Thời sự trong nước những ngày đầu năm 2020 nóng lên bởi sự cố đáng tiếc ở Đồng Tâm. Sự việc khởi nguồn từ 31 tháng 12 năm 2019 khi một số đơn vị của Bộ Quốc phòng phối hợp với lực lượng chức năng xây tường bảo vệ sân bay Miếu Môn tại huyện Mỹ Đức. Trong quá trình xây dựng tường rào, một nhóm khoảng 30 người ở Đồng Tâm đã có hành vi chống đối nhằm ngăn cản. Sáng 9 tháng 1, lực lượng cảnh sát cơ động tiến vào làng Hoành để ngăn chặn các hoạt động quá khích. Đụng độ xảy ra khiến khiến 3 công an hy sinh. Người lãnh đạo việc khiếu kiện đất đai ở xã Đồng Tâm là ông Lê Đình Kình đã tử vong.
Sự việc này gây chia rẽ sâu sắc trên mạng xã hội. Trong khi báo chí chính thống đưa tin theo nguồn của Bộ Công An và kết luận của Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội, nhiều cá nhân đã thể hiện quan điểm khác trên mạng xã hội. Câu chuyện bị lái theo chiều hướng tố cáo chính quyền đưa quân đội, công an vào cướp đất nông nghiệp của nhân dân xã Đồng Tâm, đồng thời tôn vinh ông Lê Đình Kình và những người đi theo như các “anh hùng” giữ đất.
Thực tế, khi nói tới tranh chấp đất đai cần phải minh giải trên bản đồ thay vì nói chung chung dựa vào những lập luận cảm tính, bị bóp méo bởi cảm định kiến với bên này hay bên kia. Phần tiếp theo của bài viết sẽ diễn giải những lập luận của cả hai phía: tổ “Đồng Thuận” do ông Lê Đình Kình đứng đầu và kết luận của thanh tra Hà Nội trên cơ sở bản đồ mà hai bên đưa ra.
Thứ nhất, ông Lê Đình Kình và những người ủng hộ ông cho rằng toàn bộ sự việc Đồng Tâm liên quan tới hai khu đất riêng rẽ, nằm kề nhau, tạm gọi là Khu A (47,36 ha) và Khu B (59 ha). Bản đồ phía dưới mô tả rõ hai khu này trong đó nhấn mạnh Khu B là Khu đất tranh chấp.
Ông Lê Đình Kình trong một số video đưa lên Mạng xã hội đều khẳng định. Khu A (47,36ha) là đất dự án sân bay Miếu Môn mà dân Đồng Tâm giao cho Chính phủ để xây dựng sân bay từ năm 1980 (ảnh dưới là văn bản bàn giao đất được nhóm ông Kình công nhận). Dự án sân bay tới nay vẫn chưa thực hiện nên Quân đội đã giao kèo với Đồng Tâm cho phép dân canh tác và nộp tô lợi cho Quân đội suốt hàng chục năm qua. Ông Kình thừa nhận đất ở khu A này là đất quốc phòng và việc trả lại cho Quân đội là đương nhiên. Khu A không gây bất kỳ tranh cãi nào.
Tất cả vấn đề nằm ở khu B. Ông Lê Đình Kình tố cáo nhóm lợi ích tham nhũng trong chính quyền muốn chiếm cả Khu B bên cạnh. Ông Kình gọi đây là đất đồng Sênh theo đúng cách gọi của dân Đồng Tâm. Ông tuyên bố 100% Khu B là đất nông nghiệp của xã nên quân đội, Viettel hay bất kỳ ai muốn lấy phải bồi thường theo quy định lên tới vài trăm tỉ đồng.
Như vậy, theo ông Kình, toàn bộ khu vực đất đai này trên xã Đồng Tâm bằng tổng cộng hai khu A và B trên cộng lại với tổng diện tích 106,36 ha. Ông Lê Đình Kình trình bày lập luận này trong các video rất thuyết phục trong đó ông cáo buộc chính quyền định “cướp không” của dân Đồng Tâm 59ha mà không bồi thường. Trong khi đó, Chính quyền trước đó lại quyết định bồi thường việc di dời cho 14 hộ dân đang sinh sống và canh tác trên khu A, vốn là đất quốc phòng.
Vụ tranh chấp này đã rất nóng từ tháng 4 năm 2017 khi nhóm ông Kình lãnh đạo dân Đồng Tâm bắt 38 cảnh sát cơ động và cán bộ giữ tại nhà văn hóa thôn. Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã phải về xã đối thoại và cam kết làm rõ nguồn gốc đất khu sân bay Miếu Môn thì nhóm Đồng thuận mới thả người.
Thanh tra Hà Nội đã vào cuộc ngay sau đó và tới ngày 7 tháng 7 năm 2017 đã công bố dự thảo kết luận thanh tra trong đó khẳng định “không có đất nông nghiệp ở đồng Sênh”, “toàn bộ sân bay Miếu Môn là đất quốc phòng”. Dự thảo kết luận thanh tra cho rằng “không có diện tích 59 ha đất nông nghiệp xứ đồng Sênh như công dân nêu. Dự thảo thanh tra đã công bố bản đồ tổng thể khu vực sân bay Miếu Môn ngay từ đầu, đã được các bên ký trong đó có bút tích xác nhận của xã Đồng Tâm của ông Hiểu, một nhân vật thuộc nhóm “Đồng Thuận”.
Trong bản dự thảo này, thanh tra cũng nhận thấy, từ năm 1981 tới nay, toàn bộ đất sân bay Miếu Môn còn nguyên mốc giới bê tông cốt thép với diện tích toàn khu đất là 236,9 ha, trong đó diện tích đất sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm chỉ có 64,11 ha, đều là đất quốc phòng. Bản đồ toàn bộ cột mốc vây quanh khu vực sân bay như hình sau đây được cộng đồng mạng cắt từ clip do UBND xã Đồng Tâm thực hiện về lịch sử khu đất.
Diện tích Miếu Môn 64ha thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm do 3 đơn vị đã bàn giao cho Bộ tư lệnh Công binh gồm Nông trường quốc doanh Lương Mỹ 14,3 ha; Xí nghiệp vôi đá Miếu Môn 3 ha; Hợp tác xã nông nghiệp Đồng Tâm 47,36 ha. Điều này cũng được thể hiện ở bản đồ cũ, như bên dưới.
Thanh tra Hà Nội cũng thừa nhận trong quá trình quản lý, các đơn vị quốc phòng đã ký hợp đồng giao khoán hàng năm với UBND xã Đồng Tâm để xã giao cho các đội sử dụng vào mục đích nông nghiệp. Từ năm 2012 không giao khoán nữa, nhưng các hộ dân vẫn sản xuất nông nghiệp, ăn ở trên khu vực này như từ trước năm 1980 đến nay. Chính vì thế, khu đất hiện tại hết sức phức tạp, 40 năm qua đã xảy ra hiện tượng các hộ lấn chiếm, cho tặng, chuyển nhượng, xây dựng công trình trái phép ở đất sân bay Miếu Môn. Thanh tra khẳng định đã có sự “buông lỏng quản lý đất quốc phòng” dẫn tới hiện tượng như trên và nhiều quan chức địa phương đã phải ra hầu toà trong thời gian qua vì những sai phạm liên quan. Chính vì những vi phạm này mà nhóm ông Lê Đình Kình căn cứ vào và cho rằng nếu là đất quốc phòng thì tại sao UNND xã lại vẫn cho xác nhận chuyển nhượng, thừa kế… UBND xã Đồng Tâm cũng đã xác nhận hồ sơ thừa kế, cho, tặng, chuyển nhượng của các hộ dân đang sử dụng đất quốc phòng là trái thẩm quyền, và vi phạm pháp luật về quản lý đất đai. Việc để 14 hộ dân xã Đồng Tâm sử dụng đất khu A Miếu Môn, theo cơ quan chức năng, cũng là sai phạm.
Tuy kết luận thanh tra là rất rõ ràng, nhóm Đồng Thuận do ông Kình chỉ đạo vẫn không chấp nhận và tiếp tục đòi quyền lợi ở khu đất 59ha mà thanh tra đã kết luận là “không có”. Ông tiếp tục khiếu kiện lên thanh tra Chính phủ. Tới chiều 25 tháng 4 năm 2019, Phó tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh cũng đã chủ trì cuộc họp xác nhận tính chính xác và hợp pháp của kết luận thanh tra do Hà Nội tiến hành. Ông Lê Đình Kình vẫn không đồng ý và cho biết chỉ đồng tình với ý kiến của Phó tổng Thanh tra Chính phủ nói ông không nằm trong 14 hộ dân sử dụng đất quốc phòng; tuy nhiên, ông Kình “không khiếu nại về khu đất liên quan đến 14 hộ dân này (tức khu A) mà khiếu nại về diện tích đất nông nghiệp 59 ha xứ đồng Sênh.”
Tất cả các nhóm ủng hộ ông Lê Đình Kình trên mạng xã hội đều căn cứ trên lập luận của ông về khu 59ha và cho rằng kết luận thanh tra đã bóp méo sự thật để lấy hết đất nông nghiệp của xã quy thành đất quốc phòng để không phải đền bù. Dù không có công cụ, khả năng đo đạc và kiểm tra các cột mốc như cơ quan chức năng, những người cảm tình với Đồng Thuận vẫn tiếp tục phủ nhận mọi kết luận thanh tra cũng như ủng hộ nhóm ông Kình tiếp tục đấu tranh tới cùng để đòi quyền lợi trên mảnh đất 59ha. Sự việc càng bùng lên dữ dội từ sau sự việc 3 công an và ông Kình mất trong cuộc đụng độ. Clip ông Kình trình bày về quyền lợi trên mảnh đất 59ha càng được chia sẻ dữ dội, khiến nhiều người đứng về phía những lập luận nghe rất rõ ràng và cụ thể của ông Kình.
Nhưng mảnh đất 59ha ấy có không?
Mãi cho tới khi máu đã đổ trên mảnh đất Đồng Tâm, một số công dân mạng xã hội mới tiến hành thử đối chiếu các bản đồ như trình bày ở trên và thử khớp nối các cột mốc để đưa lên bản đồ vệ tinh của Google. Kết quả xác định đất trên bản đồ vệ tinh chụp từ trên xuống và đo diện tích chính xác theo bản đồ Google đã chứng minh, tổng diện tích của toàn khu vực sân bay Miếu Môn trên địa bàn Đồng Tâm khoảng 66,21 ha, rất sát với con số 64 ha đo đạc của thanh tra Chính phủ. Bản đồ Google ở hình bên dưới.
Như vậy, tổng diện tích toàn bộ chỉ có 64 ha chứ đâu phải 106 ha như ông Lê Đình Kình tuyên bố. Như vậy, trừ đi diện tích khu A là 47ha, còn 17ha chứ đâu phải 59ha như khiếu kiện của nhóm Đồng Thuận. Và 17ha đó lại là phần diện tích của Nông trường quốc doanh Lương Mỹ (14,3 ha) và Xí nghiệp vôi đá Miếu Môn (3 ha) đã bàn giao như đúng quyết định của thanh tra Hà Nội.
Vậy, khu vực nhóm ông Lê Đình Kình đòi quyền lợi gọi là đất đồng Sênh vẫn nằm trong diện tích 64ha nằm hoàn toàn trong đất quốc phòng. Do sân bay chưa thi công nên suốt từ năm 1980 tới nay, nhân dân Đồng Tâm vẫn canh tác trên mảnh đất này vì mục đích nông nghiệp. Thanh tra đã kết luận chính xác khi cho rằng có những sơ hở trong việc quản lý đất đai trên địa bàn xã Đồng Tâm nên “điều này khiến người dân sử dụng đất và cho rằng đây là đất để canh tác (đất nông nghiệp), trong khi về mặt pháp lý lại là đất quốc phòng từ lâu”.
Việc công dân Lê Đình Kình từng nhiều năm là Bí thư, Chủ tịch xã Đồng Tâm vẫn cố tình nhầm lẫn và tuyên bố đòi quyền lợi ở mảnh đất 59ha không có trong thực tế. Không có một diện tích đất nào như thế trên địa bàn hành chính xã Đồng Tâm. Đây là thực tế đã được cả bản đồ vệ tinh và thanh tra đo đạc trên địa bàn xác nhận.
Vậy tại sao ông Lê Đình Kình vẫn cứ khăng khăng phủ nhận và phản đối mọi kết luận rất chính xác của thanh tra, tiếp tục lôi kéo nhiều người dân Đồng Tâm chống lại quyết định của chính quyền và thậm chí kêu gọi bạo lực để giữ một mảnh đất chỉ có trong tưởng tượng. Vậy phải chăng mục đích thực sự đằng sau việc chống đối của nhóm ông Lê Đình Kình không phải là đòi quyền lợi đất đai? Phải chăng còn có lực lượng và mưu đồ nào khác đứng sau hành vi của ông Kình và những người quá khích? Nếu không như vậy, tại sao nhóm ông Kình lại phải chuẩn bị rất nhiều vũ khí từ trước để đối phó với các cơ quan chức năng?