Ngày 15.1.2020, trong thông điệp Liên bang, Tổng thống Putin đã bất ngờ thông báo về kế hoạch cải tổ hệ thống chính trị mà dẫn theo nó là sự từ chức của chính phủ do Thủ tướng Dimitry Medvedev đứng đầu. Chỉ gần một tuần sau đó, ngày 20.1.2020, Dự luật sửa đổi Hiến pháp chi tiết với một loạt các biện pháp đã được Duma quốc gia công bố. Ông Mikhail Mishustin, người đứng đầu cơ quan thuế liên bang Nga được đề cử làm Thủ tướng mới của Nga. Ba nội dung quan trọng của những sửa đổi cơ bản này là: (1) Tăng cường vai trò của các nghị sỹ trong việc bổ nhiệm Thủ tướng; (2) Giới hạn nhiệm kỳ của Tổng thống và đặt ra các yêu cầu chặt chẽ hơn cho các ứng cử viên vào chức vụ này; (3) Thành lập Hội đồng nhà nước chịu trách nhiệm về các chính sách đối nội, đối ngoại và phát triển đất nước trong tương lai.
Đây thực sự là một bước ngoặt mới để đưa nước Nga dưới thời Tổng thống Putin từ một nước Nga “nội địa” trở thành một cường quốc trên các lĩnh vực kinh tế, quân sự, địa chính trị và là đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ của Mỹ và Trung Quốc. Chúng ta hãy cùng nhìn lại nước Nga trong suốt 20 năm qua dưới thời đại của Tổng thống Putin.
1. Năm 1999 khi Tổng thống Putin bắt đầu cầm quyền, nước Nga đang bị chia rẽ và tàn phá, bị cô lập bởi những âm mưu làm tan rã của phương Tây. Điều đầu tiên mà ông và các cộng sự đã bắt đầu là lựa chọn con đường đi đúng đắn cho nước Nga, giữ vững độc lập và chủ quyền và tìm mọi biện pháp đưa đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng gần như toàn diện về các mặt kinh tế, chính trị, xã hội thông qua các biện pháp làm tăng thêm sức mạnh, hiệu quả và quyền lực của điện Kremlin. Ông đã lựa chọn sự phát triển kinh tế theo cơ chế thị trường để đáp ứng các yêu cầu chính đáng của nhân dân, của đất nước Nga trong thời kỳ chuyển tiếp. Kinh tế Nga phát triển trong những điều kiện vô cũng khó khăn bởi các chính sách bao vây cấm vận, nạn tham nhũng tràn lan, làn sóng tư nhân hóa ồ ạt cộng với di chứng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu trong những năm 1998 và 2008. Ngay từ những ngày đầu năm 2000, Chiến lược phát triển kinh tế cho đến năm 2020 đã được đề xướng cùng với Chiến lược an ninh quốc gia đến 2020. Bên cạnh đó, những mục tiêu rõ ràng nhằm khắc phục sự khác biệt giữa các vùng và khu vực của nước Nga rộng lớn đã được khởi xướng. Việc quốc hữu hóa một phần lớn ngành dầu mỏ vào giữa những năm 2000 đã đặt nền tảng cho chính sách năng lượng cân bằng. Kinh tế Nga từ chỗ suy thoái trong những năm đầu cầm quyền đã chuyển sang tăng trưởng. Thực tế cho đến ngày hôm nay đã chứng tỏ tính đúng đắn của những chiến lược này. Hiện Liên bang Nga có GDP đứng thứ 11 trên thế giới và đứng thứ 6 tính theo cân bằng sức mua. Ngoài việc thúc đẩy quan hệ kinh tế song phương với các nước, Nga rất quan tâm và thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế trong các khuôn khổ Liên minh Kinh tế Á – Âu (EAEU), khuôn khổ Tổ chức hợp tác Thượng Hải, BRICS và RIC (Nga, Ấn và Trung Quốc), Nga còn là nước xuất khẩu tài nguyên năng lượng, vũ khí, công nghệ, năng lượng hạt nhân, kỹ thuật cao về y khoa và thực phẩm.
2. Ngày hôm nay, không ai có thể phủ định rằng nước Nga đang trở thành một cường quốc về quân sự khi nắm trong tay một lực lượng quân sự hùng mạnh để giữ vững chủ quyền lãnh thổ và răn đe những âm mưu làm suy yếu nước Nga. Đây chính là thành công của chương trình hiện đại hóa các lực lượng vũ trang Nga đến năm 2020, một chương trình đã được nước Nga theo đuổi liên tục trong 20 năm qua. Hiện Nga là cường quốc quân sự chỉ đứng thứ hai sau Mỹ. Ngay từ đầu những năm 2000, chính quyền của Tổng thống Putin đã tính đến việc khôi phục và phát triển các tổ hợp quân sự theo hướng cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước và nhờ đó, cho đến nay quân đội Nga đã có trong tay những loại vũ khí hiện đại nhất và đủ sức ngăn chặn mọi nguy cơ đối với toàn vẹn lãnh thổ của Nga. Vũ khí của Nga đã được xuất khẩu đến nhiều nước trên thế giới, kể cả một số nước thành viên NATO. Đến cuối năm 2019, Hạm đội phương Bắc của Nga trong đó có hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến nhất s-400 cũng sẽ được chuyển đến Bắc Cực để bảo vệ khu vực nhạy cảm này của đất nước. Dưới thời Tổng thống Putin, khi Mỹ và phương Tây muốn đẩy Nga ra khỏi căn cứ quân sự ở Sevastopol thuê của Ukraine đến năm 2042 và đưa hải quân NATO đến chiếm đóng căn cứ này (Đề án Ukraine) gây ra cuộc khủng hoảng Ukraine, thì với những quyết sách táo bạo và thông minh, Tổng thống Putin đã cho tổ chức cuộc trưng cầu dân ý tại khu vực Miền Đông Ukraine và đã thành công trong việc sát nhập Crimea về Nga, bảo vệ được lãnh thổ và làm thất bại mọi âm mưu làm suy yếu toàn vẹn lãnh thổ của Nga.
Trong bối cảnh địa chính trị trên thế giới ngày càng phức tạp, Nga đã thể hiện rõ ràng vai trò siêu cường quan trọng trong việc giải quyết các cuộc xung đột toàn cầu. Theo đề nghị của chính phủ Syria và theo Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, đích thân Tổng thống Putin đã chỉ đạo chiến dịch quân sự giúp quân đội Syria hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt các lực lượng khủng bố thuộc tổ chức nhà nước hồi giáo (IS) tự xưng. Cũng trong cuộc xung đột ở Trung Đông, sáng kiến hủy bỏ vũ khí hóa học của Syria đã tránh cho cả khu vực này nguy cơ một cuộc chiến tranh lớn. Nga đã thiết lập quan hệ đối tác với các đồng minh của Mỹ như Thổ Nhĩ kỳ, Arab Saudi và cả Israel. Cũng như vậy, sự tham gia của Nga trong các chương trình nghị sự toàn cầu gần như là không thể thiếu được trong thời gian vừa qua và góp phần vào việc hình thành một thế giới đa cực. Ví dụ điển hình là vai trò của Nga trong cuộc xung đột kéo dài giữa Mỹ và Iran đã mang đến cơ hội cho Tổng thống Putin cải thiện quan hệ với phương Tây, và cũng làm cho những ý đồ làm cô lập Nga ngày càng bị suy yếu. Trong suốt 20 năm qua, luôn trung thành với tiêu chí và ước nguyện khôi phục lại vị trí cường quốc trên trường quốc tế, Tổng thống Putin đã kiên trì chính sách đối ngoại đa dạng, linh hoạt, không tập trung vào một cường quốc nào cho dù đó là Mỹ, Châu Âu hay Trung Quốc. Nga chủ động thúc đẩy quan hệ với các nước láng giềng bởi đó là lợi ích quốc gia của chính Nga, đặc biệt với Trung Quốc. Nga đẩy mạnh chính sách hướng về châu Á. Quan hệ Nga và Ấn Độ chưa khi nào tốt đẹp hơn và cũng như vậy với Nhật Bản và Hàn Quốc và các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, bởi Nga ý thức sâu sắc rằng khu vực này là một thị trường lớn đang phát triển. Nga đang ngày càng chứng minh là một đối thủ nặng ký với Mỹ vì không chỉ có mặt ở châu Âu, châu Á, ngày càng nổi trội ở Trung Đông mà còn ở cả châu Phi và Mỹ La tinh thông qua các chương trình hợp tác toàn diện về quân sự, kinh tế, nhân đạo, văn hóa.
Nhận xét về những sửa đổi hiến pháp vừa được công bố, có thể thấy rằng, đây là lần thứ ba trong “thời đại” Putin đã diễn ra những thay đổi căn bản ở lãnh đạo cấp cao nhất. Nhiều câu hỏi đang được đặt ra về ý đồ cũng như những tính toán mang tầm chiến lược của Tổng thống Putin khi nhiệm kỳ của ông sẽ kết thúc vào năm 2024. Các nhà quan sát cho rằng, nếu mọi việc suôn sẻ, trước hết, đây sẽ là cơ hội vàng cho Tổng thống giám sát được cuộc bầu cử Duma vào năm tới trong bối cảnh nội bộ Nga bắt đầu có những dấu hiệu chia rẽ. Những cải cách về hiến pháp sẽ cho phép ông Putin trước hết là giữ vững chế độ hiện nay ở Liên bang Nga, có nhiều lựa chọn hơn và yên tâm về người kế vị. Không loại trừ khả năng ông cũng đang tìm cách tạo ra một vị trí quản lý mới cho bản thân sau khi nhiệm kỳ hiện nay kết thúc. Việc bổ nhiệm Thủ tướng cũ Medvedev vào vị trí mới là Phó giám đốc Hội đồng An ninh trực thuộc Tổng thống, cũng như việc biến Hội đồng nhà nước thành một công cụ quyền lực của Nhà nước bao gồm những thành viên được tin cậy (những nhân vật sẽ đóng vai trò quan trọng trong bộ máy quyền lực) sẽ giúp cho ông dễ dàng thực hiện mọi tính toán của mình.
Hiện còn sớm để có thể khẳng định về một kịch bản tiếp sau những cải tổ. Tuy nhiên, có nhiều dấu hiệu để có thể đánh giá rằng với những cải tổ trên nước Nga sẽ vẫn tiếp tục theo mô hình Liên Bang – Tổng thống. Nước nga sẽ tiếp tục giai đoạn chuyển tiếp và đẩy nhanh quá trình chuyển giao chính trị, Tổng thống Putin sẽ có thêm dư địa để đạt được mục đích của mình. Việc sửa đổi hiến pháp sẽ giúp tăng cường vai trò của quốc hội và các đảng chính trị, quyền lực và sự độc lập của Thủ tướng cũng như các thành viên nội các. Việc hạn chế nhiệm kỳ của Tổng thống và đặt ra các tiêu chuẩn khắt khe hơn với những ứng cử viên vào vị trí này (thời gian sống liên tục ở Nga ít nhất 25 năm, không có quốc tịch nước ngoài v.v.) cũng nhằm mục đích loại trừ những ứng cử viên được phương Tây ủng hộ. Tổng thống Putin đang chứng tỏ rằng Nga là một cường quốc độc lập không thể để bị chi phối bởi bất cứ luật lệ và trật tự quốc tế nào khi mà một trong những điểm quan trọng của sửa đổi hiến pháp lần này là Ưu tiên nội luật Nga so với luật quốc tế: Những quyết định của các tổ chức quốc tế được thông qua trên cơ sở của các Hiệp định quốc tế hay do Nga là thành viên của tổ chức đó không thể được thực hiện trên lãnh thổ Nga nếu những quyết định này trái ngược với nền tảng của hệ thống hiến pháp Nga, Tòa án hiến pháp Nga sẽ quyết định điều này. Như vậy các quyết định của Hội đồng châu Âu hay Tòa án Nhân quyền châu Âu sẽ khó được thực hiện hơn ở Nga…
Thay cho lời kết, chúng ta có thể thấy rằng, nước Nga đang trong quá trình chuyển giao quyền lực, mọi sự lựa chọn đều còn bỏ ngỏ, song có một điều mà dư luận chung gần như thống nhất, đó là vai trò của Tổng thống Putin sẽ vẫn rất quan trọng đối với chính trường và cuộc sống của nước Nga, bởi những ai đã từng biết về vị tổng thống đáng kính nể này thì không có gì đáng ngạc nhiên khi ông chính là con người luôn luôn có thể biến những điều tưởng như không thể thành có thể…