Tọa đàm khoa học: “ĐỔI MỚI TƯ DUY ĐỂ PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC ĐẠI HỌC”

Ngày 21/7, tại Khu du lịch Sao Việt, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông và Hiệp hội Các trường Đại học và Cao đẳng Việt Nam đã tổ chức tọa đàm khoa học với chủ đề “Đổi mới tư duy để phát triển giáo dục đại học Việt Nam trong thời kỳ hội nhập”.

Tham dự buổi tọa đàm có GS.TS Trần Hồng Quân, nguyên Ủy viên TW Đảng, nguyên Bộ trưởng GD-ĐT, Chủ tịch Hiệp hội Các trường Đại học và Cao đẳng Việt Nam; Đồng chí Phan Đình Phùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên; TS. Phạm Văn Tân, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Liên hiệp Hội Việt Nam; GS-TS Trình Quang Phú, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông, cùng nhiều Giáo sư, Viện sĩ, Tiến sĩ, nhà nghiên cứu, nhà quản lý giáo dục, các giảng viên thuộc các trường đại học và Viện nghiên cứu trong cả nước…

Phát biểu khai mạc, GS-TS Trình Quang Phú cho biết, năm 2013, Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo ra đời nhằm tạo ra một sự bứt phá trong giáo dục. Tuy nhiên, sau 6 năm thực hiện nghị quyết này, vẫn còn nhiều bất cập và thách thức thiếu những điều cốt lõi để làm cuộc đột phá, cuộc cải cách toàn diện cho nền giáo dục mà nhất là giáo dục đại học Việt Nam. Tọa đàm khoa học này, nhằm thu thập các luận cứ khoa học để thực hiện đề tài: Đổi mới tư duy giáo dục đại học Việt Nam trong thời kỳ hội nhập.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, TS. Phạm Văn Tân, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Liên hiệp Hội Việt Nam đánh giá rất cao ý nghĩa thiết thực của buổi tọa đàm khoa học với những mục tiêu rất cụ thể, tập trung vào 5 nội dung chính. Đó là tư duy về quản lý nhà nước với giáo dục đại học; tư duy về hệ thống và mô hình tổ chức đào tạo đại học; tư duy về tự chủ đại học Việt Nam; tư duy về quốc tế hóa đại học Việt Nam và tư duy về người thầy trong giáo dục đại học Việt Nam. TS. Phạm Văn Tân biểu dương, khen ngợi sự năng động, sáng tạo và những hoạt động hiệu quả của Viện Nghiên cứu và Phát triển Phương Đông trong gần hai thập kỷ qua.

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Trần Hồng Quân đã phân tích sâu những bất cập của ngành giáo dục đại học nhất là trong thời kỳ hội nhập và nêu ra những gợi ý để tọa đàm tập trung thảo luận nhằm góp vào sự đổi mới tư duy.

Cũng tại buổi tọa đàm, nhiều tham luận chuyên sâu về chủ đề đổi mới tư duy giáo dục cũng được trình bày như: Đổi mới tư duy về giáo dục của TS. Vũ Ngọc Hoàng – Nguyên Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương, Tư duy về cơ chế quản lý đại học tự chủ của TS. Lê Văn Út, Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Đổi mới cơ cấu tổ chức và cơ chế quản trị để Việt Nam sớm có được các đại học đẳng cấp của TS. Lê Viết Khuyến, Hiệp hội Các trường Đại học và Cao đẳng Việt Nam, Về sự phát triển của hệ thống giáo dục ở giai đoạn hiện nay của Giáo sư Rogalev Nicolay Dmitrievich, Hiệu trưởng Đại học Năng lượng Quốc gia Moskva; Đổi mới tư duy giáo dục xin hãy bắt đầu bằng việc đánh giá đúng bản chất và cống hiến của các nền giáo dục cũ của TS. Lý Thị Mai, nguyên Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Kỷ lục Việt Nam; Phác thảo sơ khai đổi mới tư duy về người thầy đại học đáp ứng nhu cầu phát triển trong kỷ nguyên 4.0 của nhóm tác giả PGS.TS.  Nguyễn Kim Hồng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, TS Phan Thanh Bình, TS Nguyễn Phước Lộc, và NCS Nguyễn Thị Hạnh… Ý kiến của Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng khẳng định: Tư duy quy định hành động. Tư duy về giáo dục không đúng, không mạch lạc và không hệ thống thì việc thực hiện đổi mới giáo dục sẽ chắp vá, đi sai đường, và tất nhiên sẽ không thành công, đánh mất cơ hội và thời gian. Tư duy là việc đầu tiên của đổi mới, bắt đầu cho đổi mới, cũng là nền tảng của mọi sự đổi mới. Vì vậy, Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông bắt đầu chuyên đề Đổi mới Giáo dục bằng việc thảo luận về đổi mới tư duy là rất đúng đắn.

Các tham luận, các ý kiến thảo luận đều mong muốn tìm ra nguyên nhân vì sao nền giáo dục Việt Nam chưa phát triển tương xứng với tiềm năng bởi muốn phát triển giáo dục, ngoài việc phải lấy nghiên cứu khoa học là gốc của chất lượng giáo dục đại học, cần phải hợp tác với các nước có nền giáo dục phát triển, đề cao tư duy và óc sáng tạo của thế hệ trẻ…Từ những ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia, giảng viên trình bày, thảo luận tại buổi tọa đàm sẽ giúp các trường nghiên cứu và vận dụng tốt hơn trong hoạt động đào tạo, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Đây là cuộc tọa đàm để mở đầu cho chương trình nghiên cứu của Viện trong hai năm 2019 – 2020.

 

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN