Một trong các sự kiện quốc tế mang tính chất “dậy sóng” trong thời gian qua là việc ba nước Mỹ, Anh và Úc tuyên bố chính thức thiết lập mối quan hệ đối tác an ninh ba bên tăng cường, viết tắt là AUKUS. Tên gọi lấy từ các chữ cái đầu tiên AUstralia – UK United Kingdom – US United States trong tên tiếng Anh của ba quốc gia Úc – Anh – Mỹ.
Sáng kiến đầu tiên của AUKUS là trong vòng 18 tháng tới, Hoa Kỳ và Anh Quốc, sẽ “hỗ trợ” để Úc có được tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Theo lộ trình, sẽ là 8 tàu ngầm, được sản xuất tại Nam Úc. Như vậy, Úc sẽ hủy bỏ việc đặt mua 12 tàu ngầm điện – diesel Barracuda của Pháp (trị giá gần 47 tỷ bảng). Tàu ngầm hạt nhân có khả năng tàng hình tốt hơn, đáp ứng yêu cầu ngăn chặn các mối đe dọa dưới đáy biển.
Nội dung chính được nêu lên của AUKUS là nhằm củng cố và hỗ trợ lợi ích của ba quốc gia thành viên trong các vấn đề quốc phòng và an ninh. Tăng cường chia sẻ thông tin, thúc đẩy sự hợp tác sâu rộng hơn trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ. Các bên cũng sẽ hợp tác trong các lĩnh vực mới nổi như mạng tin học, trí tuệ nhân tạo, tin học lượng tử và công nghệ ngầm dưới đáy biển. Tuy nhiên hợp tác tập trung chủ yếu vào tàu ngầm.
Thông tin về AUKUS được công bố khá bất ngờ, đã thu hút sự quan tâm mạnh mẽ của chính giới và truyền thông. Cả ba nước, Mỹ, Anh và Úc đều nhấn mạnh rằng AUKUS chỉ là mối quan hệ đối tác an ninh ba bên tăng cường. Có lẽ mọi việc không đơn giản như vậy. Chúng ta thấy gì qua sự kiện này?
1. AUKUS cho thấy chính sách xoay trục kiểu mới của Mỹ trong quá trình hoàn chỉnh chiến lược toàn diện mới về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, tập trung vào châu Á – Thái Bình Dương. Khu vực trọng điểm, ưu tiên trong chiến lược của Mỹ.
Trước khi AUKUS ra đời, Mỹ, Ấn Độ, Úc và Nhật Bản đã thành lập Bộ Tứ (QUAD). Do sự tham gia của các thành viên không đầy đủ, thái độ “nửa vời” của Ấn Độ, tính chất nước đôi của Nhật Bản, thiếu đường hướng rõ ràng của Mỹ… hoạt động của Bộ Tứ không hiệu quả. Cơ chế này ngày càng lộ rõ điểm yếu, không phát huy tác dụng, không đủ sức đối trọng với sự tăng cường hiện diện của Trung Quốc trên Biển Đông.
– Trong bối cảnh đó, AUKUS được thiết lập bổ sung cho Bộ Tứ. Mục tiêu cao nhất là kiềm chế sức mạnh quân sự, cũng như tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc, răn đe và ngăn chặn sự trỗi dậy cũng như những thách thức ngày càng tăng của Trung Quốc.
– Trước mắt, AUKUS tập trung vào việc đào tạo và trang bị, hiện đại hóa lực lượng hải quân để thực hiện các ưu tiên trong Chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ. Bảo đảm an ninh cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Đây là sự khởi đầu của mối quan hệ hạt nhân đặc biệt, trong đó Mỹ sẽ là nòng cốt. Các bên sẽ được phép tiếp cận, trao đổi vật liệu hạt nhân, công nghệ thông tin. AUKUS có quy mô không lớn, nhưng có khả năng tạo ra những đột phá, phù hợp với mục tiêu ưu tiên của mỗi nước thành viên.
Có thể coi cơ chế này như một cấu trúc an ninh ba bên mới trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Hiện chưa có cơ sở để coi đây là một “Liên minh quân sự” bởi lẽ chưa có thông tin về các nguyên tắc cơ bản của một liên minh quân sự ở cấp cao nhất, một hiệp ước phòng thủ chung. Tuy nhiên, liệu trong tương lai, cơ chế này có mở rộng và nâng cấp thành Liên minh quân sự hay không, thì đó là câu chuyện của thời gian.
2. Lý do gì thúc đẩy Mỹ lựa chọn Úc và Anh?
– Trên thế giới hiện chỉ có 6 quốc gia sở hữu tàu ngầm hạt nhân đó là Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga và Ấn Độ. Lần đầu tiên Mỹ chia sẻ công nghệ tàu ngầm hạt nhân cho Anh năm 1958. Đây là lần thứ hai, sau 63 năm Mỹ đồng ý (như một ngoại lệ duy nhất) chia sẻ công nghệ tối quan trọng với Úc. Tại sao?
Trước hết, Úc nằm giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, có vị trí địa chiến lược vô cùng quan trọng trong việc triển khai lực lượng hải quân tại khu vực. Úc là đồng minh tin cậy của Mỹ từ nhiều năm nay, lại nằm trong khối Thịnh vượng chung do Anh đứng đầu, là nước phát triển cao, thu nhập tính theo đầu người đứng thứ 10 trên thế giới.
Quan hệ giữa Úc và Trung Quốc đang ở thời điểm thấp nhất do những mâu thuẫn nảy sinh từ việc Úc đòi điều tra về nguồn gốc Covid-19 và Trung Quốc đã có những hoạt động trừng phạt, trả đũa Úc. AUKUS đáp ứng nhu cầu cấp thiết về an ninh, tạo cơ hội trở thành một quốc gia hùng mạnh, tăng vị thế, sức mạnh của Úc trước Trung Quốc. Úc có nhu cầu nâng cấp lực lượng hải quân để đối trọng với Trung Quốc. Tháng 6/2020, Thủ tướng Úc Scott Morrison đã công bố ngân sách 270 tỷ đô la trong vòng 10 năm để hiện đại hóa quân đội Úc, trong đó có việc mở rộng khả năng tấn công của Hải Quân. Úc cũng mong muốn có vai trò tích cực tại châu Á – Thái Bình Dương. Với tất cả những yếu tố trên, Úc tự định vị hướng về phía Hoa Kỳ.
Nước Anh là đồng minh lâu đời nhất, gắn bó và ủng hộ Mỹ mạnh mẽ đối với các hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông. Sau khi rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), Anh có nhu cầu khẳng định vị thế, củng cố đồng minh. Đại dịch Covid-19 làm trầm trọng thêm các thách thức về kinh tế. Việc tham gia vào AUKUS nằm trong chiến lược “Nước Anh toàn cầu” thời kỳ sau Brexit, tạo cơ hội cho Anh tham gia tích cực vào việc duy trì trật tự quốc tế và giúp Anh có mặt và có vị thế tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Về yếu tố kinh tế, việc cung cấp động cơ nguyên tử cho Úc cũng như tham gia vào hợp tác công nghệ tàu ngầm và quốc phòng sẽ tạo ra không ít công việc dành cho lao động chất lượng cao. Đáp ứng nhu cầu nâng cao tay nghề của Chính phủ Anh thời kỳ hậu Brexit.
Tất cả đều nằm trong tính toán của Mỹ để quyết định “duyệt” Úc và Anh vào danh sách đối tác chiến lược dài hạn, vừa đáng tin cậy vừa có đầy đủ năng lực tiếp nhận công nghệ tuyệt mật. Ba quốc gia sẽ gắn kết chặt chẽ và quyết tâm ngăn chặn những thách thức an ninh nhằm duy trì cân bằng cán cân quyền lực trong khu vực. Nâng cao năng lực đối phó với những thách thức của Trung Quốc.
3. Thấy gì qua quyết định thiết lập AUKUS, tác động và ảnh hưởng?
– AUKUS, thể hiện rõ ràng chính sách đối ngoại thực dụng của chính quyền Biden. Mỹ sẵn sàng loại bỏ đồng minh như EU, tạo ra một cơ chế an ninh mới với Anh và Úc khi thấy cơ chế Bộ Tứ kém hiệu quả. Tất cả nhằm phục vụ lợi ích cốt lõi của Mỹ ở châu á- Thái Bình Dương. Việc Mỹ sẵn sàng gạt EU sang một bên trong cuộc chơi là một ví dụ điển hình.
– Khác với chính quyền Trump, chính quyền Biden thực thi chính sách ngoại giao đa phương trên nhiều lĩnh vực. Biden lựa chọn cách cạnh tranh đặc biệt với Trung Quốc. Mỹ sẵn sàng kết nối, thành lập các liên minh mới, tạo dựng các cấu trúc mới theo những khuôn khổ mới, phù hợp với lợi ích của mình. Mỹ đang cố gắng tạo dựng hình ảnh mới, kéo các nước khác đi theo quan điểm của Mỹ. Tập hợp các đối tác truyền thống trong một mặt trận thống nhất để chuẩn bị các bước đi xa hơn trong tương lai.
– Trên thực tế, Hoa Kỳ đang điều chỉnh chiến lược. Tập trung các nguồn lực ngoại giao và quân sự sang châu Á, trong đó có Đông Nam Á. Có thể Mỹ nhận thấy vai trò kém nổi trội tại khu vực so với Trung Quốc cả về an ninh và kinh tế. Đây thực sự là một cuộc dịch chuyển địa chính trị của chính quyền Biden. Điều này sẽ giúp cân bằng quyền lực, ổn định và kiềm chế Trung Quốc trong tương lai.
– Để thực hiện ý đồ của mình, Mỹ bắt đầu tính toán cẩn thận hơn trong việc tập hợp, “phân cấp” đồng minh. Có thể thấy rõ Mỹ đang sắp xếp thứ tự đồng minh ưu tiên. Trước hết là các đồng minh chiến lược và đối tác tiềm năng để triển khai chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, sau đó mới tính đến châu Âu cũng như Trung Đông. Không thể không đề cập đến các lợi ích kinh tế được đem đến từ các hợp đồng nhiều chục tỷ đô la mà các tập đoàn công nghiệp quốc phòng của Mỹ sẽ được hưởng lợi từ sáng kiến này.
– Mặt khác, AUKUS thể hiện một cách tiếp cận mới về quốc phòng, an ninh. Chứng minh và minh họa cho chiến lược “răn đe tích hợp” mà Bộ trưởng quốc phòng Austin đã đề cập nhiều lần trong chuyến thăm Đông Nam Á vừa qua. Theo đó Mỹ “sẽ tăng cường hợp tác, phối hợp và kết nối tốt hơn” trong lĩnh vực quốc phòng với đồng minh và đối tác. Qua đó các đối tác và đồng minh sẽ tăng cường khả năng tự bảo vệ cũng như khả năng răn đe.
Hơn tất cả, AUKUS cho thấy cách tiếp cận mang tính chiến lược đối với phòng thủ tập thể. Nó không đơn giản chỉ là một sáng kiến nhất thời mà là một tính toán chiến lược dài hơi với những mục đích và ý đồ sâu xa, bao gồm cả việc ngăn cản Trung Quốc thực hiện việc tấn công Đài Loan. Bước đầu chính quyền Biden đã thành công trong việc huy động và tập hợp sức mạnh của từng nước để cảnh báo Trung Quốc, một đối thủ chiến lược có năng lực hải quân đủ sức thách thức Mỹ cho đến hiện tại.
Với cách tiếp cận này, trong tương lai sẽ tạo ra các vòng cương tỏa. Đó là Mỹ – Nhật – Hàn ở Đông Bắc Á và Mỹ – Anh – Úc ở Nam Á để ngăn chặn và cản bước những hoạt động bành trướng và thách thức của Trung Quốc trong khu vực.
4. Về tầm vóc toàn cầu, từ những phản ứng mạnh mẽ, đa chiều của các quốc gia, chúng ta có thể nhận thấy tác động sâu rộng và sức ảnh hưởng của sự kiện này.Một số quốc gia bày như Nhật Bản, Singapore, Canada, Philippines và một số quốc gia ASEAN khác hoan nghênh, coi cấu trúc này là một bước tiến trong việc duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực, giảm căng thẳng.
Một số quốc gia khác, đặc biệt là Trung Quốc lại coi AUKUS như một yếu tố thúc đẩy chạy đua vũ trang hạt nhân, gây bất ổn định trong khu vực và phản ứng rất mạnh mẽ. Pháp cho rằng tương lai của NATO sẽ bị đe dọa vì mâu thuẫn Mỹ – Anh – Pháp. Quan hệ giữa Mỹ và EU bị rạn nứt nghiêm trọng. Lòng tin của một số đối tác vào chính sách của Mỹ bị giảm sút.
Từ sự điều chỉnh chính sách của nhiều quốc gia trong thời gian qua cho thấy một xu thế tập hợp lực lượng mới đang manh nha hình thành. Mỗi quốc gia đều tìm cách tập hợp nhau lại để đối phó với những thách thức ngắn, trung và dài hạn. Xu thế chung là các nước đều mong muốn đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ, tránh phụ thuộc quá nhiều hoặc vào Mỹ, hoặc vào Trung Quốc trong cuộc cạnh tranh Mỹ – Trung ngày càng khốc liệt.
AUKUS cho chúng ta thấy rằng xử lý các vấn đề về an ninh, quốc phòng là vô cùng khó khăn và nhạy cảm. Điều quan trọng nhất là mỗi quốc gia phải đánh giá đúng thực chất, xử lý sao phù hợp để bảo đảm lợi ích cốt lõi, giữ vững vị thế của mình.■