Một số bài phát biểu và tham luận tại Tọa đàm khoa học: “ĐỔI MỚI TƯ DUY ĐỂ PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC ĐẠI HỌC”

PHÁT BIỂU KHAI MẠC TỌA ĐÀM KHOA HỌC “ĐỔI MỚI TƯ DUY PHÁT TRIỂN ĐẠI HỌC VIỆT NAM TRONG THỜI KỲ HỘI NHẬP”

của GSTS. Trình Quang Phú, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông

Thưa các đồng chí,

Đất nước ta nếu tính đến công cuộc đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo Việt Nam là cuộc cách mạng, cuộc cải cách giáo dục lần thứ 4. Lần đầu là năm 1950, rồi 1956, 1979 và 2013. Như Nghị Quyết của Đại hội Đảng đã khẳng định cuộc đổi mới lần này là căn bản và toàn diện, là một đột phá chiến lược cho sự nghiệp giáo dục đào tạo của đất nước.

Để đóng góp thiết thực với Nghị Quyết của Trung ương, trước hội nghị TW 8 khóa 11. Với sự chỉ đạo và hợp tác trực tiếp của Ban Tuyên giáo Trung ương, Viện nghiên cứu phát triển Phương Đông đã cùng Tổng Cục dạy nghề, Tạp chí Cộng sản tổ chức suốt gần 2 năm 12 cuộc hội thảo, tọa đàm ở Hà Nội, Vĩnh Phúc, TPHCM, Phú Yên,… Các tài liệu hội thảo được Trung ương đánh giá cao, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia đã tuyển chọn in thành sách “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo Việt Nam” và đã tái bản 3 lần trong các năm 2012, 2014, 2015.

Tuy nhiên, đến nay sau 6 năm thực hiện Nghị Quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo, chúng tôi thấy vẫn còn nhiều bất cập, vẫn còn thiếu những điều cốt lõi để làm cuộc đột phá, cuộc cải cách toàn diện cho nền giáo dục mà nhất là giáo dục đại học Việt Nam.

GSTS. Trình Quang Phú, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông, phát biểu tại tọa đàm

Luật giáo dục sửa đổi vừa mới có hiệu lực, nhưng cái gốc, cái nền của sự đột phá đổi mới là từ đâu? Có đồng chí nói đó là tự chủ, chúng tôi cho rằng tự chủ là chìa khóa, cũng tại nơi đây chúng ta hai năm trước chúng ta đã trao đổi về tự chủ. Hiệp hội các trường đại học và cao đẳng Việt Nam đã tổ chức hội thảo về những bất cập, thách thức trong tự chủ đại học… Càng thấy rõ việc tự chủ vẫn chưa toàn diện, có phần chậm lại. Các đồng chí biết 14 năm trước Nghị quyết 14/2005 của Chính phủ đã rất quyết liệt về đổi mới giáo dục đại học giai đoạn 2016-2020. Trong đó nêu rõ “Chuyển các cơ sở giáo dục đại học công lập sang hoạt động theo cơ chế tự chủ, có pháp nhân đầy đủ, có quyền quyết định và chịu trách nhiệm về đào tạo, nghiên cứu, tổ chức, nhân sự và tài chính”. Nghị quyết cũng xác định “Xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản”. Vậy những năm 2016 – tức 11 năm sau, Nghị quyết 89 của Chính phủ lại khẳng định “Giảm mạnh sự can thiệp hành chính của các cơ quan chủ quản đối với hoạt động các trường đại học, tiến tới xóa bỏ cơ chế chủ quản”.

Tôi có trao đổi với Giáo sư Trần Hồng Quân, vậy thì cách gì để đột phá chiến lược cho cuộc cách mạng này. Chúng tôi cho rằng phải tính từ tư duy. Cũng có đồng chi cho rằng đặt ra việc đổi mới tư duy e rằng sẽ đụng chạm, đây là vấn đề có tính nhạy cảm.

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng, Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương trước khi bay công tác ở Hoa Kỳ đã có cuộc trao đổi với chúng tôi và từ Hoa Kỳ đồng chí có bài viết gởi về. Đồng chí khẳng định Tư duy không đúng, không mạch lạc, không hệ thống thì việc thực hiện đổi mới giáo dục sẽ chắp vá, đi sai đường và tất nhiên không thành công.

Chính vì lẽ đó nên Viện nghiên cứu phát triển Phương Đông và Hiệp hội các trường đại học và cao đẳng Việt Nam đã quyết định chọn chủ đề Đổi mới Tư duy để làm đề tài cho cuộc nghiên cứu trong 2 năm 2019 – 2020 về giáo dục Việt Nam.

Đề tài lúc đầu chúng tôi chọn 7 nội dung, nhưng sau tính lại còn 5 nội dung chính đó là:

– Đổi mới tư duy về quản lý nhà nước với giáo dục đại học

– Đổi mới tư duy về hệ thống và mô hình tổ chức đào tạo đại học

– Đổi mới tư duy về tự chủ đại học

– Đổi mới tư duy về quốc tế hóa đại học ở Việt Nam

– Đổi mới tư duy về người thầy trong giáo dục đại học.

Trong 5 nội dung đó, mỗi nội dung có những đề tài nhánh (chúng tôi đã gởi đến các đồng chí).

Hôm nay có mặt tại diễn đàn này có nhiều Giáo sư, Viện sĩ, Tiến sĩ, Thạc sĩ là những nhà quản lý, nhà nghiên cứu của Viện nghiên cứu Văn hóa thuộc Viện hàn lâm khoa học xã hội, Viện kinh tế của học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, của các trường đại học Sư phạm kỹ thuật TPHCM, Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Nguyễn Tất Thành, Đại học Nông lâm TPHCM, Đại học cảnh sát nhân dân TPHCM, Đại học Y dược TPHCM, Đại học Phú Yên, Đại học Xây dựng miền Trung, Đại học Sư phạm TPHCM, Đại học Mở TPHCM, và đặc biệt có Giáo sư Viện sĩ Nguyễn Quốc Sỹ, Đại diện Trường đại học quốc gia năng lượng Moscow. Cuộc tọa đàm có sự tham dự của một số Tập đoàn kinh tế, Các doanh nhân tham dự. Điều này thể hiện rõ mối quan hệ chặt chẽ và cần thiết giữa nhà trường với doanh nghiệp.

Thay mặt cơ quan chủ trì tọa đàm, tôi đề nghị các đồng chí hãy cùng chúng tôi nghiên cứu sâu những nội dung nêu trên để chúng ta có thể đóng góp thiết thực hơn với Trung ương Đảng, với Quốc Hội, Chính phủ về việc đột phá để đổi mới tư duy phát triển giáo dục đại học Việt Nam trong thời kỳ hội nhập.

Xin trân trọng cảm ơn./.

———

Tham luận

                                   ĐỔI MỚI TƯ DUY VỀ GIÁO DỤC

                                            Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng

Tư duy quy định hành động. Tư duy về giáo dục không đúng, không mạch lạc và không hệ thống thì việc thực hiện đổi mới giáo dục sẽ chắp vá, đi sai đường, và tất nhiên sẽ không thành công, đánh mất cơ hội và thời gian. Tư duy là việc đầu tiên của đổi mới, bắt đầu cho đổi mới, cũng là nền tảng của mọi sự đổi mới. Vì vậy, Viện Nghiên cứu phát triển Phương Đông bắt đầu chuyên đề Đổi mới Giáo dục bằng việc thảo luận về đổi mới tư duy là rất đúng đắn.

Cần đổi mới tư duy về giáo dục theo hướng nào? Có hai câu hỏi cơ bản và chung nhất sẽ theo suốt chúng ta trên con đường đổi mới và xây dựng một nền giáo dục tiên tiến, hiện đại. Đó là, sản phẩm chính của nền giáo dục là những con người như thế nào? Và cần có một nền giáo dục, một hệ thống giáo dục ra sao để có thể hình thành nên những con người ấy? Đổi mới tư duy trước tiên phải xoay quanh hai câu hỏi đó. Đồng thời liên quan đến một vấn đề khác của nền văn hóa nói chung, đó là phát huy mặt mạnh và ra sức khắc phục mặt yếu kém của văn hóa dân tộc. Giáo dục phải tham gia tích cực nhất cho công cuộc vĩ đại này và qua đó mà hình thành một dân tộc ở đẳng cấp cao hơn.Kinh nghiệm lịch sử cho thấy, chỉ có những cuộc cách mạng nào chạm được tới vấn đề lớn của văn hóa, giải quyết được nó, mới có dấu ấn đáng kể trong tiến trình khai hóa văn minh cho dân tộc, còn nếu không như thế thì khi thời gian đi qua, tất cả chỉ còn lại những dấu vết rất mờ nhạt, chưa kể những công việc vô bổ mà nếu không làm thì tốt hơn.

Triết lý giáo dục, hay nói cách khác là mục tiêu giáo dục, sẽ không thể nào là vấn đề có thể bỏ qua hay né tránh được. Đây không phải là chuyện nhạy cảm không được bàn đến mà là chuyện mấu chốt của giáo dục cần được quan tâm trước tiên nếu không muốn đi sai đường. Càng không phải là việc đã xong rồi, có sẳn rồi, do ai đó đã nghĩ ra đầy đủ rồi, cứ thế mà làm, không cần bàn nữa. Cũng không phải bàn một lần là xong, mà phải là một quá trình tư duy liên tục, để điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện, bởi cuộc sống và sự phát triển của văn minh nhân loại không bao giờ dừng lại mà tiếp tục chuyển động không ngừng về phía trước. Mọi sự đóng kín, ngưng trệ, bảo thủ, giáo điều đều dẫn đến kìm hảm phát triển. Sự nghiệp giáo dục là nhằm hình thành những con người hoàn thiện hơn, trước tiên là vì mục tiêu chính họ và tiếp nữa là để phù hợp với thời đại mà họ đang sống.

Tọa đàm khoa học: Đổi mới tư duy phát triển giáo dục đại học Việt Nam trong thời kỳ hội nhập

Vậy chúng ta mong muốn sản phẩm của nền giáo dục là những con người như thế nào? Để trả lời câu hỏi này cần phải có nhiều buổi thảo luận. Ở đây tôi chỉ xin nêu ít ý kiến ban đầu để tham khảo. Đó trước tiên phải là những con người chính nó, tự nó, con người mục đích, chứ không phải là con người công cụ, sản phẩm thụ động, lệ thuộc, do người khác nghĩ và tạo ra theo các mục đích khác nhau nào đó. Đó phải là những con người có tính trung thực, lòng nhân ái và tính khoan dung, cao thượng; xa lạ với sự dã dối, thủ đoạn, nhỏ nhen và đố kỵ; giàu tri thức khoa học và thực tiễn, có năng lực tư duy và hành động, phát triển toàn diện và tối đa theo thế mạnh riêng có của mỗi người; đó là những con người thật sự tự do, tự chủ, có tư duy độc lập và sáng tạo; không phải là những con người nô lệ, mất tự do và không có khả năng tự chủ. Những con người ấy không lệ thuộc, không thụ động, không ỷ lại, không dựa dẫm và không giáo điều. Họ có đủ bản lĩnh để bảo vệ lẽ phải và các chân lý khoa học. Họ tự do với chính mình và tự do trước mọi sự ràng buộc về lễ giáo hay tư tưởng. Họ ý thức đầy đủ về vai trò và trách nhiệm tham gia làm chủ đất nước, về tinh thần tự do và dân chủ.

Để tạo môi trường và điều kiện hình thành những con người ấy thì cần có một nền giáo dục như thế nào? Đó là một nền giáo dục thực học (chứ không phải hư học), nhân bản và khai sáng, tập trung hướng đến phát triển năng lực NGƯỜI. Chữ năng lực Người viết hoa nói ở đây hàm chứa cả phẩm chất và năng lực, đó chính là nhân cách. Và đương nhiên, đó phải là một nền giáo dục có tinh thần dân tộc. Không phải là dân tộc chủ nghĩa hẹp hòi ích kỷ, mà là một dân tộc trưởng thành, biết tự trọng và có văn hóa sống cùng trong cộng đồng quốc tế văn minh. Tiếp tục vun đắp và phát huy mặt mạnh nổi trội về văn hóa trong giữ nước, đồng thời tập trung cao độ cho việc khắc phục mặt yếu lớn nhất về văn hóa trong phát triển, nhằm khẩn trương hiện đại hóa dân tộc Việt Nam để đủ năng lực tiến cùng thời đại. Một nền giáo dục đi vào mục tiêu thực chất về phát triển năng lực Người, đó là năng lực của từng người và của cả một cộng đồng, , không bị bệnh hình thức, ứng thí, mua danh, nặng về bằng cấp. Một nền giáo dục nhân bản mà trước tiên là hướng đến hình thành tính trung thực, lòng nhân ái và sự khoan dung. Một nền giáo dục khai sáng (khai phóng và sáng tạo), tích cực giải phóng con người khỏi mọi sự kìm hảm về tư duy để tạo cơ sở cho phát triển năng lực, từ đó mà hướng đến mọi sự sáng tạo thể hiện sức mạnh nội sinh của từng người và của cộng đồng dân tộc.

Nền giáo dục ấy ứng với một hệ thống giáo dục mở, mở về chương trình và phương pháp tiếp cận đa dạng nhiều chiều, chủ động và tích cực khai hóa văn minh cho dân tộc, liên thông, tổ chức có hiệu quả hoạt động học tập và nghiên cứu khoa học, thực hiện tự chủ đại học, tự do tư tưởng và tự do học thuật, tạo môi trường và điều kiện cho người học và người dạy được tự do phát triển tư duy để không ngừng tự trưởng thành. Trong đó, người học một mặt tự trở thành chính mình, và đồng thời mặt khác là luôn tự vượt qua chính mình để trở thành một người khác hoàn thiện hơn. Người thầy là bạn đồng hành cùng học sinh trong quá trình đi tìm chân lý, khám phá thế giới, chứ không phải là người độc quyền nắm giữ chân lý để “cung cấp”, “ban phát”, trang bị cho học sinh cứ thế mà thuộc lòng. Chuyển quá trình dạy học theo kiểu thuyết giảng và ghi chép thành sự hướng dẫn và giúp đở của người thầy gắn với quá trình tự học của học sinh. Chuyển quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo, với sự trợ giúp của chương trình, của thầy giáo và của công nghệ thông tin. Nhà trường không phải là nơi trang bị kiến thức để cho học sinh hiểu và nhận thức giống thầy, theo thầy, như thầy, giống sách, theo sách mà phải là nơi tạo điều kiện để cho học sinh có thể vượt thầy và vượt sách. Công việc quản lý của nhà trường thực chất phải là công việc trợ giúp người học, tạo điều kiện và môi trường cho sự học được tốt nhất.

Với thời đại ngày nay, loài người đang bước sang một nền “văn minh mới” với vai trò đặc biệt quan trọng của công nghệ thông tin kết nối và các khoa học về phương pháp luận. Máy móc sẽ lần lượt làm thay cho con người trong phần lớn công việc truyền thống trên lĩnh vực sản xuất, dịch vụ và các hoạt động khác. Nhiều dạng mô hình truyền thống sẽ bị khủng hoảng và phá vỡ. Trong hoàn cảnh đó, con người sẽ làm việc và sinh sống ra sao là câu hỏi mà ngành giáo dục đào tạo không thể tư duy như cách truyền thống bao đời nay. Rồi đây các khái niệm về nghề nghiệp, chương trình, sách giáo khoa, trường học, giảng đường, thư viện, cách dạy và cách học…sẽ khác trước rất nhiều. Các nhà quản lý giáo dục cần phải có tư duy vượt trước để chuẩn bị tốt nhất cho những thay đổi đang đến của nền văn minh nhân loại./.

Boston ngày 14.7.2019

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN