Tối 4.11.2019, sau lễ bế mạc Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 35 tại Thái Lan, Việt Nam đã chính thức tiếp nhận vai trò Chủ tịch Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Năm 2020 cũng chính là năm đánh dấu mốc 25 năm Việt Nam trở thành thành viên đầy đủ của Hiệp hội (1995-2020). ASEAN là tổ chức khu vực đầu tiên mà Việt Nam tham gia. Chắc trong chúng ta, chẳng ai quên được bối cảnh trong nước, quốc tế rất khó khăn và đầy thách thức trong những năm tám mươi, trước khi quan hệ giữa Việt Nam và ASEAN được khai thông. Chính làn gió đổi mới do Đại hội Đảng lần thứ VI mang lại cùng những quyết sách đầy trách nhiệm và dũng cảm của các nhà lãnh đạo Việt Nam thời kỳ đó đã đưa đất nước dần thoát ra khỏi thế bị bao vây, cô lập và bước đầu hội nhập cả về kinh tế và đối ngoại với thế giới.
Tháng 1/1989, tại Hội nghị bàn tròn các nhà báo Châu Á – Thái Bình Dương, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đã tuyên bố rằng Việt Nam sẵn sàng phát triển quan hệ hữu nghị với các nước ASEAN. Đây cũng là bước khởi đầu cho một mối quan hệ bền vững cho đến ngày hôm nay. Sau đó, Việt Nam cũng tuyên bố sẵn sàng tham gia Hiệp ước thân thiện và hợp tác của ASEAN (Hiệp ước Bali) ngay tại JIM-2. Năm 1992, Việt Nam tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông – Nam Á (TAC) và trở thành quan sát viên, tham dự các Hội nghị Bộ trưởng ASEAN (AMM) hằng năm. Trong thời gian này, Việt Nam cũng bắt đầu tham gia các hoạt động của một số ủy ban hợp tác chuyên ngành ASEAN. Tháng 7-1994, Việt Nam được mời tham dự cuộc họp đầu tiên của Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) và trở thành một trong những thành viên sáng lập của Diễn đàn này. Ngày 28-7-1995, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 28 (AMM-28) tại Bru-nây Đarút-xa-lem, Việt Nam chính thức gia nhập ASEAN và trở thành thành viên thứ bảy của tổ chức này.
Từ những ngày đầu còn bỡ ngỡ, thiếu thốn cả về nhân lực, tài lực và kinh nghiệm khi tham gia một tổ chức khu vực (mà trước đó cả hai bên ASEAN (6) và Việt Nam) còn có chút nghi ngại về nhau, đến hôm nay, Việt Nam đã nhanh chóng hội nhập, tham gia sâu rộng vào tất cả các lĩnh vực hợp tác của ASEAN và có những đóng góp tích cực trong việc duy trì đoàn kết nội khối, tăng cường hợp tác giữa các nước thành viên cũng như giữa ASEAN với các đối tác bên ngoài, góp phần không nhỏ vào sự phát triển và thành công của ASEAN. Sau 25 năm, vượt qua biết bao khó khăn và thử thách Việt Nam đã không chỉ xóa đi khoảng cách giữa ta và các nước thành viên sáng lập, xóa đi nhiều nghi ngại, e dè, mà đã làm cho các bạn hiểu ta hơn, tin ta hơn. Với tư cách là một thành viên tích cực, có trách nhiệm, Việt Nam đã thực sự ghi dấu ấn và có vai trò, cũng như có ảnh hưởng nhất định đến sự thống nhất của khu vực, qua đó góp phần vào việc duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực cũng như xây dựng thành công một cộng đồng chung ASEAN, hướng đến Tầm nhìn ASEAN.
Kể từ khi gia nhập Hiệp hội các nước Đông Nam Á, Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Đóng góp nổi bật nhất là tổ chức thành công Hội nghị cấp cao lần thứ sáu năm 1998. Những gì Việt Nam đã làm được tại thời điểm rất khó khăn khi đó đã góp phần vào việc giúp ASEAN duy trì đoàn kết, hợp tác và củng cố vị thế, đặc biệt hoàn tất ý tưởng về một ASEAN -10. Thông qua Chương trình hành động Hà Nội (HPA) để thực hiện tầm nhìn ASEAN 2020, đề ra các biện pháp mạnh mẽ để cải thiện môi trường đầu tư ASEAN. Hội nghị cũng quyết định kết nạp Campuchia làm thành viên thứ 10 và lễ tiến hành kết nạp Campuchia đã được tổ chức năm 1999 tại Hà nội. Năm 2010, lại một lần nữa Việt Nam giữ chức chủ tích Hiệp hội. Hội nghị cấp cao lần thứ 16 do Việt Nam chủ trì đã đóng góp tích cực vào việc triển khai Hiến chương và xây dựng cộng đồng ASEAN; hợp tác ứng phó với các thách thức toàn cầu, quan hệ đối ngoại của ASEAN và vai trò ASEAN trong khu vực với chủ đề là “Hướng tới cộng đồng ASEAN, từ tầm nhìn đến hành động”.
Cho đến ngày hôm nay, chúng ta có thể tự hào nhận thấy Việt Nam đã cùng các nước xây dựng và thực thi các mục tiêu, các chỉ tiêu để thành lập cộng đồng ASEAN. Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong việc thực thi các mục tiêu với gần 95% các dòng hành động đã được triển khai. Bên cạnh đó, Việt Nam giữ vai trò tích cực trong việc điều phối các cơ chế hợp tác giữa ASEAN với các đối tác như Trung Quốc, Liên minh Châu Âu, Ấn Độ. Viêt Nam đã đóng góp không nhỏ vào việc kết nối và mở rộng quan hệ chiên lược giữa ASEAN và làm sâu sắc thêm quan hệ với các đối tác này. Năng động và sáng tạo, Việt Nam đã đưa ra nhiều sáng kiến như mở rộng thành viên của Hội nghị cấp cao Đông Á bằng cách kết nạp Nga và Mỹ tham gia cấp cao Đông Á. Cũng như lần đầu tiên tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) trong năm Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN 2010. Trên thực tế, đây là những cơ chế kết nối cực kỳ quan trọng, không chỉ trong nội khối ASEAN mà còn mà còn giữa ASEAN với các nước. Là một thành viên rất có trách nhiệm, trước những thách thức mà ASEAN phải đương đầu, Việt Nam đã đóng góp vào việc xây dựng Tuyên bố của các bên về ứng xử ở Biển Đông, đóng góp tích cực vào duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực Biển Đông. Luôn nêu vấn đề Biển đông trong các chương trình nghị sự. Chỉ có những thành viên hết sức trách nhiệm mới có thể có những đóng góp tích cực như vậy. Cũng không thể không nhắc đến sự năng động, và những cố gắng không mệt mỏi của Việt Nam trong việc xây dựng tầm nhìn 2025 với mục tiêu làm cho ASEAN liên kết sâu rộng hơn, hoạt động trên cơ sở luật pháp và lấy người dân làm trung tâm.
Việc trở thành chủ tịch ASEAN năm 2020, đồng thời là Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc đánh dấu một bước tiến mới về vai trò của Việt Nam không chỉ trong nội khối, trong khu vực mà còn trên thế giới. Việt Nam đang ở trên một vị thế hoàn toàn khác so với những nhiệm kỳ chủ tịch trước đó, với một nền chính trị ổn định, kinh tế liên tục phát triển. Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong quan hệ với các nước lớn như Mỹ, Nhật Bản và Liên minh châu Âu. Tuy nhiên một khi đã giữ vai trò chủ tịch thì “Tư duy cộng đồng và hành động cộng đồng” là quan trọng nhất. Việt Nam đã lựa chọn chủ đề “Gắn kết và Chủ động thích ứng” cho năm Chủ tịch của mình cho thấy Việt Nam đã đặt trọng tâm ưu tiên cho năm Chủ tịch đúng với đòi hỏi của tình hình…
Việt Nam đang cùng ASEAN bước sang một giai đoạn phát triển mới. Vấn đề quan trọng hiện nay với ASEAN là làm sao xây dựng được một cộng đồng gắn kết chính trị, liên kết kinh tế và chia sẻ trách nhiệm thông qua việc tôn trọng Hiến chương ASEAN; thực hiện theo đúng luật và quy định của ASEAN. Mặt khác các đối tác của ASEAN cũng phải tôn trọng và tuân thủ các quy định của ASEAN. Việt Nam cần cân bằng vị trí trong khu vực và sẽ phải là trung tâm giải quyết mọi đề xuất và xung đột của khu vực. Kết nối ngoại khối, có ý kiến xác đáng trong những vấn đề nóng, mở rộng sự hiện diện của ASEAN trên thế giới, luôn hướng về bảo đảm an ninh ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, trọng tâm là Biển Đông. Quan trọng nhất là củng cố đoàn kết nội khối. Gắn kết thống nhất trong ASEAN, bảo đảm sự đồng thuận trong nhiều vấn đề mà vẫn bảo đảm được quyền lợi của các nước thành viên, bảo đảm được lợi ích chung của ASEAN, phát huy bản sắc văn hóa ASEAN.
Thực tiễn cũng cho thấy rằng, vai trò chủ tịch một khối nước mấy trăm triệu dân không thể không bị cuốn hút vào dòng chảy chung của các diễn biễn phức tạp trên thế giới, các sáng kiến và yêu cầu của các đối tác của ASEAN như Sáng kiến Vành đai Con đường của Trung Quốc, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), sự xoay trục chính sách của các cường quốc khi họ đang tranh giành ảnh hưởng. Bên cạnh đó, những vấn đề toàn cầu như phát triển bền vững, thiên tai bão lũ, an ninh mạng, tội phạm ma túy đang hủy hoại các giá trị từng nước, cũng như các cam kết nội khối. Kinh tế thế giới sụt giảm đồng bộ, chính sách bảo hộ mậu dịch có xu hướng gia tăng, hiện tượng Brexit, kéo theo nó là các phong trào ly khai, dân túy, các cuộc biểu tình gây bất ổn ở nhiều nơi trên thế giới. Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung tuy có dấu hiệu hạ nhiệt nhưng chưa biết khi nào sẽ chấm dứt. Với ASEAN, các thể chế hoạt động chưa kịp điều chỉnh phù hợp với diễn biến quan hệ giữa các nước trong nội khối và các nước ngoài khối đã phát triển nhiều vấn đề mới, khoảng cách phát triển giữa các thành viên vẫn còn xa, sự thống nhất trong nhiều vấn đề vẫn là một dấu chấm hỏi lớn. Có những hồ sơ còn dang dở, nhất là Thỏa thuận COC về vấn đề Biển Đông với Trung Quốc, để chuyển cho chủ tịch mới… Đây cũng chính là những thách thức không nhỏ đối với vai trò Chủ tịch ASEAN của Việt Nam, đòi hỏi Việt Nam phải rất kiên định những cũng phải rất uyển chuyển nhịp nhàng để tăng cường “khả năng gắn kết bền vững” “chủ động thích ứng với các yếu tố tác động bên ngoài” nâng cao năng lực thích ứng, chủ động và hiệu quả với các cơ hội và thách thức đặt ra để góp phần vào việc xây dựng một ASEAN gắn kết và năng động, ổn định, bảo vệ đoàn kết, thống nhất, tăng cường kết nối kinh tế, làm sâu sắc giá trị và bản sắc của các nước thành viên, tăng cường hiệu quả của ASEAN, thúc đẩy quan hệ cân bằng với các nước lớn trên thế giới. Xây dựng một tầm nhìn, tạo một sân chơi khu vực toàn diện từ nay đến 2025.
Quyết định gia nhập ASEAN là một trong những quyết sách đúng đắn nhất của chúng ta trong đổi mới tư duy đối ngoại. Chúng ta đều biết, từ một quyết định đúng, phương hướng đúng, chính sách đúng nhưng nếu việc triển khai không hoặc chưa phù hợp, lệch hướng thì kết quả đôi khi lại ngược lại. Cùng nhìn lại quá trình triển khai chính sách này, thể hiện qua những bước đi và những đóng góp cụ thể của Việt Nam chúng ta càng hiểu rõ hơn tại sao Việt Nam lại có được sự tin cậy, sự tôn trọng và vị thế như hiện nay trong ASEAN và trên thế giới. Chúng ta cũng trân quý hơn những cố gắng không ngơi nghỉ của cả một đất nước để nâng cao vị thế của mình trên trường quốc tế. Có những dòng sông nhỏ dẫn ra biển lớn, có thác ghềnh, sóng gió nhưng với kinh nghiệm quý báu của 25 năm là thành viên ASEAN, với lòng tự hào dân tộc, chắc chắn nhiệm kỳ Chủ tịch của Việt Nam sẽ gặt hái thành công khi vượt lên những thách thức khó khăn để chào đón những cơ hội mới, xứng đáng với những nỗ lực mà Việt nam đã có trong những năm qua.