Tin 39 người Việt Nam chết trong một container ở nước Anh trong tháng 10/2019 vừa qua, với nguyên nhân được cho là hậu quả của tội buôn người, thực sự là một cú sốc đối với mọi nguời Việt Nam. Câu hỏi đặt ra là họ bỏ quê hương để sang Châu Âu rồi chui vào container sang Anh để làm gì? Rõ ràng không phải vì mục đích chính trị mà theo thông tin ban đầu từ người nhà người bị nạn quê ở Nghệ An thì những người này đi Anh để kiếm được nhiều tiền hơn.
Ở Việt Nam đã có lúc người ra nước ngoài bất hợp pháp được gói gọn trong từ “trốn” vào những năm kết thúc chiến tranh sau năm 1975 là chuyện thường xảy ra ở cả miền Bắc và miền Nam. Có lúc ồ ạt, hàng ngàn người ra đi bằng đường biển để đến các nước khác định cư. Việc ra đi lúc đó không có gì khó hiểu vì sau chiến tranh, xã hội xáo trộn do chế độ Sài Gòn của Thiệu sụp đổ, đời sống quá khó khăn, nên nhiều gia đình phải ra đi để tìm cuộc sống mới cho bản thân. Đất nước lúc đó ai cũng biết nhưng lực bất tòng tâm, chưa có biện pháp nào tốt hơn ngoài biện pháp tuyên truyền, vận động, giải thích, khích lệ tinh thần người dân chịu đựng, vượt qua giai đoạn khó khăn để xây dựng một tương lai tốt hơn. Những người kháng chiến cùng phần lớn người lao động, dân nghèo dù bị đói nghèo đã không bỏ nước ra đi và sau 40 năm thoát khỏi chiến tranh, thoát khỏi bao vây cấm vận thời thù địch, đã từng bước xây dựng một đất nước Việt Nam thoát khỏi đói nghèo, cơ bản người dân đã có việc làm ổn định và có được cuộc sống khá giả, tiếp cận được các hoạt động dịch vụ sản xuất và đời sống xã hội. Việt Nam nay đã trở thành một địa chỉ đầu tư và làm giàu lý tưởng của người nước ngoài và người dân trong nước; tăng trưởng kinh tế xã hội hàng năm ở mức cao của thế giới; một bộ phận người dân trở nên giàu có, tỷ lệ trung lưu mỗi năm đều tăng chiếm trên 30% hộ dân, đã có hàng chục doanh nhân Việt Nam được xếp hạng những người giàu nhất thế giới. Trong số những người giàu nhất ở Việt Nam hiện được công bố, đáng mừng là có nhiều người lại từng sống, học tập, lao động ở nước ngoài trở về vào đầu thế kỉ XXI. Họ đã tận dụng tốt trình độ chuyên môn và kinh nghiệm của mình và các cơ hội ở trong nước để kiến tạo sự nghiệp. Trong một thời gian ngắn họ đã thành đạt, họ “làm những gì luật pháp không cấm”; tất nhiên, chặng đường đi của họ cũng không ít khó khăn để làm giàu cho bản thân và xã hội.
Trong những năm gần đây, chúng ta cũng lại chứng kiến hàng ngàn người Việt định cư ở nước ngoài trở về nước làm ăn trên các lĩnh vực và họ đã thành đạt trên lĩnh vực môi giới dịch vụ, bất động sản, các dự án phát triển công nghệ trên lĩnh vực chế biến thực phẩm và sản phẩm nông nghiệp, v.v.. Người Việt kiều đã trở nên giàu có ngay ở đất nước của mình và phát triển, kết nối với các nền kinh tế ở khu vực và các nền kinh tế lớn trên thế giới. Đặc biệt, Việt Nam đang được thế giới đánh giá là địa chỉ để các doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư làm giàu thuận lợi nhất ở khu vực. Điều đó có nghĩa là người dân Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội để tiếp cận với các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ để tăng thêm thu nhập cho mình. Và sự thực nó đang diễn ra; không còn cảnh trốn bỏ quê hương để kiếm sống trên đất khách quê người như những năm tháng sau chiến tranh. Cuộc sống của người dân đã ổn định hơn rất nhiều.
Nhưng không phải cái gì người dân có được đều đã đáp ứng được cuộc sống, nhất là khi vẫn còn lực lượng lao động không nhỏ chưa có việc làm ổn định, nên trong những năm qua, nhà nước cũng vẫn tạo điều kiện cho những ai có sức khỏe tốt được ra nước ngoài bằng con đường hợp pháp từ hàng ngàn hợp đồng lao động do các doanh nghiệp ký với các đối tác nước ngoài, đã giúp cho hàng trăm ngàn lao động đi các nước làm việc có thời hạn. Đời sống của những người này và gia đình họ đã giải quyết được khó khăn tạm thời nhờ số tiền lao động mà họ có được.
Như vậy, nhìn cả hai phương diện, những điều kiện mở ra để lao động có việc làm trong nước và nhà nước tạo điều kiện cho người dân ra nước ngoài kiếm việc làm bằng các hợp đồng lao động đều rất thuận lợi để cho người lao động lựa chọn. Nhưng rất tiếc vẫn có sự lựa chọn thứ ba là ra đi bất hợp pháp, hoặc đi hợp pháp nhưng ở lại bất hợp pháp. Thật là ngạc nhiên khi có một tốp người lợi dụng các chuyến đi công tác hợp pháp rồi ở lại Hàn Quốc như truyền thông đã đưa. Những người này không thuộc loại nghèo khó và cũng không phải là tội phạm lẩn trốn. Vậy họ trốn ở lại Hàn Quốc đề làm gì? Và 39 người quê ở Nghệ An, Hà Tĩnh móc mối với đường dây mua bán người để đến châu Âu, rồi chết trong chiếc thùng container ở nước Anh gây chấn động quốc tế, gây cú sốc cho mọi người dân đất Việt. Được biết những người này phải nộp hàng trăm triệu đồng để ra đi theo kiểu này (trốn theo kiểu Thùng nhân). Điều đó chứng tỏ không phải họ là những người nghèo đói, kiệt quệ về đời sống (cũng có thể hiểu được số tiền nộp cho bọn môi giới tổ chức trốn có thể họ phải vay nợ, người cho vay tin gì từ những người này), mà rõ ràng họ vẫn huy động được chừng ấy tiền để ra đi bất hợp pháp, như thân nhân họ ở quê nói là đi để kiếm nhiều tiền để làm giàu. (Thật là rủi ro đối với họ, chưa kiếm được tiền thì đã chết).
Trong thế giới ngày nay, người dân, nhất là thế hệ trẻ, qua công nghệ thông tin, có thể tìm hiểu và biết được đâu là điểm đến của họ để phát triển tài năng hoặc đem sức lực của mình để kiếm việc làm, và cao hơn là làm giàu cho bản thân. Họ không lạ lẫm gì các thủ tục và điều kiện cần có, nhất là muốn làm việc ở nước ngoài. Các thông tin về các doanh nghiệp cần người làm việc đều được công bố công khai. Những người chết phát hiện ở nước Anh vừa qua chắc chắn đã có những thông tin và nghiên cứu kỹ để lựa chọn con đường ra nước ngoài kiếm tiền. Họ biết những kẻ môi giới, tổ chức cho họ ra nước ngoài bất hợp pháp và chấp nhận một khoản chi phí không nhỏ cho bọn môi giới. Họ có quyết định như vậy khi đã phải biết rất rõ những nước họ sẽ đến và họ sẽ làm gì khi đặt chân tới đích, và chắc chắn họ biết công việc họ làm được nhiều tiền là việc gì. Chúng ta đặt ra một câu hỏi là với một người xuất thân là người lao động đơn giản ở một vùng quê (không phải là nhà khoa học, kỹ sư, thợ bậc cao) sẽ làm gì ở nước Anh để có nhiều tiền? Ngay cả những người có trình độ cao, để có việc làm và kiếm được nhiều tiền ở nước Anh và châu Âu cũng không phải là chuyện dễ dàng. Chúng ta cũng suy đoán rằng những người này khi sang tới nước Bỉ trước khi đi Anh, chắc chắn họ cũng đã biết được sự nguy hiểm về tính mạng của họ khi chọn con đường trốn đầy nguy hiểm, nhưng họ vẫn chấp nhận đến bằng được nước Anh để làm một công việc gì đó chỉ họ mới biết rõ. Đến nay chúng ta chưa có thông tin đầy đủ về việc làm của họ, tuy nhiên, chúng ta vẫn suy đoán được một cách chắc chắn là họ sẽ tham gia vào một hoạt động bất hợp pháp của một tổ chức tội phạm nào đó đang hoạt động ở Anh. Nhiều năm nay đã lan truyền tin ở Anh và một số nước châu Âu khác có các nhóm người Việt trồng cây cần sa bất hợp pháp (thường gọi là trồng cỏ). Những nhóm người này đã kiếm được rất nhiều tiền từ cây cần sa. Từ đó suy đoán rằng 39 người sang nước Anh chết trong container rất có thể sẽ nhập vào các nhóm “trồng cỏ” này theo một đường dây được tổ chức từ Anh với bọn tội phạm đang ở Việt Nam. 39 người này chỉ là nhóm người tiếp theo những nhóm đã vào nước Anh theo đường bất hợp pháp đã đi trót lọt trước đó.
Khi viết bài này, các phương tiện truyền thông của nhà nước và mạng xã hội đưa ra nhiều tình tiết và các nhận định kể từ khi phát hiện ban đầu cho đến khi cảnh sát Anh xác định 39 người chết trong container là người Việt Nam, thì đã tác động tới dư luận xã hội với nhiều cách nhìn khác nhau.
Luồng ý kiến thứ nhất thông cảm và chia sẻ với những người bị nạn và gia đình của họ – cho rằng họ là những người nghèo, ra nước ngoài để kiếm tiền nuôi sống gia đình, họ không có tội tình gì, và chết một cách oan uổng và bi thảm chưa từng xảy ra trên thế giới, luồng ý kiến này kêu gọi nhà nước và xã hội cần phải thông cảm và giúp đỡ cho gia đình họ vượt qua được khổ đau và mất mát này.
Luồng ý kiến thứ hai có sự thông cảm, nhưng không coi họ là những người nghèo, vì họ nộp cho bọn môi giới tổ chức trốn đến hàng trăm triệu, hàng tỷ đồng, động cơ và mục đích của số người này khác với động cơ, mục đích của những người xuất khẩu lao động bằng con đường hợp pháp. Những người này họ biết rõ đích họ đến, việc họ sẽ làm và số tiền họ sẽ thu được qua việc làm đó và tất nhiên không phải kiếm tiền lương thiện. Vì vậy dư luận xã hội đã lên án họ cũng rất mạnh mẽ, không thể chấp nhận cách mà những người này ra nước ngoài bất hợp pháp do bọn tội phạm tổ chức theo kiểu “thùng nhân” này, và lại càng phải lên án cách kiểm tiền bằng con đường bất lương, phạm pháp. Luồng ý kiến này cũng đề nghị nhà nước phải điều tra, triệt phá ngay các đường dây, môi giới tổ chức trốn đi nước ngoài đang diễn ra để chặn đứng, không để các vụ việc đáng tiếc xẩy ra như vừa qua.
Một quốc gia có nền văn minh, và văn hóa và điều kiện làm giầu ngày càng thuận lợi như nước ta hiện nay, thiết tưởng mọi người dân đều nhận thức được các giá trị tốt đẹp đang có ở đất nước mình, và tự hào được làm giầu ngay trên quê hương mình; thật lấy làm tiếc vẫn có một nhóm người lạc hậu, bị ám ảnh bởi đồng tiền mà bỏ lại tất cả để lao vào con đường “chết đường, chết chợ”. Sự kiện họ gây ra trên đất khách chỉ thiệt hại cho bản thân và gia đình những người bị nạn, cao hơn là quốc thể bị xỉ nhục, một quốc gia có lúc được xem như là lương tâm của thời đại. Hậu quả vụ 39 người chết ở thùng Container phát hiện ở nước Anh sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới các mối quan hệ của nước ta với quốc tế và quyền con người.
Chúng ta rất hoan nghênh nhà nước đã vào cuộc và xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh theo chủ nghĩa nhân đạo của dân tộc ta, nhưng đòi hỏi nhà nước cần phải mạnh hơn, triệt phá bằng được các tổ chức tội phạm, buôn người, môi giới tổ chức trốn đang hoạt động đâu đó trên khắp đất nước ta. Rất hoan nghênh ngành Công An đã vào cuộc điều tra đường dây của loại tội phạm này. Công an Hà Tĩnh đã khởi tố, bắt đối tượng môi giới tổ chức trốn đã đáp ứng phần nào của dư luận, lực lượng Công An cần xử lý kiên quyết hơn nữa.
Nhưng giải quyết hiện tượng tiêu cực này không chỉ bằng biện pháp hành chính xử phạt của pháp luật mà phải bằng các biện pháp mang tính tổ chức của một nhà nước, phù hợp với một xã hội phát triển. Sự kiện 39 người Việt Nam chết trong một container phát hiện ở nước Anh tháng 10 vừa qua là tiếng chuông đánh thức nhận thức quốc gia để đi tìm nguyên nhân dẫn đến thảm kịch đó. Ta có thể nhắc đến sự kích thích của đồng tiền, sự xúi giục, lôi kéo của các nhóm tội phạm – thậm chí cả sự khích lệ của người thân và bạn bè, sự thuận lợi về cư trú và việc làm của nhiều nước Châu Âu, nhưng tất cả những nguyên nhân vừa nêu chỉ là điều kiện, là cái ngọn. Các nguyên nhân sâu xa được coi là những lỗi lớn mà chúng ta cần đề cập đến đó là:
Thứ nhất: chúng ta có lỗ hổng lớn về giáo dục. Hệ thống giáo dục công dân của chúng ta coi trọng dậy nghề, chưa coi trọng dạy đức, dạy cách sống, dạy cách làm người. Nhà nước cổ vũ, khuyến khích người dân làm giầu, tức là làm cho người dân kiếm được nhiều tiền, nhưng phải là đồng tiền lương thiện, đồng tiền góp phần tăng trưởng xã hội chứ không phải phá vỡ cơ cấu xã hội thì giáo dục lại ít được chú ý. Việc hình thành đạo đức, tâm lý, thái độ của mọi người là cả một quá trình dài – từ khi còn tấm bé đến khi trưởng thành, là kết quả của sự giáo dục ở trường và gia đình. Quá trình này luôn luôn bị đứt đoạn do điều kiện sống của mỗi người, hệ quả là lực lượng lao động trẻ nước ta có một bộ phận không nhỏ không được đào tạo và giáo dục cơ bản – cho nên khi vào đời dễ bị tác động, lôi kéo vào những việc làm nguy hiểm để kiếm tiền – do xoay vần của nền kinh tế thị trường lấy lợi nhuận là mục đích. 39 người phát hiện chết ở nước Anh thuộc vào nhóm người này, họ là lớp lao động trẻ, lương thiện sống ở vùng quê nghèo – do thiếu hiểu biết nên bị lôi kéo vào con đường đi kiếm tiền bất chấp nguy hiểm.
Chúng tôi kêu gọi xã hội, nhà nước cần sớm khắc phục lỗ hổng trong giáo dục, đào tạo thế hệ trẻ nước ta có được kỹ năng làm việc, kỹ năng sống chân chính, làm giầu ngay trên quê hương mình như Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói, không để các sự việc tiêu cực xẩy ra như vừa qua.
Vấn đề thứ hai là lỗi do truyền thông, thông tin: Hệ thống truyền thông nước ta đã phát triển hơn rất nhiều so với 5 năm về trước. Những thông tin về sự phát triển kinh tế xã hội, quan hệ quốc tể đã chiếm được thời lượng lớn trên khắp các lĩnh vực. Việc quảng cáo cho các doanh nghiệp cũng rất lớn. Tuy nhiên lại rất thiếu những thông tin cảnh báo cho người dân về chọn việc làm và hội nhập với cuộc sống, nhất là cảnh báo về các hoạt động tội phạm liên quan tới người Việt ở nước ngoài cùng với các qui định luật pháp của các nước, các vấn đề về xuất nhập cảnh và cư trú ở các nước, các nhóm tội phạm lừa đảo, môi giới tổ chức trốn, các địa chỉ tiếp nhận và các thủ tục cùng các điều kiện xuất khẩu lao động của công dân,v.v…. Nếu làm tốt việc truyền tải thông tin nói trên tới người dân sẽ giúp cho lực lượng lao động trẻ ở nước ta lựa chọn được nghề nghiệp chính đáng của mình.
Vấn đề thứ ba: Vai trò của chính quyền cơ sở (xã, phường) chưa quan tâm tới việc quản lý con người ở địa phương mình. Có thể khẳng định, mọi động thái của người dân ở phường, xã (nhất là thôn xã) chính quyền cơ sở đều biết. Qua lượng thông tin tiếp xúc gia đình của những nạn nhân chết ở nước Anh thì ở địa phương này đã có nhiều người ra nước ngoài làm ăn qua đường bất hợp pháp – họ thông tin về cho gia đình – và tác động không nhỏ tới cộng đồng, kích thích việc ra nước ngoài làm ăn bất hợp pháp. Việc tổ chức trốn đi nước ngoài của 39 người cũng diễn ra công khai trong một thời gian dài, thậm chí biết được kẻ môi giới, số tiền cần phải nộp cho bọn môi giới, chỉ có điều là không ai phát giác, cho là chuyện đi làm ăn bình thường, chính quyền cơ sở không kiểm soát gì với các hoạt động của họ, thậm chí còn dự bữa liên hoan khi họ ra đi. Khi ra nước ngoài số người trốn vẫn liên lạc thường xuyên về cho gia đình … điều này chính quyền địa phương đều biết. Điều này cho ta thấy chính quyền địa phương đã buông lỏng quản lý, trong đó có cả việc nhận thức. Nếu sự việc được phát hiện và có biện pháp quản lý chặt chẽ ngay từ đầu của chính quyền thì sự việc đau lòng như vừa qua chưa chắc đã xảy ra./.
Xuân Sơn
(Theo Tạp chí Phương Đông)