Gian dối – một căn bệnh của xã hội

Xã hội Việt Nam đang phát triển nhiều mặt, kinh tế đất nước và đời sống nhân dân đã có sự thay đổi lớn, văn minh của xã hội được phát triển, khiến người dân được hưởng thụ và thay đổi cuộc sống theo chiều hướng khá giả, nhưng đồng thời cũng phát sinh nhiều biểu hiện tiêu cực. Nhiều thói xấu nảy sinh trong lòng xã hội và nhiều người đã cảnh báo về sự suy giảm đạo đức trên quy mô toàn xã hội. Những giá trị quốc gia Việt Nam bị mai một.

Một trong những thói xấu nổi cộm nhất trong giai đoạn hiện nay chính là tình trạng gian dối để trục lợi. Trong cuộc sống hiện đại, ở mọi lĩnh vực, bất kỳ nơi đâu, bất kỳ việc gì chúng ta cũng bắt gặp tình trạng ăn gian nói dối này. Các phương tiện thông tin từ báo chí tới Facebook gần đây đều đề cập đến nhiều hành vi gian dối trong xã hội ta. Điều đáng nguy hại là căn bệnh nói dối này dường như không giảm mà ngày càng có xu hướng tăng cao. Gian dối trở thành “chuyện thường ngày ở huyện” ở mọi nơi mọi lúc.

Tôi có người bạn về hưu; ông kể một câu chuyện rằng mỗi khi ra chợ, vợ đều dặn phải cẩn thận không bị người ta cân điêu. Thật tội nghiệp cho ông bạn già! Đây chỉ là một ví dụ rất nhỏ, trong cuộc sống gặp phải gian dối thì không kể hết được. Như vậy, có thể thấy việc sợ bị lừa đã ăn sâu vào đầu óc của tất cả mọi người dân, bởi gian dối xâm nhập vào mọi lĩnh vực của đời sống. Sự gian dối tràn ra toàn xã hội đã lên tới mức báo động trên mọi lĩnh vực.

Một hộ kinh doanh bơm tạp chất vào tôm bị các cơ quan chức năng tỉnh Bạc Liêu bắt quả tang

Ngoài xã hội, người dân thường bị tiểu thương lừa hàng giả nói hàng thật, thuốc giả nói thuốc thật, cân đo hàng không đủ, trộn hàng với tạp chất để tăng trọng lượng, lợn bơm thêm nước, dán mác giả, lừa gạt chơi hụi, tín dụng đen, bán hàng đa cấp, lừa gạt buôn người, đẻ thuê, lừa gạt sổ đỏ nhà và đất…. Có thể nói lĩnh vực nào bọn bất nhân đều nghĩ ra chiêu trò để nói dối, lừa gạt người dân lành.

Người dân thì như vậy, doanh nghiệp cũng gian dối không kém. Lĩnh vực giao thông, xây dựng thì nhà thầu thi công ẩu, rút ruột công trình để kiếm lợi. Nhiều doanh nghiệp bất động sản bán khống những lô đất hoàn toàn không có trên thực tế. Doanh nghiệp khai số liệu giả để lãi nhiều khai lãi ít, thậm chí báo lỗ để trốn thuế nợ thuế.

Hoạt động buôn lậu qua biên giới là phổ biến, liên tục, hàng hóa lậu được dán mác Việt Nam để xuất khẩu. Gần đây, lực lượng công an phát hiện nhiều kho hàng của doanh nghiệp chứa hàng tạ, hàng tấn ma túy, đồng lõa với bọn tội phạm. Đây là chuyện chưa từng xảy ra những năm trước đây. Tình trạng chiếm dụng vốn, lừa đảo trên lĩnh vực tài chính, tiền tệ cũng rất nghiêm trọng, nhiều trường hợp lừa ngân hàng vay tiền rồi chạy trốn…

Nối dối xâm nhập vào mọi lĩnh vực trong hệ thống công quyền. Một ví dụ là vụ việc gây xôn xao dư luận gần đây khi những cán bộ giáo dục tại 3 tỉnh Sơn La, Hòa Bình và Hà Giang trực tiếp tham gia sửa điểm cho 222 thí sinh. Ngay cả những lĩnh vực cần trung thực nhất như nghiên cứu khoa học, các học giả cũng đều chỉ sao chép, cắt dán để làm cho xong đề tài nhằm giải ngân tiền nghiên cứu, chứ ít người thực sự muốn làm khoa học. Trong mọi lĩnh vực công khác, nhiều quan chức đều khai khống mọi số liệu để báo cáo cấp trên lấy thành tích. Gian dối trở thành chuyện rất bình thường, thật thà bị chê là “dốt” trong khi gian dối lại được khen là năng động, sáng tạo; nơi nào không gian dối bị nói là năng lực làm việc kém. Người dân mặc định rằng làm quan chức ngày nay họ nói cái gì cũng đúng.

Điều rất nghiêm trọng xảy ra ở nhiều cơ quan đơn vị là nói dối cấp trên, thổi phồng thành tích; tỷ lệ dân nghèo cao thì báo cáo thấp, gian dối trong báo cáo tỷ lệ tăng trưởng, gian dối trong khai báo hàng hóa xuất nhập khẩu ít lại báo nhiều, cán bộ xấu vẫn báo cáo là tốt để đưa vào quy hoạch; lừa dối trong lập dự án kinh tế để kiếm lời; bệnh viện làm hồ sơ giả để lấy tiền bảo hiểm; cơ quan tố tụng làm sai lệch hồ sơ dẫn đến xử không đúng tội, gây oan uổng ngồi tù hàng chục năm sau mới phát hiện là sai. Đau lòng hơn là cán bộ nhiều xã khai khống danh sách mộ liệt sỹ để ăn tiền, làm hồ sơ giả để nhận là thương binh.

Tệ nạn lừa dối hối lộ để chạy chức cũng rất nghiêm trọng, dùng tiền để lừa dối tổ chức cho chức tước. Nghị quyết TW 4 phải đưa ra đánh giá: “Thao túng trong công tác cán bộ, chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy luân chuyển, chạy tội, chạy bằng cấp… là những biểu hiện cụ thể phản ánh suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Gian dối làm chuyển biến bản chất đạo đức, làm suy thoái đạo đức con người. Khi gian dối chi phối mọi hành vi xã hội, thì đây là điều đặc biệt nguy hiểm, trực tiếp làm mất uy tín của Đảng, suy giảm lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ.”

Mới đây, theo nghiên cứu của Giáo sư Trần Ngọc Thêm, bệnh giả dối đứng hàng đầu trong 34 tật xấu của người Việt, chiếm đến 81%.

Tại sao gian dối lại lên ngôi như vậy? Có nhiều nguyên nhân tích tụ từ nhiều năm, nhưng căn nguyên trước nhất chính là giáo dục. Việc giáo dục đạo đức con người đã bị sao lãng từ lâu rồi, nhiều gia đình chỉ ép con học cho giỏi, thành tài để kiếm được nhiều tiền, hoặc tranh đua trở thành ca sĩ nổi danh ngay từ tuổi thơ. Ngay ở trong môi trường giáo dục, tình trạng dối trá lại phổ biến nhất. Chuyện thày cô sửa điểm chỉ là một khía cạnh nhỏ. Bên dưới là tảng đá ngầm lớn hơn nhiều với vô số những hành vi khác như phớt lờ để thí sinh quay cóp, tuồn phao cho thí sinh, làm luận văn hộ… Nói dối trong giáo dục phổ biến tới mức không ai không biết nhưng vẫn ngang nhiên diễn ra trong một môi trường mà đúng ra sự trung thực phải được nêu gương để người trẻ noi theo. Kết quả là những sản phẩm của một nền giáo dục như vậy ra lò. Rất nhiều trong số đó đang và tiếp tục tiếp cận với xã hội, được nhận làm việc trong các cơ quan công quyền hay doanh nghiệp. Những cán bộ như vậy tiếp tục gian dối để kiếm lợi như cái cách họ đã tiến thân. Những người này ở ngoài xã hội làm ăn cũng tiếp tục gian dối và lừa đảo người khác để kiếm tiền.

Một nguyên nhân khác là sự ham muốn lợi ích kinh tế. Mọi gian dối đều xuất phát từ lợi ích, cái gì có lợi cho cá nhân, dù to hay nhỏ, đều nghĩ ra các chiêu trò để được hưởng lợi. Trong hệ thống công thì hành vi này được gọi là tham nhũng vặt. Cán bộ nhà nước chỉ vì những khoản rất nhỏ nhưng bỏ qua trách nhiệm quản lý, buông lỏng công việc để mặc nhiên cho những sai phạm công khai diễn ra. Người kinh doanh vì những khoản lãi rất nhỏ nhưng sẵn sàng đăng bán hàng rẻ tiền với giá cao trên mạng xã hội để lừa người khác.

Một nguyên nhân khác nữa là tình trạng pháp chế của ta quá lỏng lẻo nên gian dối tồn tại được nhiều năm nay. Quá nhiều hành vi gian dối của doanh nghiệp, quan chức không được xử lý. Trong một môi trường dễ dãi như vậy, đạo đức con người dễ suy đồi, giá trị nhân văn bị chà đạp, mọi người vì lợi nhuận nên bất chấp tất cả các giá trị tốt đẹp và tình yêu thương con người. Thậm chí nói dối còn được coi là một phương thức để thích ứng với xã hội hiện đại. Muốn lợi nhuận phải nói dối thuế, muốn lãi cao phải bán cân thiếu, muốn sống được thì không thể trung thực. Đây trở thành vấn đề xã hội. Con người làm sai cũng không còn thấy xấu hổ nữa; họ cho rằng nói dối có lợi, nói thật hỏng việc. Biết là bị nói dối nhưng có lợi nên bỏ qua điều nói dối.

Từ những nguyên nhân nói trên, có thể thấy nói dối đã trở thành căn bệnh của xã hội. Văn hoá nói dối này đang tác động vào tư tưởng, tâm lý, đã trở thành một thói tính xấu nên khiến con người phải phòng ngừa nhau, mất đi giá trị của sự tin tưởng và tình yêu thương trong xã hội. Từ nói dối nhỏ trong phạm vi xã hội dần dần biến thành tội phạm, gây mất an ninh trật tự, đe dọa cuộc sống của mọi người dân.

Đội Cảnh sát công an kinh tế Quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh, kiểm tra cơ sở sản xuất – kinh doanh và phát hiện số lượng lớn nước hoa, mỹ phẩm giả các thương hiệu nổi tiếng

Như vậy, gian dối không chỉ đơn thuần là vấn đề xã hội hay tội phạm, cao hơn là xói mòn giá trị đạo đức, văn hóa của dân tộc, làm suy giảm quyền lực nhà nước và lòng tin của người dân đối với Đảng và Nhà nước. Do vậy, chúng ta phải đặc biệt quan tâm giải quyết cho được căn bệnh này.

Vậy làm thế nào để khắc phục căn bệnh này. Đây là vấn đề lớn, không chỉ giao cho một cơ quan nào làm được, mà phải toàn xã hội cùng chung tay loại trừ nó. Trước hết, mọi người dân phải lên án và tuyên chiến mạnh mẽ với hành vi gian dối của người khác bằng việc tố cáo với các cơ quan công quyền, nhỏ hơn thì phải vạch mặt tại chỗ. Cơ quan truyền thông báo chí đã làm tốt trong thời gian vừa qua, nay cần tích cực hơn nữa trong việc phát hiện và công khai cho xã hội biết, lên án. Nhưng điều quan trọng hơn là mỗi người tự điều chỉnh mình, phải biết hổ thẹn với hành vi nói dối, phải nghĩ tới nói dối là một tội ác, làm điều bất nhân là tự giết mình một cách từ từ. Kiếm lợi, kiếm miếng ăn, tạo danh vọng bằng lừa dối sẽ là họa phúc – cứ xem bọn cờ bạc, ma túy, bịa chuyện hại người thì rõ. Cuối cùng, cuộc đời của những kẻ như vậy sẽ bị quả báo, thấy đó mà tránh. Tuy nhiên, vấn đề giáo dục vẫn là căn bản, con người có tốt phải do giáo dục mà nên. Chúng ta phải có trách nhiệm giáo dục con người từ tấm bé, đó là trách nhiệm của các gia đình, của trường học, của cơ quan đoàn thể. Muốn trở thành người có đạo đức lúc trưởng thành thì phải dạy lễ độ từ tấm bé; xã hội, nhà nước cần nhận thức rõ điều này, phải bắt tay ngay vào sự nghiệp này, dù đã chậm lắm rồi nhưng nhất thiết phải làm bằng sự cố gắng của mọi người dân và nhà nước. Hiện nay trẻ em cơ bản đã không thất học nhưng nhất thiết không để các cháu sau này là người thất đức.

Tình trạng gian lận diễn ra cả trong ngành giáo dục, một môi trường lẽ ra sự trung thực phải được nêu gương để người trẻ noi theo

Một vấn đề rất quan trọng khác là phải minh bạch thông tin. Chính việc bưng bít thông tin khiến cho nói dối khó bị phát hiện và trở thành hiện tượng tràn lan. Bưng bít thông tin càng khiến người dân mất niềm tin vào chính quyền, nghĩ rằng mọi thứ đều là dối trá. Có hiện tượng dân chỉ chăm chú theo dõi mọi đồn đoán trên mạng xã hội hơn là báo chí chính thống. Đây là điều rất không nên bởi báo chí mới là cơ quan đưa sự thật, trong khi mạng xã hội đưa quá nhiều tin tức không được kiểm chứng càng khiến người dân hoang mang và mất niềm tin. Một số vụ việc xảy ra ở Hà Nội mới đây có tình trạng như vậy.

Mọi người chúng ta đều đã biết tình trạng gian dối ở nước ta là chuyện không mới, nó va chạm hàng ngày với chúng ta nhưng không giải quyết được. Người Việt Nam cũng có xu hướng dĩ hòa ví quý, dễ chấp nhận để được yên thân, hoặc tố cáo cũng chẳng giải quyết được gì, nay tâm lý này cũng cần được thức tỉnh để thúc đẩy tiến bộ xã hội.

Một vấn đề quan trọng khác là chính quyền phải thực thi pháp luật một cách nghiêm minh. Tất cả các vụ nói dối, lừa lọc gây hậu quả trong xã hội cần phải được điều tra để xử lý. Để làm được điều đó, cán bộ công quyền phải hết lòng vì dân, những cán bộ có phẩm chất xấu nhất thiết phải loại trừ khỏi cơ quan công quyền khi phát hiện gian dối. Chỉ có sự nghiêm minh của kỷ cương pháp luật mới ngăn chặn và giảm thiểu những hành vi vì lợi ích nhỏ mà gian dối khiến toàn bộ xã hội bị thiệt hại. Tuyên chiến xử lý gian dối là biện pháp ngăn chặn tốt nhất để xây dựng một xã hội lành mạnh, bảo vệ an ninh và bảo vệ nền văn hoá truyền thống Việt Nam vốn dựa trên sự thật thà của những người nông dân chất phác.

Căn bệnh nào cũng cần tới bác sĩ để xem nguyên nhân gì. Tình trạng nói dối tràn lan ngày nay đã trở thành căn bệnh xã hội. Chúng ta đã nắm bắt được nguyên nhân gây bệnh nên phải nỗ lực tìm ra thuốc chữa, để đảm bảo đời sống con người và xã hội được an toàn hơn, đạo đức hơn, văn minh hơn./.

Xuân Sơn

(Theo Tạp chí Phương Đông)

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN