Tháng Tám hàng năm là dịp nhân dân cả nước nô nức kỉ niệm sự kiện Cách mạng Tháng Tám thắng lợi vẻ vang, bồi hồi sống lại những thời khắc không thể nào quên trong suốt hành trình dựng nước và giữ nước vinh quang của dân tộc Việt Nam. Để có được chiến thắng đó, công lao thuộc về đông đảo các tầng lớp nhân dân cả nước, song cũng không thể không nhắc tới những cống hiến, đóng góp vĩ đại của các đồng chí lão thành cách mạng. Họ chính là những người đã tham gia chỉ huy, trực tiếp lãnh đạo quần chúng nổi dậy giành chính quyền ở các vùng miền. Trải qua bao gian khổ, hiểm nguy, họ vẫn hăng say hoạt động, khơi dậy ở nhân dân tình yêu nước vô bờ bến, truyền cho họ ngọn lửa cách mạng sục sôi và tinh thần đoàn kết, đồng lòng đứng lên thay đổi sơn hà, mở ra một kỉ nguyên mới cho đất nước.
Một trong những vị lão thành cách mạng kiên trung, quả cảm đó chính là Trần Oanh. Sớm giác ngộ lí tưởng cách mạng, ông gia nhập Mặt trận Việt Minh từ khi tuổi đời còn rất trẻ và hăng hái làm công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tại Nha Trang để chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa Tháng Tám. Chiều ngày 19/8/1945, chính ông là người đã cắm lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên sân vận động Nha Trang, đánh dấu sự chấm dứt của chế độ cũ, xây dựng một nền cộng hòa chân chính của dân, do dân, vì dân. Được sự đồng ý của gia đình ông Trần Oanh, nhân dịp kỉ niệm 76 năm ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, Tạp chí Phương Đông xin gửi tới bạn đọc một trích đoạn trong hồi ký của ông do con gái ông là bà Trần Thị Lan Hương ghi chép lại, qua đó cung cấp những tư liệu chân thực, sống động về không khí cách mạng sôi nổi tháng Tám năm 1945.
Tôi sinh ngày 16/11/1916 tại làng Thọ Hàm, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên (nay là phường Phú hiệp, thành phố Huế). Gia đình tôi lúc đó rất nghèo. Bố tôi là cụ Trần Phát, học chữ Nho, đỗ tú tài, sau học chữ quốc ngữ làm hương sư dạy ở trường làng, mẹ bán vải dạo. Bố tôi lấy hai vợ, sinh được cả thảy 10 người con. Gia đình tôi sống rất nghèo khổ, bữa cơm bữa cháo. Có bữa phải ăn khế dấm chua thay cơm.
Vì nhà nghèo, tôi không được đi học ở Huế, sau ông bà gửi tôi về cho ông bác là Trần Dự làm thông phán tại tòa công sứ Pháp ở Quảng Ngãi. Ông bác không có vợ con. Tôi vào Quảng Ngãi năm 1925 học lớp 5 (ngang với lớp 1 bây giờ); đến lớp nhất thì ông bác qua đời. Năm 1930, tôi trở về Huế học một năm, thi đỗ Primaire lấy bằng Sơ học yếu lược. Vì nhà nghèo, tôi không được học nữa, năm 16 tuổi bắt đầu đi xin việc. Công việc đầu tiên trong đời của tôi là công nhân nhà in Đắc Lập, sắp chữ cho một tờ báo Pháp; lương sáu đồng Đông Dương một tháng. Số lương này gần đủ tiền nuôi cả gia đình. Sau đó hai người em tôi là Trần Hoành và Trần Diệu cũng vào nhà in Đắc Lập làm việc đóng sách, lương mỗi người ba đồng một tháng.
Vì lương của hai người em đã đủ nuôi gia đình nên tôi thôi làm việc, đi vào thành phố Quy Nhơn, tại đây tôi xin được việc làm tại ngân hàng Đông Dương Quy Nhơn, lương tháng mười lăm đồng. Làm được hai năm, tôi cùng thằng bạn đi thẳng ra Hà Nội đúng dịp nổ ra mặt trận bình dân Pháp năm 1936. Tôi đã tham dự cuộc Đấu xảo tại Cung Văn hóa Việt Xô bây giờ.
Tuy nhiên, ở Hà Nội không xin được việc làm nên tôi cùng anh bạn đi thẳng lên Cao Bằng, xin việc cuốc đất và đội đất. Lương ngày 10 xu, mỗi bữa cơm 5 xu. Lần đầu tiên lao động vất vả, đêm nằm cảm thấy quá cơ cực, đầu tôi ê ẩm như không có cổ, đội đất bị lún cổ. Làm độ mấy tháng, thấy vừa quá cực nhọc lại vừa không có hướng nào hay, tôi lên mỏ kẽm Tĩnh Túc Cao Bằng. Ở đây chúng tôi làm ca đêm từ 6 giờ tối đến 6 giờ sáng. Lương 24 xu, vô cùng cực khổ, chịu rét buốt. Vì quá khổ, tôi chỉ làm 2, 3 tháng lại bỏ đi thẳng đến Hòn Gai – Cẩm Phả làm culi cuốc than và đẩy xe ở mỏ lộ thiên Cọc 6. Lương 28 xu, ở nhà của bà chủ bán cơm tại chợ Cẩm Phả vào năm 1940 – 1941 gì đó. Sáng đi vác cuốc lên vai trèo lên tầng mỏ mua 1 xu 2 củ khoai bỏ túi coi như món ăn sáng. Trưa về ăn ở nhà bà chủ. Một hôm không về được, đói quá, phải mò đến nồi cơm của công nhân ăn xong ngâm nồi, vét cháy dưới đáy nồi để ăn cho qua cơn đói.
Rất may có một sự kiện xảy ra hết sức tình cờ. Một hôm, thằng Tây phạt oan một ông cai mà ông đó không sao nói lại được, tôi đứng gần đó liền bào chữa hộ cho ông cai bằng tiếng Pháp. Thằng Tây vô cùng ngạc nhiên vì không có công nhân nào biết tiếng Pháp, thế là tôi được lấy lên làm Thư ký. Lúc đầu, tôi làm cho ông chủ Nhì, sau làm cho ông chủ Nhất, lương tháng được 18 đồng. Quyền hạn của tôi lúc này thật “vô biên” bởi ai muốn qua chủ Nhất đều phải qua tôi. Mỏ Cẩm Phả lúc bấy giờ còn nhỏ bé, dân ít. Tôi làm được vài năm bắt đầu thấy nhớ nhà và quyết định trở về Huế. Có một chuyện bất ngờ thú vị là do lâu ngày xa nhà nên tôi đã đi lạc đường phải dừng hỏi cô bé gánh nước đi qua: “Nhà Ông Phát ở đâu?” Hóa ra tôi lại hỏi đúng O Quảng em tôi. Cô em nhận ra tôi liền mừng quýnh ôm lấy ông anh và kêu toáng lên: “Trời anh Oanh, anh đi lâu quá quên cả em”.
Ở Huế vài tháng tôi lại ra đi. Lần này tôi đi thẳng vào Sài Gòn. Ở đây, dù làm đơn khắp nơi nhưng tôi không thể xin được việc. Tôi bèn ra Nha Trang, tìm đến nhà người bạn học cũ ở Huế là Trần Việt Châu. Nhờ sự giúp đỡ của Châu, tôi xin được việc ở Sở Lục Lộ Nha Trang với mức lương 25 đồng/tháng. Cuộc sống của tôi bắt đầu ổn định. Tôi rất siêng tập thể thao, ngày nào cũng ra biển tắm.
Tôi bắt đầu tham gia phong trào Hướng đạo do một người Anh tên là Baden-Powell sáng lập. Tôi nhận giáo dục trẻ từ 8 – 12 tuổi và làm việc rất hăng say. Từ hoạt động này, tôi gặp ông Trần Chí Hiền, bạn học vừa ở tù Buôn Ma Thuột về. Chính người bạn này đã truyền bá Điều lệ Mặt trận Việt Nam Độc lập Đồng minh hội với chúng tôi và vào năm 1942, tôi chính thức gia nhập Việt Minh.
Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 8 họp tại Pác Pó, Cao Bằng năm 1941 đã đánh dấu sự thay đổi trong đường lối cách mạng Việt Nam, chuyển từ bài phong phản đế, đấu tranh giai cấp sang cuộc vận động giải phóng dân tộc. Đồng chí Trần Chí Hiền khi ấy thành lập tổ ba người gồm Trần Chí Hiền, Trần Oanh, Trần Việt Châu làm thành Ban vận động Việt Minh Nha Trang. Một tháng sau, từ Ban này hình thành nên Ban Việt Minh Nha Trang – Khánh Hòa với đầy đủ các thành phần: Công nhân, phụ nữ, trí thức, công chức, quân đội. Tôi tham gia trong ban lãnh đạo làm công tác phụ vận – công vận – binh vận, Trần Việt Châu làm tri thức vận.
Lúc bấy giờ, tôi hoạt động rất say sưa, lang thang khắp mọi ngõ hẻm để vận động. Đêm nào cũng khoảng 11, 12 giờ khuya mới về tới nhà. Lúc đó, ông Đào Thiện Thi thường cho tôi mỗi tối vài hào để uống cà phê đêm. Ngoài công tác trên, chúng tôi còn tham gia phong trào cứu đói cho miền Bắc năm 1945, chủ nhật nào cũng đi vận động, kêu gọi quyên góp gạo, mỗi lần được vài ba tạ gửi ra Bắc cứu đói. Tranh thủ hoạt động này, chúng tôi tuyên truyền luôn về Cách mạng; đồng thời bí mật làm công tác tuyên truyền ngay trong lúc hướng đạo. Chính vì vậy, phong trào cách mạng ở Nha Trang hết sức sôi nổi, Nha Trang khi đó chỗ nào cũng có Việt Minh.
Năm 1945, Việt Minh thành lập Ban vận động khởi nghĩa ở Nha Trang để theo kịp phong trào khởi nghĩa ở miền Bắc. Tôi ở trong ban vận động này. Lúc đó, Tỉnh trưởng Khánh Hòa (thuộc Chính phủ Trần Trọng Kim) chuẩn bị làm cuộc mít tinh lớn vào đúng ngày 19/8 để phản đối sự trở lại của Pháp ở Nha Trang. Tỉnh trưởng giao cho ông Đào Thiện Thi, lúc đó đang nắm lực lượng thanh niên, chủ trì cuộc mít tinh. Mặt trận Việt Minh lập kế hoạch nhân cơ hội này chuyển cuộc mít tinh của Tỉnh trưởng thành cuộc khởi nghĩa của Việt Minh. Trong suốt cả tuần lễ, chúng tôi ráo riết làm việc, chuẩn bị lực lượng. Phụ nữ may cờ đỏ sao vàng, khẩu hiệu, băng rôn, sẵn sàng làm cuộc khởi nghĩa ngày 19/8.
Chiều 19/8, cuộc mít tinh bắt đầu tại sân vận động Nha Trang, do ông Đào Thiện Thi chủ trì, có mời một số sĩ quan Nhật cùng toàn bộ Chính phủ Trần Trọng Kim, bao gồm Tỉnh trưởng, Phó Tỉnh trưởng, và có sự tham gia của một trung đội Bảo an binh. Đào Thiện Thi tuyên bố cuộc mít tinh này là cuộc mít tinh của Việt Minh giành chính quyền. Tôi được phân công ra kéo cờ: tôi kéo cờ ba que xuống, xé toạc và gắn cờ đỏ sao vàng và kéo lên. Khi đó, cả đội bảo an binh do tôi đã vận động bồng súng chào cờ Việt Minh. Giả sử, nếu lúc đó đội bảo an binh không hợp tác, nổ súng bắn thì cuộc khởi nghĩa sẽ gặp vô vàn khó khăn. Hành động của đội bảo an binh cầm súng chào cờ Việt Minh khi đó đã đảm bảo cho cuộc khởi nghĩa thắng lợi ngay từ những giờ phút đầu tiên. Tôi vinh dự trở thành người đầu tiên kéo lá cờ Việt Minh ở Nha Trang. Giá trị lớn hơn nữa là cuộc khởi nghĩa này diễn ra cùng ngày cùng giờ với khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội. Sau đó, tôi làm Ủy viên Tuyên truyền trong Ủy ban Cách mạng lâm thời tỉnh Khánh Hòa.
Cách mạng Tháng Tám thành công, Trung Ương điều động gần hết các cán bộ cốt cán của Nha Trang, Khánh Hòa. Ở lại địa phương chỉ còn một nhóm, trong đó có tôi, làm chủ nhiệm Mặt trận Việt Minh Nha Trang, phụ trách phong trào quần chúng, đi vào chống Pháp. Cuối năm 1946, tôi bị giặc bao vây, bắt ở tù. Khi đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký với Chính phủ Pháp hiệp ước Modus Vivendi (Thỏa hiệp án) ngày 14/9/1946: Hai bên ngừng bắn để giải quyết hòa bình, cấm bắt bớ, khủng bố, hoạt động quân sự, thả tù binh. Trước đó năm ngày, tôi thay mặt Mặt trận Việt Minh viết một bức thư cho quan sáu pháp tên là Moclier hẹn gặp nhau để bàn chuyện thực hiện Thỏa hiệp án. Và ngày thực hiện là 30/10/1946. Do đó khi tôi bị bắt không bị đánh đập tra tấn. Ngay sau hôm tôi bị bắt ở Nha Trang đã có truyền đơn và biểu tình đòi bảo vệ an toàn và thả ngay ông Trần Oanh. Lúc đầu tôi bị giam tại nhà lao huyện Diên Khánh, sau đó đưa ra đảo Bình Ba ở Cam Ranh, rồi về Khám Lớn ở Sài Gòn. Tôi ở San 2 khoảng 100 tù nhân. Trong Khám Lớn có tổ chức Liên đoàn tù nhân Việt Nam, tôi được bầu vào Ban chấp hành của Liên đoàn đó, phụ trách liên lạc với bên ngoài, vì vậy ngày nào tôi cũng có báo đọc. Ở đây tổ chức nhiều lớp học, tôi dạy môn chính trị và tiếng Pháp. San của tôi ra tờ báo Bạn tù. Mỗi san có một tờ báo khác nhau. Khi thực dân Pháp đưa tù binh ra xét xử ở Tòa án binh, tôi được trạng sư Nguyễn Hữu Thọ mới từ Pháp về mở phòng luật sư tại Sài Gòn bào chữa. Theo luật của Pháp, mỗi tù nhân khi ra tòa được chọn trạng sư cãi bố thí.
Ông Nguyễn Hữu Thọ sau này tâm sự với tôi, từ lúc còn ở bên Pháp, ông đã có cảm tình và ủng hộ kháng chiến, nên khi về Sài Gòn, ông đã chủ động tìm việc để hỗ trợ cách mạng, và một trong số đó là trở thành trạng sư cho những tù binh Việt Minh. Nguyễn Hữu Thọ đã hai lần vào Khám Lớn Sài Gòn gặp tôi để nắm vấn đề và gợi ý cách nói trước tòa. Vì vậy, sau khi trạng sư bào chữa, chánh án cho phép tôi nói 15 phút, tôi tập trung vào Thỏa hiệp án, tố cáo Pháp đã vi phạm Thỏa hiệp án, bắt người. Luận án xong, tòa tuyên bố tha bổng. Như vậy, tôi đã ở tù 23 tháng và được thả. Khi ở tù được phát mỗi người một cái khăn, khi ra tù, tôi hỏi cai tù có được mang khăn ra không. Nó bảo được. Thế là ra tù tôi chỉ có bộ quần áo mặc trên người và cái khăn. Không biết đi đâu, tôi đến ngay văn phòng trạng sư Nguyễn Hữu Thọ ở đường La Grandière. Nguyễn Hữu Thọ tận tình khuyên tôi nên ra chiến khu, không ở lại Sài Gòn sẽ dễ bị bắt lại. Trạng sư cho tôi 5 đồng. Giá trị thời đó là rất lớn. Thế là tôi có tiền ăn được bữa cơm và có phòng ngủ…■
(Theo Tạp chí Phương Đông)