Quan điểm và thái độ của Mỹ đối với Đông Dương trước và sau cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945

Việt Nam nằm dưới ách thống trị của thực dân Pháp từ cuối thế kỷ 18 tới nửa đầu thế kỷ 20. Nằm dưới sự kiểm soát của Pháp, đất nước Việt Nam chỉ là một thực thể trong Đông Dương, không có vị thế nào trên trường quốc tế. Chỉ tới khi chiến tranh thế giới lần thứ hai nổ ra, cục diện thế giới thay đổi theo hướng có lợi cho giải phóng dân tộc thì Việt Nam mới trở thành một quốc gia có vị trí đặc biệt quan trọng trong tính toán của các cường quốc xuyên suốt Chiến tranh Lạnh.

Nhật Bản, một đồng minh của phát xít Đức lợi dụng tình thế hỗn loạn của cuộc chiến, đã tấn công Đông Dương vào tháng 9 năm 1940. Tháng 7 năm 1941, Nhật chiếm đươc toàn bộ Đông Dương, thay thế Pháp trở thành lực lượng ngoại quốc chi phối khu vực có vị trí quan trọng này. Pháp đã mất quyền kiểm soát Đông Dương, nhưng chính phủ lưu vong của De Gaulle vẫn lên kế hoạch “giải phóng Đông Dương” để khôi phục chế độ thuộc địa cũ của mình.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ngoại trưởng Pháp Bidault tại Paris vào tháng 4/1946, khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bị các thế lực nước ngoài đe dọa

Sự lập lờ trong chính sách của Hoa Kỳ (1939 – 1945)

Trong suốt giai đoạn chiến tranh thế giới lần thứ II, Đông Dương không nằm ở trọng tâm trong lợi ích chiến lược của Hoa Kỳ. Tiếp cận chính sách của Hoa Kỳ đối với vấn đề Đông Dương trong suốt thời gian chiến tranh thế giới thứ hai là lập lờ.

Mỹ quan ngại việc Nhật chiếm Đông Dương sẽ phục vụ cho mục đích tấn công các quốc gia trong khu vực của họ, đồng thời lo ngại đây “có thể là bước quan trọng tiến tới chiếm quyền kiểm soát Nam Hải, bao gồm các tuyến giao thương đặc biệt quan trọng đối với Mỹ…”, theo lời Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Cordell Hull. Tuy vậy, Đông Dương vẫn nằm ngoài danh sách những trọng tâm trong chính sách quân sự của Mỹ.

Pháp đã gửi điện ngày 16 tháng 3 năm 1945, khẩn thiết yêu cầu Mỹ “giúp đỡ cho nhóm kháng chiến chống Nhật ở Đông Dương”. Dẫu vậy, Tổng thống Mỹ đã chối từ hỗ trợ vũ lực cho cuộc kháng chiến chống Nhật ở Đông Dương.

Về mặt ngoại giao, một mặt, Mỹ liên tục đảm bảo với nước Pháp đồng minh rằng các quyền đô hộ sẽ được trả về cho Pháp sau thế chiến. Thư của Tổng thống Hoa Kỳ Roosevelt gửi tới tướng Henri Giraud của Pháp có đoạn như sau: “… Khôi phục nước Pháp với độc lập toàn diện, với sự hùng vĩ và rộng lớn như trước chiến tranh… Chủ quyền nước Pháp sẽ tái lập sớm nhất có thể trên toàn lãnh thổ, thành phố hay thuộc địa, những nơi lá cờ Pháp tung bay năm 1939.”

Mặt khác, Tổng thống Roosevelt cổ xuý độc lập cho Đông Dương theo đúng cam kết trong Hiến chương Đại Tây Dương 1941, theo đó ủng hộ quyền tự quyết của các quốc gia. Roosevelt đã thảo luận về một giải pháp “liên minh bảo hộ” đối với khu vực Đông Dương thay vì trả lại cho Pháp. Ý tưởng này đã được trao đổi với các nước thuộc phe Đồng Minh trong các Hội nghị quốc tế lớn ở Cairo, Teheran và Yalta. Mỹ công khai cho rằng chế độ bảo hộ của Pháp là nặng nề và bóc lột, và rằng Đông Dương cần được đặt dưới “bảo hộ quốc tế”. Ý đồ của Mỹ là muốn biến việc bảo hộ hậu chiến thành một bước đệm, tiến dần tới việc các quốc gia này trở thành các nước dân tộc dân chủ nằm dưới sự hậu thuẫn của Mỹ.

Ý tưởng “liên minh bảo hộ” của Mỹ cho Đông Dương  không khả thi bởi Anh, đồng minh hàng đầu của Mỹ, rất nhạy cảm với ý đồ này. Anh đã tránh thảo luận về một liên minh như vậy vào năm 1944 tại Hội nghị Dumbarron Oaks nơi bản thiết kế cho hệ thống chính trị quốc tế thời hậu chiến được bàn thảo. Anh là quốc gia có hệ thống thuộc địa khổng lồ và sức ảnh hưởng của nước này đủ mạnh để tổng thống Mỹ Roosevelt chỉ có thể nói “đãi bôi” là chống thực dân và ủng hộ các quốc gia thuộc địa giành độc lập.

Do Mỹ không thể có một tiếng nói chung với Anh để gây sức ép lên Pháp, Đông Dương thời hậu chiến, về mặt thực chất, được các nước phe Đồng minh, chủ yếu là Mỹ và Anh, coi là miền đất sẽ tạm thời trả về cho “chủ cũ”… Cho dù Mỹ cũng không hoàn toàn muốn Pháp quay lại đây với tư cách cũ, Mỹ đã không thể có một sức ép đủ lớn để đạt được bất kỳ thoả thuận nào thể hiện rõ hơn quan điểm của Mỹ.

Hơn thế, khi nhận thấy Liên Xô bắt đầu gia tăng sức ảnh hưởng của mình lên một Châu Âu hậu chiến, Mỹ nhận thấy “chẳng có lợi lộc gì” trong việc “đấu tranh cho việc thực hiện kế hoạch uỷ trị quốc tế”, điều có thể làm mất lòng các nước châu Âu trong đó Pháp giữ một vai trò quan trọng, những nhà nước giúp Mỹ tạo thế cân bằng sức mạnh với Liên Xô. 

Tổng thống Mỹ Truman lên nắm quyền vào đầu tháng 4 năm 1945 quyết định vứt bỏ hoàn toàn ý tưởng độc lập cho Đông Dương của Roosevelt, bằng cách hợp tác với Pháp nhằm làm giảm thiểu “sự lo sợ của Pháp rằng chúng ta đang muốn giành lãnh thổ này khỏi tay họ”. Từ mùa hè năm 1945, Charles de Gaulle đã nhận được lời cam kết từ chính quyền Truman rằng Mỹ không cản trở Pháp khôi phục lại chủ quyền tại Đồng Dương. 

Tổng thống Mỹ Harry Truman đón Chủ tịch Chính phủ Lâm thời Cộng hòa Pháp Charles de Gaulle tại Nhà Trắng ngày 22/8/1945

Sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, theo thoả ước Yalta, Đông Nam Á và Đông Dương nằm trong phạm vi ảnh hưởng của phe tư bản chủ nghĩa do Mỹ đứng đầu. Đông Dương và Việt Nam thực chất đã nằm trong quyền kiểm soát của phe Đồng minh do Mỹ cầm đầu. Mỹ đã “uỷ quyền” để các đồng minh thân cận là Trung Hoa Dân Quốc của Tưởng Giới Thạch và Anh Quốc vào giải giáp Nhật Bản và kiểm soát tình hình.

Hội nghị Posdam vào tháng 7 năm 1945 đã quyết định lấy vĩ tuyến 16 làm ranh giới để lực lượng quân của Tổng Tư Lệnh Tưởng Giới Thạch đổ bổ vào phía Bắc vĩ tuyến 16 nhận đầu hàng của quân Nhật, và lực lượng của Đô Đốc Anh Mountbatten tiếp quản khu vực phía Nam vĩ tuyến 16. Sự phân mốc này do Mỹ hậu thuẫn vô hình chung đẩy tình hình Đông Dương giai đoạn ngay sau khi Thế chiến II vào trạng thái phân mảnh phức tạp.

Giữa bối cảnh các cường quốc còn đang phân chia ảnh hưởng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tận dụng thời cơ hiếm hoi để lãnh đạo Việt Minh giành được chính quyền và tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà vào ngày 2 tháng 9 năm 1945, ngay giữa thời điểm “nước sôi lửa bỏng” khi quân Tưởng bắt đầu đổ vào Bắc Bộ và một phần nhỏ quân Anh đã tới Sài Gòn. Khi quân Đồng Minh tới giải giáp quân Nhật, Việt Minh đã kịp thành lập được chính quyền lâm thời ở cả phía Bắc và Nam Việt Nam, Chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ở Hà Nội và Uỷ ban hành chính lâm thời ở miền Nam. 

Mỹ chọn Pháp chống Việt Minh sau Cách mạng tháng 8

Trong bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đọc vào ngày 2 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mượn thông điệp của Bản Tuyên ngôn Độc lập Mỹ và Bản Tuyên ngôn của Cách mạng Pháp để tranh thủ sự ủng hộ của các nước lớn trong phe Đồng Minh: “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hoá ban cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được. Đó là quyền sống, quyền tự do, và quyền mưu cầu hạnh phúc.”

Dẫu vậy, nước Mỹ đã không hề lắng nghe những thông điệp ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sai lầm chiến lược đầu tiên của Mỹ ở Việt Nam là đã không “nhìn nhận Việt Minh là lực lượng chính của chủ nghĩa dân tộc ở Việt Nam”. Mỹ đã coi Việt Minh là tổ chức mang tính Cộng sản nhiều hơn dân tộc.

Hoa Kỳ ngay từ đầu đã không công nhận Chính phủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu. Hoa Kỳ đã có những điều tra cụ thể về lý lịch để xác định tính chất và mức độ “Cộng sản” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bản điều tra gửi cho Đại sứ Mỹ ở Trung Quốc tháng 7 năm 1948 ghi nhận Hồ Chí Minh là một người Cộng sản, đã có “thời gian hoạt động lâu dài và nổi bật ở Quốc tế Cộng sản trong những năm 20 và 30”.  Tuy vậy, Mỹ khẳng định “Không thấy có bằng chứng mối liên quan trực tiếp giữa ông Hồ và Moscow nhưng cho rằng nó có tồn tại, cũng như không đánh giá được mức độ áp lực hay hướng dẫn từ Moscow”.

Cho dù không tìm thấy bất kỳ bằng chứng nào chứng minh rằng Việt Nam Dân chủ Cộng hoà bị dẫn dắt và lãnh đạo bởi Xô Viết, yếu tố Cộng sản vẫn là nguyên nhân then chốt khiến Mỹ ủng hộ Pháp chống Việt Minh và sau này, Mỹ can thiệp trực tiếp vào Việt Nam. Đối với Pháp, Đông Dương là cuộc chiến thuộc địa. Đối với Mỹ, Đông Dương là cuộc chiến chống Cộng.

Chính vì tư duy chống Cộng này mà ngay từ năm 1945, cho dù đại diện OSS (Cơ quan tình báo chiến lược Hoa Kỳ, tiền thân của CIA) ở Mỹ có mặt ở Hà Nội và Sài Gòn tự nhận ủng hộ Việt Minh nhưng Mỹ đã không có một động thái nào trước sự tái chiếm của Pháp ở Nam Việt Nam. Tuyên bố chính thức của Hoa Kỳ là “Hoa Kỳ không có ý kiến phản đối tái lập kiểm soát của Pháp ở Đông Dương và không có tuyên bố chính thức nghi ngờ hay thậm chí hàm ý nghi ngờ chủ quyền của Pháp ở đó.”

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 7 lần viết thư cho Mỹ miêu tả tình trạng hỗn loạn ở Việt Nam, yêu cầu Mỹ tôn trọng nguyên tắc độc lập cho các dân tộc trong Hiến chương Đại Tây Dương và Hiến chương Liên Hợp Quốc, yêu cầu Mỹ công nhận Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Chủ tịch Hồ Chí Minh muốn Mỹ công nhận chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, mở đường cho các quốc gia khác công nhận và thúc ép Pháp công nhận nền độc lập của Việt Nam. Tuy nhiên, Hoa Kỳ chưa bao giờ đáp từ bất kỳ thư từ nào của Hồ Chủ tịch.

Mỹ nhìn nhận Đông Dương trong bối cảnh trật tự toàn cầu mới, trong tư duy hai phe hai trục đang dần hiển hiện rõ ràng hơn. Vì vậy, tuy không hài lòng với chính sách thực dân của Pháp, Mỹ vẫn ủng hộ Pháp chống Cộng sản ở Việt Nam để ngăn chặn bằng được Chủ nghĩa Cộng sản lan ra Đông Nam Á.

Cho dù Mỹ cũng không hoàn toàn muốn Pháp quay lại đây với tư cách cũ, với mối quan ngại Cộng sản tăng dần sau Thế chiến II, Mỹ và các nước Đồng minh quyết định ủng hộ Pháp tái chiếm Đông Dương như một chốt chặn để dập tắt chính quyền Việt Minh, mà hạt nhân là những nhà lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương.

Được sự hậu thuẫn của Mỹ và các nước Đồng minh, Pháp nhanh chóng có động thái nhằm quay trở lại Đông Dương. Ngày 19 tháng 9, Cao Uỷ Pháp tại Đông Dương Cedile tuyên bố sẽ không có chuyện thương lượng với Việt Nam. Tính tới ngày 23 tháng 9, chỉ 21 ngày sau khi Việt Nam Dân chủ Công hoà được thành lập, quân đội Pháp được sự hỗ trợ của quân Anh – Ấn đã dùng vũ lực lật đổ chính quyền ở miền Nam và tuyên bố lấy lại Nam Kỳ. Cuộc chiến tranh du kích đã nhanh chóng nổ ra ở Sài Gòn và các vùng phụ cận giữa Pháp và Việt Minh.

Như vậy, Quyết định chọn Pháp để chống Việt Minh của Mỹ đã góp phần đẩy dân tộc Việt Nam vào tình thế phải trường kỳ kháng chiến thêm 9 năm nữa để chống Pháp và thêm 21 năm nữa để chống Mỹ. Sức ép của các nước lớn đã không thể khuất phục được ý chí và tinh thần quật cường của một dân tộc nhỏ bé nhưng sẵn sàng hi sinh xương máu để có được nền độc lập tự do như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định trong Bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà: Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy!”

Bình Minh

(Theo Tạp chí Phương Đông)

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN