Những điều đọng lại sau Lễ dâng trầm đầu tiên ở Việt Nam

Chương trình nghệ thuật: “Trầm hương Khánh Hòa – linh khí của trời đất”  diễn ra vào dịp lễ 30/4 mới đây tại thành phố biển Nha Trang do Công ty Trầm hương Khánh Hòa phối hợp  cùng VTV tổ chức,  truyền hình trực tiếp trên  sóng VTV, VOV Journey nhằm tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, khởi đầu năm du lịch  quốc gia 2019, đã đọng lại nhiều điều đáng để suy ngẫm…

Dấu ấn Lễ dâng trầm đầu tiên ở Việt Nam

Doanh nhân Nguyễn Văn Tưởng – Chủ tịch Công ty Trầm hương Khánh Hòa – người khởi xướng, đầu tư và  đóng góp những ý tưởng nghệ thuật chủ đạo cho chương trình “Trầm hương Khánh Hòa – Linh khí của trời đất” chia sẻ: “Tôi muốn góp chút công sức để phát triển trầm hương của xứ này trở thành niềm tự hào gắn với trí tuệ, lòng nhân ái, khoan hòa của người Việt. Trầm hương Khánh Hòa là một sản vật có giá trị kinh tế cao, không chỉ góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế của tỉnh mà còn là một dấu ấn văn hóa độc đáo gắn với đời sống tâm linh của rất nhiều người Việt Nam”.

Một khoảnh khắc ấn tương trong Lễ dâng trầm đầu tiên ở Việt Nam

Đêm 30/ 4 ấy, sân khấu hóa kết hợp với nhiều loại hình sân khấu đặc sắc đã vẽ lên bức tranh toàn cảnh về Trầm hương Khánh Hòa từ thời khai hoang, mở cõi cho đến hôm nay. Trầm hương Khánh Hòa gắn liền với truyền thuyết người Chămpa về Nữ thần Ponagar. Khi đề cập đến “rừng trầm, biển yến” ở khu Nam Trung bộ, rất nhiều người nhắc tới câu ca dao “Khánh Hòa là xứ Trầm hương/ Non cao biển rộng người thương đi về”.  Trầm hương kết tinh trong cây Dó bầu giữa rừng sâu núi thẳm ở nhiều vùng miền trên đất nước, nhưng từ ngàn xưa  chỉ có Khánh Hòa là nơi kết tụ loại sản vật quý báu này nhiều nhất và tốt nhất, nên vùng đất này mệnh danh là xứ Trầm hương. Trầm Hương là hương trời bay theo gió, đáp vào chỗ bị thương trên thân cây dó bầu, được hun đúc bởi đất, nắng, gió biển và các điều kiện tự nhiên đặc biệt, gọi là Linh Khí của Trời Đất” (Nhà bác học Lê Quý Đôn viết trong tác phẩm Phủ biên tạp lục).

Đặc biệt, trong chương trình này, nghi lễ dâng trầm lần đầu tiên ở Việt Nam đã được thực hiện vừa linh thiêng, vừa đẫm chất nghệ thuật tạo nên những dư ba cảm xúc khó phai nhòa.

Sân khấu mở, nằm sát bờ biển, giữa quảng trường thành phố, bên những tòa cao ốc hiện đại, khoảng cách được xóa nhòa để người dân và khách du lịch có thể cảm nhận trầm hương bằng các giác quan một cách trọn vẹn nhất.

Khi pháo hoa vừa loé sáng trên tháp Trầm Hương, báo hiệu những giây phút thăng hoa đẹp đẽ nhất đang đến. Và cũng là lúc cảm xúc sung sướng như muốn vỡ ra. Tất cả hướng lên sân khấu để đắm mình vào bản giao hưởng của hương thơm, sắc màu, vũ điệu và âm nhạc mà mỗi một khoảnh khắc trôi qua đem lại cảm giác lưu luyến xen lẫn mong chờ, bởi trong đêm nghệ thuật đầy sáng tạo này phía trước luôn có những mới lạ bất ngờ.

Doanh nhân Nguyễn Văn Tưởng tâm sự :“Tôi rất xúc động  và tự hào khi chương trình nghệ thuật: “Trầm hương Khánh Hòa – Linh khí của trời đất”  đã diễn ra hoành tráng, ấn tượng mà vẫn mang những nét tinh tế, độc đáo của trầm hương. Khánh Hòa là xứ Trầm hương, nhưng đây là lần đầy tiên một Lễ dâng trầm được tổ chức và truyền hình trực tiếp. Lần đầu tiên hàng chục ngàn người cùng Thưởng Trầm, làn hương linh lan toả, hướng tất cả đến giá trị của cái đẹp, và cùng thưởng thức hương thơm.  Ngày xưa, ông cha ta thường dâng trầm cầu cho quốc thái dân an. Trầm hương xua tà khí, tà niệm, kích hoạt yêu thương. Đốt nén trầm hương không chỉ ký thác khát vọng hòa bình, mà bản thân trầm hương cũng như một thông điệp của hòa bình. Sau chương trình tôi nhận được nhiều lời chúc mừng, khen ngợi của nhiều lãnh đạo, các nhà văn hóa, các nghệ sĩ và những người dân về một đêm nghệ thuật giàu cảm xúc và ý nghĩa.”

Doanh nhân Nguyễn Văn Tưởng (phải) và tổng đạo diễn Hoàng Nhật Nam trong chương trình nghệ thuật: “Trầm hương Khánh Hòa – Linh khí của trời đất”.

Ông David Platt – đến từ Anh quốc đã theo dõi đêm nghệ thuật và chia sẻ: “Thật tuyệt vời, lần đầu tiên tôi được chứng kiến một Lễ dâng trầm độc đáo, giàu cảm xúc đến như vậy. Không đâu có Lễ dâng trầm như thế này, mùi hương trầm kỳ diệu lan tỏa khắp không gian, hòa quyện với nhịp trống và sắc màu của những bộ trang phục truyền thống. Tôi nghĩ Lễ đâng trầm sẽ rất thu hút đối với những người nước ngoài như chúng tôi”.

Cư sĩ Giới Minh – Trưởng ban Biên tập tạp chí Nghiên cứu Phật học khẳng định: “Chúng tôi cho rằng Lễ dâng trầm đầu tiên ở Việt Nam do Công ty Trầm Hương Khánh Hòa tổ chức hết sức ý nghĩa, kế thừa truyền thống tâm linh của dân tộc và kết hợp được sự tôn quý của trầm hương – “mùi hương của niết bàn” và tâm hương của những người đã có ý tưởng, góp công sức, tài chính, thời gian cho chương trình”.

Suy ngẫm sau đêm trầm hương

Qua sự kiện Lễ dâng trầm đầu tiên ở Việt Nam gây tiếng vang lớn, nhiều người dân Khánh Hòa hy vọng đây sẽ là cú hích để phát triển loại hình du lịch gắn với những trải nghiệm về trầm hương và văn hóa thiền trầm. GS John Quelch – đại học Harvard – Hoa Kỳ được mệnh danh là “bậc thầy phù thủy của thương hiệu” đánh giá cao sức hút từ văn hóa Thiền- Trầm độc đáo. Theo ông, mùi hương nồng ấm của trầm sẽ tạo nên sức hút rất lớn của thành phố Nha Trang với thế giới. PGS-TS Trần Đình Thiên – nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam – đã dự Lễ dâng trầm đêm 30/4-   cho rằng trầm hương hội đủ các yếu tố để trở thành một sản phẩm kinh tế hội nhập với thế giới dễ nhất vì có tính văn hóa và tư tưởng văn hóa toàn cầu. Sự hấp dẫn của Lễ dâng trầm lần này đã cho thấy trầm hương sẽ trở thành “đặc sản” của Nha Trang – Khánh Hòa nếu chúng ta biết cách làm nó lan tỏa.”.

Trên bản đồ trầm hương thế giới chỉ có 6 nước có trầm hương, nhưng trầm hương Việt Nam tốt nhất. Sản lượng trầm hương thế giới phụ thuộc vào Việt Nam và Việt Nam không chỉ được coi như vương quốc trầm hương của thế giới trong quá khứ mà còn là nguồn cung cấp quan trọng nhất của tương lai bởi loại hương liệu thượng hạng này không thể thay thế trong dược phẩm, mỹ phẩm. Đây chính là những cơ sở rất quan trọng để chúng ta đưa trầm hương vươn ra thế giới và trầm hương hoàn toàn có thể trở thành một ngành kinh tế mạnh.

Doanh nhân Nguyễn Văn Tưởng – người đã góp công lớn phục hưng trầm hương Việt Nam –  trăn trở: “Từ lâu trầm hương Khánh Hòa “hữu xạ tự nhiên hương”, thu hút khách du lịch trong và và người nước đến với vùng đất này. Nước ta có trầm hương mang linh khí của trời đất, khiến cho mọi người nhắm mắt chắp tay cúi lạy, thì đó là giá trị cao quý, độc đáo, tại sao không tôn vinh người làm trầm và nghề làm trầm của dân tộc. Nhưng để trầm hương phát huy hết giá trị của nó trong lĩnh vực du lịch thì không chỉ dựa vào “hữu xạ tự nhiên hương” mà cần phát triển trầm hương một cách bài bản, với tư duy mới.  Chúng ta cần xây dựng hệ sinh thái trầm hương, phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch liên quan đến trầm hương, quảng bá truyền thông cho trầm hương. Lễ dâng trầm đầu tiên ở Việt Nam được tổ chức lần này cũng là một cách để quảng bá, truyền thông về trầm hương. Như một lời mời gọi du khách trong nước và quốc tế đến với trầm hương Khánh Hòa, chứ không chỉ trông chờ vào “hữu xạ tự nhiên hương”. Và thực tế chương trình nghệ thuật này đã giúp thành phố biển Nha Trang thu hút được nhiều du khách hơn”.

Thanh Chương

 

 

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN