đông Nam Á”. Như vậy, không chỉ để ngỏ cửa rút khỏi hiệp định, Mỹ đã lộ rõ ý đồ chuẩn bị lực lượng để tiếp tục chiến lược ngăn chặn Cộng sản những năm về sau.

Dẫu Mỹ và Pháp đã đồng ý về nguyên tắc, Thủ tướng Pháp vẫn e ngại sự  vắng mặt của Dulles ở phần hai của Hội nghị nên thúc ép Ngoại trưởng Mỹ phải có mặt để tránh làm cho thế giới thấy rằng Mỹ  “không tán thành hội nghị cũng như mọi kết quả sau đó”, “có dã tâm liên quan tới việc lập lại hoà bình ở Đông Dương” hay cho thế giới thấy “sự chia rẽ trong nội bộ của thế lực phương Tây.” Mỹ đồng ý với Pháp và thông báo với Pháp ngày 14 tháng 7 rằng, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ, tướng Walter Bedell Smith, sẽ sớm trở lại Geneve để tham gia với Pháp trên cơ sở đồng thuận giữa hai bên.

Tuy vậy, Bedell Smith tiếp tục nhận được chỉ đạo của Ngoại trưởng Dulles rằng Mỹ phải tiếp tục đóng vai trò “chính thức nhưng thụ động”, và kể cả khi đạt được thoả thuận cũng sẽ “không ký với Cộng sản trong bất kỳ Tuyên bố nào”. Hồ sơ mật Lầu Năm Góc của Mỹ đã thừa nhận Dulles dặn dò Smith rất kỹ rằng không bao giờ được để Mỹ rơi vào tình huống phải chịu trách nhiệm trước bất kỳ kết quả nào của Hội nghị và rằng không được để lộ ra bất kỳ thông tin nào cho thấy “Mỹ sẽ can thiệp vào chiến tranh nếu Hội nghị Geneve thất bại.”

Những tính toán nhằm phá bỏ kết quả Geneve của Hoa Kỳ đã được định sẵn. Hoa Kỳ đã không ký kết vào Hiệp định và sau đó đã dựng chế độ Ngô Đình Diệm, khước từ tổng tuyển cử để thống nhất hai miền Nam Bắc Việt Nam theo đúng Hiệp định. Tất cả đều hướng tới mục tiêu then chốt của Hoa Kỳ là ngăn chặn Chủ nghĩa Cộng sản lan rộng ở Đông Dương nói riêng và Châu Á nói chung. Điều này đã được thể hiện rất rõ trong mọi động thái và tuyên bố của Hoa Kỳ trước, trong và sau Hội nghị Geneve lịch sử.

Theo Tạp chí Phương Đông

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN