Một vài suy nghĩ về giáo dục của Phần Lan và Việt Nam

Phạm Thân

Lời tòa soạn: Trước thập niên 1970, Phần Lan là một nước có nền giáo dục phổ thông nặng nề và yếu kém. Nhưng chỉ sau 30 năm cải cách, giáo dục ở Phần Lan đã được xếp hạng đầu thế giới. Bài học từ Phần Lan đáng cho chúng ta suy nghĩ để lựa chọn những gì thích hợp nhất trong việc nâng cấp chất lượng giáo dục phổ thông tại Việt Nam trong những thập niên sắp tới. Dưới đây là một bài tham luận đã được tác giả chia sẻ trong một cuộc hội thảo giữa Phần Lan và Việt Nam.

Một lớp học ở Phần Lan: không có những bàn xếp theo hàng dọc hoặc ngang, không có khu vực nào là phía trên hay phía dưới của lớp học, học sinh được thoải mái di chuyển để thảo luận với các bạn

Trông người: Bài học từ Phần Lan và thế giới

Trong hơn 20 năm vừa qua với nhiều hoạt động kinh doanh và xã hội liên quan đến giáo dục, chúng tôi đã có nhiều dịp được nghe, được tìm hiểu về cải cách giáo dục ở Phần Lan. Theo chúng tôi, chúng ta nên chú ý đến hai khía cạnh sau đây của nền giáo dục Phần Lan.

Thứ nhất, đối với học sinh, Phần Lan có chính sách giáo dục bao dung và hướng đến cá nhân học sinh. Triết lý giáo dục đó nhắm tới việc tạo điều kiện cho mọi cá nhân học sinh, với mọi hoàn cảnh, mọi tính cách, mọi thiên phú đều có thể phát triển. Người Phần Lan không còn hệ thống trường chuyên, lớp chọn, dù trước đây họ đã từng có khái niệm gần giống như vậy. Thay vào đó, họ có một chiến lược hỗ trợ giáo dục, mà theo như cuốn sách Bài học Phần Lan 2.0, gần một nửa học sinh Phần Lan nhận được hỗ trợ cá nhân đặc biệt này trong 9 năm học bắt buộc. Thay vì sử dụng tài nguyên để xây dựng các mô hình trường chuyên, trường chuẩn quốc gia, phân loại, xác định và bồi dưỡng các học sinh xuất sắc; người Phần Lan dành nguồn lực để hỗ trợ những học sinh đang chới với trong kết quả học tập hay định hướng tương lai. Bao dung là không để một em nào rơi lại phía sau.

Thứ nhì, thầy cô giáo ở Phần Lan có vai trò vô cùng to lớn. Đội ngũ ấy được tuyển chọn gắt gao, đào tạo kỹ lưỡng. Số liệu cho chúng ta thấy chỉ 10-15% các ứng viên được chọn vào chương trình đào tạo giáo viên, và đầu ra để giảng dạy đều là trình độ thạc sỹ. Đội ngũ đó được trọng vọng bởi xã hội và đãi ngộ tương xứng. Những khảo sát ở Phần Lan cũng cho thấy công chúng đánh giá nghề giáo cao hơn cả bác sỹ và luật sư. Quan trọng nhất từ các chính sách giáo dục, các thầy cô được truyền cảm hứng và được trao quyền tự chủ để sáng tạo, dẫn dắt học sinh trong lớp của mình. Tại mỗi trường, các giáo viên được quyền cùng nhau nghiên cứu phát triển chương trình học và cách đánh giá học sinh. Với sự tự chủ ấy, các thầy cô thường dạy ít giờ hơn, và dành nhiều thời gian hơn cho hoạt động hướng dẫn từng cá nhân học sinh. Những điều đó làm công việc của họ thú vị hơn, nhà giáo không phải chỉ là “thợ dạy” từ chương trình có sẵn. Nghề giáo thú vị và đầy cảm hứng như vậy thì mới lại càng thu hút đủ được những người trẻ giỏi nhất, mong muốn ứng tuyển thành giáo viên. Đó là 2 điểm nhấn từ Phần Lan.

Các nền tảng học tập trực tuyến như Coursera, Khan Academy, hay EdX đang cung cấp miễn phí nhiều khóa học bài bản từ các cơ sở giáo dục hàng đầu thế giới, đem lại cơ hội học tập cho tất cả mọi người

Nhìn rộng ra hơn nữa, chúng tôi nghĩ rằng hai yếu tố giáo dục nói trên, bao gồm cá nhân hoá cho từng học sinh và thay đổi vai trò của giáo viên còn là xu hướng chung trên toàn thế giới. Sự phát triển của công nghệ hiện đại chính là động cơ thúc đẩy mạnh mẽ nhất.

Thứ nhất, về mặt nội dung, công nghệ xoá nhoà khoảng cách và rào cản để tiếp cận thông tin. Một em học sinh ở Điện Biên có thể xem video bài giảng của một thầy dạy luyện thi đại học có tiếng ở Hà Nội. Trên Youtube, có vô số các video tiếng Anh mà tiếng Anh trên đó có lẽ tốt hơn hầu hết các giáo viên tiếng Anh ở trường phổ thông Việt Nam. Trên các nền tảng học tập online như Coursera và Khan Academy, có rất nhiều khóa học bài bản đến từ các cơ sở giáo dục hàng đầu trên thế giới miễn phí, hoặc chi phí rất thấp. Tóm lại, không những mọi nội dung đều có trên Internet, mà còn đa dạng hơn, sinh động hơn.

Thứ nhì, công nghệ mang đến những phương pháp giảng dạy, học tập tốt hơn. Ví dụ lớn nhất là trí tuệ nhân tạo (AI) đã và đang thúc đẩy mạnh mẽ khái niệm “dạy và học thích ứng”. Thông qua tương tác với người học, thuật toán AI có thể hiểu điểm yếu, điểm mạnh và phong cách học tập của người dùng, từ đó thích ứng, điều chỉnh chương trình học và phương thức truyền tải phù hợp nhất với từng cá nhân người học. “Dạy và học thích ứng” đã được áp dụng và đang dần hoàn thiện bởi rất nhiều các công ty khởi nghiệp về giáo dục trên thế giới như DreamBox tại Hoa Kỳ và TOPICA tại Việt Nam.

Như vậy, có lẽ về hai mặt nội dung thông tin và phương thức truyền đạt, công nghệ có thể sớm muộn bổ trợ và làm thậm chí tốt hơn một phần công việc người thầy và hệ thống giáo dục hiện tại. Đó là cơ hội to lớn cho Việt Nam nếu áp dụng đúng. Nhưng đó cũng là thách thức thúc đẩy chúng ta phải thay đổi tư duy giáo dục, hướng đến cá nhân người học nhiều hơn và nâng cấp vai trò, kỹ năng người thầy. Trong tương lai, nếu chúng ta cung cấp cho một em học sinh một chiếc iPad và Internet, có thể em sẽ có ít đi nhu cầu cần một người thầy để “dạy” theo nghĩa đơn thuần là truyền tải kiến thức. Nhưng chắc chắn, em sẽ vẫn cần một người thầy để truyền cảm hứng học tập, dẫn dắt em, định hướng đâu là nguồn tư liệu đúng, hay và phù hợp trong đại dương thông tin mà công nghệ mang lại.

Lại nghĩ đến ta: Vị thế giáo dục của Việt Nam

Đã nói về Phần Lan, đã nói về thế giới, nay quay trở lại với Việt Nam. Các điểm vừa nêu lên chính là các khía cạnh chúng tôi lưu tâm đến khi nghĩ về giáo dục Phần Lan và xu hướng giáo dục trên toàn thế giới. Nhưng tất nhiên, chúng ta không thể bê nguyên si những mô hình đó để áp dụng cho Việt Nam, khi mà chúng ta có những điểm khác biệt riêng. Khác biệt về văn hoá xã hội, một nước ở Bắc Âu, một nước ở Đông Nam châu Á. Khác biệt về dân số, một nước 5.5 triệu, một nước suýt soát 100 triệu. Khác biệt về điều kiện kinh tế thì lại càng rõ ràng. Đúng là có khác biệt. Nhưng chúng tôi cũng thấy ở đây có những sợi dây liên hệ thú vị. Hãy thử cùng tôi liên tưởng đến giáo dục của Việt Nam hơn 100 năm trước, tìm về bản chất của nền giáo dục Việt Nam dưới thời phong kiến.

Một lớp học của thầy đồ ở Việt Nam ngày xưa

Thứ nhất, hệ thống giáo dục không mang tính tập trung chuẩn hoá. Việc dạy học là do các thầy đồ mở ở các làng xã, hoặc nhiều khi do một gia đình địa chủ giàu có mời thầy đồ về dạy cho con cái trong nhà, đồng thời dạy luôn cho một số trẻ con trong vùng. Một lớp học có nhiều học sinh từ đủ các cấp học. Khi ấy, Việt Nam vẫn chưa có giáo dục phổ cập. Hệ thống trường công không nhiều và chủ yếu là nhằm việc giáo dục con em hoàng tộc và quan lại.

Thứ nhì, chương trình học vẫn chưa có sự chuẩn hoá, trong khi xã hội vẫn tuyệt đối đề cao vai trò của người thầy. Chương trình học cơ bản dựa trên các cuốn sách vỡ lòng để biết chữ Hán như Tam thiên tự, Tam tự kinh rồi đến kinh điển Nho giáo Tứ thư Ngũ kinh. Nhưng cách dạy và nội dung dạy hoàn toàn quyết định bởi thầy đồ. Ở cấp cao hơn, khi học sinh đã có vốn chữ Hán nhất định, học sinh thường tự đọc thêm các sách như Bách gia chư tử, Đường thi, Tống từ, thiên văn, bói toán, lịch sử, địa lý, …. Họ chỉ đến thầy đồ khi cần tham khảo chữ Hán lạ, tham khảo ý tứ, sửa thơ văn, bài luận.

Điểm sơ một vài nét như vậy để thấy, thực là thú vị thay, mới đúng tròn 100 năm trước thôi (tính theo khoa thi cuối cùng triều vua Khải Định năm 1919), tạm bỏ qua các yếu tố phong kiến Nho giáo lạc hậu, thì Việt Nam đã từng có một hệ thống giáo dục tương tự như Phần Lan hôm nay, trong đó có tính cá nhân hoá cao cho người học và sự tôn kính cao cho người thầy.

Tạm bỏ qua các yếu tố phong kiến lạc hậu, Việt Nam đã từng có một hệ thống giáo dục mang tính cá nhân hóa cao cho người học và tuyệt đối đề cao vai trò của người thầy

Đổi mới giáo dục đương nhiên là vô cùng khó khăn và dài hạn. Người Phần Lan đã mất trên 30 năm để đạt được thành quả đổi mới giáo dục, từ cuối thập niên 1960 cho đến đầu thập niên 2000. Trước thời điểm cải cách trong thập niên 1970, hệ thống giáo dục của Phần Lan cũng tập trung chính quy, chương trình học, thi cử cũng được chuẩn hoá và khá nặng nề. Họ còn không có sẵn tinh thần yêu kính vai trò người thầy của Nho giáo Đông phương như ở Việt Nam. Nói lên điều đấy để thấy rằng, chúng tôi nghĩ chúng ta có những thuận lợi nhất định nếu quyết tâm áp dụng những bài học cải cách từ Phần Lan và thế giới.

Thứ nhất, với chương trình học hướng đến cá nhân, chúng ta có thuận lợi hơn với sự hỗ trợ từ xu thế phát triển công nghệ trên thế giới.

Thứ nhì, với việc nâng cao vai trò, kỹ năng giáo viên, chúng ta thuận lợi hơn khi đã có sẵn phần nào đó tư tưởng tôn sư trọng đạo, người thầy không chỉ là người dạy mà còn là hình mẫu đạo đức. Đó là những điều vẫn còn lại từ bản chất giáo dục Việt Nam hơn 100 năm trước.

Và cuối cùng, xin điểm qua một chút về khía cạnh nguồn lực tài chính cho giáo dục mà chúng tôi vẫn luôn trăn trở. Theo thống kê chính thức từ chính phủ hai nước năm 2018, Phần Lan dành khoảng 5.7% GDP cho giáo dục, trong khi con số này của Việt Nam là 5.8%. Không những thế, về nguồn lực xã hội, theo một khảo sát riêng cho hoạt động đầu tư giáo dục của chúng tôi, các hộ gia đình Việt Nam còn phải dành thêm 15% thu nhập ròng của họ cho các chi phí giáo dục tư nhân khác (học tiếng Anh, học thêm các môn chính khoá,…). Nên thực sự, Việt Nam ta đang chi rất nhiều cho giáo dục, nhưng có lẽ chỉ là chưa có sự tập trung và hiệu quả mà thôi.

Để đánh giá nền giáo dục tốt hãy khoan xem nền giáo dục đó có bao nhiêu huy chương quốc tế, điểm PISA cao như thế nào, mà hãy xem trước nền giáo dục đó có tạo ra sự hạnh phúc để lũ trẻ tung tăng đi học, các thầy cô tận tâm giảng dạy hay không

Và để kết thúc bài viết này, sau tất cả những khái niệm trừu tượng to tát, những liên tưởng lịch sử sâu xa dông dài, thì xin tóm lại, thực ra quan điểm của riêng cá nhân chúng tôi cho một nền giáo dục tốt cũng đơn giản thôi, đó là nền giáo dục mà mỗi giây, mỗi phút luôn tự hỏi, liệu chính sách, cải cách sắp được đưa ra có thực sự tốt cho học sinh, tốt cho các thầy cô giáo hay không? Để đánh giá nền giáo dục tốt hãy khoan xem nền giáo dục đó có bao nhiêu huy chương quốc tế, điểm PISA cao như thế nào, mà hãy xem trước nền giáo dục đó có tạo ra sự hạnh phúc để lũ trẻ tung tăng đi học, các thầy cô tận tâm giảng dạy hay không đã. Đó nên là hai đối tượng trọng tâm của mọi cải cách giáo dục. Chỉ khi hai đối tượng đó được quan tâm đúng mực rồi, thì những thành tích kia sẽ tự động theo sau.

Tóm lại, việc đầu tư, dù là đầu tư từ tư nhân hay từ nhà nước, điều quan trọng nhất vẫn là đầu tư cho sự hạnh phúc của con người, cho những nụ cười!

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN