Làng xóm Việt Nam

Được viết vào những năm 60 của thế kỷ trước, cuốn sách “Đất lề quê thói” của tác giả Nhất Thanh Vũ Văn Khiếu xứng đáng được xem như một bách khoa toàn thư thu nhỏ về văn hóa và phong tục cổ truyền Việt Nam. Qua từng trang sách, độc giả như được mời thả bước trong một không gian sống cổ xưa nhưng lại vô cùng thân thuộc, gần gũi. Tác phẩm không chỉ bao gồm những câu chuyện về tâm tính người Việt, tục ma chay, cưới hỏi, cúng giỗ, hay nguồn gốc những kiêng khem mê tín… mà còn chứa đựng cả một thế giới tinh thần người Việt với những gìn giữ và thích nghi, thay đổi qua bao nhiêu thế hệ. Tạp chí Phương Đông trân trọng giới thiệu với bạn đọc một trích đoạn trong cuốn sách này.

Một ngôi làng ở Ninh Bình (Ảnh: Vũ Đức Phương)

 

Nơi thôn quê đồng ruộng nhiều gia đình ở quy tụ thành khu gọi là Xóm. Tùy trường hợp không nhất định, có xóm lớn gồm hàng trăm nóc nhà, có xóm nhỏ chỉ vài ba chục hay mươi lăm nhà.

Ở đất Bắc các xóm thường có lũy tre xanh vây bọc chung quanh. Trên đường đi vào xóm đôi khi có cổng xây hay cổng tre tối đến đóng lại phòng ngừa trộm cướp. Phần nhiều các xóm cách biệt nhau qua một khoảng trống là ruộng, hay ít nhất cũng bằng một con đường phân ranh.

Hai ba bốn có khi năm sáu xóm họp lại thành một Thôn còn gọi là Làng. Hai ba bốn thôn, có khi hơn nữa, họp lại thành đại Xã. Danh từ Làng nhiều khi lẫn lộn với Xã, nếu Xã đơn thuần không có đến hai Thôn. Nói cho rõ thêm thì Làng là tiếng thuần túy Việt nam, Xã là do chữ Hán có nghĩa là cái nền để tế thần đất; Cổ thời những người ở quy tụ với nhau một nơi hằng năm làm lễ tế thần đất trên một cái nền.

Theo tổ chức hành chính, danh từ Xã được dùng trong các giấy tờ sổ sách là một đơn vị khởi điểm của hạ tầng cơ sở, bất cứ Xã chỉ có một xóm hay gồm nhiều thôn.

Ở miền Bắc và miền Trung có nhiều làng đất rộng hẹp không chừng với hai ba ngàn xuất đinh,[1] kể là một xã, trái lại có nhiều làng đất hẹp người ít, có khi không đủ một trăm xuất đinh, cũng vẫn là một xã, khác hẳn với miền Nam phần nhiều các xã ấp đồng ruộng mênh mông thẳng cánh cò bay, ở rời rạc cách xa nhau tít mù tắp, không quy tụ chen chúc, không có những lũy tre xanh bao bọc chung quanh.

Có khi hai ba làng chỉ cách nhau một con đường hay một dòng sông một cái ngòi, mà giọng nói khác nhau, dáng điệu khác nhau, phong tục tập quán khác nhau. giọng nói Kẻ Noi, giọng nói quê hương thi sĩ Tản Đà và nhiều làng khác nữa, người các tỉnh xa nghe nhận biết ngay được.

Nguồn gốc của làng xóm

Người Pháp trước đây đã viết khá nhiều về Làng Xóm Việt Nam, họ thấy sao viết vậy thì còn nói gì, nhưng có người đã suy tưởng nông nổi đưa ra những ý kiến sai lầm về nguồn gốc làng xóm của ta. Người mình có những bậc “trí thức” dường như chỉ biết đọc mấy quyển sách ấy, đã phụ họa với họ, làm luận án văn chương luật khoa, được chấm đậu, lẽ dĩ nhiên là người Pháp chấm.

Cho rằng từ lúc có người ở rồi dần dần quy tụ thành làng xóm, thì lẽ tất nhiên như thế, không nói khác được.

Theo lịch sử thì nguồn gốc làng xóm của ta khá rõ rệt. Sau khi Lang Liêu được vua Hùng Vương thứ ba truyền ngôi cho, hai mươi mốt người anh em đều giữ các phiên trấn, lập làm bộ đảng, cứ thủ núi sông để làm hiểm cố. Về sau họ thường tranh nhau làm trưởng, người nào cũng dựng hàng rào gỗ (mộc sách) để che chở; bởi vậy có tên là Sách là Trại là Trang bắt đầu từ đấy.[2]

Khúc Hạo làm Tiết độ sứ (907-917) Giao Châu chia đất lập ra Lộ, Phủ, Châu, Xã.[3] Rất có thể danh từ Xã đã được đặt ra từ trước nữa.

Triều Lý và Triều Trần đơn vị khởi điểm của tổ chức hành chính vẫn được mệnh danh là Xã.[4]

Triều Lê trong các sổ sách công văn Làng được phân biệt gọi là Xã, Thôn, Trang, Động, Sách, Trại, Sở, Phường và Vạn. Trang, động, sách, trại, là những xóm làng ở tiếp giáp rừng núi hoặc ở nơi sâu thẳm trong rừng núi. Vạn là những xóm làng ở ven sông ven biển, chuyên nghề chài lưới. Phường là khu các nhà làm cùng một nghề ở quy tụ với nhau.

Triều Nguyễn từ đời Minh Mệnh về sau trong sổ sách và công văn, tất cả đều gọi là Xã, mộc triện đồng triện của lý tưởng đều khắc chữ Xã.

Tên các làng xóm

Các làng phần nhiều đã được đặt tên từ xưa, ngay sau khi mới thành lập. Hầu hết là tên gồm hai chữ có ý nghĩa lịch sử, địa lí, hoặc một ý niệm tốt lành thịnh vượng an ninh, như Thịnh Hào, Xuân Phú, An Hạnh, Lũ Phong, Vĩnh Lộc, Bình Hòa, Long Hưng, Đông Mĩ…

Những đại xã đất rộng có nhiều thôn ở cách xa nhau thường mang tên có thêm chữ thượng, trung, hạ, tiền, hậu để phân biệt vị trí, như Chuyên Mĩ thượng, Chuyên Mĩ trung, Thạch Tuy hạ, Dịch Vọng tiền, Dịch Vọng hậu…

Những làng quê quán của mấy vị công thần, những ấp họ thiết lập, những đất họ được vua phong cho, thường mang tên Trang, Xá, như Cấn Xá (tỉnh Sơn Tây), Đặng Xá (tỉnh Hà Đông), Mai Xá, Đông Trang (tỉnh Ninh Bình).

Một đôi khi làng được vua đặt tên thay cho tên cũ như Thiện Dưỡng, Thiện Trạo (tỉnh Ninh Bình) vì đã cứu giúp vua trong khi nguy khốn chạy nạn.

Nhiều làng có tên tục đơn giản thường nói cửa miệng, tuy vẫn có tên chính thức bằng hai chữ ghi trong sổ bộ nhà nước; không biết xưa theo tên tục rồi đặt ra tên chữ, hay là theo tên chữ mà gọi ra tên tục, như những làng Đăm (xưa là Tây Đàm nay là Tây Tựu tỉnh Hà Đông), Sêu (Trinh Tiết, tỉnh Hà Đông), Ngăm (Kim Giang, tỉnh Hà Đông), Ngọt (Vọng Nguyệt, tỉnh Bắc Ninh), Ké (Sính Kế, tỉnh Bắc Ninh), So (Sơn Lộ, tỉnh Sơn Tây), Bùng (Phùng Xá, tỉnh Sơn Tây), Hới (Hải Yến, tỉnh Hưng Yên), Mo (Yên Mô, tỉnh Ninh Bình), Vó (Vũ Xá, tỉnh Ninh Bình).

Trái lại, có những tên tục và tên chữ chẳng ăn nhập gì với nhau; có lẽ vì quá lâu đời không còn truyền lại cái ý nghĩa của mối liên hệ giữa tên tục và tên chữ, và gián hoặc nếu còn truyền lại thì cũng chỉ người địa phương ấy biết, như những làng Gióng (Phù Đổng, tỉnh Bắc Ninh), Và (Yên Đổ, tỉnh Hà Nam), Bông (Lai Hạ trung, tỉnh Hưng Yên), Sấu (ba thôn Quế Dương, Mậu Hòa và Dương Liễu, tỉnh Hà Đông), Giá (hai thôn Yến Sở và Đắc Sở, tỉnh Hà Đông).

Cái thông lệ đặt tên đất cũng như đặt tên người là ai cũng thích văn hoa nghĩa lí, chẳng mấy ai ưa chuộng nôm na thô kệch, chỉ khi nào không có chút văn tự, vô học, mới gặp sao bào hao làm vậy bạ đâu đặt tên đấy, đan cử một vài tỉ dụ như ngõ cô Ba Chìa, quán Bà Mau ở Hải Phòng, da Bà Bàu ở Sài Gòn, đường Chú Ía ở Gia Định… Đôi khi hoặc nhân có tên từ trước thì theo đấy phát âm ra tiếng Việt như Nha Trang xưa là tên Chàm Yjatran,[5] Mỹ Tho xưa là tên Miên Mi-Sâr,[6] hoặc theo miệng người khác giống nói mà gọi thành tên như Lao-kay, Faifo, Saigon…

Tên Faifo giờ không còn nữa, hẳn không phải là điều đáng tiếc. Nghe những tên lai căng, không Việt Nam chút nào thì thật là khó chịu, chẳng thà cứ nôm na mộc mạc như Mũi Này, Hòn Chồng lại có ý nghĩa và rất tự nhiên.

Người ta đã viết đủ về nguồn gốc hai tiếng Sài Gòn, đây không phải là bài khảo luận về ý nghĩa các địa danh, nhưng bảo rằng Sài Gòn là hòn ngọc của Viễn Đông thì có lẽ người Pháp xưa đã lỡm cợt chúng ta, nếu không phải họ có dụng ý nói như vậy để khoe khoang với mấy nước thực dân khác là họ có đất tốt đẹp. Sài Gòn trước đây còn sình lầy, đường xá luộm thuộm, nhiều khu trong lòng thành phố chen chúc, nhà sàn làm trên những vũng bùn quá dơ bẩn, bề ngoài thì cảnh trí không có gì ngoạn mục, chẳng chút sơn thanh thủy tú, nước sông lại ngầu đục nhơ nhớp quanh năm suốt tháng, mất hẳn cái thú ngao du sông hồ. Nói cho rõ vậy để hả nỗi bực tức về sự so sánh xỏ xiên kia nếu quả tình họ ngạo bang mình; còn như đẹp xấu đục trong vẫn là đất nước nhà, tạo vật bày ra như vậy, than phiền mà làm chi.

Thường thường cứ xem tên làng có thể nhận biết được xưa kia làng ấy là đất văn vật hay chỉ là nơi tụ hội từ lúc mới thành lập của những người bị lưu đày, của những người phiêu bạt, hay của những người khăn gói gió đưa, tha phương cầu thực. Ít văn hóa họ không biết cách đặt tên cho thôn ấp mới thành lập, cứ thuận miệng gọi tên theo vị trí có gò đống dòng lạch cây cao quán vắng, có khi với tên một kẻ cha căng chú kiết, chẳng đáng gì được nêu danh làm kỉ niệm.

Ít lâu nay ở những chốn hoang vu núi xanh đất đỏ và những nơi đồng chua nước mặn, những thôn ấp dinh điền mới thành lập, đều được đặt tên tươm tất không đến nỗi…

Các xóm thường được gọi tên giản dị sơ sài không văn hoa cảnh vẻ, theo vị trí đối với nhau trong phạm vi một làng, như xóm trên, xóm giữa, xóm dưới, hoặc xóm đông, xóm đoài, xóm trong, xóm ngoài./.

trích trong sách “Đất lề quê thói” – Nhất Thanh Vũ Văn Khiếu

(Theo Tạp chí Phương Đông)

 

Chú thích:

[1] Xuất đinh: đàn ông từ 18 đến 60 tuổi là một xuất đinh.

[2] Lĩnh Nam chích quái – Trần Thế Pháp

[3] Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục

[4] Việt Nam sử lược – Trần Trọng Kim

[5] Việt Nam văn học toàn thư quyển II – Hoàng Trọng Miên

[6] Monographie de la province de My-tho do Tòa hành chánh tỉnh ấy viết năm 1930 (có bản lưu ở Nha Học chính Nam phần trước đây)

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN