Cần một cuộc cách mạng trong giáo dục

Đất nước ta từ khi đổi mới đến nay đã tiến hành nhiều cải cách trên nhiều lĩnh vực trong đó có giáo dục. Đảng và Nhà nước đã thực sự coi giáo dục là quốc sách và đã ra nhiều nghị quyết về đổi mới cơ bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam. Thực hiện các nghị quyết này, Chính phủ và Bộ giáo dục đã tiến hành nhiều cuộc cải cách giáo dục. Thực tế đã có một số thành tựu từ những cải cách này.

Tuy nhiên, trong nhiều năm chúng ta vẫn loay hoay cải cách từng khía cạnh nhỏ trong giáo dục như cải cách giáo trình, cải cách thi cử, cải cách việc tuyển dụng giáo viên và sinh viên… Chúng ta chưa có một chiến lược tổng thể và những giải pháp lớn nên giáo dục vẫn chưa có chuyển biến thực sự. Vì vậy, chất lượng giáo dục vẫn thấp, đi kèm với đó vẫn xuất hiện nhiều tiêu cực trong giáo dục được báo chí đăng tải liên tục như chạy điểm, chạy đầu vào, chạy để trở thành giáo viên, bạo lực học đường diễn biến phức tạp. Chất lượng học sinh vẫn chưa được đánh giá một cách khoa học và cụ thể xem ảnh hưởng tích cực bởi những cải cách này tới đâu. Trước sức ép từ sự phát triển kinh tế, cha mẹ và mỗi học sinh, sinh viên cũng phải tự động tìm cho mình môi trường giáo dục tốt hơn. Nhiều người chọn con đường ra nước ngoài du học. Số học sinh bỏ từ công lập sang trường tư thục tăng lên. Tuy vậy, cả hệ thống trường công lập và tư thục đều còn gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn hiện nay.

Học sinh trường Vinschool được giáo dục toàn diện và tham gia các hoạt động thể chất (Ảnh: Kenh14.vn)

Phải khẳng định rằng chúng ta vẫn phải tiếp tục cải cách giáo dục nhưng cải cách thế nào cho đúng là vấn đề. Có nhiều ý kiến từ nhiều phía nhưng qua quan sát chung và với những trải nghiệm trực tiếp của cá nhân mình, tôi có thể rút ra một số điểm như sau:

Thứ nhất, tôi đi qua nhiều nước và thăm quan nhiều trường Đại học cũng như trung học, tiểu học ở nước ngoài. Tất cả các trường đều rất rộng rãi, khang trang và biệt lập. Hầu hết đều có diện tích không dưới 10ha, nhiều trường từ 30 ha  tới 100 ha. Trải qua hàng chục tới hàng trăm năm xây dựng, các trường này đều có khu học đường, khu thể thao, khu thư viện, hệ thống phòng thí nghiệm, hệ thống dịch vụ rất hoàn chỉnh để phục vụ việc đào tạo cũng như chăm lo cho đời sống thể thao và tinh thần của học sinh sinh viên. Trong khi đó ở nước ta, tôi cũng có điều kiện đi khắp đất nước và đi qua nhiều trường, tôi thấy rất ít nơi có được cơ sở thực sự như nhà trường. Ở Việt Nam hiện nay, các trường học đều lẫn vào khu dân cư, diện tích trường nhỏ hẹp. Hầu hết các trường đều chỉ có phòng học, giảng đường nhỏ, ít có những khu thể thao và giải trí quy mô cho sinh viên. Ngay cả các trường phổ thông danh tiếng như Việt Đức, Chu Văn An đều còn rất nhỏ. Các trường Đại học nổi tiếng như Bách Khoa, Kinh tế, Ngoại thương cũng ở quy mô quá nhỏ so với nước ngoài. Các trường ở cấp tỉnh, cấp huyện còn tệ hơn, kể cả những trường mới, có nơi chỉ sửa chữa cơi nới những cơ sở sản xuất cũ trở thành trường. Quy mô trường sở và các cơ sở vật chất là tiêu chí quan trọng để xếp hạng các trường ở khu vực và thế giới, với sự nhỏ bé và manh mún như đề cập ở trên, rất khó cho một trường ở Việt Nam dù ở cấp nào đi chăng nữa chen chân được vào các bảng xếp hạng trường hàng đầu của khu vực chứ đừng nói đến thế giới.

Thứ hai, nội dung giáo dục còn nhiều vấn đề bất cập. Chúng ta đã tiến hành quá nhiều cải cách nội dung nhưng vẫn ít cập nhật cuộc sống hiện đại vào chương trình giảng dậy cho học sinh, sinh viên. Chương trình chủ yếu vẫn đi nhiều vào dậy kiến thức cơ bản theo chương trình cũ. Các môn học liên quan tới chính trị, lịch sử, hoặc đạo đức chủ yếu đi vào vấn đề thời chiến tranh, ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng, anh hùng dân tộc từ thời xưa, ít có nhân tố mới. Các môn học đa số nặng lý thuyết ít thực hành, ít chú trọng bồi dưỡng thể chất, tinh thần và kỹ năng sống cho người học. Nhiều cháu học hết cấp ba không biết bơi dẫn tới chết đuối là những câu chuyện đau lòng. Nhìn tổng thể, kết quả trí và lực từ giáo dục đều không đạt yêu cầu. Sinh viên tốt nghiệp Đại học ra trường vẫn không viết được báo cáo công việc, không làm được hợp đồng kinh tế, lúng túng khi vấp phải những vấn đề thực tế nên ra trường không xin được việc làm. Hầu hết các doanh nghiệp có tuyển dụng thì phải đào tạo lại. Một số học sinh sinh viên giỏi tìm cách ra nước ngoài tự đào tạo và tìm kiếm việc làm nước ngoài khiến đất nước mất chất xám. Nhiều người trẻ dù có học hành nhưng công ăn việc làm không ổn định nên phải đi xuất khẩu lao động, ra nước ngoài làm những công việc chân tay vất vả để kiếm đủ tiền giúp gia đình.

 

Những nhận định trên có thể chưa hoàn toàn chính xác nhưng thực tế đã diễn ra như vậy. Tâm trạng chung của gia đình và phụ huynh là rất không yên tâm về nền giáo dục, lo lắng cho con em. Đặc biệt người Việt Nam ảnh hưởng bởi đạo Khổng nên luôn mong muốn các cháu học hành đến nơi đến chốn, đỗ đạt và trở thành những người có chỗ đứng trong xã hội. Nhưng nền giáo dục đã chưa đáp ứng được mong mỏi này của phụ huynh cũng như toàn xã hội.

Càng đi thăm nhiều trường học tại Việt Nam, tôi càng thấm thía câu nói của Thủ tướng Phạm Văn Đồng khi ông yêu cầu ngành giáo dục phải: “trường ra trường, lớp ra lớp”. Với đa số cơ sở đào tạo như hiện nay, chúng ta chưa thực hiện được nguyện vọng này của ông. Trước tình hình này, không thể đặt cải cách theo lộ trình chậm chạp mà cần cuộc cách mạng thì mới thực sự thể hiện phương châm giáo dục là quốc sách. Trong cuộc cách mạng này, có nhiều vấn đề cần giải đáp và nhiều việc phải làm nhưng cần tập trung vào ba hướng sau:

Thứ nhất, phải có cuộc cách mạng về cơ sở trường học. Các cơ sở này phải đảm bảo việc dạy và học cho một số lượng đông đảo học sinh, sinh viên các cấp. Cơ sở được xây dựng không chỉ tính cho hiện nay mà tính dài hạn cho hàng trăm năm. Tại nước ngoài, các trường Đại học lớn có vài chục ngàn sinh viên và các trường trung học, tiểu học có vài ngàn sinh viên là chuyện rất bình thường. Đáp ứng điều này đỏi hỏi chúng ta phải nhìn xa cho tương lai chứ không chỉ “bóp ngắn cắn dài”, xây dựng chắp vá để đáp ứng đủ nhu cầu trước mắt. Trong những cơ sở giáo dục này, không thể chỉ tập trung vào khu giảng đường mà phải chú trọng khu đào tạo thể chất và kỹ năng sống, khu sinh hoạt tinh thần, khu rèn luyện thân thể, khu dịch vụ, thư viện và cả hệ thống nội trú cho các sinh viên tới từ tỉnh xa và sinh viên nước ngoài. Như vậy, một trường đại học có quy mô không thể dưới 20 ha. Thậm chí, chúng ta phải quy định rõ các trường Đại học lớn phải có từ 30 tới 50 ha diện tích mặt bằng ở những khu vực biệt lập. Trường trung học, tiểu học cũng phải có từ 5 ha tới 10 ha. Có người đặt câu hỏi sẽ lấy cơ sở vật chất này ở đâu, phần thứ ba sẽ trình bày nhưng trước hết, chúng ta phải nhất trí về nhận thức này.

Thứ hai, cần một cuộc cách mạng về chất lượng và nội dung đào tạo. Chúng ta không thể bỏ được những kiến thức cơ bản về toán, lý, hoá, văn học, lịch sử, tiếng Anh như hiện nay nhưng cũng phải xem lại khối lượng và chất lượng môn học. Nhiều nhà nghiên cứu thấy rằng có những môn học quá lệch và nặng so với chương trình của thế giới, có những môn học không cần thiết theo tiêu chuẩn đào tạo của các nước. Thêm nữa, nhiều môn học dựa trên nền tảng của những kiến thức cũ và lỗi thời so với thời kỳ phát triển hiện đại hiện nay. Giáo dục phải gắn liền với cuộc sống đang diễn ra nên phải cập nhật kiến thức mới, hiện đại chứ không chỉ bổi bổ kiến thức cơ bản và lịch sử chính trị của thời kỳ bao cấp. Trong thời đại ngày nay, giáo dục phải cung cấp được cả bốn chủ đề: kiến thức cơ bản, thông tin cập nhật mới từ cuộc sống, phát huy năng lực sáng tạo và trui rèn giá trị đạo đức. Không phải lên tới Đại học mà từ bé đã phải đào tạo kỹ năng sáng tạo và giá trị đạo đức cho các em.

Giáo dục các nước tiên tiến rất tập trung vào đào tạo kỹ năng nghề nghiệp, học sinh, sinh viên đại học nắm chắc về công nghệ thông tin, thông thạo các vấn đề kinh tế, chứng khoán, hợp đồng có cái gì, truyền thông, marketing. Họ biết sử dụng công thức toán học để lập ra các biểu đồ kinh tế, thương mại, biến đổi thời tiết; biết làm từ thiện với cộng đồng, biết phân tích một sự kiện thời sự, chính trị, một tác phẩm, và giải thích các hiện tượng xã hội dựa trên những kiến thức khóa học. Học sinh tốt nghiệp trung học chưa vào đại học cũng có nhiều kỹ năng để có thể làm nhiều công việc, biết cập nhật những thông tin mới để tự thích ứng bản thân với nghề nghiệp. Giáo dục Việt Nam còn thiên về đào tạo ra những ‘thư sinh’ chứ chưa đào tạo được con người toàn diện. Hầu hết đều không nắm được những kỹ năng hết sức cơ bản trong đời sống như phòng cháy chữa cháy, cấp cứu trong trường hợp khẩn cấp, luật lệ khi tham gia giao thông. Thiếu những kỹ năng này dẫn tới những thảm kịch rất thương tâm mà truyền thông đã đưa tin. Ngoài ra, giáo dục cũng chỉ đề cập đến chủ nghĩa anh hùng cách mạng bằng cách tấm gương quá khứ mà ít nhắc tới những gương sáng trong thời đại mới, trong khi đáng lẽ ra những tài năng trẻ, nghệ sĩ lớn, nhà doanh nghiệp thành đạt, nhà khoa học và nhiều tấm gương người tốt việc tốt tiêu biểu phải được bổ sung vào các bộ môn để giáo dục cho các em. Đây là những thiếu khuyết mà chúng ta cần khắc phục và sớm đưa vào trong nội dung đào tạo mới.

Việc chấm điểm học sinh cũng cần áp dụng cho điểm theo đánh giá với khả năng của học sinh như điểm về hiểu biết, điểm về cách nghiên cứu, tìm hiểu, điểm về cách truyền đạt ý kiến, điểm về tư duy, phê phán và áp dụng kiến thức vào đời thực có hiệu quả không, được phản ánh qua thực hành. Cách cho điểm này đã được áp dụng ở một số trường tư thực ở nước ta, nó phù hợp với xu thế cho điểm của các nước.

Thứ ba, muốn thực hiện được cuộc cách mạng giáo dục, đặc biệt là muốn có những cơ sở giáo dục khang trang như đã nói, cơ chế luật pháp phải mở ra, đặc biệt phải tạo điều kiện cho việc xã hội hoá, cổ phần hoá và tự quản trong giáo dục. Hệ thống chương trình giáo dục đào tạo phải theo quản lý nhà nước nhưng cơ sở đào tạo thì nhà nước không thể ôm hết được. Nhà nước hiện nay đã rất ưu tiên cho giáo dục và giáo dục đã chiếm 20% ngân sách hàng năm, trong đó 85% khoản tiền này là để trả lương cho các thầy cô giáo. Chúng ta đều thấy rõ chỉ còn 15% thì không thể nào đầu tư vào trường sở đươc, chủ yếu chỉ sửa chữa những nơi dột nát và yếu kém quá. Tình trạng này nếu không được khắc phục thì vấn đề cơ sở vật chất giáo dục vẫn sẽ như vậy, sẽ mãi mãi manh mún và chắp vá. Để làm việc này phải cổ phần hoá mạnh mẽ trong ngành giáo dục, chỉ khi các nhà doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư vào giáo dục và được hưởng lợi từ giáo dục, cuộc cách mạng về giáo dục mới có bước chuyển. Vì thế, cần khuyến khích tư nhân đầu tư vào giáo dục. Phải có luật pháp và quy chế rõ ràng để mở đường cho phép tư nhân có quỹ đất rộng rãi để xây dựng trường sở, kinh doanh giáo dục và thu lợi nhuận trên nguyên tắc nhà nước vẫn kiểm soát chương trình giáo dục nhưng tư nhân mới là đơn vị thực thi.

Cổ phần hoá không có nghĩa là doanh nghiệp tham gia giảng dậy. Họ chỉ tạo ra cơ sở vật chất, tuyển dụng giáo viên giỏi. Dậy và học theo chương trình đổi mới là theo chủ trương và chương trình của nhà nước. Đó là việc làm của giáo sư, tiến sĩ, thầy giáo. Nhưng doanh nghiệp có tham gia thì mới giải quyết được vấn đề kinh phí, nhà nước không phải đầu tư cơ sở vật chất nữa và chất lượng đào tạo mới được nâng lên về chất. Học sinh, sinh viên là đối tượng chính được hưởng lợi từ một cơ sở vật chất khang trang hơn. Doanh nghiệp với nhiều động lực và linh hoạt hơn sẽ dễ dàng kết nối với hệ thống giáo dục khu vực và toàn cầu hơn, mở ra một bầu trời mới cho giáo dục cất cánh.Cuộc cách mạng trong giáo dục không đến trong một sớm một chiều, phải mất hàng chục năm sau để các thế hệ sau hưởng lợi và Việt Nam có thể trở thành trung tâm đào tạo của Châu Á. Nhưng nếu không làm ngay những đề xuất như đã trình bày thì chúng ta không bao giờ có một nền giáo dục quy mô và ngang tầm châu lục./.

Theo Tạp chí Phương Đông

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN