Tính toán trong nội bộ Mỹ về cuộc đảo chính lật đổ Ngô Đình Diệm từ các tài liệu giải mật

Mỹ đã luôn tỏ ra mình là một người ngoài cuộc trong các diễn biến ở miền Nam Việt Nam thời điểm trước và sau khi Diệm bị lật đổ. Ngay cả ở diễn biến đảo chính năm 1963, Mỹ cũng thể hiện vai trò tương tự như một khán giả ngồi xem cuộc đấu súng giữa các tướng tá quân đội và anh em Diệm Nhu. Tuy nhiên, thực tế là ngược lại, Mỹ đã can dự sâu vào tất cả các diễn biến.

Mỹ đã có những tính toán về việc lật Diệm từ rất sớm. Tài liệu tình báo đã được giải mật  nói mập mờ rằng:trong một cuộc họp với Tổng Thống ngày 4 tháng 7, khả năng và triển vọng cho một cuộc đảo chính đã được thảo luận.” Thực tế, vào lễ Quốc khánh Mỹ ngày 4 tháng 7 năm 1963, Tướng Trần Văn Đôn đã rủ sỹ quan CIA Lou Conein uống rượu. Trong cuộc rượu này, Đôn đã hỏi Conein xem Hoa Kỳ nghĩ gì về một cuộc đảo chính trong bối cảnh các Tướng lĩnh đang bất bình, đặc biệt với Nhu. Conein nghe được thông tin này đã báo cáo cho Cục trưởng CIA ở Sài Gòn là John Richardson. Ông này báo cáo về ngay cho Washington và đêm đó, dù là Quốc khánh, John Kennedy đã họp các cố vấn để thảo luận. Khả năng đảo chính đã được thảo luận ở cấp cao nhất trong bộ máy lãnh đạo Hoa Kỳ ngay từ ngày Quốc khánh mồng 4 tháng 7. Tuy vậy, cuộc họp không đi đến quyết định nào, Mỹ cũng thừa nhận một “triển vọng rất không chắc chắn cho sự ổn định chính trị sau đảo chính”.

Tổng thống Mỹ Kennedy họp với các cố vấn thân cận về kế hoạch đảo chính lật đổ Ngô Đình Diệm

Nội bộ Hoa Kỳ đã có những mâu thuẫn và giằng co về quyết định đảo chính với những tiếng nói ủng hộ và phản đối từ nhiều phe phái khác nhau, cho dù tất cả đều phản đối chính sách của Diệm và mất kiên nhẫn với chính quyền này. Tuy vậy, nhiều chính khách Mỹ thấu hiểu cái giá chưa lường trước được của cuộc đảo chính. Một trong số đó là Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn Nolting.

Ngày 05 tháng 7, Đại sứ Nolting đã trở về Washington trong bối cảnh của cuộc khủng hoảng Phật giáo. Ông này đã nói với Thứ Trưởng Ngoại Giao George Ball:nếu một cuộc cách mạng xảy ra ở Việt Nam, xuất phát từ tình hình Phật giáo, đất nước sẽ được chia thành những phe phái thù địch và người Mỹ sẽ phải rút và đất nước có thể bị mất vào tay Cộng Sản… nếu chúng ta trách cứ Diệm về vấn đề này chính phủ của ông ta sẽ sụp.”

Chính sách mới của Hoa Kỳ

Tuy vậy, Tổng thống Kennedy công bố việc bổ nhiệm Henry Cabot Lodge làm Đại sứ Việt Nam để thay thế Nolting trong tháng 9 năm 1963. Đây là thời điểm then chốt. Lodge thực chất đã có mặt và nắm quyền ở Sài Gòn từ ngày 22 tháng 8 năm 1963. Tài liệu Mỹ viết: “Chính sách[ngoại giao] thầm lặng của Nolting tới đây là chấm dứt, cả ở Washington và ở Sài Gòn, để ủng hộ của một đường lối cứng rắn mới.” 

Lodge là một nhân vật có quan điểm cứng rắn như vậy để phù hợp với giai đoạn mới. Đại sứ Mỹ đã thông báo cho các Tướng rằng “Hoa Kỳ không thể hỗ trợ một chế độ có Nhu, nhưng việc giữ lại Diệm tùy thuộc hoàn toàn nơi họ”. Đây là chỉ dấu cho thấy Mỹ đã bật đèn xanh cho một kế hoạch đảo chính.

Lodge mạnh dạn truyền đạt một thông điệp như vậy ngay khi tới Sài Gòn nắm quyền là do đã có chỉ đạo trực tiếp từ Bộ Ngoại giao Mỹ. Không ai khác, chính Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã soạn thảo văn bản về vấn đề Việt Nam sau biến cố 20 tháng 8, trong đó khẳng định việc Nhu còn tiếp tục một vị trí quyền lực trong chế độ là điều  không thể chấp nhận và, nếu sau khi Diệm đã được cho cơ hội để loại bỏ Nhu mà vẫn không làm, “thì chúng ta phải đối mặt với khả năng không thể giữ Diệm lại”.

Thông điệp này đã được thông báo cho các Tướng lĩnh ở Sài Gòn và Diệm cũng đã được thông tin. Nguyên văn đoạn trong bức điện quan trọng gửi Lodge từ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vào ngày 24 tháng 8 ấy như sau:

“Chính phủ Hoa Kỳ không thể chịu đựng tình trạng mà quyền lực lại nằm trong tay Nhu. Phải cho Diệm một cơ hội để thoát khỏi ảnh hưởng của Nhu và phe đảng của ông ta và thay thế chúng với những nhân vật quân sự và chính trị tốt nhất đang có sẵn. Nếu, dù với tất cả những nỗ lực của chúng ta, Diệm vẫn ngoan cố và từ chối, thì chúng ta phải đối mặt với khả năng là không thể giữ Diệm được.”

Lodge cũng đã được yêu cầu, cùng lúc, làm cuộc điều tra khẩn cấp để tìm lãnh đạo thay thế Diệm. Bức điện viết: “Ông Đại sứ và nhóm cộng sự nên khẩn trương xem xét mọi sự lựa chọn lãnh đạo có thể được và lập thành kế hoạch tỉ mỉ để làm sao chúng ta có thể tạo ra sự thay thế Diệm, nếu điều này trở nên cần thiết.”

Với hướng dẫn trên của Bộ Ngoại Giao ngày 24 tháng 8, Đại sứ mới Lodge mặc định rằng đó là một chỉ thị cho ông tìm cách tổ chức đảo chính. Lodge đã họp với Tướng Harkins, Trưởng chi cục CIA Richardson, và Phó Đại sứ Trueheart để giao nhiệm vụ, và quyết định rằng “bàn tay của Hoa Kỳ không nên chính thức lộ diện”. Hội đồng này đã quyết định: “để Trung Tá Conein của CIA liên hệ với Tướng Khiêm, và ông Spera (của CIA) sẽ liên lạc với Tướng Khánh, Tư lệnh Quân Đoàn II tại Pleiku”, truyền đạt 9 điểm sau:

(1) Củng cố chi tiết hơn về tư duy và kế hoạch hiện tại về đảo chính

(2) Thỏa thuận là Nhu phải ra đi.

(3) Giữ Diệm lại hay không là tùy các Tướng.

(4) Các sư và những người bị bắt khác phải được thả ngay lập tức.

(5) Mỹ sẽ cung cấp hỗ trợ trực tiếp cho chính quyền tạm thời khi chế độ Diệm sụp đổ.

(6) Mỹ không thể có bất cứ sự giúp đỡ nào trong quá trình khởi đầu đảo chính. Hành động hoàn toàn là của các Tướng, dù thắng hay thua, các Tướng đừng mong đợi được giải cứu.

(7) Nếu Nhu không ra đi và nếu tình hình Phật Giáo không khắc phục được, Mỹ không thể tiếp tục hỗ trợ quân sự và kinh tế.

(8) Tránh hoặc giảm đổ máu đến mức tối thiểu.

(9) Hy vọng rằng trong và sau khi đảo chính, mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ cũng như việc tiến hành cuộc chiến chống Cộng vẫn tiến bộ.

Conein gặp Khiêm ngày 27 tháng 8, trong khi trưởng nhóm CIA công khai ở Sài Gòn Richardson mô tả tình hình đã “đạt đến điểm không thể quay lại.” Ông này kết luận: “Trừ khi các Tướng bị vô hiệu hóa trước khi họ có thể khởi động chiến dịch, chúng tôi tin rằng họ sẽ hành động và họ có cơ hội tốt để giành chiến thắng.”[1] Ngày 29 tháng 8, Đại tá Conein và ông Spera gặp cả hai Tướng Khiêm và Minh một lần nữa để bàn về kế hoạch đảo chính.

Mâu thuẫn trong nội bộ Hoa Kỳ trước đảo chính 

Dù đã lên kế hoạch như vậy, nội bộ chính giới Hoa Kỳ đã bị chia rẽ giữa hai khuynh hướng giữa (1) những người thấy không có lựa chọn khả dĩ để thay Diệm và muốn nối lại sự liên lạc với Diệm, hay ít ra cũng cho Diệm thêm cơ hội; và (2) những người cảm thấy rằng cuộc chiến tranh chống Cộng sản sẽ không thể chiến thắng nếu Diệm cầm quyền, do đó đã chọn thúc đẩy một cuộc đảo chính theo cách nào đó.

“Quan điểm đầu tiên chủ yếu được hỗ trợ của phe Quốc phòng, trong khi ý kiến sau được chấp nhận bởi Sứ quán Hoa Kỳ, Bộ Ngoại giao và các thành viên của đội ngũ nhân viên Nhà Trắng.”

Phe Quốc phòng có lý do bởi lo ngại rằng nếu các Tướng lĩnh ở Sài Gòn đảo chính thất bại thì Mỹ cũng thất bại theo. Tổng thống  Kennedy cũng e là “lực lượng đảo chính không đủ sức mạnh để lật đổ Diệm”, có thể dẫn tới Mỹ “mất Việt Nam” nếu cú lật bất thành.”

Hai nhóm Ngoại giao và Quốc phòng tranh luận với nhau liên tục và đã tạm thời đưa ra một lựa chọn thứ ba là áp lực lên Diệm thêm một lần nữa, để Diệm loại bỏ ông bà Nhu khỏi chính trường và chấm dứt chính sách đàn áp Phật giáo.

Tuy vậy, Đại sứ Lodge vẫn kiên trì phản đối bất kỳ tiếp xúc nào thêm với Diệm, thậm chí để trình bày một tối hậu thư. Lodge gửi công điện trả lời chính quyền Mỹ: “Cơ hội tốt nhất để làm việc đó là các Tướng chiếm toàn bộ chính phủ. Sau khi điều này được thực hiện, họ có thể quyết định đưa Diệm trở lại một lần nữa hay tiếp tục đi tới… không có ông ta.”

Trong tháng 9, Mỹ buộc phải tìm kiếm những lựa chọn khác ngoài đảo chính, và tiếp tục lúng túng trong việc tìm ra lựa chọn này. Lãnh đạo CIA William Colby mô tả thực tế này trong cuốn “Giáp mặt Phượng hoàng”: “Có những phần tử thân Diệm và những phần tử chống Diệm ngay trong chính phủ, và nói ra thật không hay, nhưng Tổng thống cứ nghiêng ngửa giữa hai phái.” Sự do dự của Kennedy khiến Mỹ không đi tới được một quyết định dứt khoát. Kennedy yêu cầu đánh giá lại tình hình và cử thêm quan sát viên sang Việt Nam.

Bộ trưởng McNamara và Tướng Taylor, Chủ tịch Hội Đồng Tham Mưu Trưởng, được Tổng thống Kennedy cử đi Việt Nam vào ngày 23 tháng 9 để thẩm định tình hình và đề nghị một chương trình hành động cho Chính phủ Việt Nam và Mỹ.

Trong chuyến công tác này, vào ngày 29 tháng 9, McNamara, Taylor, Harkins, và Lodge đến viếng thăm Ngô Đình Diệm. Trong cuộc gặp này, Diệm đã độc thoại suốt hai giờ liên trước khi McNamara đưa ra cảnh báo bất ổn chính trị nội bộ đã phá hoại nỗ lực chống Cộng. McNamara và Taylor đã chuyển thông điệp của Kennedy tới Diệm như sau: “Hoa Kỳ đang mất dần kiên nhẫn, và rằng nếu như ông cứ tiếp tục từ chối thảo luận những yêu cầu của Mỹ, trong đó có việc tách Nhu khỏi vai trò quyền lực thì Tổng thống Kennedy sẵn sàng rút quân đội Mỹ và mọi cơ sở khác ra khỏi Nam Việt Nam.”

Theo lời McNamara, Diệm dường như không bị ảnh hưởng nhiều bởi những phân tích và thông điệp của McNamara. Ghi chép của Mỹ sau cuộc họp kết luận: “Diệm phát biểu dứt khoát không có đảm bảo gì về việc ông ta sẽ áp dụng các bước nào đó, để đáp ứng những gợi ý mà các vị khách Mỹ đã nêu với ông.”

Hai nhân vật chóp bu của Bộ Quốc phòng Mỹ trở về mười ngày sau đó, vào ngày 02 tháng 10, và đã có báo cáo đề nghị một loạt các biện pháp nhằm ép Diệm tuân thủ mong muốn của Mỹ bao gồm: (1) ngưng có chọn lọc các chương trình viện trợ kinh tế của Mỹ; (2) ngưng hỗ trợ cho các đơn vị Lực Lượng Đặc Biệt được sử dụng vào cuộc tấn công Phật Giáo ngày 21 tháng 8; (3) tiếp tục thái độ xa lánh và nguội lạnh chính thức của Đại Sứ Lodge với chế độ Diệm.

Báo cáo đề nghị thông báo công khai ý định Mỹ sẽ rút 1.000 quân vào cuối năm 1963, nhưng đề nghị đình chỉ viện trợ không được công bố để cho Diệm một cơ hội đáp ứng mà không bị mất mặt trước công chúng.

Báo cáo của McNamara và Taylor là “một tài liệu mâu thuẫn lạ lùng” theo thừa nhận của tập Hồ sơ mật Lầu Năm Góc.

Một mặt, báo cáo kết luận rằng Mỹ sẽ không tích cực khuyến khích một cuộc đảo chính. Mặt khác, báo cáo cũng khuyến cáo tìm kiếm “khẩn cấp để xác định và xây dựng liên lạc với một lãnh đạo thay thế,” và dự liệu “chắc chắn vai trò này sẽ do một tướng lĩnh quân đội Sài Gòn đảm nhận”, do đó, Mỹ cần “một cố gắng nhưng kín đáo, dưới sự chỉ đạo của ông Đại sứ, để có những cuộc tiếp xúc cần thiết, cho phép Mỹ thẩm định được một cách liên tục triển vọng cuộc đảo chính.”

Một mặt, báo cáo có hàm ý muốn cho Diệm thêm cơ hội. Mặt khác, báo cáo khuyến nghị rút quân và ngưng viện trợ, như là một dấu hiệu cho thấy Mỹ lên án Diệm và sẵn sàng hậu thuẫn cho sự thay đổi lãnh đạo. Báo cáo này tạo ra nghi ngờ cho chế độ Diệm về ý định của Mỹ và được các Tướng nhìn như một tín hiệu cho thấy Mỹ vẫn mở cửa cho họ thay lãnh đạo nếu cần. Thực tế, báo cáo phản ánh quan điểm của McNamara, theo Richard Reeves, nhà nghiên cứu về nhiệm kỳ của Kennedy, “vào lúc sẵn sàng rời Sài Gòn thì McNamara sẵn sàng với Lodge và Harriman cùng nhau lên án và nhất trí là Diệm và Nhu phải ra đi.”

Gia đình độc tài Ngô Đình Diệm ở miền Nam Việt Nam

Cuộc đảo chính đã chín mùi

Ngay khi McNamara và Taylor trở về Washington và đưa ra những khuyến nghị thì các Tướng ở Sài Gòn đã mở lại liên lạc với Sứ Quán Mỹ và cho biết là họ đã sẳn sàng để tấn công chế độ một lần nữa. Đại sứ Mỹ Lodge vẫn tiếp tục liên lạc định kỳ với các Tướng ở Sài Gòn để nắm thông tin về các kế hoạch này.

Bầu không khí chính trị ở Sài Gòn trong tháng 10 năm 1963 đã không hề bớt căng thẳng hơn. Đàn áp chống lại Phật giáo tiếp tục không suy giảm. Sinh viên, xuống đến cấp trung học, đã bị bắt và bị giam giữ ngay trong các cuộc biểu tình nhỏ nhất. Vào ngày 5 tháng 10, ở chợ Bến Thành, một tu sĩ Phật giáo nữa lại tự thiêu.

Thời điểm này, bà Nhu viếng thăm Hoa Kỳ và tiếp tục tung ra những tố cáo khó nghe về Phật Giáo và chính sách can thiệp của Mỹ. Trong nước, ông Nhu tiếp tục thể hiện thái độ thù địch như muốn rút hẳn khỏi ảnh hưởng và viện trợ Hoa Kỳ. Các bài báo ở Sài Gòn cáo buộc Mỹ đã phá hoại nỗ lực chiến tranh.

Tài liệu Mỹ thừa nhận rằng trong tháng 10, Đại sứ Mỹ Lodge “cảm thấy việc chế độ Diệm sẽ yêu cầu Mỹ rút quân là một khả năng rõ nét”. Thực tế, Lodge đã thông báo cho nhóm quan chức cấp cao nhất tại Nhà trắng về khả năng này từ cuối tháng 8: “Tôi thông báo một cách xác thực rằng đại sứ Pháp LaLouette đã họp cùng với Nhu mấy giờ liền… cũng được cố vấn bởi một nguồn tin đáng tin cậy rằng ông ta muốn chính phủ Mỹ rút khỏi Việt Nam để cho Pháp có thể làm trung gian giữa Bắc và Nam Việt Nam.”

Vào ngày 23 tháng 10, Lodge tuyên bố “Diệm-Nhu cho thấy họ chung sức chặt chẽ và phản ứng với áp lực của Mỹ bằng những áp lực chống lại và ngụ ý thông qua các tuyên bố công khai rằng họ có thể đi một mình.”

Đến ngày 25 tháng 10, Lodge kết luận rằng Diệm khó mà đáp ứng những đòi hỏi của Mỹ và do đó, Hoa Kỳ không nên ngăn cuộc đảo chánh.

Lodge đã đứng sau tấm rèm hậu thuẫn cho một cuộc đảo chính. Tài liệu Hồ sơ mật Lầu Năm Góc ghi rõ cụ thể từng dấu mốc chỉ đạo của Đại sứ Mỹ Lodge đối với cuộc đảo chính. Với phê duyệt của Lodge, nhân viên CIA Conein gặp Tướng Dương Văn Minh vào ngày 05 tháng 10 để lắng nghe về kế hoạch đảo chính. Sau đó, Lodge yêu cầu Conein gặp lại Minh lần nữa và cho phép tiết lộ một số điểm như sau:

(1) Mỹ sẽ không cản trở kế hoạch của Minh;

(2) Mỹ sẽ sẵn sàng xem xét lại kế hoạch của Minh, ngoại trừ việc ám sát và,

(3) “viện trợ Mỹ sẽ được tiếp tục đến Việt Nam cho một chính phủ mới đưa ra lời hứa là sẽ được lòng dân ủng hộ và sẽ đạt chiến thắng trong cuộc chiến chống lại Cộng sản.”

Ngay trong ngày 5 tháng 10, Đại sứ Lodge nhận được một công điện đặc biệt của Tổng thống Kennedy. Công điện này yêu cầu Lodge tránh công khai khuyến khích đảo chính nhưng “giám sát và sẵn sàng” cũng như chối bỏ dính dáng đến âm mưu đảo chính này nếu bị lộ.

Tới ngày 6 tháng 10, Washington tiếp tục gửi cho Lodge một công điện nữa, dặn dò Đại sứ phải thể hiện thái độ “làm lơ” trước đảo chính. Đây chính là chiến lược “ném đá giấu tay” của Mỹ, bởi trong tình huống này, không “dội gáo nước  lạnh” vào đảo chính đồng nghĩa với một sự tán thành.

Mâu thuẫn Mỹ Diệm tiếp tục tăng cao khi Ngô Đình Nhu tiếp tục công khai tố cáo Hoa Kỳ can thiệp nội bộ Việt Nam. Ông này trả lời phỏng vấn các nhà báo Châu Âu như sau và tiết lộ rằng mật vụ miền Nam khi phỏng vấn các nhà sư Phật giáo bị bắt phát hiện rằng: “Hằng ngày các nhân viên CIA và một số những người làm việc cho các cơ quan chính quyền Mỹ, đã khuyến khích và thúc giục các nhà sư tiến hành những hành động khác thường để chống lại chính quyền Sài Gòn.”

Ngày 28 tháng 10, nhân viên CIA Conein gặp Đôn trong một cuộc gặp đã dàn xếp trước theo yêu cầu của Đôn. Trong cuộc gặp này, Đôn đã cho Conein biết nhân sự và kế hoạch đảo chính, trong đó “nhiều chi tiết nhỏ của kế hoạch và danh sách các đơn vị ủng hộ đảo chính cũng đã được thảo luận.” Số phận của chế độ Ngô Đình Diệm đã được định đoạt.

Vai trò của Kennedy

Một trong những điểm bí ẩn trong lịch sử chiến tranh Việt Nam là vai trò thực sự của Tổng thống Kennedy trong việc đảo chính Diệm. Kennedy có thực sự là người chủ mưu và chỉ đạo trực tiếp, hay chỉ gật đầu một cách gián tiếp trước quyết định của nhóm Tướng lĩnh ở Sài Gòn?

Những tài liệu của Mỹ sau này đã cho thấy những mâu thuẫn của Kennedy. Các bức điện và tài liệu giải mật cho thấy Kennedy cuối cùng đã muốn một cuộc đảo chính nhưng không muốn ám sát hại anh em Diệm Nhu. Quan trọng hơn, cuộc đảo chính phải diễn ra “sao cho có thể dễ dàng từ chối một cách hợp lý về sự dính dáng của Mỹ.” Kennedy đã chỉ đạo: “cần cẩn thận tránh sự dính líu một cách trực tiếp, sẽ để lại tiếng xấu trong dư luận công chúng hầu như ở khắp nơi.”

Kennedy đã muốn kiểm soát cuộc đảo chính nhiều nhất có thể để quản lý được hết những rủi ro đối với thể diện Hoa Kỳ. Kennedy thực tế đã trực tiếp tham qua chỉ đạo cuộc đảo chính nhưng thông qua một “cầu chì”, người “truyền những lệnh mà không biết đó là lệnh của Tổng thống”. Mọi bức điện về việc này về sau đều được chỉ đạo phải “xoá sạch”, nhưng các mệnh lệnh đảo chính và cách thức đối phó đều được phát trực tiếp từ Kennedy.

Thực tế, vào giờ phút cuối cùng, ngày 30 tháng 10 năm 1963 theo giờ Việt Nam, sau khi nhận được tin tức rằng các Tướng lĩnh chắc chắn đang chuẩn bị loại bỏ sự lãnh đạo của họ Ngô, Kennedy đã họp với các quan chức cao cấp nhất về vấn đề Việt Nam. Lúc này Kennedy lại có những động thái do dự sau khi nghe em trai mình là Robert Kennedy lập luận rằng loại bỏ Diệm sẽ “đặt Việt Nam, hoặc thậm chí toàn Đông Nam Á, vào tay một người đàn ông không quen biết”, và rằng nếu thất bại thì “Diệm sẽ đuổi họ đi”. William Colby thì đưa ra một bản đồ trong đó ghi nhận các lực lượng chống Diệm và ủng hộ Diệm xung quanh Dinh Tổng thống là bằng nhau, khoảng 9,800 người mỗi bên. Vì thế, khả năng thành công của đảo chính là không chắc chắn.

Kennedy đã “nao núng” thật sự và yêu cầu kiểm tra “cán cân lực lượng”, và kết luận: “Nếu Lodge đồng ý với quan điểm này, thì chúng ta nên chỉ thị cho ông ấy can ngăn cuộc đảo chính.” Từ Sài Gòn, Lodge điện về cho Kennedy rằng: “không nên nghĩ là chúng ta có sức mạnh đễ hoãn lại hay ngăn chặn cuộc đảo chính…”.

Kennedy không vui vẻ gì với cách trả lời này của Lodge và yêu cầu Bundy trả lời Lodge trong bức điện vào ngày 31 tháng 10 theo giờ Sài Gòn rằng: “Chúng ta không chấp nhận một cơ sở cho chính sách của Mỹ là chúng ta không có quyền trì hoãn hoặc ngăn cản một cuộc đảo chính.”

Trong bức điện này, Kennedy đã yêu cầu “bác bỏ những lời kêu gọi can thiệp trực tiếp từ các bên”, “không được cam kết với hai chiến tuyến đó, hoặc ủng hộ bên này hoặc ủng hộ bên kia nếu như không được phép từ Washington” nhưng “trong phạm vi quyền lợi của Chính phủ Mỹ thì nên tiếp tục” hỗ trợ sau khi cuộc đảo chính thành công và lãnh đạo mới nắm quyền.

Trạng thái phân vân và lập lờ cuối cùng cho thấy sự lo ngại và thiếu dứt khoát tới phút cuối cùng của Kennedy trước đảo chính. Nhưng, thực tế ở Sài Gòn đã vượt ngoài tầm kiểm soát của Kennedy ở Washington xa xôi. Thời khắc đảo chính đã tới và không thể đảo ngược.

Thời khắc bi thảm cuối cùng

Ngay vào buổi sáng ngày 1 tháng 11 năm 1963, ngày xảy ra đảo chính, Đại sứ Lodge còn đi cùng Đô đốc Harry Felt từ Honolulu tới thăm Diệm. Sau khi gặp Felt thì Diệm đã yêu cầu Lodge nán lại để nói rằng: “Tôi biết sắp có đảo chính nhưng tôi không biết ai làm việc đó”. Diệm đã biết chuyện một cách mơ hồ và nói với Lodge rằng đã có những người Mỹ âm mưu chống lại ông.

Tuy vậy, Lodge dù biết mọi chuyện đã chối bay chối biến: “Tôi nói rằng tôi muốn có tên những người đó và nếu có người Mỹ nào dính dáng đến những việc làm không thích đáng thì tôi sẽ đưa họ ra khỏi Việt Nam.” Lời cuối, Diệm đã nói: “Xin ông hãy nói với Tổng thống Kennedy rằng tôi là một đồng minh tốt và thành thật, thà là tôi nói thẳng và đặt vấn đề ngay bây giờ, còn hơn là sau này mới nói, lúc đó thì chẳng còn gì nữa. Xin nói với Tổng thống Kennedy rằng tôi rất coi trọng những gợi ý của Tổng thống và tôi sẽ thực hiện, chỉ còn vấn đề thời gian mà thôi.”

Những lời nói trong tuyệt vọng và sự xuống nước cuối cùng ấy đã không cứu được Diệm. Các Tướng lĩnh đã tụ tập ở Bộ chỉ huy quân đội Việt Nam tại sân bay Tân Sơn Nhất. Nhân viên CIA Lou Conein cũng tới đó và mang theo 42 ngàn đôla Mỹ để “mua thức ăn cho quân đội tham gia đảo chính và để bồi thường thiệt hại cho gia đình những người chết trong đảo chính.” CIA đã chuẩn bị kỹ càng cho cú lật Diệm.

Các tướng Dương Văn Minh, Lê Văn Kim, Nguyễn Hữu Có trong âm mưu đảo chính Diệm

Đúng 1h30 phút chiều ngày 1 tháng 11 năm 1963, các Tướng lĩnh ra lệnh nổ súng. Diệm tìm cách liên lạc với các Tướng lĩnh trung thành nhưng đã muộn. Diệm cũng điện đàm với Đại sứ Mỹ Cabot Lodge để hỏi về thái độ của Hoa Kỳ trước cuộc đảo chính. Đại sứ Lodge tiếp tục chơi trò hai mặt khi nói: “Tôi không nắm được tình hình đầy đủ để cho ông biết. Tôi có nghe tiếng súng nổ, nhưng tôi không nắm được mọi sự kiện.” Lodge cam kết bảo đảm an toàn cho Diệm nhưng lời cam kết đó đã không được thực hiện.

Lodge thực tế đã ngay lập tức đã đánh điện về Washington báo cáo Kennedy về cuộc đảo chính. Khi tiếng súng đảo chính râm ram thì cũng là lúc phòng họp nội các của chính quyền Kennedy biến thành “một phòng chiến tranh.” “Bản đồ chi tiết của Sài Gòn và các nơi đóng quân trong thành phố và gần thành phố đã được trình bày xung quanh chiếc bàn lớn.”

Khi biết tin Diệm và Nhu đã bị bắt và cuộc đảo chính thành công. Kennedy đã điện cho Lodge yêu cầu “nên tiến triển ngay về phía ủng hộ và công nhận” chính phủ mới, nhưng nên “tránh gặp các nhà báo tối nay hoặc có thể tuyên bố đây không phải là cuộc đảo chính theo đúng nghĩa của nó mà chỉ là sản phẩm của vài sĩ quan có mưu đồ”.

Diệm và Nhu thực tế ban đầu đã từ chối đầu hàng quân đảo chính. Cả hai trốn khỏi Dinh tổng thống vào tối ngày 1 và đã tới nhà Mã Tuyên, một nhà buôn người Hoa ở Chợ Lớn, với ý đồ nhờ Mã Tuyên liên hệ với Tưởng Giới Thạch cho cư trú chính trị ở Đài Loan, nhưng Tưởng Giới Thạch từ chối. Bước đường cùng, đầu giờ sáng ngày 2 tháng 11, Diệm và Nhu điện thoại cho nhóm đảo chính xin đầu hàng, đổi lại là yêu cầu an toàn cho cá nhân họ. Dương Văn Minh đã chấp nhận điều này nên Diệm tiết lộ điểm đón họ ở nhà thờ Thiên Chúa giáo mang tên Đôn Thành ở Chợ Lớn.

Tuy vậy, cả hai bị đàn em của Dương Văn Minh sát hại ngay trên chiếc xe bọc thép chở họ về trung tâm chỉ huy đảo chính tại phi trường Tân Sơn Nhất. Nhóm Tướng lĩnh đã chỉ đạo giết cả hai anh em để phòng trường hợp Diệm có thể nắm quyền trở lại và trả thù. Công bằng mà nói, việc giết Diệm và Nhu không phải là chủ ý của Hoa Kỳ, đây chỉ là động thái giết để phòng trừ hậu họa của nhóm Tướng lĩnh đảo chính đứng đầu bởi Dương Văn Minh.

Tuy đứng sau và biết rõ cuộc đảo chính nhưng không ít người ở Washington đã “sốc và mất tinh thần” khi nhận tin về “vụ giết người tàn bạo và dường như vô nghĩa đối với Diệm và Nhu”, theo lời tập Hồ sơ mật Lầu Năm Góc. Tổng thống Kennedy đã sửng sốt và thất thần khi nghe bức điện báo Diệm – Nhu đã bị giết, tới mức “đứng dậy, chạy xô ra khỏi phòng họp mà không nói một lời, trông ông tái xanh và hơi rung lên.” Tổng thống Mỹ đã muốn kiểm soát toàn bộ cuộc đảo chính kỹ lưỡng nhưng cũng không ngờ mọi việc lại đi xa và vượt ngoài tầm kiểm soát của Washington tới vậy.

Mỹ tiếp tục “làm lơ” hậu đảo chính

Mỹ tiếp tục thực hiện chính sách “vờ như ngoài cuộc” khi cuộc đảo chính chấm dứt. Đây vẫn là chủ ý của Kennedy ngay khi nhận được tin đảo chính đã thành. Ngoại trưởng Mỹ Dean Rusk đã thay mặt Nhà Trắng ngay lập tức có những chỉ đạo như sau:

(1) Chậm trễ trong việc công nhận chính phủ mới để “các Tướng không bị mang hình ảnh là nhân viên hay bù nhìn cho Mỹ”, cũng như chứng tỏ công khai Mỹ “không phải là đồng loã” trong đảo chính.

(2) Khuyến cáo các phái đoàn của các Tướng ở Sài Gòn không tới gặp Lodge như thể vào để “báo cáo”, nhằm chứng tỏ với công luận rằng “sự việc không gì khác hơn là một cuộc đảo chính dựa trên ước muốn của một quốc gia, một sự việc đã cho thấy có sự hỗ trợ gần như nhất trí của các nhà lãnh đạo quân sự và dân sự quan trọng.”

(3) Tiếp tục nhấn mạnh vai trò của Phó Tổng thống Thơ và yêu cầu các Tướng đưa Thơ vào bất kỳ chính phủ tạm thời nào, để chứng minh “tính hợp hiến” của chính phủ mới.

Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn Cabot Lodge đồng tình hoàn toàn với 3 chỉ thị của Ngoại trưởng, còn tư vấn thêm hai điểm: (1) nên để các quốc gia đồng minh công nhận chính phủ tạm thời trước, Mỹ chỉ theo đuôi. (2) tiếp tục thanh toán các khoản trong chương trình nhập khẩu thương mại để các Tướng Sài Gòn thấy Mỹ hậu thuẫn họ, nhưng không công khai cho dân tình biết. Đúng như kế hoạch của Lodge, thư công nhận chính phủ mới ở miền Nam Việt Nam chỉ được giao vào ngày 08 tháng 11, khi Lodge đến viếng Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Đăng Lâm.

Mãi tới chiều ngày 03 tháng 11, ngày thứ hai sau cuộc đảo chính, các Tướng mới dám vào diện kiến Đại sứ Lodge. Lodge hứa sẽ cho phục hồi ngay lập tức một số  chương trình viện trợ cũ và sẽ nhanh chóng nối lại những chương trình khác khi chính phủ mới ra mắt. Tài liệu Mỹ ghi nhận: “Lodge đã phấn khởi, cả ở hiệu quả và thành công của cuộc đảo chính, và mức độ nghiêm túc và quyết tâm của các Tướng để đối phó với các vấn đề bức xúc và tiếp tục chiến tranh.”

Tuy vậy, cảm giác “lễ hội” ở Sài Gòn hậu đảo chính chẳng kéo dài. Không khí chính trị ở Sài Gòn nhanh chóng rơi vào phân rã. Các Tướng tá được Mỹ hậu thuẫn trong đảo chính bất lực trong việc điều hành guồng máy chính quyền. Ông Bùi Diễm, cựu Đại sứ Việt Nam Cộng hoà tại Mỹ, viết: “Những quân nhân trong Hội đồng tướng lãnh chẳng những đã không có quan niệm rõ rệt về chính phủ hoặc xã hội, mà cũng chẳng hề có những suy nghĩ thiết thực về việc xây dựng lại quốc gia.”

Với thực tế ấy, không ai khác ngoài Mỹ đã nhận ra rằng vụ đảo chính là một “sai lầm” không thể cứu gỡ được. Giám đốc CIA William Colby sau này đã gọi đó là “sai lầm then chốt của cuộc chiến tranh” và rằng “với sự lật đổ Diệm là sự sụp đổ của Nam Việt Nam, chỉ có thể cứu vãn bằng việc Tổng thống Johnson đưa quân Mỹ sang Việt Nam.” Nhưng ngay cả việc đưa quân cũng không cứu nổi sự sụp đổ cuối cùng ấy của các chế độ thân Mỹ ở miền Nam Việt Nam.

(Theo Tạp chí Phương Đông)

 

 

[1] Bí mật Ngũ Giác Đài. Bản dịch bằng tiếng Việt của Nguyễn Quốc Vĩ

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN